nut

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

LECTIO DIVINA - PHILIP TRẦN TỔNG HỢP

LECTIO DIVINA



I. Lectio Divina Là Gì?

Từ Latinh “lectio divina” có thể được dịch là “đọc điều thuộc về Thiên Chúa”. Lectio divina là một phương pháp cầu nguyện bằng Thánh Kinh. Khi một người đọc và để cho Lời Chúa trở nên một lăng kính biến đổi, soi dẫn đến những biến cố của đời sống hằng ngày, người ấy có thể sống cách sâu xa hơn và dễ dàng tìm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa hơn trong cuộc đợi họ.

Lectio divina là một hình thức suy niệm bắt nguồn từ việc cử hành Phụng Vụ được khởi đầu từ những cộng đồng tu viện sơ khai. Đó là phương pháp thực hành của các cha và các thầy dòng khi các ngài chuẩn bị cho Thánh Lễ và khi cầu nguyện Phụng Vụ Giờ Kinh. Việc sử dụng phương pháp này được tiếp tục trong các dòng tu vào thời Trung Cổ như các dòng Bênêđictô và Carmêlô, là những dòng không những thực hành lectio divina hằng ngày mà còn truyền kho tàng này lại cho các thế hệ tương lai. Viêc thực hành lectio divina ngày nay lại tái xuất hiện như một cách tuyệt vời để suy niệm Lời Chúa.

Như thế, Lectio Divina là " một hình thức cầu nguyện d  ưới tác động của ánh sáng Lời Chúa", tức là cầu nguyện dưới tác động của bản văn Lời Chúa. Trong việc cử hành này, ta sẽ chọn một câu hay một đoạn kinh thánh và suy niệm, cầu nguyện rồi đưa ra một quyết định cho ngày sống của mình.

Đây là một hình thức cầu nguyện của người Do Thái đã có từ xưa, đó là một truyền thống cầu nguyện của Hội Thánh, nhưng do những biến đổi về thời cuộc mà hiện nay nó chỉ còn tồn tại trong các Đan viện và các dòng.

II. Nghệ Thuật Thực Hành Lectio Divina, Luôn Luôn Cũ mà Luôn Luôn Mới

Câu nói của Thánh Augustinô thành Hippô “luôn luôn cũ mà luôn luôn mới” diễn tả việc người ta lại chú tâm đến phương pháp cầu nguyện bằng Thánh Kinh đang tái xuất hiện trong Hội Thánh ngày nay. Khắp nước, các nhóm học hỏi Thánh Kinh ở các Giáo Xứ, các cộng đồng Kitô hữu nhỏ, và những nhóm chia sẻ Đức Tin khác đã tái khám phá ra một phương thức đơn giản nhưng sâu sắc để cùng nhau nghe và cảm nghiệm Lời Chúa qua hình thức cầu nguyện cổ xưa, là lectio divina.

“Việc đọc Lời Chúa mỗi Giờ . . . và việc đọc sách các giáo phụ và các bậc thầy linh đạo trong một số Giờ cho thấy rõ hơn ý nghĩa của mầu nhiệm đang cử hành, giúp thấu hiểu các Thánh Vịnh và dọn đường cho tĩnh nguyện. Như thế lectio divina, nghĩa là vừa đọc vừa suy niệm Lời Chúa để cầu nguyện, bắt nguồn từ việc cử hành Phụng Vụ.” (GLCG 1177)

“Việc suy niệm cần phải vận dụng tư tưởng, trí tưởng tượng, xúc cảm và ước muốn. Việc vận động các khả năng là điều cần thiết để đào sâu xác tín về Đức Tin của chúng ta, khơi dậy lòng hoán cải và củng cố quyết tâm theo Đức Kitô. Các Kitô hữu cố gắng trên hết mọi sự là suy gẫm về các mầu nhiệm của Ðức Kitô như trong lectio divina hay kinh Mân Côi. Hình thức "miệng đọc lòng suy" này có giá trị rất lớn, nhưng kinh nguyện Kitô giáo còn phải vươn xa hơn nữa: vươn tới việc nhận biết tình yêu Chúa Giêsu và kết hiệp với Người.” (GLCG 2708).

III. Thực Hành Lectio Divina

Như đã nói ở trên, “Lectio divina” nghĩa là “đọc sách thánh trong tinh thần cầu nguyện”. Đây là một danh xưng dùng cho việc vừa đọc vừa suy gẫm Thánh kinh. Phương pháp cầu nguyện bao gồm bốn gian đoạn hay bốn yếu tố chính sau đây:

(1)  Lectio, nghĩa là “đọc” được hiểu như là cẩn thận đọc đi đọc lại một đoạn Thánh kinh ngắn; (2) Meditatio là “suy gẫm”, một cố gắng đào sâu ý nghĩa bản văn và làm cho đích thân thích hợp với mình trong Đức Kitô; (3) Oratio, nghĩa là “cầu nguyện”, xem như là một lời đáp trả cá nhân với bản văn, xin ơn của bản văn ấy, hoặc qua nó mà hướng về kết hợp với Thiên Chúa; (4) Contemplatio, nghĩa  là “chiêm niệm”, triền miên nhìn ngắm điều gì đó.Ý nghĩ đàng sau yếu tố cuối cùng này là nhờ ơn Chúa, ta được trầm mình vào sự hiện diện của Ngài.

Các thánh (nhất là thánh Guigo II ) có đời sống chiêm niệm mô tả phương pháp cầu nguyện này như là bốn nấc thang dẫn đưa chúng ta lên với Thiên Chúa.

1.  Lectio, Đọc

Đọc, theo truyền thống đan tu đòi hỏi đặt lời Chúa trên môi. Đó là một cách tập trung. Người ta thường đọc thong thả một đoạn Thánh kinh, và khi một tư tưởng, một hàng, hoặc một chữ nổi bật và thu hút sự chú ý của người đọc, họ thường dừng lại đó và lưu lại trên bản văn ấy, cẩn thận lập đi lập lại nó mãi. Hễ bị chia trí, họ cứ trở về với việc lập đi lập lại ấy. Họ ở lại với cùng bản văn ấy cho đến khi nó cạn hẳn, và rồi họ đọc tiếp cho đến khi tìm được một bản văn hấp dẫn khác. Theo cách cổ điển, đan sĩ thường đọc đi đọc lại lớn tiếng, loan báo Lời Chúa cho giác quan của mình, cầu nguyện với tất cả thân xác. Yếu tố thứ nhất này rất đơn giản, không gì khác hơn là tập trung bằng lời nói trên một tư tưởng Thánh kinh, như đặt thức ăn vào miệng vậy. Bằng cách này, các đan sỹ giao cho ký ức Lời Chúa từng mảnh một.

2.  Meditatio, Suy Gẫm


Một khi Lời Chúa ở trên môi và trong miệng rồi, ta bắt đầu cắn và nhai nó; ta bắt đầu suy gẫm trên đó. Suy gẫm nghĩa là suy đi nghĩ lại, nhai Lời Chúa, ung dung lưu lại trên một mẫu để rút tỉa ý nghĩa của bản văn. Mỗi lời Thánh kinh được xem như có dụng ý cho mình. Mỗi bản văn đều nói về Đức Kitô và về cầu nguyện. Đan sĩ nhân cách hoá bản văn, đi vào trong ý nghĩa và đồng hoá với nó. Đây là yếu tố thứ nhì của “lectio divina”. Suy gẫm sử dụng một cách trực giác tất cả các quan năng. Ta không vất vả làm việc trong nguyện ngắm này, nhưng chỉ luôn lắng nghe những lời được lập lại, để cho những lời ấy gợi lên những hình ảnh, suy tư, tư tưởng trực giác của chúng. Toàn bộ tiến trình đều chủ yếu trực giác, giống như đọc đi đọc lại mãi một bức thư tình vậy. Mỗi lần được nhấm nháp và mỗi tư tưởng được xem như của mình vậy. (Thậm chí những người yêu còn học thuộc lòng những đoạn mình ưa thích nữa). Người suy gẫm cân nhắc và nhận ra những bài học ẩn giấu trong Lời Chúa đến nỗi học được sự khôn ngoan suốt đời. Suy gẫm tìm kiếm đạt được tâm tư của Đức Kitô. Ta từ từ bắt đầu thấy những điều Thánh kinh nói. Người suy gẫm bắt đầu công việc cả đời là nghe Lời Chúa để giữ lấy lời ấy. Suy gẫm chủ yếu là nghe Lời Chúa được “lectio” lập đi lập lại.

3.  Orattio, Cầu nguyện

Nhờ ơn Chúa giúp, tư tưởng sốt sắng sinh ra cầu nguyện, yếu tố thứ ba của “lectio divina”. Lời Chúa chuyển từ môi đến tâm trí, và bây giờ đến con tim. “Oratio” hoặc cầu nguyện là lời đáp trả của con tim đối với chúng ta qua Thánh kinh. Trong cơ bản, cầu nguyện theo nghĩa này, ước muốn ân sủng của bản văn cách nhiệt tình đến nỗi cầu xin các ơn cần thiết của Chúa. Ở đây cầu nguyện là tất cả thành phần tâm tình của suy gẫm. Đó là cầu xin, là đàm thoại với những tình cảm yêu mến, là quyết tâm tăng trưởng trong các nhân đức của Chúa Kitô, là thống hối của con tim về tội lỗi của mình, là thinh lặng yêu nhau, là ánh mắt trìu mến, giống như các yếu tố khác của “lectio”, chiều kích tâm tình tăng trưởng và phát triển. Nó tiến đến sự đơn giản và đến một thứ chiêm niệm thủ đắc. Cầu nguyện khát khao Thiên Chúa.

4.  Contemplatio, Chiêm niệm

Yếu tố thứ tư là chiêm niệm. Ở đây Thiên Chúa làm cho linh hồn đỡ khát và bớt đói, theo như Guigo II. Thiên Chúa ban cho kẻ suy gẫm một thứ rượu mới và nâng họ lên trên cái tôi suy niệm bình thường, đưa vào lãnh vực siêu việt được cảm nghiệm. Cuối cùng đây là một yếu tố nguyện ngắm thiên phú. Ở đây Thánh Linh cầu nguyện trong tâm trí con người. Ta cảm nghiệm một trạng thái hài hoà nội tâm, những chuyển động của xác thịt được lắng xuống, xác thịt không còn kình địch với tinh thần nữa, con người ở trong một trạng thái thống nhất tâm linh. Ánh sáng của sự hiện diện của Thiên Chúa chiếu toả qua linh hồn cách cảm nghiệm được. Tình yêu Thiên Chúa không còn trừu tượng nữa, nhưng đựơc cụ thể để vào cái tôi đang đón nhận. Ta có thể nhìn thấy mình được thương yêu và yêu mến đáp lại. Rõ ràng, ở điểm này, chúng ta đang nói đến một hồng ân nhưng không. Những giây phút này có thể chóng qua hoặc kéo dài, tinh vi hoặc rõ nét. Chúng có thể biến mất và trở lại. Chúng có thể lẫn lộn với các lời suy niệm được lập đi lập lại, những tư tưởng được suy nghĩ, những trực giác được thưởng thức, những quyết tâm được đưa ra. Nhưng người ấy yên tĩnh và thụ động hơn; Thiên Chúa chúng ta đi ngang qua.
Chúng ta có thể tóm tắt những gì Guigo II nói về bốn yếu tố của “lectio divina” như thế này; việc đọc tìm kiếm, việc suy gẫm tìm thấy (ý nghĩa); việc cầu nguyện xin ơn; chiêm niệm nếm (Thiên Chúa). Hoặc nữa, việc đọc ở trên bề mặt, việc suy gẫm đi vào thực chất bên trong, việc cầu nguyện xin ơn nhờ ước muốn; chiệm niệm cảm  nghiệm bằng thích thú.

Philip Tran tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét