nut

Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

Tín Ngưỡng Dân Gian Việt Nam


TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN VIỆT NAM

 

A.   DẪN NHẬP

 

           Ngay từ sâu thẳm bên trong lòng của mỗi người, ai cũng đều có một khát khao về đời sống tâm linh, hướng về một vị Thần nào đó để được ngài chở che, gìn giữ, giúp cho mình có đời sống ấm no, bình an, hạnh phúc. Không đâu xa xôi đó là niềm tin của cha ông ta từ xưa đến nay đã từng giữ và sống, niềm tin ấy vẫn còn lưu truyền cho hậu thế hôm nay mà trong bài viết này nhóm ba xin được chia sẻ đó là Tín Ngưỡng Việt Nam còn gọi là tín ngưỡng truyền thống hoặc tín ngưỡng dân gian là tín ngưỡng của các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam.

Có thể nói rằng, Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, tôn thờ đa thần chứ không phải độc thần như nhiều tôn giáo khác. Các dân tộc Việt Nam đều có những tín ngưỡng riêng, gắn liền với đời sống kinh tế và tâm linh của mình, đặc biệt là những sự vật có liên quan đến nông nghiệp. Trong thời kỳ đầu, người dân thờ Thần Núi, Thần Sông, Thần Mặt Trời, Thần Sấm Sét, Thần Cây Cỏ,..sau đó thờ thêm Thành Hoàng,Tổ Tiên, tôn sùng vật tổ (Chim, Cá, Cây, Trâu..), tôn thờ Tổ tiên (Quốc tổ, Thành hoàng, tổ tiên ông bà), tôn sùng sự sinh sản: sinh thực khí và các hoạt động tính giao, tôn sùng Mẫu: các Nữ Thần, Tứ mẫu, Thủy Phủ, Bà Chúa xứ và Thiên Yana. Tín ngưỡng dân gian xuất hiện từ rất lâu đời, đã bắt đầu phôi thai ngay từ khi xã hội loài người xuất hiện. Dường như tín ngưỡng dân gian giúp người Việt Nam đi vào cửa ngõ của sự thánh thiêng đặc biệt là tôn giáo.

          Khi tìm hiểu về tín ngưỡng dân gian, ta sẽ thấy có một sự tương đồng rất lớn giữa tín ngưỡng dân gian và niềm tin của người Công Giáo cùng với những phong tục, tập quán lễ nghi thật ý nghĩa. Trải qua bao thế hệ, tín ngưỡng dân gian vẫn không mai một nhưng được lưu truyền và phát huy thêm để luôn phù hợp và có ích cho đời sống tôn giáo cũng như niềm tin sâu xa của con người trong mọi thời đại.

Nói về tín ngưỡng dân gian, thì thật là bao la bát ngát nên trong giới hạn của bài viết này xin được trình bày ba tín ngưỡng đặc trưng: đó tín ngưỡng Thờ Con Người mà điển hình là thờ thần thành hoàng và ông bà tổ tiên thờ Thần Trời, Thổ Công và Thần Tài, và cuối cùng là tín ngưỡng Phồn Thực

 

B. NỘI DUNG

 

I. PHÂN LOẠI TÍN NGƯỠNG

1. TÍN NGƯỠNG PHỒN THỰC

1.1 Khái Niệm

   Đối với hạn từ Phồn Thực: “phồn” là nhiều, “thực” là nảy nở. Phồn Thực nghĩa là sự sinh sôi nảy nở dồi dào. Phồn Thực cũng là sức mạnh siêu nhiên là nguồn gốc sự sống phát sinh vạn vật và cũng là điểm nổi bật trong văn hóa lúa nước[1].

Tín ngưỡng phồn thực là loại tín ngưỡng được con người thần hóa và được kính ngưỡng như một sức sống dồi dào, là nguồn phát sinh ra vạn vật, nuôi dưỡng và chi phối đời sống tâm linh con người.

Thật vậy, ngay từ đầu, việc duy trì và phát triển sự sống đã là một nhu cầu thiết yếu của con người. Để duy trì sự sống, con người cần mùa màng tươi tốt, cũng vậy để phát triển sự sống, con người cần phải sinh sôi nảy nở thật nhiều. Một đất nước nông nghiệp lúa nước như nước ta thì việc duy trì sự sống và sinh sản lại càng cần thiết biết chừng nào. Từ đó, người Việt cổ đã có quan niệm để duy trì sự sống là do bởi hai yếu tố khác loại trời-đất, mẹ-cha… Từ một thực tiễn chung này, người Việt cổ coi đó như một sức mạnh siêu nhiên và sùng bái nó như thần thánh, kết quả là xuất hiện tín ngưỡng phồn thực[2]. Với lối tư duy bình dân đó, tín ngưỡng phồn thực đã ra đời theo chiều dài lịch sử và có hai dạng biểu hiện nổi bật: thờ cơ quan sinh dục nam - nữ (thờ sinh thực khí) và thờ bản thân hành vi giao hợp[3].

      1.2 Qua Dòng Lịch Sử

Hiện nay, chúng ta chưa xác định chính xác thời gian ra đời của tín ngưỡng này. Nhưng theo dòng lịch sử về đời sống của người Việt (từ thời Thượng cổ về sau) thì người ta đã tìm thấy những vết tích mang tính phồn thực đã xuất hiện vào thời Thượng cổ.

Qua khảo sát, nghiên cứu, người ta đã đã tìm thấy dấu tích tín ngưỡng Phồn Thực ở Việt Nam có từ thời cổ: Ở Di Chỉ Văn Điển (Hà Nội), người ta tìm thấy một tượng đá tạc hình một người đàn ông với bộ phận sinh dục thể hiện đậm nét và người ta ước tính nó có niên đại trên dưới 1500 năm trước CN[4].

Những hoa văn trên nắp thạp đồng Đông Sơn ở làng Đào Thịnh (Yên Bái) có niên đại trên dưới 500 năm trước CN. Xung quanh hình mặt trời của nắp thạp đồng là các đôi trai gái đang ân ái giao hợp với nhau, người xưa tin rằng hành động giao phối của con người sẽ gây cảm ứng sang muôn vật[5].

Ngoài ra còn có trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ…bao quanh các vật biểu tượng mặt trời, cũng có âm vật, dương vật. Động tác giã cối trên mặt trống đồng là hình ảnh mờ nhạt của hành vi giao hợp nam và nữ.

Ngoài các dấu tích trên, nước ta còn có những truyện tích như Nữ Oa.., những lễ hội có từ xưa như lễ hội ông Đùng bà Đà…[6] để nói lên ý nghĩa phồn thực.

Tín ngưỡng Việt Nam đã duy trì và phát triển mãi đến năm 1945 thì lu mờ dần. Mặc dù tín ngưỡng phồn thực tuy đã bị lãng quên cách nào đó do hoàn cảnh và thời thế nhưng không vì thế mà mất hết ý nghĩa, giá trị cao đẹp về chiều sâu của văn hóa và tâm linh trong đời sống dân tộc Việt hôm nay. Chúng ta vẫn thấy đâu đó những hiện tượng, sinh hoạt thể hiện rõ tính phồn thực, dù ngày nay không hiểu đúng nguyên tuyền  như các thế hệ trước[7].

      1.3   Quan niệm

Tín ngưỡng phồn thực là một hiện tượng tôn giáo có tính toàn thế giới và nó được quan niệm với nhiều lối suy tư khác nhau:

Ở Ấn Độ, người ta quan niệm Linga và Yoni (dương vật và âm vật) là hai nguyên lý khởi nguyên của vũ trụ, là nguồn sinh ra vạn vật. Linga chính là biểu tượng của thần Siva.

Còn bên Trung Hoa với lối suy tư tổng quát, họ nâng hai yếu tố đực cái lên thành hai nguyên lý tổng quát gọi là âm-dương. Sự kết hợp âm dương sinh ra vạn vật, biến hóa khôn lường[8]. Lối suy tư này không chỉ ở Trung Hoa mà là chung cho cả vùng Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Ở Thái Lan, người ta có tục nặn hình người bằng đất sét để cầu nguyện cho mùa màng được tươi tốt. Tượng là một cặp nam nữ ôm nhau, nằm hoặc ngồi, nhưng trong tư thế đang giao hợp.

Riêng ở Việt Nam, tín ngưỡng phồn thực không mang tính vũ trụ luận cao xa như ở  Ấn – Trung. Tín ngưỡng phồn thực ở Việt Nam mang một sắc thái tự nhiên như cây cỏ, bò lan trên mặt đất và cắm rễ sâu trong lòng đất. Tín ngưỡng Phồn Thực không chỉ có ở người Việt (Kinh) mà còn có ở nhiều dân tộc ít người như Thái, Mường, Chăm,…Người Việt không quan niệm “âm-dương” như người Trung Hoa nhưng từ quan niệm đó người Việt trở về với quan niệm “đực-cái”. Đây là biểu tượng đặc trưng về sự sống của dân cư nông nghiệp như nước ta. Con người và vạn vật muốn nối tiếp sự sống, sinh hoa kết quả phải có sự giao hòa của đực-cái[9]. Hai nguồn sinh khí đó là biểu tượng năng lượng thiêng liêng. Chính nhờ hai yếu tố đực-cái mà vạn vật sinh ra, kế tục, phát triển và lan rộng khắp nơi. Vì thế, người Việt đã kính ngưỡng về dương vật và âm vật, và nó được biểu hiện qua hai sinh khí của người nam (dương vật) và người nữ (âm vật).

Hai biểu tượng chung này mang một ý nghĩa tổng quát nói lên sự sinh tồn và phát triển của vạn vật.

Tóm lại, tư duy lưỡng hợp đực- cái (dương - âm) đã chi phối lối sống, cách nghĩ, các hiện tượng, tín ngưỡng của người Việt. Những sinh hoạt tín ngưỡng Phồn Thực được người dân thể hiện và tin có sự truyền sức sinh sản cho cây cối hoa màu cũng như cả nòi giống con người cũng được phát triển[10]. Nó được “phồn thực hóa” thành những tác động mang tính đực-cái và đã trở thành một tín ngưỡng, một lý thuyết có niềm tin về phồn thực và có ảnh hưởng trên đời sống của người Việt.

 

3.4   Thực hành

 Thực hành tín ngưỡng phồn thực là điểm quan trọng để xây dựng một bản sắc văn hóa riêng của nước ta. Tín ngưỡng phồn thực được thể hiện rất đa dạng, sinh động và đầy màu sắc. Nó thường được thể hiện trong các lễ hội của người Việt. Thông thường, các lễ hội diễn ra vào mùa xuân, vì mùa xuân mở đầu cho một năm mới, cây cối vạn vật như được hồi sinh, được đâm chồi nảy lộc, sinh sôi nảy nở.

Ở Hà Đông, Bắc Giang, Đông Yên, Bắc Ninh, Thái Bình trong các kỳ lễ có tục tắt đèn. Trong thời gian tắt đèn, trai gái tự do ôm ấp, thậm chí có thể quan hệ với nhau[11]. Có tục trai gái ôm nhau bắt chạch trong chum ở làng Tiên Du, Phú Mẫn, Mộ Đạo, Thuận Thành, Vĩnh Lạc (Bắc Ninh), tục bắt chạch trong chum nói lên sự cần thiết của đực cái hòa hợp để mong phồn thực của vạn vật[12].

Nói đến lễ hội, người ta không thể ai không nhắc biết đến lễ hội “Ông Đùng Bà Đà”. Lễ được bắt đầu từ mồng 6 đến mồng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm. Lễ tái diễn hình thức hiến sinh đôi trai gái trong trạng thái giao hợp để dâng vị thần nghề nông, cầu mong sự sinh sôi, phát triển vụ mùa. Lễ hội phản ánh tâm thức thần hóa vạn vật và quan niệm sự sống trong đời sống tinh thần người Việt sơ khai[13].

Ngoài ra có lễ hội “Nõ Nường”, lễ này cũng được coi là một lễ lớn có ảnh hưởng như lễ Ông Đùng bà  Đà[14].

Tín ngưỡng phồn thực còn biểu hiện biến tướng qua lễ hội cầu mùa nông nghiệp như: cầu mưa, cầu nước, đua thuyền, hạ điền, cầu an… tất cả đều cầu mong cho mưa thuận gió hòa, đất đai phì nhiêu, vạn vật tươi tốt, sinh sôi nảy nở, làm ăn phát tài[15].

Trên vùng Cao Nguyên, chúng ta cũng bắt gặp những động tác gieo hạt: Người nam chọc lỗ và người nữ bỏ hạt cũng được phồn thực hóa thành những động tác mang tính đực-cái với niềm tin sẽ truyền sinh sức sống cho cây trồng[16].

Tín ngưỡng phồn thực không chỉ thể hiện trong các lễ hội mà còn thể hiện ra văn chương dân gian và các hình tượng. Người ta tìm thấy hình tượng Cột Đá ở chùa Chạm (Hà Bắc). Những dụng cụ mang tính phồn thực: Thạp Đồng Đào Thịnh[17], Bánh Chưng Bánh Dày hay Chùa Một Cột. Ngoài ra ta còn bắt gặp những bóng dáng của tín ngưỡng phồn thực như Cây Cột Đá ở Vũ Ninh tương truyền nơi Thánh Gióng buộc ngựa cũng là Linga, các giếng nước ở đền, chùa như giếng Tiên ở Lạng Sơn, giếng Ngọc ở Đền Hùng đều là hình tượng Yoni. Có thể nói Linga-Yoni thấp thoáng có mặt ở khắp nơi: cây gậy chọc lỗ để gieo hạt, cái cày cày xuống lòng đất mẹ, chày và cối, chiếc chìa vôi cắm vào bình vôi, đũa bông cắm vào bát cơm, quả trứng trên quan tài người chết, cái roi ngựa (cái hoa tre) của Phù Đổng trong ngày hội Gióng... Mỗi biểu tượng đều có những ý vị riêng biệt, nhưng chung một triết lý phồn thực.

    Ngoài việc thờ sinh thực khí người ta còn thờ chính hành vi giao hợp. Trên Thạp Đồng Đào Thịnh (Yên Bái) có 4 khối tượng nam nữ đang giao phối. Khối tượng dài 8cm, cao 3,5cm tạc hình đôi nam nữ chồng lên nhau, tư thế điển hình nhất của con người. Người đàn bà vú nhọn, hai tay ôm đỡ người đàn ông. Người đàn ông hai tay ôm quấn lấy bạn tình, dương vật lớn quá cỡ. Người xưa tin rằng, hành động giao phối của con người sẽ gây cảm hứng sang muôn vật.

 

          Thờ cơ sinh thực khí là thờ sinh thực khí của nam lẫn nữ. Việc thờ sinh thực khí được tìm thấy ở trên các cột đá có niên đại hàng ngàn năm trước công nguyên. Ngoài ra nó còn được đưa vào các lễ hội, lễ hội ở làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh) có tục rước cặp sinh thực khí bằng gỗ vào ngày 6 tháng giêng, sau đó chúng được đốt đi, lấy tro than chia cho mọi người để lấy may. Cũng có khi người ta mang hình âm vật và con mèo cái ra để kích thích Bố Trời giao hợp với Mẹ Đất, bởi trong quan niệm của họ, mưa gió chính là kết quả của sự giao phối ấy.

 

   Bởi vậy, có nơi vào ngày gieo trồng, họ mang nhau ra bờ bãi để giao hợp. Ở Bắc Bộ đàn bà khi cấy lúa thường kể chuyện tục. Gầm giường các cặp vợ chồng mới cưới thường để khoai giống, thóc giống... Mùa trồng trọt thường được bắt đầu bằng hội xuống đồng hoặc lễ tịch điền, trong đó nhà vua cày những luống đầu tiên.

  Trong văn chương: Người Việt Nam có lối tư duy phong phú, vận dụng mọi hình thức để nói lên tính phồn thực như truyện thần thoại Nữ Oa và ông Tứ Tượng - bà Nữ Oa tượng trưng cho sinh lực có phồn thực. Bà tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở vạn vật. Ông Tứ Tượng có “vật báu” to và dài. Cả hai nói lên tính phồn thực rất cao vì đã phô bày hai nguồn sinh khí người nam (dương vật) và người nữ (âm vật). Đến truyện Ông Đùng Bà Đà đã trở thành lễ hội[18]. Chuyện Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung nói lên sức mạnh, năng lực của hai sinh khí người nam và người nữ.

 Gần với chúng ta, nhà thơ Hồ Xuân Hương với bút pháp tinh tế đã cho ra đời những dòng thơ mang tính phồn thực qua bài “Trống thủng” :

Của em bưng bít vẫn bùi ngùi

Nó thủng vì chưng kẻ nặng đùi

Ngày vắng đập tung dăm bảy chiếc

Đêm thanh tom cắc một đôi hồi

Khi dang thẳng cánh bù khi cúi

Chiến đứng không thôi, lại chiến ngồi

Nhắn nhủ ai về thương lấy với,

Thịt da ai cũng thế mà thôi…[19]

   Trên đây là những hình thức biểu hiện cụ thể nhất về tín ngưỡng phồn thực, những hình thức này tôn vinh giá trị sự sống và sự hòa hợp đực-cái, nói lên sự dung hòa trời với đất, là cội nguồn sinh ra sự sống, mang lại sự phong nhiêu cho mùa màng và nòi giống con người.

          1.5   Đối chiếu.

  Để có cái nhìn khách quan, chúng ta cần hiểu về khái niệm “tôn giáo tín ngưỡng” mang ý nghĩa chung nhất. Một tác giả có cái nhìn khá hay cho khái niệm này, ông nói:

Tôn giáo tín ngưỡng là một đời sống văn hóa tinh thần con người mà ở đó con người cảm nhận được sự tồn tại của các vật thể, lực lượng siêu nhiên, mà những cái đó chi phối, khống chế con người, nó nằm ngoài giới hạn hiểu biết của con người hiện đại […]. Tất cả những niềm tin, thực hành và tình cảm tôn giáo tín ngưỡng tự nhiên, xã hội và văn hóa mà con người đang sống, theo cách suy nghĩ và cảm nhận của nền văn hóa đang chi phối họ[20].

Trên đây là khái niệm chung về tín ngưỡng và tôn giáo. Vậy đâu là điểm khác biệt?

So sánh “tín ngưỡng phồn thực” và “Đạo Công Giáo”[21]:

 

a)    Khác nhau

TÍN NGƯỠNG PHỒN THỰC
TÔN GIÁO  (CÔNG GIÁO)
Chưa có hệ thống giáo lý, có các huyền thoại, thần tích
Có hệ thống giáo lý, thể hiện quan niệm vũ trụ và nhân sinh, truyền thụ và học tập ở các thánh đường, tu viện.
Mang tính đa thần, tản mạn, tùy nơi, không bắt buộc
Mang tính hệ thống, độc thần (Thiên Chúa)
Có sự hòa nhập nhất định giữa giới thần linh và con người, không có tính cứu thế
Có sự phân biệt hai thế giới siêu nhiên và tự nhiên, mang tính “cứu độ”
Có sự gắn kết giữa cá nhân và cộng đồng làng xã, chưa thành giáo hội phổ quát
Tổ chức giáo hội, cơ chế chặt chẽ, hệ thống Giáo chức, gắn chặt cá nhân với nhân loại
Nơi thờ cúng và lễ nghi còn phân tán và chưa thành quy ước chặt chẽ, tự do
Nơi tôn thờ cụ thể (giáo đường), nghi lễ, có hệ thống chặt chẽ và quy ước.
Mang tính dân gian, sinh hoạt dân gian và gắn với đời sống nông dân
Không mang tính dân gian có chăng là hội nhập văn hóa bản địa và gắn liền với cuộc sống trong mọi hoàn cảnh và thời đại.

 

   Trên đây là bảng so sánh chung về tín ngưỡng và tôn giáo nói lên sự khác biệt, nhưng nhìn chung về sự “phồn thực” thì cả hai có nhiều điểm khá tương đồng.   

b)     Giống nhau

·    Thứ nhất: Về sự phát triển và nảy nở của vạn vật.

     Niềm tin trong tín ngưỡng phồn thực là sự thần hóa từ thiên nhiên, vạn vật được sinh trưởng là nhờ lưỡng hợp giữa đực và cái. Trong đạo Công giáo tin có Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật và vũ trụ này nhưng để vạn vật được sinh sôi thì cũng tạo dựng hai yếu tố đực và cái, điều này cũng nói lên được tính phồn thực hàm ý ở trong đó. Trong sách Sáng thế đã cho ta biết rõ hơn, gần hơn với tính phồn thực. Thiên Chúa phán: đất phải sinh thảo mộc…Thiên Chúa sáng tạo con người (x. St 1, 1-29). Hai yếu tố đực cái cũng được nêu ra trong Kinh thánh – Đức Chúa phán với ông Noe là đưa vợ con và các loài giống thú vật, mỗi loài một đôi, phải là con đực, con cái (x. St 6,18-19). Trong chương 2 sách Sáng thế nói: “con người ở một mình không tốt” và Thiên Chúa làm ra một người đàn bà để sống với con người (đàn ông), trở nên một xương một thịt (x. St 2, 18-25).

·    Thứ hai: Về sự sống.

Sự sống là  nguồn phát sinh ra vạn vật. Do đó, sự sống được bảo vệ và phát triển. Trong tín ngưỡng phồn thực, sự sống là điều cần thiết để duy trì nòi giống và nảy nở. Việc thờ âm vật và dương vật là tôn thờ sự sống, ước mong sự sống được lan tràn trên mặt đất thật nhiều và sống dồi dào. Chính nhờ sự sống, con người có sự liên đới với nhau và liên đới với vạn vật. Trong Đạo Công Giáo chúng ta, sự sống lại quan trọng biết bao. Thiên Chúa tạo nên sự sống và giao cho chúng ta bảo vệ và phát triển nó. Người Công Giáo phải bảo vệ, duy trì và phát triển sự sống là điều bắt buộc và đó cũng là lệnh truyền của Thiên Chúa gửi đến chúng ta. Hơn nữa quan niệm về sự sống của người Kitô hữu không chỉ dừng lại ở mặt thể lý, tự nhiên như tín ngưỡng phồn thực nhưng vượt qua ranh giới về mặt khả giác để hướng đến với sự siêu nhiên nơi vĩnh hằng. Qua sự sống, chúng ta có thể liên đới với vạn vật, với nhau và liên kết với Đấng tạo nên sự sống.

·    Thứ ba: Về lễ nghi.

Như đã trình bày phần thực hành ở trên, tín ngưỡng phồn thực có nhiều lễ hội đa dạng và nhiều mầu sắc. Tất cả những lễ hội đó đều mang một giá trị siêu nhiên và hướng đến sự phồn thực cho vạn vật. Vạn vật được sinh ra đều do bởi hai nguyên lý đực-cái. Trong các lễ nghi Công giáo, chúng ta có nghi lễ làm phép hôn phối cho đôi bạn trẻ. Hiểu theo ý nghĩa phồn thực thì đây cũng là việc làm mang tính phồn thực, giữa người nam và người nữ thành một để lưu truyền nòi giống và phát triển vạn vật. Nghi lễ hôn phối của chúng ta không chỉ dừng lại về mặt thể lý mà nó một giá trị và ý nghĩa vô giá vì nó là một Bí Tích được Thiên Chúa trao ban. Điều này cho thấy giáo lý của chúng ta rất coi trọng đến sự sống và phát triển “cho đầy mặt đất”. Hành động cụ thể nhất trong lễ hôn phối để có thể nói về tính phồn thực là việc hai người trao nhẫn cho nhau - ta chỉ hiểu hành vi này mang tính tín ngưỡng phồn thực mà thôi. Một hành vi giao nhau (trao nhẫn) mang tính biểu tượng đủ cho ta dám nói hành vi đó mang dáng dấp của tính phồn thực.

1.6 Nhận định

Có thể nói, tâm thức kính ngưỡng sự sống trong tín ngưỡng phồn thực là sinh hoạt tinh thần chủ yếu của người Việt ngay từ buổi sơ khai. Theo dòng lịch sử, tâm thức của người Việt đã hình thành lối sống hòa điệu với thiên nhiên một cách tự nhiên. Đất, nước, sông ngòi, cây cối…thật gần gũi đến nỗi nó đã được nhân cách hóa như một người Mẹ có thể che chở, bảo vệ và phù hộ. Đất và Nước không chỉ hiểu là một lãnh thổ mà thôi những nó còn biểu tượng sự sống gắn liền với hoạt động trồng trọt nông nghiệp, phản ánh khát vọng sống hòa hợp với môi trường tự nhiên. Một nét đặc trưng của vũ trụ luận riêng ở nước ta là đực-cái hòa hợp tương sinh vạn vật. Lối tư duy này đã được thể hiện trong sinh hoạt đời thường bằng các lễ hội và những cách thức khác nhau thật phong phú và nhiều mầu sắc để cùng nhau hòa một bản nhạc diễn tả sự phồn thực thật mãnh liệt của cái siêu nhiên ẩn dấu trong cái tự nhiên.

 

2. TÍN NGƯỠNG CON NGƯỜI PHỒN THỰC

         Tín ngưỡng thờ con người được các nhà dân tộc học coi là giai đoạn cuối của một sự tiến hoá dài dằng dặc từ sợ sệt, sùng bái những sức mạnh bí mật và nở rộ trong vũ trụ, rồi tiến đến sùng bái những năng lực rõ rệt hơn như Trời - Đất, tiếp đến là sùng bái loài vật và cuối cùng là tín ngưỡng thờ con người.

2.1 Đạo thờ Mẫu

Do là một đất nước nông nghiệp nên việc sùng bái tự nhiên là điều dễ hiểu. Điều đặc biệt của tín ngưỡng Việt Nam là một tín ngưỡng đa thần và âm tính (trọng tình cảm, trọng nữ giới). Có giả thuyết cho rằng đó là do ảnh hưởng của chế độ mẫu hệ thời xưa tại Việt Nam. Các vị thần ở Việt Nam chủ yếu là nữ giới, do ảnh hưởng của tín ngưỡng phồn thực như đã nói ở trên nên các vị thần đó không phải là các cô gái trẻ đẹp như trong một số tôn giáo, tín ngưỡng khác mà là các bà mẹ, các Mẫu.

Ø    QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

           Theo niềm tin dân gian, Thánh mẫu là Đấng sáng tạo, cai quản vũ trụ, che chở cho con người mang đến cho con người mọi điều may lành. Những người theo Mẫu tâm niệm, Mẫu là mẹ của mọi người, Mẫu luôn che chở, phù hộ cho con người gặp nhiều thuận lợi để vượt qua thiên tai, vận hạn, bệnh tật … đem đến cho họ cuộc sống bình yên, sung túc. Đạo Mẫu quan tâm đến đời sống hiện sinh của con người, đến sức khỏe, tiền tài và danh vị…, là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt, mang lại cho họ sức mạnh, niềm tin nên Đạo Mẫu có sức thu hút nhiều tầng lớp trong xã hội.

         Quá trình hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu mang tính chất đa chiều: từ thờ Nữ Thần là nền tảng dần hình thành nên tục thờ Mẫu Thần và Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Ngược lại, sau khi Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ đã hình thành khoảng TK XVI – XVII thì nó ảnh hưởng trở lại, Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ hoá tục thờ Mẫu thần và Nữ thần nguyên thuỷ.

        Có thể nói Đạo Mẫu gồm 3 lớp : Thờ Nữ Thần, Thờ Mẫu Thần và Thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ.

        Thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội, phản ánh đặc nét về nữ tính nơi bản sắc văn hóa Việt Nam. Hiện nay, tín ngưỡng này đang được thực hành phổ biến ở khắp các vùng miền trong cả nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Các Nữ Thần được thờ khắp nơi, trong các Đền, Điện, Miếu, Doanh Phủ: Bà Chúa Kho, Bà Chúa Ngọc, Bà Đen, Bà Thiên Hậu, Bà Thiên Y A Na, Bà Chúa Xứ… Ở các vùng đồng bằng Bắc Bộ, phát triển việc thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) trong chùa Phật giáo; dần dần phát triển việc thờ Tứ Phủ trong Đạo Giáo Dân Gian, gồm: Mẫu Thượng Thiên - Mẫu Thượng Ngàn - Mẫu Thoải - Mẫu Địa để cai quản bốn vùng trời đất. Việc thờ Mẫu thường thể hiện qua các Lễ Hội, và kín đáo hơn qua việc lên đồng.

Ø    GIÁO THUYẾT

v    Tam phủ - Tứ phủ.

 Người ta tin rằng Mẫu là 1, nhưng Bà hóa thân thành 3 để trông coi vũ trụ, cai quản vùng miền khác nhau của vũ trụ : Trời – Rừng núi – Nước, sau này có thêm Mẫu Địa Phủ nữa là 4. Bốn phủ này do ảnh hưởng của Đạo Giáo Trung Hoa quan điểm về ngũ phương, ngũ sắc, ngũ hành nên mỗi miền tượng trưng bằng một màu sắc khác nhau: Mẫu Thượng Thiên – cai quản vùng Trời thì màu đỏ, Mẫu Thượng Ngàn - rừng núi màu xanh, Mẫu Thoải - Nước(Mẫu Thủy) màu trắng và Mẫu Địa - Đất  màu vàng. Đây là quan điểm vũ trụ luận mà không một tín ngưỡng nào trong thời kỳ đó có được. Đó là một sự phát triển nhận thức của con người

v    Mẫu Thượng Thiên.

          Mẫu Thượng Thiên hay còn gọi là Mẫu Cửu Trùng (Cửu Thiên Huyền Nữ) mặc áo đỏ, ngồi chính giữa. Chức năng của Bà là sáng tạo, cai quản vùng trời, làm chủ quyền năng mây, mưa, sấm, chớp liên quan đến thời tiết, mùa vụ. Bởi vì người Việt gắn liền với việc trồng lúa nước nên mưa trên trời rơi xuống là mối quan tâm bậc nhất của nông dân. “Cầu mưa” là nhu cầu đầu tiên của việc cầu Mẫu Thượng Thiên.

         Sau này một số điện thờ Mẫu, nơi chính giữa thờ Mẫu Liễu Hạnh. Mẫu Liễu Hạnh xuất hiện vào khoảng đời hậu Lê, nhưng nhanh chóng trở thành vị Thần chủ của Đạo Mẫu Việt Nam và được tôn vinh với tư cách là Mẫu Thượng Thiên, được thờ ở vị trí trung tâm, Thánh Mẫu Liễu Hạnh được cho là công chúa của Ngọc Hoàng Thượng đế, do lỡ tay làm vỡ chén ngọc mà bị đày xuống trần làm con gái nhà họ Lê (ở nơi ngày nay thuộc tỉnh Nam Định) vào năm 1557. Dưới trần, Bà có cuộc sống ngắn ngủi nhưng được tái sinh lần nữa. Trong kiếp mới, Bà thực hiện nhiều phép mầu, giúp dân chống quân xâm lược. Bà trở thành một lãnh tụ của nhân dân và thậm chí bà còn tranh đấu với vua chúa. Do đức hạnh của bà, nhân dân đã lập đền thờ bà (Đền Sòng tỉnh Thanh Hóa). Bà đã được thánh hóa và trở thành một vị Thánh Mẫu quan trọng nhất và một hình ảnh mẫu mực cho phụ nữ Việt Nam.

v    Mẫu Thượng Ngàn

         Cung Thánh Mẫu hay Mẫu Thượng Ngàn hoặc Bà Chúa Thượng Ngàn là một trong ba vị mẫu được thờ cúng tại điện Mẫu, cạnh đình, chùa của người Việt, chủ yếu ở miền bắc và miền trung Việt Nam.

         Mẫu Thượng ngàn là hóa thân của Mẫu toàn năng, chức năng cai quản vùng rừng núi. Nơi sản sinh ra của cải nuôi sống con người từ thời nguyên thuỷ. Nơi được coi là miền giàu có tự nhiên “Tiền rừng”.

         Việc thờ phụng Mẫu Thượng Ngàn là một đặc điểm của tín ngưỡng gắn liền với núi rừng của người Việt. Bà là một nhân vật mang tính truyền thuyết và đóng vai trò quan trọng trong tín ngưỡng hầu bóng tam phủ hay tứ phủ. Công chúa Thượng Ngàn, được coi là hồn thiêng của sông núi. Bà có mặt ở khắp nơi, theo bước chân của dân chúng, khi ở miền rừng núi khi xuống miền đồng bằng. Vì vậy, ở nhiều nơi người dân lập điện thờ, thờ phụng bà. Tuy nhiên, nơi thờ chính vẫn là vùng núi non và các cửa rừng. Những người đi rừng, muốn được bình yên, vạn sự tai qua nạn khỏi, thường đến cầu xin sự che chở, phù trợ của bà. Ai muốn săn bắt hay khai thác thứ gì trong rừng, cũng đặt lễ, thắp hương, cầu xin để được bà chấp thuận và phù hộ.

v    Mẫu Thoải

         Là vị nữ thần chịu trách nhiệm quản lý các miền sông nước. Nơi cũng sản sinh nhiều của cải (thuỷ sản) và nước tưới cho nông nghiệp, nhất là từ khi xuất hiện nền nông nghiệp cây lúa nước. Ứng với câu ngạn ngữ “Bạc bể”, chỉ sự giàu có tự nhiên miền sông nước.

         Theo quam niệm dân gian Việt Nam, Bà xuất thân từ dòng dõi Long Vương, liên quan đến thuỷ tổ dân tộc Việt. Mẫu Thoải có mặt ở khắp mọi nơi để phù hộ. Vì đức độ, thương yêu con dân nên bà được tôn phong là đệ tam thánh mẫu trong đức thờ Tam tòa thánh mẫu. Mẹ có trong nguồn nước chúng ta uống, chúng ta sinh trưởng có mẹ. Cây cối tươi tốt con người khỏe mạnh nhờ nguồn nước mẹ ban. Mẫu Thoải giúp đỡ mọi người mỗi khi đi qua các vùng sông nước. Do vậy, mỗi khi bước xuống đò, qua một khúc sông rộng, người ta thường lẩm nhẩm cầu khấn, xin Mẫu phù hộ độ trì. Mỗi khi có hạn, Mẫu phái tướng sĩ đi lo việc làm mưa. Còn khi bão lụt, Mẫu lại hóa phép để gió yên, mưa tạnh. Các loài thủy quái, thủy tặc, do có các thần tướng của Mẫu canh chừng, nên cũng không thể tùy tiện tác oai, tác quái.Trong dân gian, Mẫu Thoải là hình ảnh của bà mẹ hiền lành, đảm đang, suốt đời lo lắng cho con cho cháu.

         Mẫu Thoải được thờ tại hầu hết các đền Chùa có bàn thờ Mẫu. Mẫu còn được thờ làm thành hoàng ở một số vùng thời xưa chuyên nghề sông nước. Giỗ là ngày 12 tháng Sáu âm lịch.

v    Mẫu Địa

        Là Mẫu đệ tứ trong Tứ Phủ. Chức năng của bà là trị vì, cai quản vùng đất đai, trên đó con người có điều kiện làm ăn sinh sống.  Người Việt tự hào “rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu”. Đất đai trù phú là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp.

        Ngày nay, Tại Miếu Ngũ Hành, Miếu Bà Tây hằng năm vẫn tổ chức Đại Lễ Vía Mẹ Địa Mẫu với những hình thức tuồng chèo,… và được nhiều người sùng kính.

Ø    THỰC HÀNH:

Về phương diện nghi lễ, ở Nam Bộ, nếu nơi nào có tục thờ Nữ thần và Mẫu thần thì thường có diễn xướng múa bóng, còn nơi có đền phủ thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ thì có diễn xướng hầu bóng (lên đồng). Diễn xướng nghi lễ hầu bóng ở Bắc Bộ và Nam Bộ đã được nhiều công trình nghiên cứu đề cập tới. Đó là nghi lễ nhập hồn nhiều lần của các thần linh vào thân xác các ông, bà đồng nhằm cầu sức khoẻ, tài lộc, là một dạng của Shaman giáo, tồn tại ở nhiều nước trên thế giới. Để thực hiện nghi thức mang tính Shaman này, các hiện tuợng văn hóa nghệ thuật, như hát văn và nhạc chầu văn, múa thiêng… đã được sản sinh và tích hợp tạo nên một thứ sân khấu tâm linh, tượng trưng cho sự tái sinh và hiện diện của thần linh Tam phủ, Tứ phủ thông qua các thân xác các ông đồng, bà đồng.

Ø    GIÁ TRỊ VĂN HOÁ:

Có thể nói tín ngưỡng thờ Mẫu chính là sự biểu hiện của tâm thức văn hoá Nữ Tính Dân Dã và Hoà Tính Dân Dã của người nông dân lúa nước Việt Nam. Nó nằm rất sâu và rất bền bỉ trong “vô thức cộng đồng” của người Việt. Nó thể hiện cái “thiêng” thật gần gũi như Mẹ, như Thiên Nhiên, như Mặt Đất, như Dòng sông, như Sự Sống.

Đạo mẫu là đặc nét của Văn Hóa VN vì nó biểu lộ khía cạnh nữ tính trong văn hóa Việt, với một trực giác văn hóa dân dã. Từ xa xưa, vai trò của người phụ nữ Việt Nam đã được đánh giá cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng sâu nặng nho giáo phong kiến, trọng nam khinh nữ, thân phận người phụ nữ bị vùi dập, song nét văn hóa này không bị che khuất. Đạo mẫu ăn sâu trong tâm thức người Việt Nam, nó làm cho dân Việt biết quan tâm nhau hơn, chịu thương chịu khó như một người Mẹ hiền...và nó ảnh hưởng trong cả cách chiến trận và lập nên chiến tích như hình thức đánh du kích (là kiểu đánh đàn bà ) của bộ đội việt Nam.

Nơi Đạo Mẫu, người ta đồng nhất vũ trụ với tính nữ. Điều này bắt nguồn từ nền nông nghiệp lúa nước và xã hội nặng tính mẫu hệ. Đạo Mẫu cũng thể hiện một giá trị văn hóa nghệ thuật. Đạo Mẫu hình thành tương đối hoàn chỉnh với các hệ thống đền phủ, kiến trúc, lễ hội, đặc biệt hình thành nên sân khấu tâm linh thể hiện qua nghi lễ hầu đồng.

Ø    GIÁ TRỊ KITÔ GIÁO:

Nét nữ tính nơi văn hóa Việt Nam không chỉ hình thành nên Đạo Mẫu mà nó còn hình thành nơi người Kitô hữu một lòng yêu mến đặc biệt đối với Đức Maria. Đức Maria có thể được xem là người phụ nữ kiểu mẫu điển hình cho người phụ nữ Việt Nam với tất cả những đức tính dịu hiền, đảm đang, chịu thương, chịu khó, quên mình, hy sinh cho chồng con v.v..

          Nếu việc sùng kính các Mẫu được người dân Việt thể hiện qua việc thờ cúng ở các đền, miếu, hay qua việc tổ chức các lễ hội v.v..thì lòng yêu mến và sùng kính Mẹ Maria được các Kitô hữu thể hiện rõ nét trong lối sống đạo, như: việc tổ chức các buổi hành hương kính mẹ, những buổi dâng hoa, kiệu, canh thức cầu nguyện v.v..nhiều Hội đoàn mang Danh Mẹ và chọn Mẹ làm quan thầy.

2.2 . Thờ Tổ Tiên Ông Bà

Ø    LỊCH SỬ:

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên hay đạo Ong Bà có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời ở nước ta. Hiện nay, trong hàng ngũ các nhà nghiên cứu khoa học song song tồn tại hai quan điểm cho rằng: thứ nhất, tục thờ cúng tổ tiên có nguồn gốc từ Trung Hoa; thứ hai, tục thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng bản địa của Việt Nam nói riêng và mang tính vùng của khu vực Đông Nam Á nói chung.

Cơ sở hình thành tín ngưỡng này là niềm tin vào sự bất diệt của linh hồn, tin rằng chết là về với tổ tiên nơi chín suối,  nhưng ông bà tổ tiên vẫn thường xuyên đi về thăm nom, phù hộ cho con cháu. Tín ngưỡng này có ở nhiều dân tộc có nguồn gốc Đông Nam Á, tuy nhiên, nó phổ biến và phát triển hơn cả ở người Việt. Đối với người Việt, nó gần như trở thành một thứ tôn giáo. Người dân miền Nam gọi là Đạo Ong Bà. Nguyễn Đình Chiểu trong Lục Vân Tiên cũng cho ta thấy việc thờ cúng ông bà tổ tiên rất được đề cao trong lòng người Việt:

“Thà đui mà giữ đạo nhà

Còn hơn sáng mắt ông cha không thờ”.

Ø    GIÁO THUYẾT

Một vài khái niệm liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên. 

v    Linh hồn:

Cũng như người Đông Nam Á cổ xưa, người dân Việt Nam thời tiền sử, luôn tin vào sự tồn tại của một thế giới hồn linh song song với thế giới thực tại của con người. Họ quan niệm rằng, trong con người có hai yếu tố vật chất và tinh thần. Cái vật chất thì cụ thể, nhìn thấy được còn cái tinh thần thì trừu tượng, khó nắm bắt nên người xưa thần thánh hoá nó thành khái niệm “linh hồn” và linh hồn trở thành đầu mối của tín ngưỡng.

v    Tổ tiên:

Là khái niệm dùng để chỉ những người có cùng huyết thống nhưng đã mất. Những người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng và có ảnh hưởng lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của thế hệ người đang sống. Trong quá trình phát triển của lịch sử, khái niệm tổ tiên không chỉ bó hẹp trong phạm vi truyền thống gia đình nhưng đã mở rộng ra cộng đồng, xã hội.

v    Thờ:

         Là yếu tố thuộc ý thức về tổ tiên, là tình cảm biết ơn, tưởng nhớ, hướng về cội nguồn, quá khứ.

v    Cúng:

          Là yếu tố mang tính nghi lễ. Là sự thực hành một loạt động tác (khấn, vái, quì, lạy) của người gia trưởng, tộc trưởng. Đó là hoạt động dưới dạng hành lễ và được quy định bởi quan niệm, phong tục, tập quán của mỗi cộng đồng, dân tộc.

         Thờ và cúng là hai yếu tố có tác động qua lại và tạo nên chỉnh thể riêng biệt- đó là sự thờ phụng tổ tiên.

 Nhìn chung, tục thờ cúng tổ tiên của người Việt mang ba khía cạnh sau:

*                Thờ cúng những người trong cùng dòng họ máu mủ đã khuất, theo từng đơn vị gia đình, gia tộc.

*                Mang tính chất là một hình thái tín ngưỡng, thờ tự, cúng tế, cầu mong linh hồn ông bà tổ tiên “ phù hộ” cho cuộc sống của con cháu.

*                Việc thờ cúng tổ tiên không dừng lại trong phạm vi gia đình mà mở rộng ra phạm vi cả nước.

Ø    THỰC HÀNH:

v    Không gian:

Không gian thờ cúng tổ cúng tổ tiên bao giờ cũng là nơi sạch sẽ và trang trọng nhất của ngôi nhà. Bàn thờ tổ tiên lúc nào cũng đặt ở nơi cao ráo và phần lớn quay về hướng Nam với hàm ý con cháu tôn vinh bậc hiền tài theo tinh thần “ Thánh nhân nam diện thính nhân thiên hạ”.

Bàn thờ: Theo quan niệm của người xưa, bàn thờ là biểu tượng của bầu trời tinh khiết. Ỏ hai góc ngoài bàn thờ có hai cây đèn hoặc nến tượng trưng cho mặt trời ( phía bên trái bàn thờ) và mặt trăng (phía bên phải bàn thờ). Bát hương ở giữa biểu hiện cho các tinh tú. Đèn hương đóng vai trò rất quan trọng vì đó là cầu nối duy nhất giữa con người và thần linh. Con người nhờ hương khói để truyền ước vọng của mình lên các đấng thiêng liêng ở trên trời. Ngoài bàn thờ thông thường còn có bàn thờ vọng, là một loại bàn thờ mà người sống xa quê ít có điều kiện về nhà con trưởng lập nên. Bàn thờ gia tiên của con trưởng phức tạp hơn con thứ, gia đình con thứ, con út chỉ thờ vọng nên cách bài trí bàn thờ cũng đơn giản. Bàn thờ đđược coi là những dấu vết còn lại của tín ngưỡng thờ mặt trời và thần lửa. Chén nước trắng tinh khiết cũng đđược giải mã từ tục thờ thần nước xa xưa.

v    Thời gian thờ cúng tổ tiên:

ü    Thời gian theo điển chế: đây là thời gian mà hầu hết các gia đình người Việt đều tiến hành thờ cúng tổ tiên

*                Trước tiên là ngày giỗ kỵ ( kỵ nhật – là ngày chết của người thân):

          Có thể nói, ngày kỵ nhật là ngày cúng giỗ quan trọng nhất và được tổ chức qui mô nhất trong tất cả các dịp cúng giỗ trong năm.

          Dịp này, con cháu thường qui tụ đông đủ để thắp một nén nhang và khấn vái với hương hồn tổ tiên cũng như nói lên lòng hiếu kính tổ tiên. Bên cạnh đó, họ cũng dùng bữa tiệc chung với nhau để cùng ôn lại những việc làm, lối sống và những mong ước…của tổ tiên khi còn sống đã cưu mang. Tuy nhiên, ngày nay, việc cúng giỗ vào ngày kỵ nhật của tổ tiên cũng hết sức linh động để phù hợp với hoản cảnh thực tế cuộc sống của mỗi thành viên trong dia đình. Cho nên, có những gia đình thường tổ chức ngày cúng giỗ vào ngày thứ bảy hay chủ nhật để thuận tiện cho con cháu.

*                Kế đến là ngày tết nguyên đán:

         Được coi là một dịp quan trọng để thờ cúng tổ tiên. Tuy bất thành văn nhưng việc cúng giỗ tổ tiên trong những dịp này được coi như là bắt buộc, là bổn phận. Trong dịp này, mọi việc chuẩn bị vật phẩm, nghi thức, tinh thần cũng mang tính phong phú hơn và long trọng hơn. Vật phẩm phải kể đến trong dịp này là bánh trưng, bánh tét…

ü    Thời gian theo tín ngưỡng dân gian và các tôn giáo khác:

         Do sự đan xen và cộng hưởng về văn hoá Trung Hoa, cũng như với các tôn giáo khác như Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo …người Việt tiếp thu những dịp cúng giỗ như:  Nguyên tiêu (15.01 âm lịch)

*                Thanh minh (tháng 3 âm lịch) - Đoan ngọ (05.05 âm lịch)

*                Trung Nguyên (15.07 âm lịch) - Trung Thu (15.08 âm lịch)

*                Lễ Thường Tân (cúng cơm mới, tháng 10 âm lịch) - Cúng ông Táo (23. 12 âm lịch)...bên cạnh đó, các ngày mùng một và rằm hàng tháng cũng là các dịp cúng giỗ.

          Ngoài ra, khi trong nhà có dịp quan trọng như dựng vợ gả chồng, sinh con, làm nhà, đi xa hay thi cử…thì người Việt cũng dâng hương làm lễ cúng tổ tiên để báo cáo và để cầu xin tổ tiên phù hộ.

v    Thời điểm giỗ trong ngày:

         Thường thì nhiều gia đình người Việt cho rằng nên cúng vào 12 giờ trưa, còn việc con cháu tập trung ăn  uống thì có thể linh động sáng, trưa hoặc chiều tối miễn sao mọi thành viên trong gia đình có thể tham dự đông đủ.

         Tuy nhiên, cũng có nhiều gia đình cho rằng thời gian cúng giỗ có thể linh hoạt theo từng hoàn cảnh của mỗi gia đình.

v    Các vật phẩm cúng tế:

          Người Việt nói chung quan niệm và tin rằng người sống có nhu cầu gì thì người chết cũng như vậy. Cho nên, người ta mang cúng tổ tiên tất cả những gì mình có: hương, đèn, nước lã, thức ăn, hoa quả, tiền vàng, đồ dùng…những vật phẩm đem dâng cúng có ý nghĩa tinh thần và vật chất. Đồ lễ trên bàn thờ cũng không quy đđịnh chặt chẽ lắm, tuỳ tâm nhưng đđiều cơ bản phải là những thứ thanh khiết và được dành riêng để cúng giỗ. Trong những trường hợp không kịp chuẩn bị chu đáo thì chỉ cần chén nước lã, nén hương và lòng thành là cũng có thể được tổ tiên chứng giám.

         Với triết lý âm – dương thì: nước là âm, lửa của nén hương là dương. Đây là sự kết hợp hài hoà của âm dương. Người ta cũng tin rằng, khi đốt vàng mã thì phải đổ chén rượu hoặc nước lên đống tro thì người âm mới nhận được lễ. Theo quan niệm dân dã, nén hương là chiếc cầu nối giữa tổ tiên và con cháu, nó có khả năng chuyển tải lời cầu nguyện của những người sống và chính mùi thơm thanh cao của hương.Nhưng âm dương tạo thành thái cực phải thông qua tâm linh, vì thế chén nước, nén hương và tâm thành là ba yếu tố chủ yếu. Ba yếu tố ấy đã tạo thành nền tảng cơ bản của tục thờ cúng về mặt vật phẩm, nghĩa là vật phẩm kết hợp với tâm linh để tạo thành tất cả.

v    Phạm vi thờ cúng:

          Tục thờ cúng tổ tiên của người Việt không chỉ đóng khung trong phạm vi gia đình mà còn mở rộng ra phạm vi xã hội, như tục thờ các vị thần trong làng, tục thờ các vua Hùng là những người đầu tiên đã có công dựng nước

         Mang đặc tính của cư dân nông nghiệp đa thần giáo, trong gia đđình người Việt thường thờ phụng nhiều vị thần. Ở một số gia đình, vị trí bàn thờ đđược sắp xếp theo quy định, ví dụ thờ Thánh sư ở góc nhà, thờ Tiền chủ ở bàn thờ đặt ngoài sân, thờ Bà Cơ, Ông Mãnh ở cạnh thấp hơn bàn thờ tổ tiên.... Trong các vị thân được thờ tại gia, thường không vị thần nào được sắp xếp ngang hàng với tổ tiên.

Ø    GÍA TRỊ KITÔ GIÁO

          Thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng truyền thống ăn sâu đậm trong tâm thức tôn giáo của người Việt. Công giáo trước CĐ Vat II loại bỏ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Với người tân tòng, điều tiên quyết là phải từ bỏ tín ngưỡng này trong thực hành nghi lễ, đặc biệt là phải bỏ bài vị, bát hương.

          Nhưng theo thời gian, giáo hội dần có cái nhìn cởi mở hơn đối với tín ngưỡng này. Cụ thể, Thánh Bộ Truyền Giáo Roma đã ban hành huấn dụ Plane Compertum est về các lễ nghi tôn kính ông bà tổ tiên, được ĐGH Piô XII phê chuẩn ngày 07.12.1939, đặc biệt được CĐ Vat II công nhận.  Theo chỉ dẫn của huấn dụ Plane Compertum est, tại Việt Nam, Uỷ ban Giám Mục về truyền bá Phúc Am đã chính thức họp và thông báo những quyết nghị về việc chấp thuận việc thực hành các lễ nghi tôn kính ông bà tổ tiên vào ngày 14. 06. 1965: “để đồng bào lương dân dễ dàng chấp nhận Tin Mừng, hội nghị nhận định: Những cử chỉ thái độ, lễ nghi có tính cách thế tục, lịch sự, xã giao để tỏ lòng hiếu thảo, tôn kính và tưởng niệm các tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ, nên được thi hành và tham dự cách chủ động” ( thông cáo HĐGMVN 14.06.1974).

          Mặt khác, nền tảng của giáo lý công giáo là lòng nhân ái. Công Giáo nhấn mạnh đến hai chiều kích của chữ yêu là yêu Chúa và yêu người. Vì thế , trong một giáo lý luôn dạy con người ta phải yêu người như chính mình mà không quan tâm đến tổ tiên cha mẹ mình là điều phi lý. Cho nên, trong Công giáo, dù quan niệm và hình thức thể hiện việc thờ cúng tổ tiên có khác nhưng điểm chung vẫn là khuyên dạy việc báo hiếu tổ tiên đã qua đời.

2.3 Thờ vua Tổ

Thờ Vua Tổ là thờ các vị anh hùng, các danh nhân văn hóa, việc thờ các vị thần làng, thờ những người đã khuất.  Cụ thể là thờ Vua Hùng[22].

Thờ Vua tổ, gợi mở cho mỗi người sống vì dân, vì nước, vì xóm làng thân yêu, tôn vinh và nhớ ơn những người có công với nước.

                                                         “ Dù ai đi ngược về xuôi

                                                     Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”.

          Thờ Vua tổ cũng giữ một giá trị có tính liên kết tôn giáo  việc tôn kính những tấm gương này giúp con  người dễ đón nhận giáo huấn của Chúa Giêsu, cũng như những đòi hỏi triệt để của Tin Mừng cho những ai thi hành lời Chúa Giêsu dạy: “Ai làm lớn giữa anh em phải là người đầy tớ giữa anh em”.

2.4 Thờ thành hoàng làng

     LỊCH SỬ:

Sách Việt Nam phong tục chép: tục thờ Thần Hoàng từ đời Tam Quốc (Trung Quốc) trở về trước vẫn đã có. Đến đời nhà Đường, Lý Đức Dụ làm tướng, mới bắt đầu lập miếu Thần hoàng ở Thành Đô; kế đến nhà Tống, nhà Minh, thiên hạ đâu đâu cũng có lập miếu thờ. Dân ta tin rằng: “Đất có Thổ công, sông có Hà bá; cảnh thổ nào phải có Thần hoàng ấy”. Tục thờ Thành Hoàng còn có nguồn gốc từ thời Trung hoa cổ, sau khi du nhập vào làng xã Việt Nam đã nhanh chóng bám rễ vào trong tâm thức người nông dân Việt trở nên hết sức đa dạng, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Tôn thờ Thành Hoàng là một nhu cầu tâm lý, người dân thờ Thành Hoàng để phục vụ cho hiện thực cuộc sống, là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu được, là phương tiện là động lực thúc đẩy sản xuất và ổn định cuộc sống và có những lễ hội làm cho “căn cước” mỗi làng thêm rõ nét hơn, do đó càng làm cho dân gắn bó với làng.  Nhờ đó việc thờ thần hoàng ngày càng được chú ý hơn.

 

* Thành Hoàng Làng:

-Thành hoàng làng là ai?

 -Thành Hoàng Làng là danh từ chung để chỉ một vị thần được thờ trong một làng xã Việt Nam. Giống Táo công và Thổ công, Thành Hoàng cai quản và quyết định họa phúc của một làng và thường được thờ ở đình làng.

Ø THỰC HÀNH

v Phần lễ

         Tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng thường được thể hiện trong các lễ hội xuân hoặc Tết cổ truyền. Vào mùa xuân, mùa bắt đầu của một năm mới, mùa lễ hội diễn ra. nhằm tỏ lòng biết ơn thần thánh, cầu mong mọi điều tốt đẹp đến với cộng đồng. Quan trọng nhất trong phần lễ là nghi thức rước thần và tế thần. Trước khi tiến hành lễ phải có một đội ngũ gia lễ gồm: chủ tế, bồi tế, các học trò lễ. Việc lựa chọn đội ngũ này phải theo quy định.

            Lễ hội thờ Thành hoàng làng thực chất là chiếc cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, là sự giao lưu văn hoá giữa các làng xóm với nhau, là nét văn hoá đặc trưng trong sinh hoạt văn hoá làng, là sự kết tinh ý thức hệ tôn giáo quanh một hình thái thờ phụng tập thể-thờ Thành hoàng làng trong tâm thức dân gian, tâm thức truyền thống của người dân. Đình làng là nơi thờ phụng Thành Hoàng và trở thành một biểu tượng văn hoá tâm linh của mỗi người dân quê Việt. Làng nào cũng có đình, có khi mỗi thôn lại có một đình riêng. Đình để thờ Thành Hoàng nhưng đồng thời cũng trở thành nơi hội họp của chức sắc trong làng, hay là nơi sinh hoạt của cộng đồng làng xã. Mọi hoạt động này đều xảy ra ở đình với sự chứng kiến của Thành Hoàng.

 

v Phần hội

          Diễn ra sau phần lễ hoặc đan xen với phần lễ, tùy thuộc vào mỗi đình làng. Phần hội là dịp để mọi người cùng nhau sinh hoạt thể hiện tài năng của mình qua các trò chơi như hát bội, kéo co, lắc thúng, làm bánh…Mỗi đình làng đều có những nét riêng tạo nên những nét riêng độc đáo.

Ø ẢNH HƯỞNG CỦA TÍN NGƯỠNG THỜ THÀNH HOÀNG

          Tín ngưỡng Thành Hoàng trở thành một bộ phận quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân, có tác động hết sức sâu sắc đến mọi mặt đời sống của con người. Là một hình thức tín ngưỡng ra đời sớm và phổ biến trong cả nước, Thần Thành Hoàng có tên hay không có tên, dù xuất thân từ bất kỳ tầng lớp nào, thì cũng là chủ tể trên cõi thiêng của làng để giúp dân ngày một thêm thịnh vượng, cho mưa thuận gió hòa, nùa màng tươi tốt. Tín ngưỡng Thành Hoàng tạo ra sự nối kết cộng đồng, sinh hoạt vui chơi bổ ích, xua tan đi những nhọc nhằn của đời sống thường ngày. Mọi lo toan vất vả đều được xếp lại, mọi người đề hướng về lễ hội.

         Việc mở hội làng, lễ Thành Hoàng nhiều khi lại có ích trực tiếp giải quyết những vấn đề xã hội hiện nay. Trước hết là giáo dục đạo đức lối sống cho thanh niên, xây dựng thị hiếu lành mạnh, nếp sống văn hóa giữ cho thanh niên khỏi sa vào lối sống quên nguồn, mất gốc.

         Sống trong nền văn minh kỹ thuật càng cao, nhất là sự ra đời của các phương tiện truyền thông hiện đại, tưởng chừng như con người xích lại gần nhau hơn trong thế giới toàn cầu hóa. Nhưng ngược lại con người càng lúc càng xa nhau, mạnh ai nấy sống, có khi chẳng biết nhà bên cạnh mình là ai, sống ra sao… Việc quây quần nhau nơi đình làng trong tín ngưỡng thờ Thành Hoàng biểu lộ một đời sống cộng đoàn thân ái, quan tâm, sẻ chia từ vật chất đến tinh thần. Người một Làng có một cái gì đó chung và như thế nói lên sự đoàn kết, yêu thương, “lá lành đùm lá rách”.

Ø  GIÁ TRỊ KI TÔ GIÁO

          Tín ngưỡng này có giá trị đóng góp trong việc thực hành niềm tin Kitô giáo, với tiến trình lịch sử của dân tộc, nó là sự kết tụ những giá trị đạo đức và là cơ sở quan trọng đầu tiên cho việc hình thành tôn giáo. Nếp sống đình làng thật gần gũi với gia đình họ đạo của Kitô giáo. “Họ” chỉ về một nếp sống gia đình thân tộc của những người cùng một đạo mà ngày nay gọi là Giáo xứ, dưới sự dẫn dắt của một chủ chăn trong việc phụng thờ Thiên Chúa và sống tình anh em với nhau, cùng nhau xây dựng Giáo Hội địa phương.

          Hạt giống Tin Mừng gieo vãi nơi đây như gặp được mãnh đất tốt làm nó dễ dàng phát triển. Vị Thành Hoàng đứng đầu một làng, bao bọc chở che cho dân nay được cụ thể hóa qua khuôn mặt Đức KiTô. Ngài là Đấng quy tụ dân, gắn kết dân trong tình thân ái, không phá đổ nếp sống đình làng nhưng càng phong phú hơn. Và như thế họ thật dễ dàng đón nhận Tin Mừng .

2.5 Hồn và vía

Ø NGUỒN GỐC LỊCH SỬ

           Người Việt xưa cho rằng con người gồm phần thể xác và phần linh hồn. Một số dân tộc Đông Nam Á coi linh hồn gồm “Hồn” và “Vía”. Người Việt cho rằng: con người chỉ có 3 hồn, nhưng vía thì Nam có 7 vía còn Nữ có 9. Vía là cái hoạt động các quang năng, những nơi có thể tiếp xúc với môi trường xung quanh. Đàn ông có 7 Vía cai quản lỗ trên mặt: hai tai, hai mắt, hai lỗ mũi và miệng. Phụ nữ thì có thêm 2 cái Vía cai quản nơi sinh đẻ và nơi cho con bú. 3 Hồn, theo một cách giải thích uyên bác, gồm tinh, khí và thần. Tinh là sự tinh anh trong nhận thức- Khí là khí lực, là năng lượng làm cho cơ thể hoạt động- Thần là thần thái, là sự sống nói chung. Như vậy, từ xác đến Vía, từ Vía đến Tinh, từ Tinh đến Khí, từ Khí đến Thần là cả mỗi chuỗi xích với mức độ trừu tượng và tầm quan trọng tăng dần [23].

         Theo quan niệm truyền thống, chịu ảnh hưởng Đạo giáo và Nho giáo, thì con người, ngoài thân thể- phần vật chất hữu hình còn có phách và hồn. Phách (chữ nôm gọi là Vía) là phần vô hình, do thân thể biểu hiện ra. Khi thân thể chết thì Vía cũng không còn nữa. Hồn là thứ nhẹ và sáng luôn bay bổng. Hồn là phần tinh thần vô hình, chỉ nhập vào thân thể mà thôi chứ không là biểu hiện của thân thể. Do đó, khi thân thể chết đi thì linh hồn lại xuất ra, tiếp tục tồn tại trong thế giới vô hình [24].

Ø ẢNH HƯỞNG TRÊN VĂN HÓA VIỆT

Hồn Vía được người xưa dùng để giải thích các hiện tượng  như trẻ con hay đau ốm, hiện tượng ngủ mê, ngất, chết… Ngày nay niềm tin vào hồn vía vẫn còn đôi khi ta có nghe: người này lành Vía, người kia dữ Vía, có người yếu Vía, người cứng Vía.. Cho nên khi gặp người có Vía độc khi chạm Vía thì phải đốt Vía, trừ Vía, giải Vía…Khi người chết thì Vía hòa vào thể xác mà tiêu tan. Hồn trừu tượng hơn nên được xem là độc lập với thể xác. Hiện tượng ngủ mê được dân gian giải thích là Hồn lâm thời lìa thể xác để đi chu du. Khi ốm nặng ngất đi bất tỉnh như sự thì có tục gọi Hồn. Hồn của người này có thể nhập vào xác của người kia. Khi chết thì Hồn lìa khỏi xác mà ra đi [25].

 Điểm nóng ngày nay là xuất hiện của những nhà ngoại cảm như Chị Phan Thị Bích Hằng, Ông Nguyễn Văn Nhã,…họ có thể nói chuyện với hồn và tìm được xác của những người đã chết lâu đời. Hiện họ đang nỗ lực đóng góp năng lực thiêng liêng của mình cho Tổ quốc trong việc tìm kiếm xác của các anh hùng liệt sĩ. Có lẽ đây là cơ hội để giới thiệu về quan điểm linh hồn bất tử, thiên đàng hỏa ngục của Kitô giáo cho những người vô thần.

Ø GIÁ TRỊ KITÔ

Niềm tin Kitô giáo minh xác, con người được Thiên Chúa tạo dựng gồm có xác và hồn. Thân xác mau hư nát này sẽ chôn vùi trong lòng đất chờ ngày phục sinh, còn linh hồn bất tử chịu sự phán xét công minh của Thiên Chúa. Phán xét rồi linh hồn lên thiên đàng hoặc xuống hỏa ngục hay vào luyện ngục tùy theo việc dữ đã làm khi còn sống[26].­

 2.6. Tổ Nghề

Thờ tổ nghề được coi là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc việt nam, thể hiện sự biết ơn những vị sáng lập, mở mang tri thức ngành nghề cho nhân dân, đi dưỡng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Các nghề đều có tổ nghề, có khi nhiều người là tổ cùng một nghề (như nghề sân khấu tôn thờ các vị tổ ở nhiều thời điểm khác nhau là Phạm Thị Trân, Đào Tấn, Cao Văn Lầu... hoặc cùng một nghề nhưng mỗi nơi thờ một vị tổ khác nhau như nghề đá Non Nước ở quận Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng thờ vị tổ là Huỳnh Bá Quát trong khi ở làng đá Bửu Long ở Biên Hòa Đồng Nai thì là tổ nghề là Ngũ Đinh còn làng nghề trạm khắc đá Ninh Vân, Hoa Lư, (Ninh Bình) thì lại là Hoàng Sùng)

Thật vậy, việc tôn kính Tổ nghề, biểu lộ lòng biết ơn đối với những vị sáng lập truyền nghề cho mình, họ thờ phụng các vị Tổ của nghề mình đang làm bằng cách lập bàn thờ tổ nghề tại gia, và vào những ngày tuần tiết, sóc, vọng, giỗ tết, đều có cúng cấp. Nhưng phổ biến hơn là các phường nghề lập Miếu, Đền riêng để thờ Tổ nghề riêng của nghề mà phường, làng mình đang làm.

Trong một năm, lễ cúng tổ nghề quan trọng nhất là nhằm vào ngày kỵ nhật của vị tổ nghề, đối với những vị mọi người đều biết, hoặc là một ngày nhất định mà mọi người trong phường, trong làng cùng theo một nghề kể là ngày kỵ nhật của vị tổ nghề mình.

Mục đích của việc thờ phụng tổ nghề thể hiện lòng thành kính của ngôn sư đối với những người có công truyền nghề cho thế hệ sau này. Hơn nữa, người ta cầu mong ngài phù hộ cho công việc làm ăn được suôn sẻ, buôn may bán đắt, hoặc lúc đi xa tránh được mọi sự rủi ro, và sau khi công việc có kết quả, người ta làm lễ tạ ơn. Có thể nói: ngày kỵ nhật tổ nghề tại các phường còn gọi là ngày giỗ phường[27].

Ø ẢNH HƯỞNG TRÊN VĂN HÓA VIỆT

Việc tôn kính các vị tổ nghề không những ăn sâu vào trong phong tục văn hóa Việt Nam từ thời xa xưa, đặc biệt cho đến ngày hôm nay vẫn còn được nổi tiếng ở nhiều nơi từ Bắc chí Nam. Chẳng hạn: ở tại Thăng Long Hà Nội hiện nay, tín ngưỡng thờ Tổ nghề khá đậm nét; có lẽ không có đô thị nào ở Việt Nam nhiều đình như ở đây[28]. Bởi vậy, việc tôn kính tổ nghề, còn là một nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam. Ở Việt Nam hiện đang có một chương trình truyền thông mang tên "Hành trình tìm kiếm tổ nghề Việt Nam" được VietBook, Nhà xuất bản Thông tấn xã Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp thực hiện, nhằm tôn vinh các ngành nghề và tưởng nhớ, tri ân các vị tổ nghề, người có công sáng lập và truyền bá một nghề truyền thống của Việt Nam và thế giới. Chương trình này dự kiến sẽ xây dựng một đình thờ các tổ nghề Việt Nam tại cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) vào năm 2014.

Theo Vụ Quản lý nghề - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Việt Nam), Cả nước có hơn 2.000 làng nghề, 60% số làng nghề có tổ nghề được nhân dân thờ phụng nhiều đời. Hiện có 427 Hiệp hội ngành nghề Trung ương và hàng nghìn hiệp hội nghề địa phương. Một số tổ nghề được nhắc đến như: Lương Như Hộc : tổ nghề in, Phùng Khắc Khoan: tổ nghề dệt lượt và trồng ngô, Lê Công Hành: tổ nghề thêu, Petrus Trương Vĩnh Ký : tổ nghề nhà báo,…

Ø GIÁ TRỊ KITÔ GIÁO

Giữa việc tôn kính các vị tổ nghề của người Việt nam ta với việc tôn  thờ các vị thánh của đạo Công Giáo, ta thấy có nhiều điểm tương đồng, giống nhau. Việc thờ tổ nghề tỏ lòng biết ơn, đồng thời cầu  khẩn các vị ngôn sư phù hộ độ trì cho mình. Thì đối với Công giáo việc chọn các Thánh làm quan Thầy và kính nhớ các ngài trong những ngày đặc biệt là để nhờ các ngài cầu thay nguyện giúp cho mình và gia đình, người thân được khỏe mạnh, mọi sự may lành trong cuộc sống. Vì vậy, dù đạo hay đời, công giáo hay không công giáo…tất cả chúng ta đều là người Việt Nam, đều mang dòng máu Lạc Hồng, thì đều nhớ đến công ơn của công ơn của các vị tiền nhân- các vị thánh. Cho dù mỗi tôn giáo thể hiện cách thức thờ kình này có khác nhau đôi chút, nhưng tất cả với ý hướng thể hiện đạo hiếu bằng việc  kính nhớ cùng tôn thờ các vị tôn sư-các vị thánh đó.

3.  TÍN NGƯỠNG THỜ THẦN

3.1 Trời

          Việc tế Trời đã xuất hiện ở Việt Nam bắt đầu từ 1154 thời vua Lý Anh Tông mới lập đàn Nam giao. Đàn Nam giao ở Huế, khi vừa thống nhất đất nước (1802), Gia Long tạm thời cho làm tế đàn ở phía Tây kinh thành. Năm sau, vua ra lệnh cho Bộ Lễ thảo nghi thức tế trời. Năm 1806, chính thức lập đàn Nam giao ở Nam kinh đô đối diện thẳng với cửa Ngọ môn, là một tế đàn không có mái che vì Trời là Đấng vô hình, ở khắp nơi, đền đìa cũng chẳng xứng đáng cho Trời nên phải tế ngoài trời, hằng năm vua với tư cách là Thiên Tử ra tế Trời để cầu cho quốc thái dân an. Vào thế kỷ XVII, giờ giao thừa vừa điểm, chúa Trịnh và quan quân có mặt tại Hoàng thành rước vua đi tế Trời, sau đó mới chúc Tết nhau[29].

Trải qua nhiều thế kỷ người dânViệt Nam lấy tín ngưỡng thờ trời làm nền tảng để gìn giữ truyền thống dân tộc, gia đình với ý niệm cầu trời khấn phật và coi Trời như là Đấng toàn năng có ảnh hưởng vào vận mệnh của loài người, nên việc thờ Trời là việc đầu tiên của mỗi người, mỗi nhà. Thật vậy, trải qua bao thăng trầm của lịch sử khai quốc, dựng nước, người dân Việt Nam luôn biểu lộ lòng khao khát tâm linh, hướng về Đấng tối cao mà họ gọi là ông Trời.

          Đối với người nông dân, Ông Trời được xem như là đối tượng có tài năng, có phép màu và có lòng từ bi để cứu giúp con người, nên mỗi khi gặp tai nạn họ thường “cầu Trời khấn Phật” để tai qua nạn khỏi. như vậy ông Trời như một Đấng Siêu Việt đã đi vào trong tâm thức của người dân Việt. Ông Trời thấu hiểu được những tâm tư tình cảm, chứng kiến những buồn vui, thấy được những khó khăn, vất vả của người dân và sẵn sàng ra tay cứu giúp “ Ông Trời có mắt”. Do đó, mọi người dân Việt dầu sinh sống ở đâu bất cứ nơi nào, theo bất kỳ một tôn giáo nào họ cũng đều công nhận một chân lý là đạo thờ trời là niềm tin cố hữu của người dân Việt Nam.

         Nghi thức thờ Trời của người dân Việt Nam được biểu hiện thuộc mọi tầng lớp, vua được coi như đại diện của dân, được ủy nhiệm nhân danh toàn dân dâng lễ vật, dâng lời tạ ơn. Việc thờ cúng ông trời là nét tín ngưỡng chung của người dân Việt Nam. Ở các địa phương trong nước được thể hiện qua bàn thờ Thiên. Bàn thờ Thiên là nơi nối kết tâm linh giữa con người với trời, với tổ tiên. Hay nói cách khác đó là nơi giữ mối liên hệ giữa trời với đất, giữa người sống và người đã khuất. Việc thờ kính này được thể hiện bằng việc thắp nhang thường xuyên mỗi ngày. Ông Trời trở nên gần gũi như ông bà, cha mẹ, người thân trong gia đình nên mỗi gia đình đều có bàn thờ thiên trước cửa nhà.

Linh mục Lesopold Cadiere nhận định về niềm tin ở Trời của người Việt Nam: “Họ nhận Trời như là nguyên lý che chở nhân sinh, nguyên nhân tự tại của mọi điều dương thế. Họ kêu Trời chứng giám. Trời thấy hết, chứng kiến hết mọi chuyện. Họ nại đến Trời vì Trời thấu biết, cân nhắc, phán xét. Trời công minh, phạt điều ác, thưởng điều lành…” và thẩm định đó là hành vi tôn giáo cao.

Ø ẢNH HƯỞNG NIỀM TIN KITÔ GIÁO

          Người dân Việt Nam luôn lấy tín ngưỡng thờ trời làm nền tảng, ta có thể coi đó như là hạt giống để chuẩn bị cho việc đón nhận niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất, Người là Đấng toàn năng, thấu suốt và giàu lòng nhân hậu. Cho việc đón nhận giáo huấn của Người dạy không chỉ ăn ngay ở lành mà còn thực thi tình bác ái ngay cả với kẻ thù. “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”. Thiên Chúa đã bộc bạch với dân Ngài: “Trời là ngai Ta ngự, đất là bệ dưới chân ta”[30].

3.2. Thổ Công

          Tín ngưỡng người Việt từ tín ngưỡng thờ phồn thực, sùng bái tự nhiên đến thờ con người cùng với 54 sắc tộc anh em khác nhau tạo dựng nên một cộng đồng văn hóa đa dạng trong một khuôn thể thống nhất cùng tồn tại. Thờ Thổ Công là một tín ngưỡng khá thịnh hành, nói cách khác là thờ Ông Địa trong nền Văn Hóa Tín Ngưỡng Việt Nam.

 Người Việt có câu: "Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá", nghĩa là ở đâu có sự sống của con người thì ở đó có Thổ Công cai quản. Thông thường, mỗi khi làm việc có đụng chạm đến đất đai: xây cất, đào ao, đào giếng, mở vườn, mở ruộng, đào huyệt... thì phải cúng vị thần này. Thổ Công còn được gọi Ông Địa và thờ ở dưới đất (đất phải về với đất); nhiều nơi, vì ảnh hưởng Trung Hoa còn gọi Ông ĐịaThần Tài (mọi thứ đều từ đất mà ra).

          Thổ Công là một dạng của Mẹ Đất, là vị thần trông coi nhà cửa, định đoạt họa phúc cho một gia đình. Một số giả thuyết cho rằng Thổ Công là một trong ba vị Táo Quân xuất hiện trong truyện Sự tích Táo quân (hay Sự tích ba ông đầu rau). Người chồng thứ hai là Thổ Công (trông coi việc bếp núc, còn gọi là vua bếp), người chồng thứ nhất là Thổ Địa (trông coi việc nhà cửa), người vợ là Thổ Kỳ (trông coi việc mua bán, chợ búa cho phụ nữ trong nhà và sản sinh vật ngoài vườn). Tuy nhiên, một số người cho rằng Thổ Công là vị thần cai quản vùng đất còn Táo Quân chỉ coi việc bếp núc trong nhà.

Thổ Công là vị thần quan trọng nhất trong gia đình. Đứng ở ngoài nhìn vào: Bát hương thờ Thổ công ở giữa, bên trái là bát hương bà Cô Tổ, bên phải là bát hương Gia Tiên. Khi cúng lễ, đều phải khấn Thổ Công trước để xin phép cho tổ tiên về. Người ta cúng Thổ Công vào ngày 1,15 (âm lịch) và các dịp lễ Tết khác. Lễ cúng thổ công, thổ địa của người Mông ở Suối Giàng thường diễn ra từ ngày 25 đến ngày mồng 3 Tết

Ø GIÁ TRỊ TINH THẦN CỦA TÍN NGƯỠNG TỔ CÔNG

          Tín ngưỡng thờ cúng là một trong những phong tục đẹp của người Việt trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình là người Mông ở Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái. Sống chủ yếu bằng nghề nông, người Mông ở Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái rất coi trọng việc cúng thổ công – thổ địa để cầu mong cho gia đình gặp nhiều may mắn và vụ mùa bội thu.

Lễ cúng thổ công, thổ địa của người Mông ở Suối Giàng thường diễn ra từ ngày 25 đến ngày mồng 3 Tết. Lễ cúng cần có: 1 con gà trống, một ấm chè, chè (ngô, khoai), hương, nến và 2 tờ giấy. Người cúng thường là người đàn ông – trụ cột trong gia đình.

Giấy dùng trong lễ cúng thổ công thổ địa của người Mông không phải loại giấy nào cũng được. Tất cả các lễ cúng của người Mông và người Dao ở Văn Chấn, Yên Bái đều dùng chung một loại giấy cúng do người Dao làm. Giấy cúng (hay còn gọi là giấy của người Dao) được làm từ thân rơm phơi khô. Trước đây, chỉ duy nhất người Dao làm được loại giấy này.                 

Tuy nhiên, do điều kiện giao lưu, buôn bán từ vùng này sang vùng khác được đẩy mạnh nên ngày nay, một số người Mông cũng bắt đầu tự làm loại giấy này để phục vụ cho nhu cầu cúng bái của gia đình mình.  “Sở dĩ đồng bào Mông và Dao chọn loại giấy này bởi lẽ, giấy được làm từ thân cây lúa, một trong những loại cây chính của dân tộc nơi đây. Cây này cũng là tượng trưng cho nông nghiệp”.

          Giấy cúng sẽ được cắt ra thành nhiều mảnh nhỏ và dán xung quanh bàn thổ công – thổ địa. Hai tờ giấy lớn hơn được dán lên vách nhà (phía trước bàn thổ công – thổ địa). Các lễ vật như ngô và lúa (hoặc các nông sản mà gia đình trồng) được bỏ vào bát hương và phủ một lớp giấy cúng. Búp chè hái từ cây, rửa sạch cho vào ấm để pha làm nước cúng.

         Đồ lễ sau khi được chuẩn bị xong sẽ được đặt lên bàn thổ công – thổ địa. Lấy một ít lông từ con gà trống để dán lên hai tờ giấy trước bàn thổ công thổ địa. Lúc này, thầy cúng sẽ châm hương, vừa cúng vừa đọc bài cúng được soạn sẵn. Bài cúng đại ý cầu cho gia đình các thành viên trong gia đình luôn mạnh khỏe và mùa màng không bị thất bát. Sau khi hoàn thành bài cúng, người cúng sẽ cắm hương vào bát hương có các nông sản để sẵn. Cúng xong lần một, người trong nhà sẽ mang con gà trống đi làm thịt để cúng lần hai. Lần này, gia đình sẽ chuẩn bị hai bát cơm đầy đặt vào mâm cùng với gà. Người cúng lại một lần nữa lặp lại bài cúng. Sau khi hoàn thành các thủ tục cúng bái, các đồ lễ trong lễ cúng được dỡ xuống, trừ giấy cúng. Những đồ lễ như gà và cơm tuyệt đối không được cho người ngoài ăn. Người Mông quan niệm, nếu cho người ngoài ăn sẽ mất hết những điều may mắn. Riêng giấy thổ công thì được giữ lại đến tận lần cúng tiếp theo (tức là từ 25 đến mồng 3 Tết năm sau). Năm tiếp theo người đàn ông trong gia đình sẽ chịu trách nhiệm dỡ bát hương và tháo mảnh giấy cúng để mang đi đốt.

          Cứ thế, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các gia đình người Mông ở Suối Giàng lại nhộn nhịp chuẩn bị cho lễ cúng với mong muốn cầu cho năm mới luôn no đủ, sung túc, gia đình khỏe mạnh. “Nếu như các gia đình mà không tổ chức cúng thổ công - thổ địa thì năm đó sẽ cảm thấy bất an, không được chuyên tâm làm ăn. Vì thế, cúng thổ công – thổ địa là một trong những nghi lễ không thể thiếu của người Mông”.

          Còn ngày nay trong các gia đình người ta vẫn trưng bày bàn thờ Ông Địa như một vị thần coi nhà cho họ, buổi sáng khi thức dậy, hay khi đi chợ về người ta thường cắm mấy cây nhang, đặt đĩa trái cây với ý nghĩa cúng vị thần trông coi nhà cửa, định đoạt họa phúc cho gia đình[31].

Ø GÍA TRỊ KITÔ GIÁO

        Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi để một mai tôi trở về cát bụi…” tự trong thâm tâm của con người bụi đất có một cái gì đó thật linh thiêng như lời ca của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Việc thờ cúng Thổ Công một phần nào cũng nói lên lòng hiếu thảo của con người với Mẹ Đất của  mình. Hơn thế nữa trong niềm tin Kitô giáo Thiên Chúa tạo dựng con người từ bùn đất, và từ đất mọi sinh vật có được sự sống, Chúa Giêsu cũng đã lấy nước miếng trộn với đất để chữa mắt cho anh mù. Trong truyền thống Ki tô giáo, vào ngày thứ tư Lễ Tro hàng năm các Kitô hữu cũng được xức tro trên đầu để tỏ lòng sám hối và nhắc nhớ thân phận tội lỗi yếu hèn của mình. Như vậy “đất” có một giá trị nhất định trong cuộc sống con người. Từ đó con người càng phải thể hiện lòng yêu mến của mình với Mẹ Đất. Tùy vào niềm tin mỗi người thể hiện lòng yêu mến và hiếu thảo với “Mẹ Đất”.

3.3. Thần Tài

          Một nhân vật lịch sử là Phạm Lãi được coi là Tài thần. Phạm Lãi là một trung thần của Việt Vương Câu Tiễn. Ông hết lòng giúp vua Việt Vương trong cơn hoạn nạn và phò tá vua Việt để báo thù vua Ngô Phù Sai.

          Người Hoa là cộng đồng được coi là sở trường về doanh thương nên tập tục thờ thần Tài đã trở nên quan yếu và phổ biến có phần lâu đời trong lịch sử tín ngưỡng. Ngược lại, người Việt là cư dân “dĩ nông vi bản” nên bảo thủ tập tục thờ thần Đất và tín lý phồn thực. Trong thực tế, đối với người Hoa, Thổ Địa cũng là một trong các thần Tài được thờ để cầu tài. Người Hoa còn thờ nhiều thần Tài khác, phổ biến và tôn quý nhất là thần Tài “Tài Bạch tinh quân”, “tinh quân”

          Theo người Việt, trên trời có Tài Bạch tinh quân, dưới đất có thần Tài âm phủ. Vị thần Tài này đầu tiên thờ ở Điện Ngọc Hoàng và gần đây mới có ở một số chùa Hoa khác. Tục truyền, trước đây, người ta đến cầu xin giải hạn. Nay thì, vị thần Tài âm phủ này được nhiều người cầu cúng, vay tiền thiêng để đem về mua may bán đắt. Kế đó là thần Tài Lưu Hải, phổ biến không kém là cặp nữ thần Tài Hòa Hợp nhị tiên.  Một nhân vật lịch sử là Phạm Lãi cũng được coi là Tài thần (một trung thần của Việt Vương Câu Tiễn).

Thần Tài lưu truyền trong nhân gian tuy nhiều nhưng có thể phân làm hai loại: Thần Tài Văn và Thần Tài Võ. Thần Tài Văn có: Tài Bạch Tinh Quân (Triệu Công Nguyên Soái) và Phúc Lộc Thọ Tam Tinh; Thần Tài Võ có: Triệu Công Minh, Quan Công (Quan Vũ tự Vân Trường, danh tướng thời Tam Quốc). (Phong thủy Đông Phương - Theo Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng)

Ø ẢNH HƯỞNG TRONG NỀN VĂN HÓA

          Cho đến nay, nhiều gia đình ở bất cứ vùng miền nào cũng có bàn thờ cúng Thần Tài. Thần Tài được cúng quanh năm, kể cả ngày thường. Vào ngày tết, vai trò của Thần Tài càng được xem trọng hơn. Người ta lo trang hoàng nhà cửa, sửa soạn cho ông sạch sẽ, nếu vị thần này đã quá cũ hay bị hư thì sẽ thỉnh vị mới về. Họ tin rằng năm mới, mọi thứ đều ngăn nắp và Thần Tài có sạch sẽ thì làm ăn mới phát tài. Khi gia đình có điều gì trục trặc, người ta cũng khấn Thần Tài để xin phù hộ.

Ø GÍA TRỊ KI TÔ GIÁO

          Người Ki tô hữu không thờ thần Tài nhưng trong tâm thức mỗi người ai cũng cầu mong sự may lành trong công việc, học hành. Thần Tài của người Kitô hữu chính là Thiên Chúa, vì khi “Ngài rộng mở tay ban là bao sinh vật muôn vàn thỏa thuê”, Ngài có thể làm cho “kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng” (Lc 1,53). Chính Chúa Giêsu đã “tự nguyện trở nên nghèo khó để chúng ta được giàu có nhờ sự nghèo khó của Người” (2Cr8,9). Ngài cũng mời gọi người thanh niên giàu có: “nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng ở trên trời” (Mt 10,21)

          Khởi đầu lịch sử đạo Thiên Chúa tại Việt Nam, Alexandre de Rhodes đã khéo vận dụng câu tục ngữ “trời che đất chở” để trình bày thích ứng với người dân Cửa Bạng về một “Vị Chúa dựng nên trời đất”. sau một tiến trình thăng hoa văn hóa trong ngôn ngữ việt Nam, ngài đã tìm được danh xưng thích đáng để gọi tên Thiên Chúa là “Đức Chúa Trời” ”(kinh nghiệm HNVH….p.XI).

 

II.  MỘT THOÁNG NHÌN HỘI NHẬP VĂN HÓA

v Hiến pháp năm 1992 quy định: người dân có quyền tín ngưỡng và không tín ngưỡng.

v Có một thời gian dài, chúng ta không phân biệt rõ giữa tín ngưỡng và mê tín dị đoan.

v Ngày nay, các nhà quản lý văn hoá đã phân biệt rõ mê tín và tín ngưỡng, cùng với tính dân chủ trong văn hoá mở rộng, vai trò các cá thể có điều kiện xuất hiện hơn.

v Sứ mạng của Kitô hữu là làm sao để lồng vào niềm tin dân gian ấy giá trị vĩnh cửu của Tin mừng, hầu dẫn dắt mọi người đến ơn cúu độ do Đức Kitô mang lại.

v      Việt Nam là một mảnh đất màu mở cho hy vọng về một mùa gặt bội thu như lời mời gọi của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phao lô II. Trên cánh đồng bao la tươi tốt ấy có nhiều hạt giống của Lời đang còn tiềm ẩn trong những hình thức Tín Ngưỡng Dân Gian.

v Người Công giáo mở lòng đón nhận mọi giá trị tốt đẹp của niềm tin dân gian, đồng thời đưa vào đấy giá trị sống đích thực của Tin mừng.

v Việc hội nhập văn hoá" là vấn đề đã được Công đồng Va-ti-ca-nô II tha thiết. Ngày nay, Giáo Hội Việt Nam, "hội nhập văn hoá" lại càng trở nên điều dường như cấp bách đến độ sống còn. Giáo Hội phải là Giáo Hội giữa lòng dân tộc và mỗi tín hữu phải là chứng nhân sống động của Tin Mừng Tình yêu.

v Nét đẹp trong văn hóa tâm linh làm nên nhân đức thiêng liêng nơi mỗi con người giúp dễ dàng đi vào tương quan vô hình với Chúa là Cha và tỏ lòng hiếu thảo với Ngài.

v     Tính dân dã, trọng tình nghĩa, quý trọng con người, có lòng độ lượng, khoan dung, giàu lòng nhân ái… làm nền tảng cho sự giao thoa với các giá trị Tin Mừng.

v     Một trong những điều răn trọng nhất mà Chúa dạy là: “yêu thương tha nhân như chính mình” (Mt22,39) theo gương của Thầy Giêsu: “hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga13,34).

v Qua những lễ nghi, tôn sùng, thờ cúng cho thấy khát vọng tâm linh của người Việt là đi tìm những phương linh dược.Tin Mừng cũng là một thần dược. Chính Chúa Giêsu đã đến để “cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Thần dược này không chỉ thỏa mãn nhu cầu thể lý, hạnh phúc chóng qua mà còn phục vụ cho sự sống siêu nhiên, hạnh phúc vĩnh cửu.

v Từ những kinh nghiệm thực của các nhà thừa sai, cũng như kinh nghiệm thực tế mục vụ của nhiều người cho thấy bên cạnh những thuận lợi, công việc truyền giáo cũng gặp không ít khó khăn: Với tục lệ “Phép vua cũng thua lệ làng”. Tình làng nghĩa xóm quá gắn bó đến độ thật khó để tiếp nhận những giá trị mới ngay. Tính cố hữu đòi ta phải thích nghi và chấp nhận những đường lối, cung cách sống Tin Mừng của họ.Tính cởi mở giúp cho họ dễ tiếp nhận các giá trị mới của Tin Mừng nhưng lại thiếu chiều sâu và không bền vững. Nét văn hóa truyền thống ăn sâu vào tâm khảm người Việt khiến họ trở nên thiếu chủ động khám phá các giá trị mới của tin Mừng.

v Trong tâm thức đâu đâu cũng là thánh thiêng khiến họ thiếu sự thanh thoát khi sống tinh thần thờ phượng Chúa.

v Cuộc sống của người nông dân lúa nước giúp họ biết trông cậy vào ơn trên nhưng nó cũng  làm cho tính khí con người cũng dễ thay đổi theo kiểu “sáng nắng chiều mưa”. Cộng với lối sống theo cảm tính nên việc đón nhận hay từ chối các giá trị Tin Mừng cũng chỉ là những hoa trái nhất thời.

v Loan báo Tin Mừng không có nghĩa là tẩy chay tất cả những giá trị có tính truyền thống, những nét đẹp tinh thần ấy nhưng là một sự hội nhập để làm cho hạt giống Tin Mừng được sáng lên từ những điểm sáng của các giá trị văn hóa tín ngưỡng đó. Khoảng cách này sẽ được rút ngắn khi những người thợ trong cánh đồng truyền giáo của Chúa biết chuẩn bị đất, gieo đúng thời, gặt đúng vụ trong sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần.

 

C. KẾT LUẬN

          Tín ngưỡng luôn là môi trường để văn hóa tồn tại và phát triển. Tín ngưỡng chính là những gì tiểm ẩn bên trong, để rồi khi có dịp thuận tiện, người ta sẽ thể hiện ra bên ngoài như: điêu khắc, lễ hội văn hóa…

           Tín ngưỡng, văn hóa luôn gắn liền với nhau và không thể tách rời. Rất nhiều khi người ta lẫn lộn giữa tín ngưỡng và văn hóa. Và quả đúng như vậy, “văn hóa là cái còn lại khi ta đã quên đi tất cả, là cái còn thiếu khi ta đã học tất cả” (Edouard Herriot). Thật thế, khi biến cố cuộc đời xô đẩy người ta đến chỗ không còn gì để bám víu; đến một lúc nào đó, của cải vật chất không thể lấp đầy những khoảng trống tâm linh, hoặc tiền bạc cũng không thể mua lấy bạn bè, sức khỏe, danh vọng…thì nhu cầu tâm linh bắt đầu xuất hiện và người ta mong muốn tìm đến một nơi nào đó sâu thẳm từ cõi lòng để tìm chỗ an định… và chỉ có tín ngưỡng, tôn giáo mới có thể giúp người ta tìm được câu trả lời.

          Văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo luôn đủ sức để làm cho con người bình an, thư thái trước mọi đổi thay của cuộc đời. Mọi sự thì qua đi nhưng văn hóa, tín ngưỡng và nhất là nhu cầu tôn giáo vẫn còn đó. Để rồi, từng thế hệ qua đi và những thế hệ mai sau lại tiếp tục bảo tồn và phát triển.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.      unescocase.vn/index.php/trang-tin/vn-hoa/ton-giao-tin-nguong.

2.      [1] X.www.cuocsongviet.com.vn/index asp? Va tin nguong viet nam.

3.      www.baotintuc.vn/.../doc-dao-tin-nguong-tho-mau-cua-nguoi-viet.ht.

4.      www.baomoi.com/ Tho- Hung- Vuong

5.      Google. GS- TS Trần Ngọc Thêm, Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam, TP. HCM, 1996

6.      [1] htt://www.tinmoi.vn/tai-sao-nam-co-7-via-nu-co-9-via-05565333.html

7.      http://ofmvn.org/component/content/article/63-cac-van-de-khac/1049-Th%E1%BB%9D-c%C3%BAng-%C3%B4ng-b%C3%A0-c%C3%B3-h%E1%BB%A3p-v%E1%BB%9Bi-l%E1%BB%9Di-Ch%C3%BAa-d%E1%BA%A1y-trong-Kinh-th%C3%A1nh-kh%C3%B4ng.

8.       Wikipedia.OrgWiki.Tôn Vinh Các Tổ Nghề Việt Ở Việt Nam.)

9.      WWW.36phophuong.vn/tuc-tho-to-nghe_C2_276_39_143.htnl

10.  Web: vi.wikipedia.org/wiki/ tin nguong tho Tho Cong

11.  vi.kipedia.org

12.  www.blogphongthuy.com

13.  www.phongthuydongphuong.com

 

 

 



[1] Chia sẻ, Nội san thần học-mục vụ-tu đức liên tu sĩ thành phố, số 65, năm thứ 19, tháng 3 năm 2012, tr. 77.
[2] x. TRẦN NGỌC THÊM. Tìm về bản sắc văn hóa VN, Tp. HCM, 1996, tr. 263.
[3] Sđd, tr. 263.
[4] Sđd, tr. 264.
[5] Sđd, tr 255-256.
[6] x. sđd, tr 7-9.
[7] x. CHU QUANG TRỨ, Di sản Văn hóa Dân tộc trong Tín ngưỡng và Tôn giáo ở VN, tr. 16
[8] x. Tủ sách sức khỏe và đời sống, Tính dục dưới góc độ văn hóa, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2006,  tr. 8.
[9] x. Chia sẻ, Nội san thần học-mục vụ-tu đức liên tu sĩ thành phố, số 65, năm th 19, tháng 3 năm 2012, tr. 77.
[10] x. NGÔ ĐỨC THỊNH, Tín ngưỡng và Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Nxb Trẻ, Tp. HCM, tr. 257.
[11] x. LÝ KHẮC CUNG, Văn hóa phồn thực Việt Nam, Nxb Dân Trí, 2010, tr. 15.
[12] x. sđd, tr 45.
[13] x. Chia sẻ, Nội san thần học-mục vụ-tu đức liên tu sĩ thành phố, số 65, năm thứ 19, tháng 3 năm 2012, tr. 78.
[14] . LÝ KHẮC CUNG, Văn hóa phồn thực Việt Nam, Nxb Dân Trí, 2010, tr. 15-18.
[15] x. Sđd, tr. 14.
[16] x. NGÔ ĐỨC THỊNH, Tín ngưỡng và Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Nxb Trẻ, Tp. HCM, tr. 259.
[17] x. Tủ sách sức khỏe và đời sống, Tính dục dưới góc độ văn hóa, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2006, tr. 10.
[18] x. LÝ KHẮC CUNG, Văn hóa phồn thực Việt Nam, Nxb Dân Trí, 2010, tr. 8.
[19] Sđd, tr 98.
[20] NGÔ ĐỨC THỊNH, Tín ngưỡng và Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Nxb Trẻ, Tp. HCM, tr. 10.
[21] Sđd, tr. 11.
[22] Được xem là Ông Tổ của người Việt Nam, người có công dựng nước
[23] GS- TS Trần Ngọc Thêm, Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam, TP. HCM, 1996
[24] htt://www.tinmoi.vn/tai-sao-nam-co-7-via-nu-co-9-via-05565333.html
[25] GS- TS Trần Ngọc Thêm, Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam, TP. HCM, 1996
[26] Giáo lý Công giáo
[27] Vi Wikipedia.OrgWiki.Tôn Vinh Các Tổ Nghề Việt Ở Việt Nam.
[28] WWW.36phophuong.vn/tuc-tho-to-nghe_C2_276_39_143.htnl
[29]  Hòa mình vào XH VN, Đỗ Quang Chính, S.J.p.207-208
[30] Kinh nghiệm HNVH tại VNp.98
[31] Web: vi.wikipedia.org/wiki/ tin nguong tho Tho Cong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét