nut

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

MỐI TƯƠNG QUAN ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ

MỐI TƯƠNG QUAN

ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ




       I.            DẪN NHẬP

Tự bản chất, Kitô giáo không phải là một hệ thống triết thuyết nhằm dung hợp sự khôn ngoan thông thái của nhân loại, nhưng là một mạc khải của Đấng tối cao. Đường nát tinh thần căn bản Kitô giáo không hệ tại vào tính vững chắc của những định chế hay tín điều tôn giáo, mà là thái độ rộng mở trong tương quan yêu thương, thân thiện và vị tha.


Lịch sử cho ta thấy văn hóa Kitô giáo phương Tây đã được hình thành từ những đối chất, những tiếp thu, những ứng dụng của Kitô giáo đối với triết học Hy lạp, La mã Cổ đại. Từ vị thế một đối thủ, triết học Hy – Lạp đã dần dần trở nên một người bạn thân thiện của niềm tin Kitô giáo. Tuy rằng, tiến trình này phải trải qua một thời gian dài và rất cam go, nhưng khi được tư tưởng Kitô giáo tiếp nhận, ứng dụng, thì nền văn hóa Hy lạp, La mã trở nên sinh động và hữu hiệu hơn bao giờ hết. Đồng thời, các tư tưởng triết học Hy Lạp – La trở thành một điểm tựa của niềm tin Kitô giáo, đặc biệt là qua những công trình xán lạn của các Giáo phụ và các nhà Kinh viện trong việc cố gắng tìm kiếm những điểm tương đồng giữa đức tinlý trí.

 Vốn là người luôn theo sát tư tưởng truyền thống thời các Giáo Phụ và các nhà Kinh Viện, Đức Giáo Hoàng Gioan PhaoLô II đã ban hành thông điệp “Đức Tin và Lý Trí” năm 1998 nhằm làm sáng tỏa mối liên hệ giữa đức tin và lý trí, bằng cách khẳng định chức năng và những khả năng của lý trí đi tìm chân lý và chứng minh giá trị phổ quát của đức tin.



Do đó, chúng ta có thể nói rằng giữa đức tin và lý trí có mối tương quan mật thiết, nó được xem như đôi cánh nâng cao tinh thần con người để có thể đạt đến chiêm ngưỡng một Đấng là chân lý. Thế nên trong thông điệp, Đức Thánh Cha đặc biệt đề cao Thánh Augustin (số 40), Thánh Anselme (số 42), và nhất là Thánh Thomas D`Aquin “vị tông đồ của chân lý” (số 43-44).



Bên cạnh đó, Đức Thánh Cha còn cho thấy hiện trạng đau thương trong trào lưu tư tưởng đó chính là sự phân cách đức tin và lý trí con người xem lý trí như là một dụng cụ để phục vụ những tính toán riêng của mình. Vậy để vấn đề được sáng tỏ chúng ta lần lượt tìm hiểu:



    II.            NỘI DUNG

1.      Lý Trí

1.1  Định nghĩa


Lý trí được coi là toàn bộ những chức năng hiểu biết tự nhiên của con người. Theo định nghĩa này lý trí bao gồm khả năng, quan niệm, phán đoán, lập luận và cả sự ý thức cảm giác, ghi nhớ là những chức năng khả giác, nhờ đó mà con người có được kinh nghiệm của sự vật. Lý trí không dừng lại ở việc thu nhập các sự kiện mà tìm cách thấu hiểu chúng. Ngoài ra, người ta thường phân biệt ba loại lý trí: lý trí tự nhiên, lý trí khoa học và lý trí triết học.

Lý trí tự nhiên: là trí thức có thể đạt được mà không cần một kỹ thuật nào hoặc một cố gắng có hệ thống nào. Đây là một hiểu biết có tính trực giác hơn là lý luận, sống động hơn là trừu tượng, nhưng thiếu phần sâu sắc bén nhạy. Lý trí tự nhiên giúp con người có thể biết giá trị sự vật, ý nghĩa cuộc sống, đồng thời ý thức được những giới hạn bất toàn của mình.

 Cấp độ cao hơn, lý trí khoa học: là hiểu biết có hệ thống nhằm đưa ra giải thích một sự vật lý khoa học là thành quả của sự dày công nghiên cứu, nhưng sự hiểu biết của nó có giới hạn, bởi nó chỉ nhằm nghiên cứu lãnh vực sự vật và đưa ra những định luật chi phối sự vật mà thôi.

Lý trí triết học: là một cố gắng hiểu biết vượt qua những giới hạn của lý trí khoa học. Nếu khoa học tìm hiểu sự cấu tạo hoặc những hiện tượng bên ngoài sự vật thì lý trí triết học cố gắng đưa câu giải đáp về sự tồn hữu của sự vật.



1.2   Vai trò của lý trí

2.      Đức tin

2.1   Định nghĩa



Đức tin là sự hiểu biết nhờ đó con người tham dự vào chân lý tuyệt đối của Thiên Chúa. Đức tin là nhận thức thần học thiên phú để nhờ đó một người có thể tin rằng những gì Chúa đã mạc khải đều đúng. Không phải vì thấy được chân lý bên trong ánh sáng của lý trí nhưng vì thế giá của Chúa, Đấng mạc khải chân lý đó và vì Chúa là Đấng không gạt ai cũng như không thể bị ai cũng lường gạt.



Nhờ đức tin, người Kitô hữu biết chân lý một cách chắc chắn. Nhờ chân lý ấy, con người biết được mình ở đâu, sẽ đi về đâu. Chính chân lý ấy làm cho con người được thật sự tự do. Quả vậy Đức Giêsu đã nói: “Nếu các con trung thành với lời của Chúa các con sẽ thực là môn đệ của Ta, các con sẽ biết chân lý và chân lý sẽ giải phóng các con”.



Vậy, chân lý tối hậu, tuyệt đối và đức tin có liên quan gì đến sự hiểu biết của con người không?.



2.2   Đức tin con đường dẫn tới chân lý



 III.            Mối tương quan giữa đức tin và lý trí



Như đã nói trong phần mở đầu lý trí là trí thông minh của con người, là tài năng nhờ đó chúng ta hiểu được những sự vật thuộc phạm vi tự nhiên. Còn đức tin là đôi cánh nâng cao sự hiểu biết, trí thông minh của con người vượt trên những sự vật thuộc phạm vi tự nhiên tới những mầu nhiệm ẩn giấu nơi Thiên Chúa được nêu lên để chúng ta tin. Những mầu nhiệm nay có thể biết được nhờ mặc khải. Lý trí và đức tin cả hai điều do Thiên Chúa ban cho. Do vậy, không có mâu thuẫn giữa đức tin và lý trí. Trong Tông Huấn ngày 9.11.1864 Đức Thánh Cha Piô IX có dạy rằng: “Đức tin và lý trí hỗ trợ cho nhau. Lý trí lành mạnh chứng minh, bênh vực và bảo vệ những chân lý đức tin”. Về phần mình đức tin giải thích cho lý trí khỏi mọi lầm lạc, soi sáng lý trí một cách kỳ diệu, làm cho lý trí được vững chắc và hoàn thiện những hiểu biết của lý trí. Điều ấy được “Giáo Hội cố gắng dùng sự khôn ngoan của các triết gia để làm sáng tỏ sứ điệp của Đức Kitô” (Mv 44) mà Đức Gioan Phaolô II trong thông điệp “ Đức tin và lý trí” đã nêu ra.



1.      Thánh Augustin



Trong công trình Kitô giáo hóa tư tưởng Plato và Tân Plato, cần nói tới tầm quan trọng của các giáo phụ nhất là Thánh Augustin. Vị tiến sĩ của Phương Tây này đã thực hiện tổng hợp triết học và thần học vĩ đại đầu tiên, bao gồm những luồng tư tưởng cả Hy Lạp lẫn La Tinh. Nơi Ngài toàn bộ tri thức đặt nền tảng trong tư tưởng Kinh Thánh (Thông Điệp Đức Tin và Lý Trí số 40). Thánh Kinh là nguồn chân lý không thể thay thế và lý trí thì rõ ràng là không thể thay thế cho Thiên Khải, nhưng để niềm tin Kitô giáo được vững chắc và được con người đón nhận, cần phải được luận giải, chứng minh bằng lý trí hầu làm cho niềm tin Kitô giáo minh bạch hơn.



 Thánh Augustin với câu nói bất hủ: “Hãy hiểu để tin và hãy tin để hiểu”, cho chúng ta thấy đức tin và lý trí có sự tác động biện chứng và gắn kết với nhau. Nhờ có lòng tin, con người nhận biết Thiên Chúa, nhờ có lý trí con người am tường được Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự. Vì thế, “con người nhờ ánh sáng tự nhiên của lý trí, có thể từ các tạo vật nhận biết cách chắc chắn có Thiên Chúa như nguyên lý và cứu cánh mọi sự” (Rm 1,20). Còn “đức tin được Chúa Thánh Thần soi sáng và nhận ra trong sứ điệp cứu độ sự sung mãn của ân sủng và chân lý” (Ga 1,14). Tuy đức tin và lý trí riêng biệt nhưng không bao giờ tách rời nhau trái lại bổ túc cho nhau. Hỗ trợ nhau, đức tin và lý trí dẫn con người đi tìm chân lý. Do “ân huệ Chúa Thánh Thần, con người nhờ đức tin đạt được sự khôn ngoan hiểu biết và chiêm ngắm ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa” (Eccl 17,7-8).



 Mặt khác, tin tưởng cũng là một hình thức suy tư. Thánh Augustin nói rằng: “hãy tin tưởng để rồi suy tư”. Do đó,  ước vọng hiểu biết là một đặc tính chung của mọi người. Trí tuệ có thể giúp cho chúng ta tin và tin vững chắc hơn, kín múc được tầng nước sâu của đặc sủng. Bên cạnh đó, thế giới và những gì xảy ra trong đó, cũng như những bước thăng trầm của lịch sử đều là những thực tại được nhìn nhận, được phán đoán bằng phương tiện riêng của lý trí. Vì thế, Đức tin không phải là một ý niệm chết cứng hay chỉ nhận thức một lần cho tất cả, mà đòi hỏi lý trí luôn khám phá và kiếm tìm. Con người tìm kiếm chân lý, trong từng biến cố, không phải bằng cách khép mình lại trong một ốc đảo, mà bằng sự khoan dung, cởi mở, hòa hợp chính mình với những biến cố đó, để có thể đón nhận những giá trị trội vượt hơn mình, và từ đó con người mới có lời đáp trả thỏa mãn và đầy tin tưởng. Triết học giúp con người nhất quán về tư duy và vững chắc về niềm tin chứ không phải chỉ là một thứ tri thức ngược chiều với niềm tin tôn giáo.



 Như vậy, tin và hiểu phải luôn song hành không thể tách riêng để đứng một mình. Một khi con người biết suy tư và hiểu biết thì con người sẽ xác tín niềm tin của mình đồng thời đức tin sẽ giải đáp được những thắc mắc cho những câu hỏi về con người cũng như xã hội và thế giới.



2.      Thánh Anselmo



Trong thần học kinh viện, lý trí được rèn luyện bởi triết học còn đóng một vai trò dễ thấy hơn nữa dưới sự thúc đẩy của Thánh Anselmo giải thích sự lĩnh ngộ đức tin. Thánh nhân khẳng định rằng lý trí và đức tin dẫn tới cùng một kết luận. Ngài theo truyền thống Augustin vốn chủ trương dung hòa lý trí để tìm hiểu nội dung đức tin. Chính vì thế, Anselmo đã đề tựa cho quyển Proslogion của Ngài là Fides quoerens intelletum “Đức tin tìm kiếm lý trí” nghĩa là đức tin phải được soi sáng bằng ánh sáng của lý trí, không những không hạ giá lý trí, đức tin còn hướng dẫn lý trí và cung cấp cho lý trí chất liệu để suy tư, giúp lý trí được mở rộng và kiện toàn hơn “Tôi tin để được am hiểu”, gắn liền với đức tin là việc người tin muốn biết rõ hơn về Đấng mình đã tin và hiểu rõ hơn về điều Ngài đã mặc khải, về phần mình một hiểu biết sâu xa hơn sẽ dẫn đến một đức tin lớn lao, luôn thấm đượm tình yêu hơn. Ơn đức tin mở “con mắt của trái tim” (Ep 1,18) để có một hiểu biết sống động về các nội dung của mặc khải.



Bên cạnh đó, Thánh Anselmo còn nhấn mạnh sự kiện trí khôn phải tìm kiếm điều nó yêu thích: càng yêu thích, nó càng muốn hiểu biết. Như thế, những tâm hồn luôn sống và hướng về chân lý bởi một nhận thức được nung nấu ngày càng mãnh liệt hơn bởi lòng yêu mến đối với điều họ nhận biết, đồng thời vẫn phải nhìn nhận rằng nhận thức ấy chưa đạt được điều nó khát khao: “Con được dựng nên để nhìn thấy Ngài, và con chưa làm được điều mà vì đó con được dựng nên” ( Saint Anselmo Proslogion). Nhờ vào nhận thức của Ngài người tín hữu nhận biết những chân lý mặc khải của đức tin thôi thúc lý trí tiến xa hơn nhưng để đạt được chân lý người tín hữu còn phải suy tư, tìm hiểu và khám phá ra những lý do để tin. Trong quyển Cur deus homo, Thánh Anselmo đã cố gắng giải thích tín điều về ơn cứu chuộc bằng những lý lẽ của trí khôn như sau: chính Chúa Giêsu phải chịu đau khổ và chết để cứu chuộc nhân loại, vì chỉ có sự hy sinh cao cả do một ngôi vị Thiên Chúa mới xóa nhòa được tội lỗi đã xúc phạm đến Thiên Chúa. Do đó, đức tin đem lại cho lý trí những hiểu biết mà lý trí không thể tìm ra, cũng giống như ống kính viễn vọng hoặc ống kính hiển vi tăng cường cho mắt, giúp mắt có thể nhìn thấy những vật ở rất xa, hoặc những vật cực nhỏ như thế nào, thì đức tin cũng tăng cường cho lý trí, giúp lý trí nhận thức được những điều thuộc về linh hồn và về Thiên Chúa như vậy.



Nói tóm lại, Thánh Anselmo không tìm cách khám phá chân lý về Thiên Chúa chỉ bằng lý trí mà thôi, những muốn sử dụng lý trí để hiểu điều mình tin. Thật vậy, trí khôn con người không thể thâm nhập vào sự sâu thẳm của Thiên Chúa mà đức tin lãnh hội, những đức tin tìm kiếm lý trí để “lý giải” những điều sâu thẳm ( x. số 42).



3.      Thánh Thomas D` Aquin



Mối tương quan đức tin và lý trí về sau được tư tưởng gia lỗi lạc Thomas D’Aquin tiếp tục phát triển và kế thừa có chọn lọc. Ngài lấy những tinh hoa của triết học làm nền tảng cho sự phát triển và khám phá mới, hầu làm cho sự tương quan này đạt đến đỉnh điểm của nó. Đối với Thánh Nhân, cả lý trí và đức tin đều là quà tặng của Thiên Chúa cho nhân loại.



Khác với Thánh Augustin, trong tư tưởng và học thuyết của Thánh Thomas, vai trò của lý trí và đức tin được phân định một cách rõ ràng hơn. Theo ngài, tất cả những chân lý đã biết được hay có thể biết được một cách hiển nhiên bằng trải nghiệm hay bằng chứng minh là thuộc về lĩnh vực lý trí, còn tất cả mọi chân lý không biết được bằng hiển nhiên mà chỉ duy nhất bằng mạc khải thì thuộc về lĩnh vực đức tin. Vì lẽ đó, Thánh Thomas cũng phân rõ ranh giới giữa triết học và thần học, nhưng không có sự đối lập giữa chúng. Ngài cho rằng, đối tượng của triết học là chân lý của lý trí, đối tượng của thần học là chân lý của niềm tin tôn giáo, còn Thiên Chúa là khách thể cuối cùng của cả triết học và thần học, là nguồn gốc và nền tảng của mọi chân lý (x. số 44). Do vậy: “dù đức tin vượt lên lý trí nhưng không bao giờ có sự xung khắc giữa đức tin và lý trí, vì cùng một Thiên Chúa mặc khải một mầu nhiệm và thông ban đức tin, là Đấng ban ánh sáng lý lẽ xuống trong trí khôn của nhân loại” (số 35).



 Bên cạnh đó, cả đức tin và lý trí đều là những tác động thông qua mạc khải và thái độ đón nhận của con người thông qua phản tỉnh, vì khi tin tưởng người tín hữu không chỉ được khích lệ bởi ý muốn chấp nhận đức tin mà còn nhờ vào sự soi sáng, ban ơn của Thiên Chúa. Còn khi tri thức, mỗi người được khích lệ bởi chính nhận thức xuất phát từ bản chất khao khát tìm kiếm chân lý của mình.



Quả thực, đức tin một cách nào đó “là sự tập luyện tư tưởng” lý trí của con người không bị tiêu diệt cũng không bị hạ nhục khi công nhận nội dung của đức tin, nội dung này luôn chấp nhận sự tự do và ý thức (x. số 43). Do đó, giữa triết học và thần học có một ranh giới, mỗi lĩnh vực có khả năng và trách nhiệm của riêng mình. Chúng có thể hỗ trợ cho nhau trên con đường tìm kiếm chân lý. Lý trí giúp cho đức tin sáng tỏ hơn và vững chắc hơn, đức tin chắp cánh cho lý trí đi xa hơn trong việc khám phá vũ trụ. Trong mối tương quan này nếu quá đề cao đức tin sẽ làm hạn chế vai trò của lý trí, làm cho nó không khai mở được những khám phá mới, không trả lời được những khúc mắc của thời đại. Tuy nhiên, cả đức tin và lý trí đều xuất phát từ Thiên Chúa và cuối cùng quy về Thiên Chúa nên không mâu thuẫn nhau.



4.      Sự phân chia giữa đức tin và lý trí



Vào thời cận đại giữa đức tin và lý trí đã xảy ra sự phân cách, những suy tư của các tư tưởng giáo phụ và những quan niệm của thời trung cổ đã thực hiện , nay đã bị thay thế bởi những nhận thức duy lý. Sự phân cách này đã khiến giữa đức tin và lý trí có một hố sâu xem ra có vẻ bi quan. Thực ra Đức Thánh Cha đang phân tích thực tế về tư tưởng thời đại, điều mà những hình thức nhân bản vô thần đã trình bày đức tin như điều độc hại, tha hóa đối với sự phát triển của lý trí sung mãn. Xét trên chính sự kiện hằng ngày trong cuộc sống thực dụng, hưởng thụ, vật chất là trên hết, ta cảm thấy hoang mang lo sợ cho tương lai. Tương lai nhân loại sẽ hình thành như thế nào trong sự phân rẽ giữa đức tin và lý trí? Sự phân rẽ ấy sẽ dẫn đến một hậu quả vô cùng nghiên trọng trong đời sống của nhân loại, khi mà mọi người chỉ tìm gặp Chúa trong niềm tin nhưng khi tương quan với nhau họ dùng chính lý trí để lượng giá, phán đoán. Vì thế không có một tư duy chắc chắn, mà không có niềm xác tín chân thật, niềm xác tín đó đương nhiên dẫn đến hành động là biểu lộ, tuyên xưng đức tin. Trong cuộc sống có biết bao nhiêu điều diễn ra trước mắt, nhưng ta nào có hiểu, thế nhưng vẫn tin vì lẽ đương nhiên của nó. Nhờ đó, mối tương quan giữa đức tin và lý trí cần được sự nổ lực, chăm chú để biện phân. Như vậy, nếu lý trí và đức tin đối đầu nhau thì cả hai sẽ trở nên nghèo nàn và suy yếu. Lý trí sẽ liều mình đánh mất phối cảnh của cứu cánh, nếu mất đi sự trợ lực của đức tin và đức tin mà thiếu lý trí có nguy cơ không còn là mệnh đề phổ quát.



Quả thực, “loại trừ lý trí, đức tin chỉ còn lại cảm giác và cảm nghiệm” (XXX). Vì thế, đức tin và lý trí cần phải hỗ trợ cho nhau, đức tin như ngọn “hải đăng” góp phần cho lý trí dẫn dắt “con thuyền” của mình cập bến “chân lý” cách tốt đẹp. Tuy nhiên, đức tin cần được kiểm chứng qua lối sống và hành động của con người, cần một tự lực để đức tin cần được thanh lọc và ngay thẳng. Từ đó, đức tin mới có khả năng đón nhận giá trị cứu độ mặc khải mà Kitô giáo đem đến. Những giá trị này vượt quá sự lập luận, hiểu biết của lý trí. Hay nói cách khác, đức tin hướng đến chân lý siêu nhiên.



 IV.            KẾT LUẬN



Tóm lại, những gì Thiên Chúa mặc khải và những gì lý trí con người khám phá không hề mâu thuẫn nhau. Nhưng Thiên Chúa chỉ mặc khải những gì cần thiết cho hạnh phúc của con người, chứ không mặc khải tất cả. Phần còn lại dành cho lý trí hiểu chân lý đức tin sâu xa hơn. Đức tin vượt trên trí hiểu, nhưng không mâu thuẫn, không nghịch nhau vì các thực tại trần thế và chân lý đức tin đều có chung một nguồn là chính Thiên Chúa, chỉ có Thiên Chúa mới là chân lý tuyệt đối. Trong thông điệp “Đức tin và lý trí” Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã mời gọi chúng ta hãy lướt thắng những ngăn trở sự phát triển đức tin và không cho con người nhận biết chân lý siêu nhiên của sự vật, và tính chất hiệp thông của thông điệp nhất là mối tương quan giữ đức tin và lý trí mà các tác gia đã trình bày, qua đó giúp cho người tín hữu nhận biết chính mình, nhận biết thế giới xung quanh và quan trọng là nhận biết Đấng đã làm cho thế giới có trật tự đó chính là Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ.

MAI THỊ HUYỀN TRINH- LIÊN DÒNG MTG PHAOLO NGUYỄN VĂN BÌNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét