“Lương tâm”, theo Công đồng Vatican II, “là điểm sâu lắng và là cung thánh của con người; nơi đây con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ” (GS, 16).
Về phương diện luân lý Kitô giáo, lương tâm đóng một vai trò quan trọng vì “Lương tâm là một phán quyết của lý trí; nhờ đó, con người nhận biết một hành vi cụ thể mình định làm hay đã làm, là tốt hay xấu” (GLCG, 1778).
“Lương tâm”, còn được hiểu, “là sự phán đoán của lý trí thực tiễn về giá trị luân lý của việc ta sẽ làm, căn cứ theo những nguyên tắc luân lý” .
Tuy nhiên, “khi phải đứng trước một chọn lựa, lương tâm có thể phán đoán đúng, hợp theo lý trí và luật Thiên Chúa, hoặc ngược lại, phán đoán sai” (GLCG, 1786). Mà nếu phán đoán sai là do lương tâm sai lầm. Vậy đâu là nguyên nhân của lương tâm sai lầm? Cách khắc phục như thế nào?
1. Nguyên Nhân
Con người là một hữu thể có lý trí, ý chí và tự do. Nhưng xét về phương diện xã hội, khi được sinh ra, được sống và lớn lên, con người bị bó buộc vào một môi trường sống nào đó; họ phải đối mặt với những pha tạp của kiếp nhân sinh: cơ chế, văn hoá, cách ứng xử, cách sống, ý thức hệ… ít nhiều tác động đến suy tư và cung cách sống của con người. Điều đó dần dà làm cho con người mất vẻ linh thánh thuở ban đầu .
Về phương diện nhận thức, con người có thể được thụ giáo bởi một nền giáo dục quá khắt khe hoặc quá dễ dãi, có thể dẫn đến lệch lạc trong nhận thức và dẫn đến hình thành một lương tâm sai lầm.
Về phương diện luân lý, con người phải luôn luôn tuân theo phán đoán chắc chắn của lương tâm mình. Nếu chủ ý hành động nghịch với phán đoán ấy, con người tự kết án chính mình. Nhưng có thể lương tâm thiếu hiểu biết nên phán đoán sai lầm về các hành vi sẽ làm hoặc đã làm (GLCG, 1790). Thông thường cá nhân phải chịu trách nhiệm về sự thiếu hiểu biết ấy. Điều này xảy đến khi: “Con người không mấy lo lắng tìm kiếm chân lý và điều thiện, cũng như khi vì thói quen phạm tội mà lương tâm dần dần trở nên mù quáng” (GS, 16).
Hơn nữa, một lương tâm sai lầm, nghĩa là “những lệch lạc trong phán đoán luân lý có thể xuất phát từ thiếu hiểu biết về Đức Kitô và Tin Mừng; gương xấu của người khác; nô lệ các đam mê; nghĩ sai lạc về tự do lương tâm; khước từ quyền bính và giáo huấn của Hội thánh; thiếu hoán cải và bác ái’ (GLCG, 1792).
Tóm lại, những yếu tố vừa trình bày trên là nguyên nhân dẫn đến lương tâm sai lầm. Nhưng khi nhận ra lương tâm sai lầm, chúng ta phải tìm cách khắc phục hay huấn luyện lương tâm. Vậy cách khắc phục ấy là gì?
2. Cách Khắc Phục
Lương tâm có thể đưa ra những quyết đoán sai lầm về một hành động và sai lầm đó nhiều khi gây nên những thiệt hại lớn lao cho chính bản thân và cho người khác. Đồng thời chính người có lương tâm sai lầm không thể tự mình thoát ra được nên cần phải huấn luyện lương tâm để người ấy sống đúng phẩm giá con người .
Để có một lương tâm ngay thẳng, đúng với phẩm giá của nó, sách GLCG đưa ra những nguyên tắc để chúng ta khắc phục lương tâm sai lầm:
- Nhận biết các nguyên tắc luân lý.
- Áp dụng vào việc cân nhắc thực tiễn các lý do và lợi ích trong những hoàn cảnh cụ thể;
- Cuối cùng phán quyết về các hành vi cụ thể sắp làm hay đã làm. Nhờ phán quyết khôn ngoan của lương tâm, con người nhìn nhận, trong thực tiễn và cụ thể, chân lý điều thiện đã được chân lý nêu lên. Người khôn ngoan là người chọn theo phán quyết này (GLCG, 1780).
Một trong những điểm quan trọng trong việc huấn luyện lương tâm là: “Lương tâm phải được rèn luyện và phán đoán luân lý phải được soi sáng. Một lương tâm được rèn luyện tốt sẽ phán đoán ngay thẳng và chân thật. Lương tâm này sẽ đưa ra những phán quyết theo lý trí, phù hợp với điều kiện đích thực như Đấng sáng tạo đầy khôn ngoan muốn. Việc giáo dục lương tâm rất cần thiết cho những người chịu ảnh hưởng tiêu cực và bị tội lỗi cám dỗ làm theo ý riêng và bỏ những giáo huấn chính thức” (GLCG, 1783).
Vậy phải giáo dục lương tâm thế nào? Sách GLCG, số 1785 trích từ DH, 14 cho chúng ta biết: “Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường để rèn luyện lương tâm. Chúng ta phải lãnh hội Lời Chúa trong đức tin, trong kinh nguyện và đem ra thực hiện; phải kiểm điểm lương tâm dưới ánh sáng Thập Giá Đức Kitô; nhờ ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp, có các chứng từ và lời khuyên nhủ của anh em giúp đỡ, được giáo huấn chính thức của Hội Thánh hướng dẫn”. Điều này cũng được Công đồng Vatican II và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II dạy: “Trong việc huấn luyện lương tâm, các kitô hữu phải luôn chú trọng đến giáo lý thánh thiện và vững chắc của Giáo hội. Thật vậy, theo ý định của Chúa Kitô, Giáo hội Công giáo là thầy dạy chân lý; nhiệm vụ của Giáo hội Công giáo là bày tỏ và giảng dạy một cách chính quy chân lý là Đức Kitô, đồng thời công bố và xác nhận, nhân danh uy quyền của mình, những nguyên tắc thuộc cấp trật luân lý phát xuất từ nơi chính bản chất của con người” (DH, 14; Splendor Veritatis, 64).
Lương tâm càng ngay thẳng, các cá nhân và các tập thể càng dễ tránh được những quyết định mù quáng và sống theo các chuẩn mực khách quan của chân lý (x. GS, 16). Vì thế, giáo dục lương tâm là nhiệm vụ phải theo đuổi suốt đời. Bởi giáo dục lương tâm bảo đảm tự do và tạo bình an trong tâm hồn con người (x. GLCG, 1784).
Huấn luyện lương tâm là việc làm cấp bách và có tính lâu dài, đặc biệt đối với lương tâm sai lầm, nhưng chúng ta phải nhận ra được đâu là nguyên nhân để tìm cách khắc phục.
Những phương thế và nguyên tắc chỉ dẫn của Giáo hội là kim chỉ nam cho chúng ta giáo dục lương tâm mình. Đồng thời cầu xin Chúa trợ giúp bằng ơn thánh của Ngài và Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Đặc biệt nhờ Máu Đức Kitô và sự sống lại của Người mới có thể làm cho lương tâm nên trong sạch, và Máu của Người tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống (x. Dt 9,14).
Nhờ đó lương tâm tốt lành và trong sáng của người tín hữu còn được đức tin chân chính soi sáng, vì đức ái xuất phát đồng thời “từ một tâm hồn trong sạch, một lương tâm ngay thẳng và một đức tin chân chính (x. 1Tm1, 5).
Xin cảm ơn bài viết của Sr
Trả lờiXóa