nut

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

THÔNG ĐIỆP FIDES ET RATIO

ÐẠI CƯƠNG VỀ THÔNG ÐIỆP FIDES ET RATIO CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II





Gần đây Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhấn mạnh nhiều về vai trò của đức tin và lý trí trong những bài nói chuyện của Ngài. Để giúp các bạn trẻ có một cái nhìn tương đối đầy đủ về sự liên quan giữa đức tin và lý trí, chúng tôi mạn phép dịch bài tóm tắt Thông Điệp “Fides et Ratio - Đức Tin và Lý Trí” của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II của GS. Phillip B. Liescheski để chia sẻ với các các bạn.



Tại sao Ðức Thánh Cha [Gioan Phaolô II] lại viết một thông điệp về đức tin và lý trí? Có phải vì đức tin và lý trí đối nghịch với nhau? Có phải vì chúng ta đang sống trong thời kỳ mất đức tin không? Nhưng tại sao ngài lại gồm cả lý trí? Ðức tin và lý trí có liên hệ gì với nhau? Ðức tin có cần lý trí không và ngược lại lý trí có cần đức tin không? Có phải lý trí bị lâm nguy trong thời đại khoa học kỹ thuật không? Đức Thánh Cha nói đến những vấn đề này và nhiều vấn đề khác trong Thông Ðiệp Đức Tin và Lý Trí.



Ít ra đối với phần đông Kitô hữu (kể cả anh em Tin Lành), chúng ta có một căn bản chung là Thánh Kinh. Thực sự là có những sự bất đồng trong việc giải thích và quy điển Thánh Kinh giữa Công Giáo và Tin Lành, nhưng vẫn có nhiều điểm tương đồng. Thánh Kinh có thể dùng làn nền tảng cho những cuộc đối thoại trí thức giữa Công Giáo và Tin Lành. Nhưng đối với những người vô thần và vô tri, thì nền tảng chung trở nên mờ ảo hơn. Vì họ phủ nhận sự hiện hữu hay vai trò quan trọng của Thiên Chúa, nên Lời Ngài càng không đáng tin cậy đối với họ. Chỉ có thể còn một nền tảng chung là lý trí. Như Thánh Phêrô viết: "Anh em hãy luôn sẵn sàng giải thích cho bất cứ ai hỏi anh em về lý do của niềm hy vọng của anh em, nhưng hãy làm điều đó với sự khoan dung và kính cẩn" (1 Phr 3:15-16). Tiếc rằng một số người vô thần có thể cũng vô lý và giáo điều như một số Kitô hữu. Chúng ta nên nhớ, như Thông Ðiệp này đã nhận ra, rằng: "Nếu con người với trí thông minh không nhận ra Thiên Chúa là Ðấng Sáng Tạo mọi sự, không phải vì họ thiếu phương tiện, nhưng vì ý chí tự do và tội lỗi của họ cản đường" (Fides et ratio 19).



Tôi không phải một triết gia chuyên nghiệp, nên theo một nghĩa nào đó, tôi không đủ khả năng nói bài này. Nhưng theo một nghĩa khác, triết học ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, nên chúng ta cần nhận chân được chiều hướng hiện tại của nó. Triết lý là nền tảng của các hệ thống chính trị, Mácxít chẳng hạn. Tất cả chúng ta là những tư tưởng gia đang cố công thu thập kiến thức. Tin đồn đương nhiên là một thí dụ xấu của nhu cầu này.Tất cả chúng ta đều muốn biết sự thật. Có người muốn đánh lừa người khác, nhưng rất ít người muốn bị đánh lừa. Thông điệp này nói về những vấn đề có ảnh hưởng đến tất cả chúng ta.



Hy vọng rằng có một giây phút nào đó chúng ta suy tư về mục đích của đời mình. Phải chăng chúng ta chỉ là một quái vật ngẫu nhiên sinh ra trong vũ trụ cần một mục đích, hay là chúng ta được dựng nên với một mục đích? Thông Ðiệp này mở đầu bằng những câu hỏi như "Tôi là ai? Tôi từ đâu đến và tôi đang đi về đâu? Tại sao có sự dữ? Sau cuộc đời này còn có gì?" Những câu trả lời (hay không có câu trả lời) cho những vấn nạn căn bản này về ý nghĩa cuộc đời "quyết định hướng đi mà con người tìm kiếm cho đời sống mình" (Ibid.).



Mặc dù sống trong thời đại khoa học, chúng ta vẫn có thể còn rất nhiều phi lý. Chúng ta nghe nói nhà trường đã thất bại trong việc giáo dục thế hệ tương lai như thế nào. Cũng như vì truyền hình, truyền thanh, báo chí tuyên bố rằng họ có những câu trả lời, nên chúng ta không cần phải suy nghĩ. Chúng ta đơn thuần chấp nhận những xu hướng phổ thông mà không thắc mắc gì cả. Theo thiển ý của tôi, khoa học và kỹ thuật đã làm cho chúng ta trở thành những người suy nghĩ cụ thể. Chúng ta càng ngày càng quan tâm đến thế giới vật chất và nhận thức giác quan của chúng ta về nó. Thuế má và thuốc ngừa bệnh có thể giải quyết những vấn nạn xã hội. Ðã lâu rồi, khi học đại số trừu tượng, tôi đã than với vị giáo sư là tôi không thấy thoải mái về đề tài này. Trong lớp tôi học được, nhưng tôi cảm thấy bị lạc, hay ít ra, tôi nghĩ là mình thiếu một điều gì quan trọng. Câu trả lời của vị giáo sư là: "Ờ, nó trừu tượng mà!" Khi đó tôi mới nhận ra rằng mình cũng là một người suy nghĩ cụ thể.



Dù chúng ta cho rằng mình đang sống trong "thời đại của lý trí", vậy mà lý trí tân thời vẫn có những trở ngại lớn lao. Trở ngại đầu tiên mà Đức Thánh Cha đề cập đến là "Hoài Nghi". Vì chỉ suy nghĩ cách cụ thể nên chúng ta rất dễ bỏ qua những tư tưởng trừu tượng. Theo thuyết Hoài Nghi thì chỉ có những kiến thức thu lượm được do quan sát những gì là vật chất là quan trọng. Chúng ta chỉ biết nhờ ngũ quan. Những kiến thức liên quan đến những tư tưởng trừu tượng, như tình yêu, thẩm mỹ và Thiên Chúa là những ý nghĩ ngu xuẩn hay kỳ quặc. Những quan niệm trừu tượng như tự do và công lý cũng bị xuyên tạc hoặc phải đi đôi với những gì cụ thể. Thuyết Hoài Nghi cho rằng lý trí chỉ giới hạn bởi những gì giác quan cảm nhận. Tư tưởng nào vượt ra ngoài những gì là vật chất đều không quan trọng.



Trở ngại thứ nhì với lý trí tân thời là sự tự trị và độc lập giả tạo. Sự tự trị giả tạo này của lý trí gọi là "Chủ Nghĩa Duy Lý". Chủ Nghĩa Duy Lý cho rằng kiến thức của con người không cần đến đức tin. Tất cả mọi kiến thức mà chúng ta cần đều có thể tự kiểm chứng được bằng giác quan và kinh nghiệm cá nhân của mình. Chúng ta không cần phải tin gì cả vì chúng ta có thể tự chứng minh được. Lý trí thay thế đức tin. Tiếc rằng sự tự tin này thiếu thành thật. Vì bị giới hạn bởi thời gian và tài nguyên, ngay cả các khoa học gia cũng phải nhìn nhận một ít ý thức về đức tin, có thể đó không phải là siêu nhiên. Theo Thông Ðiệp này, "con người - người tìm chân lý - cũng là người sống theo đức tin" (Fides et ratio, 31).



Bây giờ đối với tất cả nhân loại, có hai cách để biết: đức tin và lý trý. Ðức tin là biết qua sự tin tưởng. Lý trí là biết qua suy nghĩ, quan sát hay kinh nghiệm cá nhân. Chúng ta cần cả hai cách để biết. Sự hiểu biết nhờ lý trí mà thôi thì quá giới hạn. Cả hai cần phải cùng nhau phát triển. Thí dụ, tôi chưa bao giờ đến Paris. (Tôi hầu như đến đó, nhưng chuyến bay của tôi bị quay trở lại). Tôi không có kinh nghiệm trực tiếp về thành phố này. Lúc này trong đời tôi, tôi chỉ tin rằng thành phố này có thật. Tôi phải tin rằng có Paris qua niềm tin; tuy nhiên, niềm tin tự nhiên này không phải là một "bước mù quáng". Tôi có đủ lý do để tin rằng Paris thật sự là một thành phố. Có một điểm hội tụ của các chứng cớ: tôi nghe bạn bè đã ở đó nói về thành phố ấy. Tôi đọc nhiều sách, báo cáo và các bài báo liên quan đến Paris. Có thể bạn tôi nói dối, và các bài báo có thể sai, nhưng vẫn khó mà chấp nhận rằng tất cả đều sai.



Các khoa học gia phải lệ thuộc vào niềm tin tự nhiên. Họ phải tin tưởng nhau. Mỗi khoa học gia không có thì giờ và tài nguyên để tự mình kiểm chứng tất cả mọi thí nghiệm và đo lường. Họ phải tin vào những bài viết về khoa học. Vậy niềm tin là kiến thức được nuôi dưỡng bằng sự liên hệ cá nhân, và chúng ta cần có niềm tin. Trong khoa học niềm tin này được nuôi dưỡng bằng "cộng đồng khoa học". Niềm tin này không phải là một "bước mù quáng" nhưng được hỗ trợ bằng lý trí. Những bài viết trên các sách báo khoa học được duyệt xét cẩn thận bởi các khoa học gia khác. Nếu một khoa học gia nào có bằng chứng là thiếu lương thiện, thì niềm tin này bị tan vỡ, và công việc của người đó bị mất tín nhiệm. Người đó phải giải nghệ.



Vậy đức tin cũng thúc đẩy chúng ta theo đuổi lý trí. Theo Thông Ðiệp này, "Chính đức tin hướng dẫn lý trí vượt qua mọi cô lập và sẵn sàng mạo hiểm để nó có thể đạt được những gì là chân, thiện, mỹ. Ðức tin như thế trở nên biện hộ vững chắc và hợp lý cho lý trí" (Fides et ratio, 56). Tất cả khoa học vật lý trên căn bản cho rằng chúng ta có thể tìm hiểu được vũ trụ vật chất. Vũ trụ tự nó đáng được nghiên cứu và không đơn giản để khám phá. (Khoa học nghiên cứu về vũ trụ để biết vũ trụ là gì, trong khi kỹ thuật và kỹ sư nghiên cứu vũ trụ để chế ngự nó). Không có điều căn bản này, là một niềm tin chưa chứng minh được, rất ít người muốn bỏ giờ ra nghiên cứu vũ trụ và những điều cơ bản của vật chất. Hãy trực diện điều này: nghề nghiệp của các kế toán gia và y tá thì vững chắc hơn nghề nghiệp của các khoa học gia. Thông điệp này nhìn nhận rằng, "Chính và cũng một Thiên Chúa là Ðấng đảm bảo điều dễ hiểu và hợp lý của trật tự tự nhiên của vạn vật mà các nhà khoa học dựa vào một cách đầy tin tưởng, và là Ðấng tỏ mình ra là Cha của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" (Feides et ratio, 34). Ở đây, Đức Thánh Cha dẫn chứng về Galilêô trong chú thích số 29: "Thánh Kinh và thế giới tự nhiên đều tiến hành cách bình đẳng từ Lời Thiên Chúa, Thánh Kinh được Chúa Thánh Thần viết, thế giới tự nhiên thừa hành cách trung tín lề luật của Thiên Chúa".



Trong năm cuối cùng của chương trình Tiến Sĩ của tôi, những thí nghiệm của tôi vẫn chưa đem lại kêt quả mỹ mãn. Những thí nghiệm này đáng lẽ phải đem lại kết quả tốt, nhưng có một việc gì lạ lùng xảy ra. Tôi thất vọng và hầu như tuyệt vọng. Tôi than thở với giáo sư giám hộ của tôi. Ông trả lời: "Hỡi kẻ yếu tin!" Dầu tôi đang theo đuổi một văn bằng cao cấp về khoa học ở một đại học đời, tôi vần cần lòng tin để giúp tôi vượt qua những lúc khó khăn.



Như kết quả của đức tin siêu nhiên vào một Ðấng Tạo Hóa thông minh, là Ðấng không muốn lừa dối ai, khoa học hiện đại phát sinh từ Kitô Giáo thời trung cổ. Người Trung Hoa và Hy Lạp cổ xưa là những người rất thông minh. Người Trung Hoa khám phá ra thuốc súng, hỏa tiễn đầu tiên và la bàn. Người Hy Lạp phát minh ra máy hơi nước và hình học. Nhưng vì các tôn giáo có tính cách phiếm thần, họ không tin vào sự dễ hiểu của vũ trụ. Người Hy Lạp tin rằng thiên nhiên là thần thánh nên không thể hiều thấu được. Những người này có óc thông minh, nhưng không có hứng thú để theo đuổi khoa học. Theo Stanley Jaki thì khoa học trong những nền văn hóa này còn 'phôi thai".



Tức cười là "thuyết Darwin, " thuyết tiến hóa vô thần, cho rằng vũ trụ là một quái thai của sự ngẫu nhiên. Nếu vũ trụ là một sự tình cờ, thì nó có đáng cho chúng ta nghiên cứu không? Một sự ngẫu nhiên thì không có mục đích gì. Và thường những gì xảy ra tình cờ thì cũng lộn xộn. Nếu trên căn bản vũ trụ lộn xộn, thì nó không thể hiểu thấu được. Quyết đoán này của Darwin có thể đem đến cho những ai muốn nghiên cứu khoa học những nghi ngờ. Thuyết Darwin không chỉ đả phá Kitô giáo mà còn đả phá cả những khích lệ cơ bản cho việc theo đuổi khoa học.



Nhưng đức tin siêu nhiên thì sao? Ðức Tin siêu nhiên là nền tảng cho Kitô giáo. Nó liên quan đến lý trí tự nhiên thế nào? Theo Thông Ðiệp, "Mặc dầu đức tin, một món quà Thiên Chúa ban, không dựa trên lý trí, chắc chắn không được ban phát với lý trí. Đồng thời rõ ràng là lý trí cần phải được củng cố bằng đức tin để khám phá ra những chân trời ngoài phạm vi của nó" (Fides et ratio, 67). Lý trí có thể mở trí khôn cụ thể của chúng ta ra để rồi ý chí chúng ta dễ đón nhận ân sủng của đức tin siêu nhiên. Thí dụ câu hỏi căn bản "Tại sao có còn hơn không?" (Fides et ratio, 76) có thể làm cho chúng ta nhận ra rằng có một cái gì thiếu sót nếu chỉ dùng cảm quan. Lý trí cũng giúp đức tin không sa vào mê tín dị đoan. Lý trí có thể phê phán đức tin của chúng ta. Thông Ðiệp này nói rằng: "Thật là một ảo tưởng khi nghĩ là một đức tin, được liên kết với những lý lẽ yếu ớt, có thể là đức tin sâu sa hơn; ngược lại, đức tin đó dễ bị sa lầy vào hoang đường và mê tín" (Fides et ratio, 48). Một lạc giáo liên quan đến đức tin là thuyết "Duy Tín", cho rằng đức tin siêu nhiên thì quá trổi vượt trên lý lẽ tự nhiên đến nỗi lý trí không có ích gì cho đức tin. Tiếc thay Thuyết Duy Tín làm cho đức tin trở nên một sự tin tưởng cá nhân hay một "bước mù quáng". Như Thánh Phêrô đã khuyến khích rằng lý trí có thể giúp chúng ta giải thích đức tin một cách hay hơn cho những người không có cùng một niềm tin như chúng ta. Ngược lại, đức tin siêu nhiên có thể cung cấp cho lý trí một sức sinh động và mới mẻ. Một lần nữa, theo Thông điệp: "Cũng thế, lý trí mà không liên kết với một đức tin trưởng thành thì không được thúc đẩy nhìn đến sự mới mẻ và căn bản của sự vật" (Fides et ratio, 48). Ðức tin có thể giải thoát lý trí khỏi sự lệ thuộc hoàn toàn vào cảm quan. Như trong khoa học, đức tin có thể thúc đẩy chúng ta theo đuổi các lý lẽ xa hơn nữa để thu lượm được nhiều kiến thức. Theo kết luận của Thông Ðiệp: "Hội Thánh vẫn tin tưởng một cách sâu xa rằng đức tin và lý trí ‘hỗ tương nhau’; chúng ảnh hưởng lẫn nhau khi chúng trao đổi những phê phán làm cho nhau thêm tinh tuyền, và khuyến khích nhau trong việc theo đuổi tìm kiếm để hiểu biết sâu xa hơn” (Fides et ratio, 100).



Mặc dù tôi đã nói chính về đức tin và lý trí, vì đề tài của Thông Ðiệp là "Ðức Tin và Lý Trí", Thông Ðiệp này thực ra cũng quan tâm đến liên quan giữa triết học và thần học. Cả hai đều cần sự tự trị hợp lý, nhưng chúng có hiệu quả hơn nếu chúng tác động lẫn nhau. Triết học là một khối kiến thức được xắp xếp có thứ tự để giải thích một điều gì. Tương tự như lý trí, nó bắt đầu từ cảm quan. Trái lại, thần học cũng là một khối kiến thức nhằm mục đích giải thích một điều gì, nhưng nó bắt đầu từ Lời Chúa mặc khải. Nó liên quan đến cả đức tin lẫn lý trí. Vì hai môn học đó bắt nguồn từ hai khởi điểm khác nhau, nên chúng cũng khác nhau. Nhưng chúng ta có thể dùng cả hai để hiểu thêm về Thiên Chúa. Dựa vào thế giới tự nhiên dễ hiểu, triết học có thể dùng lý luận để chứng minh rằng có Thiên Chúa như là một Nguyên Lý Tuyệt Ðối. Nhưng triết học không thể biết gì về Chúa Ba Ngôi. Chỉ nhờ mặc khải và thần học mà chúng ta mới hiểu biết hơn về Thiên Chúa là Chúa Ba Ngôi.



Trước khi kết luận, Đức Thánh Cha đã vạch ra một số dòng tư tưởng triết học hiện đại mà trên căn bản có tính cách sai lạc. Trước hết, "Thuyết Chiết Trung", như tên của nó ám chỉ, là một phương thức vay mượn tư tưởng từ nhiều triết lý khác nhau mà không quan tâm đến sự thích hợp hay mạch lạc nội tại của chúng. Nó là "một mớ tư tưởng hỗn tạp". Thứ nhì, "Thuyết Duy Sử" cho rằng không có chân lý nào vượt thời gian cả. Một điều đúng ở giai đoạn lịch sử này có thể sai ở giai đoạn lịch sử khác. Nó liên quan mật thiết với Thuyết Ðổi Mới. Kế đến là thuyết "Duy Khoa Học", tương tự như thuyết Duy Lý và thuyết Duy Nghiệm, cho rằng chuúg ta chỉ có thể thu thập được những kiến thức chắc chắn qua những phương pháp khoa học. Nó cho người ta cảm giác rằng những gì kỹ thuật có thể làm được thì theo luân lý cũng được phép làm. "Thuyết Duy Thực", là thuyết rất phổ thông ở Anh Quốc và Hoa Kỳ, là một thái độ tư tưởng trong đó quyết định được dựa trên kết quả và sự thực dụng. Tất cà những cân nhắc có tính cách lý thuyết đều bị bác bỏ. Bất cứ hành động nào đem lại kết quả mong muốn đều là hành động tốt. Sau hết tất cả những triết thuyết trên đưa đến "Thuyết Hư Vô". Ðó là việc chối bỏ nhân phẩm và số phận đời đời của con người. Hư vô là một kết luận hợp lý cuối cùng và chân thật rằng không có Thiên Chúa chúng ta không là gì cả. Ðó là sự tuyệt vọng của thuyết vô thần. Những triết thuyết này có khuynh hướng chối từ sự cần thiết Thiên Chúa và tuyên xưng một sự tự lập giả tạo. Như Thông Ðiệp ghi nhận: "Vì thế giới được tạo dựng không thể tự túc, mọi ảo ảnh về tự lập trong đó chối từ sự lệ thuộc cần thiết vào Thiên Chúa của mọi tạo vật - kể cả loài người - đều đưa đến những hoàn cảnh bi đát làm tan vỡ việc tìm kiếm hợp lý sự hòa hợp và ý nghĩa của đời sống con người" (Fides et ratio, 80).



Tóm lại, vì hoàn cảnh con người của chúng ta, chúng ta cần cả đức tin lẫn lý trí để phát huy kiến thức. Cả hai phải đi song đôi với nhau. Vì tôi không phải là một triết gia mà cũng không phải là một thần học gia, nên xin ngừng ở đây. Xin đọc Thông Ðiệp này. Cám ơn quý vị vì thì giờ và sự kiên nhẫn quý vị dành cho tôi.



(Nguồn: Phillip B. Liescheski, ngày 14/5/1999, do Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét