nut

Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

Phỏng vấn linh mục giáo sư George Coyne, Dòng Tên – một nhà thiên văn học



Bài phỏng vấn linh mục giáo sư George Coyne, Dòng Tên – một nhà thiên văn học
Linh mục giáo sư George Coyne, thuộc tỉnh Dòng Tên Maryland, Hoa Kỳ, là cựu Giám đốc Đài thiên văn Vatican từ 1978 đến 2006. Sau đó ngài đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Quỹ Thiên văn Vatican đến cuối năm 2011, hiện Cha đang là Trưởng khoa Triết học tôn giáo tại Đại học Dòng Tên Le Moyne ở Syracuse, New York, Hoa Kỳ. Cha cũng giảng dạy nhiều lớp về thiên văn và chủ trì các buổi tọa đàm về đối thoại khoa học – đức tin.

Với tư cách là một linh mục và là một nhà thiên văn, cha Coyne là người đã bắc nhịp cầu giữa thế giới của đức tin với khoa học. Mới đây Tạp chí Công Giáo Hoa Kỳ đã có cuộc phỏng vấn Cha về đề tài xoay quanh đức tin Công Giáo, khoa học và kinh nghiệm nhân sinh.

Xin giới thiệu bản lược dịch cuộc phỏng vấn cùng độc giả


Xin cha giới thiệu một vài đặc thù của vũ trụ mà nhờ đó có thể làm phong phú sự hiểu biết đức tin Công Giáo.

Nếu tìm hiểu vũ trụ trong bình diện khoa học thì đấy là một thách đố khá ngạc nhiên cho cả khoa học lẫn niềm tin tôn giáo. Các chứng cứ khoa học về vũ trụ đã được xác định khá tốt. Trước hết vũ trụ đã định hình 13,7 tỷ năm. Một tỷ là một số có 9 con số 0 đi sau nó vì thế điều đó quả là thật nhiều năm. Thứ đến, vũ trụ bao gồm 10,000 tỷ ngôi sao. Đó là một con số với 22 con số 0 đằng sau.

Chúng ta biết được tuổi của vũ trụ nhờ vào sự giãn nở của nó: tất cả các dải ngân hà đang di chuyển ra xa chúng ta. Có một mối tương quan chặt chẽ giữa khoảng cách giữa dải ngân hà với chúng ta và tốc độ di chuyển của chúng. Nghĩa là, một vật thể càng xa thì nó càng chuyển động nhanh hơn.

Khi chúng ta tính toán độ tuổi của vũ trụ bằng chính sự giãn nở của nó, chúng ta khám phá ra rằng vũ trụ đã bắt đầu giãn nở cách đây 13,7 tỷ năm cộng hoặc trừ đi 200 triệu năm. Thật là một phép đo lường diệu kỳ.

Làm thế nào chúng ta có thể đếm được tất cả các vì sao?

Khi kính thiên văn Hubble chụp một bức hình của phần xa nhất của vũ trụ, chúng ta có thể thấy nó tạo ra một hình ảnh được gọi là Vùng sâu Hubble. Hình ảnh này có hàng triệu chấm ánh sáng và mỗi một chấm nhỏ ánh sáng đó là một thiên hà. Kính Hubble nhắm vào một phần rất nhỏ của bầu trời, nó chỉ bằng một phần hai mươi của bề dầy một đốt ngón tay trỏ nếu so sánh với cả một cánh tay dài. Nếu đo cả bầu trời thì thế nào? Hãy nhân toàn bộ 100 tỉ thiên hà, mà mỗi một dãy thiên hà trung bình có khoảng 200 tỉ vì sao.

Một ngôi sao, có thể nói, tồn tại nhờ nhiệt hạt nhân ở trung tâm của nó, được hình thành bởi dòng nhiệt năng lên đến hằng tỷ nhiệt độ. Nếu ngôi sao ấy có đầy khối nhiệt trung tâm, nó sẽ tan ra và tạo nhiệt năng lớn hơn biến heli thành carbon, carbon thành nitrogen, v. v…

Khi một thế hệ các ngôi sao chết đi, một thế hệ mới được hình thành từ lượng khí tồn tại, vốn không chỉ có hydro mà còn được làm phong phú thêm với heli, carbon, silicon, nitro và ngay cả sắt. Mặt trời của chúng ta là thế hệ sao thứ ba. Nếu không có nó, chúng ta cũng đã không có ở đây.

Chúng ta cần có 3 thế hệ ngôi sao để có được một ngôi sao có thể cung cấp các yếu tố của sự sống. Điều tôi muốn nói là nhờ sự sản sinh của vũ trụ, nhờ những chuyển biến hóa học trong vũ trụ, chúng ta tạo nên những hóa chất cho đến khi chúng ta có đủ cho cuộc sống.

Hơn 14 tỷ năm với tất cả các ngôi sao này đang sản sinh ra tất cả các hóa chất này, tưởng tượng chuyện gì đang xảy ra.

Vũ trụ có một cấu trúc riêng. Đó chính là quy luật của tự nhiên. Khi 2 nguyên tử hydro gặp nhau, chúng phải tạo nên một phân tử hydro. Nhưng đôi khi chúng không xảy ra như thế bởi vì điều kiện nhiệt độ và áp xuất không phù chuẩn.

Vì thế chúng trôi dạt khắp vũ trụ và gặp nhau hàng nghìn tỷ lần. Có hàng nghìn tỷ nguyên tử hydro thực hiện quá trình này. Chúng ta không nên ngạc nhiên khi ngẫu nhiên 2 nguyên tử gặp nhau vào một thời điểm khi điều kiện nhiệt độ và áp suất thỏa mãn và chúng tạo nên một phân tử hydro.

Đó là “sự ngẫu nhiên” tuy nhiên nó còn hơn cả sự ngẫu nhiên nữa. Hai nguyên tử hydro phải tạo nên một phân tử hydro nếu chúng gặp nhau trong những điều kiện thích hợp. Chúng ta có thể đặt ra một xác suất cho điều đó. Xung quanh một vài ngôi sao điều này có khả năng xảy ra hơn vì điều kiện nhiệt độ khác nhau. Điều này cũng có thể xảy ra trong một số thiên hà. Đó chính là sự kết hợp giữa ngẫu nhiên và tất yếu, nhưng trong một vũ trụ sinh sản có rất nhiều khả thể cho điều này xảy ra.

Với tất cả quá trình hóa học sẵn có này hơn 14 tỷ năm, sự ngẫu nhiên và tất yếu phối hợp với để xây dựng nên những phân tử phức tạp hơn. Bạn có được chất dinh dưỡng, axit amino và đường, DNA, gan, tim và thậm chí bộ não người thông qua sự tiến hóa sinh học.

Vậy Thiên Chúa liên hệ với tiến trình ấy cách phù hợp như thế nào?

Chúng ta biết tiến trình khoa học vốn mang lại cho chúng ta sự hiện hữu. Nhưng một người có niềm tin sau đó sẽ đặt vấn đề rằng “Có phải Thiên Chúa làm điều đó không? Vì dường như có một cuộc tiến hóa được cấu trúc để tạo nên một con người?”

Thiên Chúa đã làm điều đó chăng? Nói theo tư cách là một nhà khoa học, câu trả lời của tôi là: tôi không biết. Chẳng có cách nào có thể giúp tôi biết được liệu có phải Thiên Chúa can dự vào tiến trình khoa học đó hay không. Tôi có thể cảm thấy kinh ngạc rằng tiến trình này luôn trở nên phức hợp hơn, làm cho các sinh vật có thể thích hợp với nhau hơn, kể cả con người. Nhưng đối với tôi là một nhà khoa học con người là một sinh vật sinh học phức tạp. Ở vị trí này, tôi không thể nói về đặc tính thiêng liêng của con người.

Tôi có thể có bằng chứng về điều này. Nhưng tôi không thể nói về nó trong tư cách là một nhà khoa học và tôi không thể nói về Thiên Chúa như là một nhà khoa học. Nếu tôi cố gắng làm điều đó thì tôi không phải nghiên cứu khoa học. Tôi nghĩ rằng điều rất quan trọng trong xã hội hiện đại, dĩ nhiên trong nước Mỹ hiện đại, không được nhầm lẫn giữa những gì chúng ta biết từ khoa học với những gì chúng ta biết từ triết học, thần học, văn chương và âm nhạc.

Văn hóa con người là một địa hạt rất rộng lớn và khoa học là một phần quan trọng của nó. Nhưng nó không phải là tất cả.

Tôi tin rằng Thiên Chúa đã tạo nên vũ trụ và vì tôi tin như vậy nên tôi nghĩ rằng cũng hợp lý thôi khi bản thân tôi, một khoa học gia nói rằng “tôi biết vũ trụ giống như thế nào và Thiên Chúa nào đã làm nên một vũ trụ giống như thế này?”

Cha trả lời cho câu hỏi đó như thế nào?

Đó là một Thiên Chúa tuyệt vời trong tâm trí của tôi. Trong việc tạo thành vũ trụ, Thiên Chúa đã không làm nên một cái máy giặt hay một chiếc xe hơi, nhưng ngài đã làm nên một cái gì đó đầy năng động.

Công cuộc tạo dựng có một đặc tính tiến hóa. Đó là cả một quá trình. Thiên Chúa đã không tạo nên những thứ được thiết lập trước. Chúng ta hoàn toàn không biết nó sẽ đi về đâu kể cả một cách khoa học. Chúng ta không thể dự đoán trước bất cứ điều gì.

Thiên Chúa có toàn năng không? Thiên Chúa có thông suốt mọi sự như những gì tôi đã được dạy về Ngài không? Thiên Chúa có khả năng biết được thuở ban đầu của vụ trụ mà tôi sẽ được sinh ra trong đó không?

Bất cứ khi nào chúng ta nói về Thiên Chúa, thì chúng ta chỉ có thể nói bập bẹ về Ngài mà thôi. Chúng ta đang làm điều tốt nhất từ những gì chúng ta biết. Thiên Chúa không chỉ là một đối tượng để chúng ta luận bàn, suy tư và cầu nguyện. Ngài là nguồn của mọi sự, của mọi sự hiểu biết. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa phải tôn trọng hiểu biết của chúng ta về vũ trụ và về chính chúng ta trong vũ trụ đó. Đó là một thách đố nhưng là một thách đố hạnh phúc.

Tôi tin rằng Thiên Chúa là Đấng toàn tri và toàn năng. Nhưng sau đó tôi phải suy nghĩ về những gì tôi đang nói và đặt câu hỏi “Tôi có ý gì khi nói thế?” Tôi tin chắc rằng Thiên Chúa là toàn năng nhưng Thiên Chúa có thể làm bất cứ mọi điều Ngài muốn không? Xem ra vũ trụ không cho phép tôi nhìn thấy rõ điều đó, nhưng thực ra là Thiên Chúa muốn vũ trụ được hoạt động như thế.

Tại sao một số tín hữu muốn lờ đi hoặc phủ nhận kiến thức khoa học?

Không phải nhiều người phớt lờ quan điểm khoa học hay cật vấn niềm tin tôn giáo là gì. Họ không muốn đối diện với thách đố của việc đặt hai bình diện này với nhau. Vâng, một thách đố chứ không phải là xung đột. Nhưng tôi chưa thấy có bất cứ xung đột nào giữa niềm tin tôn giáo đích thực và khoa học đích thực.

Như vậy tại sao đức tin và khoa học có vẻ như là 2 thái cực đối nghịch?

Vì báo chí đấy thôi! Tôi chỉ nói đùa, tuy nhiên một vài nhà báo dường như muốn khuấy động xung đột này.

Có một vấn đề là các nhà khoa học vẫn tuyên bố họ đang làm khoa học ngay cả khi họ khẳng định hay phủ nhận sự hiện diện của Thiên Chúa. Như thế là họ đang bước ra ngoài lĩnh vực khoa học.

Tôi có thể gặp khó khăn khi tôi nói như vậy, nhưng chủ nghĩa vô thần vẫn thực hành đức tin. Một người vô thần không thể chứng minh cho tôi thấy rằng thật ra không có Thiên Chúa. Bằng chứng mà chúng ta có được xuyên suốt dòng lịch sử của loài người cho thấy con người bén rẽ sâu vào niềm tin nơi Thiên Chúa.

Một vài nhà khoa học sẽ nói rằng tất cả chúng ta đang bị lừa, nhưng điều đó chẳng hợp lý chút nào. Khoa học là một tiến trình lý trí. Nó sử dụng trí khôn của chúng ta để cố gắng hiểu về vũ trụ, cách nào đó như là triết học và thần học. Đó là một nỗ lực để hiểu biết.

Đức tin vượt xa lý trí nhưng nó không mâu thuẫn với lý trí. Tôi hoàn toàn bị thu phục bởi điều đó không chỉ bằng trải nghiệm riêng của tôi nhưng bởi thực tại của niềm tin tôn giáo và những gì mà lí trí con người có thể đạt tới.

Hầu hết những nhà khoa học mà tôi biết đều là những người vô thần nhưng lại rất mực tôn trọng đức tin của con người. Nhà sinh vật học chuyên về thuyết tiến hóa Richard Dawkins, tác giả của cuốn Thượng Đế Ảo tưởng, và nhà vật lý Stephen Hawking, tác giả cuốn Lược sử thời gian, đều là những nhà khoa học nổi tiếng. Nhưng họ không hiểu đức tin tôn giáo là gì. Tôi đã có những lần trò chuyện với họ và tôi đã nói thẳng về điều đó với họ. Họ tôn trọng tôi bởi vì họ nhận thấy rằng tôi nói khách quan, và tôi cũng nghiên cứu khoa học như họ.

Theo Cha thì họ đang thiếu gì?

Quan niệm của Stephen Hawking về Thiên Chúa đó là: Thiên Chúa là cái gì đó chúng ta cần giải thích cho những gì chúng ta không thể hiểu được về vũ trụ. Tôi nói với ông ấy rằng, “Stephen, tôi xin lỗi nhưng Thiên Chúa là Thiên Chúa của tình yêu. Ngài không phải là một hữu thể để lôi vào nhằm giải thích mọi điều trong khi chính chúng ta không thể giải thích về chúng.”

Một lần nọ, tôi đã nói với Richard Dawkins rằng “Richard, tại sao ông cưới người phụ nữ đang làm vợ ông? Vì bà ấy có cặp mắt xanh, trang điểm móng tay màu đỏ, có một mái tóc xoăn dễ thương chăng?” Khi ông đặt tất cả các sự kiện cùng với nhau trong kinh nghiệm chung của con người – không chỉ là kinh nghiệm tôn giáo – ông không thể giải thích tất cả chỉ bằng lý trí. Kinh nghiệm con người có một đặc tính phi lý trí. Điều đó không có nghĩa rằng nó là vô lý. Ông không phải là người điên – ông có thể điên vì tình yêu – nhưng tất cả chỉ có nghĩa rằng vì ông không thể giải thích được mọi sự.

Khi cha cầu nguyện thì suy tư về 10, 000 tỷ ngôi sao của vũ trụ làm nên sự khác biệt nào không?

Chính xác. Khi tôi cầu nguyện với Chúa, Ngài là một Thiên Chúa hoàn toàn khác với Thiên Chúa mà tôi đã cầu nguyện khi còn là một đứa con trẻ. Thiên Chúa mà tôi cầu nguyện bây giờ là Đấng không chỉ tạo dựng nên tôi mà còn đưa tôi vào trong vũ trụ, một vũ trụ của năng động và sáng tạo. Vũ trụ tự nó không phải là một sinh vật, nhưng đó là một vũ trụ đã nảy sinh sự sống con người mà từ đó con người có thể cầu nguyện với Thiên Chúa.

Từ những hiểu biết khoa học của tôi, tôi cầu nguyện với Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên vũ trụ mà nơi đó con người đã được sinh ra và tiếp tục được sinh ra. Vũ trụ vẫn đang tiếp tục mở rộng. Chỉ mới 50 năm trôi qua thôi, nhưng hãy nhìn xem những gì con người đã làm được về mặt kỹ thuật.

Khi tôi còn nhỏ, lúc đó chúng ta chưa có tivi. Bây giờ bạn có một cái trong túi của bạn. Đó là sự phát triển của con người. Kỹ thuật là một sự mở rộng của chính chúng ta.

Trong vũ trụ bao la này còn có điều gì đặc biệt về chúng ta?

Chúng ta rất đặc biệt đối với Thiên Chúa, và chẳng có gì nghi ngờ về điều này. Ý tôi là Thiên Chúa đã gửi người Con duy nhất của Ngài đến với chúng ta. Là một thành phần đặc biệt trong vũ trụ là một chuyện, nhưng là một phần tử đặc biệt có thể hiểu biết về lịch sử tôn giáo và sống đời sống đức tin lại là một điều khác. Nhưng đó vẫn là một thách đố.

Là những đối tượng vật chất trong vũ trụ, thật là khó để tôi, một nhà khoa học biện hộ rằng chúng ta là đặc biệt. Lịch sử của chúng ta là một nền văn minh nhân chủng và điều đó khiến cho chúng ta trở nên đặc biệt. Nhưng nếu có một nền văn minh của lí trí và tinh thần được khám phá thì liệu nó có ảnh hưởng mối tương quan của ta với Thiên Chúa không? Tôi sẽ nhường câu trả lời cho các thần học gia.

Nhưng ví dụ tôi là một trong số 10 đứa con trong gia đình. Nếu mẹ tôi đã quyết định mua cho tôi một chiếc quần mới, điều đó có làm cho anh em khác của tôi trở nên ít đặc biệt đối với mẹ tôi không? Thật khó tin rằng việc khám khá ra một nền văn minh mới về lí trí và tinh thần sẽ làm giảm thiểu tình thương đặc biệt mà Ngài đã dành cho chúng ta.

Hoàn Chỉnh, S.J. lược dịch

nguồn: http://www.jesuit.org/blog/index.php/2012/02/dancing-with-the-stars-an-interview-with-vatican-astronomer-jesuit-father-george-coyne/#more-5307

Phỏng vấn linh mục giáo sư George Coyne, Dòng Tên – một nhà thiên văn họcHoàn Chỉnh, S.J3/29/2012
Pdf Email cho bạn bè In Ra Tăng Cỡ Chữ Giảm Cỡ Chữ Cỡ Chữ Ban Đầu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét