Paul Martin, OP.
Theo thánh Luca, khi Đức Giêsu trở về thăm quê hương Nazareth, Người vào Hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng : ‘Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho những kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,16-19).
Đọc xong những lời trong sách ngôn sứ Isaia, Đức Giêsu cuộn sách lại và tuyên bố : "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà quý vị vừa nghe". Hai chữ "hôm nay" này vừa nhấn mạnh đến tính hiện tại của ơn cứu độ, vừa cho thấy sự xuất hiện của Đức Giêsu đã khai mở thời hồng ân mà các ngôn sứ đã loan báo qua lịch sử Cựu Ước. Điều này gợi lên rằng công cuộc rao giảng Tin Mừng phải luôn là hiện tại và tương lai; đòi hỏi nơi người rao giảng Tin Mừng tính thích nghi trong từng thời đại lịch sử của nhân loại. Việc canh tân, thích nghi và hội nhập Tin Mừng trong thời đại mới này đã được nhấn mạnh nhiều khởi đi từ Công đồng Vatican II cho đến hai vị Giáo hoàng gần đây nhất.
1. Khởi đi từ Công đồng Vatican II
Chủ trương canh tân, thích nghi và hội nhập Tin Mừng vào nền văn hóa nơi Tin Mừng dừng chân đã khởi đi từ Công đồng Vatican II. Có thể nói, Công đồng đã đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong lịch sử của Giáo Hội và khai mở một hướng đi mới.
Trong khi chăm chú lắng nghe Lời Chúa và tìm về cội nguồn của mình, Giáo Hội trong Công đồng Vatican II đã tái khám phá căn tính, ơn gọi và sứ mệnh cứu độ đã được lãnh nhận từ Đức Kitô. Giáo Hội đã mạnh dạn thực hiện nhiều cuộc canh tân ở các cấp độ khác nhau để thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng trong thời đại mới. Nhiều Thượng Hội đồng cũng như Hội đồng các Giám mục thuộc phạm vi thế giới, đại lục, miền hay quốc gia đã được triệu tập để tiếp tục đào sâu sứ vụ canh tân và thích nghi này. Đặc biệt nhân dịp kỉ niệm 10 năm bế mạc Công đồng Vatican II, một Thượng Hội đồng Giám mục đã được triệu tập với mục đích giúp Giáo Hội thích ứng hơn với sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho nhân loại của thế kỷ XX. Cố gắng của Thượng Hội đồng là để trả lời cho ba câu hỏi căn bản sau đây :
a. Năng lực tiềm ẩn của Tin Mừng có còn khả năng thức tỉnh lương tâm con người nữa không?
b. Sức mạnh của Tin Mừng có thể biến đổi thực sự con người ngày hôm nay như thế nào và đến đâu?
c. Phải dùng những phương pháp nào để việc loan báo Tin Mừng được hữu hiệu?
Tất cả những suy tư và kiếm tìm của Thượng Hội đồng đã được Đức Phaolô VI đúc kết và công bố năm 1975 qua Tông thư “Evangelinuntiandi”. Đây là tài liệu nền tảng của nhiều chương trình loan báo Tin Mừng trong hai thập niên cuối của thế kỷ XX vừa qua.
2. Qua Đức Gioan Phaolô II Ngay từ buổi đầu triều đại Giáo Hoàng của Đức Gioan Phaolô II, "Tân Phúc Âm hóa" đã trở thành một đề tài quan trọng, thường xuyên được ngài đề cập trong các văn kiện, nhất là trong các cuộc viếng thăm mục vụ ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt tại Mỹ châu La tinh và Âu châu. Trước ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba, "Tân Phúc Âm hóa" đã trở thành chương trình mục vụ chung của toàn thể Giáo Hội Công giáo.
Đứng trên phương diện suy tư thần học, Đức Gioan Phaolô II đã cảnh giác chúng ta đừng lẫn lộn "Tân Phúc Âm hóa" với "Tái Phúc Âm hóa". Chữ "tân" hay "mới" được dùng ở đây không chủ ý trình bày một "Phúc Âm mới", khác với "Phúc Âm cũ" đã được loan truyền từ trước đến nay. Xưa cũng như nay, chỉ có một Phúc Âm hay Tin Mừng duy nhất, trường cửu và tự tại: "Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy đến muôn đời" (Dt 13,8). Tuy nhiên trong một xã hội đa dạng, phức tạp và thay đổi không ngừng như xã hội chúng ta, dĩ nhiên phương pháp và cách thế loan báo Tin Mừng phải luôn luôn được cập nhật hóa, ngõ hầu đáp ứng nhu cầu và yêu sách đặc biệt của thời đại. Ngỏ lời trước Hội nghị các Giám mục Mỹ châu La tinh họp tại Port-au-Prince, Haiti, ngày 9 tháng 3 năm 1983, Đức Gioan Phaolô II xác định rõ: "Việc kỷ niệm 500 năm rao giảng Tin Mừng sẽ có một ý nghĩa tròn đầy nếu có sự dấn thân của quý chư huynh Giám mục, cùng với hàng linh mục và giáo dân; dấn thân, không phải để tái Phúc Âm hóa (re-evangelización), mà là tân Phúc Âm hóa (nueva evangelización). Mới trong sự nhiệt thành, trong phương pháp, trong lối diễn tả" (Insegnamenti di Giovanni Paolo II, VI, 1 (1983), Editrice Vaticana, 1983, p.698).
Như vậy, cái "mới" trong diễn ngữ "Tân Phúc Âm hóa" không thuộc về bản chất và nội dung của Tin Mừng, mà ám chỉ cách thế diễn tả và khả năng lãnh hội Tin Mừng, cũng như cách sống đạo của chúng ta. Đối diện với tình trạng thụ động, thờ ơ, buông xuôi, hờ hững... với sứ vụ sống và rao truyền Tin Mừng của rất nhiều người Công giáo thời nay, yêu cầu tiên quyết là làm sao có được một khí thế và sự nhiệt thành mới. Hơn bao giờ hết, Giáo Hội cần những tín hữu biết đào sâu đức tin, sống trung thực với lý tưởng của mình và can đảm, hăng say, nhiệt thành loan báo Tin Mừng cho những người chung quanh. Nhưng để thực hiện tốt sứ vụ đó trong một xã hội phức tạp, đa dạng và đầy biến động, ngoài lòng nhiệt thành nói trên, còn đòi hỏi phải biết sử dụng những phương pháp phù hợp. Như vậy, nói đến tân Phúc Âm hóa là nói đến việc đổi mới về phương pháp, ngõ hầu có thể loan báo Lời Chúa hữu hiệu hơn cho xã hội hôm nay. "Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ (...). Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới" (Lc 5,37-38). Đức Kitô đã chẳng căn dặn chúng ta như thế sao?
Cuối cùng, Tân Phúc Âm hóa luôn đòi hỏi phải đổi mới về ngôn ngữ, lối diễn tả và cách thế trình bày sao cho phù hợp với tâm thức và văn hóa thời đại. Tân Phúc Âm hóa đòi hỏi làm sao kết hợp tốt những giá trị vĩnh cửu của Tin Mừng với những giá trị và yếu tố riêng của mỗi thời đại và mỗi nền văn hóa. Nếu Lời Chúa bất biến và duy nhất, thì những suy tư thần học, đường lối sống đạo, cách thế trình bày và chuyển đạt Tin Mừng phải luôn uyển chuyển theo điều kiện văn hóa và xã hội cụ thể của người nói cũng như của người nghe. Nói cách khác, "Tân Phúc Âm hóa" yêu cầu làm sao thể hiện những hình thức mới trong cách thế hiểu Đạo, sống Đạo, diễn tả Đạo, tổ chức cộng đoàn, kiến tạo xã hội, v.v. Đặc biệt, nếu giáo sĩ và tu sĩ thường giữ vai trò chủ động trong các công cuộc rao giảng Tin Mừng trước đây, thì ngày hôm nay việc tân Phúc Âm hóa cần đề cao vai trò của người giáo dân.
3. Đến Đức Bênêđíctô XVI hôm nay Ngay từ khi mới ra rao giảng, Đức Giêsu đã nói: “Tôi đến để mang Tin Mừng cho người nghèo” (Lc 4,18). Dĩ nhiên, Tin Mừng cứu độ của Đức Giêsu là một sứ điệp phổ quát, gởi đến hết mọi người, mọi dân tộc và văn hóa. Phủ nhận tính đại đồng này là bóp méo và xuyên tạc bản chất của Tin Mừng. Tuy nhiên, cái độc đáo của Đức Giêsu là đã liên kết tài tình tính phổ quát của tình yêu Thiên Chúa với việc chọn lựa ưu tiên dành cho người nghèo.
Ngày nay, cái nghèo đáng sợ không phải là cái nghèo vật chất mà là cái nghèo tinh thần: là sự thiếu khả năng vui mừng, là tin rằng cuộc đời vô nghĩa và mâu thuẫn. Vì thế, cái nghèo này đã lan tràn khắp nơi, cả trên các nước giàu có về vật chất cũng như các nước nghèo, bằng nhiều hình thức khác nhau. Sự thiếu khả năng vui mừng là hậu quả và cũng là nguyên nhân của sự thiếu khả năng yêu thương. Nó đem lại sự ghen tương và tham lam – là những thói xấu tàn phá đời sống cá nhân và thế giới.
Đó là lý do tại sao chúng ta cần “Tân Phúc Âm hóa” trong thế giới hôm nay. Chúng ta có thể nói rằng, công cuộc Phúc Âm hóa đã đem lại thành quả tốt đẹp cho nhiều người. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta đang lo ngại khi phải chứng kiến tiến trình tẩy xóa Kitô giáo trong xã hội cách tiệm tiến, và đánh mất những giá trị căn bản của con người. Một phần lớn nhân loại ngày nay không tìm thấy Tin Mừng trong việc rao giảng Tin Mừng thường trực của Hội Thánh nữa, nghĩa là không tìm thấy câu trả lời có sức thuyết phục cho câu hỏi: “Phải sống thế nào?” Trên đây là ý kiến của Đức Hồng Y Ratzinger, khi chưa làm Giáo hoàng ngài đã phát biểu trong buổi nói chuyện với các tham dự viên của Năm Thánh dành cho Giáo lý viên về “tân Phúc Âm hóa” [1].
Tiếp nối những thao thức và ưu tư trên, thời gian gần đây, Đức Bênêđíctô XVI đã nói đến hiện tượng nhiều nước Kitô giáo kỳ cựu đang chịu ảnh hưởng nặng nề của trào lưu tục hóa, xa lìa đức tin Kitô, trào lưu vô thần thực hành lan tràn cùng với sự dửng dưng tôn giáo. Vấn đề này càng trở nên cấp thiết hơn khi Đức Thánh Cha nói đến việc quyết định thành lập Hội đồng Giáo hoàng về “Tân Phúc Âm hóa” trong giờ kinh chiều ngày 28.06.2010. Biến cố thiết lập tân Hội đồng của Tòa Thánh nhằm cổ võ việc tái truyền giảng Tin Mừng đã được Đức Bênêđíctô XVI cụ thể hóa bằng Tự sắc mang tựa đề “Ubicumque et Semper”. Tự sắc mang chữ ký của Đức Thánh Cha ngày 21.09.2010 và bắt đầu có hiệu lực sau khi được đăng trên báo Quan sát viên Rôma của Tòa Thánh, nghĩa là từ ngày 13.10.2010. Để giải thích việc thiết lập tân Hội đồng của Tòa Thánh này, Đức Tổng Giám mục Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh cổ võ công cuộc Tân Phúc Âm hóa vừa được Đức Bênêđíctô XVI thiết lập, đã nói : “Trong nhiều thập niên qua, Huấn quyền của Giáo Hội đề cập nhiều đến vấn đề tái loan báo Tin Mừng. Rõ ràng có thể thấy ngay, đây là vấn đề đang thách đố toàn thể Giáo Hội. Phải tìm ra những phương thế thích hợp để canh tân sứ vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh cho những người đã lãnh nhận Phép Rửa mà nay không còn hiểu ý nghĩa của việc mình là thành viên của cộng đoàn tín hữu Kitô nữa, và đã trở thành nạn nhân của chủ nghĩa cái tôi chủ quan trong thời đại ngày nay. Chủ nghĩa này giam cầm con người trong cái tôi cá nhân chủ nghĩa, thiếu tinh thần trách nhiệm đối với việc chung và đối với xã hội.”
Cũng theo Đức Tổng Giám mục Fisichella, Tự sắc “Ubicumque et Semper” nêu rõ, Tân Phúc Âm hóa không phải là một giải pháp đơn thuần, áp dụng đồng nhất vào một hoàn cảnh, nhưng đòi hỏi chúng ta phải có thêm những suy nghĩ có cơ sở đúng đắn, hỗ trợ cho hoạt động mục vụ tương ứng. Hơn nữa, cũng đòi hỏi chúng ta phải có khả năng thẩm định kỹ càng những truyền thống và mục tiêu phong phú được hình thành trong lịch sử lâu đời của Giáo Hội: sự đa dạng không phải là mối nguy cơ phá vỡ tính hiệp nhất. Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI cũng lưu ý chúng ta rằng, Tân Phúc Âm hóa không có nghĩa là một hình thức truyền giáo mới, có khả năng mang lại những kết quả kỳ diệu ngay trước mắt. Nhưng đó chỉ nói lên một nỗ lực đổi mới trong công cuộc loan báo TinMừng: khiêm hạ, trung thành và phó thác cho Thiên Chúa tiến trình của công cuộc Tân Phúc Âm hóa. Và để thực hiện Tự sắc trên theo từng bước cụ thể, Đức Bênêđíctô XVI đã loan báo việc triệu tập một Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới vào năm 2012 về “Tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin Kitô giáo”. Đức Giáo hoàng đã loan báo sự kiện đó trong bài giảng của thánh lễ bế mạc Thượng Hội đồng Giám mục đặc biệt về các Giáo Hội Trung Đông vào Chúa Nhật 24.10.2010 tại đại vương cung thánh đường thánh Phêrô, trong đó ngài nói về sự cấp thiết phải “tái truyền giảng Tin Mừng cho những người biết sơ sài hoặc có khi đã xa lìa Giáo Hội” (theo Zenit).[2] Nói tóm lại, tất cả những gì Hội Thánh đang làm và sẽ làm là nhằm giúp cho nhân loại nhận thấy vấn đề thật sự của thời đại chúng ta là “Cơn khủng hoảng về Thiên Chúa”. Sự vắng mặt của Thiên Chúa đang được ngụy trang bằng một tín ngưỡng rỗng tuếch. Nhiều người cho rằng dù có Thiên Chúa hay không thì mọi sự vẫn xoay vần. Tiếc rằng các Kitô hữu chúng ta cũng thường sống như là không có Thiên Chúa. Vì thế, Hội Thánh chỉ cho chúng ta thấy rằng điều cần thiết duy nhất của con người là Thiên Chúa. Cho nên việc rao giảng Tin Mừng phải nói về Thiên Chúa trước hết, rao truyền một Thiên Chúa Thật Duy Nhất: Đấng Tạo Hóa, Đấng Thánh Hóa, Đấng Phán Xét. Trên thực tế, sứ điệp Kitô giáo mà mỗi Kitô hữu chúng ta cần loan truyền thật đơn giản: chúng ta nói về Thiên Chúa và con người, và như thế, chúng ta nói về mọi điều.
(TTHVĐM, nội san số 16)
[1] Đức Hồng Y Ratzinger, Diễn từ cho các Giáo lý viên và các Thầy Cô dạy về Tôn giáo Năm Thánh Giáo lý viên, ngày 12.12.2000, Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét