nut

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Sự siêu nhiên hóa của con người



CON NGƯỜI ĐƯỢC SIÊU NHIÊN HÓA NGAY TỪ KHI ĐƯỢC THIÊN CHÚA
       TẠO DỰNG


Chúng ta nhìn lại thân phận của con người khi mới thoát ra từ hư vô như thế nào? Sách Sáng Thế tường thuật hai lần tạo dựng con người và vũ trụ. Qua hai bản văn ấy (St1,26-31; 2,4-25) chúng ta nhận ra được con người trong tương giao với Thiên Chúa. Đấng sáng tạo con người và trong tương quan đối với các vật Chúa dựng nên. Từ đó, chúng ta nhận ra một điều là con người được siêu nhiên hóa ngay khi được Thiên Chúa tạo dựng. Điều đó, chúng ta nhận thấy trước hết, biểu lộ:

1.    Nơi cử chỉ của Thiên Chúa sáng tạo

Mạc Khải Thánh Kinh cho ta biết, khi tạo dựng con người Thiên Chúa không phán một Lời như khi dựng các loài thụ tạo khác như: cây cối, thú vật,… mà Thiên Chúa khi dựng nên con người, Ngài trịnh trọng phán: “chúng ta hãy làm ra con người…” (St1,26). Chúng ta thấy ngay từ đầu, trước khi Thiên Chúa tạo nên không có gì hết ngoài một mình Thiên Chúa, thì không thể nói là “chúng ta hãy bàn bạc” như Thánh Augutino nói: “khi dựng nên con Chúa không cần hỏi ý kiến con” vì có ai ngoài một mình Thiên Chúa đâu mà bàn bạc. Từ đó cho chúng ta một định tính rằng: “ có sự bàn bạc nội tại trong Ba Ngôi Thiên Chúa”. Như vậy, “chúng ta làm” ở đây có thể hiểu Ba Ngôi Thiên Chúa; Cha, Con và Thánh Thần cùng bàn bạc với nhau mà sự bàn bạc bao giờ cũng nói lên một vấn đề quan trọng. Nhìn vào xã hội hôm nay, khi làm một việc gì đó có liên hệ đến người khác, thì bao giờ chúng ta cũng phải bàn bạc như: Giám đốc công ty lên một dự án mới, Hội dòng bầu Tổng Phụ Trách,… vậy từ cử chỉ của Thiên Chúa, nói lên giá trị và địa vị của con người, về tình yêu đặc biệt giữa Thiên Chúa và con người.

Không chỉ bàn bạc mà thôi, khi làm gì chúng ta cũng phải có đồ mẫu, dĩ nhiên trong tất cả mọi sự Thiên Chúa tạo nên đều có ý tưởng từ đời đời. Nhìn vào bản văn sách Sáng Thế (St1,26-31; 2,4-25), khi Thiên Chúa tạo dựng nên mọi loài thì Thiên Chúa phú bẩm cho loài ấy một bản tính riêng biệt như: rắn bò bằng bụng, bò ăn cỏ, cá sống dưới nước,… tiến trình của Thiên Chúa không thay đổi cho dù ngày nay khoa học kĩ thuật tiến bộ như việc lai tạo các giống cây cùng họ, phương pháp cừu Dolly, sinh sản vô tính,… Thiên Chúa tạo dựng rõ ràng và tất cả điều hoàn hảo ngay từ đầu. Trái lại trong việc tác thành con người, đã có cuộc bàn định trước và theo Kinh Thánh mô tả, một bản đồ đã được phác họa: “Ta hãy dựng nên con người giống hình ảnh Ta” (St1,26).

Ta cũng thấy cử chỉ đó trong việc tạo dựng nên người nữ. Khi tạo dựng nên người nữ Thiên Chúa không là một người thợ gốm như khi tạo dựng người nam và cũng không phán một lời như khi tạo dựng muôn vật mà Thiên Chúa lấy xương sườn của người nam để tạo dựng nên người nữ. Ở đây chúng ta không buộc phải tin như thế, nhưng mà hình ảnh Kinh Thánh nói lên rằng người nữ bởi xương sườn người nam (St2,18-25) từ đó nói lên rằng cả nam và nữ đều do Thiên Chúa tạo dựng  và do đó chỉ có người nữ là thích hợp với người nam và bổ túc cho người nam một cách sít sao nhất, và cũng để nói lên đặc tính của hôn nhân cũng như phản bác các chính sách cho phép hôn nhân đồng giới.

Tóm lại, qua cử chỉ Thiên Chúa sáng tạo nói lên sự siêu nhiên hóa ngay từ đầu trong công cuộc Thiên Chúa tạo dựng nên con người.

2.    Nơi chính con người

Chúng ta còn thấy sự siêu nhiên hóa con người còn ở việc con người tự nhiên là gồm hồn và xác.

Vậy khi Thiên Chúa tạo dựng nên con người về phương diện khác thì sao? Khi tạo dựng nên trời đất thì Chúa phán một lời liền có như vậy, mà chẳng cần bàn bạc chẳng cần đồ mẫu gì hết, nhưng khi tạo dựng nên con người thì có sự bàn bạc và Thiên Chúa tạo dựng con người theo chính khuôn mẫu là hình ảnh của ngài. Không chỉ thế mà ngay cả đến cái kém cõi nhất là thân xác con người, Ngài cũng chăm chút. Ngài đã không lấy bất cứ một vật liệu nào khác, và Mạc khải cho chúng ta biết Ngài lấy tinh chất đất để nói lên thân xác con người được siêu nhiên hóa ngay từ đầu và Mạc Khải sau này cho chúng ta biết thân xác con người ngày sau sẽ sống lại và chính Con Thiên Chúa đã Giáng Sinh mặc lấy thân xác yếu hèn của con người mà chính Ngài đã chết đi và thân xác của Ngài đã sống lại. Giáo Hội bảo đảm cho chúng ta, cho những ai tin vào Ngài sẽ được Phục Sinh vinh hiển, việc Thiên Chúa tạo dựng con người từ tinh chất đất nói lên thân xác con người được siêu nhiên hóa ngay từ đầu, tuy thân xác con người được tạo dựng từ tinh chất đất.

Thân xác con người được nhào nặn từ đất để nói lên Thiên Chúa cũng giống như các ông thợ gốm hành nghề và cách thức tiếp theo mà Kinh Thánh dùng hình ảnh: hơi thở vào mũi, qua đó cho chúng ta thấy sự thận trọng của Thiên Chúa như thế nào, dù là “thân xác” con người kém cỏi.

“Hơi thở” mà chúng ta nhận thấy chính là sự sống của Thiên Chúa, có nghĩa là sự sống của con người chính là sự sống của Thiên Chúa. Qua đó chúng ta nhận thấy được ngay từ đầu con người đã được siêu nhiên hóa.

3.    Nơi những đặc ân trừ nhiên

Những đặc ân mà con người sơ thủy nhận được cũng biểu lộ tính siêu nhiên hóa:

Với đặc ân thân xác con người không phải lao động vất vả, tất cả mọi sự Thiên Chúa đã an bài và quan trọng hơn hết là con người không phải chết. Tuy nhiên có sự phối hợp giữa hồn và xác thì có ngày phải chết nhưng nhờ đặc ân này thì không phải chết đời đời.

Không chỉ có đặc ân thân xác mà con người còn có đặc ân linh hồn. Nơi hai tài năng thượng đẳng của hồn là: trí khôn và ý chí. Với trí khôn minh mẫn, ý chí thì có khả năng làm chủ. Qua trí khôn và ý chí tức là con người có tự do. Thiên Chúa đặt một thử thách nhỏ nơi con người là làm chủ chính hạnh phúc của họ. Thánh Kinh dùng hình ảnh Thiên Chúa cấm con người không được ăn trái cấm. Tuy nhiên con người đã không vượt được thử thách đó, qua việc không vâng phục Thiên Chúa, con người đã đánh mất đi đặt ân thân xác.

Với đặc ân cho cả hồn lẫn xác, con người được sống thân mật với Thiên Chúa trong lạc viên, tri thức hoàn cảnh, ơn bất tử và hướng thượng để suy phục Thiên Chúa. Từ đó hồn và xác đưa con người vào vườn siêu nhiên để con người có một trí tuệ minh mẫn và đặt tên cho mọi loài mọi vật, đặt tên thiên phú ngay từ đầu.

Trong cộng đoàn nhỏ bé ban đầu, đã có một sự bình an đến nỗi hai người sống hòa hợp, thân ái và không có gì phải che giấu giữa nhau. Giữa họ có một sự hòa điệu hoàn toàn “người nam và người nữ đều trần truồng và họ không cảm thấy xấu hổ” (St2, 25), chứng tỏ một sự tin tưởng và kính trọng hơn cả sự lo lắng tính dục vô trật tự lôi cuốn. Qua đó thấy ông bà đã sống trong tình trạng vộ tội và hoàn toàn hạnh phúc (x. R. Kock trang 84- Giáo trình Ân Sủng trang 61). Nhìn vào đời sống hôn nhân ngày nay chúng ta thấy việc lạm dụng tính dục đang lan tràn khắp nơi, đó cũng là một thách đố cho Giáo Hội chúng ta, chúng ta cần phải cầu nguyện thật nhiều cho vấn đề này.

Sự bình an sâu xa giữa Thiên Chúa và con người còn lan tỏa trên toàn thế giới loài vật. Việc con người đầu tiên thân thiết, đùa giỡn với thú vật và cây cỏ, cũng như việc ông đặt tên cho chúng, từ đó cho thấy được bản tính của chúng được phú bẩm ngay từ đầu.

Vườn địa đàng là nơi con người được sống hạnh phúc, được gặp gỡ Thiên Chúa, được định cư và làm chủ vạn vật. Ở trong vườn địa đàng con người tạo được mối dây mật thiết với Thiên Chúa và mối dây này vượt hẳn mối dây ràng buộc thụ tạo với Tạo Hóa.

Tóm lại qua cử chỉ của Thiên Chúa sáng tạo, qua chính nơi con người cũng như nơi những đặc ân trừ nhiên ngay từ khởi đầu con người được siêu nhiên hóa, để con người được sống, được giao hòa với vạn vật cũng như được kín múc chính tình yêu và ân sủng của Ngài. 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét