nut

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

LECTIO DIVINA - Jacques ROUSSE (Fr. Bảo Tịnh O.Cist chuyển dịch)



LECTIO DIVINA

Dictionnaire de Spiritualité, IX pp. 470-510



Với Kinh Nguyện Phụng Vụ, hát thánh vịnh và lao động, Lectio divina là một trong những phương thế có tính đặc thù nhất của truyền thống đan tu trong việc tìm kiếm Thiên Chúa. Tuy nhiên, ta không thể gán cho Lectio divina là cái gì riêng tư của các đan sĩ: phải chăng tất cả mọi ki-tô hữu không phải lắng nghe Lời Chúa hay sao? Một sự lắng nghe như thế gắn kết toàn vẹn con người trong đường tình yêu thực sự của Chúa, đều có một điểm chung mà tín đồ Do-thái giáo hay ki-tô hữu đều nắm giữ: "Lời ở kề gần con, trên môi miệng con và trong lòng con" (Đnl 30, 14; Rm 10, 8).

Lectio

Dẫu vậy, đó không phải là đọc như những cách đọc khác. Đối tượng thứ nhất của việc đọc này là Lời Chúa, do đấy mới có tĩnh từ divina (thuộc về Chúa) đi kèm. Nguyên thủy, Lectio divina và Sacra Pagina (trang sách thánh) là đồng nghĩa. Nhưng Lectio divina, cũng là cách thế mà một người đi vào với Lời này của Chúa để đọc Lời, cảm nếm Lời, cầu nguyện Lời và đem Lời ra thực hành. Do đấy ở đây không trực tiếp liên quan tới giải thích, dù chỉ có tính cách đan tu, và cũng không phải là khoa chú giải Kinh Thánh, cũng không dùng Kinh Thánh để suy tư thần học hoặc dọn bài giảng, nhưng đơn thuần chỉ là đọc nhưng không, an bình, tuy nhiên đòi một cố gắng suy nghĩ, meditatio (suy niệm), tự nó dẫn tới cầu nguyện, oratio, mà các đan sĩ đã luôn luôn yêu thích tuân giữ.



1. Một bắt nguồn từ Do-thái giáo

Phải đi tìm nguồn cội của Lectio divina từ trong Do-thái giáo, chắc hẳn trước hết trong việc sử dụng tại hội đường, là điều tạo nên "sự liên kết trọng yếu giữa Kinh Thánh và truyền thống khầu truyền". Kinh Thánh, công bố trong hội đường, tiếp đến được cắt nghĩa, rồi qua việc giảng giải. Đó cũng chính là việc đọc đi đọc lại theo cách thế suy niệm cộng đoàn dân thánh. Nhưng việc đọc Kinh Thánh gồm hai giai đoạn: trong giai đoạn thứ nhất, Torah (Sách Lề Luật) đã được đọc cách liên tục, parashah ou sidrah; trong giai đoạn hai, liên hệ với việc đọc Sách Lề Luật (Torah), đến phần đọc sách các Ngôn Sứ, haphtarah. Các thực hành này nhắm tới làm cho dân nếm hưởng Sách Luật trong cộng đoàn, nhưng trong bầu khí lễ hội, ca ngợi và tôn thờ hoặc van nài, mà phụng vụ muốn tạo nên.

Điều những người tín hữu Do-thái trung thành thực hiện tại hội đường được kéo dài trong cuộc sống của họ. Nói thế phải chăng mỗi gia đình khá giả đủ để có một cuộn Sách Luật ở trong nhà mình? Bằng mọi cách, ghi nhớ điều đã nghe là việc có thể. Sự ghi nhớ làm cho động từ khắc ghi vào cử điệu, tạo nên chất lượng của việc nghe mà tâm, trí, thân xác đều góp phần. Một lời rên rỉ diễn tả điều đó: haga trong tiếng hipri, μελετάω. "Đó đồng thời là việc đọc lớn tiếng, thao tác ghi nhớ và suy tư: nói - nghĩ - nhớ là ba giai đoạn cần thiết của cùng một hoạt động".

Một số những đòi hỏi, mà các giáo trưởng thường hay nhắc nhở, gắn liền vào với niềm vui hạnh phúc suy niệm lề luật như thế: chuyên chăm, mà sách Gio-suê (1, 8) nhấn mạnh, chú tâm gạt bỏ những công việc khác để dành giờ tốt nhất cho Chúa, nhất nữa sự khiêm tốn nội tâm mà thiếu nó sẽ không có một lời nào đủ sức gây âm vang trong lòng.

Với giá này, việc đọc trở thành ngọt dịu như sữa mẹ cho trẻ thơ; nó thanh tẩy con người, làm cho con người tránh xa sự dữ và giúp con người tăng thêm ơn phúc: "Nhờ đó con người trở nên một người công chính và trung tín". "Là người được ‘Chúa và mọi người yêu quý’, người chú tâm đọc Torah cảm nhận được sự phong phú bí nhiệm của Lời: nó cống hiến một khả năng làm cho Lời Chúa được trải dài trong lời nhân loại của mình, việc đọc đi đọc lại, midrash, giúp họ hiểu được ý nghĩa thiêng liêng của Kinh Thánh”.

Luật của Cộng đoàn Qumrân có thể minh chứng cho việc thực hành đọc - suy này về Sách Luật: "dọn một con đường trong sa mạc" (Is 40, 3) không có ý nghĩa gì khác ngoài việc chăm      chú học hỏi Sách Luật. Để sống giao ước tốt hơn, các phần tử của Cộng đoàn ngày đêm chăm chú học hỏi  Sách Luật. "canh thức một phần ba mỗi đêm để đọc trong Sách,   để học luật và để cùng nhau cầu nguyện".



2. Sự thực hành của các ki-tô hữu

Khác với việc đọc trong phụng vụ, liên quan đến vấn đề đọc cá nhân, legere sibi (đọc cho riêng mình) thật khó nhận ra chính xác di sản Do-thái trong những thế hệ ki-tô hữu đầu tiên. Dường như ban đầu các ki-tô hữu cố gắng sống niềm tin của mình nơi Chúa Ki-tô, Ngôi Lời của Thiên Chúa, trong Người mọi sự đã được hoàn tất, qua việc đơn sơ tuân phục truyền thống Phúc Âm: Sách Luật và các Ngôn Sứ, đó là phải lắng nghe Đấng Phục Sinh và giới răn duy nhất của Người. Quả vậy, đối với Ignace d'Antioche cũng như đối với Irénée, thừa kế trực tiếp và trung thành của các Giáo phụ tông đồ, sự trọn lành, đó là "đi vào trong sự thân mật của Thiên Chúa nhờ đức ái".

Dẫu vậy, việc hướng dẫn đi vào Kinh Thánh là một trong những lối mà các Giáo phụ dẫn các tín hữu vào gặp gỡ Thiên Chúa, noi gương chính các tông đồ.

Tiếp liền tới sẽ có những sách Phúc Âm, các thư của Phaolô. Các ki-tô hữu sẽ có các sách đó, cũng như các vị tử đạo scillitains. Điều mà người ta cũng biết về những vị khổ tu tiên khởi, về vai trò của những ki-tô hữu gốc Do-thái ở Antioche hoặc về ảnh hưởng của Didascalée d'Alexandrie cho phép chúng ta theo dõi, chi tiết từng điểm một, về việc lưu truyền một phương cách đọc. Chúng ta chỉ cần đơn thuần xét đến trải nghiệm thiêng liêng của Cyprien le Carthage qua câu ngài viết cho Donat: "Sit tibi vel oratio assidua vel lectio: nunc cum Deo loquere, nunc Deus tecum" (Con hãy chăm chú cầu nguyện hoặc đọc Kinh Thánh: Khi con cầu nguyện, con nói với Chúa, khi con  đọc thì Chúa nói với con). Câu nói này có kết quả tuyệt vời đến nỗi đã vượt qua cả thời cổ đại và thời trung cổ".

Phải chờ tới Origène mới thấy rõ nét việc thực hành Lectio divina. Chắc hẳn ông đã học nơi các vị thầy Do-thái của ông cách thế tìm hiểu kỹ càng lời Chúa, sống phù hợp với lời Chúa, îrpocéxelv. Hạn từ này hầu như luôn được lặp lại để nhấn mạnh đến đặc tính của Lectio divina. Đó chính là nền tảng của tất cả cuộc sống khổ hạnh đúng đắn, của tất cả sự hiểu biết thiêng liêng. Cần phải có một cố gắng chú tâm: mỗi ngày phải trở về với giếng Kinh Thánh, như Rebecca. Điều mà người ta không tự tìm thấy được, người ta xin nơi Chúa.

Như thế việc đọc trở thành cầu nguyện, "vì tuyệt đối cần cầu nguyện để hiểu được những sự thuộc về Chúa". Đọc như thế sẽ lôi kéo người đọc đạo hạnh ra khỏi những dục vọng xác thịt, những lo lắng trần thế, để từ từ dẫn họ tới việc thần hóa.

Origène, các cộng tác viên và các đệ tử của ông đã không sống ngược lại những nguyên tắc đó. Suốt buổi sáng dành riêng để suy niệm Kinh Thánh; trong bữa ăn và khi mặt trời lặn người ta còn đọc Kinh Thánh nơi chung. Jérôme đã chứng tá: "như thế việc đọc tiếp liền cầu nguyện và cầu nguyện tiếp liền việc đọc". Lectio divina đòi phải có một ràng buộc: đó là suy niệm sự phán xét của Chúa "không phải bằng những câu, nhưng bằng cách thực hành những câu đó sau khi đã hiểu"

Tùy theo từng bối cảnh, mỗi người theo cách thế riêng của mình, các tác giả trong thời vàng son của các Giáo Phụ chỉ khai triển "những tư tưởng của Origène về vai trò hàng đầu của việc đọc Sách Thánh trong đời sống chiêm niệm", một cách chuyên chăm, mỗi ngày, với một thời khóa biểu chính xác, trong đó, ví dụ, dành những giờ vào rạng đông để suy niệm, và những giờ ban đêm để cầu nguyện. Người ta phải đọc có phương pháp, ngay cả cần phải có một chương trình đọc: trước hết chỉ đọc những sách chính thật, nhưng cũng phải giúp cho trí nhớ và con tim tích cực hoạt động. Người ta nên nắm giữ lại điều mình đọc hơn là chỉ thưởng thức: do đó người ta phải thực sự học "thuộc lòng".

Nếu con tim và trí nhớ can thiệp vào, thì sự thích thú, sapor, delectatio (sự cảm hưởng ngọt ngào) có trong Lectio divina lại không đồng thời là đụng chạm của Thánh Linh và khích động cầu nguyện sao? Người ta cầu nguyện trước hết bởi vì Chúa Thánh Thần cho phép khám phá ra ý nghĩa của những chữ, những từ trong Kinh Thánh. Nhưng việc đọc cũng là một cách thế "căng buồm" cho Thánh Linh. "Cầu nguyện chen kẽ với việc đọc làm cho tâm hồn trinh trong và mạnh mẽ hơn là khi tâm hồn được khích động bởi sự ước muốn Thiên Chúa ".

Từ đó điều Origène nói sẽ tái diễn: trong khi thanh luyện tâm hồn, việc đọc dẫn tới một sự hoán cải không ngừng là biến đổi cuộc sống: "Cuộc sống, đối với kẻ tha thiết ao ước ơn Chúa cứu độ, đó là suy niệm lề luật, bởi vì lề luật loan báo trước về ơn cứu độ đến trong thế gian này".

Việc đọc như thế là của tất cả mọi ki-tô hữu. Ngay trong phụng vụ, công việc của dân Chúa, cũng đã chen đan bài đọc Kinh Thánh với suy niệm Kinh Thánh trong việc hát thánh vịnh hoặc bài giảng. Nhưng, để có thể sinh lợi ích thực, việc đọc cộng đoàn này phải được làm cho phong phú nhờ việc làm riêng cá nhân. Điều người ta làm ở nhà thờ thì cũng phải làm tại nhà mình; Chính vì vậy Epiphane đã nói rằng "việc mua sách ki-tô giáo là cần thiết cho những ai có tiền" .

Với những người liên lạc thư từ với mình, Basile, Jean Chrysostome, và nhất là Jérôme, nhấn mạnh, khuyến khích và khuyên nhủ, nêu gương, như Népotien nhờ chuyên chăm đọc Kinh Thánh, tâm hồn ông đã trở nên như là một thư viện của Chúa Ki-tô (Jérôme, Ep. 60, 10, 8-9). Sau này, Grégoire le Grand (Cả) đã nhắc nhớ thầy thuốc Théodore hoặc cặp vợ chồng ki-tô hữu Barbara và Antoine (Ep. 4, 31; 11, 78) tầm quan trọng của việc đọc như thế trong đời sống ki-tô hữu: "Cha khuyên nhủ con hãy chuyên chăm mỗi ngày suy niệm những lời của Đấng Tạo Hóa của con. Con hãy học biết con tim của Chúa trong những lời của Chúa" (4, 31, PL 77, 706b).

Đừng ai viện cớ mình có việc khác để làm trong quân ngũ hay tại nhà, hoặc mình không biết đọc (Césaire, Sermon 8, 1; cf 6, 2), hay cho rằng đó là chuyện của các ông đan sĩ: Jean Chrysostome phản kháng: Anh em thấy rõ điều đó phá hại tất cả: anh em tưởng rằng việc đọc Kinh Thánh là công việc của riêng các đan sĩ, trong khi chính các anh em lại cần đọc hơn họ" (In Matthaeum 2, 5, PG 57, 30d).

Dù với tất cả những cố gắng của những người rao giảng gương mẫu, Lectio divina cũng đã phải rút vào trong các đan viện trải qua những thế kỷ dài. Các đan sĩ, các trinh nữ, thoát khỏi những bận rộn âu lo, được tự do hơn để chuyên chăm đọc Sách Thánh, suy niệm, tuy nhiên cho dù nếu kiến trúc với các đầu cột và các kiếng màu, "Kinh Thánh của những kẻ nghèo" có giữ vai trò phụ thêm vào, thì người ta cũng có thể than phiền về thiếu đọc sách cụ thể. Để ý thức về điều này, chỉ cần so sánh các bài giảng của các mục tử thế kỷ thứ 4 với những bài giảng của một vị ẩn danh tại Bắc Ý vào thế kỷ thứ 9.



3. Khổ chế đan tu

Dù hiện nay có cảm nhận được thế nào về những ảnh hưởng từ nguồn gốc đan tu trào Ki-tô giáo, chúng ta cũng thấy rằng việc đọc Kinh Thánh từ rất sớm đã chiếm chỗ rộng rãi trong việc khổ chế của các đan sĩ: đọc các thánh vịnh hay học thuộc lòng, hoặc toàn thể các Sách Thánh được đọc trong bầu khí "đối chiếu nội tâm giữa Lời Chúa và con tim".

Chính khi nghe đọc ở nhà thờ trình thuật của Mt 19, 21 mà An-tôn đã quyết định rời bỏ tất cả để theo Chúa Ki-tô. Chính qua việc tả lại trải nghiệm của An-tôn hoặc cuộc sống của các cộng đoàn được thành lập chung quanh mình, Athanase đã nhắc đến sự áp dụng việc đọc Sách Thánh. Dẫu thế, chương 55 nói về thao tác của các đan sĩ không nhắc gì đến việc đọc hoặc suy niệm: chắc hẳn Sách Vita Antonii muốn diễn tả một cách thân mật hơn về những liên hệ của người đọc và Lời Chúa.

Ngược lại, khi bắt đầu đọc Lời Chúa hoặc suy niệm, Pacôme chăm chú đọc từng đoạn. Các đan sĩ của ngài "suy niệm và liên tục đọc Sách Thánh": vì, với cầu nguyện liên lỉ và thức đêm, việc suy niệm như thế là cuộc sống của đan sĩ.

Cần phải ghi nhớ mối liên kết tỏ tường giữa suy niệm và đọc: Người ta gặp thấy trong Tu Luật của thánh Biển Đức. Đó cũng có nghĩa là ghi nhớ điều mình đọc để dùng trong phụng vụ  hoặc để cầu nguyện liên lỉ suốt ngày mà phải học biết cảm hưởng việc đọc Kinh Thánh vào những giờ rảnh rỗi hiếm hoi. Như thế Horsièse đã có thể khuyên nhủ các đan sĩ của ngài: "Chúng ta hãy chăm lo đọc và học hỏi Kinh Thánh. Dùng hết giờ để suy niệm".

Dẫu thế nào, một cách mờ hồ hay tỏ tường, thì ảnh hưởng của Origène đối với truyền thống khổ chế và thần bí được phát triển trong sa mạc rồi trong các đan viện, qua nhiều người trung gian, không thể chối bỏ được. Didyme l'Aveugle chắc hẳn không lạ lẫm gì điều đó. Trước Jérôme mà ông gọi là "sư phụ" của mình, Pallade đã gặp ông, và An-tôn vui thích thăm viếng ông. Đúng thật, Didyme đã kế nghiệp thụ hưởng nhiều từ Origène và đã bênh vực Origène.

Lúc khởi đầu trải nghiệm đan tu tại Annési, Basile de Césarée và Grégoire de Nazianze đã sáng tác một Philocalie về các văn bản của Origène. Tuy nhiên chính Kinh Thánh vẫn luôn là nguồn của học thuyết khổ chế và đan tu của Basile: "Con đường lớn dẫn tới khám phá ra trách nhiệm, đó là suy niệm Kinh Thánh được mạc khải..., và hạnh tích cuộc đời của các vị chân phước mà Kinh Thánh đã chuyển đạt là như những hính ảnh sống động của cuộc sống theo như ý Chúa, được đề nghị để noi gương các việc lành của các ngài". Do đấy, Kinh Thánh phải được mỗi người học hỏi tùy theo nhu cầu riêng mình. Việc đọc này, dẫn tới cầu nguyện, thanh tẩy tâm hồn và "ghi khắc trong tâm hồn một ý tưởng rõ ràng về Chúa", điều này vẫn còn là một ý tưởng của Origène.

Một người khác tiếp nối Origène, Évagre quan niệm rằng đọc Sách Thánh, cùng với canh thức và cầu nguyện, là một phương thế giúp tâm trí hết lo ra chia trí. Trong tác phẩm Gương các trinh nữ, việc chuyên chăm đọc sách vào buổi sáng là con đường của cầu nguyện và của kiến thức thần bí: "Ước mong mặt trời mọc lên nhìn thấy quyển sách trong tay con, và công việc con làm sau giờ thứ hai. Con hãy cầu nguyện không ngừng và con hãy nhớ đến Chúa Ki-tô là Đấng đã sinh ra con". Người ta tìm gặp đỉnh điểm khổ chế của Practicos (thực hành) nơi Jean Cassien, Maxime le confesseur, Thalassios, le pseudo-Théodore d'Édesse. Phương diện khổ chế này đã được "Histoire lausiaque" ghi lại, cho thấy, trong sa mạc, việc đọc và suy niệm Lời Chúa làm cho cuộc sống của các đan sĩ và công việc lao tác được quân bình như thế nào.

Đối với Poemen, không hẳn đã quan niệm như thế về việc đọc Sách Thánh: khi ở trong tu phòng, đan sĩ cầu nguyện, suy niệm, lao động và canh chừng những tư tưởng của mình bao nhiêu có thể. Tuy nhiên những vị khác thì dường như rất ngại tranh luận về Kinh Thánh. Ngược lại, đối với Épiphane thì "Dốt, không biết Kinh Thánh là một trượt dốc, một hố sâu", trong khi đó nếu đọc Kinh Thánh sẽ có được một an toàn lớn để không phạm tội".

Cũng chính trong việc "suy niệm Kinh Thánh và thực hành những huấn lệnh của Chúa, mà tuyển tập của Hyperechios không nhắc đến, lại là khổ chế của đan sĩ: "Miệng của đan sĩ sẽ mở ra cho Lời Chúa và lòng đan sĩ suy niệm không lo ra chia trí, trên tất cả, những lời của Chúa".

Tại Syrie, vào cùng thời đại đó, các đan sĩ mà Jean Chrysostome (+ 407) nổi bật nhất "chuyên chăm đọc Sách Thánh ngay sau khi đọc xong Kinh Sáng và có nhiều vị còn viết lại Kinh Thánh". Ngược lại, Isaia (+ 488) không hề nhắc tới việc đọc Kinh Thánh cũng như suy niệm, khi ngài nói về cầu nguyện và hát thánh vịnh.

Các đan sĩ ở Palestine ít trau chuốt hơn các anh em mình ở Ai-cập; Quả thực các ngài được đón tiếp các vị thông thái như Origène, Jérôme, Rufin, Paula hoặc hai vị tên Mélanie đến ở một thời gian với mình. Quả vậy, Thư tín của Barsanuphe và Jean de Gaza bàn về việc đọc Sách Thánh với những từ chính xác và cách diễn tả cho thấy một kinh nghiệm lớn. Đối với các ngài, việc đọc Sách Thánh là, như cầu nguyện, một thao tác thiêng liêng ưu tiên: "Con đừng bỏ qua; một chút cái này, một chút cái kia (nói về đọc Sách Thánh và cầu nguyện) và như thế con sống ngày sống của con trong khi làm đẹp lòng Chúa". Người ta đọc khoảng 5 hay 6 tờ, trong khi lưu ý đến các chữ. Đặc biệt đọc Kinh Thánh, nhưng cũng đọc hạnh tích cuộc đời các Giáo Phụ. Đối với Origène, Didyme, Évagre, phải sử dụng sự biện phân và chỉ đọc điều gì có ích cho tâm hồn. Nếu sự ăn năn thống hối có xâm chiếm lòng mình trong khi đọc, thì cũng cứ tiếp tục đọc bao nhiêu có thể, chỉ cần lưu ý giữ lòng khiêm nhu. Về phần mình, Dorothée de Gaza khuyên nên đọc Kinh Thánh liên tục để chống lại sự vô cảm của tâm hồn, nhưng ngài không quá nhấn mạnh; ngài thích dùng động từ “tteXsTàm”.

Tại xứ Gaule, Martin de Tours,, đã không để qua đi một lúc nào mà không chìm đắm trong cầu nguyện hoặc chuyên chăm đọc Sách Thánh, ngài đã lập một thư viện tại Marmoutiers, nơi đó ngài đã muốn lấy theo mẫu mực của Pacôme về "cầu nguyện riêng và chung cộng đoàn được nuôi dưỡng bằng việc đọc Sách Thánh và suy niệm Kinh Thánh".

Tại miền Nam xứ Gaule, trước khi đan viện Lérins được nổi tiếng nhờ Eucher và Césaire, thì Jean Cassien đã thiết lập ở Saint-Victor de Marseille điều ngài đã học hỏi được trong những cuộc hành trình đan tu của ngài. Trong tập Institutions nổi bật quan điểm của Évagre; với việc chay tịnh, canh thức, tấm lòng thống hối, việc đọc Sách Thánh cho phép chống trả những dục vọng, mê ăn, buồn chán và nguội lạnh. Tuy nhiên đó là việc đọc trực tiếp Kinh Thánh chứ không đọc các chú giải về Kinh Thánh, đọc kèm theo suy niệm, cảm hưởng và đồng thời ghi nhớ. Khi bất chợt đi ngang qua một tu phòng, một người bắt gặp vị đan sĩ trong đó: đan sĩ đang chuyên chăm làm việc và suy niệm, trong phòng trống trơn, tuy nhiên thấy có một kệ nhỏ, cây bút, tập sách. Trong các bữa ăn chung người ta đọc "những bài đọc thánh". Đó là một thói quen "không phải đến từ Luật của người Ai-cập nhưng của người Cappadoce".

Sách Les Conférences (của Jean Cassien) đào sâu thêm giáo huấn của sách Institutions: việc chuyên chăm đọc sách và suy niệm Kinh Thánh với lòng khiêm nhu và con tim trong sạch lấp đầy trí nhớ bằng những tư tưởng về Chúa. Việc áp dụng và chuyên cần như thế thấm đượm tâm hồn đến nỗi biến tâm hồn thành như hòm bia Giao Ước.

Lời Chúa hoạt động mạnh trong đó: "Tùy theo mức độ   mà tâm trí chúng ta được đổi mới nhờ việc học hỏi này, Kinh Thánh bắt đầu thay đổi diện mạo". Chắc hẳn người ta thấy ở đây những ý tưởng của Origène. Tuy nhiên, qua một sự khéo léo không dự tính trước, hiện tượng đọc lại (Sách Thánh) có nguồn của midrash, dần dần dẫn tới "một khoa học đích thật của Kinh Thánh", "khoa học thiêng liêng thanh luyện và soi sáng".

Nói tóm lại, các đan sĩ xưa kia rút ra từ Lectio divina hai đặc điểm: một đặc điểm hướng nội và chiều sâu, một đặc điểm nhắm tới hữu hiệu và dấn thân thực tế trong cuộc chiến đấu thiêng liêng của mỗi ngày.

Lectio divina xuất hiện như một phương thế khổ chế trong đó kỹ thuật và sức cố gắng thúc đẩy đan sĩ tiến bước trên đường đáp lại tiếng Chúa gọi, cải tiến, biến đổi thành con người được canh tân.



4. Các nhà lập luật đan tu

Trong khi phân biệt việc đọc sách cá nhân, nhẹ nhàng, với những bài đọc trong Thần Vụ và các việc đọc khác của đan viện, các nhà lập luật về đời sống đan tu đã dần dần ấn định quy tắc thực hành Lectio divina: Các ngài ấn định giờ giấc, sách đọc và, tế nhị đề nghị cách thế đọc.

1- Giờ

Cho dù truyền thống dòng Augustinô mà Ordo monasterii ghi lại đặt giờ Lectio divina giữa Kinh Giờ Sáu và Kinh Giờ Chín, sau đó phải trao lại sách cho người trách nhiệm, tuy nhiên giờ Lectio divina bình thường vẫn vào khoảng đầu ngày, hoặc trước hay sau Kinh Giờ Ba, tùy theo mùa.

Đối với Luật Sư Phụ, luôn lưu tâm đến việc giúp các đan sĩ chuyên chăm giữa các Giờ Kinh, thì Lectio divina là một thao tác thiêng liêng, lúc đó người ta học đọc, học thuộc lòng các thánh vịnh, và cũng đọc cho nhau nghe; kéo dài khoảng ba giờ, trước Kinh Giờ Ba. Sau Kinh Giờ Ba, nếu làm việc chung với nhau, người ta tiếp tục đọc.

Césaire d'Arles khuyến khích lợi dụng các giờ ban đêm để đọc nhiều, khi không thể làm việc được ở ngoài trời và đã xếp đặt một thời khóa biểu khác trong Tu Luật của ngài. Trong tất cả các mùa, các đan sĩ phải đọc cho tới Kinh Giờ Ba. Các nữ đan sĩ phải dành ra ít là hai giờ cho việc đọc, từ buổi sáng cho tới giờ thứ hai. Trong giờ làm việc tiếp liền sau đó, người ta phải tiếp tục đọc, nhưng đọc chung, một giờ liền; sau đó, mỗi chị suy niệm trong lòng mình Lời Chúa và cầu nguyện.

Sự liên hệ giữa Lectio và Meditatio cũng hiển nhiên đối với thánh Biển Đức là người lưu ý nhiều hơn đến giờ giấc. Để ý không áp đặt điều gì thái quá, thánh Biển Đức muốn dành cho Lectio một thời gian khá dài, khoảng hai hoặc ba giờ liền, để học hỏi đúng đắn, tuy nhiên không quá căng để không gây nản lòng cho bất cứ ai. Giờ dành riêng cho Lectio divina trong thời khắc biểu biển đức là giờ được chọn trước giờ ăn trưa, hoặc, trong Mùa Chay, từ sáng đến hết giờ thứ ba.

Người ta cũng có thể lợi dụng giờ nghỉ trưa, nhưng không được làm phiền người bên cạnh, và như vậy đọc cho mình, không gây tiếng động, legere sibi (đọc cho riêng mình), theo nghĩa thứ nhất của việc đọc tĩnh lặng mà thánh Augustinô đã cảm phục nơi thánh Ambroise. Chúa nhật, tất cả mọi người chuyên chăm đọc Sách Thánh trong mức độ có thể.

Tại vùng Á Đông thuộc Syrie, sau này, lá thư về đời đan tu mà người ta cho là của Philoxène de Mabbour, nhưng thực ra là của Joseph Hazzâyâ, cũng xếp giờ đọc Sách Thánh vào trọn buổi sáng, và thêm vào khoảng phần thứ ba của đêm.

Trễ hơn sau này, tại đan viện Stoudion ở Byzance, việc cải tổ của Théodore Studite (năm 826) dành cho Lectio thời gian giữa Kinh Giờ Một (hoặc trong Mùa Phục Sinh, bữa ăn thứ nhất) và và giờ làm việc lại vào giờ thứ tám". Tại Stoudion, Nicétas Stéthatos kể lại sự kiện Syméon le Nouveau Théologien (1022) lúc còn thanh xuân đã có ấn tượng về việc Jean Climaoue chuyên chăm đọc Sách Thánh: "Ông làm quen với Sách Thánh". Syméon cũng thực hành trong việc khổ chế hằng ngày bằng cách chen đan cầu nguyện với đọc suy niệm Kinh Thánh.

2- Sách đọc

Vấn đề liên quan tới sách đọc cho Lectio divina, Kinh Thánh là thư viện lớn cho các đan sĩ. Tuy nhiên thánh Biển Đức cũng mở rộng về phương diện sách đọc: Các thánh Giáo Phụ, các tiến sĩ công giáo, Jean Cassien, hạnh tích các Thánh Phụ, Tu luật thánh Basile. Tu luật thánh Ferréol nhắc tới sách gương các vị tử đạo. Cassiodore còn thêm các sử gia. Nhìn chung, các thư viện đan tu thế kỷ thứ 6 dẫu sao cũng không đáp ứng những quy lệ được nêu ra. Dẫu thế, sự quan tâm cho Lectio divina một nền tảng văn hóa vững chắc là điều không bị lãng quên.

Nhưng phải có một bối cảnh lịch sử khác để các đan sĩ cảm nhận được hơn nữa sự cần thiết một nền văn hóa mà Tertullien cũng như Origène quan tâm đến. Cách chung, người ta có thể nói rằng chính từ Lectio divina mà các thư viện được lập nên, rồi đến các scriptoria đan tu. Dần dần Lectio trở nên đồng nghĩa với studium (học), cuộc sống trí thức.

Tuy nhiên không bao giờ trào lưu trí thức phát triển trong các đan viện đánh mất sự tiếp cận với nguồn của nó là Lectio divina, và nhờ Lectio divina, cùng với phụng vụ và môi trường đan viện mà nếu không có những thứ này người ta không thể hiểu được Lectio divina cách hoàn toàn.

3- Công việc nghiêm túc

Dù không là một công việc khảo cứu hoặc công việc uyên bác, Lectio divina vẫn là một Công Việc Nghiêm Túc: "Tất cả những gì liên quan tới việc học và Lectio divina, gần hay xa, với thánh Biển Đức, cũng mặc một tầm quan trọng rất đặc biệt". Quyển sách nhận được đầu Mùa Chay phải đọc hết và đọc liên tục. Ở đó có một sức cố gắng mà không bất cứ ai cũng có thể làm được bởi vì Tu Luật đã xếp đặt những người giám thị khi an hem đọc. Dẫu vậy công việc đọc mà đan sĩ phải chuyên chăm đây không xa việc cầu nguyện mà đan sĩ có thể đơn thuần làm ở nhà nguyện, ngoài các giờ thần vụ chung, "với nước mắt và lòng mến". Do đấy Lectio là một sinh hoạt mà người ta chuyên chăm vào những giờ khắc nhất định.

Như với những công việc lao tác khác, Lectio divina gần gũi sâu xa với việc suy niệm theo truyền thống. Như thế việc đọc có thể tác động hữu hiệu trên đan sĩ, biến cải cuộc đời của anh, giúp anh thực hiện được điều anh đến làm ở đan viện: hoán cải, thực tâm tìm Chúa. Chính vì vậy các sách thánh Biển Đức khuyên đọc trở thành luật đời sống và con đường hoàn thiện vươn tới những đỉnh cao hơn.

Sự phát triển về cách thực hành Lectio divina cũng ảnh hưởng nhiều về cách thế thánh Grégoire Cả thực hiện trên tất cả thời trung cổ, trong khi chờ đợi các đan sĩ Xi-tô tái khám phá ra các Giáo Phụ Hy-lạp và thế kỷ 12. Quả thực, chỉ để nhắc đến một chủ đề, Césaire d'Arles đã nói đến ruminatio (gậm nhấm, nhâm nhi, nghiền): thật lạ, ông so sánh sự thanh luyện với những con vật thuộc loại nhai đi nhai lại; cách sâu xa hơn, ruminatio là đặc thù của những người suy nghĩ về điều họ nghe và giữ lại trong ore cordis (miệng của con tim). Thánh Grégoire cũng nói về ruminatio, về masticatio (nhai - như nhai... trầu!), nhưng có lẽ đặc tính "tâm lòng" của Lectio divina phải có nguồn từ Grégôriô.

Chúng ta hãy ghi nhớ rằng ngoài Regula pastoralis (luật mục vụ), Colomban còn xin thánh Grégôriô những chú giải về ngôn sứ Ê-dê-ki-en và về sách Diễm Ca. Dẫu vậy, chỉ một thoáng nhắc đến việc đọc trong Tu Luật của ngài. Nhưng có lẽ kiểu nói delectatio litterarum (sự dịu ngọt của sách thánh) còn đưa đi xa hơn. Người viết tiểu sử cuộc đời Columban nói rằng ngài không bao giờ xa rời bản văn thánh (Sách Thánh) của mình.



5. "Lectio divina" thời tiền trung cổ

1. Các đan sĩ Biển Đức

Khởi đi từ Tu Luật Biển Đức người ta có thể theo cách thực hành Lectio divina hoặc do sách thói lệ, hoặc dễ dàng hơn, theo những bài viết của chính các đan sĩ. Sách các thói lệ nói ít về vấn đề này hơn các bản văn khác. Và đàng khác, "làm sao có thể tìm lại được trong thực tại hằng ngày, với sự uyển chuyển và áp dụng theo những hoàn cảnh cụ thể, cái quan điểm của thời trung cổ"?. Dẫu sao tuyển tập các thói lệ mà thánh Sturne (+ 776) thiết lập cho đan viện Fulda của ngài cũng nhấn mạnh tới bầu khí thinh lặng cần mẫn mà Lectio divina cần được bảo vệ, dù là được  thực hành trong nội vi hay nơi nào khác.

Nhưng người ta có thể tìm đọc tuyển tập về những thói lệ xưa của Cluny  hoặc tuyển tập được gọi với tên «Discipline de Farta» (Quy Luật Farta), trình bày lối sống của Cluny vào thế kỷ 11, người ta cũng chỉ thấy rất ít những huấn dụ về Lectio divina. Dẫu vậy "Discipline de Farta" cũng lưu giữ một danh mục các sách phát cho các đan sĩ vào đầu Mùa Chay: và như thế người ta có thể biết được các tác phẩm được đọc tại Cluny vào giữa thế kỷ 11: các sách Kinh Thánh, các Giáo Phụ, nhưng cũng có các sách của Eusèbe, Orose, Josèphe và Tite-Live!.

Xét chung nhiều thư viện đan tu từ thế kỷ này, tỷ lệ các tác phẩm về lịch sử thì khá cao: chỉ nêu lên một ví dụ, đúng như thế tại Pomposa vào cuối thế kỷ 11. Tại Anh quốc, Regularis concordia của Dunstan cho thấy các đan sĩ ngồi trong đan viện (hàng hiên) suốt buổi sáng và chăm chú thinh lặng đọc Sách; về phần Các Tuyên Ngôn của Lantranc, nếu có cho chúng ta biết về việc phân phát các sách Mùa Chay, cũng không nói rõ về cách thế người ta đọc các sách đó thế nào. Chỉ ghi nhận hình phạt dành cho đan sĩ chểnh mảng trong việc đọc sách đã nhận năm trước.

Ngược lại, qua các thư tín, các bài giảng, hạnh tích hoặc các khảo luận khác nhau, các đan sĩ trình bày nhiều hơn.

Các ngôn từ mà các đan sĩ dùng để nói về Lectio divina có một nét duyên thực tế mà J. Leclercq đã cho một giá trị cao. Chúng tôi nêu ra đây vài tên như làm mẫu.

Tại Séville, Léandre (năm 596), khi viết cho em gái là Florrentine một khảo luận về đời sống tu, đã khuyên em đọc, và nhờ người đọc trong khi lao tác, một bài đọc dạy mình cầu nguyện, trong khi đó thầy Isidore dành riêng hai chương cho việc đọc và việc chuyên cần đọc.

Tác phẩm của Ambroise Autpert (784) chứng tá về sự ông chuyên cần cầu nguyện và thực hành Lectio divina. Chính ông quả quyết điều đó trong bài Chú Giải sách Khải Huyền: "Nếu coi như tôi có một cái gì đó, thì chính từ trong kho lẫm của Chúa Ki-tô mà tôi đã múc lấy". Alcuin (804) trong các thư, ông thích khuyên chuyên cần đọc Sách Thánh, ông cũng viết như thế cho các đan sĩ ở Saint-Waast d'Arras.

Smaragde (824), là người đầu tiên chú giải Tu Luật Biển Đức và là tác giả của "Triều Thiên các đan sĩ", đã dùng chính ngôn từ của Cyprien, chắc là rút từ Isidore de Séville. Ông dùng ngôn từ đó để xếp đặt việc đọc (là việc giáo huấn) giữa cầu nguyện (là việc thanh tẩy) và suy niệm (là việc giữ lại hoa trái của việc đọc).

Bède (735) có một vị trị đặc biệt. Tác phẩm của ngài trong nhiều đoạn đã nói lên sự thân tình tâm phúc với Kinh Thánh mà Lectio divina đã làm nảy sinh trong ngài. Không gì là êm dịu hơn cho ngài cho bằng học, dạy và viết, bởi vì ngài suy niệm Kinh Thánh, không bỏ qua điều luật gì, cũng như việc hát thần vụ (omnem meditandis Scripturis operam dedi).

Đối với Odon de Cluny (942), việc khổ chế hằng ngày dẫn các đan sĩ đến gặp gỡ Chúa Ki-tô bởi vì khổ chế này được linh hoạt bởi thần vụ hoặc Lectio sacra.

Tại Saint-Riquier, thế kỷ 11, các đan sĩ cố gắng đọc và cầu nguyện, như Odelger mà Hariulf kể tới "assiduae lectioni et orationi insistens", hoặc như Gervin mà ông cho thấy ngồi hàng hiên đan viện với cuốn sách ngay từ khi mặt trời vừa mọc: "divini verbi favos sibi congerebat".

Nhấn mạnh tới thiên đường tìm lại được là đan viện, Exhortatio in amorem claustri của Guillaume Firmat 1095 không quên cho thấy việc đọc Kinh Thánh cho phép cưới được sự Khôn Ngoan trong những hôn lễ của lúc rành rỗi chuyên cần.

Các nhà thần học đan tu sau này cuối cùng thì cũng không có một phương pháp nào khác ngoài phương pháp của Lectio divina. Như Anselme du Bec (1109), tuy là một nhà biện chứng độc đáo cũng khuyên đọc Kinh Thánh (Ep. 185), mà trong đó ông đã rút ra được nền tảng các tư tưởng của ông. Rupert de Deutz (1135) gửi bản Chú giải của ông về thánh Gio-an cho Cunon, là kết quả của việc ông suy niệm: theo cách nói của thánh Augustinô, ông dám nói "nhâm nhi lời Chúa". Serlon de Savigny (1158), trong tác phẩm "Bài giảng", cho thấy trong Lectio divina linh hồn gắn bó với Chúa Ki-tô như xưa Gio-na-than với Đa-vít như thế nào. Tuy nhiên một Lectio như thế sẽ là một toàn bộ thao tác trong đó việc làm khởi đi từ chú ý đến thân xác và lòng nhiệt thành cầu nguyện sẽ dẫn đưa linh hồn tới chiêm niệm, sau khi việc đọc đã nâng nhắc linh hồn lên cao. Quả thực, Pierre de Celle (1183) nói rõ là việc đọc mà tâm hồn được no thỏa và dẫn tới chiêm niệm, đó chính là việc đọc kèm theo suy niệm: «ex divina lectione et méditatione caelestium contemplatio».

Từ một số nhân vật trên đây, có lẽ người ta sẽ quý trọng hơn vị trí mà Lectio divina có trong linh đạo đan tu thời tiền trung cổ. Điều này cũng chứng tá cho những tác phẩm mà các đan sĩ thích trước tác.



2. Xi-tô

Trở về nguồn của khổ chế biển đức, Xi-tô cố công  tìm lại một cuộc sống đơn sơ, một thời khắc biểu quân bình trong đó Lectio divina chia sẻ ngày sống với một kinh thần vụ không quá nặng nề như tại Cluny và công việc lao động có tầm quan trọng hơn.

Thủ bản cổ xưa nhất mà Ecclesiastica Officia xi-tô biết đến diễn tả cách thế các đan sĩ chuyên chăm đọc: ở ngay cửa phòng hội, các đan sĩ ngồi đọc, mỗi người một sách riêng, người ta không hỏi han người bên cạnh, trừ những gì liên quan đến việc chuẩn bị các bài đọc hoặc bài hát trong phụng vụ. Thánh Bênađô de Clairvaux (+ 1153) đã sống trong khung cảnh như thế.

Theo Guillaume de Saint-Thierry, được huấn luyện Lectio divina theo truyền thống, Bênađô "đã không ngừng chuyên cần cầu nguyện, đọc hay suy niệm". Thực vậy, giáo huấn của ngài luôn đậm nét huấn luyện này: "Ngài là người của Kinh Thánh..., ngài hòa mình vào việc học và chiêm niệm". Tuy vậy người ta cũng phải nhắc tới bầu khí ca tụng trong phụng vụ mà nhiều bản văn còn ghi lại: "Tôi khoan khoái nhâm nhi những sự này, tất cả con người tôi tràn ngập niềm vui, tất cả trong tôi được bồi bổ, từ thân xác tôi nảy sinh lời chúc tụng. Tất cả điều đó Chúa ban cho toàn thể Giáo Hội và mỗi người chúng ta cảm nhận được điều đó nơi mình. Chúa ban cho linh hồn ta ánh sáng của trí hiểu, cho miệng ta những lời xây dựng và cho đôi tay ta những việc làm công chính".

Phải chuyên chăm đọc sách được ấn định vào giờ cố định: một việc đọc tình cờ, mở hết trang này sang trang khác, không chuyên cần, sẽ mau quên lãng và chẳng đưa tới đâu. Cũng cần phải gắn bó với một số đoạn nào đó, làm cho tâm hồn quen với đoạn văn, bởi vì giữa việc học và việc đọc cũng có cùng khác biệt như giữa tình bạn và sự hiếu khách. Và hơn nữa phải ghi vào trí nhớ một câu nào đó trong sách mà ta đọc hằng ngày để tâm trí thường xuyên nhâm nhi nó và như thế sẽ dễ tiêu hóa nó hơn. Cuối cùng trong khi đọc cũng phải múc lấy được những tình cảm (affectus), để dùng cho việc cầu nguyện (formanda oratio). Người ta biết lá Thư vàng này đã ảnh hưởng như thế nào trên linh đạo thời trung cổ: "Các trường phái của Groenendael vả của Windesheim cũng không thoát được ảnh hưởng này".

Arnould de Bohéries. Sách "Gương các đan sĩ" của ông , là một sách hướng dẫn về ngày đan tu, có nói về Lectio: "Sau khi đọc là cầu nguyện; và đọc không nhắm tới khoa học, cho bằng nhắm tới sự thú vị. Kinh Thánh không khác gì giếng nước Gia-cóp đến đó kín múc nước bằng lời cầu nguyện. Không nhất thiết phải đi vào nhà nguyện nhưng hãy chiêm niệm và cầu nguyện ngay trong việc đọc". Đoạn văn tìm thấy trong một tập sách nhỏ vô danh vào thế kỷ 13, dành cho các tập sinh, "Việc đọc tốt đẹp và mưu ích cho các đan sĩ là chiến sĩ của Chúa Ki-tô". Kiểu nói "non tam scientiam quam saporem" (không nhắm tới khoa học, cho bằng nhắm tới sự thú vị) sẽ có một thành công lớn; ý tưởng, nếu không phải là cả ngôn từ, đã thấy ở nơi thánh Jérôme: "đọc không phải là để lao tác nhưng là để đạt tới sự thỏa thích và huấn luyện tâm hồn".

Với việc ca hát thánh vịnh, cầu nguyện, bổn phận hàng ngày và thinh lặng, Lectio divina đối với Guerric d'Igny (+1157) là một trong những thao tác đặc thù để đạt được sự khôn ngoan. Đọc, suy niệm luật của Chúa ngày cũng như đêm, các đan sĩ dạo chơi trong những vườn cảnh như trong các sách mà các ngài đọc.

Nhưng các đan sĩ không phải là những người duy nhất chuyên chăm đọc sách: các ẩn sĩ, các cư sĩ nam cũng như nữ cũng làm thế. Trong ý nghĩa này Aelred de Rievaulx (+1167) cho em gái mình là cư sĩ những lời khuyên quý báu về đọc sách mà ngài xếp, như Isaac de l'Étoile (+1178) với meditatio-suy niệm và oratio-cầu nguyện vào số exercitia spiritalia (các thao tác thiêng liêng) ngược lại với các exercitia corporalia (thao tác thể xác) là chay tịnh, canh thức và lao động. Vị nữ cư sĩ đọc Kinh Thánh, nhưng cũng đọc hạnh tích các Giáo Phụ, Tu Luật của các ngài và các phép lạ của các ngài. Chị chen đan việc đọc sách với ca hát thánh vịnh và cầu nguyện, tùy theo lòng nhiệt thành của chị, để tái tạo tinh thần cho mình và để chạy trốn sự lười biếng. Nếu trường hợp chị không thể đọc thì chị phải chuyên cần làm việc tay chân.

Aelred luôn trung thành với sự xếp đặt theo Tu Luật của thánh Biển Đức, cũng như tinh thần của thánh nhân khi ngài ghi chú rằng Lectio làm phát sinh trong tâm hồn một tình cảm ăn năn thống hống, một sự sốt sắng thiêng liêng  việc đọc cũng là cách thế đánh thức Chúa Ki-tô đang ngủ, khi những cám dỗ tấn công chúng ta.

3. Các Kinh Sĩ và các đan sĩ Chartreux

Lectio divina cũng chiếm một chỗ quan trọng trong linh đạo các kinh sĩ không khác gì linh đạo các đan sĩ. "Linh đạo kinh sĩ thế kỷ 12, chính là Kinh Thánh. Chính nơi Kinh Thánh mà việc thực hành Lectio divina gắn kết với và việc học thần học được coi như một việc làm chú giải".

Sự canh tân của Xi-tô đã có một ảnh hưởng, đôi khi rất sâu đậm, trên nhiều cộng đồng kinh sĩ. Về vấn đề Lectio divina, người ta nhận thấy rằng những quy lệ của Oigny, Arrouaise và Prémontré đều theo Ecclesiastica officia của Xi-tô. Cũng như tại Xi-tô, luật của kinh sĩ dành ra mỗi giờ một số "thời gian ấn định" cho Lectio divina đã nhấn mạnh đến sự quan trọng của Lectio divina: chuyên chăm đọc sẽ giúp cho trí nhớ và giúp khám phá    ra sự tốt lành của Chúa. Tuy nhiên để cho Lectio có kết quả, còn cần phải có Meditatio đồng hành và tiếp theo. Oratio         đi cùng với Lectio và Meditatio và nơi chốn thực hiện ba thao    tác này vẫn luôn là trong đan viện. Hugues de Saint-Victor (+1141) đã hệ thống hóa tiến trình: Lectio, meditatio, oratio, operatio, contemplatio.

Guigues II le Chartreux (+1188), trong tác phẩm Scala claustralium (Thang đan sĩ, hay còn được gọi Thang thiên đàng), chỉ giữ lại Lectio, Meditatio, Oratio, Contemplatio. "Chú tâm (ch. 2) học hỏi Kinh Thánh, Lectio tìm kiếm cuộc sống vĩnh phước, Meditatio gặp được cuộc sống này, Oratio xin cho được cuộc sống này, Contemplatio nếm hưởng cuộc sống vĩnh phước này" (ch.3). Trong khi đọc, tâm hồn tiếp tục nhai và nghiền ngẫm ý nghĩa đã hiểu được, và Lectio cũng như Meditatio nối kết chặt chẽ với nhau: "Đọc mà không có suy niệm thì khô cằn và suy niệm mà không có đọc thì làm mồi cho lầm lạc" (ch. 4).

Dẫu sao người ta cũng có thể tự hỏi nếu, vì trở thành quá cố định, quá kỹ thuật, Lectio divina không có nguy cơ làm mất đi phần nào sự tự phát nguyên thủy, là đặc tính hợp với Chúa Thánh Thần sao? Việc thực hành Lectio divina không ngừng lại trong các đan viện với một thời kỳ cao điểm của thế kỷ 12. Cho dù có những chồng chéo mà các thế hệ sau làm phát sinh giữa Lectio divina và "Đọc sách thiêng liêng", các đan sĩ nam cũng như nữ luôn bảo giữ cách sâu xa ý nghĩa và mến chuộng một cách thế đọc như thế (Lectio divina). Chắc hẳn phụng vụ luôn giữ nơi các đan sĩ bầu khí ngợi ca và tôn thờ dễ làm cho ta hiểu được việc đọc đáng khâm phục này trong một cuộc sống tất cả được hướng về cầu nguyện. Và cũng chắc hẳn sách đọc của Lectio divina cũng đủ làm cho nó có giá trị: Kinh Thánh và các Giáo Phụ luôn là các sách ưu tiên.

Ví dụ vào năm 1520, Paul Giustiani cổ vũ cuộc canh tân dòng Camaldule, đã nhắc đến tầm quan trọng của việc chuyên cần đọc Kinh Thánh: "Tất cả những ai biết đọc, mỗi ngày nên đọc một bài sách Kinh Thánh... Tuy nhiên đọc mà không suy niệm điều mình đã đọc và đem ra thực hành thì cũng bằng không...".

Vào thế kỷ 17, các sách Chú Giải Tu Luật (của Mège Rancé, Martène, Calmet, v.v...) cho thấy việc thực hành Lectio divina luôn sống động. Nhưng cuộc cải cách của Saint-Vanne, Saint-Maur, Beautort, Rancé hoặc của các viện mẫu vào thời gian đó cũng không lạ lẫm gì với Lectio divina, cho dù đã có sự khác biệt về tinh thần mà cuộc tranh luận về việc học đan tu của Mabillon đã làm nổi bật, Lectio divina bị đưa ra bàn cãi mãnh liệt.

Chương sách của A. Baker (+1641) viết về việc đọc Sách Thánh  bàn về "đọc sách thiêng liêng" hơn là về Lectio divina. Ngày nay, Lectio divina vẫn còn là một nét nổi bật của cuộc sống đan tu: "Đó là toàn bộ được tổ chức để đắc thủ dần dần những kiến thức nhờ đó chúng ta làm quen với những sự thuộc về Chúa và chúng ta quen nhìn điều vô hình". Theo định nghĩa này, các viện phụ Biển-đức năm 1967 đã đáp ứng cuộc canh tân sau Công Đồng. "Các ngài nhấn mạnh đến sự cần thiết của một chương trình huấn luyện xứng tầm và những điều kiện cụ thể giúp cho Lectio divina được thực hành thường xuyên như là việc đọc Kinh Thánh trong tư thái cầu nguyện, an bình, chuyên cần, sống trong đức tin và tình yêu". Được thế, Lectio divina sẽ mạnh mẽ giúp đan sĩ luôn trở thành một "người của Chúa" hơn nữa....

Jacques ROUSSE (Fr. Bảo Tịnh O.Cist chuyển dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét