nut

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

LECTIO DIVINA - HOÀNG QUÝ

CẦU NGUYỆN VỚI LỜI ĐỌC THÁNH (LECTIO DIVINA)

Hoàng Quý

Một lối cầu nguyện thật cổ kính được mọi thời đại tận dụng để cầu nguyện, đó là kỹ thuật lectio divina. Đây là lối cầu nguyện theo Kinh Thánh thật chậm rãi, thật chiêm niệm, để làm thế nào Kinh Thánh hay Lời của Thiên Chúa trở thành phương tiện nâng con người lên tận hiệp với Thiên Chúa. Nói một cách khác, lectio divina giúp chúng ta gặp gỡ được Thiên Chúa qua lời mặc khải của Ngài và khi đó chúng ta lắng nghe Chúa nói và Ngài bộc lộ chính Ngài cho chúng ta, rồi cuốn hút chúng ta đi vào thông hiệp với Ngài trong niềm tin yêu. Phương thức cầu nguyện cổ truyền này vẫn được duy trì trong truyền thống Giáo Hội nơi các dòng khổ tu, các đan viện.

Để giúp Giáo Hội đi vào chiều sâu của việc cầu nguyện thật cần thiết cho thời đại hôm nay, năm 1971 ĐGH Phaolô VI kêu gọi các thầy dòng khổ tu tìm cách giản dị hoá phương pháp để có thể áp dụng lối cầu nguyện chiêm niệm này cho mọi tín hữu. Và từ đây phương pháp cầu nguyện lectio divina không còn là sở hữu của các thầy dòng khổ tu nữa, nhưng là của toàn thể Giáo Hội. Bất cứ ai cũng đều có thể xử dụng chiêu thức cầu nguyện hữu hiệu này.

Lectio (đọc / lắng nghe)

Nghệ thuật của lectio divina bắt đầu bằng việc trau dồi khả năng biết trầm lặng lắng nghe, nghe bằng «cái tai của con tim» để nhận ra được tiếng nói bình lặng, êm dịu, nhỏ bé của tiếng Chúa. Vậy khi đọc Lời Thánh (lectio divina), chúng ta hãy nhớ lại Lời Chúa phán bảo tiên tri Êlia: «Người nói với ông: 'Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Đức Chúa. Kìa Đức Chúa đang đi qua.' Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa không ở trong cơn gió bão. Sau đó là động đất, nhưng Đức Chúa không ở trong trận động đất. Sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu.».... (1V 19:11-12). Tiếng nói của Chúa qua Lời Thánh là tiếng nói hiu hiu, thì thầm và đụng chạm trái tim chúng ta. Tiếng nói Chúa như đang thể hiện sức sống của Ngài hiện diện tràn ngập tâm hồn chúng ta.

Nghe ở đây không phải là một thoáng nghe, nhưng là một lắng nghe tiếng Chúa nói một cách rất êm dịu. Và muốn lắng nghe được tiếng nói êm dịu của Ngài, chúng ta phải học sống thanh lặng, phải học yêu thanh lặng. Nếu chúng ta cứ nói hoài hoặc khoả đầy mình bằng những tiếng nói ồn ào, uế tạp, chúng sẽ chẳng thể nghe được những tiếng êm dịu của Ngài. Như vậy việc thực hành lectio divina trước tiên đòi hỏi chúng ta phải trầm lắng lòng mình xuống để có thể lắng nghe được Lời Ngài. Đây là bước đầu tiên của lectio divina. Lectio = đọc.

Lối đọc của lectio divina khác hẳn với lối đọc của thời đại hiện này khi đọc sách báo, người ta đọc như cái máy, như chạy bộ. Lối đọc của lectio là lối lắng nghe một cách tôn kính, lắng nghe với một tinh thần trầm lặng và kính cẩn. Chúng ta phải lắng nghe tiếng nói tĩnh mịch, nhỏ nhẹ của tiếng Chúa như đích thân Ngài đang nói với chúng ta thật thân tình. Như vậy trong lectio divina chúng ta cần đọc một cách chậm rãi, chú tâm rồi êm đềm lắng nghe xem lời nào, câu nói nào của Lời Chúa đánh động chúng ta hôm nay.

Meditatio (suy niệm)

Khi nào chúng ta nhận thấy lời nào, câu nào trong Lời Chúa vừa đọc đang nói với chúng ta một cách thân tình, rung động, chúng ta hãy dừng lại ở đó và «nhai đi nhai lại» cho tới khi nhuần nhuyễn. Đây là hình ảnh của con trâu, con bò nhai cỏ một cách bình lặng. Hơn bất cứ hình ảnh khác, chúng ta hãy bắt chước gương Đức Maria trong đêm Giáng Sinh. Sau khi nghe các người chăn chiên tường thuật những chuyện lạ về Chúa Giêsu, Mẹ ghi nhớ tất cả những hình ảnh ấy và «suy đi nghĩ lại trong lòng» (Luc 2:19).

Như vậy, khi đọc Kinh Thánh, chúng ta nhận thấy lời nào, câu nào làm chúng ta chú ý hoặc gây cảm kích, chúng ta hãy nắm giữ lại lời ấy, ghi nhớ lời ấy và êm đềm lặp đi lặp lại cho tới khi nào lời ấy thấm nhập, chuyển hóa ý nghĩ, tâm tư và những mơ ước của chúng ta. Đây là bước thứ hai trong lectio divina. Nhờ meditatio = suy niệm như vậy, Lời Chúa thật sự thấm nhập trong chúng ta, Lời đụng chạm và tác động chúng ta thật thâm sâu.

Oratio (cầu nguyện)

Bước thứ ba trong lectio divinaoratio = cầu nguyện. Cầu nguyện được hiểu theo hai nghĩa. Cầu nguyện có nghĩa là đối thoại, là một lần trò truyện thân tình với Chúa, Đấng mời gọi chúng ta đi vào trong tình yêu thương ôm ấp của Ngài. Cầu nguyện còn có nghĩa là hiến dâng, là hiến tế lên Chúa toàn thân chúng ta mà từ trước tới giờ chúng ta cứ tưởng rằng Chúa không mong muốn thế. Trong lời cầu nguyện hiến tế này, chúng ta cứ để cho Lời Chúa mà chúng ta đang suy niệm đụng chạm và thay đổi chúng ta thâm sâu nhất. Giống như linh mục hiến dâng lên Chúa các thành phần của bánh và rượu trong thánh lễ, Chúa cũng mời gọi chúng ta trong lectio divina hãy dâng lên Chúa các cảm nghiệm khó khăn và đau thương nhất, và chúng ta cứ êm đềm đọc lên lời chữa lành Chúa đang ban cho chúng ta trong lectiomeditatio của chúng ta. Trong phần oratio này, lời nguyện - hiến tế sẽ giúp cho con người thật sự của chúng ta được đụng chạm và được hoán chuyển theo Lời Chúa.

Contemplatio (chiêm niệm)

Sau cùng, chúng ta chỉ việc ngồi yên trong sự hiện diện của Chúa bao trùm. Ngài sẽ dùng Lời của Ngài như một phương tiện mời gọi chúng ta hãy chấp nhận sự ôm ấp biến đổi của Ngài. Không ai đã ở trong vòng yêu thương lại còn cần tới ngôn ngữ để diễn tả nữa. Cũng vậy khi người ta đã tiến vào được mối giây thông hiệp với Chúa. Không cần phải nói gì nữa, chỉ cần yên lặng trong sự hiện diện của Đấng yêu thương chúng ta. Trong truyền thống Kitô giáo, lối cầu nguyện này được gọi là contemplatio = chiêm niệm. Một lần nữa ở đây, chúng ta cần tu luyện thanh lặng, không cần tới ngôn từ nữa. Giờ đây chúng ta chỉ còn việc ngây ngất cảm nghiệm được Chúa đang hiện diện trong chúng ta.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét