NGÔI MỘ TRỐNG
Hành Khất Kitô
Lời mở
Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta đã tìm
hiểu Chúa Giêsu chết như 1 con người, như Đấng Messia và như Ngôi Lời Thiên
Chúa. Cái chết của Người không phải là hậu quả tất yếu của tội lỗi, từ nguyên
tội của con người vì Đức Giêsu không phạm tội, nhưng đến từ sự khiêm hạ của
Thiên Chúa, là hoạt động của tình yêu Thiên Chúa xuống với con người để đưa con
người về với Thiên Chúa (x. ĐGH Bênêđictô XVI, Đức Giêsu thành Nazareth,
phần II, chương 9 “Cuộc phục sinh của Đức Giêsu từ trong cõi chết”). Vì thế,
cuộc sống lại của Đức Giêsu cũng sẽ là hậu quả tất yếu của Tình yêu Thiên Chúa.
Cuộc sống lại này được diễn tả bằng 2 bằng chứng: ngôi mộ trống và các lần hiện
ra của Đấng Phục Sinh.
Qua bài Tin Mừng của Lễ Canh thức Vượt
Qua (x. Lc 24,1-12) cũng như của Lễ Phục Sinh hôm nay (x. Ga 20,1-9), Giáo Hội
mời gọi chúng ta suy niệm về ngôi mộ trống như dấu hiệu đầu tiên chứng minh Đức
Giêsu đã sống lại.
1. Ngôi mộ an táng
Chúa Giêsu và các dữ liệu liên quan
1.1. Cách thức an táng của người Do
Thái
Trước hết, chúng ta
nên tìm hiểu đôi chút về ngôi mộ và cách an táng của người Do Thái, dù một số
anh chị em có lẽ cũng biết rồi. Nhiều người, nhất là các bạn trẻ, nghĩ đến mộ
là nhớ đến hình ảnh rất quen thuộc trong các nghĩa trang ở nước ta: người ta
đào một huyệt lớn rộng khoảng 1m, dài 2m, sâu 2m rồi đặt quan tài xuống đó. Nếu
hiểu như vậy, ta sẽ rất khó hình dung ra ngôi mộ an táng Chúa Giêsu và các chi
tiết về cuộc sống lại của Người.
Ở nước Do Thái, người
ta không đào huyệt và chôn người chết trong quan tài như ở Việt Nam. Do có
nhiều đồi núi nên người ta thường khoét sâu vào trong sườn đồi một hang nhỏ,
rộng khoảng 4-5m2, kê một phiến đá phẳng rồi đặt người chết nằm trên
phiến đá đó. Mộ có cửa nhỏ để người ta chui vào. Bên trong lòng mộ khoét rộng
để một vài người có thể đứng tẩm liệm. Tuỳ theo người giàu hay người nghèo mà
ngôi một rộng hẹp khác nhau. Người ta tẩm liệm xác chết bằng cách quấn thật
nhiều băng vải, trên mặt thì đặt một khăn dài, rồi đổ dầu thơm và mộc dược lên
trên để có thể giữ xác không bị thối rửa trong vòng 3-4 ngày. Trong 3 ngày đầu
sau cái chết, người thân thường đến mộ để tẩm liệm. Từ ngày thứ 4, người ta mới
đóng cửa mộ và trét vữa kín để xác thân tự huỷ.
Chúa Giêsu được táng
trong một ngôi mộ mới và được tẩm liệm theo nghi thức của một vị messia vua với
cả trăm cân mộc dược và thuốc thơm (x. Ga 19,41). Bên ngoài có một tảng đá lớn
che cửa mộ (x. Mt 27,60; Lc 23,58; Ga 1,19,41), chưa đóng kín mộ vì còn trong
thời gian tẩm liệm.Sau khi được mai táng, các thượng tế đã xin Philatô niêm
phong ngôi mộ Chúa Giêsu và đặt các binh lính của đền thờ canh ngôi mộ hết sức
cẩn thận (x. Mt 27,62-66).
1.2. Sự kiện ngôi mộ
trống và các dữ kiện liên quan
Chúa Giêsu được mai
táng trong mộ có nghĩa là Người đã đi đến tận cùng của cái chết. Người đã chết
một cách nhục nhã và đã được mai táng thật sự chờ ngày thân xác thối rữa, hư
nát như bất cứ người nào chết ở trần thế. Tuy nhiên, ngôi mộ chôn táng Đức
Giêsu bây giờ trống rỗng. Bài Tin Mừng hôm nay cũng tả rõ: tảng đá che cửa mộ
đã lăn sang một bên. Không còn xác Chúa Giêsu bên trong (x. Ga 20,1-2). Hai môn
đệ Phêrô và Gioan được báo tin đã chạy tới ngôi mộ và thấy không còn người lính
nào canh gác ở đấy. Các băng vải và khăn che mặt Đức Giêsu đã xếp gọn gàng để
riêng ra một nơi (x. Ga 20,7).
2. Lời giải thích về
ngôi mộ trống
Trước hết, chắc chắn
đã xảy ra một sự kiện lạ lùng nơi mộ Chúa Giêsu nên mới có chuyện tảng đá che
cửa mộ tự nhiên lăn sang một bên và đám lính canh không còn túc trực ở mộ khiến
các phụ nữ và môn đệ đến hiện trường mà không bị xét hỏi. Thánh Matthêu giải
thích bằng cơn động đất dữ dội và thiên thần Chúa từ trời xuống đến lăn tảng đá
ra và ngồi lên trên khiến bọn lính canh và các phụ nữ hoảng sợ (x. Mt 28,1-4).
Thánh Phêrô, trong
bài giảng đầu tiên cho người dân thành Giêrusalem đã giải thích ngôi mộ trống
là vì Thiên Chúa đã không muốn cho thân xác Đức Giêsu phải chịu cảnh hư nát
trong mồ. Điều này ứng nghiệm những lời báo trước của thánh vịnh 16 mà người Do
Thái thường đọc: “Thân xác con cũng được nghỉ ngơi trong niềm hy vọng vì
Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của
Ngài phải hư nát. Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống” (x. Cv 2,26-28).
Thánh Phêrô đưa ra bằng chứng: lăng tẩm chôn táng xác thân vua David vẫn tồn
tại trước mắt người Do Thái, còn xác thân Đức Giêsu đã không còn trong mộ của
Người nên đó là bằng chứng chỉ cho ta biết Người đã sống lại theo đúng lời
Thánh Kinh. Vì nếu thật sự Người không sống lại, thì thân xác của Người vẫn còn
nằm trong mồ, chịu sự hư nát và như thế lời thánh vịnh không biết sẽ nói về ai
(x. Cv 2,29). Trong bài đọc II hôm nay (x. Cv 10,34.37-43), thánh Phêrô cũng
nhắc lại lời làm chứng của mình về cuộc sống lại của Đức Giêsu.
Các thượng tế và luật
sĩ đã từng lường trước việc các môn đệ Đức Giêsu có thể đến lấy trộm xác Người
rồi phao tin đồn rằng Đức Giêsu đã sống lại như Matthêu đã kể về dự đoán này
(x. Mt 28,11-15). Tuy nhiên, những ghi nhận về việc các dải băng liệm và khăn
che mặt Đức Giêsu được xếp gọn gàng để lại trong mồ muốn giải thích điều bịa
đặt kia là vô lý. Các môn đệ Chúa Giêsu làm sao có thể đương đầu với sức mạnh
của quân lính đền thờ và quân đội Rôma nếu họ muốn đến gần mộ để cướp xác
Người. Nếu họ làm vậy thì họ phải nhanh chóng ôm xác và thoát khỏi hiện trường
càng sớm càng tốt thay vì ngồi lại gỡ từng tấm băng. Hơn nữa, họ ôm cái xác bất
động của Chúa Giêsu về nhà làm gì vì khi còn sống, Đức Giêsu đã không cứu nổi
mình thì khi chết rồi xác Người cứu được ai? Vì thế, tông đồ Gioan “đã thấy”
các khăn và băng vải rồi “đã tin” rằng Đức Giêsu thật sự trỗi dậy từ cõi chết
như Người đã báo trước nhiều lần khi còn sống.
Chúng ta cũng không
muốn nhắc đến những cuộc nghiên cứu khoa học đối với khăn liệm thành Turino mới
được công bố trong tác phẩm Il Mistero della Sindone ra mắt ngày
29/3/2013 của giáo sư Giulio Fanti và nhà báo Saverio Gaeta ở Ý để xác định
thật sự chất liệu vải in hình Chúa Giêsu đúng là thuộc vào thời của Người (x. báo
Thanh Niên, bài Rửa oan cho vải liệm Turin, ngày 3/4/2013, trang 10B).
3. Những ngôi mộ
trống trong thời đại hôm nay
Dù chôn táng người
chết thế nào, các ngôi mộ vẫn hằng ngày mọc lên trên khắp thế giới và rất nhiều
lần người ta đã muốn chôn lấp trong đó những con người là hiện thân của Đức
Giêsu (x. Mt 25). Họ là những nạn nhân của sự bất công và đói khổ, của phản bội
và lọc lừa, của các thủ đoạn chính trị và đủ loại tội ác. Họ đang bị chôn sống
ở đấy, bị gạt ra ngoài lề xã hội, và nhiều người đã thật sự chết.
Những ngôi mộ đó đang
cần các môn đệ của Đức Giêsu như Maria Magdala, Phêrô, Gioan và nhiều người
chúng ta can đảm chạy đến, mang theo dầu, đèn để khám phá và giải cứu các nạn
nhân bằng một tình yêu mãnh liệt đối với Đức Giêsu. Biết rằng chạy đến ngôi mộ,
chúng ta có thể bị nghi ngờ, bị bắt giữ, bị bôi nhọ, bị kết án, nhưng tình yêu
đối với những Giêsu chịu đóng đinh và mai táng đòi buộc ta không được ngồi yên
bất động hay tránh né hành động vì sự an toàn của chính mình. Chính khi chúng
ta chạy tới với tất cả lòng can đảm và tình yêu, chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu
hành động bằng quyền năng cứu độ vô biên của Người được chuyển thông sang ta để
làm cho các ngôi mộ ấy trống rỗng, các con người đang chết về thể xác cũng như
tinh thần được trỗi dậy.
Lời kết
Đó là sứ điệp về ngôi
mộ trống được Chúa Phục Sinh gửi gắm cho Kitô hữu chúng ta. Xin Đấng Phục Sinh
và Thần Khí của Người luôn thôi thúc chúng ta biết thao thức, chạy tới và hành
động để cứu giúp những ai đang bị chôn sống trong những nấm mồ cuộc đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét