nut

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

§10 - SỨ MẠNG Ở Á CHÂU NGÀY NAY: MỘT KIỂU THỨC THẦN HỌC SỨ MẠNG MỚI

§10 - SỨ MẠNG Ở Á CHÂU NGÀY NAY: MỘT KIỂU THỨC THẦN HỌC SỨ MẠNG MỚI


Á Châu là bản quán của nhiều nền văn minh và nhiều tôn giáo thế giới. Nhiều nền văn hóa, tôn giáo và triết học Á Châu cổ điển hơn cả Kitô giáo. Hai phần ba dân số thế giới sống ở lục địa này, nhưng sau hai ngàn năm hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, Á Châu vẫn là nơi có tỉ lệ Kitô hữu thấp nhất (khoảng 4%).
Chương này sẽ khảo sát thần học sứ mạng của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) như được trình bày trong các văn kiện chính thức suốt ba thập niên qua. Các giám mục Á Châu khẳng định rằng hoàn cảnh Á Châu, với tính đa dạng về tôn giáo, văn hóa và quan điểm triết học của nó, đòi phải có một cách tiếp cận riêng trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Chúng ta sẽ điều tra về những khía cạnh chủ yếu và những nguyên tắc nền tảng của thần học sứ mạng do FABC phát triển. Đặc biệt, FABC khẳng quyết rằng sứ mạng Kitô giáo ở Á Châu phải được triển khai thông qua cuộc đối thọai ba mặt: với các truyền thống tôn giáo Á Châu, với các nền văn hóa Á Châu, và với đại đa số người nghèo và những người bị gạt ra bên lề xã hội. Điểm tới của chúng ta là nhận diện phương thức sứ mạng hàm ẩn bên trong thần học sứ mạng của FABC: missio inter gentes (ở giữa lương dân) thay cho mẫu thức truyền thống missio ad gentes (đến với lương dân).
Thách đố lớn nhất mà FABC phải đương đầu liên quan đến sứ mạng Kitô giáo ở Á Châu có lẽ là tính đa dạngđa nguyên của cảnh vực Á Châu, với vô số tôn giáo, nền văn hóa, và dân tộc. Trong giòng lịch sử 2000 năm của mình, Giáo Hội đã gặp gỡ nhiều dân tộc, văn hóa và tôn giáo - bắt đầu với các nền văn hóa Do Thái giáo và Hy La, trước khi di chuyển đến các nền văn hóa La mã, Germanic, Celtic, Gallic và các văn hóa Au Châu khác từ thế kỷ thứ 4 trở về sau. Ơ Au Châu và Mỹ Châu, vấn đề được giải quyết bằng sự kiện rằng Kitô giáo trở thành tôn giáo và văn hóa thống trị. Được hỗ trợ bởi sức mạnh của đế quốc, Giáo Hội ở Au Châu đã vượt qua các cơ chế và tôn giáo ngoại giáo và đã kitô hóa lục địa này. Công việc của sứ mạng Kitô giáo là “chinh phục và lật đổ”; Kitô giáo được coi như duy nhất, độc chiếm, thượng phong, chuẩn mực và tuyệt đối. Rồi với sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân tây phương, Kitô giáo mất đi thế thượng phong của mình; và ngày nay không còn “những đại dương tách biệt các Kitô hữu khỏi các tôn giáo khác nữa”.
Nhà thần học Mỹ gốc Việt Peter C. Phan đã dám tuyên bố rằng “ở Á Châu vấn đề đa nguyên tôn giáo rõ ràng là một vấn đề sống chết” và, quan trọng hơn, “tương lai của Kitô giáo ở Á Châu tùy thuộc vào cách mà đa nguyên tôn giáo được hiểu và được sống”.[1] Vậy Giáo Hội nói chung và các thừa sai nói riêng cần phản ứng thế nào trước tính đa dạng và đa nguyên của tôn giáo và văn hóa ở Á Châu?
Phải nói ngay rằng FABC tỏ ra rất ‘thoải mái’ với tính đa dạng và đa nguyên này. Ngay từ đầu, FABC đã từ chối mọi hình thức của chủ nghĩa tôn giáo độc tôn, và nhìn tình trạng đa nguyên tôn giáo như một khía cạnh cố hữu và độc đáo của hòan cảnh tôn giáo và xã hội Á Châu. Các giám mục Á Châu cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách nào các Giáo Hội địa phương ở Á Châu có thể sống ‘thoải mái’ với tình trạng đa dạng và đa nguyên này. Hội nghị mở rộng FABC lần thứ nhất đã nhìn nhận rằng các truyền thống tôn giáo lớn ở Á Châu là “những yếu tố tích cực và đầy ý nghĩa trong nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa.[2] Về đa nguyên, các giám mục cho rằng đó là “điều cần thiết và không nên coi đó như một mối đe dọa đối với tính hiệp nhất Kitô giáo - trái lại, đó là một dấu tích cực và sáng tạo giúp chúng ta phát huy giá trị đích thực của hiệp nhất trong khác biệt.” FABC cũng khẳng định rằng “rõ ràng là Thánh Thần Thiên Chúa hoạt động trong mọi truyền thống tôn giáo”, bởi vì ngay từ thời Giáo Hội của các tông đồ cũng đã ghi nhận rằng Thánh Thần của Đức Kitô hoạt động bên ngòai ranh giới của Giáo Hội hữu hình. Ơn cứu độ của Thiên Chúa không bị giới hạn cho chỉ các thành viên của Giáo Hội, song được ban cho hết mọi người. An sủng của Thiên Chúa có thể đưa dẫn một số người đến đón nhận Phép Rửa và gia nhập Giáo Hội, nhưng không thể giả định rằng trường hợp này luôn luôn xảy ra. Đường lối của Thiên Chúa là cái gì mầu nhiệm và không thể đo lường được, và không ai có thể thiết định sự hoạt động của ân sủng Thiên Chúa.[3]
Đồng thời, FABC nhìn nhận rằng những người phê bình đa nguyên tôn giáo thường đề cập đến mối nguy của chủ trương tương đối chủ quan. Đáp lại sự phê bình này, Văn Phòng Đặc Trách Các Mối Quan Tâm Thần Học của FABC giải thích rằng việc nhìn nhận đa nguyên tôn giáo không nhất thiết dẫn tới sự chấp nhận chủ nghĩa chủ quan hay chủ nghĩa tương đối - theo nghĩa rằng mọi quan điểm đều tốt ngang nhau! Những quan điểm triết học hay thần học như thế phải bị bác bỏ; và quả thật, mọi tôn giáo lớn của Á Châu đều tố cáo việc tương đối hóa thực tại như thế, nhất là việc tương đối hóa các giá trị căn bản của con người.[4]
Ngay từ đầu, FABC đã luôn luôn chủ trương rằng trọng tâm sứ mạng của các Giáo Hội địa phương ở Á Châu phải là cuộc đối thọai với thực tại ba mặt của cảnh vực Á Châu: tôn giáo, văn hóa, và sự nghèo đói. Đối với FABC, đối thọai là “một phần thiết yếu của loan báo Tin Mừng,[5] là phần “cốt yếu của chính đời sống Giáo Hội.”[6]
Đồng thời FABC cũng giải thích rằng đối thọai không che lấp nhu cầu loan báo Tin Mừng của Kitô giáo. Quả thực, có những lúc “Thiên Chúa mở ra cho chúng ta công việc minh nhiên rao giảng Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ và là câu trả lời cho những vấn nạn nền tảng nhất của hiện sinh con người.”[7] Tuy nhiên, cần phải có một phương thức rao giảng riêng biệt đáp ứng được cảm thức Á Châu. Và phương thức này - theo các giám mục Á Châu - hệ tại trước hết ở chứng tá của các Kitô hữu và các cộng đoàn Kitô hữu về các giá trị của Nước Thiên Chúa. Đối với các Kitô hữu Á Châu, loan báo Đức Kitô trước hết có nghĩa là sống như Ngài, giữa các anh chị em thuộc các niềm tin khác, và thực thi các công việc của Ngài bằng sức mạnh của ân sủng Ngài.
Hội Nghị Toàn Thể FABC lần thứ 5 đã kết luận như sau: “Sứ mạng bao gồm: hiện diện với người ta, đáp ứng các nhu cầu của họ, nhạy cảm với sự hiện diện của Thiên Chúa trong các nền văn hóa và các truyền thống tôn giáo khác, và làm chứng cho các giá trị của Nước Trời xuyên qua sự hiện diện, liên đới và chia sẻ.[8] Như vậy, loan báo hay rao giảng được đồng hóa với chứng tá đời sống. Hội Nghị lần thứ 7, sau hai tháng suy tư về Tông Huấn Ecclesia In Asia của Đức Gioan Phaolô II, đã tái xác nhận việc chọn lựa “chứng tá đời sống” như phương thức loan báo Tin Mừng Kitô giáo ở Á Châu: “Phương thức hữu hiệu nhất để loan báo Tin Mừng và phục vụ nhân danh Đức Kitô vẫn luôn luôn là chứng tá đời sống. Người Á Châu sẽ nhận ra Tin Mừng mà chúng ta công bố khi họ nhìn thấy nơi đời sống chúng ta vẻ trong suốt của sứ điệp Đức Giêsu.[9]
Uy Ban Tư Vấn Thần Học của FABC trong tài liệu Các Luận Đề Về Đối Thọai Liên Tôn (1987) khẳng định rằng việc rao giảng có tính đối thọai: “Đối thọai và rao giảng là những chiều kích cốt thiết, biện chứng, và bổ trợ cho nhau trong sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội. Đối thọai đích thực bao gồm một chứng tá về trọn vẹn đức tin Kitô giáo của mình đồng thời cởi mở đón nhận chứng tá của tín đồ thuộc các tôn giáo khác. Còn rao giảng là lời mời gọi người ta trở thành môn đệ Đức Giêsu và đảm nhận sứ mạng.”
Mối liên hệ giữa đối thọai và rao giảng là một mối liên hệ phức tạp. Chúng ta phải tránh mọi cố gắng giảm trừ cái này vào cái kia. Một số người có vẻ muốn nghĩ rằng đối thọai là hình thức đích thực duy nhất để rao giảng, vì Giáo Hội chỉ là một trong nhiều con đường cứu độ. Một số người khác sẽ cho rằng đối thọai chỉ là một bước - dù nó có căn tính riêng - trong tòan bộ tiến trình dẫn đến việc rao giảng. Ta thấy rằng trong khi chủ trương thứ nhất tước đoạt mọi ý nghĩa chuyên biệt của rao giảng, thì chủ trương thứ hai lại biến đối thọai thành một công cụ.
Ba chiều kích của loan báo Tin Mừng là hội nhập văn hóa, đối thọai liên tôn và giải phóng; rao giảng không phải là một chiều kích thứ tư, nhưng là khía cạnh chứng tá gắn kết mật thiết với cả ba chiều kích trên. Một chỗ khác, FABC tuyên bố rằng “đối thọai nhắm đến việc kéo người ta vào niềm tin tôn giáo và truyền thống của mình là điều thiếu trung thực và phi đạo đức.”[10] Về mối tương quan giữa đối thọai, rao giảng, và cải giáo người ta, FABC đã nêu rõ rằng “đối thọai và rao giảng phụ trợ cho nhau; đối thọai đích thực và chân thành không nhắm làm cho người ta cải giáo - vì cải giáo là điều hoàn toàn tùy thuộc vào tiếng gọi bên trong của Thiên Chúa và quyết định tự do của mỗi người.”[11]
Một đàng, FABC không loại bỏ việc rao giảng Tin Mừng Kitô giáo cách minh nhiênn trực tiếp trong công cuộc sứ mạng; nhưng FABC nêu bật rằng bối cảnh đóng một vai trò quan trọng trong việc ấn định phương thức tốt nhất cho sứ mạng ở Á Châu. Rao giảng mà không đối thọai thì có nguy cơ trở thành ‘truyền đạo quá khích’ với những hệ lụy rất tiêu cực. Trong tâm cảnh của người Á Châu, “chân lý không áp đặt chính nó, nhưng đúng hơn nó hấp dẫn người ta bằng vẻ đẹp, vẻ sáng và bằng sự quyến rũ của nó.”[12] Michael Amaladoss thì nói rằng “chúng ta không áp đặt những cơ cấu tiền chế của ơn cứu độ từ một nơi nào đó khác, nhưng chúng ta cho phép người Á Châu đối thọai với Tin Mừng một cách sáng tạo và thích đáng.”[13]
Đàng khác, xuyên qua đối thọai, không chỉ các thực tại tôn giáo xã hội Á Châu có thể được làm phong phú hóa bởi Kitô giáo, mà chính Kitô giáo cũng có thể được làm phong phú bởi các thực tại Á Châu. Bất cứ công cuộc sứ mạng nào không nhìn nhận những gì Thiên Chúa đang làm với một dân tộc trong lịch sử của họ thì đều bộc lộ tính cách kiêu căng tự mãn. Và tư tưởng hãnh thắng thì luôn luôn là điều đối ngược với linh đạo.
Quan trọng hơn, hàm chứa trong một sứ mạng học như thế là sự nhìn nhận và chấp nhận một mối tương quan căn bản có tính hữu thể học, cứu độ học và hiện sinh giữa Tin Mừng Kitô giáo và các dân tộc Á Châu với các truyền thống tôn giáo và văn hóa phong phú, cũng như với những thách đố kinh tế xã hội hằng ngày của họ. Một sứ mạng học sâu sắc như thế sẽ thúc đẩy các Giáo Hội địa phương từ bỏ não trạng ‘trồng Giáo Hội’, từ bỏ việc ‘trồng một cơ chế’ ở Á Châu, để hướng tới ‘một cộng đoàn loan báo Tin Mừng của Á Châu’. Rõ ràng, nhãn quan của FABC không phải là ‘một Giáo Hội ở Á Châu’ mà là ‘một Giáo Hội Á Châu’.
Thánh Thần của Đức Kitô hoạt động vượt quá các vành đai của Giáo Hội hữu hình. Chính qua Nước Thiên Chúa mà Thiên Chúa muốn hòa giải mọi sự với Ngài nơi Đức Giêsu Kitô. Vì thế, tiêu điểm của sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội là xây dựng Nước Thiên Chúa và xây dựng Giáo-Hội-để-phục-vụ-cho-Nước-Thiên-Chúa. Nước Thiên Chúa, vì thế, rộng lớn hơn bản thân Giáo Hội. Giáo Hội là bí tích của Nước Thiên Chúa, làm cho Nước ấy nên hữu hình, thăng tiến Nước ấy, nhưng Giáo Hội không ‘cào bằng’ rằng mình là Nước ấy. FABC giải thích mối quan hệ giữa Giáo Hội và Nước Thiên Chúa như sau: “Triều đại Thiên Chúa là lý do chính cho sự hiện hữu của Giáo Hội. Giáo Hội tồn tại trong và cho Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa, tức món quà tặng do sáng kiến của chính Thiên Chúa, đã bắt đầu và tiếp tục được thể hiện qua Thánh Thần. Ơ đâu Thiên Chúa được chấp nhận, ở đâu các giá trị Tin Mừng được sống, ở đâu con người được tôn trọng… thì ở đó có Nước Thiên Chúa.”[14] Tương tự, tài liệu của Uy Ban Tư Vấn Thần Học 1991 nêu rõ: “Triều đại Thiên Chúa là thực tại ơn cứu độ nơi Đức Giêsu Kitô, trong đó các Kitô hữu và những người khác cùng sống với nhau. Đó là mầu nhiệm căn bản của sự hiệp nhất. Nhìn theo hướng này, một phương thức ‘regnocentric’ để tiếp cận thần học sứ mạng không hề đe dọa nhãn giới ‘christocentric’ của đức tin. Trái lại, ‘regnocentric’ cần đến ‘christocentrism’, và ngược lại.”
Với những kết luận trên, rõ ràng là tiếng gọi hoán cải nhắm trước hết đến Thiên Chúa và sau đó mới nhắm đến Giáo Hội. Căn tính của Giáo Hội không nằm ở chỗ trở thành “con tàu cứu độ độc nhất’ nhưng là thực thi sứ mạng để chuyển hóa thế giới từ bên trong - như men trong bột - mà không hề nắm hiểu rõ sự chuyển hóa ấy sẽ dẫn đến những hình thái nào. Hơn nữa, trong khi không loại bỏ công việc loan báo Tin Mừng, kiểu thức Nước Thiên Chúa thách đố các Giáo Hội địa phương Á Châu làm việc với các Kitô hữu thuộc các Giáo Hội khác, cùng với các anh chị em thuộc các niềm tin khác, và với hết mọi người thiện chí, để làm cho Nước Thiên Chúa trở nên hữu hình hơn tại lục địa này.
Mối quan hệ giữa sự hòa điệu các tôn giáo, sứ mạng và đối thọai được trình bày rõ bởi Hội Nghị Tòan Thể lần thứ 5 của FABC: “Sứ mạng ở Á Châu cũng sẽ tìm cách - qua đối thọai - phục vụ cho sự hiệp nhất các dân tộc Á Châu vốn được đặc trưng bởi sự đa dạng các niềm tin, các nền văn hóa, và các cơ cấu chính trị xã hội khác nhau. Trong một Á Châu có nhiều phân hóa và xung đột, Giáo Hội phải đặc biệt trở thành một bí tích - một dấu hữu hình và khí cụ của hiệp nhất và hòa điệu.[15] Các giám mục Á Châu xác quyết rằng các Giáo Hội địa phương ở đây phải đối thọai với các dân tộc và các thực tại Á Châu để biện phân “những công việc gì Chúa muốn được thi hành để cho cả nhân lọai có thể được thâu họp trong hòa điệu như đại gia đình của Chúa.” Quả thực, chính qua việc đáp ứng và phục vụ cho những nhu cầu của các dân tộc Á Châu mà các cộng đoàn Kitô hữu khác nhau có thể trở thành những Giáo Hội địa phương đích thực.
Trong chiều hướng đó, Hội Nghị Tòan Thể lần thứ 7 đã đề ra cụm từ mới “loan báo Tin Mừng năng động và toàn diện” để mô tả một phương thức sứ mạng hội nhập lòng xác tín, thái độ dấn thân phục vụ cho sự sống, chứng tá đời sống, đối thọai, và xây dựng Nước Thiên Chúa. Cụm từ này được giải thích như sau:
Trong 30 năm, chúng ta đã cố gắng thiết định lại căn tính Kitô giáo ở Á Châu. Chúng ta đã lần lượt xem xét những vấn đề khác nhau: loan báo Tin Mừng, hội nhập văn hóa, đối thọai, bản sắc Á Châu của Giáo Hội, công lý, sự chọn lựa người nghèo, vv. Ngày nay, sau 30 năm, chúng ta không còn nói về những vấn đề riêng biệt như thế nữa. Chúng ta đang đứng trước những nhu cầu rất to lớn và ngày càng phức tạp. Những vấn đề nói trên không phải là những chủ điểm thảo luận cách rời rạc nhau, nhưng là những khía cạnh của một phương thức toàn diện tiếp cận sứ mạng yêu thương và phục vụ. Chúng ta cần cảm nhận và hành động ‘một cách toàn diện’. Đối mặt với những nhu cầu của thế kỷ 21, chúng ta dấn thân sứ mạng với những con tim của Á Châu, trong liên đới với người nghèo và những người bị bỏ rơi, trong liên kết với tất cả anh chị em Kitô hữu khác, và trong sự cộng tác với tất cả mọi người Á Châu thuộc các niềm tin khác. Hội nhập văn hóa, đối thọai, công lý, và chọn lựa người nghèo là những khía cạnh của bất cứ gì chúng ta làm.[16]
(1) Xuất phát từ hoàn cảnh đa dạng và đa nguyên
FABC không ngừng tìm cách làm cho Kitô giáo và các Giáo Hội địa phương trở thành thực sự là một phần của đời sống ở Á Châu. Các giám mục nhận thức sâu sắc rằng sự đa dạng về văn hóa và sự đa nguyên tôn giáo nằm ở trung tâm của bản sắc Á Châu. Sự đa dạng và đa nguyên này, vì thế, không phải là cái gì cần phải bị loại bỏ, nhưng trái lại ta phải vui vì nó và thăng tiến nó. Quả thực, các Kitô hữu Á Châu sống và làm việc với các tín đồ thuộc các tôn giáo khác là chính người trong gia đình mình, láng giềng mình, bạn hữu và đồng nghiệp của mình - cùng chia sẻ vui buồn sướng khổ của cảnh sống hằng ngày. Trong khi Đức Gioan Phaolô II nêu bật những thành quả cầu nguyện và đối thọai liên tôn diễn ra ở Assisi, thì các Kitô hữu Á Châu sống hằng ngày trong ‘khung cảnh Assisi’ đó. Trong khi đức giáo hoàng phải mời các đại diện thuộc các tôn giáo khác đến Assisi để cầu nguyện và đối thọai, thì các Kitô hữu Á Châu thường xuyên sống giữa các anh chị em thuộc các tôn giáo khác, thường xuyên ở trong một cuộc đối thọai trong đời sống với họ.
(2) Hạn từ ‘missio inter gentes’
Có lẽ hạn từ “missio inter gentes” là thích đáng nhất để diễn tả đường lối sứ mạng học của FABC - vì hạn từ này nói lên sự dứt khoát vượt qua những phương thức sứ mạng của quá khứ và nay không còn phù hợp nữa. Hạn từ ‘missio inter gentes’ được nêu ra lần đầu tiên bởi William R. Burrows trong bối cảnh bài nói chuyện của Michael Amaladoss “Đa Nguyên Tôn Giáo Và Việc Rao Giảng Đức Giêsu Kitô Trong Khung Cảnh Á Châu” tại cuộc Hội Nghị Thường Niên lần thứ 56 của Hội Thần Học Công Giáo Mỹ (Milwaukee, 2001). Nhà thần học Peter C. Phan cũng sử dụng hạn từ này như một sự thay thế cho ‘missio ad gentes’ khi ông thảo luận về ý nghĩa của hoán cải trong ‘thần học sứ mạng mới’.[17]
(3) Tính thích đáng của hạn từ
Quả thực, người ta có thể nói rằng sứ mạng học của FABC là một sứ mạng học thiên về ‘sứ mạng ở giữa các dân tộc’, với sự nhấn mạnh đặt ở sự liên đới và hòa điệu giữa khung cảnh đa dạng và đa nguyên. Hình ảnh truyền thống của sứ mạng như là ‘sai ra đi’ xem ra không còn thiết thực nữa - không chỉ bởi vì hình ảnh đó ‘quá gắn kết với một mẫu thức Giáo Hội nặng tính cơ chế và phẩm trật’, nhưng còn bởi vì hình ảnh ấy hàm nghĩa rằng sứ mạng là một ‘con đường một chiều’, không mấy xét đến sự hiện diện và hoạt động sẵn có của Thiên Chúa trong thế giới.[18]
Sự nhấn mạnh thường xuyên của FABC đặt trên mối liên đới, hiệp thông với các dân tộc Á Châu quả thực là missio inter gentes xét theo mọi khía cạnh của hạn từ này. Giáo Hội Á Châu nhận ra rằng để tồn tại mình phải hòa nhập vào trong cái đa dạng và đa nguyên ở đây, chia sẻ đời sống với đồng bào và phục vụ cho sự sống, như Đức Giêsu đã làm - đúng hơn là rao giảng cho các dân tộc với hi vọng làm cho họ bỏ tôn giáo của họ và theo Kitô giáo.
Nói tắt, điều mà FABC hi vọng đạt được ở Á Châu có thể được mô tả tốt nhất là ‘missio inter gentes’ (sứ mạng ở giữa các dân tộc) - với cuộc đối thọai ba mặt với các nền văn hóa, các tôn giáo và người nghèo ở Á Châu. Nghĩa là, chứng tá đời sống là phương tiện hữu hiệu nhất để loan báo Tin Mừng và phục vụ nhân danh Đức Kitô.
Trước hết, nếu có một điểm chung giữa hai kiểu thức, thì đó chính là sự cần thiết của sứ mạng ở Á Châu. Trên nguyên tắc, FABC không phản đối mục tiêu sứ mạng là mang Tin Mừng của Đức Kitô - tức tình yêu, hi vọng, và giải phóng - đến cho mọi dân tộc ở Á Châu. FABC cũng xác nhận rằng Giáo Hội tự bản chất có tính sứ mạng thừa sai.
Một đàng, hầu như kiểu thức missio ad gentes tập chú đến khía cạnh tại sao, cái gì, và ai của sứ mạng - cố gắng biện minh cho sự cần thiết của sứ mạng và cố gắng trình bày nội dung của sứ mạng. Người ta có ấn tượng rằng kiểu thức missio ad gentes xuất phát từ nhãn giới về các nhà thừa sai ra đi đến với những người chưa được rửa tội. Trong khi đó, FABC xem vấn đề tại sao, cái gìai là đương nhiên không cần bàn luận; thay vào đó FABC tập chú đến khía cạnh thế nào của sứ mạng - tức vấn đề phương pháp luận và các phương thức.
Quan trọng hơn, sự khác biệt giữa hai kiểu thức nổi rõ nơi cách tiếp cận khác nhau đối với vấn đề đa nguyên tôn giáo. Nói chung, missio ad gentes không thoải mái với đa nguyên tôn giáo, xem tình trạng đa nguyên tôn giáo như một thách đố lớn đối với Tin Mừng Kitô giáo. Sở dĩ thế bởi vì phương thức missio ad gentes cắm rễ trong cái nhìn về Kitô giáo như tôn giáo thống trị trong khung cảnh chính trị, văn hóa và xã hội Au Châu - mặc dù ngày nay nó đang bị cạnh tranh ráo riết bởi chủ nghĩa thế tục và hậu hiện đại.
Nói riêng, missio ad gentes giả thiết một cái nhìn cổ điển trong đó Au Châu (hay Rôma) được xem như trung tâm của Chân Lý, và công cuộc sứ mạng là việc các nhà thừa sai Au Châu thuộc các hội truyền giáo hay các dòng truyền giáo ra đi đến với các vùng mà sự ngu dốt còn đang thống trị. Như vậy, missio ad gentes dành ưu tiên cho việc rao giảng bằng lời, xem đó như phương thức chủ yếu của sứ mạng Kitô giáo, nhất là việc rao giảng minh nhiên và trực tiếp về Đức Kitô là Đấng Cứu Độ độc nhất của con người. Mục tiêu của missio ad gentes là: cuối cùng thì đa nguyên tôn giáo sẽ nhường chỗ, và những người ngòai Kitô giáo sẽ đón nhận Tin Mừng, bởi vì chỉ Kitô giáo mới có thể thỏa mãn những niềm hi vọng sâu xa nhất của những người ngòai Kitô giáo.
Đối với những người ủng hộ kiểu thức missio ad gentes, mặc dù chứng tá đời sống và đối thọai là những chiều kích quan trọng của công cuộc sứ mạng, chúng cũng không thể ưu tiên hơn việc rao giảng trực tiếp bằng lời. Một cách tiếp cận như thế rõ ràng chủ yếu có tính suy diễn, rút ra từ những nguyên tắc phổ quát và trừu tượng, và không liên can trực tiếp với các thực tại đa dạng và đa nguyên của Á Châu. Mặc dù những người ủng hộ cái nhìn này có ý thức về các thực tại đa dạng và đa nguyên của các tôn giáo, các nền văn hóa và các dân tộc Á Châu, họ không coi sự đa dạng này như một phần của năng lực sáng tạo của Thiên Chúa. Lý do năm ở chỗ cách làm thần học theo phương pháp suy diễn của họ, trong đó lịch sử cứu độ được hiểu như một diễn tiến thẳng băng từ đức tin tiền-Thánh-Kinh tới Thánh Kinh, và tới tột đỉnh nơi Đức Kitô xét như Đấng Cứu Độ duy nhất của thế giới.
Trái lại, FABC xem đa nguyên tôn giáo không như một cái gì phải được đương đầu và vượt qua, nhưng như một yếu tố làm nên khung cảnh Á Châu. Chính vì thế, các giám mục Á Châu không ngừng cho thấy mối quan tâm tìm kiếm một phương thức sứ mạng ít có tính đối đầu hơn. Trong khi không bỏ qua tầm quan trọng của rao giảng, FABC đánh giá cao tình thân hữu và sự tín nhiệm, việc xây dựng các mối tương quan và đối thọai, cũng như sự liên đới và hòa điệu như những yếu tố thiết định sứ mạng Kitô giáo ở Á Châu. Bởi vì phương thức sứ mạng của FABC tập chú trên sự thấm nhập của Tin Mừng Kitô giáo và các Giáo Hội địa phương vào trong các thực tại Á Châu, với tinh thần dấn thân phục vụ sự sống, nên chúng ta có thể mệnh danh đó là missio inter gentes - sứ mạng ở giữa các dân tộc Á Châu.
Một cách chuyên biệt, FABC nhìn lịch sử cứu độ của lục địa Á Châu như được thể hiện trong lịch sử, các tôn giáo, các nền văn hóa, các thách đố, cảm hứng và hi vọng của các dân tộc ở lục địa này. Đối với FABC, lịch sử cứu độ đã không bắt đầu với việc Kitô giáo đặt chân đến Á Châu. Đúng hơn, FABC nhìn nhận sự hiện diện và hoạt động cứu độ của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần trong và xuyên qua các truyền thống tôn giáo Á Châu trước cả việc Kitô giáo đặt chân đến đây - và sự hiện diện và hoạt động ấy cũng tiếp tục như một phần thiết yếu của lịch sử tôn giáo Á Châu đang diễn tiến.
Rõ ràng, phương thức sứ mạng của FABC, tức cuộc đối thọai ba mặt với các dân tộc Á Châu (văn hóa, tôn giáo, và sự nghèo đói), cũng như việc thăng tiến Nước Thiên Chúa xét như mục tiêu chính của sứ mạng cho thấy một đường lối sứ mạng tự yếu tính của nó không phải là tới (ad) nhưng là ở giữa (inter) các dân tộc Á Châu. Nói riêng, FABC đã không ngừng xác quyết rằng công cuộc sứ mạng Kitô giáo phải được thực hiện không phải cho chính nó, cũng không phải cho sự phát triển của Giáo Hội, nhưng là cho Nước Thiên Chúa. Vì Giáo Hội phục vụ cho Nước Thiên Chúa, nên các Kitô hữu Á Châu được mời gọi đóng góp cho các nền văn hóa, các tôn giáo Á Châu và trả lời cho các thách đố kinh tế xã hội ở đây - ngay cả dù những nền văn hóa, tôn giáo và những xã hội này không trở thành ‘Kitô’ theo nghĩa cơ chế.
Đối với FABC, các thừa sai không được gọi để chinh phục thế giới Á Châu nhân danh một Đức Kitô đắc thắng, hay xây dựng một thể chế Kitô giáo hãnh thắng trên mảnh đất Á Châu, nhưng là để phục vụ bằng cách trao hiến chính mình, mang sức sống và hi vọng của Nước Thiên Chúa lại cho một thế giới đầy những thách đố và các vấn đề. Nghĩa là, trong khi những người hậu thuẫn kiểu thức missio ad gentes gán tầm quan trọng cho sự phát triển có thể đo lường bằng việc gia tăng những con số hay mở rộng trong địa dư, thì FABC chọn một phương thức phẩm tính (qualitative approach) nhắm tìm cách chuyển hóa và chữa trị sự gãy đổ trong các nền văn hóa và các thực tại Á Châu. Nói cách khác, FABC chấp nhận rằng Giáo Hội Á Châu sẽ luôn luôn là một “đàn chiên nhỏ” trong đại dương các nền văn hóa và các tôn giáo của một Á Châu đa nguyên - trong khi những người hậu thuẫn kiểu thức missio ad gentes mơ về một ngày Giáo Hội sẽ lớn lên và thu tóm đại đa số người Á Châu, và trong tiến trình đó sẽ gây ra sự tiêu diệt các thế giới lớn ở đây.
Trong chiều hướng này, FABC xác tín rằng “nếu không khám phá ra căn tính của mình, các Giáo Hội Á Châu sẽ không có tương lai.”[19]
Thần học sứ mạng của FABC không bắt đầu từ phía trên hay từ trung tâm, nhưng là từ phía dưới và từ ngoài rìa, di chuyển về trung tâm. Đối với FABC, sứ mạng và việc loan báo Tin Mừng không phải là một ‘con đường một chiều’, một ‘sự rao giảng một chiều’ về những nguyên tắc tín lý hay những chân lý đức tin trừu tượng. Vì vậy, khi xây dựng phương thức missio inter gentes để thực thi sứ mạng Kitô giáo ở Á Châu, FABC bắt đầu không phải với những ý niệm và phạm trù thần học trừu tượng phổ quát, nhưng với những kinh nghiệm đời sống và những thách đố khác nổi lên từ cuộc gặp gỡ đang diễn ra với các thực tại hiện nay của Á Châu và với những bối cảnh đặc thù Á Châu. Đối với FABC, sứ mạng là một cái gì lớn rộng hơn việc trồng một Giáo Hội địa phương mới ở nơi mà nó chưa hiện diện. Các giám mục Á Châu không coi các dân tộc Á Châu như những đối tượng của sứ mạng, theo nghĩa là phải được giúp cải giáo và đưa vào Giáo Hội, mặc dù các Kitô hữu sẵn sàng mời gọi họ như thế. Đúng hơn, tiêu điểm của sứ mạng inter gentes của các Giáo Hội địa phương Á Châu được đồng hóa với chính tiêu điểm của sứ mạng Đức Giêsu: đem Nước Thiên Chúa đến giữa đồng bào mình.
Theo quan điểm của FABC, các Giáo Hội địa phương ở Á Châu được mời gọi cộng tác với sứ mạng đang tiếp diễn của Thiên Chúa để hiện thực hóa Nước Thiên Chúa xuyên qua chứng tá đời sống và cuộc đối thọai ba mặt với các dân tộc Á Châu. Hội nhập văn hóa, đối thọai, và giải phóng con người là những chiều kích thiết yếu của sứ mạng, chứ không phải duy chỉ là sửa soạn cho việc loan báo Tin Mừng (pre-evangelization).
Hơn nữa, FABC nghĩ về sứ mạng của Giáo Hội như là được cảm hứng từ hoạt động trước của Thiên Chúa trong thế giới, xuyên qua sứ mạng của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Thực vậy, theo nhận định của FABC, những nền móng cứu độ học sâu sắc của các tôn giáo và triết học Á Châu vốn truyền cảm hứng cho vô số người Á Châu không phải là sự dữ, nhưng xuất phát từ chính Thiên Chúa. Vì thế, FABC dứt khoát khẳng định rằng kho tàng khôn ngoan của các triết học Á Châu và các yếu tố cứu độ học của các tôn giáo Á Châu đều được tác động bởi Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động vượt quá các ranh giới của Giáo Hội cơ chế.
Phương thế chủ yếu của missio inter gentes là đối thọai, một cuộc gặp gỡ hai chiều giữa Tin Mừng Kitô giáo với các thực tại ba mặt của Á Châu: các nền văn hóa, các tôn giáo và người nghèo. Ở đây, điều rõ ràng là không chỉ các thực tại xã hội tôn giáo Á Châu được làm phong phú hơn bởi Kitô giáo, nhưng Kitô giáo cũng được làm cho thêm phong phú bởi các thực tại xã hội tôn giáo Á Châu. FABC xem đối thọai và hòa điệu là điều thiết yếu; cách riêng, đối thọai có tiềm năng đem lại cơ hội cho các bên - để cho dù với những thế giới quan khác nhau các bên có thể đi vào những chân trời của nhau, hiểu nhau hơn và kiến tạo những mối quan hệ hòa điệu với nhau.

[1] Những nhận định này được đưa ra bởi Peter Phan trong bài điểm sách Introducing Theologies of Religions của tác giả Paul Knitter. Xem Horizons 30 (2003), p. 117.
[2] For All the Peoples of Asia, vol. 1, p.14.
[3] Ibid., p. 115.
[4] For All the Peoples of Asia, vol. 3, p. 334.
[5] Ibid., p. 111.
[6] Michael Amaladoss, The Challenges of Mission Today, trong Trends in Mission: Toward the Third Millennium (Maryknoll: Orbis 1991), p. 362.
[7] For All the Peoples of Asia, vol. 1, p. 282.
[8] For All the Peoples of Asia, vol. 1, p. 280.
[9] For All the Peoples of Asia, vol. 3, pp. 12-13.
[10] For All the Peoples of Asia, vol. 2, p. 158.
[11] For All the Peoples of Asia, vol. 1, p. 120.
[12] Felix Wilfred, Inculturation As A Hermeneutical Question, trong Vidyajyoti 52 (1988), p. 427.
[13] Michael Amaladoss, Missionary Challenges in Asia, trong Jeevadhara 30 (2000), p. 340.
[14] For All the Peoples of Asia, vol. 1, p. 252.
[15] For All the Peoples of Asia, vol. 1, p. 282.
[16] For All the Peoples of Asia, vol. 3, p. 8.
[17] Peter C. Phan, The Mission of God: Its Challenges and Demands in Today’s World, trong East Asian Pastoral Review 42, p. 124.
[18] Donal Dorr, Mission in Today’s World, (Maryknoll, New York: Orbis, 2000), p. 189.
[19] Asian Colloquium on Ministries in the Church, Art. 14.



Tác giả Lê Công Đức, Lm.

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Các bằng chứng về Đấng Phục Sinh


Bài 13 - Lớp Kitô học trong Năm Đức Tin: Các bằng chứng về Đấng Phục Sinh
(Cập nhật: 12/04/2013 08:46:09)
Các bằng chứng về Đấng Phục Sinh
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Chúa Giêsu Phục Sinh là tâm điểm của toàn bộ lời rao giảng của các tông đồ cũng như của tất cả đời sống đức tin của tín hữu vì “nếu Đức Kitô không sống lại, lời rao giảng của chúng tôi sẽ vô ích và lòng tin của anh em cũng thực là trống rỗng…” (1 Cr 15,14-19). Do đó, chúng ta phải tập trung sự chú ý và học hỏi thật nhiều về Đấng Phục Sinh.
Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta đã tìm hiểu Chúa Giêsu chết như 1 con người, như Đấng Messia và như Ngôi Lời Thiên Chúa. Cái chết của Người không phải là hậu quả tất yếu của tội lỗi, từ nguyên tội của con người vì Đức Giêsu không phạm tội, nhưng đến từ sự khiêm hạ của Thiên Chúa, là hoạt động của tình yêu Thiên Chúa xuống với con người để đưa con người về với Thiên Chúa (x. ĐGH Bênêđcitô XVI, Đức Giêsu thành Nazareth, phần II, chương 9 “Cuộc phục sinh của Đức Giêsu từ trong cõi chết”). Vì thế, cuộc sống lại của Đức Giêsu cũng sẽ là hậu quả tất yếu của Tình yêu Thiên Chúa.
Cuộc sống lại này được diễn tả bằng 2 bằng chứng: ngôi mộ trống và các lần hiện ra của Đấng Phục Sinh. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về những bằng chứng này để tăng thêm sự hiểu biết và niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh vì cuộc sống lại của Đức Giêsu vừa là sự kiện có thật xảy ra trong lịch sử mà ta phải dùng lý trí để tìm hiểu vừa là một mầu nhiệm mà ta cần phải có đức tin để khám phá ra những ý nghĩa của sự kiện này.
1. Ngôi mộ trống
Qua bài Tin Mừng của Lễ Canh thức Vượt Qua (x. Lc 24,1-12) cũng như của Lễ Phục Sinh (x. Ga 20,1-9), Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm về ngôi mộ trống như dấu hiệu đầu tiên chứng minh Đức Giêsu đã sống lại.
1.1. Ngôi mộ an táng Chúa Giêsu và các dữ liệu liên quan
1.1. Cách thức an táng của người Do Thái
Trước hết, chúng ta nên tìm hiểu đôi chút về ngôi mộ và cách an táng của người Do Thái, dù một số anh chị em có lẽ cũng biết rồi. Nhiều người, nhất là các bạn trẻ, nghĩ đến mộ là nhớ đến hình ảnh rất quen thuộc trong các nghĩa trang ở nước ta: người ta đào một huyệt lớn rộng khoảng 1m, dài 2m, sâu 2m rồi đặt quan tài xuống đó. Nếu hiểu như vậy, ta sẽ rất khó hình dung ra ngôi mộ an táng Chúa Giêsu và các chi tiết về cuộc sống lại của Người.
Ở nước Do Thái, người ta không đào huyệt và chôn người chết trong quan tài như ở Việt Nam. Do có nhiều đồi núi nên người ta thường khoét sâu vào trong sườn đồi một hang nhỏ, rộng khoảng 4-5m2, kê một phiến đá phẳng rồi đặt người chết nằm trên phiến đá đó. Mộ có cửa nhỏ để người ta chui vào. Bên trong lòng mộ khoét rộng để một vài người có thể đứng tẩm liệm. Tuỳ theo người giàu hay người nghèo mà ngôi một rộng hẹp khác nhau. Người ta tẩm liệm xác chết bằng cách quấn thật nhiều băng vải, trên mặt thì đặt một khăn dài, rồi đổ dầu thơm và mộc dược lên trên để có thể giữ xác không bị thối rửa trong vòng 3-4 ngày. Trong 3 ngày đầu sau cái chết, người thân thường đến mộ để tẩm liệm. Từ ngày thứ 4, người ta mới đóng cửa mộ và trét vữa kín để xác thân tự huỷ, không bốc mùi ra ngoài.
Chúa Giêsu được táng trong một ngôi mộ mới và được tẩm liệm theo nghi thức của một vị messia vua với cả trăm cân mộc dược và thuốc thơm (x. Ga 19,41). Bên ngoài có một tảng đá lớn che cửa mộ (x. Mt 27,60; Lc 23,58; Ga 1,19,41), nhưng chưa đóng kín mộ vì còn trong thời gian tẩm liệm. Sau khi được mai táng, các thượng tế đã xin Philatô niêm phong ngôi mộ Chúa Giêsu và đặt các binh lính của đền thờ canh ngôi mộ hết sức cẩn thận (x. Mt 27,62-66).
1.2. Sự kiện ngôi mộ trống và các dữ kiện liên quan
Chúa Giêsu được mai táng trong mộ có nghĩa là Người đã đi đến tận cùng của cái chết. Người đã chết một cách nhục nhã và đã được mai táng thật sự chờ ngày thân xác thối rữa, hư nát như bất cứ người nào chết ở trần thế. Tuy nhiên, ngôi mộ chôn táng Đức Giêsu bây giờ trống rỗng. Bài Tin Mừng cũng tả rõ: tảng đá che cửa mộ đã lăn sang một bên, không còn xác Chúa Giêsu bên trong (x. Ga 20,1-2). Hai môn đệ Phêrô và Gioan được báo tin đã chạy tới ngôi mộ và thấy không còn người lính nào canh gác ở đấy. Các băng vải và khăn che mặt Đức Giêsu đã xếp gọn gàng để riêng ra một nơi (x. Ga 20,7).
1.2. Lời giải thích về ngôi mộ trống
Trước hết, chắc chắn đã xảy ra một sự kiện lạ lùng nơi mộ Chúa Giêsu nên mới có chuyện tảng đá che cửa mộ tự nhiên lăn sang một bên và đám lính canh không còn túc trực khiến các phụ nữ và môn đệ đến mộ mà không bị xét hỏi. Thánh Matthêu giải thích: có 1 cơn động đất dữ dội và thiên thần Chúa từ trời xuống đến lăn tảng đá ra và ngồi lên trên khiến bọn lính canh và các phụ nữ hoảng sợ (x. Mt 28,1-4).
Thánh Phêrô, trong bài giảng đầu tiên cho người dân thành Giêrusalem, đã giải thích ngôi mộ trống rỗng là vì Thiên Chúa đã không muốn cho thân xác Đức Giêsu phải chịu cảnh hư nát trong mồ. Điều này ứng nghiệm những lời báo trước của thánh vịnh 16 mà người Do Thái thường đọc: “Thân xác con cũng được nghỉ ngơi trong niềm hy vọng vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát. Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống” (x. Cv 2,26-28). Thánh Phêrô đưa ra bằng chứng: lăng tẩm chôn táng xác thân vua David vẫn tồn tại trước mắt người Do Thái, còn xác thân Đức Giêsu đã không còn trong mộ của Người nên đó là bằng chứng chỉ cho ta biết Người đã sống lại theo đúng lời Thánh Kinh. Vì nếu thật sự Người không sống lại, thì thân xác của Người vẫn còn nằm trong mồ, chịu sự hư nát và như thế lời Thánh vịnh 16 không biết sẽ nói về ai (x. Cv 2,29). Trong bài giảng khác (x. Cv 10,34.37-43), thánh Phêrô cũng nhắc lại lời làm chứng của mình về cuộc sống lại của Đức Giêsu.
Các thượng tế và luật sĩ đã từng lường trước việc các môn đệ Đức Giêsu có thể đến lấy trộm xác Người rồi phao tin đồn rằng Đức Giêsu đã sống lại như Matthêu đã nói về dự đoán này (x. Mt 28,11-15). Tuy nhiên, những ghi nhận về việc các dải băng liệm và khăn che mặt Đức Giêsu được xếp gọn gàng để lại trong mồ muốn giải thích điều bịa đặt kia là vô lý. Các môn đệ Chúa Giêsu làm sao có thể đương đầu với sức mạnh của quân lính đền thờ và quân đội Rôma nếu họ muốn đến gần mộ để cướp xác Người. Nếu họ làm vậy thì họ phải nhanh chóng ôm xác và thoát khỏi hiện trường càng sớm càng tốt thay vì ngồi lại gỡ từng tấm băng. Hơn nữa, họ ôm cái xác bất động của Chúa Giêsu về nhà làm gì vì khi còn sống, Đức Giêsu đã không cứu nổi mình thì khi chết rồi xác Người cứu được ai? Vì thế, tông đồ Gioan “đã thấy” các băng vải và khăn che mặt nên “đã tin” rằng Đức Giêsu thật sự trỗi dậy từ cõi chết như Người đã báo trước nhiều lần khi còn sống.
Chúng ta cũng không muốn nhắc đến những cuộc nghiên cứu khoa học đối với khăn liệm thành Turinô mới được công bố trong tác phẩm Il Mistero della Sindone ra mắt ngày 29/3/2013 của giáo sư Giulio Fanti và nhà báo Saverio Gaeta ở Ý để xác định thật sự chất liệu vải in hình Chúa Giêsu đúng là thuộc vào thời của Người (x. Báo Thanh Niên, bài Rửa oan cho vải liệm Turin, ngày 3/4/2013, trang 10B).
1.3. Những ngôi mộ trống trong thời đại hôm nay
Dù chôn táng người chết thế nào, các ngôi mộ vẫn hằng ngày mọc lên trên khắp thế giới và rất nhiều lần người ta đã muốn chôn lấp trong đó những con người là hiện thân của Đức Giêsu (x. Mt 25). Họ là những nạn nhân của sự bất công và đói khổ, của phản bội và lọc lừa, của các thủ đoạn chính trị và đủ loại tội ác. Họ đang bị chôn sống ở đấy, bị gạt ra ngoài lề xã hội, và nhiều người đã thật sự chết.
Những ngôi mộ đó đang cần các môn đệ của Đức Giêsu như Maria Magdala, Phêrô, Gioan và nhiều người chúng ta can đảm chạy đến, mang theo dầu, đèn để khám phá và giải cứu các nạn nhân bằng một tình yêu mãnh liệt đối với Đức Giêsu. Biết rằng chạy đến ngôi mộ, chúng ta có thể bị nghi ngờ, bị bắt giữ, bị bôi nhọ, bị kết án, nhưng tình yêu đối với những Giêsu chịu đóng đinh và mai táng đòi buộc ta không được ngồi yên bất động hay tránh né hành động vì sự an toàn của chính mình. Chính khi chúng ta chạy tới với tất cả lòng can đảm và tình yêu, chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu hành động bằng quyền năng cứu độ vô biên của Người được chuyển thông sang ta để làm cho các ngôi mộ ấy trống rỗng, các con người đang chết về thể xác cũng như tinh thần được trỗi dậy.
Đó là sứ điệp về ngôi mộ trống được Chúa Phục Sinh gửi gắm cho Kitô hữu chúng ta. Xin Đấng Phục Sinh và Thần Khí của Người luôn thôi thúc chúng ta biết thao thức, chạy tới và hành động để cứu giúp những ai đang bị chôn sống trong những nấm mồ cuộc đời.
2. Những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh
Những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh là những bằng chứng tích cực giúp cho người tín hữu xác tín về sự hiện diện sống động của Đấng Phục Sinh và ra đi làm chứng cho Người. Chính vì tình yêu thương vô bờ, Đức Giêsu đã hiện ra rất nhiều lần cho các tông đồ, các môn đệ để giúp chúng ta hiểu được lòng thương yêu vô biên của Người và để chúng ta được chia sẻ sự sống diệu kỳ của Thiên Chúa.
Vì thế, chúng ta sẽ dành ít phút để tìm hiểu về những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh.
2.1. Chúa Giêsu hiện ra bao nhiêu lần?
Chúng ta có thể nói rằng: Đức Giêsu phục sinh đã hiện ra 14 lần. Thánh Ignatiô Loyola, sáng lập ra dòng Tên, đã kể lại những lần hiện ra đó trong tác phẩm “Những Bài Linh Thao” viết vào năm 1544 của ngài (x. Bản dịch của Lm. Đinh Văn Trung S.J, từ số 299 đến 312). Chúng tôi ghi lại dưới đây, trừ số 310 nói về cuộc hiện ra với ông Giuse Arimathia, vì thánh Ignatiô viết theo lòng đạo đức thời đó nhưng thiếu dữ liệu Thánh Kinh. Chúng tôi mạo muội thay thế bằng cuộc hiện ra với tất cả các tông đồ theo thánh Phaolô (x. 1Cr 15,7), như thế hợp lý hơn. Có 13 lần hiện ra đã được Thánh Kinh ghi nhận.
2.1.1.Cuộc hiện ra đầu tiên với Mẹ Maria
Dù không được Thánh Kinh ghi nhận nhưng các thánh Giáo phụ vẫn tin rằng Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra đầu tiên với Mẹ Maria vì Mẹ đã đóng góp nhiều nhất cho cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Mẹ đã theo Người trên suốt chặng đường khổ giá, đã đứng vững dưới chân thập tự và vững lòng tin tưởng vào việc Chúa Cha sẽ cho Con mình trỗi dậy từ cõi chết như Thánh Kinh đã báo trước nên Mẹ xứng đáng được Chúa Giêsu hiện ra trước tiên.
2.1.2. Chúa Giêsu hiện ra với bà Maria Magdala (x. Ga 20, 1-18; Mc 16,1-11; Lc 24,1-11; )
Vào sáng sớm tinh sương của ngày thứ nhất trong tuần, bà Maria Magdala, bà Maria mẹ ông Giacôbê, bà Salomê và nhiều phụ nữ khác mang dầu đến mộ để ướp xác Đức Giêsu. Họ thấy tảng đá che cửa mộ đã được lăn sang một bên và thấy thiên thần nhắc bảo rằng: “Đức Giêsu bị đóng đinh đã trỗi dậy rồi”. Chúa Giêsu đã hiện ra với bà Maria Magdala vì bà đã ở lại cạnh mồ Chúa sau khi những người khác đi khỏi. Thánh Gioan đặc biệt ghi lại sự kiện này để nêu gương tình yêu của bà Maria Magdala đối với Đức Giêsu vì chị đã thao thức nhiều nhất, đã chạy đến mồ sớm nhất và đã nhường cho cả hai vị tông đồ Phêrô và Gioan quyền vào trong mộ xem chuyện gì đã xảy ra.
2.1.3. Chúa hiện ra với các phụ nữ (Mt 28,1-10; Mc 16,1-7; Lc 24,1-11)
Các bà Maria Magdala, bà Gioanna, bà Maria ông Giacôbê và nhiều bà khác đã đến viếng mồ Chúa và được thiên thần giao sứ mệnh báo tin cho các môn đệ Chúa Giêsu rằng Người đã sống lại. Đức Giêsu đón gặp và hiện ra với các bà, các bà tiến lại gần, ôm lấy chân Người và bái lạy Người. Chúa Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Hãy về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”.
2.1.4. Chúa Giêsu hiện ra với ông Simon Phêrô (x. Lc 24,9-12; 33-34)
Khi nghe các phụ nữ báo tin rằng Đức Giêsu đã sống lại, thánh Phêrô đã chạy đến mồ, nhưng chỉ thấy mồ trống và các khăn vải liệm xác Chúa Giêsu. Ông rất ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra. Đang khi ông suy nghĩ về những sự việc này, Chúa Giêsu đã hiện ra với ông để giúp ông mạnh tin, bỏ hết những mặc cảm tội lỗi quá khứ vì Chúa đã tha thứ và can đảm lãnh đạo cộng đồng tín hữu. Vì thế, các tông đồ đã nói với các môn đệ trở về từ Emmaus: “Chúa đã trỗi dậy thật rồi và đã hiện ra với ông Simon”.
2.1.5. Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ đi Emmaus (x. Lc 24,13-35)
Khi nghe tin mồ của Đức Giêsu trống rỗng, hai môn đệ sợ nhà chức trách sẽ điều tra nên vội vã đi về Emmaus. Quãng đường này dài khoảng hơn 14 cây số và đi bộ mất chừng 3-4 giờ. Chúa Giêsu hiện ra và cùng đi với họ như khách bộ hành. Người giải thích cho họ hiểu rằng Đức Kitô phải chịu khổ hình rồi mới vào trong vinh quang của Người. Người vào trong hàng quán theo yêu cầu của họ và họ đã nhận ra Người lúc Người bẻ bánh. Nhưng Người biến đi ngay. Hai môn đệ vội quay trở về Giêrusalem với cộng đồng tín hữu.
2.1.6. Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ ở nhà Tiệc Ly (x. Ga 20,19-23)
Vào buổi chiều ngày Chúa phục sinh, các môn đệ tụ họp trong nhà. Các cửa đều đóng kín vì các ông sợ nhà chức trách Do Thái. Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông trong khi cửa vẫn đóng kín, và nói: “Bình an cho anh em”. Nói xong Người cho các ông xem tay và cạnh sườn để các ông hiểu Người chính là Đấng bị đóng đinh trước đây. Rồi Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” để tha thứ tội lỗi và hoàn thành sứ mạng Người giao phó.
2.1.7. Chúa Giêsu hiện ra với ông Tôma (x. Ga 20,24-29)
Tông đồ Tôma vắng mặt khi Chúa Giêsu hiện đến lần thứ trước, nên ông đòi phải trông thấy các dấu đinh ở tay Chúa và vết giáo ở cạnh sườn Chúa thì mới tin Chúa sống lại. Lần này Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và nói riêng với Tôma theo yêu cầu của ông: “Hãy đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Hãy đưa bàn tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Ông Tôma đã tuyên xưng đức tin của mình: “Lạy Chúa của con. Lạy Thiên Chúa của con”. Đức Giêsu nói với ông: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin”.
2.1.8. Chúa Giêsu hiện ra với bảy môn đệ ở bờ biển Galilê (x. Ga 21,1-17)
Chúa Giêsu hiện ra với bảy môn đệ ở bờ biển Tibêria miền Galilê. Các ông đi đánh cá và vất vả suốt đêm mà không được gì. Thả lưới theo lệnh của Người đứng trên bờ, các ông đã bắt được rất nhiều cá. Phép lạ này gợi cho các ông lần đánh được nhiều cá trước đây(x. Lc 5,4-11), khi Chúa chưa chịu chết, và các ông nhận ra Người. Trên bờ, Chúa Giêsu đã chuẩn bị sẵn cho các ông bếp lửa sưởi ấm, trên để cá và có cả bánh nữa để các ông bồi dưỡng sau một đêm mệt nhọc. Chính trong bữa ăn này Chúa Giêsu hỏi thánh Phêrô 3 lần về tình yêu và giao phó cho ông sứ mạng chăn dắt đàn chiên.
2.1.9. Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ trên núi (x. Mt 28,16-20)
Các môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã chỉ trước. Chúa Giêsu hiện đến với các ông và nói: “Thầy được trao toàn quyền trên trời và dưới đất. Vậy anh em hãy đi khắp nơi để giảng dạy cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
2.1.10. Chúa Giêsu hiện ra với hơn năm trăm môn đệ (x. 1Cr 15,6)
Vào khoảng năm 57, thánh Phaolô viết bức thư thứ I gửi giáo đoàn Corinthô rằng: “Chúa Giêsu hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy, phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ”. Sau khi Chúa Giêsu chết vào ngày 7 tháng 4 năm 30 và sống lại sau đó, Chúa đã hiện ra với nhiều người vì Chúa muốn cho cộng đồng môn đệ thật sự cảm nghiệm được sự hiện diện sống động của Người để làm chứng cho Người.
2.1.11. Chúa Giêsu hiện ra với thánh Giacôbê (x. 1Cr 15,7)
Thánh Phaolô còn kể lần Chúa hiện ra với riêng thánh Giacôbê. Ngài là người anh em họ với Chúa Giêsu (x. Mt 13,55; Cv 1,14; Gl 1,19), phân biệt với thánh Giacôbê là anh em ruột của thánh Gioan tông đồ. Ngài có địa vị lớn trong thời giáo hội sơ khai và cai quản giáo đoàn Giêrusalem. Thánh Phaolô đã đến chào thăm ngài (x. Gl 1,19-29) và trường trình cho ngài hoạt động tông đồ của mình (x. Cv 15,13-34; 21,18). Chúa Giêsu hiện ra riêng với thánh Giacôbê như để khích lệ và nâng đỡ ngài trong trách nhiệm quan trọng thời giáo hội sơ khai vào những lúc khó khăn nguy hiểm.
2.1.12. Chúa Giêsu hiện ra với tất cả các tông đồ (x. 1Cr 15,7)
Thánh Phaolô ghi nhận Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với “tất cả các tông đồ”. Ngài phân biệt “Nhóm Mười Hai” với các tông đồ, dù rằng Nhóm Mười Hai cũng được gọi là tông đồ (x. Mt 10,2; Mc 6,30; Lc 6,13; 22,14; Cv 1,2.26; 2,42; 4,33.35; 5,12.18…). Tông đồ theo nghĩa chữ là “người được sai đi”. Tất cả những ai được Chúa kêu gọi, chọn lựa và sai đi đều được Chúa Phục Sinh hiện ra để giúp họ cảm nghiệm Người đã trỗi dậy từ cõi chết, đang sống với mình và ban nhiều ân phúc để họ làm chứng cho Người.
2.1.13. Chúa Giêsu hiện ra với Thánh Phaolô (x. 1Cr 15,8-10)
Thánh Phaolô đã xác nhận rằng: “Sau cùng, Chúa Giêsu Phục Sinh cũng đã hiện ra với tôi chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non. Tôi là người hèn mọn nhất trong số các tông đồ, tôi không đáng được gọi là tông đồ vì đã ngược đãi Hội Thánh Chúa. Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu”. Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với thánh Phaolô trên đường ngài đến Damas để tìm bắt các tín hữu giải về Giêrusalem. Chúa đã giao phó cho ngài sứ mạng loan báo Tin Mừng cho muôn dân (x. Cv 9,1-30) để ngài thật sự xác tín về những điều mình rao giảng.
2.1.14. Chúa Giêsu lên trời (x. Cv 1,1-11)
Trong khoảng thời gian 40 ngày, Đấng Phục Sinh đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ “để chứng tỏ cho họ thấy là Người vẫn sống sau khi chịu khổ hình. Người nói chuyện với họ về nước Thiên Chúa, truyền cho họ ở lại Giêrusalem để nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần và rồi sẽ đi đến tận cùng trái đất để làm chứng cho Người”. Sau cùng, Người dẫn họ lên núi Olive và Người được cất lên trời ngay trước mắt họ (x. Mc 16,19-20; Lc 24,50-51). Trong khi họ còn nhìn lên trời, các thiên thần nhắc bảo họ rằng: Đức Giêsu sẽ ngự đến y như họ thấy Người lên trời. Các môn đệ bái lạy Người, rồi trở về Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ (x. Lc 24,53).
Đó là tóm lược 14 lần hiện ra của Chúa Phục Sinh.
2.2. Tìm hiểu đặc tính các lần Chúa hiện ra để hiểu được bản chất của đời sống mới
2.2.1. Đặc tính các lần hiện ra
Chúng ta có thể nói rằng tất cả các lần hiện ra này đều biểu lộ lòng thương xót vô bờ và tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa đối với tất cả chúng ta là con cái của Ngài, để chia sẻ cho chúng ta sự sống lạ lùng của Đấng Phục Sinh đồng thời để làm chứng nhân cho Người. Đó là động lực và mục đích của việc hiện ra.
Khi hiện ra, Chúa Giêsu cũng không phân biệt hay kỳ thị nam nữ, dù rằng vào thời đó người ta chỉ coi trọng lời chứng của nam nhân và chỉ lời chứng đó mới có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn hiện ra rất nhiều lần với các phụ nữ: từ việc hiện ra với Mẹ Maria, với bà Maria Magdala, với các phụ nữ trong nhóm các môn đệ ở nhà Tiệc Ly, ở trên núi miền Galilê, trong nhóm hơn 500 người, hay với tất cả các “tông đồ” hoặc cuối cùng trên núi Olive. Điều này đem lại niềm vui cho tất cả chúng ta vì đều được Chúa Giêsu yêu thương và giao phó sứ mạng làm chứng cho Người.
Chúa Giêsu không phân biệt chức vị cao thấp, tốt xấu: Người hiện ra với thánh Phêrô, thánh Giacôbê là các tông đồ trưởng, nhưng cũng hiện ra với những môn đệ thấp kém, vô danh vì Người yêu tất cả. Người cũng không phân biệt người thánh thiện hay kẻ tội lỗi vì hiện ra với Người Mẹ Thánh và cả với thánh Phaolô trên đường đi Damas để tìm bắt các tín hữu Kitô. Vì thế, ta đừng bao giờ mang mặc cảm về sự yếu kém hay tội lỗi và nghĩ rằng chẳng bao giờ Chúa Giêsu hiện ra với mình.
2.2.2. Các vấn đề khó giải đáp trong lịch sử
Trong lịch sử nghiên cứu Thánh Kinh người ta gặp khá nhiều vấn đề cần giải đáp. Khi chưa giải đáp được thì nhiều tín hữu nại đến lòng tin còn nhiều nhà thần học lại muốn chối bỏ sự kiện, nhất là khi họ bị ảnh hưởng bởi những ý thức hệ như duy lý, duy tâm, duy thực, duy nghiệm,…Những người chống phá Kitô giáo hay tôn giáo lại dựa vào những vấn đề này để chối bỏ sự kiện sống lại của Chúa Giêsu.
Tuy nhiên, nhờ những khám phá mới của khoa Thánh Kinh, khảo cổ, dân tộc, văn hoá, ngôn ngữ gần đây, nhiều vấn đề này đã được giải đáp. Chúng ta có thể tóm tắt một số điểm chính sau đây:
- Việc tẩm liệm và táng xác Chúa Giêsu (x. Mt 27,57-61; Mc 15,42-47; Lc 23,50-56; Ga 19,38-42): có nhiều điểm dị biệt. Các Tin Mừng Nhất Lãm không nói đến việc xức dầu thơm vào chiều ngày thứ Sáu. Lc 23,56 chỉ nói đến việc chuẩn bị dầu và thuốc thơm, các phụ nữ dự định sẽ xức dầu thơm vào sáng Chủ Nhật, còn Ga 19,39-40 lại mô tả việc xức dầu thơm chiều thứ Sáu.
Khoa Khảo cổ và Dân tộc học Do Thái ngày nay cho chúng ta biết rằng người Do Thái có thói quen tẩm liệm xác bằng dầu thơm trong vòng 3 ngày đầu sau khi chết. Như thế, tất cả các lần xức dầu thơm đều hợp lý.
- Danh sách các phụ nữ đến thăm mộ vào sáng Chủ Nhật rất khác nhau: Matthêu nói đến 2 người là bà Maria Magdala và một bà Maria khác (x. Mt 28,1), Marcô nói đến 3 người là bà Maria Magdala, bà Maria mẹ ông Giacôbê và bà Salômê (x. Mc 16,1), Luca nhắc đến nhiều phụ nữ: bà Maria Magdala, bà Maria mẹ ông Giacôbê, bà Gioanna và nhiều bà khác cùng đi với họ (x. Lc 24,8-10). Trong khi Gioan chỉ nói đến tên Maria Magdala (x. Ga 20,1). Từ sự khác biệt này dẫn đến việc Chúa Giêsu hiện ra với các bà cũng khác nhau. Nhiều nhà Thánh Kinh cho rằng Chúa Giêsu chỉ hiện ra một lần duy nhất với các bà và tuỳ theo mỗi thánh Sử kể cách khác nhau và thêm bớt tên các bà theo từng truyền thống.
Tuy nhiên, ngày nay các nhà nghiên cứu Thánh Kinh cho rằng có nhiều phụ nữ đến thăm mộ Chúa như Luca đã kể, còn Chúa Giêsu hiện ra riêng với bà Maria Magdala như Tin Mừng Marcô (x. Mc 16,9) và Gioan (x. Ga 20,11-18) đã xác định rồi mới hiện ra với các phụ nữ khác (x. Mt 28,9-10).
- Số thiên thần canh giữ mộ cũng khác nhau: một thiên thần theo Matthêu (x. Mt 28,2-7) và Marcô (x. Mc 16,5-7) nhưng hai thiên thần theo Luca (x. Lc 24,4-7) và Gioan (x. Ga 20,12-13). Người ta đã muốn giải đáp vấn đề khác biệt số thiên thần là do truyền thống truyền khẩu (càng kể càng tăng) hoặc do việc sao chép lại các bản văn từ các nguồn khác nhau cũng giống như việc kể tên các phụ nữ đến mồ trống.
Vấn đề được giải quyết khi người ta nghiên cứu ngôi mộ người Do Thái: vì cửa hang hẹp nên ở ngoài nhìn vào có thể chỉ thấy được một thiên thần, nhưng nếu đi hẳn vào trong mộ như Luca và Gioan kể thì người ta thấy được hai thiên thần. Như thế, các thánh sử đều trung thực kể lại những gì các nhân chứng thấy chứ không thêm bớt.
- Trong ngày đầu tiên sống lại, Chúa Giêsu hiện ra với nhiều người, nhất là với Simon Phêrô có thể vào buổi sáng ở Giêrusalem, với hai môn đệ trên đường đi Emmaus và với các môn đệ vào buổi chiều tối ở nhà Tiệc Ly. Người ta thắc mắc làm sao Chúa Giêsu có thể hiện ra cùng lúc với người này người kia trong khi họ lại đang ở những nơi khác nhau và cách xa nhau như thế?
Chúng ta biết Emmaus cách Giêrusalem khoảng 14 cây số (7 dặm) và phải đi bộ mất chừng 3,5 giờ - 4 giờ mới tới nơi. Vậy nếu Chúa Giêsu hiện ra và nói chuyện trên suốt quãng đường và ghé vào quán ăn lúc xế chiều (khoảng 2-3 giờ) thì Người sẽ hiện ra với Simon lúc nào? Trước đây người ta không thể lập một biểu đồ rõ rệt về các lần hiện ra do không biết nhiều về độ dài của quãng đường, nhưng hiện nay các nhà Kinh Thánh có thể xác định Chúa Giêsu hiện ra với Simon Phêrô vào buổi sáng tương đối sớm trước khi hiện ra với các môn đệ đi đường Emmaus.
- Vấn đề càng phức tạp hơn khi nhắc tới lần Chúa hiện ra với các môn đệ vào buổi tối cùng ngày trong nhà Tiệc Ly ở Giêrusalem (x. Ga 20,19-31), vì Chúa Giêsu đã nhắc nhở các phụ nữ rằng Người sẽ gặp các môn đệ ở Galilê (x. Mt 28,7-10; Mc 16,7). Galilê cách ngôi mộ chừng 160 cây số và đi bộ phải mất từ 3-4 ngày đường. Có 2 giả thuyết đặt ra.
Trong giả thuyết đầu tiên: các môn đệ đã không tin lời Chúa nhắn qua các phụ nữ, qua hai môn đệ và các người khác như Marcô và Luca kể (x. Mc 16,11.13.14; Lc 24,22-24) nên đã ở lại Giêrusalem và Chúa đã hiện ra với họ ở đấy. Giả thuyết này được nhiều nhà Kinh Thánh chọn lựa. Tuy nhiên, giả thuyết thứ hai cho rằng các môn đệ có thể tin lời các phụ nữ và đi ngay về Galilê thì Chúa Giêsu vẫn có thể hiện ra với họ trên đường đi và đưa họ về Giêrusalem. Người ta có thể giải đáp những thắc mắc này khi hiểu về bản chất cuộc sống lại kỳ diệu của Chúa Giêsu.
- Việc ghi tên những nơi chốn hiện ra khác nhau ở Giêrusalem, ở biển hồ Tibêria, ở trên một ngọn núi miền Galilê hay trên núi Olive miền Giuđê trước đây được giải thích bằng ý hướng thần học riêng của mỗi Thánh Sử hoặc do những nguồn sao chép khác nhau của các truyền thống khiến người ta nghi ngờ tính chân thật của sự kiện.
Ngày nay, chúng ta tin rằng các Thánh Sử rất trung thực với sự kiện lịch sử khi chọn lựa địa điểm những lần Chúa hiện ra, dù rằng các ngài chọn lựa theo ý hướng thần học riêng của mình.
2.2.3. Bản chất cuộc sống lại của Chúa Giêsu
Thật ra, những thắc mắc trên đây là do con người quá tin vào những kiểu lý luận và đòi hỏi bằng chứng của những người theo chủ nghĩa duy lý, duy khoa học thực nghiệm cũng như chưa hiểu được bản chất cuộc sống lại của Đức Giêsu là gì, cũng như bản chất sự sống kỳ diệu của Chúa chuyển thông cho ta.
Cuộc sống lại của Chúa Giêsu không phải giống như cuộc hồi sinh của con gái ông Giairô (x. Mc 5,22-43), con trai bà goá thành Nain (x. Lc 7,11-17), Ladarô (x. Ga 11,1-41), Euticô (x. Cv 20,9-12), Tabitha (x. Cv 9,36-41). Chúa Giêsu không phải chỉ trở lại cuộc sống bình thường trong không gian và thời gian với các điều kiện vật chất như mọi người mà Người sống một cách thức mới trong chiều kích của Thiên Chúa hằng sống. Đó là niềm vui và hy vọng cho chúng ta. Xin cho chúng ta luôn biết hít thở Thần Khí của Chúa để cảm nghiệm được sự sống mới mẻ này.
Chúa Giêsu sống lại là Người giới thiệu cho chúng ta một sự sống mới, một sự hiện hữu mới để chúng ta thông phần vào sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa, một Thiên Chúa ở khắp mọi nơi và hiện diện trong mọi thời, nên chúng ta thấy dù cửa nhà các môn đóng kín nhưng Chúa Giêsu vẫn hiện ra đứng giữa mọi người. Người ăn uống với họ để họ thấy vật chất được thâu nhận và biến đổi trong đời sống mới này. Người cho các ông xem tay và cạnh sườn bị đâm thủng của Người và yêu cầu Tôma kiểm chứng để thấy Người chính là con người trước đây đã bị đóng đinh, bị chết nay sống lại.
Đó cũng là sự sống mới mẻ khởi đầu từ một cuộc sáng tạo mới: Chúa Giêsu thổi hơi trên các môn đệ và ban Thánh Thần của Người cho họ. Trong cuộc tạo dựng đầu tiên, Chúa dựng nên con người từ bùn đất, khi Chúa thổi hơi vào thì trở thành con người sống động. Bây giờ, Ngôi Lời Thiên Chúa là Chúa Giêsu sống lại cũng thổi hơi trên các môn đệ để tạo dựng nên những con người mới, những con người được chia sẻ sự sống vĩnh hằng, kỳ diệu của Đấng Phục Sinh nhờ Thần Khí của Người. Thánh Phaolô sẽ khai triển nhiều về đề tài này trong các thư của ngài khi xác tín Đức Giêsu là một Ađam mới ngay trong cái chết của Người khi “Người gục đầu xuống và trao ban Thần Khí” (Ga 19,30).
Chúng ta có nhiều thí dụ trong Thánh Kinh cũng như trong đời sống của các thánh nhân về những đặc tính của đời sống mới. Chẳng hạn trong sách Công vụ Tông đồ, thánh Philipphê đang giảng dạy ở miền Samari, Thánh Thần bốc ngài đi gặp viên hoạn quan đang đi trên đường từ Giêrusalem về Gaza để nói cho ông về Chúa Giêsu, rồi sau khi rửa tội cho ông, Thánh Thần lại cất ông đi ngay trước mắt viên quan ấy và đặt ông xuống miền Asđôt, cách xa hàng trăm cây số (x. Cv 8,4-40). Hoặc thánh Martinô Pores sống ở Nam Mỹ nhưng được Chúa cho vượt Đại Tây Dương trong nháy mắt, đưa vào ngục tù để chữa cho một tù nhân ở châu Âu. Khi ngài dẫn đoàn học sinh đi chơi, thầy trò vui vẻ đến quên giờ về đọc kinh chiều trong khi đường còn rất xa, thánh nhân xin tất cả nhắm mắt lại cầu nguyện, mở mắt ra đã thấy mình ở trước cổng tu viện. Những thí dụ đó cho ta hiểu về sự sống mới mà Đấng Phục Sinh có thể chia sẻ cho các môn đệ của Người.
Khi gắn bó với Đấng Phục Sinh, Thiên Chúa giàu lòng thương xót sẽ cho chúng ta cảm nghiệm được sức mạnh và quyền năng kỳ diệu của Người để chúng ta hiểu rằng Người đang hiện diện sống động bên ta, chia sẻ sự sống kỳ diệu cho ta để ta không còn lệ thuộc vào vật chất, vào không gian, thời gian và định luật của thể xác, để tâm hồn chúng ta mở rộng ra cho mọi người, mọi vật quanh mình.
 
2.2.4. Đường Ánh Sáng
Một việc đạo đức bình dân gắn liền với các lần hiện ra của Đấng Phục Sinh đã được nhiều dân tộc đón nhận và thực hành gọi là Đường Ánh Sáng. Đường Ánh Sáng cũng gồm 14 chặng kể lại những lần Chúa hiện ra và những bài học đạo đức kèm theo đã có từ rất lâu trong lịch sử Giáo Hội. Chúng ta ghi nhận trong sách Những Bài Linh Thao của thánh Ignatiô viết vào năm 1544 đã kể lại gần đủ các lần hiện ra của Đấng Phục Sinh.
Từ mấy thế kỷ qua, tín hữu Công giáo Việt Nam hầu như chỉ biết đến Đàng Thánh Giá mà chưa biết đến Đường Ánh Sáng nên đời sống có thể hướng nhiều về những đau khổ thử thách, buồn sầu hơn là quân bình với niềm vui, hy vọng, bình an và tràn đầy sự sống của Đấng Phục Sinh. Một số nhà đạo đức đã phải thêm cuộc sống lại của Đức Kitô để thành chặng thứ 15 của Đàng Thánh Giá. Nhiều nghệ sĩ Việt Nam cũng đã vẽ hoặc làm những phù điêu, tượng ảnh nhưng chưa được chính xác vì không hiểu rõ phần mộ và cách an táng của người Do Thái.
Một số những dân tộc đã có Đường Ánh Sáng nhưng do thiếu ứng dụng các nghiên cứu Kinh Thánh gần đây nên chỉ kể được 7-8 lần hiện ra của Đấng Phục Sinh, vì thế họ phải chia nhỏ những lần hiện ra để tạo thành đủ 14 nơi tương ứng với 14 chặng Đàng Thánh Giá. Thí dụ: các tín hữu Philippines có 14 chặng Đường Ánh Sáng như sau: 1. Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết; 2. Phêrô và Gioan bên mộ Chúa; 3. Đức Kitô Phục Sinh hiện ra với Maria Magdala; 4. Đức Kitô Phục Sinh với hai môn đệ đi Emmaus; 5. Đức Kitô Phục Sinh tỏ mình khi bẻ bánh; 6. Đức Kitô Phục Sinh hiện ra với các môn đệ; 7. Đức Kitô Phục Sinh ban quyền tha tội cho các môn đệ; 8. Đức Kitô Phục Sinh hiện ra với Tôma; 9. Đức Kitô Phục Sinh hiện ra với các môn đệ tại biển hồ Tiberia; 10. Đức Kitô Phục Sinh trao quyền cai quản Giáo Hội cho Phêrô; 11. Đức Kitô Phục Sinh sai các môn đệ rao giảng Tin Mừng cho thế giới; 12. Đức Kitô Phục Sinh lên trời; 13. Các môn đệ chuẩn bị đón nhận Chúa Thánh Thần; 14. Đức Kitô Phục Sinh sai Thánh Thần xuống (x. Sách Kinh Bỏ Túi 2005 của Văn phòng Truyền thông Xã hội thuộc Liên Hội đồng Giám mục Châu Á (FABC), tr.36-37).
Với những nghiên cứu gần nhất, chúng tôi xin giới thiệu Đường Ánh Sáng với 14 nơi Chúa Giêsu hiện ra tương ứng với 14 chặng Đàng Thánh Giá cho người Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng các nhà đạo đức sẽ sáng tác những văn bản, lời kinh phù hợp với tín hữu Việt Nam và các văn nghệ sĩ, hoạ sĩ, điêu khắc sẽ có những sáng tác mới mẻ để trong các thánh đường Việt Nam, bên cạnh những chặng đàng đau khổ suy niệm về cái chết của Chúa Giêsu thì cũng có những nơi an vui, loan báo sự sống lại của Người.
Lời kết
Hôm nay suy nghĩ về lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa và sự sống kỳ diệu của Đấng Phục Sinh chia sẻ cho chúng ta, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta, ít là một lần trong đời, cảm nghiệm được sự hiện diện sống động của Chúa khi Chúa hiện ra với chúng ta để chúng ta làm chứng cho Người, sử dụng quyền năng của Người để cứu giúp muôn loài như sứ mạng Chúa trao.
Nguồn: HKK