NHỮNG TƯƠNG QUAN CHÍNH YẾU GIỮA TRIẾT HỌC VÀ THẦN HỌC
Đâu là mối tương quan chính yếu giữa triết học và thần học, hai nẻo đường suy tư, một cách nào đó có vẻ như mâu thuẫn và nghịch chiều, nhưng cùng dẫn đến đích chân lý. Chúng ta thử đi lại những chặng đường của tiến trình lịch sử suy tư của hai hình thái tri thức này để tìm ra những điểm tương đồng và quan hệ hỗ tương giữa chúng. Thần học là khoa học về Thiên Chúa, cố gắng tập trung một cách có hệ thống và hữu cơ, tất cả những yếu tố của đức tin để đáp ứng sự tìm kiếm của trí tuệ dưới sự hướng dẫn của Ánh Sáng đã nhận được, làm cho đức tin đâm rễ sâu vào trong cuộc sống con người và để cho đức tin dễ thông đạt hơn, có khả năng hơn nhằm trả lời những vấn nạn, làm phong phú hóa đời sống con người và làm tăng triển những tương quan tốt đẹp giữa họ. Còn triết học là nỗ lực của lý trí tìm kiếm những nguyên lý tối hậu của thực tại và của hiện hữu.
Triết học chào đời trong cái nôi bình minh nhân loại, khi con người ngơ ngác trước lẽ hiện sinh và tự hỏi: Tại sao tôi có trên đời? Tôi sống để làm gì và sau khi chết tôi sẽ đi về đâu? Tại sao lại có sinh, lão, bệnh, tử và vô vàn những xung đột, bất công nẩy sinh trong cuộc sống v.v… Tự vấn về thân phận mong manh của kiếp người luôn là nỗi thao thức khôn nguôi của con người. Triết học tham gia vào lý giải những vấn nạn đó và có tham vọng giải quyết một cách rốt ráo mọi vấn đề. Nhưng càng đi sâu, triết học càng bị bế tắc, bởi nó chỉ quanh quẩn ở chốn “lưu đày” của kiếp nhân sinh với tầm nhìn của một con gà rảo bước tìm thức ăn trong khu vườn. Chào đời từ cái nôi Logos – Lời Thiêng, lý trí thần minh, thần học nắm lấy ngọn cờ đảm nhận trật tự thế giới, nắm giữ quy luật thống nhất vạn vật và thể hiện một sức mạnh nội tại phi thường, chi phối và chế ước toàn bộ quá trình tự nhiên lẫn đời sống con người[1]. Thần học vào cuộc bằng những tuyên bố chắc nịch và những phán quyết đầy xác tín. Ở vị thế của một con hạc bay nơi trời cao ngó xuống nhân gian, thần học bao quát được mọi vấn đề, thấu tận được mọi ngõ ngách. Nhưng đó là ở cái thuở mà nhân loại đang còn sờ soạng dò dẫm bước đi dưới sự chỉ dẫn của ánh quang huyền thoại, nên những phán quyết của thần học nghe thật hấp dẫn. Thế rồi thần học dụ triết học vào vị thế nô tì nhưng vẫn được đảm trách vai trò chúa tể của các khoa học “hạ cấp”. Bấy giờ nhiệm vụ của một nô tì triết học là chứng minh những gì mà ông chủ thần học khẳng định. Nô tì triết học có nhiệm vụ gom tất cả những cái tản mạn manh mún trong thế giới khả giác đầy hoài nghi và ngộ nhận này để đặt nó trên nẻo đường hướng đến đích ông chủ thần học đã định sẵn.
Thời các Tông phụ, các nhà hộ giáo và các nhà minh giáo, trên căn bản vẫn đặt thần học ở vị thế cao hơn triết học, nhưng đã có những cách dung hòa khôn khéo để tránh sự va chạm. Thánh Justine mang một tinh thần lạc quan, rộng mở trong việc đối chiếu đức tin với lý trí và triết học Hy lạp. Theo Justine “Đức tin và lý trí không thể mâu thuẫn nhau, vì chân lý là một, chân lý chỉ có nguồn suối độc nhất nơi Thiên Chúa và nơi Logos, Lời của Người”[2]. Những chân lý dò dẫm, rời rạc, mâu thuẫn nơi các triết gia chỉ nhằm để chứng minh cho tính siêu việt của mạc khải Kitô giáo. Chỉ có Lời thiêng – Logos mới là nguồn suối của chân lý. Thánh Clémenté, một triết gia Kitô giáo ôn hòa, lại khẳng định vị thế của triết học bằng những tuyên tín: tri thức và đức tin thống nhất với nhau, nhưng ưu thế vẫn nghiêng về đức tin. Đức tin là tri thức giản ước, tri thức là đức tin cần chứng minh. Đích điểm cuối cùng của con người hướng đến là đức tin. Origèn thì dành nỗ lực làm sáng tỏ mối quan hệ giữa đức tin và lý trí, nhưng cái vĩnh hằng bất biến của Logos cũng là đệ nhị nguyên nhân, lệ thuộc vào đệ nhất nguyên nhân là Thiên Chúa, vì người ta không thể hình dung một thế giới vĩ mô mà quên rằng tính chất ấy phải được đảm bảo bởi người sáng tạo ra nó. Origèn và Philon gặp nhau ở cùng một điểm, đó là nỗ lực dung hòa Kinh Thánh với truyền thống Hy Lạp. Đại biểu sáng giá của thời minh giáo là thánh Tertullien, ngài đã kiên quyết đoạn tuyệt với cái thói đỏng đảnh của triết học, vì giữa những hỗn mang cơ cực, những lời lẽ tốt đẹp của lý trí trở nên lạc lỏng trước bao nỗi lo toan đời thường. Người nghèo muốn được an ủi, che chở trong một thế giới đầy tai ương xem ra xa lạ với những ảo mộng của các bậc thông thái xưa. Lý trí trở thành xa xỉ phẩm đối với một số người. Theo Tertullien, chú giải Kinh Thánh chỉ là trò thông thái rởm. Nội dung Kinh Thánh là chân lý hiển nhiên, không cần bàn cãi: “Tôi tin, vì đó là điều phi lý”. Còn thánh Ambroise lại dấn thân tích cực cho nỗ lực giải hòa Giáo Hội với nhà nước, như hai biểu tượng của đức tin và lý trí: “Cái gì của Sésar trả cho Sésar, cái gì của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa”; “Nếu hoàng đế là một tín đồ, thì hoàng đế thuộc về Giáo Hội, chứ không vượt trên Giáo Hội”[3].
Nếu nhìn từ bên ngoài, người ta dễ nhầm tưởng mối tương quan giữa triết học và thần học giống như một cuộc hôn nhân không hạnh phúc và những đụng độ giữa thần học, với những khẳng định chắc nịch của mình, và triết học cũng có những xác tín riêng, không đi đến hồi kết. Lần tìm trở lại thuở ban đầu của Kitô giáo, người ta đã ghi nhận sự thất bại của thánh Phaolô khi Ngài đòi “rửa tội” cho văn hóa Hy Lạp. Ngài rao giảng về sự “khôn ngoan của Thập giá” đã gây ra scandal đối với người Do thái là những người rất am tường về Kinh Thánh của mình và là sự điên rồ đối với dân ngoại là những kẻ vẫn ưa thích những lý chứng nơi nền minh triết của họ.
Nhưng khi Augustin “rửa tội” cho triết học Platon, tương quan thần học và triết học bắt đầu bước sang một giai đoạn mới. Tuy nhiên, Augustin vẫn không hoàn toàn tin tưởng vào lý trí vì nó là “cái la bàn đã bị hỏng” do tội nguyên tổ. Chịu ảnh hưởng của Platon, thánh nhân đã kế thừa ý niệm sự thiện để xây dựng quan điểm thần học của mình: “chỉ duy có Thiên Chúa là bản tính phi nguyên lý, nghĩa là sự thiện tối cao và bất biến… từ sự thiện tối cao và bất biến này, vũ trụ và mọi sự tốt lành được sáng tạo”[4]. Nguyên việc làm đó cũng đã cho chúng ta thấy được tính tự thân của mối quan hệ giữa đức tin và lý trí, cụ thể là tính kế thừa có chọn lọc của một nhà thần học Kitô giáo trên tư tưởng của một triết gia Hy lạp. Có thể nói thành công này đã mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên Kitô giáo dành vị thế độc tôn, đúng hơn là thần học nắm lấy ngọn cờ tiên phong trong mọi cuộc hướng dẫn nhân loại. Lúc này sự “liên minh” giữa triết học và thần học được nâng lên ở một tầm cao. Khi Thomas d’Aquin mở toang cánh cửa để đưa thần học tiếp xúc với cái mới bằng cách “rửa tội” triết học Aristote, cũng là thời kỳ phồn vinh của triết học Kinh viện. Thomas đã phân rõ ranh giới giữa triết học và thần học nhưng không đối lập giữa chúng. Thomas chủ trương dung hòa giữa đức tin và lý trí, nhưng đối tượng nghiên cứu của triết học là “chân lý của lý trí”, còn đối tượng nghiên cứu của thần học là “chân lý đức tin”. Thiên Chúa là khách thể cuối cùng của thần học và triết học, là nguồn cội và nền tảng của mọi chân lý, cho nên về nguyên tắc không thể có sự mâu thuẫn giữa triết học và thần học, giữa lý trí và đức tin. Nhưng vai trò của triết học luôn thấp hơn thần học trong việc truy tìm chân lý. Triết học phải phụ thuộc thần học, vì không phải mọi chân lý tôn giáo đều có thể đạt được bằng sự chứng minh hợp lý của lý trí hay của suy luận logique. Cái biết của đức tin là qua tin tưởng, còn cái biết của lý trí là qua suy nghĩ, quan sát, thực nghiệm hay kinh nghiệm cá nhân. Nói cách khác, triết học là một khối kiến thức được sắp xếp có thứ tự lớp lang để lý giải về các sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan, nó là nỗi thao thức của con người trong nỗ lực kiếm tìm một quy luật chung nhất cho nhiên giới và nhân giới. Còn thần học, khởi đi từ sự mạc khải của Lời, nhằm đưa ra những câu trả lời cho bao vấn nạn về ý nghĩa của cuộc sống, nỗi khổ đau của kiếp người và mở ra một viễn ảnh, một tia hy vọng phía sau sự câm nín của nấm mộ. Cô nữ tì triết học ngang ngạnh, lúc này là một người vợ ngoan hiền. Dẫu vậy, “tội nguyên tổ” của nàng vẫn không được xóa, mầm phiến loạn do tội gây nên vẫn còn đó, nàng chỉ cắn răng chấp nhận phận gái thuyền quyên “mười hai bến nước biết bến nào trong”, chờ thời cơ để chia tay, đường ai nấy đi. Sau một thời gian dài bị coi là “cố thủ trong pháo đài của những khái niệm thuần túy tư biện, xa rời cuộc sống, sính chữ, hay sùng bái từ ngữ chỉ có thể dẫn người ta vào mê hồn trận của những câu chữ sáo rỗng và đáng ngờ về giá trị thực tiễn”[5], những phát súng đầu tiên được bắn ra từ các phòng thí nghiệm của khoa học thực nghiệm, tạo thành một cao trào phản kháng lan rộng khắp trời Âu, chống lại vị thế độc tôn của thần học. Lúc này những phần tử cơ hội chủ nghĩa, thích dựa hơi vào khoa học, như Didrot, Voltaire, Montesquieu và Jean Jacques Rousseau… nhân dịp này đã thổi bùng lên một làn sóng tư tưởng phản kháng, dọn đường cho những cuộc xuống đường làm cách mạng. Lý trí – triết học được đánh thức, ra khỏi loan phòng, nơi đã một thời cùng với ông “chồng hờ” thần học trưởng giả, thích ăn trên ngồi trước, “đồng sàng” nhưng “dị mộng”. Nói theo ngôn ngữ của Marcel Neuchs: “Từ vị trí nô lệ, thần học bảo gì làm nấy, triết học tự tuyên bố độc lập. Còn hơn thế nữa, nó tự chuyển sang vị thế quan tòa…”[6]. Lúc này các thần học gia mới giật mình bừng giấc, hết ảo tưởng có cao vọng nắm trong tay chìa khóa mở vũ trụ. Giờ đây thần học đồng chia sẻ nỗi ưu tư của con người thời đại với triết học: “Thần học không còn chiếm giữ vị trí thống trị, không còn có đủ khả năng để lùa tất cả những chú ngựa hoang tư tưởng về trong cái vòng cương tỏa của mình nữa. Chính bản thân thần học xem ra cũng chỉ như là một lối giải thích giữa những lối giải thích khác, đang cạnh tranh với nó và cũng tự cho mình có một hệ thống mạch lạc không kém gì hệ thống thần học”[7]. Vậy là sau thời gian dài bị giam hãm, kìm kẹp trong vai trò của một nô tì, triết học nổi dậy đòi khẳng định vị thế “hoa tiêu” của mình. Cùng với đà lên ngôi của nền dân chủ trong buổi bình minh Khai sáng, triết học chớp lấy cơ hội để rủ bỏ thân phận đầy tớ. Nói đúng hơn thì phong trào Ánh sáng được khởi đi từ sự dọn đường của những tiền đề tư tưởng thích nổi loạn, đòi sự tự trị về tri thức và luân lý. Nghĩa là triết học ý thức được vai trò độc lập của mình trong “thể chế dân chủ đa nguyên”.
Tuy nhiên, nếu thần học tự nhốt mình trong lâu đài cũ kỹ của thời trung cổ hoặc ngồi nhìn các định chế khác bị dẫn dắt bởi triết học, phiêu lưu trên những nẻo đường vô định, nghĩa là thần học đang phản bội lại chính sứ mệnh của mình. Thần học phải chấp nhận căng thây ra và đóng đinh vào Thập giá cứu đời. Sứ mệnh của thần học là phải tìm lại mối tương quan thân tình vốn có với triết học, để cùng với nó nhập cuộc cứu đời. Thật vậy, “Đức tin và Lý trí được ví như đôi cánh giúp tâm trí con người vươn cao lên trong sự chiêm nghiệm chân lý. Chính Thiên Chúa đã in đặt nơi tâm khảm con người ước vọng tìm biết chân lý để cuối cùng con người được nhận biết Thiên Chúa, ngõ hầu nhờ nhận biết và yêu mến Người, con người sẽ đạt thấu được sự thật về mình cách đầy đủ”[8]. “Giữa niềm tin và lý trí, giữa huyền nhiệm và khoa học… Cả hai đều lớn lên với nhau và tồn tại trong nhau nơi đời sống của một con người. Chúng bổ túc và phong phú hóa cho nhau để giúp con người hình thành quan niệm đúng đắn và quân bình về cuộc sống, đồng thời làm triển nở sâu rộng mọi chiều kích nhân-linh”[9]. Đức Bênêđictô XVI, trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô, 16/06/2010, tiếp tục trình bày về thánh Tôma Aquinô, đã nói: “Lý trí thừa nhận một chân lý bằng vào sự hiển nhiên nội tại của nó, đang khi đức tin chấp nhận một chân lý trên nền tảng của Lời mạc khải duy nhất. Sự phân biệt bảo đảm quyền tự trị của các khoa học nhân văn cũng như các khoa học thần học. Nhưng nó không hệ tại một sự tách rời nhưng là một sự hợp tác. Trên thực tế, đức tin bảo vệ lý trí khỏi mọi cám dỗ nghi ngờ về khả năng của mình. Nó kích thích lý trí để mở ra cho những chân trời rộng lớn hơn…”[10].
Con người vẫn còn đó những thao thức khôn nguôi về lẽ hiện sinh của mình. Có một thời người ta ngược xuôi bôn tẩu để tìm tự do, nhưng đi đến đâu con người vẫn cũng chỉ có chừng ấy những trăn trở lo toan. Và sau thời gian lưu đày Thượng đế và vội vã tuyên bố rằng Ngài đã chết, nay người ta lại gọi Ngài về. Niềm ưu tư về siêu việt phải trở về ngự trị giữa lòng tư tưởng hiện đại, một khi nó đã cảm nhận mãnh liệt vấn đề của con người… Người ta không thể nghiêm chỉnh tự vấn về con người mà rốt cục không nghiêm chỉnh tự vấn về Thượng đế. Một lần nữa, cùng với H. De Lubac trong Sur les chemins de Dieu, chúng ta khẳng định về mối tương quan chặt chẽ giữa đức tin và lý trí hay giữa thần học và triết học trên cơ sở những suy tư và kinh nghiệm đức tin của con người: “Triết gia và nhà đạo đức, con người cổ sơ và con người văn minh, tư tưởng gia độc sáng nhất và người tín hữu khiêm tốn nhất, nhà tiên tri và nhà thần bí, không chỉ cùng gặp nhau trên cùng một tiếng khi mỗi người nói: ‘Thượng đế’, nhưng mỗi người có một hướng đi chính đáng… và họ hướng đến việc gặp nhau dù rằng đối tượng của mỗi người có vẻ khác nhau…
Thượng đế của trí khôn và Thượng đế của lương tâm, Thượng đế của Mạc khải siêu nhiên và Thượng đế của lý trí, Thượng đế của thiên nhiên và Thượng đế của lịch sử, Thượng đế của hữu thể và Thượng đế của giá trị, Thượng đế của suy tư và Thượng đế của kinh nghiệm, Thượng đế của triết gia và Thượng đế của nhà thần bí… đối nghịch biết bao nhưng cũng duy nhất biết bao! Thượng đế duy nhất với thiên hình vạn trạng, đích điểm duy nhất của muôn ngàn lối đến! Thượng đế của tất cả con người tôi! Thượng đế của mọi người!”[11].
Tương quan giữa triết học và thần học hay giữa đức tin và lý trí là mối tương quan vốn dĩ có sự nâng đỡ, bổ túc cho nhau trong việc kiếm tìm chân lý, nhưng do không phân biệt địa hạt và không tôn trọng tính độc lập tương đối của nhau nên, trong quá khứ và cả hiện tại, đã và đang có những mối xung đột bất dung hòa giữa hai hình thái “tri thức” này. Thật vậy, “đức tin là điều kiện tiên quyết chứ chưa phải là điều kiện đủ của nhận thức. Con người không chỉ tin mà còn suy nghĩ về những điều mình tin. Tin đòi hỏi sự hiểu biết. Đức tin có trước lý trí xét về thời gian, nhưng lý trí cần hơn đức tin về thực chất công việc”. Và “con người là một thực thể có lý trí, nhưng không phải ai và lúc nào cũng giải quyết công việc mình bằng lý trí”. Lý trí con người dù hoàn hảo đến đâu vẫn không thể thấu hiểu hết mọi sự vật hiện tượng trong thế giới hữu hình, chứ chưa nói đến những thực tại vô hình. Như vậy, khước từ đức tin để chỉ vin vào lý trí, hoặc ngược lại, trong việc tìm biết chân lý, được ví như con chim chỉ có một cánh không thể bay lên được hay như con thuyền chỉ có một mái chèo chỉ xoay vòng tại chỗ. Phải trả lại vị thế ban đầu cho nó. “Niềm tin vượt quá lý trí ở đối tượng; còn lý trí thì vượt quá niềm tin ở phương cách, nên mỗi bên đều có lĩnh vực khác biệt, độc lập. Trong thực tế có những đối tượng cần cho triết học mà không cần cho thần học”[12].
Đăng Trình
[1] PGS. TS Doãn Chính và Đinh Ngọc Thạch, Triết học Trung cổ Tây âu, NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội 2005.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét