nut

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

ĐỊNH NGHĨA LÝ TRÍ VÀ ĐỨC TIN

ĐỊNH NGHĨA LÝ TRÍ VÀ ĐỨC TIN

Lý trí được coi là toàn bộ những chức năng hiểu biết tự nhiên của con người. Theo định nghĩa này lý trí bao gồm khả năng, quan niệm, phán đoán, lập luận và cả sự ý thức cảm giác, ghi nhớ là những chức năng khả giác, nhờ đó mà con người có được kinh nghiệm của sự vật. Lý trí không dừng lại ở việc thu nhập các sự kiện mà tìm cách thấu hiểu chúng. Ngoài ra, người ta thường phân biệt ba loại lý trí: lý trí tự nhiên, lý trí khoa học và lý trí triết học.

Lý trí tự nhiên: là trí thức có thể đạt được mà không cần một kỹ thuật nào hoặc một cố gắng có hệ thống nào. Đây là một hiểu biết có tính trực giác hơn là lý luận, sống động hơn là trừu tượng, nhưng thiếu phần sâu sắc bén nhạy. Lý trí tự nhiên giúp con người có thể biết giá trị sự vật, ý nghĩa cuộc sống, đồng thời ý thức được những giới hạn bất toàn của mình.

Cấp độ cao hơn, lý trí khoa học: là hiểu biết có hệ thống nhằm đưa ra giải thích một sự vật lý khoa học là thành quả của sự dày công nghiên cứu, nhưng sự hiểu biết của nó có giới hạn, bởi nó chỉ nhằm nghiên cứu lãnh vực sự vật và đưa ra những định luật chi phối sự vật mà thôi.

Lý trí triết học: là một cố gắng hiểu biết vượt qua những giới hạn của lý trí khoa học. Nếu khoa học tìm hiểu sự cấu tạo hoặc những hiện tượng bên ngoài sự vật thì lý trí triết học cố gắng đưa câu giải đáp về sự tồn hữu của sự vật.

Ngoài ba loại lý trí trên, người Kitô hữu còn tự cho mình có một loại trí thức nữa, đó là trí thức của đức tin.

Đức tin là sự hiểu biết nhờ đó con người tham dự vào chân lý tuyệt đối của Thiên Chúa. Đức tin là nhận thức thần học thiên phú để nhờ đó một người có thể tin rằng những gì Chúa đã mạc khải đều đúng. Không phải vì thấy được chân lý bên trong ánh sáng của lý trí nhưng vì thế giá của Chúa, Đấng mạc khải chân lý đó và vì Chúa là Đấng không gạt ai cũng như không thể bị ai cũng lường gạt.

Nhờ đức tin, người Kito hữu biết chân lý một cách chắc chắn. Nhờ chân lý ấy, con người biết được mình ở đâu, sẽ đi về đâu. Chính chân lý ấy làm cho con người được thật sự tự do. Quả vậy Đức Giêsu đã nói: “Nếu các con trung thành với lời của Chúa các con sẽ thực là môn đệ của Ta, các con sẽ biết chân lý và chân lý sẽ giải phóng các con”.

Vậy, chân lý tối hậu, tuyệt đối và đức tin có liên quan gì đến sự hiểu biết của con người không?.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét