nut

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Nhân vị trong gia đình


QUAN NIỆM NHÂN VỊ TRONG TÌNH LIÊN ĐỚI

VỚI GIA ĐÌNH

       I.            DẪN NHẬP

Theo thông điệp Redemptoris Hominis của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có đoạn viết: “Con người là con đường của Giáo Hội, con người trong hoàn cảnh cụ thể của mình, và mỗi con người trên trần gian này,… mỗi người trong thực tại của mình về hữu thể và hành động, về tri thức cũng như về ý chí và về cả tâm hồn. Con người viết lên trên trang sử đời mình nhờ những mối liên hệ, gặp gỡ, hoàn cảnh, cơ cấu xã hội, nối kết mình với người khác và điều đó cho thấy con người ngay từ giây phút đầu tiên của cuộc sống trên mặt đất này, từ giây phút thụ thai và được sinh ra”[1]. Từ đó cho ta thấy mối liên hệ sâu xa của con người với gia đình, trong ý nghĩa ấy, gia đình nói lên căn tính của mình là “nơi” mà con người được sinh ra và lớn lên, để hòa nhập mình với cuộc sống và xã hội, nhận ra được mối tương quan với mọi người, tạo nên tình liên đới với nhau trong cùng một nhân vị. Chúng ta cũng lần lượt tìm hiểu về mối tương quan ấy cũng như về thực trạng gia đình trong xã hội hôm nay.

    II.            NỘI DUNG

1.      Nhân vị con người trong tương quan với Thiên Chúa

Điều gì là nền tảng cho phẩm giá của chúng ta, phẩm giá làm người của mỗi cá nhân? Với đôi mắt đức tin, đó chính là việc con người dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Theo sách Sáng Thế, việc tạo dựng này thiết lập nền tảng Thánh Kinh cho phẩm giá của mỗi con người và là nguồn gốc của các quyền và bổn phận của con người.

Khi vì yêu thương mà Thiên Chúa kêu gọi con người bước vào cuộc sống, Ngài cũng đồng thời mời gọi họ sống cho tình yêu. “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8) và nơi chính mình Ngài, Ngài đang sống Mầu Nhiệm hiệp thông yêu thương giữa các ngôi vị. Vì thế, hãy suy tư câu Kinh Thánh: “Thiên Chúa phán: Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh Chúng Ta, giống như Chúng Ta” (St 1,26) . Trong tiếng Do Thái chữ Ađam (con người) là danh từ đặc biệt, cụ thể và chỉ tập thể. Vì thế ở đây chúng ta phải hiểu không phải chỉ tạo dựng con nguời đầu tiên, nhưng là loài người. Mỗi người và mọi người, mọi cá nhân đều được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh của Ngài.

Câu chuyện tiếp tục: “Thiên Chúa phán chúng ta hãy làm ra bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St1, 26-27). Cái gì là hình ảnh Thiên Chúa trong con người? Tất nhiên không giới hạn phẩm chất con người vào chức năng hay hành động của con người. Con người là hình ảnh Thiên Chúa trong bản tính của họ, trong cách hiện hữu của họ mà tạo dựng, được yêu thương và được cứu chuộc bởi Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.

Giá trị của con người là do Thiên Chúa dựng nên và cứu chuộc. Phẩm giá cao cả của con người là ở ơn gọi không thể chuyển nhượng được của họ. Nó nảy sinh do một can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa, Đấng là nguyên nhân đầu tiên và chính yếu của họ. Phẩm giá đó được biểu lộ qua việc chúng ta được tham dự vào quyền bá chủ tối cao của Thiên Chúa trên mặt đất này. Nó diễn tả khả năng của chúng ta về mối tương quan, nhận thức, về đối thoại và về tình yêu của Thiên Chúa. Nói cách khác, phẩm giá của chúng ta nảy sinh từ sự kiện Thiên Chúa luôn luôn yêu thương, đối thoại, và mời gọi chúng ta hiệp thông với Ngài qua các Bí tích, qua cuộc sống hằng ngày và làm cho chúng ta trở nên con cái yêu quí của Ngài.

Một trong các chiều kích để chúng ta khám phá ra nhân vị của con người đó là chiều kích gia đình. Gia đình là nơi mà Thiên Chúa đã đặc để một căn tính và qua đó con người được phát triển hình ảnh của mình trong tương quan nhân vị. 

2.      Chiều kích gia đìnhcủa nhân vị

Khía cạnh gia đình của nhân vị, tức sự kết nối giữa các nhân vị trong gia đình với nhau và với tất cả mọi sự trong gia đình, đó cũng là căn tính của hôn nhân Ki tô giáo. Tình yêu giữa vợ chồng được đề cập đến như là yếu tố nền tảng của hôn nhân và hôn nhân chính là cộng đoàn chủ chốt của Ki tô giáo. Các đôi vợ chồng nên thánh xuyên qua mối tương quan với nhau và với con cái[2]. Bên cạnh đó gia đình Công Giáo có sự hiệp thông đức tin, mang dấu vết và hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Gia đình Kitô giáo còn được mặc khải và thể hiện cách đặc biệt sự hiệp thông trong Hội Thánh, bởi đó mà gia đình Kitô giáo được gọi là Hội Thánh tại gia[3] .

2.1  Gia đình là tế bào của xã hội

Bởi vì “Đấng tạo hóa đã đặt gia đình làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội con người” nên gia đình trở thành “tế bào đầu tiên và sống động của xã hội”[4] . Cho nên gia đình là “một định chế thần linh làm nền tảng cho cuộc sống con người, là nguyên mẫu đầu tiên của mọi tổ chức xã hội”[5]. Đơn vị gia đình được sinh ra do sự hiệp thông giữa các ngôi vị thế nên phát triền trong tư cách là một cộng đoàn các ngôi vị, gia đình đúng là xã hội đầu tiên của con người[6].

Gia đình có những liên hệ chặt chẽ và sống động với xã hội vì nó làm nền tảng cho xã hội và không ngừng tiếp xúc cho xã hội bằng việc phục vụ sự sống, gia đình chính điều kiện cho xã hội và quốc gia tồn tại. Qua gia đình người ta học được những bài học đầu tiên về sự khôn ngoan thiết thực, cũng như là nơi học hỏi, đào luyện các nhân đức (x. Cn 1,8-9; Hc 3,1-16). Từ đó gia đình bảo đảm tốt nhất cho xã hội khỏi những tệ nạn xã hội. Vì từ trong gia đình, người ta học biết trách nhiệm đối với xã hội và tình liên đới với nhau, học biết các giá trị luân lý được dạy dỗ ngay từ những tháng đầu tiên của cuộc đời những gia sản thiêng liêng tôn giáo và di sản quốc gia được lưu truyền.

Vì thế gia đình phải sống sao để mọi thành phần biết quan tâm lo lắng cho người trẻ cũng như người già, những người đau yếu hay khuyết tật, và cả những người nghèo trong đại gia đình của mình, phải biết thờ Cha, kính Mẹ, quý trọng Ông Bà, có như thế đời sống gia đình mới thực sự là cuộc khai tâm trong đời sống xã hội. Vì gia đình có tầm quan trọng đối với sự sống và sự lành mạnh của xã hội, nên xã hội có trách nhiệm đặc biệt để nâng đỡ và củng cố gia đình. Xã hội có biện pháp thích đáng để giúp đỡ và bảo vệ gia đình, đảm bảo quyền tự do xây tổ ấm, tự do dưỡng dục con cái. Quyền tự do tuyên xưng và truyền bá đức tin. Bảo vệ bền vững các mối dây gia đình, bảo vệ quyền tư hữu, quyền cư trú, an ninh.

Qua đó, gia đình góp phần làm triển nở nhân cách củng cố đất nước ngày càng giàu mạnh. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng xã hội hôm nay, chúng ta tìm hiểu về đời sống hôn nhân ngày nay như thế nào? Liệu hôn nhân có đánh mất đi căn tính của mình không?.

2.2  Hôn nhân, gia đình trong thế giới ngày nay

Chúng ta nhận thấy rằng lợi ích của con người và của xã hội tùy thuộc vào điều kiện hạnh phúc của cộng đoàn lứa đôi. Ngày nay xã hội đang trên đà phát triển, về khoa học kĩ thuật, mạng lưới thông tin Internet phát triển, truyền thanh, còn con người thì chạy theo lối sống thực dụng, những tệ nạn xã hội tăng cao,… Tuy nhiên trong bậc sống gia đình, nhìn chung có những mặt tích cực và tiêu cực.

Trong một xã hội như thế, chúng ta cùng khai triển đời sống gia đình trong thế giới ngày nay. Trước hết về mặt tích cực được nêu rõ “những trợ lực khác nhau giúp con người ngày nay tiến tới trong việc cổ võ cộng đoàn yêu thương ấy cũng như trong tôn trọng đời sống”[7] . Trong những điều ấy, chúng ta cần phải lưu ý rằng đây không phải là một thực tại thật sự ở nhiều nơi, nhưng từ một quan điểm trong việc thẩm định tình yêu, sự sống, mà nhiều khi trong thực tế chúng ta đã bị xúc phạm, và có thể tinh vi hơn những thế hệ khác: chẳng hạn như thực tại đáng buồn của việc phá thai hoặc những vụ chung sống tự do ngày càng gia tăng. Từ đó cho chúng ta thấy mặt tiêu cực của đời sống hôn nhân, gia đình ngày càng tăng cao như: chế độ đa thê chống lại tính chất duy nhất và hiện đang lưu hành trong nhiều nước cho dù đang dần đà ý thức được chế độ đơn thê, nạn ly dị ngày càng gia tăng trong thời đại chúng ta. Bên cạnh đó còn xảy ra những “tệ nạn” trong hôn nhân như: tính ích kỷ khoái lạc chủ nghĩa (tìm những lạc thú ngoài hôn nhân), và sử dụng những phương thế phi pháp chống lại việc truyền sinh: thuốc ngừa thai, đặt vòng tránh thai, thuốc diệt tinh trùng, điều hòa sinh sản,… còn một yếu tố nữa đó là tính ích kỷ của cả hai người làm giảm đi giá trị của tình yêu hôn nhân gia đình và hại đến sự tôn trọng của vợ chồng, mà người ta thường nói “ông ăn chả, bà ăn nem”. Chúng ta còn chưa nói đến việc bạo lực gia đình, con cái bất hiếu với cha mẹ,... một đàng khác những thay đổi kinh tế và xã hội, chẳng hạn như: vấn đề nhà cửa, thi đua trong công việc,… còn vấn đề tăng dân số ở nhiều nước còn gây khó khăn và đôi lúc cũng vì luật pháp, ngăn cản vợ chồng sống một cách quảng đại mở đường cho sự sống[8].

Vì thế gia đình cần ý thức về những ánh sáng và bóng tối ngày nay phủ xuống trên gia đình, gia đình cần “cố gắng bảo toàn và cổ võ phẩm giá tự nhiên cũng như những giá trị thiêng liêng cao cả của đời sống hôn nhân”[9], đặc biệt là gia đình Kitô hữu.

3.      Quan niệm nhân vị trong tình liên đới với gia đình

Trong tương quan cá vị, mỗi người là một chủ thể độc lập trong một nhân vị xác định. Tuy nhiên, trên bình diện xã hội, con người tồn tại trong mối tương quan liên vị với nhau và với thế giới. Sự liên đới này được thể hiện độc đáo và rõ nét đặc biệt trong đời sống gia đình. Nói cách khác, qua đời sống gia đình, nhân vị con người được khắc họa một cách sống động và chân thật nhất.

Gia đình, trước tiên là một tổ hợp mang tính xã hội và mỗi thành viên là một hạt nhân liên kết để từ đó hình thành một cộng đồng nhỏ trong cộng đồng lớn là xã hội. Nền tảng của cấu trúc tổ hợp này không giống với các cơ cấu khoa học, kinh tế hay chính trị, nó không được xây dựng dựa trên nguyên lý hay vật chất, chất liệu xây dựng của nó là “tình yêu”. Khi mỗi nhân vị mang trong mình tình yêu thì sự liên kết trong tương quan gia đình sẽ bền chặt và ổn định. Theo học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo “Gia đình không chỉ là một đơn vị pháp lý, xã hội và kinh tế, mà còn là một cộng đồng yêu thương và liên đới, là môi trường duy nhất thích hợp để dạy dỗ và truyền đạt những giá trị văn hóa, đạo đức, xã hội, tâm linh và tôn giáo, một việc rất cần để phát triển và xây dựng hạnh phúc cho các thành viên trong gia đình và xã hội”[10]. Có thể nói gia đình là “thánh điện của sự sống”, trong đó, các mối tương quan liên vị giữa vợ - chồng, cha mẹ - con cái, anh, chị - em,… được dựa trên một định luật duy nhất là tình yêu. Tất cả mọi thành viên trong gia đình, mỗi người theo ơn riêng của mình, đều có ân sủng và trách nhiệm để mỗi ngày xây dựng sự hiệp thông giữa các nhân vị, bằng cách biến gia đình thành một “trường học đào tạo cho nhân tính được hoàn hảo và phong phú hơn”, điều đó được thể hiện qua việc chăm sóc và trao ban tình yêu cho mọi người, chia sẻ và cảm thông với nhau.

Trong thực tế, một gia đình được liên kết trong tình yêu giữa từng nhân vị sẽ tạo nên một  cộng đồng của sự sống, làm lan tỏa sức mạnh và hiệp nhất trong môi trường xã hội. Mặt khác, mỗi cá nhân sống trong một gia đình tình yêu sẽ phát triển tích cực và đầy đủ về mọi phương diện từ tâm sinh lý đến thể lý và có lối sống lành mạnh và tích cực trong môi trường cộng đồng. Điều này phản ảnh cho xã hội ngày nay, Cha Mẹ luôn loan toan với công việc không quan tâm chăm sóc con cái dẫn đến xã hội có rất nhiều trẻ bị “tự kỷ”, tệ nạn xã hội phát triển số thanh thiếu niên vướn vào các căn bệnh “thế kỷ”, nghiện game oline làm bỏ bê việc học rất nhiều,… Do đó, cha mẹ cần quan tâm gia dục con cái, làm phát triển căn tính gia đình trong công cuộc “nghìn năm trồng người”. Vì thế, sự bền vững của từng hạt nhân gia đình sẽ làm cho cuộc sống trong xã hội có chất lượng hơn và sự ổn định của xã hội sẽ là môi trường tốt để phát triển nhân cách con người.

Nhìn chung, trong mối tương quan nhân vị và gia đình, yếu tố cần thiết và quan trọng đó là tình yêu. Tình yêu thật sự là tình yêu trao ban, hy sinh và tha thứ. Do đó việc giáo dục nhân vị trong môi trường gia đình ngay từ những bước đầu sẽ là nền tảng để tạo nên những nhân vị thực sự trưởng thành trong tương lai.

 III.            KẾT LUẬN

Tóm lại, mỗi người là một nhân vị trong chương trình tình yêu của Thiên Chúa qua đó con người được sống và thể hiện tình yêu ấy nơi gia đình, nhà trường, xã hội,… để lan tỏa tình yêu ấy và cũng để liên đới với nhau trong cương vị làm người, làm con Chúa.

 

 



[1] Thông điệp Redemptoris Hominis, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II AAS 14
[2] x. Công đồng Vanticano II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium số 11; Công đồng Vanticano II, Hiến chế Mục Vụ Gaudium et Spes số 48-51.
[3] Thông điệp Familiaris Consortio, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, số 21
[4] Công đồng Vanticano II, Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem số11
[5] Hội đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Tóm lược Học Thuyết Xã Hội, AAS 213 (2004).
[6] Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia đình Gratissimam Sane 7;AAS 86 (1994), 875; x. Giáo Lý Hội Công Giáo, 2006.
[7] Công đồng Vanticano II, Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes, số 47/1
[8] Công đồng Vanticano II, Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes, số 47/2
[9] Công đồng Vanticano II, Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes, số 47/3
[10] Hội đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Tóm lược Học Thuyết Xã Hội, AAS 511 (2004).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét