LECTIO DIVINA[1]
Lời dẫn
“Lời Chúa là nguồn mạch đầu tiên của mọi linh đạo Kitô giáo. Lời Chúa nuôi dưỡng tương quan cá vị với Thiên Chúa hằng sống và với ý muốn cứu độ và thánh hoá của Ngài” (Vita Consecrata, 94). Quả quyết đơn giản và rõ ràng nầy diễn tả từ quyền Huấn giáo của Hội Thánh không để chút nghi ngờ nào về lectio divina, gia sản quý giá được truyền lại cho chúng ta từ các Giáo phụ thánh, trải qua bao thế kỷ, nhưng luôn luôn lấy lại sau Công đồng Vatican II.
Tuy nhiên, việc nầy được nói nhiều hơn là kinh nghiệm, và nhiều ý kiến khác nhau đưa ra liên quan đến cách lắng nghe Lời Chúa. Không hiếm khi, việc nghiên cứu chú giải và nói về Lời Chúa lại được thay thế cho việc đọc cầu nguyện (lettura orante), được làm rõ nét bởi việc “lắng nghe đạo đức” Thiên Chúa nói.
Lectio divina không là một nghiên cứu như các ngành khác, không có mục đích là làm cho biết nhiều hơn, nhưng là mở lòng cho tiếng của Thánh Thần hướng dẫn người tín hữu trên đường thánh thiện. Việc nầy dẫn chúng ta vào sự hiểu biết kinh nghiệm Tình yêu của Thiên Chúa; làm cho chúng ta sống Chúa Kitô; làm cho chúng ta thấy Chúa Cha với con mắt của Chúa Con trong ràng buộc của Đức Ái là Chúa Thánh Thần. Đây là một hành trình bảo đảm của sự thánh thiện.
Lắng nghe Lời Thiên Chúa đòi hỏi một dấn thân kiên trì được nuôi dưỡng bằng đức tin. Thánh Kinh là Lời duy nhất, đối với Thánh Kinh mợi sự khác chỉ có giá trị tương đối và được để trong thinh lặng. Chỉ lúc bấy giờ Sách thánh mới mở ra tất cả vẻ đẹp và tỏ bày bí mật của nó, đó là sự gặp gỡ với một Ngôi vị, Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã được tiên báo và phủ đầu mọi trang của Cựư uớc.
1. “Thiên Chúa nói…”: Thiên Chúa là lời sáng tạo
“Thiên Chúa nóì: “Hãy có ánh sáng!” Và có ánh sáng. Thiên Chúa nói… Thiên Chúa nói…” (St 1:3-26). Trình thuật về việc sáng tạo là một khúc ca có nhịp điệu là động từ “nói”. Thiên Chúa tạo dựng bằng lời. Chính Thiên Chúa là Lời. Ngài diễn tả chính mình bằng việc thúc giục nên sự sống, bằng việc gọi vào hiện hữu những điều không hiện hữu, và mỗi tạo vật khởi nguồn từ ý muốn của Ngài, từ tấm lòng của Ngài, và như tiếng dội từ Lời Chúa.
Bởi đó vũ trụ - từ các tinh tú vô biên vận chuyển trong không gian đến một hạt cát dưới thấp, từ con người thông minh đến vi khuẩn – là như một cuốn sách lớn minh họa điều Thiên Chúa nói, để cho chúng chiếu sáng khuôn mặt mầu nhiệm của trật tự, trong lòng tốt, trong vẻ đẹp.
Chính các thụ tạo là lời, lóng lánh sự sống phát ra từ tình yêu nguyên thủy. Đối với những ai biết lắng nghe, các thụ tạo là một sứ điệp tuyệt với và hấp dẫn, một bài thơ được ghi sẵn trong nội tại của hữu thể riêng. Việc giáo dục lắng nghe chiêm niệm bắt đầu - hoặc thông thường phải bắt đầu – ngay từ thời ấu thơ. Đứa bé, bên cạnh người lớn, khám phá dần dần với kinh ngạc lớn dần về niềm vui trong đó nó được sinh ra và lớn lên. Nó đi vào trong tương quan với mọi thụ tạo một cách trực tiếp và nhưng không, và từ người lớn nó nhận được ấn tượng lâu bền góp phần định phẩm chất nhân cách của nó.
Đúng là vì mọi tạo vật, một cách nào đó, là hạt giống của Lời, hạt giống trong Ngôi Lời nhập thể, ngang qua tương quan chúng ta tái tạo với Lời, chúng ta được nắn đúc liên tục theo hình ảnh Ngài.
Lời mà Thiên Chúa đã loan báo ở khởi đầu thời gian đã làm cho vũ trụ hiện hữu: Lời mà Ngài nói trong “thời gian viên mãn” ban sự khởi đầu mới cho thụ tạo, cứu chuộc khỏi tội lỗi và khỏi những hậu quả của chúng. Để đọc và hiểu cuốn sách mới nầy mà Thiên Chúa đang viết, những ý nghĩa tự nhiên không đủ: cần ý nghĩa thiêng liêng phù hpợ với nhận thức về những điều vô hình, với trực giác về kế hoạch mầu nhiệm của Thiên Chúa đang hoạt động, nhưng ẩn dấu trong sự thường nhật đến nỗi trong cái vẻ vô ý nghĩa của các sự kiện và thực tại hằng ngày.
Đúng vì Thiên Chúa là Lời tạo dựng, thành thử năng động không cùng, mọi sự là luôn luôn “mới”, mọi sự luôn luôn đề chưa nghe đến một cách kinh ngạc, ngay cả chẳng có gì thay đổi nhìn từ bên ngoài.
Trong sách Isaia có viết: “10 Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về rời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, 11 thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55:10-11).
Cũng thế trong thư gởi tín hữu Do thái, chúng ta đọc thấy: “Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Ðấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Ðấng Cao Cả trên trời” (Dt 1:3). Sự chắc chắn về đức tin nầy là lý do vui mừng không cạn kiệt và nguồn an toàn.
II. Thiên Chúa nói với chúng ta: Ngài thông tri cho chúng ta một cách cá nhân
Thiên Chúa là lời sáng tạo và cũng là Lời thông tri cho chúng ta các cá nhân. Đối với con người, việc Thiên Chúa nói với họ có tính cách quyết định, bởi vì trong tương quan với Thiên Chúa, con người có kinh nghiệm về việc tham dự như thế để đạt tới đỉnh cao thân mật với chính Thiên Chúa, và có thể cảm nghiệm một cách duy nhất với ngôn ngữ không diễn tả được: sự thinh lặng, là một sự thông giao không nói thành lời, nhưng dồi dào, tinh khiết, mạnh mẽ và trực tiếp một cách tuyệt đối. Hơn nữa, đó là môi trường mà từ đó sự thâm sâu tinh khiết phun ra lời đích thật, mang tất cả những điều mà một ngôi vị là và muốn trao ban cho người khác, cho Thiên Chúa. Thành thử chúng ta ở trong môi trường tình yêu, thần bí nầy. Nói với nhau tương đương với việc trao ban cho nhau, thông tri cho nhau tư tưởng và tình cảm. Thật ý nghĩa với thói quen phổ thông là để chỉ tương quan của những người yêu nhau, người ta nói: “Họ nói chuyện với nhau”. Điều nầy cũng có giá trị đối với cuộc nói chuyện yêu thương giữa gia đình và bạn bè.
Nếu điều nầy diễn ra một cách đáng kinh ngạc trong tương quan đơn thuần nhân loại, giữa con người với con người, thì nó càng kinh ngạc biết bao khi đó là tương quan giữa Thiên Chúa và con người! Khởi đầu cuộc đối thoại với một người về phiá chính Thiên Chúa là Ngài mạc khải làm thế nào Tình Yêu và chính Ngài tự trao ban không giới hạn. Vì lẽ nầy, việc nhận biết Thiên Chúa không chỉ đạt tới bằng trí khôn – qua con đường lý luận và suy tư – nhưng là với con tim, ngang qua trực giác tình yêu mà con người nhận lãnh từ Thiên Chúa. Để đón nhận Lời Chúa cần mở tai tâm hồn.
Thật kinh ngạc bởi sự kiện là làm thế nào người ta có thể say mê Lời Chúa? Thánh vịnh ca tụng điều nầy với cung giọng nóng bỏng phẩm giá trổi vượt: Lời Chúa là chân thật, trung tín, bền vững, không thay đổi, kỳ diệu; là khiên thuẫn chở che, nuôn sống, dịu hiền, nguồn sống, nguồn ánh sáng, ủi an, bình an, hạnh phúc miên trường (x. Tv 119).
Toàn bộ Kinh Thánh công bố hạnh phúc cho ai nghe Lời Chúa. Phúc cho người được Thiên Chúa nói cho lời của Ngài! Người có phúc, là người nghe lời chúa và giữ trong tâm hồn để cho lời ấy đâm chhồi và sinh hoa trái đời đời. Tất cả chúng ta cũng có thể cảm nghiệm lời mời gọi đến hạnh phúc nầy đã ban cho cha ông chúng ta từ thời xa xưa, nhưng hôm nay vẫn còn mới và chưa biết đối với chúng ta: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ” (Dt 1:1).
Xảy ra là trong lịch sử diễn ra dần dần cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa đã bắt đầu tỏ mình ra cho những người có lòng thành biết trong nội tâm – các tổ phụ - và đã làm cho họ đi trong sự hiện diện của Ngài; Ngài đã hướng dẫn họ trên đường chưa biết tới, kêu mời họ tín thác vào lời của Ngài, vào lời hứa sẽ thực hiện cho con cháu của họ một chương trình cứu độ nhiệm mầu. Ngài đã chọn một dân tộc, Israel, và ngài đã thiết lập họ thành “dân lắng nghe”: “4 Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Ðức Chúa duy nhất. 5 Hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em). 6 Những lời này tôi truyền cho anh (em) hôm nay, anh (em) phải ghi tạc vào lòng. 7 Anh (em) phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy, 8 phải buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu, 9 phải viết lên khung cửa nhà anh (em), và lên cửa thành của anh (em)” (Đnl 6:4-9). Đây là căn tính thật của Israel, là sự cao trọng của họ, và cũng là sự khôn ngoan không sánh bằng của họ.
Rồi các ngôn sứ là các thừa tác vụ, tôi tớ của Lời. Để đón nhận Lời và chuyển trao lời một cách toàn vẹn, họ phải trước tiên làm cho lời trở nên bản thể (sostanza) của họ, được thanh tẩy bởi Lời và mới bắt đầu sứ vụ (x. Is 6:5-10; Giêr 1:9; Êzk 3:1-3). Giêrêmia nói: “Gặp được lời Chúa, con đã nuốt vào, lời Ngài làm cho con hoan hỷ, làm vui thoả lòng con, vì con được mang danh Ngài, lạy Ðức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh” (Giêr 15:16).
III. Sách Lời Thiên Chúa
Kinh Thánh chứa đựng Lời mà Thiên Chúa ngỏ với con người, trao ban Lời cho một dân tộc được tuyển chọn từ khởi đầu lịch sử cứu độ cho đến Chúa Giêsu và việc rao giảng của các tông đồ. Phân biệt Cựu ước với Tân ước. Đây là một tài liệu vô giá, vì cuốn sách nầy không chứa đựng một học thuyết, nhưng là một tiềm năng sự sống: sự sống của Thiên Chúa ban cho con người.
Thật đúng khi các Giáo phụ đã xem Kinh Thánh như một chốc nhập thể của Ngôi Lời. Trước khi trở nên xác phàm, Ngôi Lời đã làm mình được viết nên, bí tích của sự thông hiệp, bánh, nuôi dưỡng sự sống siêu nhiên. Trong Cựu ước đã có, một cách ẩn tàng, Ngôi Lời sẽ mang lấy thân xác con người trong cung lòng Trinh nữ Maria, Người Nữ nói vâng với Thiên Chúa. Trong Tân ước, các tin mừng và thư của các tông đồ, các lời của Giao ước cũ được thực hiện, lời hứa và lời các tiên tri đã được làm cho các tổ phụ.
Thánh Kinh, trong toàn bộ của nó, có thể được xem như một bức thư dài trong đó Thiên Chúa nói ra tình yêu say đám của Ngài đối với nhân loại và ban lời ấy bảo đảm sự trung thành mãi mãi của Ngài. Trong đó Ngài đã để lại chính mình, tình cảm thâm sâu, con tim của mình. Thành thử Ngài chờ đợi bức thư của Ngài được đón nhận và đọc với tâm tình của ngợi khen và vui mừng, gắn bó trong tâm hồn vì lời nầy sẽ thúc giục một đáp trả đức tin và tình yêu.
Vỡ kịch của lịch sử cứu độ hệ tại ở chỗ không nhận biết và từ chối chống đối Lời Chúa, đặc biệt khi Lời Chúa, do dấu hiệu bí tích sự hiện diện của Thiên Chúa trong Thánh Kinh, làm nên bí tích sự hiện diện đích thật trong nhân tính của Chúa Giêsu Kitô.
IV. Chúa Giêsu Kitô: Lời nhập thể
Như dân xưa của Thiên Chúa luôn trở nên rõ nét trong linh đạo của Lời Chúa, thành thử của việc lắng nghe, bởi đó – và lý do chính - Hội Thánh, được nhận biết là sinh ra bởi Lời chân thật của tin mừng đi kèm theo quyền năng của Thánh Thần, sống và tăng trưởng nhờ nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và được ban sự viên mãn rồi qua sự nhập thể của Ngôi Lời. “Điều mà Thiên Chúa đã nói trước, một phần, với các tiên tri – thánh Gioan Thánh Giá quả quyết – đã được nói cách toàn vẹn trong Ngài, khi ban cho chúng ta Tất Cả, là Con của Ngài, con đáng quí hơn việc lắng nghe và đi theo” (Gioan Thánh Giá, Lên đỉnh Carmelô 1, II, c. XXII).
Sự hiện diện của Ngôi Lời làm người thực hiện một phán xét quyết định trên con người dựa trên việc đón nhận hay từ chối Ngài, Đấng tự mạc khải không úp mở: “Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan tòa xét xử người ấy: chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. (49) Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Ðấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. (50) Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi" (Ga 12:48-50).
Lắng nghe Chúa Giêsu có nghĩa là đón nhận với tình yêu và thực hành lời của Ngài, kết hiệp chính mình với Ngài và ở trong Ngài, Đấng nên một với Chúa Cha và Thánh Thần: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14:23).
Người tín hữu lắng nghe là gắn bó bằng tình yêu với Đấng đang nói và trở thành nơi cư ngụ cho họ. “Ước chi lời Ðức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Ðể tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. (17) Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Col 3:16-17).
Cách lắng nghe và đón nhận nầy là dấu của người Kitô hữu. Sau khi Ngôi Lời nhập thể, việc lắng nghe (hay đọc) Lời Chúa trở nên sự hiệp thông theo nghĩa đầy đủ, là thánh thể. Thật thế, đây là hoa trái của việc đón nhận Ngôi Lời nhập thể và ở lại trong Ngài: sự tăng triển trong hiểu biết thiêng liêng và trong đức ái, việc thể hiện ân sủng nơi Cha và niềm vui được trở nên một với Cha, Con trong Thánh Thần tình yêu.
Thành thử, không chỉ thấy nơi đây một cuốn sách, nhưng đang đứng trước một Ngôi vị của Chúa Giêsu; được kêu gọi vào mầu nhiệm sự Hiện Diện của Ngài và để mình cho Thánh Thần dạy dỗ.
V. Sẵn sàng thế nào để lắng nghe
Lắng nghe một người có nghĩa là đón nhận người ấy, lắng nghe Thiên Chúa là tin vào Ngài và gắn bó vô điều kiện vào Lời của Ngài.
Đó là thái độ đầu tiên và căn bản cần có khi đặt mình trước Lời Chúa, không thành kiến và ngờ vực, không thủ thế và che mình để tự bảo vệ. Người đó phải là người sẵn sàng lắng nghe tất cả, cả khi không có cảm giác nầy ngay lập tức và tâm trí chúng ta có thể bị cám dỗ lý luận hay sửa đổi lại Lời Chúa. Như các ngôn sứ của Giao ước cũ, và cũng thế cả chúng ta được Chúa ra lệnh “ăn cuộn sách” lời Chúa và đồng hoá với nó (x. Êzk 3:1-3). Cũng vì Thánh Kinh là một hình thức nhập thể của Ngôi Lời, là một bí tích của sự Hiện Diện của Thiên Chúa, nên trong khi lắng nghe Lời chúng ta đón nhận lời trong thâm tâm và làm cho mình thông hiệp với Lời: “Chúng tôi uống máu Chúa Kitô không chỉ khi chúng tôi lãnh nhận máu theo nghi thức của các mầu nhiệm thánh, mà cả khi chúng tôi lãnh nhận lời Ngài nơi đó có sự sống, như chính Ngài nói về điều nầy: “Lời Ta nói ra là thần khí và sự sống” (Origene, Omelie sui Numeri, 14,1; cf. Ga 6,63).
Như để lãnh nhận thánh thể của Chúa Giêsu đòi hỏi một lương tâm trong sạch, một tâm hồn khiêm tốn, tự do và ý thức, cũng thể để đọc và nghe Lời Chúa những điều kiện cần thiết là khiêm tốn, tâm hồn trong sạch, tinh thần đức tin, kính trọng và kính sợ. “Không bao giờ đến gần lời của các mầu nhiệm nằm trong Thánh Kinh mà không cầu nguyện và xin Thiên Chúa giúp đỡ. Nhưng hãy nói: “Lạy Chúa, xin ban cho con cảm thấy quyền năng ở trong Lời của Chúa” (Isaaco di Ninive, Discorsi ascetici, p. 73).
Đến gần với Sách Thánh một cách trần tục, với sự nhẹ dạ và hời hợt, nghĩa là tự loại mình ra khỏi mọi am hiểu, nghĩa là sự gặp gỡ đích thật và sâu xa với Chúa. Điều nầy giống như đi đến gặp một người theo cuộc hẹn mà trong đầu đầy những tư tưởng khác, và con tim hướng về người khác và nơi khác, không chút chú tâm vào người đang ở trước mặt. Tâm hồn trái lại thì luôn luôn chờ đợi lắng nghe tiếng của Người Yêu làm chúng ta điếc với tất cả những tiếng khác và biết phân biệt tiếng Người Yêu giữa muôn ngàn tiếng khác. Chỉ như thế mới có thể làm cho mình rung lên vì cảm động và nhảy lên vì vui mừng.
Muốn được thế cần sự sẵn sàng nội tâm của Đức Trinh Nữ thành Nazaréth khi thiên thần đến truyền tin, nói cho Mẹ biết Lời sẽ nên xác phàm trong Mẹ. Với trực giác thiêng liêng tinh tế và sâu xa tranh thánh (iconographia) kitô giáo hầu như khi nào cũng trình bày trong nội thất căn nhà của Mẹ, Mẹ đang cầu nguyện, với cuốn Kinh thánh trên tay. Mẹ ở đó và luôn luôn ở đó làm mẫu gương lắng nghe, làm thầy dạy của lectio divina cho Hội Thánh và cho mỗi tâm hồn kitô hữu.
Tin mừng Luca cho chúng ta một mẫu gương khác về thái độ lắng nghe nơi Maria thành Bêtania: “Trong khi Thầy trò đi đường, Ðức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy” (Lc10:38-39).
Marta mở cửa nhà cho Chúa Giêsu; Maria mở tâm hồn cho Chúa Giêsu. Marta chuẩn bị thức ăn vật chất cho Thầy; Maria no thoả cách diễm phúc về Ngài. Đó là thái độ mà thánh Biển Đức nói cho môn đệ của ngài khi vào trong “trường phục vụ của Thiên Chúa”: “Hãy lắng nghe, hỡi con, những giáo huấn của thầy con, hãy ngoan ngoãn mở tâm hồn, hãy sẵn sàng đón nhận những lời khuyên bảo của cha tốt lành của con và hãy cố gắng thực hành những lời ấy” (San Benedetto, Regola monasteriorum, Prologo, 1). Đây là lắng nghe vừa chủ động vừa thụ động, hiểu theo nghĩa đức tin, để tai tâm hồn lắng nghe với tất cả tình yêu kính trọng nghe người đang nói, và với quyết tâm sẵn sàng, nghĩa là trở nên nơi cho lời của nên hành vi sống động.
Khi Lời Chúa tìm thấy một tâm hồn sẵn sàng như thế, công việc kỳ diệu liên tục tạo nên những điều mới mà đã thuộc về Nước Trời rồi.
Đối với ai thật sự biết lắng nghe thì luôn luôn ở trong hiện tại trong đó Lời Chúa được hoàn thành “Nầy tôi là tôi tá Chúa, xin hãy thành sự nơi tôi theo lời ngài” (Lc1:38).
VI. Đọc Thánh Kinh như thế nào: “ý nghĩa” nầy và “nhiều nghĩa” khác nhau.
Với người thời nay ngôn ngữ Thánh Kinh - được dịch ra trong các ngôn ngữ để sử dụng - không thể hiểu ngay. Thật thế việc biên soạn các sách thánh chịu ảnh hưởng của một bối cảnh lịch sử và một văn hoá rất xa xưa. Thành thử cần một sáng kiến thích ứng, một kiến thức cơ bản về các khái niệm lịch sử, văn chương và chú giải mà chúng ta tìm thấy trong các sách trợ giúp học tập. Tuy nhiên việc nghiên cứu là để phục vụ lectio divina, không thay thế nó được; nếu không như biết tất cả các phẩm chất của một thức ăn, nhưng không ăn, không cảm nghiệm được hương vị và hiệu quả dinh dưỡng của nó.
Các Giáo phụ đã soạn thảo một học thuyết về “ý nghĩa thần linh” của Sách Thánh và nhiều nghĩa ngang qua đó chúng ta có thể đạt đến nội dung căn bản của Sách Thánh. Chẳng hạn Ôrigênê so sánh Sách Thánh với quả hạnh (mandorla): cái vỏ là nghĩa văn chương, cơm là nghĩa luân lý và hạt nhân là bản thể hoặc nghĩa thiêng liêng.
Liên tiếp với các giáo phụ khác, đặc biệt với Giovanni Cassiano và với thánh Grêgôriô Cả, thánh Kinh có 4 nghĩa theo đó việc đọc có thể bắt lấy sự phong phú vô biên chứa đựng trong đó:
- Ý nghĩa lịch sử hay văn chương
- Ý nghĩa ẩn dụ
- Ý nghĩa luân lý
- Ý nghĩa loại suy hay thần bí
Như thế cố một cách đọc chiêm niệm Thánh Kinh, và vì vậy một “thần học thiêng liêng” nuôi dưỡng qua nhiều thế kỷ sự sống không chỉ của các đan sĩ và giáo sĩ, nhưng trong nhiều mức độ khác nhau, mọi Kitô hữu. Đó là tất cả những gì mà Hội Thánh ngày nay lấy lại ở mọi trình độ để ban lại Lời Chúa cho dân Thiên Chúa và dân cho Lời Chúa.
Cùng với các Giáo phụ, Olivier Clément viết về điều nầy: “Chắc chắn phải “gõ cửa và tìm kiếm” để hiểu Thánh Kinh, giải mã bối cảnh lịch sử Lời Chúa được đưa vào trong đó, diễn dịch từ một não trạng cổ xưa trong não trạng của chúng ta. Đó là tất cả những gì mà khoa chú giải và các nhà chú giải đang làm; nhưng khoa học không thể làm nên ý nghĩa. Nếu bạn muốn làm nên ý nghĩa, bạn hãy đưa vào một “triết lý buôn lậu” nào đó. Ý nghĩa không mạc khải nếu không ở trong cầu nguyện, và dĩ nhiên, cầu nguyện đi kèm theo nước mắt” (Alle fonte con i Padri, Roma 20013, p. 98), thành thử trong thái độ khiêm tốn.
Không bao giờ đến gần Lời Chúa với thái độ hời hợt, vì Lời chúa như một đại dương. “Khi bạn làm quen Thánh Kinh – Isaac il Siro khuyên – hãy xem xét mỗi Lời Chúa nhắm mục đích gì, để đo lường và hiểu rất sáng suốt chiều sâu và thánh thiêng của ý nghĩa nằm trong đó. Khi một người đọc các câu với tinh thần đào sâu, thì tâm hồn sẽ nên nhạy bén và thoả mãn. Quyền năng của Thiên Chúa ban cho tâm hồn, khi được hiểu cách kỳ diệu như thế, một hương vị dịu dàng lớn lao” (Discorsi ascetici, I).
Do điều nầy Sách Thánh trở nên hiểu rõ không chỉ nhờ nghiên cứu và áp dụng trí thức, mà còn do trực giác thiêng liêng. Thông thường Sách Thánh ban sự khôn ngoan cho những người đơn sơ hơn những người thông thái, vì nơi những người đơn sơ, Sách Thánh tìm thấy sự sẵn sàng để mình được đụng chạm đến, kéo theo, khiêm tốn cúi đầu xuống trong thinh lặng thờ lạy. Viết cho một người bạn, Ôrigênê viết: “Thành thử bạn hãy dặt tất cả nhiệt huyết của bạn vào việc đọc Sách Thánh, với đức tin và với ý muốn tốt để được Thiên Chúa chấp nhận. Bạn chỉ gõ cửa và tìm kiếm không đủ đâu, nhưng điều trước tiên để có được sự thông hiểu những điều thuộc về Thiên Chúa là cầu nguyện” (Lettera a Gregorio il Taumaturgo, 3.52).
VII. Lectio Divina trong cộng đoàn phụng vụ và trong cộng đoàn
Lectio Divina cá nhân, làm trong khi suy niệm và trong cô tịch, để được chính hiệu – như đã nói trên - phải thấm nhập vào trong đó ý nghĩa sâu xa thuộc về Hội Thánh. Thật thế, Thánh Thần nói trong lòng Hội Thánh, do đó chỉ khi ở lại trong tim của Hội Thánh các tín hữu riêng lẽ mới có thể nghe tiếng của Thánh Thần. Có những giây phút quan trọng trong đó cộng đoàn kitô hữu được quy tụ lại cách hữu hình bởi Lời Chúa để cùng nhau lắng nghe và để mình được nắn đúc trong đời sống đức tin và hiệp thông.
Trước tiên là trong cộng đoàn phụng vụ. Ở đó, một cách và ở cấp độ trổi vượt, Lời Chúa - liên kết với nghi thức - diễn ra biến có cứu độ với một sức mạnh tác sinh và biến đổi không lường.
Tuy nhiên Lời Chúa không hoạt động một cách máy móc, nhưng tùy theo sự đón nhận đức tin của tất cả và của mỗi người. Trong cử hành thánh thể linh mục nói và hành động trong tư cách của Chúa Kitô (in persona Christi); mỗi lời và mỗi cử chỉ đều mang tiềm năng cứu độ; nhưng nếu cộng đoàn - được hiểu như một ngôi vị mầu nhiệm, tập thể - lo ra, đứng xa, thì giống như điều Chúa Giêsu đã cảnh báo với các thế hệ người do thái thời Ngài: “Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, (17) và nói: "Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than”(Mt 11:16-17).
Giờ Kinh Phụng Vụ không kém quan trọng, trong đó Lời Chúa được cử hành, ca hát, cầu nguyện đi cùng với một bầu khí tham dự sốt sắng vào các tư tưởng và tình cảm được diễn tả trong các thánh vịnh và các bản văn thánh. Vả lại, lectio divina tất nhiên phải múc nguồn từ việc cử hành phụng vụ, từ việc lắng nghe được khởi xướng từ bầu khí bí tích. Tất cả tuỳ thuộc vào chúng ta nhiện biết thế nào và chúng ta hát thế nào các thánh vịnh. Lectio divina cá nhân chuẩn bị cho phụng vụ và phụng vụ nuôi dưỡng và kéo dài lectio divina. Hơn nữa, cần phải ghi nhận là không chỉ Thánh Kinh, mà cả các bản văn phụng vụ (kinh nguyện thánh thể, lời nguyện…) đều có thể cung cấp chất liệu cho lectio divina. Nên cần ý thức là trong chúng ta, với chúng ta và cho chúng ta – như thân thể mầu nhiệm của Ngài – Chúa Giêsu Kitô cầu nguyện.
Nếu phụng vụ ngày chúa nhật được các tín hữu tham dự một cách sâu xa, phụng vụ nầy có thể cung cấp cho họ chất liệu của lectio divina cho suốt cả tuần. Trong phụng vụ nầy có đầy đủ tất cả các yếu tố làm nên lectio divina:
- Lectio: công bố và lắng nghe Lời Chúa: các bài đọc Cựu ước và Tân ước.
- Suy niệm: bài giảng; thinh lặng thánh.
- Khẩn nguyện: đáp ca; lời nguyện tín hữu; lời nguyện; kinh nguyện thánh thể.
- Chiêm niệm: thinh lặng; tung hô; thờ lạy mầu nhiệm thánh thể; rước lễ; tạ ơn.
Trong khi bởi Lời và việc cầu khẩn Thánh Thần bánh và rượu được biến đổi thành Mình và Máu của Chúa, các tín hữu, được tháp nhập vào trong Thánh Thể trở nên koinonia - hiệp thông – và như thế họ sẵn sàng cuộc đời làm chứng nhân và làm sứ mạng.
“Với đời tôi – thánh Nilô nói – tôi giải thích toàn bộ Sách Thánh”. Với đời sống riêng của mỗi người Kitô hữu họ phải đặt dưới mắt họ tất cả các trang Kinh Thánh của lịch sử cứu độ: những trang chiếu toả ánh sáng và sức nóng trong bóng tối băng giá của thế gian trong đó Ngôi Lời của Sự Sống chưa đưọc nghe đến hoặc không được nghe đến nữa.
Đọc phúc âm theo thánh Luca: “Ðược quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Ðức Giêsu trở về miền Galilê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. (15) Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và được mọi người tôn vinh. (16) Rồi Ðức Giêsu đến Nadarét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh. (17) Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: (18) Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, (19) công bố một năm hồng ân của Chúa. (20) Ðức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. (21) Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe". (22) Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. Họ bảo nhau: "Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?”(Lc 4:14-22).
Trong đoạn kỳ diệu nầy của tin mừng Luca – không thể đọc mà không cảm thấy rùng mình vì xúc động – chúng ta tìm thấy ý nghĩa và bí mật của lectio divina đích thật và phong phú.
Luôn luôn trong giây phút hôm nay của thời gian thuận lợi, ngay cả của ân sủng, mà chúng ta được dẫn vào trong mầu nhiệm cứu chuộc, Lời nầy – Chúa Giêsu Kitô – mà chúng ta đã lắng nghe, làm nên biến cố giữa chúng ta và trong chúng ta.
Để tóm kết, chúng ta có thể nói là Thiên Chúa, Cha vĩnh cửu, với Lời của Ngài đã tạo dựng nên chúng ta, với Lời của Ngài đã cứu chuộc chúng ta, với Lời của Ngài nâng đỡ chúng ta: Lời Ngài là ánh sáng cho con mắt chúng ta, bánh cho cơn đói của chúng ta, nước cho cơn khát của chúng ta. Không có Lời Chúa đời chúng ta nên kém tệ hại, vì Lời Chúa làm cho chúng ta sống trong Chúa Kitô và làm cho chúng ta cảm nếm, hoa trái dầu mùa của niềm vui vĩnh cửu, sự ngọt ngào của Tình yêu ngọn nguồn của Thiên Chúa.
Lm. Đặng Quang Tiến chuyển dịch
[1] A.M.Cànopi, “Lectio Divina”, Enciclopedia della Preghiera, Ed. C.Rossini e P.Sciadini, (Città del Vaticano, 2007), p.365- 377
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét