nut

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

HUẤN LUYỆN LƯƠNG TÂM

HUẤN LUYỆN LƯƠNG TÂM

 @&?

 Trong bối cảnh xã hội hôm nay vấn đề lương tâm trở thành một điểm nóng bỏng. Các phương tiện như: truyền thanh, truyền hình, báo chí, Internet,… đăng tin một số hành vi phạm pháp cướp giật, buôn bán ma túy, bảo kê, ngược đãi trẻ em, bạo lực học đường, hành hạ người làm, … ngang nhiên tồn tại. Đáng lo ngại hơn khi vấn đề vô cảm đang len lỏi vào trong giới trẻ. Thời gian qua, nhiều bạn trẻ tỏ ra dửng dưng khi vô tư bàn tán những đoạn phim cảnh bạo lực học đường. Nhẫn tâm hơn, một bạn trẻ hồi tháng trước còn viết lên trang Facebook để tung hê “khoe thành tích” việc người bạn đi cùng đụng chết một bà cụ. Tất nhiên khi đó bạn trẻ trên đã bị chỉ trích dữ dội. Điều đáng buồn hơn nữa là những người chứng kiến những hành vi sai trái đó lại không lên tiếng để bảo vệ công lý. Qua quan cảnh xã hội cho chúng ta thấy lương tâm con người ngày nay đang ở tình trạng hết sức nghiêm trọng, khi họ vô cảm trước những tội ác đang xảy ra, không những thế họ còn không nhận ra việc mình làm là sai trái.

 Lương tâm luôn là vấn đề quan trọng mà con người đang đương đầu khi phải chọn lựa hay suy nghĩ về một vấn đề đang hoành hành trong con người họ, sự thiện sự ác lúc nào cũng đi song nhau bởi cái ác thời nào cũng có, nơi nào ta cũng gặp thấy, vì thế việc huấn luyện lương tâm là điều hết sức cần thiết. Đây cũng là điều mà Giáo Hội đang mong mỏi để mỗi người sống đúng với phẩm giá của mình. Để hiểu hơn về việc huấn luyện lương tâm cũng như tìm ra nguyên nhân dẫn đến lương tâm sai lầm trước hết chúng ta hãy tìm hiểu về hiện tượng lương tâm của mỗi người:

1.      Hiện tượng lương tâm

Lương tâm chiếm vị trí quan trọng trong luân lý Công Giáo vì lương tâm là sự phán đoán của tâm trí, nhờ đó con người nhận biết một hành vi cụ thể là tốt hay xấu. Lương tâm bao gồm các yếu tố như việc nhận thức các nguyên tắc luân lý tổng quát đã có sẳn trong trí khôn, việc áp dụng những nguyên tắc đó vào các hoàn cảnh cụ thể, và việc phán đoán các hành vi cụ thể phải làm hay đã làm (GLHTCG số 1778, 1780).

Trong cuộc sống thường ngày, ai trong chúng ta cũng cảm nhận ra mối quan hệ giữa lương tâm và trách nhiệm. Những ngày qua báo “Tiếp Thị Gia Đình” đưa tin tài xế xe khách điều khiển xe từ Đăk Nông về qua địa phận Hà Tĩnh đã bị lũ cuốn trôi. Cơn định mệnh ấy đã làm cho hai mươi người vĩnh viễn không bao giờ được trở lại quê nhà. Bị kịch sẽ không xảy ra nếu anh tài xế không cố tình lái xe qua đoạn đường nguy hiểm. Điều may mắn là anh tài xế vẫn còn sống, nhưng nỗi ám ảnh vì tội lỗi mình gây ra và nhất là những hình ảnh khi anh nhìn thấy mọi người từ từ chìm sâu dưới lòng sông vẫn còn in sâu trong tâm trí anh, sự dày vò và nỗi đau khổ cứ ám ảnh anh mãi. Hiện tượng như thế ta gọi là cắn rứt lương tâm. Cho dù người ta có cố gắng phủ nhận hiện tượng lương tâm bị cắn rứt bằng nhiều lý do hay người ta cố gắng biện minh cho hành động của mình thì lương tâm vẫn ở đó để phán xét. Chính vì thế mà Công Đồng Vanticano II đã nhận định thật chí lí và tuyệt vời về vấn đề lương tâm như sau “lương tâm là điểm sâu lắng và là cung thánh của con người; nơi đây con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ” (GS số 16). Cũng nhờ lương tâm, lề luật được thực hiện trong sự yêu mến Thiên Chúa và anh em được biểu lộ cách kỳ diệu (x Mt 22, 37-40 và Ga 7, 14).

Khi lương tâm bị cắn rứt, con người chúng ta như bị phân làm hai: một đàng là tiếng nói của vị quan tòa đang vạch ra lỗi phạm đó; đàng khác là tội nhân đang chịu xét xử. Nơi người tội lỗi, đồng thời xuất hiện vị quan tòa xét xử và tội nhân (Ernest Nguyễn Văn Hưởng, Huấn Luyện Lương Tâm).  Như thế lương tâm hiện diện trong lòng con người và ra lệnh (x. Rm2, 14-16) đúng lúc cho con người làm lành lánh dữ. Lương tâm phán đoán các lựa chọn tốt, tố giác lựa chon xấu (x. Rm1, 32).

2.      Lương tâm sai lầm

Lương tâm sai lầm là lương tâm căn cứ vào những nguyên tắc sai lạc để phán đoán khi nó cho là tốt một điều xấu và cho là xấu một điều tốt. “Đối với lương tâm, với tư cách là phán quyết của một hành vi sai lầm luôn là điều có thể” (Gioan Phao Lô II, Ventatis Splendor, Số 62). Công đồng đã viết: “lương tâm nhiều khi lầm lạc vì vô tri bất khả kháng, nhưng cũng không vì thế mà nó mất phẩm giá”. Hơn nữa, “khi đứng trước một chọn lựa, lương tâm có thể phán đoán đúng, hợp theo lý trí và luật Thiên Chúa, hoặc ngược lại phán đoán sai” (GLHTCG số 1786). Mà nếu phán đoán sai là do lương tâm sai lầm. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới lương tâm sai lầm?

Trước hết xét về phương diện xã hội do ảnh hưởng của dư luận xã hội, tuyên truyền thiên lệch trong các phương tiện truyền thông đại chúng. Về phương diện nhận thức con người do ảnh hưởng bởi nền giáo dục quá khắc khe hoặc quá dễ dãi, có khi do con người thành kiến với môi trường sống hoặc có khi do tính tình của đương sự ( x. Giuse Nguyễn Đức Quang, Thần Học Luân Lý dành cho Giáo Dân, 2009. Tr 79).

Về phương diện luân lý, con người phải luôn luôn tuân theo phán đoán chắc chắn của lương tâm mình. Nếu chủ ý hành động nghịch với phán đoán ấy, con người tự kết án chính mình. Nhưng có thể do thiếu hiểu biết về các hành vi sẽ làm hoặc đã làm (x. GLHTCG số 1790) nên dẫn tới “con người không mấy lo lắng tìm kiếm chân lý, cũng như thói quen phạm tội mà lương tâm dần trở nên mù quáng” (GS số 16). Hơn nữa theo sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo thì nguyên nhân dẫn đến lương tâm sai lầm là do những lệch lạc trong phán đoán luân lý có thể xuất phát từ thiếu hiểu biết về Đức Kitô và Tin Mừng; gương xấu của người khác; nô lệ các đam mê, nghĩ sai lạc về tự do lương tâm, khước từ quyền bính của Hội Thánh, thiếu hoán cải và bác ái (GLHTCG số 1792).

Như vậy, Giáo Lý Phổ Thông “dạy con người cần phải nghe theo tiếng lương tâm” nhưng nếu lương tâm sai lầm thì người ta có buộc nghe theo tiếng lương tâm không?

Về vấn đề này, ĐGH Gioan Phaolô II nói: “Dẫu thế nào đi nữa, phẩm giá của lương tâm vẫn luôn luôn bắt nguồn từ chân lý. Trong trường hợp lương tâm ngay thẳng là chân lý khách quan được con người tiếp nhận, còn trong trường hợp lương tâm sai lầm con người cho là đúng, là thật một cách chủ quan” Chúng ta cần lưu ý:  điều mà lương tâm sai lầm cho là đúng (chủ quan) thì không có nghĩa là đúng về mặt khách quan. Ở đây, một lần nữa Giáo Hội nại đến sự thật luân lý khách quan là điều mà không phải ai cũng chấp nhận. Những tranh luận mà Giáo Hội và các chủ trương khác luôn gặp khó khăn ở chỗ Giáo Hội muốn truyền đạt một chân lý nào đó và đó là tốt, là khách quan, nhưng một số người lại cho đó là không tốt và ngược lại. Đây là vấn đề phức tạp gây nhiều tranh cãi nhưng chúng ta không đào sâu vấn đề này. Chúng ta chấp nhận theo Giáo Hội là chân lý hay sự thiện không tùy thuộc xác tín của chúng ta (Ernest Nguyễn Văn Hưởng, Huấn Luyện Lương Tâm). Đức ái Kitô giáo luôn đòi hỏi tôn trọng tha nhân và lương tâm của họ mặc dù điều đó không có nghĩa chấp nhận một điều xấu khách quan như là điều tốt (x. Tất Yếu GLCG số 375).

Nói tóm lại, con người có quyền hành động cách tự do theo lương tâm, và như thế những quyết định của họ có tính trách nhiệm luân lý. Do đó, “không được cưỡng bức ai hành động trái với lương tâm của họ. Cũng không được ngăn cản họ hành động theo lương tâm của họ, nhất là trong vấn đề tôn giáo” (GLHTCG số 1782).

3.      Huấn luyện lương tâm sai lầm

Lương tâm nói chung được huấn luyện bởi luật tự nhiên. Tuy nhiên, lương tâm có thể ở trạng thái thiếu hiểu biết và phán đoán sai lầm, nên lương tâm cần phải được huấn luyện vì “nhờ lương tâm, con người nhận thức và hiểu biết những mệnh lệnh của lề luật Chúa” (sắc lệnh DH, về Tự Do Tôn Giáo). Lương tâm sai lầm được hướng dẫn bởi Lời Chúa vì “Lời có sức thay đổi con người anh em”, tiếp đến là các lời Giáo huấn của Hội Thánh, qua Thánh Lễ, việc lãnh nhận các Bí Tích, các lời dạy bảo của các vị Chủ Chăn, qua Kinh Nguyện hằng ngày, và phải biết tự kiểm điểm lương tâm mình mỗi ngày dưới ánh sáng Thập Giá Đức Kitô để tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết. Đồng thời cầu xin ơn Chúa Thánh Thần thánh hóa và soi dẫn để lắng nghe tiếng lương tâm, lắng nghe ý kiến của mọi người về bản thân mình từ đó con người có thể tự giải thoát mình để sống đúng phẩm giá con người. Điều quan trọng hơn hết là không bao giờ được làm điều xấu để đạt tới điều tốt, nhất là tuân thủ luật vàng là “tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta”(Mt 7,12) để lương tâm không sợ lầm đường lạc lối.

 Như vậy, việc huấn luyện lương tâm là việc cấp bách và có tính lâu dài, đặc biệt đối với lương tâm sai lầm, nhưng chúng ta phải nhận ra đâu là nguyên nhân để tìm cách khắc phục.

KẾT LUẬN:

Tóm lại, lương tâm giúp chúng ta nhận thức được phẩm chất luân lý của một hành vi sẽ làm hay đã làm và đảm nhận trách nhiệm về hành vi ấy. Một lương tâm ngay thẳng và chân thật  không tự nhiên mà có khi mang danh Kitô hữu, nhưng là do công cuộc đào tạo, huấn luyện lương tâm mỗi ngày. Những phương thế và nguyên tắc chỉ dẫn của Giáo Hội là kim chỉ nam cho chúng ta huấn luyện lương tâm mình. Đồng thời mỗi người Kitô hữu cần phải kết hợp với Chúa qua bí tích Thánh Thể, qua tương quan với mọi người, tạo dựng một nếp sống lành mạnh. Bên cạnh đó, để lương tâm tốt lành và trong sáng của người Kitô hữu còn được đức tin chân chính soi sáng, vì đức ái xuất phát đồng thời từ một lương tâm ngay thẳng và một đức tin chân chính (x.1Tm1, 5).

Như vậy, lương tâm càng ngay thẳng, mỗi người Kitô hữu càng tránh được những quyết định mù quáng và sống đúng theo chuẩn mực khách quan của chân lý (x. GS 16). Vì thế, huấn luyện lương tâm để lương tâm không sai lầm là nhiệm vụ phải theo đuổi suốt đời. Bởi giáo dục lương tâm bảo đảm tự do và bình an trong tâm hồn con người.  (x. GLHTCG số 1784).

 Mai Thị Huyền Trinh - Liên Dòng MTG PhaoLô Nguyễn Văn Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét