nut

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

MỐI TƯƠNG QUAN ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ NƠI CÁC TÁC GIA

MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ NƠI CÁC TÁC GIA TRONG THÔNG ĐIỆP “ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ” CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOANPHAOLÔ II



       I.            DẪN NHẬP



Tự bản chất, Kitô giáo không phải là một hệ thống triết thuyết nhằm dung hợp sự khôn ngoan thông thái của nhân loại, nhưng là một mạc khải của Đấng tối cao. Đường nét tinh thần căn bản Kitô giáo không hệ tại vào tính vững chắc của những định chế hay tín điều tôn giáo, mà là thái độ rộng mở trong tương quan yêu thương, thân thiện và vị tha.



Lịch sử cho ta thấy văn hóa Kitô giáo phương Tây đã được hình thành từ những đối chất, những tiếp thu, những ứng dụng của Kitô giáo đối với triết học Hy lạp, La mã Cổ đại. Từ vị thế một đối thủ, triết học Hy – Lạp đã dần dần trở nên một người bạn thân thiện của niềm tin Kitô giáo. Tuy rằng, tiến trình này phải trải qua một thời gian dài và rất cam go, nhưng khi được tư tưởng Kitô giáo tiếp nhận, ứng dụng, thì nền văn hóa Hy lạp, La mã trở nên sinh động và hữu hiệu hơn bao giờ hết. Đồng thời, các tư tưởng triết học Hy Lạp – La trở thành một điểm tựa của niềm tin Kitô giáo, đặc biệt là qua những công trình xán lạn của các Giáo phụ và các nhà Kinh viện trong việc cố gắng tìm kiếm những điểm tương đồng giữa đức tinlý trí.



Vốn là người luôn theo sát tư tưởng truyền thống thời các Giáo Phụ và các nhà Kinh Viện, Đức Giáo Hoàng Gioan PhaoLô II đã ban hành thông điệp “Đức Tin và Lý Trí” năm 1998 nhằm làm sáng tỏa mối liên hệ giữa đức tin và lý trí, bằng cách khẳng định chức năng và những khả năng của lý trí đi tìm chân lý và chứng minh giá trị phổ quát của đức tin.



Do đó, chúng ta có thể nói rằng giữa đức tin và lý trí có mối tương quan mật thiết, nó được xem như đôi cánh nâng cao tinh thần con người để có thể đạt đến chiêm ngưỡng một Đấng là chân lý. Thế nên trong thông điệp, Đức Thánh Cha đặc biệt đề cao Thánh Augustin (số 40), Thánh Anselme (số 42), và nhất là Thánh Thomas D`Aquin “vị tông đồ của chân lý” (số 43-44).



Bên cạnh đó, Đức Thánh Cha còn cho thấy hiện trạng đau thương trong trào lưu tư tưởng đó chính là sự phân cách đức tin và lý trí con người xem lý trí như là một dụng cụ để phục vụ những tính toán riêng của mình. Vậy để vấn đề được sáng tỏ chúng ta lần lượt tìm hiểu:



    II.            NỘI DUNG

1.      Lý Trí

1.1  Định nghĩa



Lý trí được coi là toàn bộ những chức năng hiểu biết tự nhiên của con người. Theo định nghĩa này lý trí bao gồm khả năng, quan niệm, phán đoán, lập luận và cả sự ý thức cảm giác, ghi nhớ là những chức năng khả giác, nhờ đó mà con người có được kinh nghiệm của sự vật. Lý trí không dừng lại ở việc thu nhập các sự kiện mà tìm cách thấu hiểu chúng. Ngoài ra, người ta thường phân biệt ba loại lý trí: lý trí tự nhiên, lý trí khoa học và lý trí triết học.



Lý trí tự nhiên: là trí thức có thể đạt được mà không cần một kỹ thuật nào hoặc một cố gắng có hệ thống nào. Đây là một hiểu biết có tính trực giác hơn là lý luận, sống động hơn là trừu tượng, nhưng thiếu phần sâu sắc bén nhạy. Lý trí tự nhiên giúp con người có thể biết giá trị sự vật, ý nghĩa cuộc sống, đồng thời ý thức được những giới hạn bất toàn của mình.



Cấp độ cao hơn, lý trí khoa học: là hiểu biết có hệ thống nhằm đưa ra giải thích một sự vật lý khoa học là thành quả của sự dày công nghiên cứu, nhưng sự hiểu biết của nó có giới hạn, bởi nó chỉ nhằm nghiên cứu lãnh vực sự vật và đưa ra những định luật chi phối sự vật mà thôi.





Lý trí triết học: là một cố gắng hiểu biết vượt qua những giới hạn của lý trí khoa học. Nếu khoa học tìm hiểu sự cấu tạo hoặc những hiện tượng bên ngoài sự vật thì lý trí triết học cố gắng đưa câu giải đáp về sự tồn hữu của sự vật.



1.2   Vai trò của lý trí



Cuộc đời mỗi người là một quá trình tìm kiếm chân lý, khao khát chân lý. Do đó có thể nói mỗi người là một triết gia. (x. số 30). Khởi đầu, chân lý đến với con người dưới dạng câu hỏi: cuộc đời có ý nghĩa gì? Nó đi về đâu? Tại sao có đau khổ? Làm sao để có hạnh phúc đích thật?... nguồn gốc những câu hỏi ấy là việc tìm kiếm ý nghĩa vốn luôn luôn thôi thúc cõi lòng con người (x.số 1) để đưa đến một kết luận chắc chắn. Khi mà lý trí có thể tìm ra câu trả lời đúng, nhưng chẳng bao giờ đầy đủ, toàn diện được do bởi giới hạn của trí khôn con người. Câu trả lời mà lý trí phác họa đã nằm trong chính nội dung và mục đích của Mặc Khải. Trong cuộc sống, con người là sao lý giải cho những thắc mắc của con người, khi mà lý trí con người thì giới hạn. Bởi thế, lý trí không thể giải đáp được hết những thắc mắc trăn trở của con người về ý nghĩa của kiếp nhân sinh mà lý trí chỉ có vai trò khơi gợi, suy luận, giúp con người phán đoán, định hướng cho những gì diễn ra trong cuộc sống của con người, hay có khi lý trí chỉ lý giải những thắc mắc mà con người mắc phải vì “ánh sáng mạc khải mang tới là một chân lý phải hiểu dưới ánh sáng của lý trí” (Số 35).



Tóm lại, vai trò của lý trí là suy luận, phán đoán, giải đáp, phân tích, đánh giá, quan sát với tất cả chức năng của lý trí. Vì thế, chúng ta cần một ánh sáng nữa lớn hơn ánh sáng của lý trí đó là ánh sáng của đức tin, để giúp con người tìm được cứu cánh của cuộc đời mình.



2.      Đức tin

2.1   Định nghĩa



Đức tin là sự hiểu biết nhờ đó con người tham dự vào chân lý tuyệt đối của Thiên Chúa. Đức tin là nhận thức thần học thiên phú để nhờ đó một người có thể tin rằng những gì Chúa đã mạc khải đều đúng. Không phải vì thấy được chân lý bên trong ánh sáng của lý trí nhưng vì thế giá của Chúa, Đấng mạc khải chân lý đó và vì Chúa là Đấng không gạt ai cũng như không thể bị ai cũng lường gạt.



Nhờ đức tin, người Kitô hữu biết chân lý một cách chắc chắn. Nhờ chân lý ấy, con người biết được mình ở đâu, sẽ đi về đâu. Chính chân lý ấy làm cho con người được thật sự tự do. Quả vậy Đức Giêsu đã nói: “Nếu các con trung thành với lời của Chúa các con sẽ thực là môn đệ của Ta, các con sẽ biết chân lý và chân lý sẽ giải phóng các con”.



Vậy, chân lý tối hậu, tuyệt đối và đức tin có liên quan gì đến sự hiểu biết của con người không?.



2.2   Đức tin con đường dẫn tới chân lý

Trong tư tưởng Kitô giáo, chân lý mà đức tin tìm kiếm là chính Thiên Chúa. Ngài Mặc Khải chính Ngài qua mầu nhiệm sáng tạo, qua Lời Chúa, giáo huấn của Giáo Hội và sự viên mãn của Mặc Khải là Đức Giêsu Kitô. Thánh Phaolô đã xác tín điều này khi Ngài đến Athenes – thánh nhân rất nổi giận vì thành phố nhan nhãn những tượng thần. Nhưng lợi dụng cơ hội này, Ngài giảng cho dân chúng “Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị” ( Cv 17, 22-23). Vậy đối tượng của chân lý mà thánh Phaolô rao giảng không gì khác hơn là Tin Mừng Đức Giêsu Kitô “Ngài là đường, là sự thật và là sự sống”. Với Michel Henry: “chân lý đồng nhất với thời gian vì nhờ thời gian mới hiện hữu được. Chân lý được quan niệm như thời gian, nó đòi hỏi sự kiện”. Nếu ở ngoài sự sống đó làm sao ta hiểu đúng sự thật? Tuy nhiên, đức tin cần được kiểm chứng qua lối sống và hành động của con người, cần một tự lực để đức tin được thanh lọc và ngay thẳng. Từ đó, đức tin mới có khả năng đón nhận giá trị cứu độ mà chân lý Mặc Khải Kitô giáo đem đến. Những giá trị này vượt quá sự tự lập, hiểu biết lý trí. Hay nói cách khác, đức tin hướng đến chân lý siêu nhiên.



 III.            Mối tương quan giữa đức tin và lý trí



Như đã nói trong phần mở đầu lý trí là trí thông minh của con người, là tài năng nhờ đó chúng ta hiểu được những sự vật thuộc phạm vi tự nhiên. Còn đức tin là đôi cánh nâng cao sự hiểu biết, trí thông minh của con người vượt trên những sự vật thuộc phạm vi tự nhiên tới những mầu nhiệm ẩn giấu nơi Thiên Chúa được nêu lên để chúng ta tin. Những mầu nhiệm nay có thể biết được nhờ mặc khải. Lý trí và đức tin cả hai điều do Thiên Chúa ban cho. Do vậy, không có mâu thuẫn giữa đức tin và lý trí. Trong Tông Huấn ngày 9.11.1864 Đức Thánh Cha Piô IX có dạy rằng: “Đức tin và lý trí hỗ trợ cho nhau. Lý trí lành mạnh chứng minh, bênh vực và bảo vệ những chân lý đức tin”. Về phần mình đức tin giải thích cho lý trí khỏi mọi lầm lạc, soi sáng lý trí một cách kỳ diệu, làm cho lý trí được vững chắc và hoàn thiện những hiểu biết của lý trí. Điều ấy được “Giáo Hội cố gắng dùng sự khôn ngoan của các triết gia để làm sáng tỏ sứ điệp của Đức Kitô” (Mv 44) mà Đức Gioan Phaolô II trong thông điệp “ Đức tin và lý trí” đã nêu ra.



1.      Thánh Augustin



Trong công trình Kitô giáo hóa tư tưởng Plato và Tân Plato, cần nói tới tầm quan trọng của các giáo phụ nhất là Thánh Augustin. Vị tiến sĩ của Phương Tây này đã thực hiện tổng hợp triết học và thần học vĩ đại đầu tiên, bao gồm những luồng tư tưởng của cả Hy Lạp lẫn La Tinh. Nơi Ngài toàn bộ tri thức đặt nền tảng trong tư tưởng Kinh Thánh (Thông Điệp Đức Tin và Lý Trí số 40). Thánh Kinh là nguồn chân lý không thể thay thế và lý trí thì rõ ràng là không thể thay thế cho Thiên Khải, nhưng để niềm tin Kitô giáo được vững chắc và được con người đón nhận, cần phải được luận giải, chứng minh bằng lý trí hầu làm cho niềm tin Kitô giáo minh bạch hơn.



 Thánh Augustin với câu nói bất hủ: “Hãy hiểu để tin và hãy tin để hiểu”, cho chúng ta thấy đức tin và lý trí có sự tác động biện chứng và gắn kết với nhau. Nhờ có lòng tin, con người nhận biết Thiên Chúa, nhờ có lý trí con người am tường được Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự. Vì thế, “con người nhờ ánh sáng tự nhiên của lý trí, có thể từ các tạo vật nhận biết cách chắc chắn có Thiên Chúa như nguyên lý và cứu cánh mọi sự” (Rm 1,20). Còn “đức tin được Chúa Thánh Thần soi sáng và nhận ra trong sứ điệp cứu độ sự sung mãn của ân sủng và chân lý” (Ga 1,14). Tuy đức tin và lý trí riêng biệt nhưng không bao giờ tách rời nhau trái lại bổ túc cho nhau. Hỗ trợ nhau, đức tin và lý trí dẫn con người đi tìm chân lý. Do “ân huệ Chúa Thánh Thần, con người nhờ đức tin đạt được sự khôn ngoan hiểu biết và chiêm ngắm ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa” (Eccl 17,7-8).



 Mặt khác, tin tưởng cũng là một hình thức suy tư. Thánh Augustin nói rằng: “hãy tin tưởng để rồi suy tư”. Do đó,  ước vọng hiểu biết là một đặc tính chung của mọi người. Trí tuệ có thể giúp cho chúng ta tin và tin vững chắc hơn, kín múc được tầng nước sâu của đặc sủng. Bên cạnh đó, thế giới và những gì xảy ra trong đó, cũng như những bước thăng trầm của lịch sử đều là những thực tại được nhìn nhận, được phán đoán bằng phương tiện riêng của lý trí. Vì thế, Đức tin không phải là một ý niệm chết cứng hay chỉ nhận thức một lần cho tất cả, mà đòi hỏi lý trí luôn khám phá và kiếm tìm. Con người tìm kiếm chân lý, trong từng biến cố, không phải bằng cách khép mình lại trong một ốc đảo, mà bằng sự khoan dung, cởi mở, hòa hợp chính mình với những biến cố đó, để có thể đón nhận những giá trị trội vượt hơn mình, và từ đó con người mới có lời đáp trả thỏa mãn và đầy tin tưởng. Triết học giúp con người nhất quán về tư duy và vững chắc về niềm tin chứ không phải chỉ là một thứ tri thức ngược chiều với niềm tin tôn giáo.



 Như vậy, tin và hiểu phải luôn song hành không thể tách riêng để đứng một mình. Một khi con người biết suy tư và hiểu biết thì con người sẽ xác tín niềm tin của mình đồng thời đức tin sẽ giải đáp được những thắc mắc cho những câu hỏi về con người cũng như xã hội và thế giới.



2.      Thánh Anselmo



Trong thần học kinh viện, lý trí được rèn luyện bởi triết học còn đóng một vai trò dễ thấy hơn nữa dưới sự thúc đẩy của Thánh Anselmo giải thích sự lĩnh ngộ đức tin. Thánh nhân khẳng định rằng lý trí và đức tin dẫn tới cùng một kết luận. Ngài theo truyền thống Augustin vốn chủ trương dung hòa lý trí để tìm hiểu nội dung đức tin. Chính vì thế, Anselmo đã đề tựa cho quyển Proslogion của Ngài là Fides quoerens intelletum “Đức tin tìm kiếm lý trí” nghĩa là đức tin phải được soi sáng bằng ánh sáng của lý trí, không những không hạ giá lý trí, đức tin còn hướng dẫn lý trí và cung cấp cho lý trí chất liệu để suy tư, giúp lý trí được mở rộng và kiện toàn hơn “Tôi tin để được am hiểu”, gắn liền với đức tin là việc người tin muốn biết rõ hơn về Đấng mình đã tin và hiểu rõ hơn về điều Ngài đã mặc khải, về phần mình một hiểu biết sâu xa hơn sẽ dẫn đến một đức tin lớn lao, luôn thấm đượm tình yêu hơn. Ơn đức tin mở “con mắt của trái tim” (Ep 1,18) để có một hiểu biết sống động về các nội dung của mặc khải.



Bên cạnh đó, Thánh Anselmo còn nhấn mạnh sự kiện trí khôn phải tìm kiếm điều nó yêu thích: càng yêu thích, nó càng muốn hiểu biết. Như thế, những tâm hồn luôn sống và hướng về chân lý bởi một nhận thức được nung nấu ngày càng mãnh liệt hơn bởi lòng yêu mến đối với điều họ nhận biết, đồng thời vẫn phải nhìn nhận rằng nhận thức ấy chưa đạt được điều nó khát khao: “Con được dựng nên để nhìn thấy Ngài, và con chưa làm được điều mà vì đó con được dựng nên” ( Saint Anselmo Proslogion). Nhờ vào nhận thức của Ngài người tín hữu nhận biết những chân lý mặc khải của đức tin thôi thúc lý trí tiến xa hơn nhưng để đạt được chân lý người tín hữu còn phải suy tư, tìm hiểu và khám phá ra những lý do để tin. Trong quyển Cur deus homo, Thánh Anselmo đã cố gắng giải thích tín điều về ơn cứu chuộc bằng những lý lẽ của trí khôn như sau: chính Chúa Giêsu phải chịu đau khổ và chết để cứu chuộc nhân loại, vì chỉ có sự hy sinh cao cả do một ngôi vị Thiên Chúa mới xóa nhòa được tội lỗi đã xúc phạm đến Thiên Chúa. Do đó, đức tin đem lại cho lý trí những hiểu biết mà lý trí không thể tìm ra, cũng giống như ống kính viễn vọng hoặc ống kính hiển vi tăng cường cho mắt, giúp mắt có thể nhìn thấy những vật ở rất xa, hoặc những vật cực nhỏ như thế nào, thì đức tin cũng tăng cường cho lý trí, giúp lý trí nhận thức được những điều thuộc về linh hồn và về Thiên Chúa như vậy.



Nói tóm lại, Thánh Anselmo không tìm cách khám phá chân lý về Thiên Chúa chỉ bằng lý trí mà thôi, những muốn sử dụng lý trí để hiểu điều mình tin. Thật vậy, trí khôn con người không thể thâm nhập vào sự sâu thẳm của Thiên Chúa mà đức tin lãnh hội, những đức tin tìm kiếm lý trí để “lý giải” những điều sâu thẳm ( x. số 42).



3.      Thánh Thomas D` Aquin



Mối tương quan đức tin và lý trí về sau được tư tưởng gia lỗi lạc Thomas D’Aquin tiếp tục phát triển và kế thừa có chọn lọc. Ngài lấy những tinh hoa của triết học làm nền tảng cho sự phát triển và khám phá mới, hầu làm cho sự tương quan này đạt đến đỉnh điểm của nó. Đối với Thánh Nhân, cả lý trí và đức tin đều là quà tặng của Thiên Chúa cho nhân loại.



Khác với Thánh Augustin, trong tư tưởng và học thuyết của Thánh Thomas, vai trò của lý trí và đức tin được phân định một cách rõ ràng hơn. Theo ngài, tất cả những chân lý đã biết được hay có thể biết được một cách hiển nhiên bằng trải nghiệm hay bằng chứng minh là thuộc về lĩnh vực lý trí, còn tất cả mọi chân lý không biết được bằng hiển nhiên mà chỉ duy nhất bằng mạc khải thì thuộc về lĩnh vực đức tin. Vì lẽ đó, Thánh Thomas cũng phân rõ ranh giới giữa triết học và thần học, nhưng không có sự đối lập giữa chúng. Ngài cho rằng, đối tượng của triết học là chân lý của lý trí, đối tượng của thần học là chân lý của niềm tin tôn giáo, còn Thiên Chúa là khách thể cuối cùng của cả triết học và thần học, là nguồn gốc và nền tảng của mọi chân lý (x. số 44). Do vậy: “dù đức tin vượt lên lý trí nhưng không bao giờ có sự xung khắc giữa đức tin và lý trí, vì cùng một Thiên Chúa mặc khải một mầu nhiệm và thông ban đức tin, là Đấng ban ánh sáng lý lẽ xuống trong trí khôn của nhân loại” (số 35).



 Bên cạnh đó, cả đức tin và lý trí đều là những tác động thông qua mạc khải và thái độ đón nhận của con người thông qua phản tỉnh, vì khi tin tưởng người tín hữu không chỉ được khích lệ bởi ý muốn chấp nhận đức tin mà còn nhờ vào sự soi sáng, ban ơn của Thiên Chúa. Còn khi tri thức, mỗi người được khích lệ bởi chính nhận thức xuất phát từ bản chất khao khát tìm kiếm chân lý của mình.



Quả thực, đức tin một cách nào đó “là sự tập luyện tư tưởng” lý trí của con người không bị tiêu diệt cũng không bị hạ nhục khi công nhận nội dung của đức tin, nội dung này luôn chấp nhận sự tự do và ý thức (x. số 43). Do đó, giữa triết học và thần học có một ranh giới, mỗi lĩnh vực có khả năng và trách nhiệm của riêng mình. Chúng có thể hỗ trợ cho nhau trên con đường tìm kiếm chân lý. Lý trí giúp cho đức tin sáng tỏ hơn và vững chắc hơn, đức tin chắp cánh cho lý trí đi xa hơn trong việc khám phá vũ trụ. Trong mối tương quan này nếu quá đề cao đức tin sẽ làm hạn chế vai trò của lý trí, làm cho nó không khai mở được những khám phá mới, không trả lời được những khúc mắc của thời đại. Tuy nhiên, cả đức tin và lý trí đều xuất phát từ Thiên Chúa và cuối cùng quy về Thiên Chúa nên không mâu thuẫn nhau.





4.      Sự phân chia giữa đức tin và lý trí



Vào thời cận đại giữa đức tin và lý trí đã xảy ra sự phân cách, những suy tư của các tư tưởng giáo phụ và những quan niệm của thời trung cổ đã thực hiện , nay đã bị thay thế bởi những nhận thức duy lý. Sự phân cách này đã khiến giữa đức tin và lý trí có một hố sâu xem ra có vẻ bi quan. Thực ra Đức Thánh Cha đang phân tích thực tế về tư tưởng thời đại, điều mà những hình thức nhân bản vô thần đã trình bày đức tin như điều độc hại, tha hóa đối với sự phát triển của lý trí sung mãn. Xét trên chính sự kiện hằng ngày trong cuộc sống thực dụng, hưởng thụ, vật chất là trên hết, ta cảm thấy hoang mang lo sợ cho tương lai. Từ chỗ hết sức tự hào, tự tín và lạc quan, con người ngày càng cảm thấy bi quan, ngờ vực, bấp bênh, mất phương hướng vì mất hết những điểm tựa vững chắc, ngay cả khoa học kỷ thuật cũng không đáp ứng những kỳ vọng to lớn của con người, còn các ý thức hệ thì lại càng làm cho họ thất vọng hơn (x. số 46,47). Tương lai nhân loại sẽ hình thành như thế nào trong sự phân rẽ giữa đức tin và lý trí? Sự phân rẽ ấy sẽ dẫn đến một hậu quả vô cùng nghiên trọng trong đời sống của nhân loại. Vì thế không có một tư duy chắc chắn, mà không có niềm xác tín chân thật, niềm xác tín đó đương nhiên dẫn đến hành động là biểu lộ, tuyên xưng đức tin. Trong cuộc sống có biết bao nhiêu điều diễn ra trước mắt, nhưng ta nào có hiểu, thế nhưng vẫn tin vì lẽ đương nhiên của nó. Nhờ đó, mối tương quan giữa đức tin và lý trí cần được sự nổ lực, chăm chú để biện phân. Như vậy, nếu lý trí và đức tin đối đầu nhau thì cả hai sẽ trở nên nghèo nàn và suy yếu. Lý trí sẽ liều mình đánh mất phối cảnh của cứu cánh, nếu mất đi sự trợ lực của đức tin và đức tin mà thiếu lý trí có nguy cơ không còn là mệnh đề phổ quát.



Quả thực, “loại trừ lý trí, đức tin chỉ còn lại cảm giác và cảm nghiệm” (số 48 ). Vì thế, đức tin và lý trí cần phải hỗ trợ cho nhau, đức tin như ngọn “hải đăng” góp phần cho lý trí dẫn dắt “con thuyền” của mình cập bến “chân lý” cách tốt đẹp. Tuy nhiên, đức tin cần được kiểm chứng qua lối sống và hành động của con người, cần một tự lực để đức tin cần được thanh lọc và ngay thẳng. Từ đó, đức tin mới có khả năng đón nhận giá trị cứu độ mặc khải mà Kitô giáo đem đến. Những giá trị này vượt quá sự lập luận, hiểu biết của lý trí. Hay nói cách khác, đức tin hướng đến chân lý siêu nhiên.



 IV.            KẾT LUẬN



Tóm lại, những gì Thiên Chúa mặc khải và những gì lý trí con người khám phá không hề mâu thuẫn nhau. Nhưng Thiên Chúa chỉ mặc khải những gì cần thiết cho hạnh phúc của con người, chứ không mặc khải tất cả. Phần còn lại dành cho lý trí hiểu chân lý đức tin sâu xa hơn. Đức tin vượt trên trí hiểu, nhưng không mâu thuẫn, không nghịch nhau vì các thực tại trần thế và chân lý đức tin đều có chung một nguồn là chính Thiên Chúa, chỉ có Thiên Chúa mới là chân lý tuyệt đối. Trong thông điệp “Đức tin và lý trí” Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã mời gọi chúng ta hãy lướt thắng những ngăn trở sự phát triển đức tin và không cho con người nhận biết chân lý siêu nhiên của sự vật, và tính chất hiệp thông của thông điệp nhất là mối tương quan giữ đức tin và lý trí mà các tác gia đã trình bày, qua đó giúp cho người tín hữu nhận biết chính mình, nhận biết thế giới xung quanh và quan trọng là nhận biết Đấng đã làm cho thế giới có trật tự đó chính là Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ.



DANH MỤC TÀI LIỆU SÁCH THAM KHẢO



1.       Dominiquefolscheid. Các triết thuyết lớn, 1998

2.      Nguyễn Trọng Viễn. Lịch sử triết học Tây Phương, tập II, thời Trung cổ, 1998.

3.      Lê Tôn Nghiêm. Lịch sử triết học Tây Phương, tập II, thời Trung cổ, TP.Hồ Chí Minh, 2000.

4.      Trần Văn Hương. Triết học Nhập Môn, 10/2000.






ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ

Bottom of Form



ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ

Thần học- đinh vinh phúc

Bài diễn văn của Benoît XVI tại đại học Ratisbonne (Nước Đức, miền Bavière) ngày 12/9 vừa qua đã được tờ Le Monde và tờ La Croix phổ biến, độc giả tiếng Pháp có một cơ hội hiếm có để đọc chính văn bản để xem nó có xúc phạm (hay không xúc phạm) tới danh dự của người Hồi giáo, và nếu có thì ở chỗ nào.

Bài diễn văn bắt đầu bằng kỷ niệm của vị giáo sư đã dậy học ở đây, nhắc lại bầu khí cởi mở của Đại học giữa các ngành chuyên môn, và đặc biệt giữa hai ban thần học (Công giáo và Tin lành), mà đề tài nghiên cứu là Thiên Chúa, một đề tài xem ra không có căn bản gì hết, theo nhận xét của một giáo sư. Phủ nhận vai trò của thần học như vậy, loại Thiên Chúa ra ngoài lý trí, là một lập trường cực đoan sai lầm, theo diễn giả. Tất cả vấn đề là thế, và chỉ là thế. Benoît XVI vẽ một bức tranh rất hấp dẫn về quá trình liên hệ giữa Đức Tin và Lý Trí, bắt đầu bằng cuộc đàm thoại giữa một nhà vua và một học giả.

(Thế kỷ 16 là một thời chinh chiến. Byzance (Constantinople) trung tâm của thế giới Thiên Chúa giáo ở phương đông, duới quyền lãnh của một hoàng đế (bazeus) tiếp nối sự nghiệp của Constantin đệ nhất. Byzance được bảo vệ bởi hệ thống tường thành rất vững chãi. Nhưng súng đại bác vừa xuất hiện trên chiến trường. Năm 1453, Mehmed II, một sultan, phá tan được tuờng thành và cùng một lúc tiêu hủy cả một đế quốc đã làm mưa làm gió ở vùng Địa Trung Hải hơn một thế kỷ.)

Nhưng trước khi sụp đổ, Byzance còn giữ nhiều vẻ huy hoàng với hoàng đế Manuel II( 1350-1425) một nhà thống thái, có dịp trao đổi với một học giả người persan (Iran), một nhà thần học Hồi giáo, vào năm 1391).

Cuộc trao đổi này, do chính hoàng đế thuật lại, đã được giáo sư Theodore Khoury nghiên cứu, hết sức hấp dẫn, chung quanh vấn đề Đức Tin trong ba bộ sách, Cựu Ước (Do Thái), Tân Uớc (Thiên Chúa giáo) và Coran (Hồi giáo) cũng như mối liên hệ trong ba bộ sách. Nhưng Benoît XVI chỉ chú ý tới một khía cạnh ngoài lề, Đức Tin và Lý Trí, và dùng tài liệu này để nhập đề. Lập trường này rất quan trọng, vì chủ ý của diễn giả không phải là Hồi giáo cũng không phải là trình bày cuộc trao đổi năm 1391.)

Diễn giả dẫn giải như sau. Hoàng đế thừa biết là trong sách Coran (Sourate 2, 256) nói rõ là « không cưỡng bức về đạo », nhưng có đoạn khác lại nói tới djihad- thánh chiến, như một dụng cụ truyền giáo. Vì thế, hoàng đế mới đặt câu hỏi tàn nhẫn : » « Vậy hãy chỉ cho tôi xem Mohammed đã đưa lại cái gì mới lạ, nếu không phải những điều xấu xa và vô nhân đạo. Thí dụ Mohammed ra lệnh phải truyền đạo của ông bằng gươm giáo. »

(Câu trích dẫn này là ngòi lửa cho cuộc phản đối của người Hồi giáo. Theo họ, nó xúc phạm đến Muhammed, và xuyên tạc Hồi giáo. Người trích dẫn chỉ có thể là là người không hiểu gì cả. Sự thực, theo các học giả, trong Coran có một sourate nói tới sự cuỡng bức, gọi là « câu lưỡi gươm » (verset de l’épée), Manuel II không nói sai. Còn Benoît XVI, khi trích dẫn, không có nghĩa là ông đồng ý. Ít nữa là lời phân trần của ông ngày 17/9 vừa qua. Dầu sao, đó chỉ khía cạnh phụ trong bài diễn văn, vì chủ đề của nó là nói tới lý trí, chớ không phải là djihad – thánh chiến. Người Hồi giáo không đồng ý về ý niệm djihad: một cuộc chiến diệt dục vọng hay một cuộc chiến chống ngoại đạo? Cả hai được áp dụng trong lịch sử, tùy hoàn cảnh, xưa cũng như nay (« Djihad is our war » như ta vừa thấy trong những biển ngữ chống lại Giáo hoàng). Phải nói thêm là trong Phúc Âm không có ý tưởng bạo động, sách này viết bằng tiếng Hy lạp, khác với cuốn Bible hébraïque (mà giáo dân gọi là Cựu Ước), viết bằng tiếng bản xứ, trong đó có rất nhiều máu đổ.

Manuel II tiếp tục. » Máu đổ không có làm vui Thiên Chúa. Hành động vô lý trí là đi ngược lại bản tính của Thiên Chúa. Đức tin là trái cây của tâm hồn, không phải của thể xác. Vì vậy nếu muốn đưa ai vào đạo thì phải ăn nói và lý luận đứng đắn, không cưỡng bức hay đe dọa. Để thuyết phục một tâm hồn có lương trí, không cần dùng cánh tay hay roi vọt đánh đập nay cách nào khác đe dọa mạng sống. »

Hành động theo lý trí là hợp với Thiên Chúa, nguyên tắc hiển nhiên với một nhà vua sống trong truyền thống Hy lạp, khác với Hồi Giáo- theo giáo sư Theodore Khoury- thường nhìn Thiên Chúa tuyệt đối siêu việt, đấng lấy những quyết định ngoài lý lẽ của con người. Giáo sư trích Ibn Hazm : « Thiên Chúa không bị ràng buộc bằng chính lời nói của mình. Không có gì bắt buộc ngài biểu lộ chân lý cho ta. Nếu ngài muốn, con người phải thờ thần tượng. «

(Cho đến đây Benoît XVI chỉ trích dẫn. Tất cả những nhận xét về Hồi Giáo hoàn toàn lặp lại các tác giả. Ông chỉ bắt đầu vào đề khi ông nói : Ở đây đặt ra một vấn đề liên hệ đến chúng ta ngày nay.)

Benoît XVI tự hỏi sự suy tư về Thiên Chúa và đời sống đạo theo lý trí phải hiểu là một đòi hỏi riêng biệt của triết học Hy lạp hay là một nhu cầu có giá trị tự tại. Ngay từ đầu có mối liên hệ mật thiết giữa Phúc Âm và triết học Hy lạp « Từ thời khởi nguyên, đã có Ngôn Từ « (Logos). Ngôn Từ ở đây vừa là lý trí vừa là lời nói. Lý trí có khả năng sáng tạo, có khả năng tham dự vào sự nhận thức về Thiên Chúa, theo nhu cầu tư tưởng Hy lạp, qua tất cả những hành trình suy tư khúc mắc. Đó chính là một cuộc gặp gỡ có nghĩa lý, không phải tình cờ, giữa Đức Tin theo Thánh Kinh và triết học Hy lạp. Và cuộc gặp gỡ mầu nhiệm này đã khởi hành từ lâu, từ thời Thiên Chúa, qua hình ảnh một đống lửa, tự xưng mình là Đấng Có Thực, không phải là một huyền thoại. Và sau đó thời Israël đi lưu đày, Thiên Chúa lại biểu lộ chân tướng ngài là Chúa tể của vũ trụ, để con người đừng lẫn lộn Ngài với các thần tượng. Vượt qua được các huyền thoại, trong trường hợp này, không xa cố gắng suy tư của Socrate. Và dĩ nhiên niềm tin mới gặp sự phản kháng mãnh liệt của nhà cầm quyền đương thời, muốn áp đặt việc thờ phượng các thần tượng bản địa. Khó khăn đó không cản được tinh thần hòa hợp sâu sa với nền triết học Hy lạp, được thể hiện trong văn chương. Bản dịch Thánh Kinh sang tiếng Hy Lạp không phải đơn thuần là một công cụ ngôn ngữ. Nó đánh dấu một biến chuyển văn hóa quan trọng cho phép Đạo Chúa được bành trướng rộng rãi. Từ đó Đức Tin và ánh sáng của Lý Trí đồng nghĩa với nhau, trong những gì cao siêu nhất. Chính sự thực đó cho phép Manuel II khẳng định là từ chối hành động theo lý trí (Logos) tức là đi ngược với bản tính của Thiên Chúa.

Tuy nhiên sự tổng hợp Thánh Kinh- Hy Lạp đã bị thử thách ngay từ thời kinh viện trung cổ, với Duns Scot. Nhà tư tưởng này giới hạn khả năng của lý trí, chỉ có thể hiểu được thế giới cụ thể, khác với uy quyền của Thiên Chúa, không bị ràng buộc bởi nguyên tắc mâu thuẫn. Hành động của Thiên Chúa hoàn toàn tuỳ tiện, nay thế này mai thế khác, không nhất thiết phải hướng về chân lý hay tính thiện như kiểu nói của Ibn Hazm. Thiên Chúa cao vời vợi. Ý trời vượt trên mọi suy tư của con người.

Cách phân chia này hiển nhiên không thể chấp nhận được. Truyền thống đạo luôn giữ vững nguyên tắc căn bản là giữa Thiên Chúa và con nguời có sự tương ứng, tương hợp, diễn tả bằng Ngôn Từ (Logos) và Ơn Chúa, tất cả đều tác động đến tâm hồn con người. Thờ Chúa đi đôi với Lời Chúa và Lý Trí.

Về mặt lịch sử, mặc dầu có nguồn gốc ở trời Đông, Đạo Chúa đã nảy nở ở Âu Châu, đã trở thành nền tảng văn hóa cho miền đất này. Tuy vậy từ thế kỷ 16, trào lưu Cải Cách (La Réforme= Tin Lành) đặt lại vấn đề, phản ứng lại thần học Kinh Viện, một học phái triết học. Khẩu hiệu « Chỉ giữ Thánh Kinh thôi « (Scriptura sola= La Bible seulement) đi tìm lại nguồn gốc của Đức Tin, tức là Lời Chúa, và đặt Đức Tin ra ngoài thế giới siêu hình. Lúc đầu là như vậy, cho đến thời Kant chủ trương là phải gạt tư tưởng siêu hình ra một bên, để nhường chỗ cho Đức Tin, cần thiết cho đời sống cụ thể. Như vậy Đức Tin không còn khả năng tiếp cận toàn diện sự vật.

Thế kỷ 19 lại xảy ra một khủng hoảng mới. Một nền thần học tự do, với Adolphe von Harnack, chủ trương đi tìm lại dấu vết của Jésus, nhìn như một nhân vật lịch sử bình thường, với thông điệp nguyên thủy, trước mọi xây dựng của thần học, và dĩ nhiên trước khi chịu ảnh hưởng Hy lạp. Cụ thể là loại tất cả phần Đức Tin nhìn nhận Jésus là Con Thiên Chúa và Thiên Chúa Ba Ngôi. Thần học trở thành một khoa sử học, lý luận theo các tiêu chuẩn khoa học. Tức là giới hạn khả năng của Lý Trí, từ chối suy nghĩ về Thiên Chúa, như cách lý luận của Kant.

(Benoît XVI đả động đến những đề tài nóng bỏng, nguồn gốc cho bao nhiêu cuộc tranh luận trong các ban thần học bên Đức, rồi lan ra bên Pháp. Diễn giả cũng như thính giả đều quen thuộc với những vấn đề phiền toái, làm rối óc cả hai ba thế hệ sinh viên. Các nhà thần học ngày nay chia thành môn phái, năm này sang năm khác công bố một vài công trình mới lạ. Nhưng đó chỉ là những là những trào lưu nhất thời. Có một thời Bultmann chủ trương là ta không biết chi hết về lịch sử của Jésus. Ta chỉ có những bài giảng về ngài. Karl Barth, trái lại, muốn xây dựng một hệ thống tư tưởng để xếp đặt các tin lý. Nhưng thế hệ sau ông chỉ nhìn Jésus như một người Do Thái sống vào một bối cảnh lịch sử nhất định, Jésus historique, không ăn nhằm gì với Chúa Jésus mà tin hữu tôn thờ trong thánh đường. Diễn giả không có thời giờ đi vào vấn đề, và có lẽ cũng muốn tránh tranh luận. Ông thừa biết là hiện nay có hiện tượng phá đạo, viện cớ là muốn đàm thoại với Israël, phải bỏ hẳn các ý tưởng về ơn Cứu chuộc, về mầu nhiệm con Chúa xuống trần, vân vân).

Sang lãnh vực thuần túy triết học, Benoît XVI nhận định là quan niệm về Lý Trí (La Raison) thời nay mang một sắc thái riêng, dựa vào toán học, tuy vẫn là một cố gắng dung hòa Platon với Descartes. Điển hình nhất là học phái positivisme, duy thực nghiệm. Hai nguyên tắc căn bản cho ta biết đâu là certitude, xác thực : Hình thức theo toán học, nội dung được kiểm chứng. Cả các ngành sử học, tâm lý học, xả hội học cũng phải tuân theo nguyên tắc scientificité, tính cách khoa học. Phương pháp lý luận này bỏ hẳn vấn đề Thiên Chúa và Đức Tin, được liệt vào thời tiền khoa học. Nếu lại chủ trương một nền thần học khoa học trong tinh thần đó, thì còn gì là bản chất của Đạo ?      Sự nghèo nàn, trong trường hợp này, không phải chỉ làm hại cho Đức Tin. Nó còn làm con người quyên đi sự cần thiết của chủ quan, đối với đời sống tôn giáo và luân lý. Lương tâm là nơi nhận định duy nhất cho các hành động đạo lý của mỗi cá nhân. Hậu quả tai hại cho nhân loại là tôn giáo trở thành tùy tiện, bất lực trong sứ mệnh hướng dẫn xã hội. Xã hội học, luân lý học, dựa vào các tiêu chuẩn thực nghiệm, sẽ không đủ để trả lời các đòi hỏi thiêng liêng của nhân loại.

Đến đây, diễn giả muốn nhấm mạnh đến một hiện tượng sau cùng trong trào ly khai với truyền thống Hy lạp, nghĩa là phủ nhận Lý Trí, phủ nhận ý niệm Ngôn Từ (Logos). Lý luận như sau : Sự gặp gỡ Thánh Kinh- Hy Lạp đã thuộc về dĩ vãng, không nên đặt nó làm khuôn mẫu cho các nền văn hóa đa dạng mà Đạo tiếp xúc qua kinh nghiệm của các cộng đoàn địa phương.

Chỉ giữ lại Thánh kinh nguyên thủy, để dễ hội nhập với mọi nền văn hóa.Benoît XVI nói thẳng ngay là lập luận như thế không có căn bản. Lý do : Phúc Âm được viết tiếng Hy Lạp, và mang những mầm mống Hy Lạp ngay trong Cựu Ước. Nói như vậy không có nghiã là trở về quá khứ. Sự đóng góp của thời Ánh Sáng (Les Lumières= Aufklärung) vẫn cần được tôn trọng. Nhưng vị trí của thần học không thể xóa bỏ được. Sứ mệnh thần học là suy nghĩ liên tục tới mối liên hệ Đức Tin- Lý Trí, và đàm thoại với khoa học. Với các nền văn hóa đặt trọng tâm vào truyền thống tôn giáo, nếu chỉ dựa vào positivisme thì làm sao thông cảm với nhau được ? Đâu có thể khinh miệt tôn giáo là một hiện tượng phổ quát ?

Dầu sao tình thần Platon nhìn nhận các cơ cấu của sự vật như những dữ kiện. Nhưng khi ta tự hỏi tại sao như vậy tức là ta đã vượt qua giới hạn của các khoa thực nghiệm, để đi vào lãnh vực triết học và thần học. Các truyền thống tôn giáo của nhân loại là một kho tàng kinh nghiệm cần cho sự hiểu biết đứng đắn.Tây phương bị đe dọa từ lâu rồi, từ khi đã ruồng bỏ các suy tư về lý trí. Dành cho lý trí một viễn tượng rộng lớn, can đảm đảm nhiệm vai trò của thần học trong khuôn khổ Đại học. Là vì không làm thế, nói như Manuel II, là đi ngược với bản tính của Thiên Chúa.Hết.Nhận xét-Benoît XVI, mà người công giáo chúng tôi gọi là Đức Thánh Cha, hay Đức Giáo Hoàng, là một nhà tư tưởng. Chỉ trong một bài thuyết trình dài hai trang báo, mà ngài đã trình bày bao nhiêu khía cạnh, liên hệ đến lịch sử triết học và thần học bên Âu Châu. Tôi rất cảm động khi đọc bài thuyết trình của ngài. Nếu không có các phản ứng của người Hồi Giáo, thì có lẽ tôi đã chẳng chăm chú như vậy.

Đức Thánh Cha diễn thuyết với tư cách một học giả, trong khuôn khổ một Đại học. Ngày diễn thuyết là ngày thứ ba (12/9), phải chờ 48 tiếng đồng hồ sau các đài phát thanh nới đưa tin về sự bùng nổ ở các quốc gia Hồi giáo. Trong thời gian đó, thính giả, giới trí thức, không ai có sáng kiến báo động Toà Thánh hay sao, để Đức Thánh Cha có thể thanh minh trước đi ?

Nhưng thôi, việc đã rồi, chỉ xin Chúa ban phép lành cho các cộng đoàn tín hữu rất cô độc và sống trong đe dọa ở Trung Đông, ở Phi Châu.

Làm người có đạo ngày nay ở nhiều nơi là mang vạ vào thân. Xin chịu vậy. Tôi có nhiều dịp tiếp xúc với người Hồi Giáo. Trách móc họ hoàn toàn vô ích.

-La raison, lý trí, một phạm trù triết học, hiểu hai nghiã : khả năng suy tư của con người, đôi khi hiểu ngầm là không cần có sự soi sáng của thần linh (mặc khải) ; cách lý luận có căn bản về hình thức và nội dung.

Rationalité, cách lý luận và hành động theo lý trí. Bài thuyết trình nói nhiều đến khả năng lý trí trong suy tư về Thiên Chúa, chớ không nói tới lý trí trong cách sống đạo, la rationalité dans la conduite religieuse.

Thiên Chúa có lẽ không thể lĩnh hội đươc (inconnaissable) nhưng vẫn có thể làm đối tượng cho suy tư (pensable). Không ai trông thấy Thiên Chúa, nhưng sự hiện diện của Thiên Chúa lại ở khắp nơi, qua đời sống tôn giáo (thánh đường, tu viện, sách vở…). Các giáo sư triết học vẫn có thể làm ngơ trước hiện tượng như vậy, hay cho đó là di sản của thời mù tối (obscurantisme)…

Triết học bên Tây là một thế giới của từ ngữ. Một số phạm trù như Être, existence néant, forme, substance, phénnomène, vân vân, được coi như những dữ kiện để phân tách và xây dựng các học phái. Thiên Chúa, Đức Tin ngày nay bị gạt ra ngoài thế giới quan của nhiều triết gia. Nói theo kiểu Heidegger, triết gia đâu có đặt vấn đề Đức Tin. Nhưng Heidegger lại chuyên suy từ về l’Être, coi phạm trù này là độc đáo của phuơng tây. Triết học kinh điển, trái lại, dựa vào chính ý niệm l’Être để đặt bàn luận về Thiên Chúa.

Muốn nói về triết học, xin bỏ giờ ra mà đọc sách. Đọc không xuể. Ở bên Pháp triết học thuộc chương trình trung học, nên mới có nhiếu sách giáo khoa về ngành triết. Cho vai trò triết học quan trọng như Benoît XVI đã làm, là vì theo truyền thống kinh viện, thomisme, néothomisme.- Vừa đây chính phủ Tunisie ban đạo luật gia đình, luật nhất phu nhất phụ. Với lập luận như sau : Sách Coran cho người đàn ông lấy nhiều vợ (Muhammed có tới mươi bà vợ, một bà còn là con nít), nhưng đồng thời tuyên bố là là phải tôn trọng sự công bình. Theo kinh nghiệm, làm sao ta có thể xử đối công bình với nhiều bà vợ ? Như vậy đa thê, trong thực tế, phản lại tinh thần đạo !Có thể dùng cùng một phương pháp dẫn giải (exégèse) như vậy để loại bỏ ý niệm djihad (điều này có trong Coran, nhưng xuất hiện vào thời Muhammed đương vật lộn ở Médine) trong khi sách Coran đã có thái độ cởi mở (Không cưỡng bức về tôn giáo) được tuyên dương trước đó, khi Muhammed còn ở tại La Mecque) ?

Nhưng còn một phía cạnh nữa, ranh giới giữa tôn giáo và chính trị (giữa Thiên Chúa và César, từ ngữ của sách Phúc Âm) phải được pháp luật nhìn nhận hay không, dù sách Coran không chủ trương như vậy ? Bên Pháp gọi là la laïcité, phạn trù pháp lý, chính thể Cộng Hoà Pháp gìữ thái độ vô tư với các tôn giáo, với các Giáo hội. Nhưng ở miền Alsace –Lorraine cha xứ, mục sư, rabbin, đều ăn lương nhà nước. Bên Bỉ, chính phủ trả lương cho các giáo dậy Hồi giáo. Vừa đây một số mìển bên Đức cũng chủ trương như vậy. Bên Hoa Kỳ có những Tiểu ban không cho phép dậy thuyết tiến hóa (évolutionnisme của Darwin) vì đi ngược lại sách Cựu Ước. Mỗi nước có truyền thống riêng. Ngày nay tôn giáo được hiểu như một nền văn hóa, một sắc thái của dân tộc, nhiều hơn là một hệ thống tín ngưỡng (système de croyances).

Còn trong các nước Hồi Giáo, tôn giáo là nền tảng cho gia đình, học đường, xã hội và chính thể. Bên Arabie Saoudite, ai mà mang trong mình Kinh Thánh sẽ bị phạt. Bên Algérie, hành động truyền giáo (của người ngoại đạo) bị đem ra tòa... Tự do tôn giáo lệ thuộc vào xã hội, trước khi lệ thuộc vào các chính quyền.

TÂN PHÚC ÂM HÓA

Đức Thánh Cha Bênêđictô và Tân Phúc âm hóa

WHĐ (20.09.2011) – Tân Phúc âm hóa là trọng tâm bài suy niệm ngày Chúa nhật 25 Thường niên của Đức Thánh Cha Bênêđictô trước khi đọc kinh Truyền Tin. Đây là bài suy niệm Phúc âm Chúa nhật cuối cùng trước khi ngài thực hiện chuyến tông du đến nước Đức vào ngày thứ Năm sắp tới.

Ngỏ lời với rất nhiều người tụ tập trong sân Dinh nghỉ hè Castel Gandolfo, Đức Thánh Cha nói rằng: “Hôm nay chúng ta đang sống trong kỷ nguyên Tân Phúc âm hóa. Những chân trời rộng lớn đang mở ra với Tin Mừng, trong khi các miền Kitô giáo truyền thống được kêu gọi tái khám phá vẻ đẹp của đức tin”.

Sau đó Đức Thánh Cha tiếp tục ca ngợi những người, những gia đình, và cộng đồng “đã chấp nhận làm việc trong vườn nho Chúa” - một hình ảnh của bài Tin Mừng Chúa nhật.

Đức Thánh Cha nói thêm “Họ là những người thợ khiêm tốn, quảng đại, không đòi phần thưởng nào khác hơn là được tham gia vào sứ mạng của Chúa Giêsu và Giáo Hội của Người”.

“Trong Tin Mừng Chúa nhật này, chúng ta thấy Chúa Giêsu so sánh Nước Trời với các hành động của ông chủ vườn nho là người hào phóng với tất cả công nhân trong vườn nho của mình. Có lẽ đôi khi chúng ta cảm thấy ghen tị với sự thành công của người khác hoặc cảm thấy mình không được cảm ơn đầy đủ vì đã phục vụ. Ước gì chúng ta luôn cố gắng trở thành người tôi tớ khiêm hạ của Chúa và vui mừng khi Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào cho những người chung quanh chúng ta”.

Tiếp tục chủ đề Tân Phúc âm hóa, Đức Thánh Cha nhắc đến khuôn mặt vĩ đại của Thánh Phaolô, chính là hiện thân của công cuộc “Tân Phúc âm hóa”. Ngài giải thích: “Thánh Phaolô đã nói: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô”. Thánh nhân nói như thế vì ngài hiểu rằng Chúa Giêsu không chỉ là một nhà lãnh đạo tôn giáo hay bậc thầy của sự khôn ngoan, nhưng là người có chính Thiên Chúa sống trong mình”.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha xin người Đức cầu nguyện cho ngài trong chuyến viếng thăm sắp tới đến nước Đức quê hương của ngài.

(Vatican Radio, 18-09-2011


ĐẠI CƯƠNG ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ

ÐẠI CƯƠNG VỀ THÔNG ÐIỆP FIDES ET RATIO CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II

Gần đây Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhấn mạnh nhiều về vai trò của đức tin và lý trí trong những bài nói chuyện của Ngài. Để giúp các bạn trẻ có một cái nhìn tương đối đầy đủ về sự liên quan giữa đức tin và lý trí, chúng tôi mạn phép dịch bài tóm tắt Thông Điệp “Fides et Ratio - Đức Tin và Lý Trí” của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II của GS. Phillip B. Liescheski để chia sẻ với các các bạn.

Tại sao Ðức Thánh Cha [Gioan Phaolô II] lại viết một thông điệp về đức tin và lý trí? Có phải vì đức tin và lý trí đối nghịch với nhau? Có phải vì chúng ta đang sống trong thời kỳ mất đức tin không? Nhưng tại sao ngài lại gồm cả lý trí? Ðức tin và lý trí có liên hệ gì với nhau? Ðức tin có cần lý trí không và ngược lại lý trí có cần đức tin không? Có phải lý trí bị lâm nguy trong thời đại khoa học kỹ thuật không? Đức Thánh Cha nói đến những vấn đề này và nhiều vấn đề khác trong Thông Ðiệp Đức Tin và Lý Trí.

Ít ra đối với phần đông Kitô hữu (kể cả anh em Tin Lành), chúng ta có một căn bản chung là Thánh Kinh. Thực sự là có những sự bất đồng trong việc giải thích và quy điển Thánh Kinh giữa Công Giáo và Tin Lành, nhưng vẫn có nhiều điểm tương đồng. Thánh Kinh có thể dùng làn nền tảng cho những cuộc đối thoại trí thức giữa Công Giáo và Tin Lành. Nhưng đối với những người vô thần và vô tri, thì nền tảng chung trở nên mờ ảo hơn. Vì họ phủ nhận sự hiện hữu hay vai trò quan trọng của Thiên Chúa, nên Lời Ngài càng không đáng tin cậy đối với họ. Chỉ có thể còn một nền tảng chung là lý trí. Như Thánh Phêrô viết: "Anh em hãy luôn sẵn sàng giải thích cho bất cứ ai hỏi anh em về lý do của niềm hy vọng của anh em, nhưng hãy làm điều đó với sự khoan dung và kính cẩn" (1 Phr 3:15-16). Tiếc rằng một số người vô thần có thể cũng vô lý và giáo điều như một số Kitô hữu. Chúng ta nên nhớ, như Thông Ðiệp này đã nhận ra, rằng: "Nếu con người với trí thông minh không nhận ra Thiên Chúa là Ðấng Sáng Tạo mọi sự, không phải vì họ thiếu phương tiện, nhưng vì ý chí tự do và tội lỗi của họ cản đường" (Fides et ratio 19).

Tôi không phải một triết gia chuyên nghiệp, nên theo một nghĩa nào đó, tôi không đủ khả năng nói bài này. Nhưng theo một nghĩa khác, triết học ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, nên chúng ta cần nhận chân được chiều hướng hiện tại của nó. Triết lý là nền tảng của các hệ thống chính trị, Mácxít chẳng hạn. Tất cả chúng ta là những tư tưởng gia đang cố công thu thập kiến thức. Tin đồn đương nhiên là một thí dụ xấu của nhu cầu này.Tất cả chúng ta đều muốn biết sự thật. Có người muốn đánh lừa người khác, nhưng rất ít người muốn bị đánh lừa. Thông điệp này nói về những vấn đề có ảnh hưởng đến tất cả chúng ta.

Hy vọng rằng có một giây phút nào đó chúng ta suy tư về mục đích của đời mình. Phải chăng chúng ta chỉ là một quái vật ngẫu nhiên sinh ra trong vũ trụ cần một mục đích, hay là chúng ta được dựng nên với một mục đích? Thông Ðiệp này mở đầu bằng những câu hỏi như "Tôi là ai? Tôi từ đâu đến và tôi đang đi về đâu? Tại sao có sự dữ? Sau cuộc đời này còn có gì?" Những câu trả lời (hay không có câu trả lời) cho những vấn nạn căn bản này về ý nghĩa cuộc đời "quyết định hướng đi mà con người tìm kiếm cho đời sống mình" (Ibid.).

Mặc dù sống trong thời đại khoa học, chúng ta vẫn có thể còn rất nhiều phi lý. Chúng ta nghe nói nhà trường đã thất bại trong việc giáo dục thế hệ tương lai như thế nào. Cũng như vì truyền hình, truyền thanh, báo chí tuyên bố rằng họ có những câu trả lời, nên chúng ta không cần phải suy nghĩ. Chúng ta đơn thuần chấp nhận những xu hướng phổ thông mà không thắc mắc gì cả. Theo thiển ý của tôi, khoa học và kỹ thuật đã làm cho chúng ta trở thành những người suy nghĩ cụ thể. Chúng ta càng ngày càng quan tâm đến thế giới vật chất và nhận thức giác quan của chúng ta về nó. Thuế má và thuốc ngừa bệnh có thể giải quyết những vấn nạn xã hội. Ðã lâu rồi, khi học đại số trừu tượng, tôi đã than với vị giáo sư là tôi không thấy thoải mái về đề tài này. Trong lớp tôi học được, nhưng tôi cảm thấy bị lạc, hay ít ra, tôi nghĩ là mình thiếu một điều gì quan trọng. Câu trả lời của vị giáo sư là: "Ờ, nó trừu tượng mà!" Khi đó tôi mới nhận ra rằng mình cũng là một người suy nghĩ cụ thể.

Dù chúng ta cho rằng mình đang sống trong "thời đại của lý trí", vậy mà lý trí tân thời vẫn có những trở ngại lớn lao. Trở ngại đầu tiên mà Đức Thánh Cha đề cập đến là "Hoài Nghi". Vì chỉ suy nghĩ cách cụ thể nên chúng ta rất dễ bỏ qua những tư tưởng trừu tượng. Theo thuyết Hoài Nghi thì chỉ có những kiến thức thu lượm được do quan sát những gì là vật chất là quan trọng. Chúng ta chỉ biết nhờ ngũ quan. Những kiến thức liên quan đến những tư tưởng trừu tượng, như tình yêu, thẩm mỹ và Thiên Chúa là những ý nghĩ ngu xuẩn hay kỳ quặc. Những quan niệm trừu tượng như tự do và công lý cũng bị xuyên tạc hoặc phải đi đôi với những gì cụ thể. Thuyết Hoài Nghi cho rằng lý trí chỉ giới hạn bởi những gì giác quan cảm nhận. Tư tưởng nào vượt ra ngoài những gì là vật chất đều không quan trọng.

Trở ngại thứ nhì với lý trí tân thời là sự tự trị và độc lập giả tạo. Sự tự trị giả tạo này của lý trí gọi là "Chủ Nghĩa Duy Lý". Chủ Nghĩa Duy Lý cho rằng kiến thức của con người không cần đến đức tin. Tất cả mọi kiến thức mà chúng ta cần đều có thể tự kiểm chứng được bằng giác quan và kinh nghiệm cá nhân của mình. Chúng ta không cần phải tin gì cả vì chúng ta có thể tự chứng minh được. Lý trí thay thế đức tin. Tiếc rằng sự tự tin này thiếu thành thật. Vì bị giới hạn bởi thời gian và tài nguyên, ngay cả các khoa học gia cũng phải nhìn nhận một ít ý thức về đức tin, có thể đó không phải là siêu nhiên. Theo Thông Ðiệp này, "con người - người tìm chân lý - cũng là người sống theo đức tin" (Fides et ratio, 31).

Bây giờ đối với tất cả nhân loại, có hai cách để biết: đức tin và lý trý. Ðức tin là biết qua sự tin tưởng. Lý trí là biết qua suy nghĩ, quan sát hay kinh nghiệm cá nhân. Chúng ta cần cả hai cách để biết. Sự hiểu biết nhờ lý trí mà thôi thì quá giới hạn. Cả hai cần phải cùng nhau phát triển. Thí dụ, tôi chưa bao giờ đến Paris. (Tôi hầu như đến đó, nhưng chuyến bay của tôi bị quay trở lại). Tôi không có kinh nghiệm trực tiếp về thành phố này. Lúc này trong đời tôi, tôi chỉ tin rằng thành phố này có thật. Tôi phải tin rằng có Paris qua niềm tin; tuy nhiên, niềm tin tự nhiên này không phải là một "bước mù quáng". Tôi có đủ lý do để tin rằng Paris thật sự là một thành phố. Có một điểm hội tụ của các chứng cớ: tôi nghe bạn bè đã ở đó nói về thành phố ấy. Tôi đọc nhiều sách, báo cáo và các bài báo liên quan đến Paris. Có thể bạn tôi nói dối, và các bài báo có thể sai, nhưng vẫn khó mà chấp nhận rằng tất cả đều sai.

Các khoa học gia phải lệ thuộc vào niềm tin tự nhiên. Họ phải tin tưởng nhau. Mỗi khoa học gia không có thì giờ và tài nguyên để tự mình kiểm chứng tất cả mọi thí nghiệm và đo lường. Họ phải tin vào những bài viết về khoa học. Vậy niềm tin là kiến thức được nuôi dưỡng bằng sự liên hệ cá nhân, và chúng ta cần có niềm tin. Trong khoa học niềm tin này được nuôi dưỡng bằng "cộng đồng khoa học". Niềm tin này không phải là một "bước mù quáng" nhưng được hỗ trợ bằng lý trí. Những bài viết trên các sách báo khoa học được duyệt xét cẩn thận bởi các khoa học gia khác. Nếu một khoa học gia nào có bằng chứng là thiếu lương thiện, thì niềm tin này bị tan vỡ, và công việc của người đó bị mất tín nhiệm. Người đó phải giải nghệ.

Vậy đức tin cũng thúc đẩy chúng ta theo đuổi lý trí. Theo Thông Ðiệp này, "Chính đức tin hướng dẫn lý trí vượt qua mọi cô lập và sẵn sàng mạo hiểm để nó có thể đạt được những gì là chân, thiện, mỹ. Ðức tin như thế trở nên biện hộ vững chắc và hợp lý cho lý trí" (Fides et ratio, 56). Tất cả khoa học vật lý trên căn bản cho rằng chúng ta có thể tìm hiểu được vũ trụ vật chất. Vũ trụ tự nó đáng được nghiên cứu và không đơn giản để khám phá. (Khoa học nghiên cứu về vũ trụ để biết vũ trụ là gì, trong khi kỹ thuật và kỹ sư nghiên cứu vũ trụ để chế ngự nó). Không có điều căn bản này, là một niềm tin chưa chứng minh được, rất ít người muốn bỏ giờ ra nghiên cứu vũ trụ và những điều cơ bản của vật chất. Hãy trực diện điều này: nghề nghiệp của các kế toán gia và y tá thì vững chắc hơn nghề nghiệp của các khoa học gia. Thông điệp này nhìn nhận rằng, "Chính và cũng một Thiên Chúa là Ðấng đảm bảo điều dễ hiểu và hợp lý của trật tự tự nhiên của vạn vật mà các nhà khoa học dựa vào một cách đầy tin tưởng, và là Ðấng tỏ mình ra là Cha của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" (Feides et ratio, 34). Ở đây, Đức Thánh Cha dẫn chứng về Galilêô trong chú thích số 29: "Thánh Kinh và thế giới tự nhiên đều tiến hành cách bình đẳng từ Lời Thiên Chúa, Thánh Kinh được Chúa Thánh Thần viết, thế giới tự nhiên thừa hành cách trung tín lề luật của Thiên Chúa".

Trong năm cuối cùng của chương trình Tiến Sĩ của tôi, những thí nghiệm của tôi vẫn chưa đem lại kêt quả mỹ mãn. Những thí nghiệm này đáng lẽ phải đem lại kết quả tốt, nhưng có một việc gì lạ lùng xảy ra. Tôi thất vọng và hầu như tuyệt vọng. Tôi than thở với giáo sư giám hộ của tôi. Ông trả lời: "Hỡi kẻ yếu tin!" Dầu tôi đang theo đuổi một văn bằng cao cấp về khoa học ở một đại học đời, tôi vần cần lòng tin để giúp tôi vượt qua những lúc khó khăn.

Như kết quả của đức tin siêu nhiên vào một Ðấng Tạo Hóa thông minh, là Ðấng không muốn lừa dối ai, khoa học hiện đại phát sinh từ Kitô Giáo thời trung cổ. Người Trung Hoa và Hy Lạp cổ xưa là những người rất thông minh. Người Trung Hoa khám phá ra thuốc súng, hỏa tiễn đầu tiên và la bàn. Người Hy Lạp phát minh ra máy hơi nước và hình học. Nhưng vì các tôn giáo có tính cách phiếm thần, họ không tin vào sự dễ hiểu của vũ trụ. Người Hy Lạp tin rằng thiên nhiên là thần thánh nên không thể hiều thấu được. Những người này có óc thông minh, nhưng không có hứng thú để theo đuổi khoa học. Theo Stanley Jaki thì khoa học trong những nền văn hóa này còn 'phôi thai".

Tức cười là "thuyết Darwin, " thuyết tiến hóa vô thần, cho rằng vũ trụ là một quái thai của sự ngẫu nhiên. Nếu vũ trụ là một sự tình cờ, thì nó có đáng cho chúng ta nghiên cứu không? Một sự ngẫu nhiên thì không có mục đích gì. Và thường những gì xảy ra tình cờ thì cũng lộn xộn. Nếu trên căn bản vũ trụ lộn xộn, thì nó không thể hiểu thấu được. Quyết đoán này của Darwin có thể đem đến cho những ai muốn nghiên cứu khoa học những nghi ngờ. Thuyết Darwin không chỉ đả phá Kitô giáo mà còn đả phá cả những khích lệ cơ bản cho việc theo đuổi khoa học.

Nhưng đức tin siêu nhiên thì sao? Ðức Tin siêu nhiên là nền tảng cho Kitô giáo. Nó liên quan đến lý trí tự nhiên thế nào? Theo Thông Ðiệp, "Mặc dầu đức tin, một món quà Thiên Chúa ban, không dựa trên lý trí, chắc chắn không được ban phát với lý trí. Đồng thời rõ ràng là lý trí cần phải được củng cố bằng đức tin để khám phá ra những chân trời ngoài phạm vi của nó" (Fides et ratio, 67). Lý trí có thể mở trí khôn cụ thể của chúng ta ra để rồi ý chí chúng ta dễ đón nhận ân sủng của đức tin siêu nhiên. Thí dụ câu hỏi căn bản "Tại sao có còn hơn không?" (Fides et ratio, 76) có thể làm cho chúng ta nhận ra rằng có một cái gì thiếu sót nếu chỉ dùng cảm quan. Lý trí cũng giúp đức tin không sa vào mê tín dị đoan. Lý trí có thể phê phán đức tin của chúng ta. Thông Ðiệp này nói rằng: "Thật là một ảo tưởng khi nghĩ là một đức tin, được liên kết với những lý lẽ yếu ớt, có thể là đức tin sâu sa hơn; ngược lại, đức tin đó dễ bị sa lầy vào hoang đường và mê tín" (Fides et ratio, 48). Một lạc giáo liên quan đến đức tin là thuyết "Duy Tín", cho rằng đức tin siêu nhiên thì quá trổi vượt trên lý lẽ tự nhiên đến nỗi lý trí không có ích gì cho đức tin. Tiếc thay Thuyết Duy Tín làm cho đức tin trở nên một sự tin tưởng cá nhân hay một "bước mù quáng". Như Thánh Phêrô đã khuyến khích rằng lý trí có thể giúp chúng ta giải thích đức tin một cách hay hơn cho những người không có cùng một niềm tin như chúng ta. Ngược lại, đức tin siêu nhiên có thể cung cấp cho lý trí một sức sinh động và mới mẻ. Một lần nữa, theo Thông điệp: "Cũng thế, lý trí mà không liên kết với một đức tin trưởng thành thì không được thúc đẩy nhìn đến sự mới mẻ và căn bản của sự vật" (Fides et ratio, 48). Ðức tin có thể giải thoát lý trí khỏi sự lệ thuộc hoàn toàn vào cảm quan. Như trong khoa học, đức tin có thể thúc đẩy chúng ta theo đuổi các lý lẽ xa hơn nữa để thu lượm được nhiều kiến thức. Theo kết luận của Thông Ðiệp: "Hội Thánh vẫn tin tưởng một cách sâu xa rằng đức tin và lý trí ‘hỗ tương nhau’; chúng ảnh hưởng lẫn nhau khi chúng trao đổi những phê phán làm cho nhau thêm tinh tuyền, và khuyến khích nhau trong việc theo đuổi tìm kiếm để hiểu biết sâu xa hơn” (Fides et ratio, 100).

Mặc dù tôi đã nói chính về đức tin và lý trí, vì đề tài của Thông Ðiệp là "Ðức Tin và Lý Trí", Thông Ðiệp này thực ra cũng quan tâm đến liên quan giữa triết học và thần học. Cả hai đều cần sự tự trị hợp lý, nhưng chúng có hiệu quả hơn nếu chúng tác động lẫn nhau. Triết học là một khối kiến thức được xắp xếp có thứ tự để giải thích một điều gì. Tương tự như lý trí, nó bắt đầu từ cảm quan. Trái lại, thần học cũng là một khối kiến thức nhằm mục đích giải thích một điều gì, nhưng nó bắt đầu từ Lời Chúa mặc khải. Nó liên quan đến cả đức tin lẫn lý trí. Vì hai môn học đó bắt nguồn từ hai khởi điểm khác nhau, nên chúng cũng khác nhau. Nhưng chúng ta có thể dùng cả hai để hiểu thêm về Thiên Chúa. Dựa vào thế giới tự nhiên dễ hiểu, triết học có thể dùng lý luận để chứng minh rằng có Thiên Chúa như là một Nguyên Lý Tuyệt Ðối. Nhưng triết học không thể biết gì về Chúa Ba Ngôi. Chỉ nhờ mặc khải và thần học mà chúng ta mới hiểu biết hơn về Thiên Chúa là Chúa Ba Ngôi.

Trước khi kết luận, Đức Thánh Cha đã vạch ra một số dòng tư tưởng triết học hiện đại mà trên căn bản có tính cách sai lạc. Trước hết, "Thuyết Chiết Trung", như tên của nó ám chỉ, là một phương thức vay mượn tư tưởng từ nhiều triết lý khác nhau mà không quan tâm đến sự thích hợp hay mạch lạc nội tại của chúng. Nó là "một mớ tư tưởng hỗn tạp". Thứ nhì, "Thuyết Duy Sử" cho rằng không có chân lý nào vượt thời gian cả. Một điều đúng ở giai đoạn lịch sử này có thể sai ở giai đoạn lịch sử khác. Nó liên quan mật thiết với Thuyết Ðổi Mới. Kế đến là thuyết "Duy Khoa Học", tương tự như thuyết Duy Lý và thuyết Duy Nghiệm, cho rằng chuúg ta chỉ có thể thu thập được những kiến thức chắc chắn qua những phương pháp khoa học. Nó cho người ta cảm giác rằng những gì kỹ thuật có thể làm được thì theo luân lý cũng được phép làm. "Thuyết Duy Thực", là thuyết rất phổ thông ở Anh Quốc và Hoa Kỳ, là một thái độ tư tưởng trong đó quyết định được dựa trên kết quả và sự thực dụng. Tất cà những cân nhắc có tính cách lý thuyết đều bị bác bỏ. Bất cứ hành động nào đem lại kết quả mong muốn đều là hành động tốt. Sau hết tất cả những triết thuyết trên đưa đến "Thuyết Hư Vô". Ðó là việc chối bỏ nhân phẩm và số phận đời đời của con người. Hư vô là một kết luận hợp lý cuối cùng và chân thật rằng không có Thiên Chúa chúng ta không là gì cả. Ðó là sự tuyệt vọng của thuyết vô thần. Những triết thuyết này có khuynh hướng chối từ sự cần thiết Thiên Chúa và tuyên xưng một sự tự lập giả tạo. Như Thông Ðiệp ghi nhận: "Vì thế giới được tạo dựng không thể tự túc, mọi ảo ảnh về tự lập trong đó chối từ sự lệ thuộc cần thiết vào Thiên Chúa của mọi tạo vật - kể cả loài người - đều đưa đến những hoàn cảnh bi đát làm tan vỡ việc tìm kiếm hợp lý sự hòa hợp và ý nghĩa của đời sống con người" (Fides et ratio, 80).

Tóm lại, vì hoàn cảnh con người của chúng ta, chúng ta cần cả đức tin lẫn lý trí để phát huy kiến thức. Cả hai phải đi song đôi với nhau. Vì tôi không phải là một triết gia mà cũng không phải là một thần học gia, nên xin ngừng ở đây. Xin đọc Thông Ðiệp này. Cám ơn quý vị vì thì giờ và sự kiên nhẫn quý vị dành cho tôi.

(Nguồn: Phillip B. Liescheski, ngày 14/5/1999, do Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ)

Phaolô Phạm Xuân Khôi 9:53 PM | Permalink | View trackbacks (0) | Blog it | Đức Tin & Lý TríApril 05
Về việc hoà giải khoa học và tôn giáo

Walter Lippmann

Về việc hoà giải khoa học và tôn giáo

Cao Hùng Lynh dịch

Nhiều lý lẽ đã được viện dẫn để giải thích tại sao người ta không còn đi nhà thờ nhiều như trước đây. Chắc chắn lý do quan trọng nhất là họ không tin rằng sẽ gặp Chúa khi đến nhà thờ. Nếu có niềm tin đó, họ sẽ đi. Nếu họ thực sự tin rằng họ được quan phòng bởi một đấng Tối cao, người có nhiều quyền lực hơn tất cả các vị vua trên trần thế này cộng lại, nếu họ thực sự tin rằng không chỉ các hành vi, mà cả những suy tư thầm kín của họ, đều bị nhìn thấy, đồng thời sẽ được ghi nhận bởi đấng sáng tạo và vị phán quan tối thượng của vũ trụ, thì sẽ không có lời than phiền gì về số lượng tín đồ tham dự thánh lễ tại nhà thờ. Khi đó, kẻ ít niềm tin nhất sẽ ngồi ở hàng ghế đầu, và người thuyết giáo sẽ không phải dùng đến những mưu chước khá là tuyệt vọng để thu hút cử tọa. Nếu mọi người tin rằng các tín điều được tuyên xưng là hoàn toàn xác thực, thì người đi lễ hiện đại sẽ không còn đến nhà thờ, như họ thường làm hiện nay, để nghe thuyết giáo và thánh nhạc. Nếu như vậy, họ sẽ luôn luôn tôn thờ Thượng đế.

Sự tin theo một tôn giáo sẽ mất tác dụng khi nó chỉ dựa vào sự tán thành có tính cách thụ động, hoặc vào những lập luận rối rắm, hoặc vào sự cổ võ cuồng nhiệt, hoặc vào những mưu tính, dù không xấu xa, nhằm biến mọi thứ trở nên mơ hồ và mang nhiều tính khoa trương. Con người không thể đùa giỡn với niềm tin. Hoặc là anh ta có nó trong tận xương tủy; hoặc là khi gặp khốn khó, sẽ không có niềm tin nào nâng đỡ anh ta.


I.

Dân tộc Mỹ, không giống với các dân tộc khác, được hợp thành từ những cá nhân đã bị mất quê hương. Họ băng qua biển cả để định cư khắp nơi trên một lục địa mới. Những người Mỹ nào vẫn đang cư ngụ trong ngôi nhà của tổ phụ hầu như đều cảm thấy như thể mình đang sống trong một viện bảo tàng. Có rất ít người Mỹ sống yên một nơi từ bé đến lớn, và ngay cả khi họ vẫn ở tại nơi chốn mà họ đã chào đời, thì các vết tích xưa cũ cũng đã bị cuốn phăng để dành chỗ cho sự phát triển. Có lẽ đó là lý do tại sao chúng ta có nhiều tính cách Mỹ hơn là có nhiều tình yêu dành cho nước Mỹ. Cần phải có thời gian để yêu cái trạm xăng mới đang tọa lạc ở nơi mà trước đây những bụi kim ngân dại đã mọc. Hơn nữa, đại đa số người Mỹ đều là những kẻ thành đạt. Họ đã rời bỏ giai cấp xuất thân của họ, và có lẽ từ đó cũng đã nâng cha mẹ họ lên một vị thế cao hơn, để có thể cùng nhau ngồi bên những chiếc ống dẫn hơi nước mà nghe những điệu nhạc ngân nga phát ra từ chiếc máy radio. Nhưng càng lúc càng có nhiều người trong số họ đã từ bỏ, chẳng những giai cấp xuất thân, mà còn cả nền văn hoá của họ nữa; sau đó, họ rời bỏ người thân, và thế là tính liên tục của đời sống bị gián đoạn. Niềm tin chỉ lớn mạnh khi nó được chuyển giao từ cha mẹ sang con cái giữa một môi trường luôn luôn xác nhận - bởi vì không điều gì hoàn toàn biến đổi một cách triệt để - sự tồn tại của một sự lâu bền nào đó trong trật tự xã hội. Rõ ràng là trong cuộc di cư có tính chất vật lý và tâm lý này, một vài trong số các vị thần hộ mạng của gia đình đã được đóng gói cẩn thận để mang theo chung với hành lý, rồi sau đó được mở ra để đặt lên các bệ thờ mới tại quê hương mới. Nhưng những thứ được mang theo đó chẳng khác nào cái cây đã bị bứng khỏi mặt đất. Gốc rễ của nó vẫn còn nằm sâu trong lòng đất mà từ đó nó đâm chồi.

Vỉa hè của một thành phố lúc nào cũng là nơi chốn khắc nghiệt để gieo mầm tôn giáo. Trong suốt chiều dài lịch sử, như Spengler đã nói rõ, thành thị luôn luôn làm nảy sinh dị giáo và các nghi lễ thờ phụng mới lạ, đồng thời dung dưỡng cho tình trạng vô tín ngưỡng. Bây giờ, khi nói về nền văn minh hiện đại, điều chúng ta muốn nói là một nền văn minh bị ngự trị bởi các giá trị văn hoá của các trung tâm đô thị lớn. Nền văn minh của chính chúng ta tại nước Mỹ này có lẽ là nền văn minh đã bị đô thị hoá một cách đáng kể nhất trong số tất cả các trung tâm đô thị; bởi vì ngay cả giới nông gia, mặc dầu sinh sống ở nông thôn, vẫn đang có khuynh hướng trở thành các cư dân ngoại ô hơn là người tỉnh lẻ. Tôi nhận thức được dân số những vùng ngoại vi của các thành phố lớn đã đóng một vai trò có nhiều ảnh hưởng như thế nào. Tuy nhiên, các thành phố lớn mới là nơi định đoạt nhịp độ lớn mạnh của nền văn minh chúng ta; đồng thời chiều hướng của các phát minh cơ giới cộng với chính sách kinh tế sẽ tạo ra một hấp lực không thể cưỡng lại, khiến cho nông thôn ngày càng tiến dần về phía thành thị.

Các truyền thống sâu xa và bền vững của tôn giáo thường tùy thuộc vào nông thôn. Bởi vì đó là nơi người ta kiếm miếng ăn hàng ngày bằng cách tòng phục các thế lực siêu nhiên, những thế lực mà con người chỉ có thể phần nào chế ngự được các hành vi của chúng. Trong việc cày cấy, gieo trồng, anh ta không còn biết làm gì hơn, ngoại trừ chờ đợi mưa thuận gió hoà. Rõ ràng anh ta là một phần của sự xếp đặt nào đó và phải trung thuận với các yếu tố vượt quá khả năng và sự hiểu biết của mình. Thành thị, do đó, là một chất cường toan làm ruỗng mòn lòng trung thuận này. Nó hoàn toàn khác với một vườn nho thuở nào, nơi mà người ta luôn luôn gieo trồng những gì mà cha ông họ đã gieo trồng. Trong một đô thị hiện đại, không dễ duy trì “tình cảm quyến luyến với cội nguồn và kéo dài sự ổn định của cuộc sống nảy sinh từ tình cảm quyến luyến ấy.” Sẽ rất thiếu tự nhiên khi hình thành tình cảm quyến luyến với một căn hộ có thời hạn cho thuê trong vòng hai năm, và với chiếc bàn giả gỗ đặt trên tầng ba mươi hai của một cao ốc văn phòng. Trong một môi trường như thế, lòng trung thuận trở nên phi lý, và là một cái gì đó khôi hài; người sùng đạo, khi đó, trông giống như một người quê mùa hoặc một kẻ ngốc ngếch lạc hậu.

Tuy nhiên, nếu thiếu lòng mộ đạo, nếu thiếu tình cảm quyến luyến dành cho gia đình và quê hương, nếu thiếu sự gắn bó với một khung cảnh ít đổi thay, thì không thể nào có niềm tin vào sự xếp đặt bên ngoài cuộc sống. Quyền năng tuyệt đối của Thượng đế luôn luôn là một điều gì đó có ý nghĩa đối với những người hàng ngày phụ thuộc vào chu kỳ thời tiết và năng lực huyền nhiệm của thiên nhiên. Nhưng người thành thị thường đặt niềm tin của họ vào các cuộc thử thách để giữ cho nó đừng nguội lạnh, nhận thức một cách kiêu mạn về chất thải độc hại nào mà tiền nhân của họ từng hứng chịu, và về việc họ đã tin tưởng một cách ngu dốt rằng Thượng đế, người đã tạo ra Adam lúc 9 giờ sáng ngày 23 tháng Mười năm 4004 trước Tây lịch, có quan tâm đến các hành vi của con cái Adam.


II.

Người bình thường là một kẻ thực dụng vô thức: anh ta tin, bởi vì anh ta cảm thấy rằng những niềm tin của anh ta làm thay đổi đường đi của các biến cố. Anh ta không thờ phượng một vị thần linh chỉ biết suy niệm về vũ trụ, hoặc vị thượng đế sáng tạo ra vũ trụ ấy, và sau đó sẽ không cảm thấy được an nghỉ, trong khi vận mệnh của vũ trụ cứ tự phơi bày một cách không thương tiếc. Đối với người chất phác, tôn giáo không phải là một hoạt động bất vụ lợi, mà là một vấn đề rất thực dụng. Nó liên quan đến tình trạng an bình của họ trong thế giới đang sống này và trong một thế giới bình đẳng sau đó. Họ muốn biết ý nguyện của Thượng đế, bởi vì họ phải biết điều đó một khi họ họ thố lộ sự thật với đấng sáng tạo.

Những ai tự cho là mình biết được ý nguyện của Thượng đế đều phải chứng tỏ rằng họ biết điều đó. Đây là chức năng của những phép lạ. Đó là chứng cớ xác thực cho việc vị tôn sư của tôn giáo có một phận sự thực thụ. “Dân chúng thấy dấu lạ (về bánh mì và cá) Đức Jesus làm, thì nói, hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian.” Khi Chúa Jesus làm cho người chết tại cổng thành Nain trỗi dậy, “mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người.” Các nhà thần học Thiên Chúa giáo có uy tín nhất đã dạy rằng phép lạ “không phải được làm ra để chứng tỏ chân lý bên trong của các học thuyết, mà chỉ nhằm biểu lộ các lý do tại sao chúng ta nên chấp nhận các học thuyết ấy.” Chúng, “về căn bản, là một sự đòi hỏi hiểu biết,” một sự biểu hiện, cái mà người ta hầu như có thể nói là sự thể nghiệm thiêng thánh, nhờ đó người ta có thể biết được sự quang diệu và an bài của Thiên Chúa.

Những người biện giải cho Thiên Chúa giáo cho rằng Thiên Chúa có thể được biết bằng lý trí, nhưng phép lạ giúp, như nó đã từng, xác nhận niềm tin. Sự gắn bó bền bỉ của giáo hội Thiên Chúa giáo với phép lạ là một sự gắn bó đầy ý nghĩa. Nó có một kinh nghiệm liên tục với bản chất con người lâu hơn bất cứ định chế nào khác trong thế giới phương Tây. Nó đã tự thích nghi với nhiều tình huống, và dưới sự tuyên xưng tín ngưỡng không thể đổi thay, nó đã từ bỏ, để rồi sau đó, bổ sung nhiều vấn đề. Nhưng nó chưa bao giờ ngưng đòi hỏi sự cần thiết của một sự biểu lộ mang tính vật chất của quyền năng thiêng thánh. Bởi vì, với một bản năng bất khả sai lầm đối với thực tại, các giáo sĩ Thiên Chúa giáo hiểu rằng có một tính thực tế trong nhu cầu muốn sờ nắm và trông thấy, cái mà các chứng cứ bằng ngôn lời không bao giờ có thể đáp ứng được. Họ đã kiên quyết đáp lại nhu cầu ấy. Họ không thể rao giảng về Thiên Chúa chỉ bằng cách ngợi ca Ngài; họ đã đưa Thiên Chúa đến gần với con người bằng cách biểu lộ Ngài cho các giác quan, như là một người có đủ tính cao cả, sự chân thiện và quan tâm đến con người để có thể chữa khỏi bệnh tật và làm cho lũ lụt lùi dần.

Nhưng ngày nay, các khoa học gia lại nằm ở thế thượng phong so với các giáo sĩ trong vấn đề minh giải này. Vả lại, các phép lạ được thuật lại từ bục giảng kinh càng trở nên hiếm hoi. Thậm chí có nhà thần học đã giảng rằng phép lạ đã không còn xuất hiện sau cái chết của các tông đồ. Nhưng phép lạ của khoa học dường như không hề có biểu hiện cạn kiệt. Không có gì đáng ngạc nhiên khi khoa học gia đã thủ đắc phần lớn uy thế tri thức mà các giáo sĩ đã từng có được. Khoa học gia, cố nhiên, không nói các khám phá của họ là phép lạ. Nhưng đối với người bình thường, các khám phá ấy cũng mang nhiều đặc tính như phép lạ. Chúng là những điều kỳ diệu, là những cái không thể giải thích được, là sự biểu lộ của một sứ mạnh to lớn tác động lên các thế lực của thiên nhiên.

Tôi nghĩ không thể nói rằng dân chúng nói chung, ngay cả thiểu số có học vấn không cao lắm, đều hiểu sự khác biệt giữa phương pháp khoa học và sự mặc khải, hoặc sự khác biệt mà dựa vào đó, họ đã quyết định đặt niềm tin nơi khoa học. Ít ra, phép lạ hiện có trong khoa học đối với người bình thường cũng nhiều tương đương với các phép lạ đã từng có trong tôn giáo; điều này được hiểu theo một ý nghĩa rằng phép lạ khoa học thường xuất hiện nhiều hơn, bởi vì sự hợp lý của khoa học là điều vẫn còn hoàn toàn nằm ngoài tầm hiểu biết của anh ta; trong khi đó sự hợp lý của mặc khải là sự hợp lý của chính các xúc cảm của anh ta. Nhưng nếu con người nói chung không hiểu được phương pháp khoa học, thì họ vẫn có thể đánh giá đúng mức một số các kết quả hữu hình của nó. Và các kết quả này gây ra nhiều ấn tượng cho đến nỗi nhà khoa học thường bị bối rối trước các kỳ vọng không cùng mà họ đã vô tình khơi gợi. Uy thế của họ trong lãnh vực kiến thức đã trở thành một điều lôi cuốn hầu như khó cưỡng lại được. Cho nên, khi các khoa học gia truyền giảng một lý thuyết nào đó và kinh thánh lại rao truyền một lý thuyết khác, thì khoa học gia luôn luôn mang lại sự tin cậy lớn hơn.

Các xung đột giữa khoa học gia và giáo sĩ đôi khi được quy cho một điều hiểu lầm nào đó thuộc cả hai phía. Nhưng khi chúng ta khảo sát các đề xuất hoà bình (cho sự xung đột này), thì rõ ràng là, tôi nghĩ, trên thực tế, chúng chỉ là những đề xuất hưu chiến. Chẳng hạn như, tôi tin rằng thoạt tiên, vào thế kỷ mười bảy, có một đề xuất được đưa ra như sau: Thượng đế làm cho vũ trụ giống như chiếc đồng hồ, và sau khi cho nó chạy, Ngài sẽ bỏ mặc nó đến khi nào nó đứng lại. Bằng hình ảnh ẩn dụ khéo léo này, cái không thể chứng minh và cũng không thể phản bác, người ta đã có thể hoà giải quan điểm của khoa học về các quy luật thiên nhiên với quan điểm xưa cũ hơn về Thượng đế như là đấng sáng tạo và người phán xét. Quan điểm tôn giáo tỏ ra đúng đắn vào thời điểm khởi đầu và kết thúc của thế giới, còn quan điểm khoa học thì cho thấy sự chính xác của nó vào giai đoạn giữa hai thời điểm ấy. Sau đó, khi sự khó khăn được chuyển từ vật lý học và thiên văn học sang sinh vật học và sử học, thì sự khác biệt đã nảy sinh. Thượng đế, người ta nói, đã sáng tạo ra thế giới và cai quản nó; phương cách mà Ngài sáng tạo và cai quản thế giới là phương cách mà khoa học gia gọi là “sự tiến hoá”.

Các nỗ lực hoà giải đều dựa trên một lý thuyết cho rằng có thể vạch ra, trong lãnh vực hiểu biết, một ranh giới để phân định bên này các phương pháp của khoa học sẽ chiếm ưu thế, trong khi bên kia thuộc về các phương pháp của tôn giáo truyền thống. Người ta thừa nhận rằng nơi nào sự thử nghiệm và quan sát có thể thực hiện được, thì nơi đó là cương thổ của khoa học gia; nhưng người ta cũng biện luận rằng có một lãnh thổ bao la đối với lợi ích to lớn của con người luôn luôn nằm ngoài tầm với của sự nghiên cứu khoa học có tính cách thực dụng, và rằng tại đây, những vấn đề thống thiết như định mệnh của con người, cứu cánh của cuộc đời, sự bất tử, phương pháp thiên khải, cái được cảm nhận và xác minh bằng trực giác, vẫn còn đáng tin cậy.

Trong bất cứ cuộc hưu chiến nào thuộc loại này, luôn luôn có sự xâm lấn từ cả hai phía. Lý do là vì đó chỉ là một chính sách tạm thời hơn là một sự tin cậy được ưng thuận từ trong thâm tâm của mỗi phía. Khoa học gia thực sự không thể tin rằng có những lãnh vực tri thức mà họ không bao giờ có thể thâm nhập. Họ phải bước vào mọi nơi chốn để khám phá mọi thứ. Và ngay cả khi thất bại, họ cũng không thể tin rằng các khoa học gia khác cũng sẽ phải thất bại như họ. Hơn nữa, các bài luận văn của họ thường tạo ra sự phiền toái và nỗi hồ nghi khiến các giáo sĩ chính thống bị phật ý. Trong bất cứ sự phân chia quyền lực nào, luôn luôn cần phải có một thế lực tối thượng để phán quyết các vấn đề tranh chấp. Khoa học gia sẽ định đoạt cái gì thuộc về khoa học, hay là các giáo sĩ sẽ làm chuyện đó? Vấn đề này sẽ không thể giải quyết được chừng nào mà cả hai đều cứ tuyên bố rằng họ có quyền giải thích bản chất của sự sống.


III.

Tính mới lạ căn bản của khoa học hiện đại nằm ở sự khước từ niềm tin – cái niềm tin nằm nơi tâm điểm của mọi tôn giáo phổ biến - rằng các lực làm chuyển động ngôi sao và nguyên tử đều phụ thuộc vào sự ưa thích của trái tim con người. Khoa học của Aristote và của các học giả thời trung cổ, trái lại, lại là một khoa học có tính phổ biến thực sự. Về động lực, nó chính là một khoa học có tính bản năng của những người phản khoa học. “Họ thiên nhiều về nguyên nhân và cứu cánh của vũ trụ”, tiến sĩ Randall nói, “cái được biện giải vì con người, vì sự phụng sự cho cái thiện.” Họ đưa ra một ý niệm vũ trụ chỉ có thể dùng để đáp ứng các nhu cầu tôn giáo của những người bình thường, và trong vở The Divine Comedy [1] (Thần Khúc), chúng ta có thể thấy một ví dụ xứng đáng về điều khoa học phải là, một khi nó muốn đáp ứng nhu cầu tin tưởng của con người. Mục đích của toàn bộ thi phẩm, Dante nói, “là nhằm để đưa những ai đang sống trong cuộc sống này thoát khỏi tình trạng bất hạnh, đồng thời dẫn dắt họ đến cõi miền hoan ái.”

Đây là điểm mấu chốt mà con người, theo bản năng, vốn trông chờ: khả năng nói một cách chắc chắn rằng khi sự thật hoàn toàn rõ ràng, người ta sẽ thấy ước vọng của họ bị chi phối bởi loại tình yêu làm cho mặt trời và các vì sao chuyển động. Họ không chỉ hy vọng tìm thấy ý nguyện của Thượng đế trong vũ trụ, mà còn hy vọng biết rằng ý nguyện của Ngài, về căn bản, giống với ý nguyện của chính họ. Chỉ khi nào có thể vào tin điều đó trên nền tảng nghiên cứu khoa học, thì họ mới thực sự nghĩ rằng khoa học đã “giải thích” thế giới.

Sự giải thích, theo ý nghĩa này, không thể xuất phát từ khoa học hiện đại, bởi vì nó không nằm trong cái ý nghĩa mà khoa học hiện đại đang nỗ lực giải thích vũ trụ. Chẳng hạn, hoàn toàn lầm lẫn khi nói rằng bức tranh khoa học về thế giới có tính chất cơ học. Điều duy nhất có thể nói là nhiều khoa học gia đã cảm thấy hài lòng khi nghĩ về vũ trụ như thể là nó được kiến tạo theo kiểu một mô hình cơ giới. “Nếu tôi có thể làm ra mô hình cơ giới,” Kelvin nói, “thì tôi sẽ hiểu nó. Khi nào mà tôi vẫn chưa làm được một mô hình cơ giới, thì tôi không thể hiểu nó.” Nhưng vị khoa học gia này muốn nói điều gì với cụm từ “hiểu nó?” Ý của ông là, theo lời giáo sư Bridgman, ông đã “thoái giảm một trạng huống thành các yếu tố mà chúng ta quen thuộc cho đến nỗi đã chấp thuận chúng như là một lẽ đương nhiên để cho óc tò mò của chúng ta được nghỉ ngơi.” Người hiện đại rất quen thuộc với máy móc. Họ có thể tháo ráp chúng một cách dễ dàng; và như vậy, óc tò mò của chúng ta có xu hướng được thoả mãn nếu như chúng ta nghe rằng hiện tượng kỳ lạ về điện năng hoặc về hành vi con người, chẳng hạn, thì cũng giống như một cỗ máy mà thôi.

Người nói rằng thế giới là một cỗ máy thực sự chẳng thể đi xa hơn kẻ nói rằng anh ta hoàn toàn thoả mãn với điều tương tự rằng anh ta đã hoàn tất việc tìm kiếm sự thật. Đó là việc của anh ta, miễn là anh ta đừng khăng khăng cho rằng mình đã đạt được một bức tranh trong sáng và trọn vẹn về vũ trụ; bởi lẽ rõ ràng là anh ta vẫn chưa đạt được điều đó. Cỗ máy là một vật gì đó mà bên trong nó các bộ phận đều kéo đẩy lẫn nhau. Nhưng tại sao chúng kéo và đẩy, và chúng hoạt động bằng cách nào? Phải chăng chúng kéo và đẩy nhờ vào sự hoạt động theo quỹ đạo của các electron trong nguyên tử? Nếu đúng như thế, tại sao các electron hoạt động? Nó cũng là một cỗ máy chăng? Hoặc giả nó là một cái gì đó hoàn toàn khác với một cỗ máy? Chúng ta sẽ cố gắng lý giải các cỗ máy về phương diện điện học, hay chúng ta nỗ lực lý giải hiện tượng điện học về phương diện cơ học?

Do đó, rõ ràng là sự giải thích của khoa học hoàn toàn không giống với những sự giải thích mà người bình thường đã quen với. Nó không mang lại một hình ảnh nào đó về bất cứ cái gì được chấp nhận một cách hồn nhiên như là một hiện thân của thực tại. Thế cho nên, những triết lý phát triển từ khoa học như thuyết cơ giới và thuyết tiến hoá sáng tạo (creative evolution), đều không được khoa học bảo đảm như sự bảo đảm mà uy thế của kinh thánh đã dành cho câu chuyện sáng tạo trong Sáng thế ký. Chúng không là gì cả, ngoại trừ việc là sự cường điệu có tính cách tạm thời, cái sẽ sớm bị khước từ bởi sự tiến bộ của chính khoa học.

Đó là lý do tại sao không gì dễ tàn lụi bằng niềm tin khoa học của ngày hôm qua. Nó lụi tàn một cách toàn vẹn hơn bất cứ niềm tin thiên khải nào khác, bởi vì niềm tin thiên khải, cho dù các nhược điểm về phương diện vũ trụ học hoặc sử học của nó có là gì đi chăng nữa, luôn hàm chứa một kinh nghiệm mang tính con người tại tâm điểm của nó, cái mà chúng ta có thể nhận ra và có thể hưởng ứng. Nhưng một niềm tin như thuyết duy vật khoa học lại không chứa đựng điều gì trong nó cả, ngoại trừ thái độ tự phụ rằng nó là sự miêu tả chân thực về thế giới này. Một khi thái độ tự phụ ấy bị tiêu tan, thì nó hoàn toàn không có giá trị của một niềm tin. Nó trở thành một tập hợp các ý niệm đã bị vứt bỏ.


IV.

Khi đó, từ chính bản chất của sự biện giải mang tính khoa học, sẽ dẫn đến việc rằng niềm tin khoa học không thể trao tặng cho con người manh mối đưa tới một dự tính tồn sinh như được tìm thấy trong tôn giáo; bởi vì dự tính ấy phải giả định rằng sự tồn sinh được lý giải dưới dạng định mệnh. Hiện nay, sự tồn sinh có khả năng lại được biện giải, như đã từng được biện giải vào thời Trung cổ, như là vở tuồng định mệnh. Điều này dường như không có giá trị đối với chúng ta; tuy nhiên, chúng ta cũng không thể nói rằng nó là điều hoàn toàn không có khả năng xảy ra. Nhưng ngay cả khi khoa học có đưa ra một lối biện giải như thế, nó vẫn sẽ khác hoàn toàn với sự biện giải mà tôn giáo tận dụng.

Nếu nói một cách trung thực, thì nhất thiết phải nói như vầy: một, niềm tin khoa học có tính chất thiếu quả quyết và lệ thuộc vào sự phản bác của các cuộc thử nghiệm sau đó; hai, nó có tính tương đối; trong nó, các sự kiện giống nhau, được nhìn từ quan điểm khác và với mục đích khác trong tâm thức, lại có thể được lý giải một cách hoàn toàn khác nhau; ba, nó không phải là hình ảnh của thế giới, như cách Thượng đế sẽ nhìn thấy, và như cách mọi người phải nhìn thấy, mà nó chỉ là một trong số những hình ảnh sáng tạo có thể có của tâm thức, trong đó hầu hết các dữ kiện của kinh nghiệm được người ta nhào nặn cho ăn khớp với nó. Khi nhà khoa học đã hoàn tất việc gán ghép các phẩm tính, thì bản chất của vấn đề có lẽ đã bị xoá mất - người mộ đạo luôn luôn thấy được điều đó. Sự cả tín – như người mộ đạo ước vọng về nó - sẽ không còn nữa; sự đa dạng, như người mộ đạo hiểu, sẽ biến mất; sự khách quan, như người mộ đạo mường tượng, cũng vậy. Cái còn lại sẽ là một sự hư cấu trừu tượng và hợp lý, thích hợp với cuộc nghiên cứu vô tư, nhưng hoàn toàn không thích hợp để trở thành chiếc xe cứu rỗi.

Sự khó khăn của việc hoà giải tôn giáo với khoa học còn lớn lao hơn nhiều so với sự khó khăn trong việc hoà giải Sáng thế ký với Darwin, hay bất cứ lời tuyên bố nào trong kinh thánh với sự khám phá của các khoa học gia. Sự khó khăn trong việc hoà giải ước vọng của con người về một loại vũ trụ nào đó với phương pháp biện giải thế giới hiện nay đã có tính cách hoàn toàn trung lập trong chủ đích của nó. Người ta có thể, bằng cách vặn vẹo ngôn ngữ, hoà giải Sáng thế ký với “thuyết tiến hoá”. Nhưng điều mà không một ai có thể thực hiện được là bảo đảm rằng khoa học sẽ không phá huỷ thuyết tiến hoá vào cái ngày sau khi người ta chứng minh một cách đắc thắng rằng Sáng thế ký có mối tương hợp với thuyết tiến hoá. Trên thực tế, điều đó cũng vừa xảy ra. Thuyết Darwin, thuyết mà các nhà thần học đang vội vã chấp thuận, hiện được khoa học sửa đổi nhiều đến nỗi một bộ phận của nó hầu như đã lỗi thời như huyền thoại về người Babylon trong Sáng thế ký. Cuộc hoà giải mà các nhà thần học nỗ lực tìm kiếm là một cuộc hoà giải không thể thực hiện được, bởi vì một trong những yếu tố phải được hoà giải – đó là học thuyết khoa học - lại thay đổi quá nhanh, đến nỗi mà người bình thường, tại bất cứ thời khắc nào, không bao giờ biết chắc được học thuyết ấy là gì, và phải hoà giải cái gì với các tín điều tôn giáo.
Tuy nhiên, mục tiêu của những nỗ lực hoà giải này đã đủ rõ ràng. Đó là sự mong muốn tìm ra một nền tảng vững chắc cho lý tưởng nhân loại trong các sự thật của cuộc tồn sinh. Uy thế được đặt trên sự mặc khải đã có lần mang lại nền tảng ấy. Nó đã đưa ra sự miêu tả về cách thức thế giới này khởi đầu, về cách thức thế giới này được cai trị, và về cách thức nó sẽ kết thúc; điều này đã biến niềm vui và nỗi buồn, hy vọng và sợ hãi, ước mơ và sự chối bỏ ước mơ thành các động lực chính yếu trong tấn tuồng vũ trụ. Sự mô tả này không còn làm thoả mãn óc tò mò của chúng ta về bản chất của sự vật; cái quyền uy hiện đang bảo chứng cho nó không còn làm chủ được lòng trung thành trọn vẹn của chúng ta. Uy tín, cái đã từng gắn chặt với những ai phát biểu bằng sự thiên khải, giờ đã chuyển sang các khoa học gia. Nhưng khoa học, dẫu hiện nay có là một phương pháp hiểu biết khả tín nhất mà chúng ta có được, vẫn không đưa ra được một sự miêu tả thế giới, trong đó số phận con người là đề tài trung tâm. Do vậy, khoa học, mặc dầu đã chiếm chỗ của sự thiên khải, nhưng vẫn chưa thay thế được nó. Khoa học sản sinh một loại tri thức hoàn toàn khác biệt. Nó giải thích sự kiện. Nhưng nó không đòi hỏi phải biện minh cách thức Thượng đế hành xử với con người. Nó làm cho chúng ta có thể nhận ra một số ước vọng của mình. Nhưng nó không bảo đảm rằng chúng có thể được thực hiện.

Đây là bài viết của Đức giáo hoàng,người duy nhất được bảo vệ bởi luật pháp Liên Hiệp quốc,người được tất cả các vị nguyên thủ quốc gia trong đó có cả Việt Nam tôn trọng.
Bài viết Ngài được phổ biến trên toàn thế giới,và có 1 giá trị nhất định.
mọi lời nói xúc phạm Thiên Chúa,xúc phạm tòa thánh Vaticane,xúc phạm Đức giáo Hoàng không cần nói ở đây nữa,vì cách làm đó xưa rồi nhé.