ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ
Thần học- đinh vinh phúc
Bài diễn văn của Benoît XVI tại đại học Ratisbonne (Nước Đức, miền Bavière) ngày 12/9 vừa qua đã được tờ Le Monde và tờ La Croix phổ biến, độc giả tiếng Pháp có một cơ hội hiếm có để đọc chính văn bản để xem nó có xúc phạm (hay không xúc phạm) tới danh dự của người Hồi giáo, và nếu có thì ở chỗ nào.
Bài diễn văn bắt đầu bằng kỷ niệm của vị giáo sư đã dậy học ở đây, nhắc lại bầu khí cởi mở của Đại học giữa các ngành chuyên môn, và đặc biệt giữa hai ban thần học (Công giáo và Tin lành), mà đề tài nghiên cứu là Thiên Chúa, một đề tài xem ra không có căn bản gì hết, theo nhận xét của một giáo sư. Phủ nhận vai trò của thần học như vậy, loại Thiên Chúa ra ngoài lý trí, là một lập trường cực đoan sai lầm, theo diễn giả. Tất cả vấn đề là thế, và chỉ là thế. Benoît XVI vẽ một bức tranh rất hấp dẫn về quá trình liên hệ giữa Đức Tin và Lý Trí, bắt đầu bằng cuộc đàm thoại giữa một nhà vua và một học giả.
(Thế kỷ 16 là một thời chinh chiến. Byzance (Constantinople) trung tâm của thế giới Thiên Chúa giáo ở phương đông, duới quyền lãnh của một hoàng đế (bazeus) tiếp nối sự nghiệp của Constantin đệ nhất. Byzance được bảo vệ bởi hệ thống tường thành rất vững chãi. Nhưng súng đại bác vừa xuất hiện trên chiến trường. Năm 1453, Mehmed II, một sultan, phá tan được tuờng thành và cùng một lúc tiêu hủy cả một đế quốc đã làm mưa làm gió ở vùng Địa Trung Hải hơn một thế kỷ.)
Nhưng trước khi sụp đổ, Byzance còn giữ nhiều vẻ huy hoàng với hoàng đế Manuel II( 1350-1425) một nhà thống thái, có dịp trao đổi với một học giả người persan (Iran), một nhà thần học Hồi giáo, vào năm 1391).
Cuộc trao đổi này, do chính hoàng đế thuật lại, đã được giáo sư Theodore Khoury nghiên cứu, hết sức hấp dẫn, chung quanh vấn đề Đức Tin trong ba bộ sách, Cựu Ước (Do Thái), Tân Uớc (Thiên Chúa giáo) và Coran (Hồi giáo) cũng như mối liên hệ trong ba bộ sách. Nhưng Benoît XVI chỉ chú ý tới một khía cạnh ngoài lề, Đức Tin và Lý Trí, và dùng tài liệu này để nhập đề. Lập trường này rất quan trọng, vì chủ ý của diễn giả không phải là Hồi giáo cũng không phải là trình bày cuộc trao đổi năm 1391.)
Diễn giả dẫn giải như sau. Hoàng đế thừa biết là trong sách Coran (Sourate 2, 256) nói rõ là « không cưỡng bức về đạo », nhưng có đoạn khác lại nói tới djihad- thánh chiến, như một dụng cụ truyền giáo. Vì thế, hoàng đế mới đặt câu hỏi tàn nhẫn : » « Vậy hãy chỉ cho tôi xem Mohammed đã đưa lại cái gì mới lạ, nếu không phải những điều xấu xa và vô nhân đạo. Thí dụ Mohammed ra lệnh phải truyền đạo của ông bằng gươm giáo. »
(Câu trích dẫn này là ngòi lửa cho cuộc phản đối của người Hồi giáo. Theo họ, nó xúc phạm đến Muhammed, và xuyên tạc Hồi giáo. Người trích dẫn chỉ có thể là là người không hiểu gì cả. Sự thực, theo các học giả, trong Coran có một sourate nói tới sự cuỡng bức, gọi là « câu lưỡi gươm » (verset de l’épée), Manuel II không nói sai. Còn Benoît XVI, khi trích dẫn, không có nghĩa là ông đồng ý. Ít nữa là lời phân trần của ông ngày 17/9 vừa qua. Dầu sao, đó chỉ khía cạnh phụ trong bài diễn văn, vì chủ đề của nó là nói tới lý trí, chớ không phải là djihad – thánh chiến. Người Hồi giáo không đồng ý về ý niệm djihad: một cuộc chiến diệt dục vọng hay một cuộc chiến chống ngoại đạo? Cả hai được áp dụng trong lịch sử, tùy hoàn cảnh, xưa cũng như nay (« Djihad is our war » như ta vừa thấy trong những biển ngữ chống lại Giáo hoàng). Phải nói thêm là trong Phúc Âm không có ý tưởng bạo động, sách này viết bằng tiếng Hy lạp, khác với cuốn Bible hébraïque (mà giáo dân gọi là Cựu Ước), viết bằng tiếng bản xứ, trong đó có rất nhiều máu đổ.
Manuel II tiếp tục. » Máu đổ không có làm vui Thiên Chúa. Hành động vô lý trí là đi ngược lại bản tính của Thiên Chúa. Đức tin là trái cây của tâm hồn, không phải của thể xác. Vì vậy nếu muốn đưa ai vào đạo thì phải ăn nói và lý luận đứng đắn, không cưỡng bức hay đe dọa. Để thuyết phục một tâm hồn có lương trí, không cần dùng cánh tay hay roi vọt đánh đập nay cách nào khác đe dọa mạng sống. »
Hành động theo lý trí là hợp với Thiên Chúa, nguyên tắc hiển nhiên với một nhà vua sống trong truyền thống Hy lạp, khác với Hồi Giáo- theo giáo sư Theodore Khoury- thường nhìn Thiên Chúa tuyệt đối siêu việt, đấng lấy những quyết định ngoài lý lẽ của con người. Giáo sư trích Ibn Hazm : « Thiên Chúa không bị ràng buộc bằng chính lời nói của mình. Không có gì bắt buộc ngài biểu lộ chân lý cho ta. Nếu ngài muốn, con người phải thờ thần tượng. «
(Cho đến đây Benoît XVI chỉ trích dẫn. Tất cả những nhận xét về Hồi Giáo hoàn toàn lặp lại các tác giả. Ông chỉ bắt đầu vào đề khi ông nói : Ở đây đặt ra một vấn đề liên hệ đến chúng ta ngày nay.)
Benoît XVI tự hỏi sự suy tư về Thiên Chúa và đời sống đạo theo lý trí phải hiểu là một đòi hỏi riêng biệt của triết học Hy lạp hay là một nhu cầu có giá trị tự tại. Ngay từ đầu có mối liên hệ mật thiết giữa Phúc Âm và triết học Hy lạp « Từ thời khởi nguyên, đã có Ngôn Từ « (Logos). Ngôn Từ ở đây vừa là lý trí vừa là lời nói. Lý trí có khả năng sáng tạo, có khả năng tham dự vào sự nhận thức về Thiên Chúa, theo nhu cầu tư tưởng Hy lạp, qua tất cả những hành trình suy tư khúc mắc. Đó chính là một cuộc gặp gỡ có nghĩa lý, không phải tình cờ, giữa Đức Tin theo Thánh Kinh và triết học Hy lạp. Và cuộc gặp gỡ mầu nhiệm này đã khởi hành từ lâu, từ thời Thiên Chúa, qua hình ảnh một đống lửa, tự xưng mình là Đấng Có Thực, không phải là một huyền thoại. Và sau đó thời Israël đi lưu đày, Thiên Chúa lại biểu lộ chân tướng ngài là Chúa tể của vũ trụ, để con người đừng lẫn lộn Ngài với các thần tượng. Vượt qua được các huyền thoại, trong trường hợp này, không xa cố gắng suy tư của Socrate. Và dĩ nhiên niềm tin mới gặp sự phản kháng mãnh liệt của nhà cầm quyền đương thời, muốn áp đặt việc thờ phượng các thần tượng bản địa. Khó khăn đó không cản được tinh thần hòa hợp sâu sa với nền triết học Hy lạp, được thể hiện trong văn chương. Bản dịch Thánh Kinh sang tiếng Hy Lạp không phải đơn thuần là một công cụ ngôn ngữ. Nó đánh dấu một biến chuyển văn hóa quan trọng cho phép Đạo Chúa được bành trướng rộng rãi. Từ đó Đức Tin và ánh sáng của Lý Trí đồng nghĩa với nhau, trong những gì cao siêu nhất. Chính sự thực đó cho phép Manuel II khẳng định là từ chối hành động theo lý trí (Logos) tức là đi ngược với bản tính của Thiên Chúa.
Tuy nhiên sự tổng hợp Thánh Kinh- Hy Lạp đã bị thử thách ngay từ thời kinh viện trung cổ, với Duns Scot. Nhà tư tưởng này giới hạn khả năng của lý trí, chỉ có thể hiểu được thế giới cụ thể, khác với uy quyền của Thiên Chúa, không bị ràng buộc bởi nguyên tắc mâu thuẫn. Hành động của Thiên Chúa hoàn toàn tuỳ tiện, nay thế này mai thế khác, không nhất thiết phải hướng về chân lý hay tính thiện như kiểu nói của Ibn Hazm. Thiên Chúa cao vời vợi. Ý trời vượt trên mọi suy tư của con người.
Cách phân chia này hiển nhiên không thể chấp nhận được. Truyền thống đạo luôn giữ vững nguyên tắc căn bản là giữa Thiên Chúa và con nguời có sự tương ứng, tương hợp, diễn tả bằng Ngôn Từ (Logos) và Ơn Chúa, tất cả đều tác động đến tâm hồn con người. Thờ Chúa đi đôi với Lời Chúa và Lý Trí.
Về mặt lịch sử, mặc dầu có nguồn gốc ở trời Đông, Đạo Chúa đã nảy nở ở Âu Châu, đã trở thành nền tảng văn hóa cho miền đất này. Tuy vậy từ thế kỷ 16, trào lưu Cải Cách (La Réforme= Tin Lành) đặt lại vấn đề, phản ứng lại thần học Kinh Viện, một học phái triết học. Khẩu hiệu « Chỉ giữ Thánh Kinh thôi « (Scriptura sola= La Bible seulement) đi tìm lại nguồn gốc của Đức Tin, tức là Lời Chúa, và đặt Đức Tin ra ngoài thế giới siêu hình. Lúc đầu là như vậy, cho đến thời Kant chủ trương là phải gạt tư tưởng siêu hình ra một bên, để nhường chỗ cho Đức Tin, cần thiết cho đời sống cụ thể. Như vậy Đức Tin không còn khả năng tiếp cận toàn diện sự vật.
Thế kỷ 19 lại xảy ra một khủng hoảng mới. Một nền thần học tự do, với Adolphe von Harnack, chủ trương đi tìm lại dấu vết của Jésus, nhìn như một nhân vật lịch sử bình thường, với thông điệp nguyên thủy, trước mọi xây dựng của thần học, và dĩ nhiên trước khi chịu ảnh hưởng Hy lạp. Cụ thể là loại tất cả phần Đức Tin nhìn nhận Jésus là Con Thiên Chúa và Thiên Chúa Ba Ngôi. Thần học trở thành một khoa sử học, lý luận theo các tiêu chuẩn khoa học. Tức là giới hạn khả năng của Lý Trí, từ chối suy nghĩ về Thiên Chúa, như cách lý luận của Kant.
(Benoît XVI đả động đến những đề tài nóng bỏng, nguồn gốc cho bao nhiêu cuộc tranh luận trong các ban thần học bên Đức, rồi lan ra bên Pháp. Diễn giả cũng như thính giả đều quen thuộc với những vấn đề phiền toái, làm rối óc cả hai ba thế hệ sinh viên. Các nhà thần học ngày nay chia thành môn phái, năm này sang năm khác công bố một vài công trình mới lạ. Nhưng đó chỉ là những là những trào lưu nhất thời. Có một thời Bultmann chủ trương là ta không biết chi hết về lịch sử của Jésus. Ta chỉ có những bài giảng về ngài. Karl Barth, trái lại, muốn xây dựng một hệ thống tư tưởng để xếp đặt các tin lý. Nhưng thế hệ sau ông chỉ nhìn Jésus như một người Do Thái sống vào một bối cảnh lịch sử nhất định, Jésus historique, không ăn nhằm gì với Chúa Jésus mà tin hữu tôn thờ trong thánh đường. Diễn giả không có thời giờ đi vào vấn đề, và có lẽ cũng muốn tránh tranh luận. Ông thừa biết là hiện nay có hiện tượng phá đạo, viện cớ là muốn đàm thoại với Israël, phải bỏ hẳn các ý tưởng về ơn Cứu chuộc, về mầu nhiệm con Chúa xuống trần, vân vân).
Sang lãnh vực thuần túy triết học, Benoît XVI nhận định là quan niệm về Lý Trí (La Raison) thời nay mang một sắc thái riêng, dựa vào toán học, tuy vẫn là một cố gắng dung hòa Platon với Descartes. Điển hình nhất là học phái positivisme, duy thực nghiệm. Hai nguyên tắc căn bản cho ta biết đâu là certitude, xác thực : Hình thức theo toán học, nội dung được kiểm chứng. Cả các ngành sử học, tâm lý học, xả hội học cũng phải tuân theo nguyên tắc scientificité, tính cách khoa học. Phương pháp lý luận này bỏ hẳn vấn đề Thiên Chúa và Đức Tin, được liệt vào thời tiền khoa học. Nếu lại chủ trương một nền thần học khoa học trong tinh thần đó, thì còn gì là bản chất của Đạo ? Sự nghèo nàn, trong trường hợp này, không phải chỉ làm hại cho Đức Tin. Nó còn làm con người quyên đi sự cần thiết của chủ quan, đối với đời sống tôn giáo và luân lý. Lương tâm là nơi nhận định duy nhất cho các hành động đạo lý của mỗi cá nhân. Hậu quả tai hại cho nhân loại là tôn giáo trở thành tùy tiện, bất lực trong sứ mệnh hướng dẫn xã hội. Xã hội học, luân lý học, dựa vào các tiêu chuẩn thực nghiệm, sẽ không đủ để trả lời các đòi hỏi thiêng liêng của nhân loại.
Đến đây, diễn giả muốn nhấm mạnh đến một hiện tượng sau cùng trong trào ly khai với truyền thống Hy lạp, nghĩa là phủ nhận Lý Trí, phủ nhận ý niệm Ngôn Từ (Logos). Lý luận như sau : Sự gặp gỡ Thánh Kinh- Hy Lạp đã thuộc về dĩ vãng, không nên đặt nó làm khuôn mẫu cho các nền văn hóa đa dạng mà Đạo tiếp xúc qua kinh nghiệm của các cộng đoàn địa phương.
Chỉ giữ lại Thánh kinh nguyên thủy, để dễ hội nhập với mọi nền văn hóa.Benoît XVI nói thẳng ngay là lập luận như thế không có căn bản. Lý do : Phúc Âm được viết tiếng Hy Lạp, và mang những mầm mống Hy Lạp ngay trong Cựu Ước. Nói như vậy không có nghiã là trở về quá khứ. Sự đóng góp của thời Ánh Sáng (Les Lumières= Aufklärung) vẫn cần được tôn trọng. Nhưng vị trí của thần học không thể xóa bỏ được. Sứ mệnh thần học là suy nghĩ liên tục tới mối liên hệ Đức Tin- Lý Trí, và đàm thoại với khoa học. Với các nền văn hóa đặt trọng tâm vào truyền thống tôn giáo, nếu chỉ dựa vào positivisme thì làm sao thông cảm với nhau được ? Đâu có thể khinh miệt tôn giáo là một hiện tượng phổ quát ?
Dầu sao tình thần Platon nhìn nhận các cơ cấu của sự vật như những dữ kiện. Nhưng khi ta tự hỏi tại sao như vậy tức là ta đã vượt qua giới hạn của các khoa thực nghiệm, để đi vào lãnh vực triết học và thần học. Các truyền thống tôn giáo của nhân loại là một kho tàng kinh nghiệm cần cho sự hiểu biết đứng đắn.Tây phương bị đe dọa từ lâu rồi, từ khi đã ruồng bỏ các suy tư về lý trí. Dành cho lý trí một viễn tượng rộng lớn, can đảm đảm nhiệm vai trò của thần học trong khuôn khổ Đại học. Là vì không làm thế, nói như Manuel II, là đi ngược với bản tính của Thiên Chúa.Hết.Nhận xét-Benoît XVI, mà người công giáo chúng tôi gọi là Đức Thánh Cha, hay Đức Giáo Hoàng, là một nhà tư tưởng. Chỉ trong một bài thuyết trình dài hai trang báo, mà ngài đã trình bày bao nhiêu khía cạnh, liên hệ đến lịch sử triết học và thần học bên Âu Châu. Tôi rất cảm động khi đọc bài thuyết trình của ngài. Nếu không có các phản ứng của người Hồi Giáo, thì có lẽ tôi đã chẳng chăm chú như vậy.
Đức Thánh Cha diễn thuyết với tư cách một học giả, trong khuôn khổ một Đại học. Ngày diễn thuyết là ngày thứ ba (12/9), phải chờ 48 tiếng đồng hồ sau các đài phát thanh nới đưa tin về sự bùng nổ ở các quốc gia Hồi giáo. Trong thời gian đó, thính giả, giới trí thức, không ai có sáng kiến báo động Toà Thánh hay sao, để Đức Thánh Cha có thể thanh minh trước đi ?
Nhưng thôi, việc đã rồi, chỉ xin Chúa ban phép lành cho các cộng đoàn tín hữu rất cô độc và sống trong đe dọa ở Trung Đông, ở Phi Châu.
Làm người có đạo ngày nay ở nhiều nơi là mang vạ vào thân. Xin chịu vậy. Tôi có nhiều dịp tiếp xúc với người Hồi Giáo. Trách móc họ hoàn toàn vô ích.
-La raison, lý trí, một phạm trù triết học, hiểu hai nghiã : khả năng suy tư của con người, đôi khi hiểu ngầm là không cần có sự soi sáng của thần linh (mặc khải) ; cách lý luận có căn bản về hình thức và nội dung.
Rationalité, cách lý luận và hành động theo lý trí. Bài thuyết trình nói nhiều đến khả năng lý trí trong suy tư về Thiên Chúa, chớ không nói tới lý trí trong cách sống đạo, la rationalité dans la conduite religieuse.
Thiên Chúa có lẽ không thể lĩnh hội đươc (inconnaissable) nhưng vẫn có thể làm đối tượng cho suy tư (pensable). Không ai trông thấy Thiên Chúa, nhưng sự hiện diện của Thiên Chúa lại ở khắp nơi, qua đời sống tôn giáo (thánh đường, tu viện, sách vở…). Các giáo sư triết học vẫn có thể làm ngơ trước hiện tượng như vậy, hay cho đó là di sản của thời mù tối (obscurantisme)…
Triết học bên Tây là một thế giới của từ ngữ. Một số phạm trù như Être, existence néant, forme, substance, phénnomène, vân vân, được coi như những dữ kiện để phân tách và xây dựng các học phái. Thiên Chúa, Đức Tin ngày nay bị gạt ra ngoài thế giới quan của nhiều triết gia. Nói theo kiểu Heidegger, triết gia đâu có đặt vấn đề Đức Tin. Nhưng Heidegger lại chuyên suy từ về l’Être, coi phạm trù này là độc đáo của phuơng tây. Triết học kinh điển, trái lại, dựa vào chính ý niệm l’Être để đặt bàn luận về Thiên Chúa.
Muốn nói về triết học, xin bỏ giờ ra mà đọc sách. Đọc không xuể. Ở bên Pháp triết học thuộc chương trình trung học, nên mới có nhiếu sách giáo khoa về ngành triết. Cho vai trò triết học quan trọng như Benoît XVI đã làm, là vì theo truyền thống kinh viện, thomisme, néothomisme.- Vừa đây chính phủ Tunisie ban đạo luật gia đình, luật nhất phu nhất phụ. Với lập luận như sau : Sách Coran cho người đàn ông lấy nhiều vợ (Muhammed có tới mươi bà vợ, một bà còn là con nít), nhưng đồng thời tuyên bố là là phải tôn trọng sự công bình. Theo kinh nghiệm, làm sao ta có thể xử đối công bình với nhiều bà vợ ? Như vậy đa thê, trong thực tế, phản lại tinh thần đạo !Có thể dùng cùng một phương pháp dẫn giải (exégèse) như vậy để loại bỏ ý niệm djihad (điều này có trong Coran, nhưng xuất hiện vào thời Muhammed đương vật lộn ở Médine) trong khi sách Coran đã có thái độ cởi mở (Không cưỡng bức về tôn giáo) được tuyên dương trước đó, khi Muhammed còn ở tại La Mecque) ?
Nhưng còn một phía cạnh nữa, ranh giới giữa tôn giáo và chính trị (giữa Thiên Chúa và César, từ ngữ của sách Phúc Âm) phải được pháp luật nhìn nhận hay không, dù sách Coran không chủ trương như vậy ? Bên Pháp gọi là la laïcité, phạn trù pháp lý, chính thể Cộng Hoà Pháp gìữ thái độ vô tư với các tôn giáo, với các Giáo hội. Nhưng ở miền Alsace –Lorraine cha xứ, mục sư, rabbin, đều ăn lương nhà nước. Bên Bỉ, chính phủ trả lương cho các giáo dậy Hồi giáo. Vừa đây một số mìển bên Đức cũng chủ trương như vậy. Bên Hoa Kỳ có những Tiểu ban không cho phép dậy thuyết tiến hóa (évolutionnisme của Darwin) vì đi ngược lại sách Cựu Ước. Mỗi nước có truyền thống riêng. Ngày nay tôn giáo được hiểu như một nền văn hóa, một sắc thái của dân tộc, nhiều hơn là một hệ thống tín ngưỡng (système de croyances).
Còn trong các nước Hồi Giáo, tôn giáo là nền tảng cho gia đình, học đường, xã hội và chính thể. Bên Arabie Saoudite, ai mà mang trong mình Kinh Thánh sẽ bị phạt. Bên Algérie, hành động truyền giáo (của người ngoại đạo) bị đem ra tòa... Tự do tôn giáo lệ thuộc vào xã hội, trước khi lệ thuộc vào các chính quyền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét