Bài Giảng Lớp Kitô học - Chúa Nhật I MC - C:
CUỘC CHIẾN ĐẤU THIÊNG LIÊNG
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Giáo Hội mời gọi chúng ta bước vào 40 ngày
Chay Thánh như một thời gian tập luyện thiêng liêng, mà chúng ta gọi là linh
thao, để có thể bắt chước Chúa Giêsu chiến đấu trước khi kết hợp với Người
trong mầu nhiệm Vượt Qua. Bài Tin Mừng (x. Lc 4,1-13) tuần I Mùa Chay giới thiệu
Chúa Giêsu ăn chay, chịu ma quỷ cám dỗ để giúp ta có thể vừa làm chủ được bản
thân mình, vừa chiến đấu chống lại các thế lực thù địch với chương trình cứu độ
muôn loài.
Chính vì thế, chúng ta cùng suy niệm về cuộc
chiến đấu thiêng liêng này trong đời tín hữu.
1. Những lầm tưởng về đời Kitô hữu
Nhiều tín hữu, dù đã theo đạo lâu năm, chứ
chưa nói đến người mới theo đạo, vẫn lầm tưởng rất tai hại về một số điểm của đời
Kitô hữu khiến họ không cảm nghiệm được sự bình an, hạnh phúc thật sự và cũng
chưa sử dụng và phát huy được ơn Chúa ban cách hiệu quả.
1.1. Lầm tưởng về ơn Chúa. Người ta tưởng theo đạo là để được hưởng
nhiều ơn phúc của Thiên Chúa, ơn phần hồn (được ơn tha tội, thông minh, chữa bệnh,
nói tiên tri, xua trừ ma quỷ, …) cũng như phần xác (được ơn no đủ, thậm chí
giàu sang, được chữa khỏi bệnh tật, thành đạt trong công việc làm ăn buôn bán…).
1.2. Lầm tưởng về việc đạo đức. Người ta nghĩ rằng để được những ơn trên
thì phải làm những việc đạo đức như cầu nguyện, ăn chay, dự thánh lễ, nhận các
bí tích, làm việc bác ái… Càng làm nhiều thì càng nhận nhiều ơn! Kết quả
là cuộc đời của người tín hữu sẽ phải là cuộc đời tràn ngập niềm vui, bình an,
hạnh phúc, thành đạt, khoẻ mạnh!
1.3. Lầm tưởng về quyền năng và lòng Chúa
thương xót. Vì thế, khi gặp những rủi ro, thất bại, bệnh tật, nghèo túng
thì người ta nghĩ rằng đó là do con người yếu đuối hay ma quỷ cám dỗ. Nhưng
Chúa đầy quyền năng và lòng thương xót nên Chúa chắc chắn phải thắng được con
người và ma quỷ. Vậy nếu người ta phải chịu đựng những thất bại, đau khổ, bất
công, bệnh tật… thì hoặc là Chúa bất lực trước con người và ma quỷ hoặc Chúa
không có lòng thương xót nên đã phạt con người vì tội lỗi của họ.
1.4. Lầm tưởng về đời sống an nhàn. Người
ta nghĩ rằng đời người tín hữu đạo đức phải là một cuộc sống an nhàn, thư thái,
thụ hưởng muôn ơn phúc của Chúa chứ không cần phải vất vả chiến đấu căng thẳng
với ai. Chỉ những người tội lỗi, chạy theo những đam mê, dục vọng mới bị ma quỷ
cám dỗ nặng nề!
Những
lầm tưởng trên đây diễn ra hằng ngày trong đời sống. Hôm nay, qua cuộc chiến đấu
thiêng liêng của Chúa Giêsu, có lẽ chúng ta được mời gọi thay đổi những nhận thức
này. Ta đừng quên rằng: chính Chúa Thánh Thần dẫn đưa Chúa Giêsu vào hoang địa để
ăn chay và chịu ma quỷ cám dỗ (x. Lc 4,1-2), sau khi chứng nhận Chúa Giêsu là Đấng
Kitô được xức dầu dưới sông Giordan, như muốn nhắc nhở chúng ta rằng đời Kitô hữu
là một cuộc chiến đấu trường kỳ với mọi thế lực thù địch của Thiên Chúa để mang
lại bình an thật sự và ơn cứu độ toàn diện cho muôn loài. Cái chết nhục nhã của
Chúa Giêsu trên thập giá đòi hỏi chúng ta bỏ đi những lầm tưởng về một đời sống
nhàn nhã, may lành, hưởng thụ ân huệ trên
đây.
2. Hành động cám dỗ của ma quỷ và phương thế
chiến đấu
2.1. Sự hiện diện của ma quỷ trong đời sống.
Nhiều tín hữu thời nay, thậm chí có cả một số tu sĩ và linh mục, do ảnh hưởng
của tâm thức duy lý trí, duy khoa học thực nghiệm, cho rằng không hề có chuyện
ma quỷ hiện ra cám dỗ Đức Giêsu hay con người. Họ cho rằng sự việc ma quỷ cám dỗ
trong Tin Mừng chỉ là một huyền thoại hay do đầu óc tưởng tượng của con người
thêu dệt nên để dạy bài học đạo đức chứ không có thực trong lịch sử.
Tuy
nhiên, sau nhiều thế kỷ im lặng, sách Giáo
lý Hội thánh Công giáo, xuất bản năm 1992, chính thức nhắc nhở cho ta về sự
hiện diện thật sự của ma quỷ (x. Sách
Giáo lý Hội thánh Công giáo- GLHTCG, số 391-392; 414; 2.891) với những công
việc ác đức của chúng (x. GLHTCG, số 1237, 394-395.398; 2.851-2.852). Nhất là số
130 của sách Tóm lược Học thuyết Xã hội
Công giáo, xuất bản năm 2004, nhắc chúng ta rằng: tinh thần con người mở ra
đến vô biên và cho mọi loài hiện hữu. Vì thế, con người có thể tiếp xúc được với
Thiên Chúa là tinh thần tuyệt đối, với các thiên thần trong đó có cả các thiên
thần sa ngã là quỷ dữ, với các hồn người, trong đó có cả các hồn cần được thanh
luyện và cả hồn ác là những tà ma gây hại cho con người. Sách Giáo lý gọi chung
là “ma quỷ” theo từ gốc Hy Lạp dia-bolos
có nghĩa là “kẻ phá ngang” kế hoạch của Thiên Chúa và công trình cứu độ của Đức
Giêsu Kitô (x. GLHTCG, số 2.851).
2.2. Thí dụ điển hình. Ma quỷ đang có mặt
trong cuộc đời của chúng ta, vì ma quỷ là tinh thần nên từng giây từng phút chúng
có thể tác động vào tinh thần của ta qua hình ảnh khiêu dâm trong các phim ảnh
ta xem, qua tư tưởng tiêu cực trong những sách ta đọc, qua lời nói tục tĩu của
bạn bè ta gặp… Ngồi nghe giảng nhưng đầu óc ta có thể đang nhớ lại những gì đã
diễn ra trong dịp Tết, nhớ đến người bạn, người tình nào đó đang ở xa chúng ta.
Dù ta không muốn nhưng ma quỷ đang lôi kéo chúng ta không chú ý đến bài giảng
và thánh lễ để cắt đứt sự thân mật giữa ta với Chúa. Đó là cơn cám dỗ.
Đến
lúc lên rước lễ, quỷ có thể nói trong tâm trí ta: “Bạn chia trí trong giờ lễ, không xứng đáng rước Mình Thánh Chúa, phải
đi xưng tội, nếu không sẽ phạm sự thánh”. Chúng làm ta sợ hãi và mất bình
an nên không dám lên rước lễ! Chính ma quỷ tạo cho chúng ta chia trí rồi cũng
chính chúng bảo chúng ta đừng lên rước lễ. Đó là mưu chước của ma quỷ. Thật sự
chia trí chỉ là một tội nhẹ hoặc chỉ
là một sự thiếu sót vì không cố ý. Hiểu được điều đó, chúng ta mới thấy
khi ta đang sống trong ơn nghĩa với Chúa mà điều gì làm cho chúng ta mất bình
an, lo lắng, bối rối thì đó là do ma quỷ. Trong trường hợp này, ta bình tĩnh xin
lỗi Chúa rồi lên rước lễ, cơn cám dỗ sẽ rời xa ta.
Trái
lại, có người đang sống trong tình trạng tội trọng, mất ơn nghĩa với Chúa, cũng
chia trí khi dự lễ, và muốn rước lễ. Người ấy nghĩ thầm trong lòng rằng: “Mình cần rước lễ để tìm được
bình an hạnh phúc trong gia đình. Nếu mình không rước lễ hôm nay, bà vợ cùng dự
lễ sẽ đoán ngay là tối qua mình đi chơi với bồ nhí, rồi vặn hỏi lung tung. Hơn
nữa Chúa đầy lòng thương xót sẽ tha thứ cho tội phạm thánh của mình mà!”. Cùng
lúc đó lại có tiếng nói nhắc bảo: “Phải
xưng tội rồi mới lên rước Chúa. Tội phạm thánh nặng lắm”. Tiếng nói này làm
người đó bối rối, lo âu, mất bình an. Vậy làm sao phân biệt được tiếng nói của
thần lành và thần dữ?
2.3. Hai nguyên tắc căn bản để phân loại thần
lành, thần dữ. Nếu chúng ta không khám ra mưu chước của ma quỷ thì chúng ta
không thể chiến đấu và chiến thắng. Thánh Ignatiô de Loyola, Đấng sáng lập ra Dòng Tên, đã viết tập sách
“Linh Thao” và trình bày cho ta 2 nguyên tắc căn bản để khám phá mưu chước của
ma quỷ tác động trong tâm hồn con người (x. Ignatiô de Loyola, Những bài Linh thao, Bản dịch của Lm.
Đinh văn Trung, sj. số 314-315, tr. 188-189) :
Nguyên tắc I: Những ai đang sống trong
tình trạng tội trọng, mất ơn nghĩa với Chúa, ác thần làm cho họ ở lỳ trong tội
lỗi, trong khoái lạc và thú vui giác quan, tạo bình an giả dối. Còn thần lành
hành động ngược lại là làm cho họ bối rối, bất an bằng những cắn rứt của lương
tâm.
Nguyên tắc II: Những ai đang sống trong
tình trạng ân sủng với Chúa, ác thần khơi dậy những điều làm cho họ mất bình
an, buồn phiền, lo lắng, cắn rứt lương tâm. Còn thần lành làm cho họ được ơn bình
an, can đảm, an ủi, nước mắt, gạt mọi trở ngại để làm điều tốt.
2.4.
Dùng lời Chúa để hàng ma, phục linh. Ngoài việc chống lại cơn cám dỗ bằng cầu nguyện và chay tịnh, người Kitô hữu
còn được mời gọi biết sử dụng Lời Chúa để xua trừ ma quỷ, chữa lành bệnh tật,
phục hồi tinh thần cho con người như Chúa Giêsu đã hành động trong suốt 3 năm
hoạt động công khai của Người. Nhất là khi đất nước chúng ta đang có hàng chục
triệu người lâm vào tình trạng bất an về tinh thần, cần phải chữa trị về mặt
tâm thần, tâm lý và có khi cả tâm linh.
Thánh Phaolô, trong bài đọc II (x. Rm
10,8-13), đã nhắc nhở ta điều này: “Lời Thiên
Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng. Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức
Giêsu là Chúa và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi
chết, thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên
công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ”.
Việc hàng ma, phục linh, hành hiệp giang hồ
này không phải là chuyện võ hiệp tưởng tượng của các đệ tử Cái Bang trong các
tiểu thuyết của nhà văn Kim Dung, nhưng đó là sứ mạng chiến đấu của những hành
khất Kitô trong thời đại ngày nay khi họ được đào tạo những kỹ năng khám phá và
điều trị tinh thần cho con người, biết sử dụng Lời Chúa như thanh gươm hai lưỡi
sắc bén để chế ngự quân thù (x. Dt 4,12; Eph 6,17), và tin vào quyền năng, sức
mạnh Thánh Thần được Chúa Giêsu ban cho.
3. Chiến thuật cám dỗ
Chúng ta nên biết đôi chút về chiến thuật
cám dỗ của quỷ dữ qua các đề nghị chúng đặt ra cho Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha
Bênêđictô phân tích cho chúng ta như sau (x. Đức Giêsu thành Nazareth, chương 2 về việc Chúa chịu phép Rửa, tập
I; Diễn từ trong buổi đọc kinh Truyền Tin áp chót của ĐTC,ngày 17-2-2013, tại
Quảng trường thánh Phêrô):
3.1. Quỷ dữ đưa ra những hình ảnh giả trá
về Đấng Mêssia-Đấng Kitô và Chúa Giêsu đã vạch trần âm mưu của chúng. Đó cũng
là những hình ảnh giả trá về con người, về đời sống Kitô hữu trong mọi thời đại
mà ta bàn ở phần đầu bài này. Chúng bủa vây tâm trí con người, tác động đến
lương tâm con người, nguỵ tạo những đề nghị có vẻ thích hợp, hữu hiệu, thậm chí
tốt đẹp nữa: “Cần bánh cho người đói, cần quyền lực trần thế để giải phóng con
người, cần phép lạ của Chúa để thu phục nhân tâm”.
3.2. Hai thánh sử Matthêu và Luca đều
trình bày 3 đề tài cám dỗ Đức Giêsu, chỉ khác phần nào thứ tự, còn Marcô kể tóm
lược cuộc cám dỗ. Nòng cốt của các cám dỗ ấy là sự lợi dụng Thiên Chúa để phục
vụ cho tư lợi (đá hoá bánh ăn), xem thành công và của cải vật chất là điều quan
trọng hơn Thiên Chúa. Trong cơn cám dỗ, ma quỷ nhắc đi nhắc lại với Chúa Giêsu
rằng: “Nếu ông là con Thiên Chúa” và
mỗi người chúng ta cũng ý thức rằng mình đã được Thiên Chúa nhận làm con. Nếu
ta tin tưởng trọn vẹn vào Thiên Chúa thì chắc chắn Ngài sẽ thương và ban mọi ơn
lành cho ta như đã ban tất cả vinh quang cho Con Một yêu dấu của Ngài. Quỷ yêu
cầu chúng ta hãy tin vào quyền năng Chúa ban để biến đá thành bánh, tin vào tình
yêu an bài của Chúa để hành động liều lĩnh như gieo mình từ nóc đền thờ hay tìm
danh vọng, quyền lực bằng bất cứ cách nào, thậm chí bằng cả việc bái lạy tà thần.
Lúc đó, Chúa chỉ còn là một phương tiện cho con người sử dụng, sai khiến theo ý
muốn của họ chứ không còn là cùng đích mà họ phải hướng về và là nguồn của sự
thật, sự sống, tình yêu, ân phúc mà họ phải tìm kiếm.
3.3. Tên cám dỗ rất tinh quái: hắn không
trực tiếp lôi kéo con người về điều ác nhưng hướng họ về những sự thiện giả tạo,
nhất thời, coi chúng là tuyệt đối cần thiết cho lúc này: bánh ăn cho lúc đói,
vinh hoa phú quý cho lúc nghèo khổ, một chứng cứ tình yêu của Chúa trong lúc
nghi ngờ như qua việc Chúa bảo vệ khi gieo mình từ nóc đền thờ… Quả thật
trong cuộc sống, rất nhiều lần ma quỷ gợi cho chúng ta rằng nếu ta là con Thiên Chúa thì tại sao Chúa lại để ta đau khổ, nghèo
đói, bệnh tật, thất bại như vậy? Ta đi dự lễ và làm việc bác ái thường xuyên
nhưng tại sao Chúa lại để ta bị nhục nhã, thiệt thòi hơn những người tội lỗi, kém
đạo đức? Xét cho cùng, quỷ ma muốn phá đổ lòng tin và tình yêu của ta vào Chúa.
3.4.
Hôm nay, qua cuộc chiến đấu thiêng liêng của Chúa Giêsu trong hoang địa để ăn
chay và chịu những cơn cám dỗ của ma quỷ, có lẽ chúng ta được mời gọi đổi mới
những nhận thức của mình. Chúng ta cần ý thức con người mình là bụi đất, nhưng
bụi đất ấy được Thiên Chúa yêu thương, đón nhận vì Con Một Ngài cũng trở thành
người trần như ta để nhờ mầu nhiệm Vượt Qua của Người, chúng ta trở thành con
Thiên Chúa.
Cuộc
đời của người tín hữu chúng ta khi được gắn kết với cuộc đời của Chúa Giêsu sẽ biến
đổi một cách trọn vẹn. Hiểu được điều đó chúng ta không rơi vào những tình trạng
chán nản, bi quan, thất vọng, chỉ đi tìm những lợi lộc, danh giá trần gian mà
quên đi cuộc chiến đấu trường kỳ gian khổ của Chúa Giêsu trong suốt đời trần thế
của Người. Cơn cám dỗ không phải chỉ kéo dài 40 ngày mà cho tới lúc bị treo
trên thập giá quỷ dữ vẫn thách thức Chúa Giêsu qua môi miệng con người: “Nếu mi là Con Thiên Chúa thì xuống khỏi thập
giá xem nào!” (Mt 27,40; Mc 15,29-32; Lc23,35-37). Vì thế, thánh Luca ghi chú trong
bài Tin Mừng hôm nay: “Sau khi đã xoay hết
cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ” (Lc 4,13).
4. Kỹ năng khám phá những dấu hiệu tâm linh để giúp người
Trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, số người
bất an về mặt tinh thần lên tới hàng triệu người, nên người tín hữu Kitô cần học
hỏi kỹ năng khám phá những dấu hiệu về ma ám, quỷ nhập để có thể cứu giúp người
khác trong sứ mạng “hàng ma, phục linh” của mình. Qua kinh nghiệm cá nhân,
chúng tôi xin chia sẻ một vài điều cơ bản sau đây:
4.1. Cần phải phân biệt những nguyên nhân
dẫn đến sự bất an về tinh thần thuộc lĩnh vực thể lý, tâm thần, tâm lý hay tâm
linh. Những trường hợp bị ma ám, quỷ nhập chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ (1% -2%)
so với các tình trạng bất an do các nguyên nhân khác. Trong khi các nguyên nhân
khác kéo dài và có những triệu chứng liên tục, thường xuyên thì triệu chứng tâm
linh lại chỉ xuất hiện thất thường, không cố định, người bệnh lúc tỉnh lúc mê.
Những người bị ma ám, quỷ nhập thường bắt đầu bằng những sự việc nhất định (do
chủ ý phá thai, do chơi cầu cơ, do xin bùa phép, do lấy đồ cúng trong các trang
thờ người bị nạn bên đường, do phóng uế trên mộ hoang, do thách thức quỷ ma nhập
vào mình vì nghĩ mình đạo đức không ai hại được mình...) chứ không phải hoàn
toàn bất ngờ, ngẫu nhiên, vô cớ.
4.2. Những người loại này thường có một số
hành động không bình thường (thí dụ đổ cơm ra nền nhà rồi bốc ăn, leo trèo trên
xà nhà, chỉ ăn được rau mà có trộn một chút thịt là nôn mửa...); những biểu hiện
bệnh tật trên cơ thể (đau nhức, đau tim, đau bụng, sụt ký nhanh chóng...) dù
xét nghiệm y khoa, khám sức khoẻ kỹ lưỡng cũng không tìm ra nguyên nhân; những
hành động phản ứng mãnh liệt với gì liên quan đến tôn giáo (như đập phá, cắt xé
ảnh tượng tôn giáo, giựt đứt mọi tràng chuỗi, không uống nước có pha lén nước
thánh, dù chỉ một giọt, sợ hãi la hét khi bị ai vẩy nước thánh hay đưa ảnh tượng
chạm vào người, sợ hãi không dám vào nhà thờ, nhà nguyện, quay lưng lại khi
nghe tên Chúa Giêsu...); đột nhiên bị mù, bị câm điếc mà không do nguyên nhân
thể lý nào.
4.3. Những người loại này thường hành động
như có hai nhân vật hiện diện trong họ và khi được các người có nhiệm vụ trừ tà
như các thầy pháp, thầy bùa, tăng ni, linh mục, tu sĩ hoặc tín hữu giáo dân có
ơn đặc sủng trừ tà, chữa bệnh hỏi han, thì hồn ma hay quỷ dữ có thể nói cho biết
mình là ai, chết ngày tháng năm nào, tại sao lại nhập vào người này, mình cần
gì để được siêu thoát.
4.4. Khi tiếp xúc với loại người này,
chúng ta đừng ngại ngùng, lo sợ, nhưng mang hết tình yêu thương cứu độ của Chúa
Giêsu Kitô để lắng nghe họ giãi bày tâm sự, tuyệt đối không được bạo hành
thiêng liêng như trói buộc, đánh đập họ bằng giây các phép, tràng chuỗi Mân
Côi, ép họ phải uống nước thánh đã làm phép. Chúng ta thân tình giới thiệu Chúa
Giêsu, Đấng có thể cứu thoát họ bằng cách tha tội cho họ, cho họ được siêu
thoát, không còn bị lệ thuộc vào một con người hay một nơi chốn trên trần thế.
Chúng ta có thể dạy cho các người bất an cách thở tự nhiên để tăng cường khả
năng trí não cho họ và cách thở siêu nhiên để Thần Khí Đức Kitô hồi phục tâm
linh họ. Chúng ta cũng có thể nói họ nên dùng một ít thuốc bồi bổ trí não vì những
người loại này thường bị kiệt quệ tâm thần do suy nghĩ liên miên mà không biết dừng
lại và làm cho tâm trí được thư giãn.
Các vị linh mục Công giáo có thể làm phép
Xức đầu Bệnh nhân, giải tội và làm phép trừ tà cho những bệnh nhân này. Trong những
trường hợp bất an nặng nề, bị nhiều loại ma quỷ chiếm giữ, người bệnh suy sụp
tinh thần và thể chất như một số thanh thiếu niên nghiện phim đồi truỵ, thủ dâm
liên tục, la hét đập phá đến nỗi gia đình phải dùng dây xích trói lại và dẫn
đi, chúng ta cũng cứ bình tĩnh cầu nguyện, khuyên nhủ, dạy dỗ, nhất là dùng sự
chay tịnh của chính mình và lời cầu nguyện của cộng đồng (x. Mt 17,21; Mc 9,29),
việc hàng ma phục linh sẽ có hiệu quả tốt đẹp và nhanh chóng hơn. Việc chữa trị
tâm linh này thường nhanh chóng hơn nhiều (chỉ sau một vài lần điều trị) so với
việc điều trị tâm lý có thể kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng hay một vài năm như
chúng tôi đã thấy ở nước Đức trong chuyến tham quan 9 cơ sở điều trị tâm lý vào
tháng 9-2012.
Lời kết
Hôm nay, bước vào mùa Chay thánh chúng ta
hãy giúp nhau bằng lời cầu nguyện, bằng việc chay tịnh làm chủ bản thân và hành
động nghĩa hiệp để có thể gắn kết mật thiết với Chúa Giêsu. Xin Chúa Thánh Thần
đổ tràn ơn xuống trên chúng ta để ta sống trọn vẹn mầu nhiệm Vượt Qua với Chúa
Giêsu, trong cuộc đời chiến đấu vì đại nghĩa của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét