THÁNH AUGUSTIN
Trong công trình Kitô giáo hóa tư tưởng Plato và Tân Plato, cần nói tới tầm quan trọng của các giáo phụ nhất là Thánh Augustin. Vị tiến sĩ của Phương Tây này đã thực hiện tổng hợp triết học và thần học vĩ đại đầu tiên, bao gồm những luồng tư tưởng cả Hy Lạp lẫn La Tinh. Nơi Ngài toàn bộ tri thức đặt nền tảng trong tư tưởng Kinh Thánh (Thông Điệp Đức Tin và Lý Trí số 40). Thánh Kinh là nguồn chân lý không thể thay thế và lý trí thì rõ ràng là không thể thay thế cho Thiên Khải, nhưng để niềm tin Kitô giáo được vững chắc và được con người đón nhận, cần phải được luận giải, chứng minh bằng lý trí hầu làm cho niềm tin Kitô giáo minh bạch hơn.
Thánh Augustin với câu nói bất hủ: “Hãy hiểu để tin và hãy tin để hiểu”, cho chúng ta thấy đức tin và lý trí có sự tác động biện chứng và gắn kết với nhau. Vì thế, “con người nhờ ánh sáng tự nhiên của lý trí, có thể từ các tạo vật nhận biết cách chắc chắn có Thiên Chúa như nguyên lý và cứu cánh mọi sự” (Rm 1,20). Còn “đức tin được Chúa Thánh Thần soi sáng và nhận ra tron sứ điệp cứu độ sự sung mãn của ân sủng và chân lý” (Ga 1,14). Tuy đức tin và lý trí riêng biệt nhưng không bao giờ tách rời nhau trái lại bổ túc cho nhau. Hỗ trợ nhau, đức tin và lý trí dẫn con người đi tìm chân lý. “ Do ân huệ Chúa Thánh Thần, con người nhờ đức tin đạt được sự khôn ngoan hiểu biết và chiêm ngắm ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa” (Eccl 17,7-8). Mặt khác, tin tưởng cũng là một hình thức suy tư. Thánh Augustin nói rằng: “ Một người không có khả năng suy tư thì không có khả năng tin tưởng”. Ước vọng hiểu biết là một đặc tính chung của mọi người. Trí tuệ có thể giúp cho chúng ta tin và tin vững chắc hơn, kín múc được tầng nước sâu của đặc sủng. Mặt khác, thế giới và những gì xảy ra trong đó, cũng như những bước thăng trầm của lịch sử đều là những thực tại được nhìn nhận, được phán đoán bằng phương tiện riêng của lý trí. Vì thế, Đức tin không phải là một ý niệm chết cứng hay chỉ nhận thức một lần cho tất cả, mà đòi hỏi lý trí luôn khám phá và kiếm tìm. Con người tìm kiếm chân lý, trong từng biến cố, không phải bằng cách khép mình lại trong một ốc đảo, mà bằng sự khoan dung, cởi mở, hòa hợp chính mình với những biến cố đó, để có thể đón nhận những giá trị trội vượt hơn mình, và từ đó, con người mới có lời đáp trả thỏa mãn và đầy tin tưởng. Triết học giúp con người nhất quán về tư duy và vững chắc về niềm tin chứ không phải chỉ là một thứ tri thức ngược chiều với niềm tin tôn giáo. Như vậy, tin và hiểu phải luôn song hành không thể tách riêng để đứng một mình, dù như thế nó sẽ dẫn đến một tình trạng “chân lý không chân lý”. Một khi con người biết suy tư và hiểu biết thì con người sẽ xác tín niềm tin của mình đồng thời đức tin sẽ làm cho con người giải đáp được những thắc mắc cho những câu hỏi về con người cũng như xã hội và thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét