nut

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

VAI TRÒ CỦA TRIẾT HỌC TRONG VIỆC HỌC TẬP VÀ NGHIÊN CỨU THẦN HỌC

VAI TRÒ CỦA TRIẾT HỌC

TRONG VIỆC HỌC TẬP VÀ NGHIÊN CỨU THẦN HỌC


                                                  HỌC VIỆN PHAOLO NGUYỄN VĂN BÌNH - KHỐI MTG

      I.            DẪN NHẬP

Triết học, một danh từ xuất hiện từ những thời xa xưa của lịch sử nhân loại và tồn tại tiệm tiến đến ngày nay qua bao thăng trầm biến động của thời cuộc. Trong thông điệp “Fides Et Ratio”, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã đặt triết học vào trong nhu cầu và khát vọng sâu xa của con người về chân lý và nhận định rằng “triết học phát sinh và được trau dồi vào lúc con người bắt đầu nêu câu hỏi về lí do và mục đích của vạn vật”. Thật vậy, trước khi có triết học, nhu cầu sống đã đòi buộc con người phải tìm hiểu thiên nhiên, sự vật xung quanh để có thể hành động hiệu quả, để sử dụng thiên nhiên và tránh né những mối nguy hiểm của nó, và như thế họ đã phải nêu lên những câu hỏi về nó nhưng những câu hỏi này mang tính thực dụng và riêng lẻ, nghĩa là nhắm vào lợi ích trước mắt và liên quan tới từng sự vật và hiện tượng riêng. Một phần nào đó, chính từ các nhận thức thường nghiệm này là sự ra đời và dần dần phát triển một cách có phương pháp, có tổ chức và hệ thống của các ngành khoa học. Nhưng đồng thời con người có ý thức và tự do biết mình là “độc nhất vô song” trong thế giới sự vật, cũng dặt ra những câu hỏi sâu xa và tổng quát về nguồn gốc và ý nghĩa về thế giới và cuộc đời mình. Câu trả lời cho những vấn nạn như thế được tìm thấy trước hết qua các huyền thoại, thi ca và niềm tin tôn giáo của các dân tộc rồi tiếp theo và đặc biệt là trong triết học. Aristote trong cuốn thứ nhất của siêu hình học đã xác nhận: “Chính sự ngạc nhiên đã thúc đẩy các nhà tư tưởng đầu tiên đến các suy tư triết học”. Theo đó, nét tiêu biểu nhất của triết học là chỉ dựa trên lí trí để suy nghĩ về những vấn đề trên không phải theo tình cảm, trí tưởng tượng hay niềm tin, mặc dù những nguồn đó cũng là những nguồn cho nhận thức.

Về phần mình, thần học được xem như sự khởi thảo phản tỉnh và khoa học về lời Chúa qua ánh sáng đức tin, được tổ chức theo hai nguyên tắc phương pháp luận: lắng nghe đức tin và hiểu biết dức tin. Theo Đức Thánh Cha, thần học phải “bắt liên lạc với những triết học được thực sự khởi thảo qua dòng lịch sử, đối với một số những phát triển và phận vụ riêng, chứ không được thụ thụ bất thật”. Quả thế, không có gì ngăn cấm thần học sử dụng triết học để hoàn thành công trình riêng của mình, để tìm hiểu các chân lí mặc khải. Tuy nhiên thần học không nhất thiết phải lệ thuộc vào một triết thuyết, nhưng chỉ sử dụng triết học trong chừng mực thích hợp. Theo nghĩa này: triết học là người phục vụ (ancilla) của thần học. Nhưng điều này không có nghĩa là triết học tự bản chất phải tuỳ thuộc vào thần học vì có mục đích để phục vụ thần học. Nhưng triết học có mục đích riêng của nó là để lý giải một cách hữu lý nguyên nhân tối hậu của vũ trụ vạn vật. Vì thế có thể hiểu triết học được thần học sử dụng như một phương tiện để truy tìm chân lý. Điều đó giúp giải quyết các vấn nạn được đặt ra xoay quanh vấn đề: Thần học tự nó có đủ sức làm sáng rõ hoàn toàn chân lý mặc khải mà không cần nại đến tư duy triết học không?  Đâu là vị thế của triết học trong các nghiên cứu và học tập thần học? Đâu là giới hạn để phân tách vai trò và nhiệm vụ của triết học trong khi can thiệp vào các suy tư thần học? Có xảy ra sự xung đột giữa nhận thức của đức tin và nguyên tắc của lí trí trong quá trình tiếp nhận?

Để nhận thức đầy đủ vấn đề, chúng ta cùng tìm hiểu về sự tương tác giữa triết học và thần học qua thông điệp “ Đức tin và lí trí” của Đức Thánh Cha.



   II.            NỘI DUNG

v  Vấn đề 1: Thần học- diễn từ thuần lý về Thiên Chúa

Thần học- theo Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, là dùng lí trí được đức tin soi sáng để hiểu biết hơn những chân lí Mặc Khải. Theo đó, thần học cũng là khoa học theo nghĩa rộng, tức là một môn học có đối tượng và phương pháp rõ ràng, có tổ chức chặt chẽ hợp lí, sử dụng những ý niệm có tính chính xác cao. Lịch sử cũng đã chứng minh là các nhà tư tưởng kitô giáo đã tiếp nhận triết học một cách có phê phán. Trong số đó Origiênô là người nổi bật, để đối phó với những công kích của triết gia Celsiua, ông đã hình thành triết học Platon để hình thành lập luận của mình và tổ chức cuộc đối đáp. Với nhiều yếu tố của tư tưởng Platon, ông bắt đầu xây dựng một hình thức đầu tiên của “thần học kitô giáo”. Riêng tên gọi “thần học” cùng với quan niệm thần học như một diễn từ hợp lí về Thiên Chúa, về mặt này cũng đã gắn liền với nguồn gốc Hy Lạp. Trong triết học Aristote chẳng hạn, từ thần học chỉ về phần cao quý nhất và chóp đỉnh đích thực của triết học. Nhưng dưới ánh sáng mặc khải Kitô giáo, điều trước kia có nghĩa là một học thuyết chung về các thần minh, nay mang một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ, nói về sự suy tư của người tín đồ nhằm diễn tả đạo lí chân chính về Thiên Chúa. Trong quá trình phát triển, tư tưởng Kitô giáo mới này đã sử dụng triết học, nhưng đồng thời vẫn quan tâm phân biệt mình với triết học.

Thật vậy, với hai phương pháp luận: lắng nghe đức tin và hiểu biết đức tin, thần học được tổ chức rõ ràng và đầy đủ như một khoa học đức tin. Theo nguyên tắc thứ nhất, thần học chiếm hữu nội dung của mặc khải như được phát triển dần dần trong thánh truyền, trong Thánh Kinh và trong huấn quyền sống động của Giáo Hội. Nhờ nguyên tắc thứ hai, thần học muốn trả lời cho những đòi hỏi riêng biệt của tư tưởng, bằng cách nại đến suy tư trừu tượng. Trong thực tế, nền thần học của Giáo hội sử dụng nhiều các khái niệm triết học đến nỗi người ta không thể hiểu nó đầy đủ mà không được đào tạo về triết học. Triết học giúp ta đón nhận nội dung của chân lí đức tin được mặc khải qua Lời Chúa và truyền thống sống động, bởi vì khi được ghi chép lại hay khi được công bố trong lời giảng dạy, chân lí đó lệ thuộc vào lịch sử, tư tưởng, ngôn ngữ… của những nền văn hoá nhất định. Mà triết học cho thấy những quy luật của ngôn ngữ, cơ cấu của nhận thức và ý nghĩa chính xác của những khái niệm được sử dụng. Do đó, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của triết học trong việc nghiên cứu và khám phá các mầu nhiệm được mặc khải trong các suy tư thần học.



v  Vấn đề 2: Vai trò của triết học trong học tập và nghiên cứu thần học

Tác động đến các nguyên tắc, phương pháp luận trong suy tư thần học, triết học đã chứng minh tính năng bổ trợ độc đáo của mình. Từ việc chuẩn bị để lắng nghe đức tin cho đúng đắn, triết học mang đến sự trợ giúp độc đáo cho thần học, khi nó nghiên cứu cấu trúc của nhận thức và của sự liên lạc của các ngôi vị, đặc biệt là những hình thức, những chức năng khác nhau của ngôn ngữ. Thật vậy, thần học trước hết là sự lắng nghe đức tin tức là sự triển khai mặc khải trong truyền thống bởi huấn quyền của Giáo Hội. Sự đóng góp của triết học thật quan trọng để thấu hiểu một cách mạch lạc Thánh Truyền của Giáo Hội, những phán quyết của huấn quyền và những ý kiến của những danh sư thần học: quả thực những yếu tố khác nhau thường được biểu thị bằng                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        những quan niệm và dưới những hình thức mượn của truyền thống triết học nhất định. Trong sự hiểu biết đức tin, chân lí được minh giải không những chỉ bằng cách nhận ra những cấu trúc luận lí và trừu tượng của những mệnh đề mà Giáo Hội dùng để hung đúc giáo huấn của mình, nhưng còn và nhất là còn làm nổi bật ý nghĩa cứu độ mà những mệnh đề ấy hàm chứa đối với các cá nhân và nhân loaị, nhờ triết học chiều kích phổ quát của ơn cứu độ được làm sáng tỏ. Có thể hiểu rằng, làm sao có thể diễn tả về Thiên Chúa và mối tương quan liên vị của Thiên Chúa, mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa với thần tính và nhân tính của Đức Kitô mà không dùng đến những khái niệm tương xứng thích đáng. Do đó, đòi hỏi đức tin phải có nhận thức tự nhiên về thế giới, tự nhiên, con người, hữu thể…  Tức là phải có triết học làm nền cho những nhận thức đó. Theo đó, các nghiên cứu thần học luôn nại đến sự nhận biết và hỗ trợ cách chuyên biệt bởi  các kiến thức về triết học. Điều này được chứng minh cụ thể qua các lãnh vực nghiên cứu cụ thể của các đối tượng thần học.

Trước tiên phải kể đến  thần học tín  lí, trong chuyên ngành của mình, thần học tín lí phải có khả năng phối hợp ý nghĩa phổ quát của mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi, và của nhiệm cục cứu độ, hoặc theo lối trình thuật, hoặc trước hết bằng dạng thức biện luận. Thần học phải thực hiện công việc đó qua những triển khai tư tưởng trừu tượng, phổ cập, được trình bày một cách phê bình. Do đó,không có sự trợ giúp của triết học, người ta không thể thuyết minh những đề mục thần học, chẳng hạn như ngôn ngữ về Thiên Chúa, những tuơng quan ngôi định giữa Ba ngôi Thiên Chúa, công trình tạo thành của Thiên Chúa trong thế giới, tương quan giữa Thiên Chúa và con người, căn tính của Chúa Kitô, là Thiên Chúa thật và là người thật. Những suy tư ấy cũng có giá trị đối với những đề mục về thần học luân lí, vì vậy, phải nhờ đến những quan niệm như luật luân lí, lương tâm, sự tự do, trách nhiệm cá nhân, tội lỗi… những quan niệm được định nghĩa trong lãnh vực triết lí luân lí. Có thể nói, thần học tín lí trừu tượng giả định và ngầm hiểu một nền triết học về con người, về thế giới và một cách căn đế hơn, về hữu thể, xây dựng trên chân lí khách quan.

Riêng với thần học nền tảng, một môn học có nhiệm vụ phải biện lí cho đức tin, bản thân nó phải nỗ lực duyệt chính và minh nhiên hoá giữa đức tin và suy tư triết học. Khi lấy lại giáo huấn của Thánh Phaolo (xc.Rm1,19-20), Công Đồng chung Vaticano I đã lưu ý chúng ta đến sự kiện là có những chân lí tự nhiên, và như vậy có thể được triết học nhận biết. Việc nhận biết những chân lí ấy là một giả định cần thiết để tiếp nhận mặc khải của Thiên Chúa. Cũng một cách, thần học nền tảng phải chứng minh sự tương hợp sâu sắc giữa đức tin và yêu sách thiết yếu của nó về sự giải thích bằng lí trí, để lí trí thuận theo một cách tự do đầy đủ. Như vậy dức tin sẽ biết “chỉ lối đầy đủ cho một lí trí thiết thực nghiệm cứu chân lí. Như thế, đức tin, hồng ân của Thiên Chúa, dù không đặt nền tảng trên lí trí, nhưng hẳn không thể phớt lờ lí trí. Đồng thời cũng thấy lí trí cần được đức tin củng cố, để khám phá những phạm vi mà nó tự mình không thể đạt tới”.

Đối với thần học luân lý, triết học còn có sự đóng góp lớn lao hơn nữa. Chiếu theo đời sống theo Tân Ước, dưới sự soi sáng của Thánh Linh và những môi trường áp dụng đặc thù của đời sống cá nhân hay xã hội, người Kitô hữu phải vận dụng sâu sắc lương tâm hay khả năng suy luận của mình. Nói cách khác, thần học luân lí phải nại đến một quan niệm đúng đắn về bản tính nhân loại và về xã hội, cũng như về những nguyên lí tổng quát của một sự quyết định luân lí.



v  Vấn đề 3: Các nền văn hoá và hệ luỵ của nó đối với triết học và thần học

Có một số người bắt bẻ cho rằng các nhà thần học ngày nay không cần nhờ tới triết học cho bằng cần những sự giúp đỡ của những loại nhận thức khác như lịch sử, những tiến bộ khoa học đã làm cho mọi người thán phục. Cũng có người nhaỵ cảm chủ trương cho rằng thần học phải quan tâm tới sự khôn ngoan chứa đựng trong truyền thống các dân tộc hơn là một nền triết học có nguồn gốc Hy Lạp và Châu Âu. Ngoài ra cũng có những quan niệm sai lầm về tính đa nguyên văn hoá nên phủ nhận giá trị phổ quát của di sản triết học của Giáo Hội.

            Trên thực tế, các nền văn hoá nếu chỉ mang tính đặc thù thì việc hội nhập văn hoá dễ mang tính hình thức vì chưa đủ sức làm biến đổi tâm thức văn hoá, sự việc này dễ dẫn đến tình trạng thoả hiệp văn hoá, mà đức tin mang tính phổ quát, đòi hỏi một sự thay đổi tận căn. Nhờ vậy cuộc gặp gỡ giữa đức tin và các nền văn hoá sẽ tạo nên một cái gì đó mới mẻ. Mặt khác, do tính phong phú và khuynh hướng vươn tới chỗ hoàn chỉnh của mình, các nền văn hoá trình bày những con đường khác nhau để dẫn đến chân lí, vì chính trong văn hoá có một khả năng nội taị để đón nhận mặc khải của Thiên Chúa. Cách thức mà người Kitô hữu sống niềm tin của mình cũng thấm nhuần bởi nền văn hoá của môi trường xung quanh, và về phần mình, cũng góp phần vào việc hung đúc dần dần những đặc tính của nền văn hoá ấy. Những Kitô hữu mang lại cho mỗi nền văn hoá chân lí bất di bất dịch của Thiên Chúa, được chính Ngài mặc khải trong lịch sử và trong nền văn hoá của một dân tộc. Thành thử, một nền văn hoá không bao giờ trở thành tiêu chuẩn phán đoán và càng không thể trở thành tiêu chuẩn tối hậu của chân lí, trong những điều kiện liên quan đến mặc khải của Thiên Chúa. Vậy Tin Mừng không đối nghịch với nền văn hoá, trái lại, Tin Mừng mang đến cho thế giới và các nền văn hoá một lời mời gọi tiến đến chân lí vẹn toàn. Trong sự gặp gỡ giữa các nền văn hoá và Tin Mừng, các nền văn hoá chẳng những không mất mát chi hết, lại còn được khích lệ để cởi mở đón nhận cai mới mẻ của chân lí, của Tin Mừng và nhờ đó mà hồ hởi phát triển thêm. Hơn nữa, mặc dù các khoa học tự nhiên và văn hoá, cũng như các kho tàng văn minh truyền thống là điều quý báu, nhưng cả văn hoá và khoa học cũng cần đến những tư duy triết học để có thể nhận ra những giá trị chân lý phổ quát nơi các khoa học và các kho tàng khôn ngoan. Thế nhưng, do ảnh hưởng của văn hoá, một số triết gia đã từ bỏ việc nghiên cứu chân lí, lấy việc chắc chắn chủ quan và lợi ích thực dụng như mục đích duy nhất. Điều đó làm lu mờ vị trí đích thực của lí trí, lí trí khôngcòn được chuẩn bị để biết điều chân thật gây nên sự phân li giữa đức tin và lí trí, hố sâu giữa đức tin và lí trí bị khơi sâu thêm bởi suy tư của những người có suy tư thiên lệch về triết học như vậy.

Đức Thánh Cha khẳng định: “Ngày nay, cùng với đà tiếp cận với các môi trường văn hoá cho đến nay nằm ngoài vùng quang tỏa của Kitô giáo, có những nỗ lực mới để hội nhập văn hoá. Có những vấn đề đặt ra cho thế hệ chúng ta, tương tự như những vấn đề Giáo Hôi phải đối phó trong những thế kỉ đầu.” Qua đó, Ngài nhắc lại về những buổi đầu khi mà Kitô giáo lần đầu tiên chịu ảnh hưởng của nền triết học Hy Lạp, và nhận định rằng với việc tiếp cận và hoà nhập với các nền văn hoá mới là vấn đề cấp thiết mà chúng ta phải thực hiện. Ngài cũng đưa ra những nét văn hoá tiêu biểu của nền triết học Đông Phương cổ kính, đặc biệt là văn hoá Ấn Độ, một đất nước huyền bí với một nền văn minh triết học lâu đời và đề ra các cách thức để đưa Kitô giáo hội nhập vào văn hoá, qua đó rút tỉa ra từ di sản lớn lao này những yếu tố tương hợp với đức tin của mình để làm cho tư tưởng Kitô giáo thêm phong phú. Ngài cũng áp dụng nguyên tắc này đối với di sản các nền văn hoá lớn khác như Trung Quốc, Nhật Bản và những nước Châu Á khác, cũng như cho những sự giàu có của các truyền thống Châu Phi mà phần lớn được truyền khẩu.

Dưới ánh sáng của những suy tư này, mối liên hệ giữa thần học và triết học phải được hiểu đúng nhất như một vòng tròn, Nguồn suối và khởi điểm của thần học phải luôn luôn là lời Thiên Chúa được mặc khải trong lịch sử, còn mục tiêu cuối cùng của nó là hiểu biết lời ấy, môt sự hiểu biết gia tăng qua các thế hệ.Tuy nhiên, vì Lời Chúa là chân lí nên để giúp hiểu biết lời ấy hơn, công cuộc tìm kiếm chân lí trong triết học theo những quy tắc riêng chỉ có thể là hữu ích mà thôi. Điều đó không có nghĩa đơn giản là suy luận thần học sử dụng ý niệm này hay ý niệm kia, hay yếu tố nào đó của môt công trình triết học; điều quan trọng nhất là lí trí người tín hữu vận dụng những khả năng suy tư vào việc tìm kiếm chân lí bên trong một tiến trình khởi đi từ Lời Chúa nhằm đạt tới một sự hiểu biết lời ấy hoàn hảo hơn. Khi di chuyển giữa hai cực ấy – tức Lời Chúa và sự hiểu biết Lời ấy – lí trí như được hướng dẫn và được báo trước cho biết để có thể tránh những con đường có thể đưa nó đi chệch xa khỏi chân lí mặc khải và rút cuộc ra ngoài chân lí. Không những thế, lí trí còn được thúc đẩy để thăm dò những con đường mà tự nó không ngờ mình có thể bước theo. Mối liên hệ vòng tròn này với Lời Chúa làm cho triết học thêm phong phú, bởi vì lí trí khám phá ra những chân trời mới mẻ và không ngờ. Điều này được chứng minh bởi sự thành công của các Giáo Phụ, tiêu biểu như Thánh Ghegorio Nadien và Thánh Âu Tinh, các tiến sĩ thời trung cổ như Axenmo, Bonaventura, Toma Aqino. Những nhà thần học Kitô giáo lớn đồng thời cũng là những triết gia lỗi lạc. Mối liên hệ ấy cũng xuất hiện trong cuộc khảo sát của những tư tưởng mới hơn, như John Henry Newman, Antonio Rosmini, Jacques Maritain, Etienne Gilson, Edith ở phương Tây; Vladimir S.Soloviev, Pavel A. Florensky, Petr Chaadaev, VladimirN. Lossky ở phương Đông.



v  Vấn đề 4: Những thể trạng khác nhau của triết học

Nhìn qua kịch sử giữa đức tin và triết học qua các thời đaị, ta có thể nhận ra được các thể trạng khác nhau của triết học trong lịch sử tương chiếu với đức tin Kitô giáo.

Thể trạng đầu tiên là tồn tại một nền triết học tồn tại độc lập với các mặc khải của Tin Mừng, độc lập với tôn giáo, được hình thành trong lịch sử trứơc khi Chúa Cứu Thế ra đờivà về sau trong những miền chưa biết đến tin Mừng. Các tư tưởng triết họ thời kì này bày tỏ nỗ lực tự phát của con người trong việc thể hiện ước vọng chính đáng của mình bằng lí trí như về sự thiện, sự ác, sự vĩnh cửu của linh hồn. Về sự lôi cuốn cảm nhận từ thế giới vô hình, về chân lí, về đức hạnh, cái đẹp của thân xác, của tâm hồn và lí tưởng, cũng như những nguyên lí về sự hoàn hảo… Những suy tư đó bị giới hạn bởi lí trí nhân loại mà chưa đem lại lời giải đáp thoả đáng cho tất cả những giá trị của chân lí tối thượng. Nền triết học này cũng đáng được trân trọng vì tuy chỉ đi tìm chân lí theo lối tự nhiên, nhưng trong những suy tư triết học luôn gợi mở và hướng đến những chân lí siêu nhiên. Không những thế, ngay cả trong thần học, người ta cũng gợi mở những suy tư triết lí nhằm bảo đảm những kết luận mang tính phổ quát, làm cho các hoạt động của thần học sinh hiệu quả hữu lí hơn.

Thể trạng thứ hai được mệnh danh là triết học Kitô giáo, nhưng không có nghĩa là thứ triết học chính thức của Giáo Hội, mà chỉ là danh xưng mang tính lịch sử. Đó chỉ là phương cách triết lí được kết hợp giữa đức tin và lí trí cách chặt chẽ, tích cực. Trong đó, các nhà tư tưởng Kitô giáo đã sử dụng đức tin của họ một cách minh nhiên, không phải như chứng cứ, nhưng như sách hướng dẫn cho sự tìm kiếm triết học của họ. Đức tin này đặt họ vào trong một bầu khí đặc biệt, bầu khí đạo Kitô, làm cho triết học của họ trở thành triết học Kitô giáo. Có thể nói rằng triết học Kitô giáo là một triết học đích thực, một công trình của lí trí như bao triết học khác và còn có một cơ may trở thành một triết học đích thực hơn. Cũng như mọi triết học khác, triết học Kitô giáo sẽ không bao giờ hoàn thành, mà nó là một phần của lịch sử triết học kéo dài suốt 16 thế kỉ. Nền triết học này được phong phú qua những đóng góp có ý nghĩa và đạt tới đỉnh điểm nơi Thánh Tôma Aquinô. Những đóng góp này hiện nay vẫn tồn tại và tầm quan trọng đến độ người ta không thể viết lịch sử triết học mà không nhắc đến nó. Nhưng khi nói tiết học Kitô giáo, người ta không đơn thuần chỉ nói đến một nền triết học được xây dựng bởi những triết gia Kitô giáo mà thụât ngữ “triết học Kitô giáo” muốn ám chỉ chung cho mọi công cuộc xây dựng nào thuộc loại suy tưởng triết lí đã được thành tựu nhờ sự đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp của đức tin Kitô giáo. Đức Lêô XIII nhận định : “những ai biết kết hợp việc nghiên cứu triết học với sự vâng phục đức tin, những người này sẽ tư duy tốt hơn, bởi vì ánh sáng chân lí thần linh khi thấm nhập tâm hồn họ sẽ hỗ trợ cho lí trí, không phải để cất đi những phẩm chất của lí trí, trái lại còn làm cho sự cao thượng, sự thấu hiểu và sự vững chắc của lí trí được triển nở nhiều hơn nữa”. Thật vậy, một triết gia Kitô giáo thì không coi triết học là sự khôn ngoan cao nhất mà con người có thể đạt tới, vì đức tin có thể đem đến một ánh sáng mới và những chân lí mà sự bất toàn và giới hạn của lí trí không thể đạt tới, hầu giải thoát lí trí khỏi tính kiêu căng mà các triết gia dễ mắc phải.

Thể trạng thứ ba là thần học cần nhờ đến triết học. Quả vậy, không phải ngẫu nhiên mà ngày nay trong các trường thần học người ta lại chú trọng đến việc học triết học, mà trước đây không có hoặc có thể bị coi là vô ích; hiện nay triết học được coi như một sự chuẩn bị để đón nhận đức tin và vì thế hữu ích cho việc học tập và nghiên cứu thần học. Ngược lại chân lí mặc khải chứa đựng trong thánh kinh được hiểu một cách lành mạnh theo giáo huấn của Giáo Hội, cũng chứa đựng một lí tính riêng, một lập luận chặt chẽ có thể đưa ra một nhận thức đích thực. Con người là một tổng thể, do đó không có sinh hoạt nào của đức tin mà không có sự tham gia của lí trí và ngược lại không có sự sinh hoạt nào của lí trí mà lại không có sự tham gia của đức tin. Vì trong một con người luôn tồn tại đức tin (thần học) và lí trí (tự nhiên) nên trong mặc khải cũng chứa đựng cả chân lí siêu nhiên và chân lí tự nhiên cần thiết cho ơn cứu độ. Ngoài ra, thần học cần tới triết học như người đối thoại để kiểm chứng tính khả niệm và chân lí phổ quát của những điều nó khẳng định. Không phải tình cờ mà các nhà thần học trung cổ đã vận dụng những nền triết học ngoài Kitô giáo. Sự kiện lịch sử này xác hận giá trị tính đậc lập của triết học vẫn không suy giảm khi thần học cậy nhờ tới nó, nhưng đồng thời cũng cho thấy những biến đổi sâu xa mà con người đã trải qua. Chính vì sự đóng góp cao quý và cần thiết của nó mà kể từ thời các Giáo Phụ, triết học đã được gọi là nữ tì của thần học. Danh từ này không có ý chỉ sự phục tùng nô lệ hay vai trò thuần tuý chức năng của triết học đối với thần học. Trái lại nó được sử dụng theo nghĩa mà Aristote hiểu khi ông nói tới các khoa học thực nghiệm như là những tì nữ phục vụ triết học đệ nhất (prima philosophia). Qua đó cho thấy sự gắn bó mật thiết trong tương quan giữa triết học và thần học.



v  Vấn đề 5: Chủ nghĩa hiện sinh – sự tách rời lí trí ra khỏi tinh thần

            Chủ nghĩa hiện sinh là từ dùng để nói về nghiên cứu của moat nhóm triết gia cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, những người mà tuy khác nhau về học thuyết nhưng có chung niềm tin rằng tư duy triết học xuất phát từ chủ thể con người không chỉ là chủ thể tư duy mà là cá thể sống, cảm xúc và hoạt động. Trong chủ nghĩa hiện sinh, xuất phát điểm của cá nhân được đặc tả bởi cái từng được gọi là “thái độ hiện sinh” hay một tình trạng mất định hướng và bối rối khi đứng trước một thế giới có vẻ như vô nghĩa và phi lý. Nhiều nhà hiện sinh cũng đã coi triết học hàn lâm hoặc triết học hệ thống truyền thống, ở cả phong cách cũng như nội dung là quá trừu tượng và tách biệt khỏi trải nghiệm cụ thể của con người.

            Soren Kierkegaard và Friedrich Nietzsche là hai nhà triết học được xem là nền tảng cho chủ nghĩa hiện sinh. Họ chú trọng vào những trải nghiệm chủ quan của con người hơn những chân lý khách quan của khoa học, cái mà họ coi rằng quá xa cách để hiệu được những trải nghiệm của con người. Giống như Pascal họ quan tâm đến cuộc đấu tranh thầm lặng của mỗi cá nhân với sự vô nghĩa của cuộc sống và việc sử dụng sự giải trí để tránh khỏi sự buồn chán. Không như Pascal, Kierkegaard  và Nietzsche còn xem xét vai trò của sự lựa chọn tự do, đặc biệt là về những giá trị và niềm tin căn bản và những lựa chọn đó thay đổi bản chất của người lựa chọn thế nào. Hiệp sĩ của niềm tin của Kierkegaard và siêu nhân của Nietzsche là những hình mẫu về những người tự mình định dạng bản chất của sự tồn tại của mình. Kierkegaard và Nietzsche hoàn toàn đối lập nhau trong vấn đề về sự tồn tại của Thượng đế và sau này chính hai ông đã mở đường cho hai nhánh triết học hiện sinh khác nhau: hữu thần (Kierkegaard) và vô thần (Nietzsche). Những cá nhân lý tưởng này tự tạo ra những giá trị cho chính bản thân họ. Kierkegaard và Nietzsche cũng là những tiền thân cho các phong trào triết học khác và tâm lý học. Thế kỷ 20 sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, chủ nghĩa hiện sinh trở thành một phong trào triết học và văn hóa nổi tiếng, chủ yếu thông qua hai ngòi bút Pháp nổi tiếng: Jean Paul Sartre và Albert Camus. Họ viết những tiểu thuyết, vở kịch bài báo cũng như những tác phẩm chuyên ngành. Trong những năm này tác phẩm tồn tại và thời gian của Heigegger trở nên nổi tiếng ngoài nước Đức. Chủ nghĩa hiện sinh đã từng bước trở thành một trào lưu của triết học Châu Âu lục địa trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 20. Đến cuối đệ nhị thế chiến, nó trở thành một phong trào được biết đến rộng rãi, đặc biệt qua danh tiếng và các tác phẩm của Jean Paul Sartre cùng một số tác giả khác ở Paris sau giải phóng. Các tác phẩm của họ chú trọng vào các chủ đề như: “nỗi sợ, sự buồn chán, sự lạc lõng trong xã hội, sự phi lý, tự do, cam kết và hư vô” như là nền tảng của sự hiện sinh con người. Walter Kaufmann miêu tả chủ nghĩa hiện sinh là “sự từ chối gia nhập bất cứ trường phái tư tưởng nào, sự bác bỏ rằng không có bất cứ niềm tin hay đặc biệt là hệ thống niềm tin nào thỏa đáng, và một sự thất vọng rõ rệt đối với triết học truyền thống vì nó bề nổi, hàn lâm, và xa cách với cuộc sống”. Kết quả quan trọng của sự tách rời lý trí ra khỏi phần còn lại của tinh thần chính là sự phát triển của khoa học, điều đã trở thành một trong những dấu hiệu đặc trưng của nền văn minh phương tây, và hành động xếp đặt trật tự xã hội càng lúc càng mang tính duy lý của con người. Theo các nhà hiện sinh, các thế lực chính của lịch sử kể từ thời kỳ phục hưng đã không ngừng tách con người ra khỏi cuộc sống trần thế buộc anh ta phải sống theo những tiêu chuẩn trừu tượng cao cả, tập thể hóa con người cá nhân, đưa thượng đế ra khỏi thiên đàng và trái tim của con người. Con người hiện đại đang sống trong tình trạng xung khắc: với thượng đế, với thiên nhiên, với người khác và với chính mình. Con người, vũ trụ vạn vật vốn được Thiên Chúa tạo dựng trong trật tự hòa hợp khi trở nên xung khắc với thực tại này, con người tự tách mình ra khỏi vị thế thống nhất mà Thiên Chúa thiết lập. Khi tự đặt chính mình làm thước đo mọi sự phủ nhận vai trò của đức tin, khước từ hoạt động của lý trí đồng nghĩa với việc của con người tự đặt mình vào ngõ cụt. Điều này được chứng minh qua tình trạng khủng hoảng và bế tắc của phần đông nhân loại ngày nay khi mà tình trạng này đã và đang trở thành một xu hướng thịnh hành lôi kéo phần đông một bộ phận nhân loại, đặc biệt giới trẻ. Họ trở nên lạc lõng, mất phương hướng trước thế giới hiện hữu và không tìm được điểm tựa chắc chắn cho thế giới tâm linh, từ đó đi đến các hành động tự diệt để giải thoát. 





  1. KẾT LUẬN

 Trên hành trình tìm kiếm, khám phá Mặc Khải, triết học đóng vai trò rất quan trọng và cần thiết để hỗ trợ cho các công trình nghiên cứu của thần học. Qủa thật, triết học là điểm gặp gỡ giữa các nền văn hoá va đức tin Kitô giáo, nơi hoà hợp giữa những người tin và không tin, là một trợ lực để người Kitô hữu xác tín cách thâm thuý hơn rằng, sự sâu sắc và tính xác thực của dức tin được cổ võ khi đức tin liên kết với một tư tưởng và không từ chối tư tưởng ấy. Thật vậy, trong hành trình tìm kiếm chân lí đến từ Thiên Chúa, đức tin và lí trí không ngừng hỗ trợ và bổ túc cho nhau. Trong đó, đức tin đóng vai trò then chốt hướng dẫn việc đón nhận và khai mở những giá trị chân lí và lí trí là người bạn đồng hành, trợ giúp và định hướng cho đức tin, cả hai tạo thành một sự liên kết chặt chẽ và hợp lí để đưa chân lí với nhân loại. “ Đức tin và lí trí ví được như đôi cánh giúp cho trí khôn con người vươn lên chiêm ngắm chân lí. Thiên Chúa đã đặt vào trái tim con người niềm khao khát được biết chân lí, tức là được biết chính Người, ngõ hầu một khi đã biết và yêu mến Thiên Chúa, con người cũng có thể biết được sự thật về chính mình”. Thế nhưng, ngày nay cả đức  tin và lí trí đang phải đương đầu với những vấn đề hết sức nghiêm trọng khi đứng trước một thế giới đang bị băng hoại, các giá trị siêu nhiên và luân lí đang bị thay thế bởi sự bành trướng của chủ nghĩa hiện sinh và các phong trào tục hóa, con người không còn nhìn nhận một Thiên Chúa là Đấng tạo dựng, không chấp nhận những chân lí khách quan mà chỉ đặt nền tảng cuộc đời trên nhân vị cá nhân chủ nghĩa. Khi không còn hướng đến chân lí vĩnh cửu, khi bóp chết lí lẽ của lương tâm, từ chối nhận thức khách quan của lí trí, con người trở nên mù lòa với các mặc khải của Thiên Chúa, nguồn gốc và cùng đích của mọi sự hiện hữu trên trần gian này. Đứng trước xu hướng lệch lạc ấy, thông điệp “ đức tin và lí trí” của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II là lời cảnh tỉnh và thúc giục con người trở lại khám phá và nhận ra tầm quan trọng của đức tin và lí trí đích thực quy hướng về các thực tại siêu nhiên. Thật vậy, với chủ đề chính được đề cập đến là “chân lí” Đức Thánh Cha như khơi dậy ý thức của con người, những kẻ “đi tìm chân lí” về khát vọng tìm về nguồn chân lí đích thực, chân lí được mặc khải qua sự nhận biết của đức tin với sự hỗ trợ của lí trí để chống lại và loại trừ chủ nghĩa tương đối vốn đẩy con người đến cuộc khủng hoảng ý nghĩa làm mất phương hướng và đe doạ hạnh phúc đích thực. Đối với người Kitô hữu nói chung, đặc biệt các Linh Mục, Tu Sĩ, chúng ta cần nhận thức đủ và đúng về ý nghĩa và tầm quan trọng  của đức tin và lí trí cũng như mối quan hệ tương hỗ giữa triết học và thần học để sở hữu được nguồn khai mở, nắm chính xác kim chỉ nam trên hành trình tìm kiếm chân lí.





























TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. ĐGH GIOAN PHAOLÔ II. Thông điệp” Đức tin và lí trí”. NXB TPHCM. 1997.
  2. LM GIOAKIM TRẦN VĂN HƯƠNG. “ Triết học nhập môn”. 2000.
  3. MARIANO ARTIGAS. “Nhập môn triết học”. PR Joseph Đỗ Ngọc Bảo,OP, chuyển ngữ.   
  4. VĨNH AN. “Lịch sử triết học Tây Phương”. NXB Trẻ. 2006.
  5. LM PIO PHAN VĂN TÌNH. “Triết học thượng cổ Tây Phương ảnh hưởng trên Kitô giáo”                                                                                                                                                                                                                                                                                                                             


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét