Đời sống linh mục là một đời sống khó khăn
T5, 21/07/2011 - 11:50
Thưa những anh em của tôi trong đời sống linh mục, đời sống của chúng ta không phải là một đời sống dễ dàng. Một số người đã chọn cho mình đời sống trong những đan viện khắc khổ có lẽ không lạ gì khi mình đang có một đời sống khó khăn vất vả. Bất cứ ai quen thuộc với đời sống của một đan sĩ Xitô hay một ẩn sĩ dòng Thánh Brunô hẳn biết rằng các vị này cam kết sống một đời sống từ bỏ và đền tội mà tu luật của họ đề ra. Khi nhìn thoáng qua, dường như đời sống của một linh mục đang làm việc mục vụ có vẻ dễ dàng hơn. Vì có tiền trong túi (có thể là không nhiều), xem ra chúng ta cũng tự do, và đời sống chúng ta coi như chẳng phải quá khắc khổ hay quá khắc nghiệt. Rồi một lúc nào đó bỗng có những giáo dân đến hỏi nhiều người linh mục chúng ta rằng: “Dạ thưa cha, cứ sáng cha làm lễ xong rồi cả ngày cha làm gì vậy?”. Điều ngụ ý ở đây là một khi đã làm lễ xong chúng ta chẳng còn gì phải làm nữa, và điều này có thể chẳng có gì là quá xa vời so với sự thật.
Đời sống linh mục là một đời sống khó khăn. Mỉa mai thay, chúng ta đã có thể có nhiều ơn gọi linh mục hơn nữa nếu như những người trẻ của chúng ta nhận thấy đời sống của chúng ta thật sự là một đời sống không dễ dàng. Rất nhiều những bạn trẻ quảng đại muốn cam kết cuộc sống của họ trong một đời sống đầy thách đố, nhưng đem lại một ý nghĩa cao đẹp nhất định nào đó. Có lẽ đây là một trong những lý do tại sao gần đây những nhóm tu hành khó khăn hơn và truyền thống hơn lại gia tăng ơn gọi rất nhiều. Người trẻ ao ước một đời sống mang ý nghĩa và đầy thách thức. Đời sống linh mục, nếu sống với sự chân thật, chính là một đời sống như thế.
Một trong những điều khó khăn cho những linh mục đang sống trong giai đoạn hoàn toàn cho công tác mục vụ của mình đó là sự khổ chế về thời gian. Thời gian của chúng ta không còn là của riêng chúng ta nữa. Một cha xứ hay một cha tuyên uý gần như luôn sống trong tình trạng sẵn sàng và khẩn cấp ngày cũng như đêm. Người ta sẽ thật sự kêu đến chúng ta bất cứ khi nào. Người cha hay người mẹ có đứa con vừa qua đời sẽ kêu ngay đến vị linh mục. Những em nhỏ trong bệnh viện đang đau buồn nhìn cha mẹ của mình quằn quại trên giường bệnh sẽ chạy tới vị linh mục và mong chờ được ngài tới viếng thăm. Những người cô đơn và gặp rắc rối sẽ tìm đến chúng ta để mong được sự thông cảm và an ủi. Tất cả những nhu cầu như thế này không bao giờ chỉ đơn giản gói gọn trong một thời khoá biểu cố định của chúng ta từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều. Rất nhiều khi chúng ta rơi vào cảm giác là “chúng ta không có một cuộc sống riêng của chính mình”. Như thế, điều tôi muốn nói ở đây là thật sự chúng ta không có nhiều thời gian và không gian cho chính mình nữa. Điều này là rất thật, từ bỏ việc làm chủ thời gian của chính mình là một điều hy sinh hết sức lớn lao, tuy nhiên, ngay cả một vị ẩn tu, người cam kết sống một cuộc sống yên ổn trong đan viện cũng mất đi quyền kiểm soát chính thời gian và không gian của mình.
Sự đòi hỏi về thời gian và sức lực của chúng ta thật tàn nhẫn, và đôi lúc trở nên quá sức chịu đựng. Mỗi gia đình trong xứ đạo đều có câu chuyện đời sống riêng của họ. Mỗi cá nhân đều có những giây phút cảm nghiệm niềm hạnh phúc và sự đau khổ của riêng mình. Nếu chúng ta càng dành nhiều thời gian cho việc mục vụ của chúng ta, cơ hội chúng ta tiến sâu vào câu chuyện đời sống của giáo dân chúng ta càng nhiều. Rất nhiều người kêu mời linh mục chia sẻ với họ trong nhiều cách thế nhỏ bé khác nhau, ví dụ như đơn giản lắng nghe những tin tức của họ bên ngoài những cánh cửa nhà thờ sau mỗi thánh lễ Chúa Nhật, và cũng có khi trong những việc lớn lao hơn như cùng đồng hành với gia đình họ trong hành trình sống. Chia sẻ cuộc sống với những người chúng ta được sai tới phục vụ là một trong những niềm vui lớn lao nhất, nhưng đồng thời cũng là một trong những gánh nặng ghê gớm nhất. Nếu vị linh mục là người thật sự có tâm hồn chăm lo cho giáo dân, ngài sẽ thật sự cảm thấy đau buồn với những mất mát mà giáo dân mình đang phải chịu, đồng thời ngài cũng cảm thấy vui mừng khi giáo dân của mình sống trong những phút giây của niềm vui và hạnh phúc.
Đời sống chúng ta là một đời sống mang đậm nét tình cảm phong phú và mãnh liệt, nhưng nó cũng có thể là một đời sống cạn kiệt khô cằn. Người ta sẽ không kêu mời chúng ta khi mọi sự đang diễn ra một cách tốt đẹp, mà họ cần đến chúng ta khi họ gặp sự rắc rối hay thảm hoạ, hay họ cũng sẽ liên hệ với chúng ta khi họ gặp những niềm vui lớn ví dụ như là một người nào đó sắp sửa lập gia đình, hay họ tổ chức thôi nôi cho con cái. Chẳng lạ lẫm gì đối với một cha xứ vừa mới cử hành thánh lễ an táng xong thì lại chạy đi ngay tới một nơi khác để làm lễ và chứng hôn cho đôi bạn trẻ, và ngay sau đó là tiệc đám cưới hoành tráng và vui tươi. Linh mục sống đời mục vụ luôn sống trong sự căng thẳng của nó.
Trong đời sống linh mục, chúng ta luôn được cảnh báo về sự giới hạn của chúng ta so với những nhu cầu của con người như dòng thác lũ vây quanh chúng ta. Đơn giản là chúng ta không thể nào có thể đáp ứng lại toàn bộ tất cả những nhu cầu đó, cũng như tất cả các đòi hỏi hợp lý khác. Những nghiên cứu thống kê đưa ra kết qủa chắc chắn là các linh mục luôn phải vật lộn với đủ mọi công việc. Vấn đề đứng thứ hai và thứ ba mà vào năm 2001 hầu hết các linh mục đều chứng thực trong một khảo cứu được tài trợ bởi hội đồng quản trị của Liên đoàn các Linh mục của Hoa Kỳ đã nêu lên đó là “quá nhiều công việc” và “quá nhiều đòi hỏi và mong đợi không thực tế của giáo dân”. Việc mục vụ luôn là hố sâu không đáy, và cái hố sâu không đáy này hầu như đã được tiên đoán bởi sự sút giảm con số các linh mục nơi các quốc gia thịnh vượng mà số giáo dân đang gia tăng. Chính tôi đã thực hiện một khảo cứu trên 1.172 linh mục trong 15 giáo phận của các vùng khác nhau ở Hoa Kỳ từ tháng 9-2003 tới tháng 5-2005, khảo cứu này cho thấy trên 42,9% các linh mục được hỏi đồng ý với câu nói này: “Tôi cảm thấy có quá nhiều công việc phải làm”.
Chấp nhận những giới hạn của chúng ta cũng là một loại khó khăn mà chúng ta nên lưu ý, bởi lẽ chúng ta không thể đáp ứng cho tất cả mọi thứ vì công việc mục vụ, vì nó là một cái hố không đáy mà. Chúng ta là những linh mục thường muốn người ta nghĩ về mình như là những người dễ mến và như thế cố tỏ ra vui vẻ để luôn trả lời sẵn sàng với mọi người, và thật khó khăn để có thể từ chối hay là không đáp lại những nhu cầu hợp lý của mọi người khi chúng ta không có thời gian. Nó thật là một điều khó để có thể trả lời không với người khác, mỗi ngày vị linh mục luôn phải đối mặt với sự chọn lựa để quyết định những nhu cầu nào ngài có thể đáp ứng và những nhu cầu nào ngài phải chối từ. Thẳng thắn mà nói, một số linh mục đã không có những quyết định đúng đắn và cũng có rất nhiều vị lại khuếch trương một cách quá độ. Đây là một vấn đề mà mỗi linh mục và mọi linh mục phải đối diện, vì thế các linh mục cần sự nâng đõ để xác định những giới hạn hợp lý của mình.
Tôi nhớ đến một linh mục ở Nam Mỹ đến thăm một xứ đạo ở Hoa Kỳ, ông ấy quá sốc khi thấy một linh mục ở Hoa Kỳ tham dự quá nhiều những dịp khác nhau như là đám cưới hay đám rửa tội, ông ta nhận xét: “Ở tỉnh lỵ của tôi, một linh mục phải chăm sóc tới 50.000 giáo dân, tôi không thể tham dự những dịp như thế này, tôi chỉ có thể tham dự những dịp trọng đại khi cả cộng đoàn đều có mặt trong các ngày đại lễ”. Có lẽ chúng ta cũng nên học hỏi từ các anh em linh mục của chúng ta ở các nước khác, chúng ta phải đặt lại vấn đề xem những biến cố nào chúng ta cần có mặt và những biến cố nào chúng ta không nên có.
Một việc khổ chế khác nữa mà một linh mục đang làm việc mục vụ phải đối mặt đó là sự cô đơn mang tính độc đáo của mình. Linh mục là một người sống giữa mọi người, cũng giống như họ chúng ta là những con người và là những Kitô hữu, vì thế, chúng ta cùng nhau chia sẻ điều gì đó là chung với nhau. Nhưng chúng ta cũng là các linh mục, với chức thánh chúng ta lại được tách riêng ra, vị linh mục là người hướng dẫn thiêng liêng của mọi người, ngài đồng thời là một người trong họ nhưng trong khi đó và một cách nào đó ngài lại không phải là họ. Việc mặc áo giáo sĩ là một dấu chỉ rõ ràng là chúng ta mang lấy trên mình cái ách khác biệt này, rất nhiều khi, là linh mục chúng ta phải chấp nhận sự cô đơn mang tính độc đáo của chúng ta.
Chúng ta là những linh mục, điều quan trọng là chúng ta nên có những bạn linh mục. Bởi lẽ khi chúng ta cùng chia sẻ với các bạn linh mục khác, và luôn luôn gắn bó với gia đình của chúng ta, chúng ta mới thật sự và trọn vẹn là chính mình, vì đó thật là một phúc lành khi có những phút giây mà chúng ta quên đi những gánh nặng và ở bên những người thân yêu của mình, và được những người thân yêu kêu mình bằng những cái tên cúng cơm mà không có chút gì là mưu mẹo hay khó xử. Tôi cảm thấy thật là một hồi chuông báo động khi biết rằng có một vài linh mục không thích các linh mục khác, và những linh mục này cũng không cảm thấy thích thú gì khi có dịp quy tụ với nhau, đây là điềm báo trước không mấy tốt lành cho những linh mục đó.
Một điều khổ chế khác nữa mà các linh mục phải đối diện đó chính là đời sống độc thân của họ. Đời sống độc thân của các linh mục mang một sắc thái đặc biệt khi các ngài sống giữa dân chúng. Một số người nêu lên ý kiến cho rằng độc thân chỉ phù hợp với đời sống thánh hiến, bởi vì những người sống trong đời sống thánh hiến được nâng đỡ một cách đặc biệt trong các cộng đoàn mình sống, trong khi đó một linh mục trong đời mục vụ sống trong nhà xứ không có được sự nâng đỡ này. Thêm nữa, ngài phải sống giữa những người không cùng cách sống với mình, không hiểu mình và lại không ủng hộ mình nữa. Điều này đặc biệt làm cho vị linh mục cảm thấy cô đơn và bị thách đố liên tục.
Tuy nhiên, sống giữa mọi người như thế càng làm rõ ràng thêm chứng từ của chúng ta cam kết với Thiên Chúa. Đặc biệt trong thời đại bị ảnh hưởng sâu sắc bởi nền văn hoá tôn thờ dục vọng, vật chất, và bản thân, chứng tá của đời sống hoàn toàn dấn thân như thế này lại càng cần thiết hơn nữa. Linh mục sống đời độc thân là chứng tá sống động cho sự hiện diện của Thiên Chúa ngay tại trần gian này và là nguồn ân sủng dồi dào cho cả cộng đoàn cũng như chính vị linh mục. Tuy nhiên, đây là một đời sống khó khăn.
Ở xã hội Phương Tây hiện đại người ta cho rằng, điều đúng đắn của cuộc sống phụ thuộc vào sự thoải mái và địa vị xã hội. Bởi đó, chẳng phải ngẫu nhiên gì cả mà đời sống dấn thân và từ bỏ chính mình như thế đều bị coi là không thực tế và chẳng hấp dẫn gì cho nhiều người. Sống trong xã hội đã nhiều năm bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ như thế, con người ngày nay bị mê hoặc và tin tưởng rằng sự thoải mái của cuộc sống họ được đem lại nhờ vào quảng cáo và thương mại. Thế rồi, khi đau khổ ập tới, sự đau khổ mà chẳng ai có thể tránh được, hay khi cuộc sống của họ không đạt tới mức như tiêu chuẩn vật chất và quảng cáo bày ra, lúc đó trong thâm tâm người ta cảm thấy bị tổn thương và la toáng lên rằng: “Lỗi tại ai? Tôi phải trách mắng ai đây? Hay tôi phải kiện người nào đây?”
Chúng ta thật đã quên đi lời đã dạy trong sách Sáng Thế rằng con người chúng ta đã bị chúc dữ và phải đổ mồ hôi sôi nước mắt để nuôi thân: “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc thật nhiều lúc sinh con... Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn” (Ga 3,16.19). Buồn sầu và đau khổ chính là định mệnh của mọi người không trừ ai, kể cả những ai đang sống trong những quốc gia giàu có. Điều đó cũng đúng với đời sống linh mục. Rất nhiều lúc các linh mục gặp sự buồn phiền đau khổ, các ngài cảm thấy hoài nghi về ơn gọi của mình, và các ngài cũng nghi ngờ phải chăng mình đã không là những những linh mục tốt. Lúc đó các ngài tự hỏi rằng: “Phải chăng tôi đã làm điều gì sai trái?” Phải chăng sự đau khổ tôi đang phải chịu là dấu chỉ chắc chắn là tôi đã làm điều gì tội lỗi trước đó rồi? Không phải vậy. Đau khổ là phần tất yếu của mọi con người: dù là người sống trong cuộc sống gia đình, người độc thân, hay người dâng hiến. Mọi câu hỏi được đặt ra về ơn gọi của chúng ta đều có thể là lời mời gọi chúng ta đi sâu hơn nữa vào chính cuộc sống dâng hiến cũng như sự cam kết dấn thân của chúng ta với Chúa. Trên hết mọi sự, tất cả linh mục chúng ta phải tìm thấy niềm an ủi và sức mạnh nơi chính mẫu gương của Chúa Giêsu, người là tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa.
Xã hội chúng ta đã trở nên thân thuộc với sự sở hữu và với những khái niệm sai lạc, nó luôn đề cao chức vị và tôn thờ bản thân. Chính ở trong bối cảnh xã hội như thế, đời sống linh mục lại mang lấy một dấu chỉ của sự đối nghịch, ngài là người sống trong thế giới nhưng lại không thuộc về thế giới. Được thấm nhuần tinh thần và ân sủng của Tin Mừng, người linh mục sống giữa thế gian nhưng không bị những đam mê trần tục làm nhạt đi tính chất muối cho trần gian của mình (x. Mt 5,13). Nếu như một linh mục đã thực sự đam mê có được mọi thứ máy móc tối tân, ưa thích một cuộc sống xa hoa và thoải mái sang trọng, chúng ta cần phải dừng lại liên tục để quan sát xem chúng ta đang sống như thế nào, và nếu cần đôi khi chúng ta cũng phải nhờ tới vị linh hướng hay là chạy tới những chuyên gia để giúp chúng ta biện phân về cách sống của mình phải chăng chúng ta vẫn luôn là chứng nhân cho Tin Mừng.
Việc sống trong thế giới nhưng không thuộc về thế giới là một trong những thách thức rất lớn đối với một linh mục triều cũng như đối với bất cứ linh mục nào đang làm mục vụ giữa dân chúng. Chúng ta cũng phải khẳng định là Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động mãnh liệt trên thế giới biểu lộ qua những đức tính và nhiều điều tích cực của đời sống con người. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhận ra là còn rất nhiều những điều phản chứng nơi nhiều người và cả nơi các linh mục.
Vì phải đối mặt với quá nhiều thách đố và khó khăn, nên xuất hiện nguy cơ là các linh mục rơi vào tình trạng thoả hiệp với chính mình. Điều cần lưu ý ở đây là một khi chúng ta đã sống thoả hiệp với bản thân, chúng ta rất dễ sa vào những hành vi không còn phù hợp với đời sống Kitô hữu và đặc biệt là không còn phù hợp với đời sống linh mục nữa. Nhiều linh mục tôi quen biết đã cố biện minh cho những hành vi sai trái của mình với suy nghĩ là: “Tôi đáng được hưởng những điều này, vì tôi đã bỏ mọi sự để theo Chúa mà”. Hay là: “Tôi cần những thứ ấy để có thể tiếp tục những công việc mục vụ khó khăn của tôi”. Tuy nhiên, những suy nghĩ như trên chẳng giúp gì hơn cho cuộc sống của các ngài, trái lại nó lại càng gây thêm rắc rối. Những suy nghĩ và hành động như thế là dấu chỉ cho ta thấy muối chứng nhân của chúng ta phần nào đã bị nhạt và lúc này chúng ta đã thật sự cần phải có sự hoán cải chính mình.
Đời sống và sự chiến đấu hằng ngày của đời linh mục thật sự là căng thẳng và có giá trị đặc biệt, nó mang chiều kích “đặc thù tối hậu”. Mỗi người chúng ta đều quen biết một số người đang sống trong đời sống gia đình. Hôn nhân không phải là phương thuốc đặc trị cho mọi thách đố của đời sống độc thân linh mục của chúng ta đâu. Quan sát cẩn thận về đời sống hôn nhân, chúng ta cũng thấy rẳng đây thật sự cũng là một đời sống đầy cam go và thử thách. Cũng giống như đời linh mục, hôn nhân cũng ngập tràn niềm vui và phần thưởng, nhưng nó cũng mang theo nhiều nỗi đau buồn và sầu khổ. Từ bỏ đời sống độc thân linh mục và lập gia đình có thể cũng giải quyết được một số khó khăn, nhưng cùng lúc đó nó lại mang đến hàng loạt những khó khăn khác. Vì vậy, trước khi quyết định từ bỏ đời sống độc thân dâng hiến để lập gia đình, chúng ta nên kỹ lưỡng tham khảo nhiều người đang sống trong bậc gia đình. Bởi lẽ, “nhìn từ đằng xa, cỏ luôn xanh hơn nhiều”, chứ thực tế thì không hoàn toàn luôn quá thú vị như thế.
Đời sống con người luôn đầy thách đố, bất kể ơn gọi nào ta được kêu gọi để sống nó đều đòi hỏi nhiều hy sinh và kiên trì. Tuy nhiên, đời sống linh mục vẫn mang một nét khó khăn đặc biệt. Bởi lẽ chính Chúa Giêsu đã hứa với chúng ta điều đó. Ngài đã nói với chúng ta rằng nếu như chúng ta muốn thật sự trở nên môn đệ của Ngài thì: “Chén của ta anh em sẽ thật sự uống” (Mt 20,23). Điều này là hoàn toàn chính xác, chúng ta càng theo sát Ngài bao nhiêu chúng ta càng tham dự sâu xa hơn nữa vào sự đau khổ và cái chết của Ngài. Ngày nay không chỉ đơn giản như là một cái mốt nói đến linh mục vừa là tư tế vừa là của lễ, nhưng kiểu nói này thật sự giúp chúng ta cảm nghiệm linh mục ngày nay phải như thế nào...
Nếu như cha đã là một linh mục thâm niên rồi, cha có dịp để ngồi nhìn lại những thập niên đã qua trong đời linh mục của mình, cha ngồi nhớ lại về đời sống mục vụ, những lời nói, những bài giảng của mình trong suốt quãng thời gian dài ấy mà cha không tìm ra một lần nào có người đã không tán thành, có người đã phản đối, có người đã phê bình hay loại trừ cha thì dường như một cách nào đó cha có thể nói rằng đời sống mục vụ của cha đã không hoàn toàn rao giảng sứ điệp của Chúa Kitô. Vì chính Đức Kitô nói: “Bất cứ ai muốn theo Ta, người ấy phải vác thập giá của mình mà theo Ta” (Mt 16,24). Điều đó chính là lời mời gọi và cũng là lời hứa cho những người theo Chúa. Vì thế, thật đúng đắn để nhìn vào những đau khổ của đời linh mục trong những năm gần đây, đặc biệt trong thời khủng hoảng như là việc tháp nhập sâu sa vào cuộc khổ nạn của Chúa. Có thể là đáng hay không đáng phải chịu, có thể là nên khiển trách hay không nên khiển trách các linh mục, đời sống linh mục của chúng ta vẫn là sự tham dự vào thánh giá của Chúa Kitô. Thánh giá này sẽ thanh luyện những yếu đuối và tội lỗi của chúng ta, và qua thánh giá này của các linh mục nó sẽ thật sự mang lại niềm hy vọng lớn lao cho dân chúng những con người đang phải chịu những đau khổ lớn lao bằng nhiều hình thức.
Đời sống linh mục là một đời sống khó khăn. Điều này chẳng có gì sai. Mỗi người chúng ta phải thật sự ghi ơn những linh mục đã đi trước chúng ta, mở ra con đường cho chúng ta bằng chính đức tin và sự hy sinh của họ, những hy sinh của chúng ta cũng thật là bảo chứng và không kém phần quan trọng cho những người khác. Đời sống linh mục là một đời sống đầy cam go, thách thức nhưng thật giá trị. Nó đòi hỏi phải được sống chân thực như thế cho những con người đang can đảm tìm kiếm và theo đuổi cùng ơn gọi này.
Với những anh em linh mục của tôi, những người đang vất vả trên đường thập giá, hãy can đảm lên. Sự hy sinh vất vả của cha chính là sự đồng hình đồng dạng của cha với đời sống của Chúa Kitô, và đó là điều thiết yếu cha đang sống đời linh mục với sự chân thực. Cha ơi, hãy mạnh mẽ tiến lên...
Minh Tuấn, SDB, chuyển ngữ từ “Priesthood is difficult”
của Lm. Stephen J. Rossetti
của Lm. Stephen J. Rossetti
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét