THỜI ĐẠI CÁC GIÁO PHỤ
Tự bản chất, Kitô giáo không phải là một hệ thống triết thuyết nhằm dung hợp sự khôn ngoan thông thái của nhân loại, nhưng là một mạc khải của Đấng Tối Cao. Đường nét tinh thần căn bản của Kitô giáo không hệ tại vào tính vững chắc của những định chế hay tín điều tôn giáo, mà là thái độ rộng mở trong tương quan yêu thương, thân thiện và vị tha. Tuy thế, bên cạnh những nét đặc thù, Kitô giáo luôn sẵn sàng đối thoại, giao lưu và gặp gỡ với các tôn giáo, các nền văn hóa, văn minh của nhân loại. Lịch sử cho ta thấy văn hóa Kitô giáo phương Tây đã được hình thành từ những đối chất, những tiếp thu, những ứng dụng của Kitô giáo đối với triết học Hy lạp, La mã Cổ đại. Từ vị thế một đối thủ, triết học Hy – La đã dần dần trở nên một người bạn thân thiện của niềm tin Kitô giáo. Tuy rằng, tiến trình này phải trải qua một thời gian dài và rất cam go, nhưng khi được tư tưởng Kitô giáo tiếp nhận, ứng dụng, thì nền văn hóa Hy lạp, La mã trở nên sinh động và hữu hiệu hơn bao giờ hết; đồng thời, các tư tưởng triết học Hy – La trở thành một điểm tựa của niềm tin Kitô giáo, đặc biệt là qua những công trình xán lạn của các Giáo phụ và các nhà Kinh viện trong việc cố gắng tìm kiếm những điểm tương đồng giữa triết lý và đức tin..
.1. Đóng góp của tư tưởng Platon cho thần học các Giáo phụ.
Platon (427 – 348 TCN) là một trong những triết gia Hy Lạp có ảnh hưởng rất lớn đến trào lưu tư tưởng thần học thời Trung cổ. Ông là một triết gia siêu hình và thần bí với tư tưởng chủ yếu là: Học thuyết các ý tưởng. Platon cho rằng, thế giới khả niệm (thế giới các ý tưởng) mới là thế giới của hiện thực. Các ý tưởng liên kết với nhau theo trật tự thấp cao dẫn đến ý tưởng tối cao gọi là Thiện. Đó là nguồn suối của tất cả, bao trùm tất cả.
Từ tư tưởng đó, Plotin đã cố gắng tiếp tục và thúc đẩy học thuyết của Platon theo một chiều hướng thần học và chủ trương đề cao chiêm ngưỡng hơn là tri thức hiểu biết. Kể từ đó, triết học Platon được các Giáo Phụ khai thác và coi như một công cụ hữu hiệu cho mục đích hộ giáo. Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ thứ IV, triết học của Platon mới thực sự trở nên sáng giá trong tư tưởng của Thánh Augustino. Theo nhận định của nhiều nhà triết sử, chính Thánh Augustino đã rửa tội cho học thuyết của Platon, khi ngài cố gắng dung nạp tư tưởng của ông vào Kitô giáo, đề xướng một phong trào thần học đầy hứng thú, ảnh hưởng lớn và lâu dài trong giới trí thức Công Giáo. Trong học thuyết sáng tạo của mình, Thánh Augustino khẳng định rằng, vũ trụ do Thiên Chúa sinh ra theo tính tất yếu và ý chí tự do của Người. Mặt khác, trên cơ sở những tín điều Kitô giáo và học thuyết của trường phái Platon về bản chất con người, Thánh Augustino đi đến định nghĩa: con người là sự thống nhất linh hồn và thể xác, trong đó linh hồn đóng vai trò quyết định.
Như vậy, với việc tiếp nhận học thuyết các ý tưởng của Platon, Thánh Augustino đã xây dựng một tư tưởng chủ đạo của thần học các Giáo Phụ: đề cao ý chí, coi linh hồn trọng hơn thân xác. Đây cũng là tư tưởng có ảnh hưởng sâu đậm đến thần học tu đức thời đó, làm xuất hiện một phong trào hành xác đền tội nơi những người đạo đức. Không chỉ thế, triết học của Platon mà Thánh Augustino đã rửa tội còn tạo nên một truyền thống của Dòng Phanxico khi nhấn mạnh đến vai trò của ý chí: Chính tận tâm hồn mình, con người khám phá ra dấu vết Thiên Chúa. Các đại diện cho xu hướng này gồm có: A. Hales, J. Rochelle và thánh Bonaventura.
2. Đóng góp của tư tưởng Aristotle cho thần học Kinh viện.
Aristotle (384 – 322 TCN) là một triết gia uyên bác của xã hội Hy Lạp cổ đại và là học trò xuất sắc nhất của Platon. Tuy nhiên, ông lại là người có tư tưởng chống lại học thuyết của thầy mình. Tư tưởng chủ đạo của ông là đề cao vai trò của lý trí trong quá trình nhận thức của con người, chứ không phải là dựa dẫm vào ý niệm đã được biết từ trước đó của linh hồn. Là người nổi bật nhất trong các triết gia Hy Lạp cổ đại, Aristotle đã xây dựng tư tưởng siêu hình và thần luận học tuyệt vời, làm nền tảng cho nhiều học thuyết triết học sau này, trong đó có hệ thống triết - thần Kinh viện.
Theo nghĩa rộng, Kinh viện có ý nói đến một tinh thần hay một não trạng muốn lấy lý trí phục vụ tôn giáo. Do đó, phương pháp khám phá ra dấu vết của Thiên Chúa theo trào lưu này là đề cao suy tư chứ không chỉ lệ thuộc vào trạng thái chiêm nghiệm của tâm hồn. Chính vì thế, khi các tác phẩm của Aristotle được các học giả Ả rập đem vào Tây phương (khoảng giữa thế kỷ XI), thì các triết gia và thần học gia Kinh viện mau mắn đón nhận, dịch thuật và phổ biến khắp các trường học ở Tây Âu, đến nỗi Đức Giáo Hoàng Grégerio IX phải thành lập một uỷ ban để khai trừ học thuyết của Aristotle. Tuy nhiên, nhờ ảnh hưởng và tác động của thánh Alberto Cả và thánh Thomas Aquinas, triết thuyết của Aristotle mới được Giáo Hội thời đó công nhận. Đặc biệt với thánh Thomas Aquinas, tư tưởng của Aristotle chiếm một vị trí ưu tú trong thần học Kinh viện. Học thuyết của Aristotle được thánh Thomas phát triển như sau: Chất thể không thể tồn tại tách rời khỏi mô thể, nhưng mô thể thì có thể tồn tại tách rời khỏi chất thể. Điều này có nghĩa không một chất thể nào tồn tại độc lập với mô thể tối cao - tức thực thể tinh thần thuần tuý. Dựa vào học thuyết của Aristotle về nguyên nhân, thánh Thomas xây dựng luận chứng về mặt vũ trụ luận, sự hiện hữu của Thiên Chúa như nguyên nhân của tất cả các hiện tượng và các quá trình. Chính vì vậy mà nhiều học giả cho rằng, thánh Thomas đã rửa tội cho học thuyết của Aristotle. Thực ra, điều quan trọng đối với thánh Thomas là truy tầm chân lý. Trên hành trình này, thánh Thomas đã gặp triết thuyết của Aristotle như kẻ đồng hành và đã không bỏ qua cơ hội giảng đạo cho học thuyết đó nhờ ánh sáng của đức tin, tương tự như xưa thánh Phaolô đã thực hiện tại Athena.
Như vậy, với sự tiếp nhận triết thuyết của Aristotle, thần học Kinh viện đã đạt tới đỉnh cao nơi tư tưởng của thánh Thomas. Thánh nhân đã nghiên cứu lý luận của Aristotle một cách chặt chẽ và đã sử dụng kết luận của triết gia này để chứng minh rằng có Thiên Chúa quan phòng. Cũng chính vì sự xuất sắc đó mà Đức Leon VIII đã tuyên bố: học thuyết của Thomas trở thành bắt buộc với tư cách là “tư tưởng chân chính duy nhất của Kitô giáo”. Tư tưởng này của thánh Thomas còn ảnh hưởng trực tiếp đến Dòng Thánh Đaminh, tạo nên một truyền thống của Dòng: đề cao vai trò của lý trí.
Tóm lại, với những đặc trưng cơ bản của mình, triết học Hy Lạp cổ đại đã có những đóng góp tích cực cho khoa thần học Kitô giáo trong thời Trung cổ. Cùng với sự phát triển phong phú của các trường phái; những suy tư của các triết gia, triết học Hy Lạp đã cung cấp những thuật ngữ, luận chứng để thần học suy tư về mầu nhiệm đức tin và trình bày những chân lý của Tin mừng một cách chắc chắn. Cũng chính vì lý do đó mà nhiều người cho rằng, nền triết học Hy Lạp đã liên kết chặt chẽ với giáo thuyết về đức tin Kitô giáo, trong đó các luận lý và các ý niệm của triết học đi theo những qui luật mới của khoa thần học, và do đó những luận lý và những ý niệm triết học mặc lấy những ý nghĩa mới và có tính cách thần học. Tìm hiểu về những đóng góp trên của triết học Hy Lạp cho thần học Trung cổ, chúng ta còn thu nhận được những bài học quí giá cho hành trình tiếp cận chân lý. Đó là:
Thứ nhất, chính Đức Kitô mới mang lại ơn Cứu độ cho con người chứ không phải triết học, vì triết học dẫu sao cũng chỉ là một nỗ lực của con người đi tìm Thiên Chúa một cách không mấy chắc chắn.
Thứ hai, triết học và thần học không thể đồng hoá với nhau, vì đối tượng của triết học là hữu thể xét như là chính nó, cho nên người ta chỉ có thể dùng nó để truy tìm về nguyên nhân đệ nhất và siêu nghiệm các sự vật. Vì vậy, sứ mệnh khám phá ra Thiên Chúa và chứng minh về Thiên Chúa là của các nhà thần học, chứ không phải của các triết gia.
Cuối cùng, triết học và thần học có mối tương quan chặt chẽ với nhau. Thần học Kitô giáo sử dụng triết học làm nền tảng tri thức tự nhiên; ngược lại, triết học nhờ tham dự vào ý nghĩa mới và có tính cách thần học mà trở nên như một phương thế để khám phá mạc khải siêu nhiên chứ không chỉ dừng lại ở việc khám phá mạc khải tự nhiên như bản tính vốn có của nó.
3. Thánh Tôma Aquinô
Trong tác phẩm thần học của mình, Thánh Thomas đã nêu lên và cụ thể hóa mối liên hệ ấy. Đức tin củng cố, thống nhất và soi động di sản về sự thật lý trí con người có được. Việc tin tưởng rằng Thánh Thomas cống hiến hai khí cụ về kiến thức là đức tin và lý trí này có thể được dẫn trở về với niềm tin tưởng rằng cả hai đều xuất phát từ cùng một nguồn mạch duy nhất của tất cả mọi sự thật là Lời thần linh, một Lời sinh động ở cả hai bối cảnh, bối cảnh tạo thành, và bối cảnh cứu độ.
Cùng với sự thuận hợp nhau giữa lý trí và đức tin, đàng khác, chúng ta cần phải nhìn nhận rằng tự chúng thuận lợi cho hai phương thức kiến thức khác nhau. Lý trí chấp nhận một sự thật vì chứng cớ nội tại của nó, trực tiếp hay gián tiếp; nhưng đức tin chấp nhận một sự thật dựa vào thẩm quyền của Lời Thiên Chúa mạc khải. Thánh Thomas viết ở ngay đầu bộ Tổng Luận Thần Học rằng “Chúng ta cần phải nhớ rằng có hai loại khoa học. Một số khoa học xuất phát từ nguyên tắc được nhận biết bởi ánh sáng tự nhiên của lý trí, chẳng hạn như đại số hay hình học và tương tự như thế. Có một số khoa học từ những nguyên tắc được biết từ các khoa học cao hơn: vậy khoa học về phối cảnh xuất phát từ những nguyên tắc được nhận biết bởi hình học và nhạc lý từ những nguyên tắc của toán học. Và vì vậy giáo huấn linh thánh là một khoa học vì nó xuất phát từ những nguyên tắc được nhận biết bởi ánh sáng của một khoa học cao hơn, tức là từ kiến thức về Thiên Chúa và các thánh”.
Việc phân biệt này là những gì bảo đảm cho tính chất tự lập của các khoa nhân bản học và những khoa thần học. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là tách biệt, trái lại là một thứ hợp tác hỗ tương và lợi ích. Thật vậy, đức tin bảo vệ lý trí khỏi bất cứ xu hướng mất tin tưởng vào những khả năng của mình, phấn khích nó hướng tới những chân trời rộng mở hơn, bảo tồn nó trong việc tìm kiếm những nền tảng, và khi chính lý trí được áp dụng vào lãnh vực siêu nhiên của mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người thì đức tin làm phong phú công việc của Ngài. Chẳng hạn, theo Thánh Thomas, lý trí của con người nhất định có thể nắm bắt được sự hiện diện của một Thiên Chúa duy nhất, thế nhưng chỉ có đức tin là những gì có thể chấp nhận mặc khải thần linh mới có thể chạm vào mầu nhiệm của Tình Yêu của Thiên Chúa Duy Nhất Ba Ngôi.
Tóm lại, Thánh Thomas nêu lên một quan niệm bao rộng và tin tưởng về lý trí con người: bao rộng vì nó không bị giới hạn vào những lãnh vực được gọi là lý trí khoa học thực nghiệm, nhưng hướng về tất cả mọi hữu thể và vì thế là những vấn đề nền tảng và bất khả chuyển nhượng của sự sống con người, và tin tưởng vì lý trí con người, nhất là khi đón nhận tác động của đức tin Kitô giáo, là một phát động viên của một thứ văn hóa nhìn nhận phẩm giá, nhìn nhận tính chất bất khả vi phạm của các quyền lợi cùng với những nhiệm vụ kèm theo. Không lạ gì giáo huấn về phẩm giá con người, nền tảng cho việc nhìn nhận tính chất bất khả vi phạm của các thứ nhân quyền, đã được khai triển ở các trường phái tư tưởng chấp nhận di sản của Thánh Thomas Aquinas, vị đã có một quan niệm rất cao cả về loài người. Ngài đã gọi nó, bằng ngôn ngữ triệt đệ triết lý của mình, như “cái gì hoàn hảo nhất nơi tất cả thiên nhiên tạo vật, tức là một con người sinh tồn có một bản tính hữu lý” (Summa Theologica, Ia, q. 29, a. 3).
Chiều sâu của tư tưởng Thánh Thomas Aquinas – chúng ta đừng bao giờ quên rằng – tuôn ra một cách sống động bởi đức tin của ngài và lòng đạo đức sốt sắng của ngài, những gì được thể hiện nơi những lời nguyện cầu như lời cầu nguyện được ngài dâng lên Thiên Chúa như sau: “Ôi Chúa là Thiên Chúa của con, xin hãy cho con một trí khôn để biết Chúa, một con tim để tìm kiếm Chúa, một đức khôn ngoan để thấy Chúa, một tác hành làm hài lòng Chúa, một lòng kiên trì đợi chờ Chúa và một niềm hy vọng để cuối cùng được chiếm hữu Chúa”.
4.Thánh Justin
Thánh Justin đã sử dụng những điểm tích cực của triết học để biện minh cho đức tin. Ngài đặt vị trí quan trọng cho triết học một nhiệm vụ cao quý là bảo vệ chân lý. Lập trường của Justin là chấp nhận mọi chân lý cho dù nó đến từ đâu “Bất cứ những gì đã được nói ra do bất cứ ai đều thuộc về chúng ta cả”[1]. Tuy nhiên, đối với ngài, mọi suy tư triết học phải dẫn tới lòng kính sợ và tin tưởng vào Thiên Chúa, và đưa đến hạnh phúc chân thật cho con người.
Thánh nhân xem logos như trung gian giữa Thiên Chúa và thế giới. Logos được sinh ra trước khi tạo thành vũ trụ và là một nguồn chân lý. Logos chính là Ngôi Lời Thiên Chúa đã được ban cho nhân loại trước Đức Kitô, và là nguồn chân lý. Do đó, các triết gia ngoại giáo đã có được một thứ “tiềm lời” (Verbum seminale) phổ quát. Nếu họ trung thành với ánh sáng này họ đã là một Kitô hữu rồi. Tất cả những gì được nói ra đúng chân lý, đều là của chúng ta. Tuy nhiên, chỉ nhờ mạc khải của Thiên Chúa, ta mới có thể biết được trọn vẹn và chắc chắn về Ngôi Lời trọn hảo.
5. THIÊN CHÚA CỦA NGƯỜI KHẮC KỶ
Trích lời cầu nguyện của Cléanthe (thế kỷ III trước Công nguyên).
Hỡi Zéus, Ðấng Vĩnh sinh muôn trùng vinh hiển, toàn năng đời đời,
Ðấng chúng nhân kêu cầu dưới bao danh hiệu,
Là tác giả của thiên nhiên, điều khiển mọi sự theo định luật,
Con xin kính bái Ngài, vì lẽ mọi con người đều có thể thưa lên với Ngài, mà không nghịch đạo.
Vì chính từ Ngài mà chúng con hiện hữu, và vì, trong mọi thọ sinh mọi loài có sự sống và di chuyển trên mặt đất, chỉ duy chúng con được Ngài thông ban âm thanh phỏng theo vạn vật.
Chính vì thế con sẽ hát ca ngợi khen và chúc tụng quyền năng Ngài mãi mãi..
Vâng, cả khối trời lồng lộng xoay quanh trái đất
Ðều tuân phục Ngài, nơi nao Ngài dẫn đến,
Không điều gì xảy ra mà lại không có Ngài,
Lạy Thiên Chúa, dù là nơi đất thấp, dù là chốn cao xanh thăm thẳm, hay trong biển khơi, trừ phi là tội ác của bọn xấu xa trong cơn rồ dại.
Ðến mức, một Lý Tính (Logos) độc nhất phát sinh từ chúng tất cả và sẽ tồn tại muôn đời."Logos", phải là thước đo vạn vật, đó là xác tín mà các nhà triết học, khoa học thời đó không ngừng lập đi lập lại. Chính từ đó đã nẩy sinh một trong những bác bẻ nền tảng nhất mà các nhà trí thức thường xuyên đặt ra đối với thái độ "tin" mà Do Thái Giáo và Kitô giáo đòi hỏi: Theo họ, đức tin là cái đi ngược với lý lẽ, là sự phủ nhận lý trí. Chúng ta thấy bác bẻ này đã được đưa ra vào thế kỷ II, dưới ngòi bút của một triết gia chiết trung như Celse, và do cả những bậc thầy của phái Khắc Kỷ như Épithète, Marc-Aurèle, hay do một y sĩ như Galien, tất cả đều cho rằng chỉ duy có "lý lẽ" và sự "chứng minh" mới là những tiêu chuẩn của chân lý. Chắc chắn rằng, lời bác bẻ đó thường phát xuất từ một tinh thần thực sự là duy lý, tiên thiên gạt bỏ tất cả những gì không thể chứng minh được theo lý trí. Thế nhưng, trong mức độ đòi hỏi những quyền chính đáng của lý trí, nó hiển nhiên đặt ra một vấn đề mà người Kitô hữu không thể tránh né.Quyền chính đáng của lý trí, đó là điều mà các nhà trí thức Kitô giáo như Justin vẫn thao thức. Họ thuộc về một thế giới đang đặt ra những đòi hỏi mới của lý tính so với bối cảnh sơ khai, và họ cảm thấy việc nhìn thẳng vào những đòi hỏi này là một nhu cầu sinh tử đối với đức tin. Về điểm này, có lẽ không một Giáo phụ nào đã có những lời lẽ mạnh như Clément d'Alexandrie ở đầu thế kỷ thứ III: "Nhiều Kitô hữu sợ triết học Hylạp như trẻ con sợ ngáo ộp, sợ bị triết học này chinh phục. Nếu đức tin của chúng ta là như thế. nếu nó sụp đổ trước sự thuyết phục của lý luận, thì hãy để cho nó sụp đổ, bởi lẽ qua đó chúng ta chứng tỏ rằng chúng ta đã không có chân lý" (Stromate VI, 10.80.5). Nói khác đi, nếu đức tin không muốn phủ nhận chính mình, thì phải chấp nhận nhìn thẳng và trả lẽ về mình cho thế giới trong đó mình sống.
Hỡi Zéus, Ðấng Vĩnh sinh muôn trùng vinh hiển, toàn năng đời đời,
Ðấng chúng nhân kêu cầu dưới bao danh hiệu,
Là tác giả của thiên nhiên, điều khiển mọi sự theo định luật,
Con xin kính bái Ngài, vì lẽ mọi con người đều có thể thưa lên với Ngài, mà không nghịch đạo.
Vì chính từ Ngài mà chúng con hiện hữu, và vì, trong mọi thọ sinh mọi loài có sự sống và di chuyển trên mặt đất, chỉ duy chúng con được Ngài thông ban âm thanh phỏng theo vạn vật.
Chính vì thế con sẽ hát ca ngợi khen và chúc tụng quyền năng Ngài mãi mãi..
Vâng, cả khối trời lồng lộng xoay quanh trái đất
Ðều tuân phục Ngài, nơi nao Ngài dẫn đến,
Không điều gì xảy ra mà lại không có Ngài,
Lạy Thiên Chúa, dù là nơi đất thấp, dù là chốn cao xanh thăm thẳm, hay trong biển khơi, trừ phi là tội ác của bọn xấu xa trong cơn rồ dại.
Ðến mức, một Lý Tính (Logos) độc nhất phát sinh từ chúng tất cả và sẽ tồn tại muôn đời."Logos", phải là thước đo vạn vật, đó là xác tín mà các nhà triết học, khoa học thời đó không ngừng lập đi lập lại. Chính từ đó đã nẩy sinh một trong những bác bẻ nền tảng nhất mà các nhà trí thức thường xuyên đặt ra đối với thái độ "tin" mà Do Thái Giáo và Kitô giáo đòi hỏi: Theo họ, đức tin là cái đi ngược với lý lẽ, là sự phủ nhận lý trí. Chúng ta thấy bác bẻ này đã được đưa ra vào thế kỷ II, dưới ngòi bút của một triết gia chiết trung như Celse, và do cả những bậc thầy của phái Khắc Kỷ như Épithète, Marc-Aurèle, hay do một y sĩ như Galien, tất cả đều cho rằng chỉ duy có "lý lẽ" và sự "chứng minh" mới là những tiêu chuẩn của chân lý. Chắc chắn rằng, lời bác bẻ đó thường phát xuất từ một tinh thần thực sự là duy lý, tiên thiên gạt bỏ tất cả những gì không thể chứng minh được theo lý trí. Thế nhưng, trong mức độ đòi hỏi những quyền chính đáng của lý trí, nó hiển nhiên đặt ra một vấn đề mà người Kitô hữu không thể tránh né.Quyền chính đáng của lý trí, đó là điều mà các nhà trí thức Kitô giáo như Justin vẫn thao thức. Họ thuộc về một thế giới đang đặt ra những đòi hỏi mới của lý tính so với bối cảnh sơ khai, và họ cảm thấy việc nhìn thẳng vào những đòi hỏi này là một nhu cầu sinh tử đối với đức tin. Về điểm này, có lẽ không một Giáo phụ nào đã có những lời lẽ mạnh như Clément d'Alexandrie ở đầu thế kỷ thứ III: "Nhiều Kitô hữu sợ triết học Hylạp như trẻ con sợ ngáo ộp, sợ bị triết học này chinh phục. Nếu đức tin của chúng ta là như thế. nếu nó sụp đổ trước sự thuyết phục của lý luận, thì hãy để cho nó sụp đổ, bởi lẽ qua đó chúng ta chứng tỏ rằng chúng ta đã không có chân lý" (Stromate VI, 10.80.5). Nói khác đi, nếu đức tin không muốn phủ nhận chính mình, thì phải chấp nhận nhìn thẳng và trả lẽ về mình cho thế giới trong đó mình sống.
Ðây cũng chính là xác tín của Justin, nhà trí thức Kitô giáo đầu tiên có một lập trường triệt để trước triết học Hy Lạp và nỗ lực của lý trí con người.
6. Celse, một triết gia ngoại giáo thế kỷ II, tố giác Kitô giáo là kẻ thù của lý trí, của văn hóa và của nhân đức.
Các giáo thuyết chỉ có thể chấp nhận khi có sự hướng dẫn của lý trí và của người dẫn đạo biết suy nghĩ, bởi nếu không thận trọng như thế, thì sai lầm là điều không thể tránh khỏi khi người ta tin theo một số người. Những kẻ tin cách vô lý như thế, là những kẻ, chẳng hạn, tin vào các tăng lữ của Cybèle, tin vào các thầy bói, vào những kẻ sùng tín thần Mithra và Sabazios, tin vào tất cả những gì họ gặp thấy, những lần hiện ra của Hécate, của thần này quỉ nọ. Vì, nếu như trong số bọn chúng thường có những tên bại hoại, lợi dụng sự ngu dốt của những kẻ cả tin, lừa phỉnh và xỏ mũi họ theo như chúng muốn, thì bọn Kitô hữu cũng thế. Một số người không suy nghĩ cũng chẳng nghe theo lý lẽ của ai, đã dùng những kiểu nói này. "Ðừng xem xét, nhưng hãy tin; đức tin sẽ cứu người" . Họ nói: khôn ngoan, trong thế gian này, là một sự dữ và điên rồ là một sự thiện.
Ðây là lệnh của chúng: Hãy lui xa, hỡi kẻ có văn hóa, những kẻ khôn ngoan, những ai biết phán đoán! Và bao nhiêu danh xưng như thế mà chúng cho là xấu xa. Nhưng nếu có kẻ nào ngu muội, ngớ, ngẩn, không có văn hóa, con nít, thì kẻ đó mạnh dạn đến đây! Khi cho rằng, chỉ những người như thế mới xứng với Thiên Chúa của chúng, chúng chứng tỏ rằng, chúng chỉ muốn và chỉ có thể thuyết phục bọn người ngu ngơ, tầm thường, xuẩn ngốc: bọn nô lệ, đàn bà, trẻ con. Có văn hóa, học hỏi những học thuyết cao đẹp, khôn ngoan và tỏ ra là người khôn ngoan, những điều đó có gì là xấu? Nó cản trở tri thức về Thiên Chúa? Nó lại không là một sự hỗ trợ, một phương thế hiệu nghiệm hơn để đạt tới chân lý hay sao?.
Chúng nói rằng Thiên Chúa đã được phái đến với người tội lỗi. Thế thì tại sao Ngài lại không được gửi đến với những người không sống trong tội lỗi. Sống không tội lỗi thì có gì xấu? Chúng nói: Chớ gì kẻ bất chính hãy tự hạ trong ý thức về sự khốn cùng của mình, Thiên Chúa sẽ đón nhận người đó; nhưng người công chính trong nhân đức nguyên sơ của mình ngước mắt nhìn lên Ngài thì Ngài lại không đón nhận (.). Cũng có thể đúng là nhân loại có khuynh hướng tự nhiên phạm tội, và nếu quả thực mọi người là tội nhân, thì hẳn Ngài phải kêu gọi mọi người, không trừ ai. Vậy tại sao lại có sự ưu ái đối với người tội lỗi?
(Theo Origène, Contre Celse: Sources Chrétiennes n. 132, p.97ss; n. 136, p.106ss)
7. Thánh Clément
Sau thánh Justin, Clêmentê cũng có thái độ cởi mở với triết học. Ngài cho rằng, triết học, cho dù không thể thay thế cho đức tin nhưng nó chuẩn bị cho tâm hồn con người đón nhận đức tin. Thánh nhân trình bày đức tin Kitô giáo như một triết lý chân chính. Tri thức và đức tin thống nhất với nhau, nhưng trong sự thống nhất ấy ưu thế nghiêng về đức tin, không có đức tin không có tri thức, nhưng đức tin mà không cần tri thức chẳng khác nào một nền móng mà không có nhà xây trên đó. Con đường của triết học là con đường đi từ chân lý tản mạn đến những chân lý thống nhất, loại bỏ những hoài nghi và ngộ nhận mà đức tin là đích đến của nó. Triết học chân chính là sự nhận thức các bản thể thần linh và con người, là khoa học nghiên cứu mối quan hệ giữa Thiên Chúa – con người – vũ trụ.
8. Tertullien
Khác với thánh Justin và Clément, Tertullien tỏ thái độ chống đối hoàn toàn với triết học. Ông coi các triết gia là ông tổ của những người lạc giáo. Đức tin không đón nhận được bằng lý trí. Ngài nói: một người tín hữu quê mùa dốt nát có thể trả lời những câu hỏi về Thiên Chúa cách rành mạch hơn một triết gia lỗi lạc xuất chúng.
Từ chỗ cực đoan về niềm tin, ông đã bỏ rơi hai chức năng của triết học là nghiên cứu và xây dựng. Trong nhận thức luận Tertullien theo đường lối duy cảm luận khắc kỷ, đề cao vai trò tự nhận thức, hay cảm tính bên trong. Trong vấn đề thần học ông khẳng định tính chất đáng tin cậy uy quyền của Giáo hội.
9.Dung hòa giữa đức tin và lý trí
Qua thế kỷ thứ V, Thánh Giáo phụ tiêu biểu là Augustin (354 – 430) với câu nói trứ danh: “hãy hiểu để tin, hãy tin để hiểu” (Intellige ut credas, crede ut intellgas). Trong công thức này, chúng ta thấy, giữa đức tin và lý trí có sự tác động biện chứng và gắn kết với nhau. Nhờ có lòng tin, con người nhận biết Thiên Chúa, nhờ có lý trí con người am tường được Đấng Anh Minh là nguyên nhân mọi sự. Vế thứ nhất “hãy hiểu để tin” có thể hiểu theo hai cách. Thứ nhất, đối với người chưa có lòng tin thì học biết về Thiên Chúa qua Kinh Thánh, tìm kiếm Người trong những quy luật của thực tại. Trong thực tế đã có nhiều người gặp được Chúa đang khi mải mê chinh phục thiên nhiên, khám phá vũ trụ. Trường hợp của tiến sĩ vật lý học Phan Như Ngọc là một ví dụ. Nhờ vào quan sát và nghiên cứu thực tại vũ trụ và tiếp cận với những tư tưởng vĩ đại như Newton, Victor Hugo, Einstein, ông đã thừa nhận rằng Thiên Chúa hằng hữu, dù trước đó ông là một đại biểu vô thần. Ngài tiến sĩ, người Mỹ, Francis S. Collins, Giám đốc dự án giải mã gen người, qua hơn một chục năm nghiên cứu nhằm tìm ra trình tự ADN đã viết tác phẩm nổi tiếng “Ngôn ngữ của Chúa”. Thứ hai, đối với người đã có lòng tin vào Thiên Chúa thì tìm hiểu thêm để kiểm chứng lòng tin của mình, nhận biết về Người cách sâu xa hơn và tin tưởng chắc chắn hơn.
Như vậy, lý trí và đức tin không tách biệt nhau và không làm cho con người mất khả năng nhận biết mình, nhận biết thế giới xung quanh, và quan trọng là nhận biết Đấng đã làm cho thế giới có trật tự là Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện và toàn mỹ.
Vế sau của lời bất hủ “hãy tin để hiểu” là lời vọng của mỗi người muốn tiến tới trong sự tìm kiếm chân lý. Mọi người đều khát vọng hiểu biết, nhưng đối tượng của khát vọng ấy chính là chân lý. Đức tin không phải là một ý niệm chết cứng hay chỉ nhận thức một lần cho tất cả, mà đòi hỏi lý trí luôn khám phá và kiếm tìm. Con người tìm kiếm chân lý, trong từng biến cố, không phải bằng cách khép mình lại trong một ốc đảo, mà bằng sự khoan dung, cởi mở, hòa hợp chính mình với những biến cố đó, để có thể đón nhận những giá trị trội vượt hơn mình, và từ đó, con người mới có lời đáp trả thỏa mãn và đầy tin tưởng. Triết học giúp con người nhất quán về tư duy và vững chắc về niềm tin chứ không phải chỉ là một thứ tri thức ngược chiều với niềm tin tôn giáo. Một lần nữa, sự hài hòa cơ bản của nhận thức triết lý với sự cảm thức của đức tin được củng cố. Đức tin đòi hỏi đối tượng của nó phải được lý trí hiểu biết, phân tích; còn lý trí khi nghiên cứu cho đến cùng, phải chấp nhận điều đức tin trình bày.
10. Những bài học từ thời kỳ các Giáo phụ
Đức tin cần đến sự liên minh với triết học. Với ý định tốt đẹp và cao thượng, các Giáo phụ chủ trương thống nhất mọi thứ tản mát (ám chỉ tính muôn màu muôn vẻ của triết học Hy lạp) về một chân lý duy nhất. Triết học Kitô giáo có kinh điển và Kinh Thánh của mình. Các Giáo phụ đã làm sống dạy truyền thống tư duy bằng ngôn ngữ triết học và phổ biến nó. Kinh Thánh là bộ sách quý giá nhất đối với các Giáo phụ cũng như với mọi tín hữu. Một bộ sách chứa đựng chân lý hoàn hảo về hồng phúc và sự thiện. Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa mạc khải cho con người, là chỗ dựa tinh thần của đời sống Kitô hữu, là nguồn sinh lực tiềm tàng của triết học và thần học. Nhưng để niềm tin Kitô giáo được vững chắc và được con người đón nhận, cần phải được luận giải, chứng minh bằng lý trí hầu làm cho niềm tin Kitô giáo minh bạch hơn.
Trong tinh thần ấy, Kitô giáo rất cần đến sự liên minh với triết học, lấy tư tưởng, ngôn ngữ triết học để lý giải, chú giải nội dung của Kinh Thánh. Tuy nhiên, trong tôn giáo không chỉ có liên minh với triết học mà ngược lại, đối với triết học cũng cần phải có sự tham gia tích cực của niềm tin tôn giáo; để từ đó vai trò của triết học được tỏ rõ trong lĩnh vực hoạt động của mình. Một truyền thống chỉ có lý trí mới cho phép con người nhận thức được chính mình, nhận thức được những vấn đề xung quanh mình như vũ trụ – con người.
Trên con đường tìm kiếm Thiên Chúa, con người cần phải có lý trí dẫn đường để đức tin không bị mù quáng, sai lạc. Mặt khác, tin tưởng cũng là một hình thức suy tư. Thánh Augustin nói rằng, một người không có khả năng suy tư thì không có khả năng tin tưởng.
Đức tin soi sáng cho lý trí. Các Giáo phụ thời kỳ phôi thai, cho dù đã thấy được những điểm tích cực của triết học và vận dụng nó trong việc xây dựng niềm tin nơi con người, nhưng chưa nhìn nhận đúng mức về vai trò và mối tương quan giữa lý trí và đức tin. Đến thánh Giáo phụ Augustin thì đức tin và lý trí mới thực sự được nhìn nhận một cách đúng đắn hơn và sự dung hòa giữa chúng mới minh bạch hơn. Đây là giai đoạn có ý nghĩa trong việc dung hợp giữa đức tin và lý trí cách sâu xa nhất. Ta thấy ước vọng hiểu biết là một đặc tính chung của mọi người. Trí tuệ có thể giúp cho chúng ta tin và tin vững chắc hơn, kín múc được tầng nước sâu của đặc sủng. Mặt khác, thế giới và những gì xảy ra trong đó, cũng như những bước thăng trầm của lịch sử đều là những thực tại được nhìn nhận, được phán đoán bằng phương tiện riêng của lý trí. Nhưng đức tin không đứng như khách bàng quang, dửng dưng, cũng không phải là khách trọ trước một biến cố mới xảy ra nơi thực tại. Đức tin tham gia vào đó không làm giảm nhẹ quyền tự quyết của lý trí hay để hạn chế lãnh vực của nó, mà đức tin làm cho lý trí, hiểu biết của con người thêm vững mạnh hơn, sâu sắc hơn và hữu hiệu hơn. Đức tin làm cho cái nhìn bên trong sắc bén và giúp cho lý trí khám phá ra sự hiện diện của Đấng Anh Minh an bài mọi sự trong từng biến cố cuộc đời.
Vậy, qua những điểm nói trên, chúng ta nhận thấy rằng một Kitô giáo thực sự đã bước vào lịch sử nhân loại. Có lẽ những bước đi ấy không mang tính vang dội và quyết liệt bởi một sức mạnh võ trang, nhưng chỉ là một hạt giống âm thầm gieo vào lòng đất, lớn lên và phát triển. Đó là một sự trưởng thành đầy ý nghĩa về phẩm chất nhân văn, nhân bản của lịch sử Kitô giáo. Quả thật, với niềm tin Kitô giáo không phải là mảnh đời tách biệt với suy tư lý trí của con người, mà nó luôn luôn gắn liền với tư duy nhân loại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét