nut

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

THÁNH THOMAS D` AQUIN

THÁNH THOMAS D` AQUIN



Mối tương quan đức tin và lý trí về sau được tư tưởng gia lỗi lạc Thomas D’Aquin tiếp tục phát triển và kế thừa có chọn lọc. Ngài lấy những tinh hoa của triết học làm nền tảng cho sự phát triển và khám phá mới, hầu làm cho sự tương quan này đạt đến đỉnh điểm của nó. Đối với thánh nhân, cả lý trí và đức tin đều là quà tặng của Thiên Chúa cho nhân loại.

Khác với Thánh Augustin, trong tư tưởng và học thuyết của thánh Thomas, vai trò của lý trí và đức tin được phân định một cách rõ ràng hơn. Theo ngài, tất cả những chân lý đã biết được hay có thể biết được một cách hiển nhiên bằng trải nghiệm hay bằng chứng minh là thuộc về lĩnh vực lý trí; còn tất cả mọi chân lý không biết được bằng hiển nhiên mà chỉ duy nhất bằng mạc khải thì thuộc về lĩnh vực đức tin. Vì lẽ đó, thánh Thomas cũng phân rõ ranh giới giữa triết học và thần học, nhưng không có sự đối lập giữa chúng. Ngài cho rằng, đối tượng của triết học là chân lý của lý trí, đối tượng của thần học là chân lý của niềm tin tôn giáo; còn Thiên Chúa là khách thể cuối cùng của cả triết học và thần học, là nguồn gốc và nền tảng của mọi chân lý (x. số 44). Do vậy: “dù đức tin vượt lên lý trí nhưng không bao giờ có sự xung khắc giữa đức tin và lý trí, vì cùng một Thiên Chúa mặc khải một mầu nhiệm và thông ban đức tin, là Đấng ban ánh sáng lý lẽ xuống trong trí khôn của nhân loại. Thiên Chúa không nhận chính mình, cũng như chân lý không bao giờ tương phản với chân lý” (số 35). Bên cạnh đó, cả đức tin và lý trí đều là những tác động (thông qua mạc khải hay phản ánh) và thái độ đón nhận của con người (thông qua phản tỉnh); vì khi tin tưởng, người tín hữu không chỉ được khích lệ bởi ý muốn chấp nhận đức tin mà còn nhờ vào sự soi sáng, ban ơn của Thiên Chúa. Còn khi tri thức, mỗi người được khích lệ bởi chính nhận thức (xuất phát từ bản chất khao khát tìm kiếm chân lý) của mình. Quả thực, đức tin một cách nào đó “là sự tập luyện tư tưởng” lý trí của con người không bị tiêu diệt cũng không bị hạ nhục khi công nhận nội dung của đức tin, nội dung này luôn chấp nhận sự tự do và ý thức (x. số 43). Do đó, giữa triết học và thần học có một ranh giới, mỗi lĩnh vực có khả năng và trách nhiệm của riêng mình. Chúng có thể hỗ trợ cho nhau trên con đường tìm kiếm chân lý. Lý trí giúp cho đức tin sáng tỏ hơn và vững chắc hơn; đức tin chắp cánh cho lý trí đi xa hơn trong việc khám phá vũ trụ. Trong mối tương quan này nếu quá đề cao đức tin sẽ làm hạn chế vai trò của lý trí, làm cho nó không khai mở được những khám phá mới, không trả lời được những khúc mắc của thời đại. Tuy nhiên, cả đức tin và lý trí đều xuất phát từ Thiên Chúa và cuối cùng quy về Thiên Chúa nên không mâu thuẫn nhau.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét