nut

Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

ĐẠO MẪU


TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU

(ĐẠO MẪU)

  1. Dẫn Nhập

Trong đời sống tâm linh của con người Việt Nam đã từng tồn tại rất nhiều hình thức tín ngưỡng tôn giáo khác nhau. Trước nhất là các tín ngưỡng, các tục thờ cúng mang tính bản địa hay mang đậm màu sắc bản đại, như thờ cúng tổ tiên, thờ thành Hoàng ở các làng xã thờ các vị Thần (tổ sư các nghề, các vị thần linh bảo trợ, các anh hùng có công với dân với nước...); các tôn giáo du nhập từ bên ngoài như Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Thiên chúa giáo, Ấn giáo, Hồi giáo; một số tôn giáo mang tính đại phương, như đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo... Người Việt Nam chấp nhận mọi thứ tín ngưỡng tôn giáo, dù bản địa hay ngoại lai, miễn là nó phù hợp với nền tảng đạo đức Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Các tôn giáo tín ngưỡng này không rạch ròi phân biệt, mà chúng thường thâm nhập và lồng vào nhau. Người theo Đạo Phật vẫn thờ cúng tổ tiên, Thành Hoàng, Thờ Thần Mẫu... Các tôn giáo từ ngoài du nhập vào thường bị biến dạng để thích ứng với đời sống tâm linh con người Việt Nam, nên xu hướng dân gian hóa các tôn giáo là hiện tượng dễ thấy, như với Đạo Phật, Đạo Khổng, Đạo Lão và mức độ nào đó cả Đạo Thiên Chúa nữa, Người Việt Nam theo nhiều đạo, nhưng không hướng về các giáo lý cao xa hay cuồng tín si mê, mà chủ yếu là khai thác các mặt đạo lý, cách thức ứng xử giữa con người với con người.

Thoát thai từ đạo Thờ Thần và chịu những ảnh hưởng sâu sắc của Đạo giáo Trung Quốc, Đạo Mẫu với tư cách là một biến thể của Đạo Giáo Việt Nam đã và đang thâm nhập và ảnh hưởng tới các tín ngưỡng tôn giáo khác[1].

Đạo Mẫu là một phần quan trọng trong hệ thống tín ngưỡng dân gian và bản sắc dân tộc của Việt Nam. Đạo Mẫu được thờ tại các đền, phủ. Ở miền Bắc Việt Nam, hầu hết các chùa cũng có bàn thờ Mẫu (Tiền Phật, hậu Mẫu).

Trong 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tục thờ Mẫu chỉ có ở Việt Nam. Câu hỏi đặt ra: Vì sao người dân Việt lại thờ Mẫu tức thờ Mẹ? Mẹ không chỉ là người sinh ra dân tộc mà còn là người nuôi dưỡng cả một dân tộc, chúng ta cùng tìm hiểu và cùng nhau lý giải tục thờ này.

  1. Nội Dung

  1. Lịch sử hình thành và phát triển

Nguồn gốc lịch sử của đạo Mẫu không được ghi lại rõ ràng trong sách vở[2]. Có người cho rằng nó có nguồn gốc từ thời tiền sử, khi người Việt thờ các thần linh thiên nhiên, các thần linh này được kết hợp lại trong khái niệm Thánh Mẫu hay Nữ thần Mẹ. Theo thời gian, khái niệm Thánh Mẫu được mở rộng để bao hàm cả các nữ anh hùng trong dân gian - những người phụ nữ có thật nổi lên trong lịch sử với vai trò người bảo hộ hoặc trị bệnh. Những nhân vật lịch sử này được kính trọng, tôn thờ, và cuối cùng được thần thánh hóa để thành một trong các hiện thân của Thánh Mẫu.

Sự phát triển của đạo Mẫu chia thành qua các giai đoạn[3]:

  1. Thờ các nữ thần thiên nhiên riêng biệt. Các nữ thần này là các tinh thần thiên nhiên và không có đặc điểm của con người, đặc biệt là đặc điểm của người mẹ.
  2. Thờ các Thánh Mẫu. Các nữ thần này đã có đặc điểm của người mẹ.

  • Các vị nữ thần này được tôn vinh với các chức vị:

  • Thánh Mẫu như: Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Chúa Xứ Thánh Mẫu, Linh Sơn Thánh Mẫu, Thượng Ngàn Thánh Mẫu…
  •  Quốc Mẫu như: Quốc Mẫu Âu Cơ…
  •  Vương Mẫu (như người mẹ của Thánh Gióng được tôn vinh là Vương Mẫu…).

  1.  Thờ Thánh Mẫu tam phủ[4]-tứ phủ: 3 hay 4 "Phủ" ở đây không phải là số đơn vị xây dựng như "đền", "phủ", mà là 3 hay 4 thành tố của vũ trụ: Trời (Thiên phủ), Đất (Địa phủ), Nước (Thủy phủ/ Thoải phủ), Núi rừng (Nhạc phủ).
     

  • Chúng ta đi vào chi tiết của sự phát triển và sự hình thành Đạo Mẫu
     

  1. Lớp tín ngưỡng thờ Nữ Thần[5]

 Tục thờ Mẫu có từ thời nguyên thủy khi: điều kiện sống của thời kỳ nguyên thủy (thời sơ sử, tiền sử) con người sống dựa chủ yếu vào thiên nhiên, săn bắt thú rừng và thủy, hải sản ở sông suối, hái lượm hạt, quả do núi rừng và thiên nhiên tạo ra, cho đến khi biết đến nền kinh tế nông nghiệp bao gồm trồng trọt và chăn nuôi, con người vẫn phải dựa vào thiên nhiên, đời sống chưa thể ổn định trước sự khắc nghiệt của tự nhiên, sự thất thường của thời tiết, khí hậu đã gây cho con người muôn vàn khó khăn về cuộc sống. Bất lực trước tự nhiên, con người đã dần quan sát, rút kinh nghiệm và dần hình thành ý thức hệ về tự nhiên, kèm theo đó là sự tôn thờ các hiện tượng tự nhiên họ thờ các vị thần rừng, thần núi, thần sông, thần biển… là những môi trường tự nhiên hoặc đem cho các cuộc sống no đủ, hoặc cũng lấy đi tất cả của họ những gì phục vụ cho cuộc sống.

Quan niệm trời là cha, đất là mẹ cũng xuất phát từ đó, ngửa mặt lên là bầu trời bao la với biết bao những bí ẩn của thời tiết, khí hậu, dưới chân là mặt đất với muôn vài loài động vật thực vật giúp kiếm tìm sự sống và đất chính là mẹ, mẹ sinh sôi nảy nở muôn loài, con người khi sinh ra trưởng thành rồi chết đi lại trở về với đất, đó vừa là nhận thức, vừa là cách ứng xử của con người với tự nhiên, về mặt triết học, quy luật âm dương ngũ hành được tổng kết vận dụng, áp dụng sâu rộng để lý giải mọi hiện tượng của đời sống con người và xã hội. Trong thuyết âm dương ngũ hành, trời là dương (cực dương), đất là âm (cực âm), trong dương có âm và trong âm có dương (phép biện chứng), trời đất (âm dương) giao hoà tạo lên muôn loài, muôn vật. Trong bản thể con người, âm dương điều hoà thì khoẻ mạnh, âm dương lấn lướt sinh bệnh tật, ốm đau… cùng với tiến trình của nhân loại, ý thức Mẹ đã thường trực trong từng cá thể từ thời kỳ nguyên thuỷ của xã hội loài người càng được cũng cố, mẹ là tất cả, là chỗ dựa cả về vật chất lẫn tinh thần, tư tưởng tình cảm… và vì vậy ngay từ thuở nguyên sơ con người đã tôn các hiện tượng thiên nhiên như là Mẹ: mẹ trời, mẹ núi, mẹ sông, mẹ biển…

Tóm lại, con người tôn thờ các hiện tượng thiên nhiên làm Nữ Thần, vì thiên nhiên ôn hòa thì mang lại cho con người ấm no hạnh phúc.

  1. Lớp thờ Mẫu Thần

Theo thời gian khái niệm Thánh Mẫu được mở rộng để bao hàm các nữ anh hùng trong dân gian - những người phụ nữ nổi lên trong lịch sử với vai trò người bảo hộ hoặc trị bệnh. Những nhân vật lịch sử này được kính trọng, tôn thờ và cuối cùng được thần thánh hóa để trở thành một trong các hiện thân của Thánh Mẫu.

Tín ngưỡng thờ Mẫu là sự tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh và thờ phụng những vị nữ thần gắn với các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ được người đời cho rằng có chức năng sáng tạo, bảo trợ và che chở cho sự sống của con người (như: trời, đất, sông nước, rừng núi..): thờ những thái hậu, hoàng hậu, công chúa là những người khi sống tài giỏi, có công với dân, với nước, khi mất hiển linh phù trợ cho người dân, được an cư, thịnh lạc.

Đến biểu tượng đất nước - Quê hương - dân tộc cũng gắn với các Mẹ (Mẫu): Mẹ Âu Cơ của Lạc Việt, Mẹ Quê Hương - xứ sở Pon Nagar của người Chăm. Các Mẹ sản sinh ra các giá trị văn hóa: Mẹ Lúa, Mẹ Mía, Mẹ Lửa, các Mẹ là tổ sư các nghề: dệt, tằm tang, làm muối, nghề mộc, làm bánh, ca công... Rồi phụ nữ ra trận "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh'' đứng ra chấp chính quốc gia cũng trở thành các Nữ tướng - Nữ thần: Hai Bà Trưng, Triệu Ẩu, Dương Vân Nga, Ỷ Lan, Bùi Thị Xuân, vợ ba Đê Thám...

Các vị nữ thần này được tôn vinh với các chức vị:

  • Thánh Mẫu (như Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Chúa Xứ Thánh Mẫu, Linh Sơn Thánh Mẫu, Thượng Ngàn Thánh Mẫu…).
  •  Quốc Mẫu (như Quốc Mẫu Âu Cơ…).
  •  Vương Mẫu (như người mẹ của Thánh Gióng được tôn vinh là Vương Mẫu…).

  1. Lớp thờ Mẫu Tam Phủ - Tứ Phủ[6]

Ngay từ thuở nguyên sơ con người đã tôn các hiện tượng thiên nhiên như là Mẹ: mẹ trời, mẹ núi, mẹ sông, mẹ biển… về mặt ngữ nghĩa Mẹ trở thành Mẫu, Mẫu Thiên (mẹ trời), Mẫu Thuỷ (mẹ nước), Mẫu Sơn (mẹ núi),… rồi tôn các Mẫu là Thánh để rồi từ đó hình thành nên khái niệm “Tam tòa Thánh Mẫu” khi mà con người muốn vật chất hoá, cụ thể hoá những tư duy tình cảm đối với thiên nhiên ngày càng gần gũi hơn với cuộc sống.

Ở cả 3 cõi: Trời, non, nước (từ thiên nhiên trở thành các đấng siêu nhiên). Tuy vậy, cũng phải có thêm một Mẫu (mẹ) ở cõi trần gian và đến sau này (thế kỷ XVI) hình thành thêm một Thánh Mẫu nữa là: Địa cung thánh mẫu - Mẫu Liễu Hạnh[7]. Về Liễu Hạnh dân gian chọn vào vị trí này thật thỏa đáng. Bởi bà là biểu tượng cho sức sống giải phóng ý thức tự do và lòng nhân đạo. Bà đã trải qua chức phận làm vợ, làm mẹ, làm chủ gia đình, trưởng một cộng đồng, bà biết làm thơ, am hiểu đạo lý, biết cầm quân đánh giặc, biết chữa bệnh cứu nhân độ thế. Ở bà là sự tượng trưng những nét đẹp của người mẹ, người chủ, một vị tướng và vị thánh. Thánh mẫu Liễu Hạnh được dân tôn thờ từ thực thể và trở thành tâm linh, là vị thánh thứ tư trong tứ bất tử và cũng là vị thánh thứ tư - Mẫu địa phủ - là chủ cõi đất, cõi trần gian, cõi gần gũi với con người. Và từ đó cũng hình thành quan niệm về tứ phủ, tứ phủ cộng đồng.

Có hai quan điểm[8], nhưng quan điểm thứ hai phổ biến hơn vì quan điểm thứ hai được sắp xếp theo thứ tự của tứ phủ rất hợp lý theo mặt không gian từ cao xuống thấp[9].

Ở đây chúng ta lượt qua các Mẫu[10]:

  • Mẫu Thượng Thiên[11] (còn gọi là Mẫu Đệ Nhất) cai quản miền trời. Mẫu Thượng Thiên trong quan niệm của dân gian về Tứ Pháp gồm có: Pháp vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Lôi, đó là 4 vị nữ thần tạo ra mây, mưa, sấm, chớp liên quan tới văn hóa nông nghiệp lúa nước.
  • Mẫu Thượng Ngàn[12] (còn gọi là Mẫu Đệ Nhị) cai quản miền rừng núi. Mẫu Thượng Ngàn gắn bó với con người cùng cỏ, cây, chim, thú. Đền thờ Mẫu Thượng Ngàn có ởnhiều nơi, nhưng có hai nơi thờ phụng chính là Suối Mỡ (Bắc Giang) và Bắc Lệ(Lạng Sơn).
  • Mẫu Thủy (gọi chệch là Mẫu Thoải - còn gọi là Mẫu Đệ Tam) cai quản miền sông nước.
    Mẫu Thoải[13] gắn với đời sống thủy sinh của dân tộc Việt từ xa xưa, liên quan trực tiếp tới Thủy Tổ dân tộc Việt trong buổi đầu dựng nước.
  • Mẫu Địa cai quản miền đất đai và đời sống sinh vật.

Hệ thống thần linh của đạo Mẫu bao gồm cả những anh hùng dân tộc, nhân vật lịch sử được dân gian thần thánh hóa như Mẹ Âu Cơ-Mẫu Thượng Ngàn, Thánh Gióng-Phù Đổng Thiên Vương, Trần Hưng Đạo-Đức Thánh Trần, Nguyễn Xí-Ông Hoàng Mười, Phùng Khắc Khoan- Ông Hoàng Bơ, Bà Lê Chân-Thánh Mẫu Bát Nàn)[14]][15].

Đến thế kỷ XVI, trên cơ sở tín ngưỡng Tam Phủ, Tứ phủ, với sự ra đời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một tôn giáo bản địa sơ khai được hình thành - đó là Đạo Mẫu[16].

Tóm lại, tất cả những yếu tố bản địa trên phải đến khoảng thế kỷ XV – XVI, khi việc thờ Nữ Thần và Mẫu thần bản địa tiếp xúc với Đạo Giáo Trung Hoa từ đó hình thành nên Đạo Mẫu Tam Phủ Tứ Phủ là đỉnh cao và là sự hòa trộn giữa thờ Mẫu bản địa với Đạo Giáo Trung Hoa. Do vậy, Đạo Mẫu có 3 lớp: Thờ Nữ Thần, Thờ Mẫu Thần và Thờ Mẫu Tam Phủ Tứ Phủ.

Thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâuđời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội, phản ánh đặc nét về nữtính nơi bản sắc văn hóa Việt Nam. Hiện nay, tín ngưỡng này đang được thực hành phổ biến ở khắp các vùng miền trong cả nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Các Nữ Thần được thờ khắp nơi, trong các Đền, Điện, Miếu, Doanh Phủ: Bà Chúa Kho, Bà Chúa Ngọc, Bà Đen, Bà Thiên Hậu, Bà Thiên Y A Na, Bà Chúa Xứ… Ởcác vùng đồng bằng Bắc Bộ, phát triển việc thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) trong chùa Phật giáo; dần dần phát triển việc thờ Tứ Phủ trongĐạo Giáo Dân Gian, gồm: Mẫu Thượng Thiên - Mẫu Thượng Ngàn- Mẫu Thoải - Mẫu Địa để cai quản bốn vùng trời đất. Việc thờ Mẫu thường thể hiện qua các Lễ Hội, và kín đáo hơn qua việc lên đồng.

  • Một số “Thánh Mẫu” -  “Tứ Phủ” và “Hệ Tứ Phủ” trong Đạo Mẫu[17]

  • Các Thánh Mẫu
    Bà Chúa Kho, Bà Chúa Xứ, Bà Đen (Linh Sơn Thánh Mẫu), Bà Chúa Tiên, Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Động, Bà Kim, Bà Mộc, Bà Thủy, Bà Hỏa, Bà Thổ, Bà Thiên Hậu, Bà Tống Hậu, Vương Mẫu (Mẹ Thánh Gióng), Quốc Mẫu (Mẹ Âu Cơ), Ỷ Lan Thánh Mẫu, Thiên Y A Na, Hai Bà Trưng, Bà Đanh, Bà Đá, Quốc Mẫu Thánh Ân, Nữ Thần Tam Đảo, Thần Núi tản Viên tức Quốc Mẫu Sơn Thượng Đẳng Thần,…
  • Đạo Mẫu “Tứ Phủ”
    Tạm gọi như thế để chỉ một hình thức Đạo Mẫu có lẽ phổ biến nhất và có hệ thống nhất:

  • Có phủ, Đền, Điện để thờ: Phủ Giày, Phủ Tây Hồ, Phủ Vân Cát, Hệ thống Phủ Trần Triều (thờ Đức Thánh Trần), Đền Sòng, Đền bắc Lệ… Điện thờ thường gọi là Tam Tòa Thánh Mẫu…
  • Có hệ thống thần nữ là các Mẫu được tôn là các Bà Chúa cùng một hệ thống gia đình hoàng tộc gồm Vua Cha, Các Quan hầu Cận, Các Hoàng Tử, Công Chúa,…

  • Gia đình Hoàng Tộc của Hệ Tứ Phủ
    Ta thấy có hệ thống thần thánh xung quanh các vị Thánh Mẫu, theo kiểu một gia đình vương tộc, với những người hầu cận:

  • Ngọc Hoàng Thượng Đế cùng các Vua Cha (vua Cha thiên phủ, thủy phủ, nhạc phủ,…)
  • Tam Tòa Thánh Mẫu hay Mẫu Tam Phủ, Tứ phủ gồm: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Địa Tiên Thánh Mẫu, Mẫu Liễu Hạnh.
  • Qua Chầu: Ngũ Vị Vương Quan, Quan tam Phủ là con cái của Bát Hải Đại Vương,…
  • Bà Chầu: Tứ vị Chầu Bà…thường là tiên nữ, có nguồn gốc từ các dân miền núi Tày, Nùng, Dao, Mường,…
  • Ông Hoàng: Ngũ Vị Hoàng Tử, Ông Hoàng Nhất, Hoàng Bơ, Hoàng Bảy, Hoàng Bát, Hoàng Mười,…
  • Thánh Cô: Thập Nhị Vương Cô,…
  • Thánh Cậu: Thập Nhị Vương Cậu Cậu Bơ, Cậu Bé, Cậu Quận,…
  • Ngũ Hổ và Ông Lốt (Rắn)
    Ngoài ra còn có hệ thống phủ thờ Đức Thánh Trần hay Đức Thánh Cha cùng các thuộc hạ.

  1. Ba dạng thờ mẫu Việt Nam[18]
    1. Thờ Mẫu ở Bắc Bộ

Bắt nguồn từ tục thờ Nữ thần có nguồn gốc xa xưa từ thời tiền sử, tới thời phong kiến một số Nữ thần đã được cung đình hoá và lịch sử hoá để thành các Mẫu thần tương ứng thời kỷ từ thế kỷ 15 trở về trước với việc phong thần của nhà nước phong kiến, hình thức thờ Mẫu thần với các danh xưng như Quốc Mẫu, Vương Mẫu, Thánh Mẫu như hiện tượng thờ Ỷ Lan nguyên phi, Mẹ Thánh Gióng, Tứ vị thánh nương.

Từ khoảng thế kỷ 15 trở đi, hình thức thờ mẫu Tam phủ, Tứ phủ được định hình và phát triển mạnh, đây cũng là thời kỳ xuất hiện Thánh Mẫu Liễu Hạnh với các nghi thức ảnh hưởng từ Đạo giáo.

    1. Thờ mẫu ở  Trung Bộ

Dạng thức thờ Mẫu này chủ yếu ở khu vực nam Trung bộ, đặc trưng cơ bản của dạng thức thờ Mẫu ở đây là tín ngưỡng thờ Mẫu không có sự hiện diện của mẫu Tam phủ, Tứ phủ mà chỉ có hình thức thờ Nữ thần và Mẫu thần. Hình thức thờ Nữ thần như thờ Tứ vị Thánh nương, Bà Ngũ Hành và hình thức thờ Mẫu thần như thờ Thiên Y A Na, Po Inư Nưgar.

    1. Thờ mẫu ở Nam Bộ

So với ở Bắc Bộ, tục thờ Nữ thần và Mẫu thần có sự phân biệt nhất định với biểu hiện rõ rệt là thông qua tên gọi và xuất thân của các vị thần thì ở Nam Bộ sự phân biệt giữa hình thức thờ Nữ thần và Mẫu thần ít rõ rệt hơn, hiện tượng này được giải thích với nguyên nhân Nam Bộ là vùng đất mới của người Việt, khi di cư vào đây họ vừa mang các truyền thống tín ngưỡng cũ lại vừa tiếp nhận những giao lưu ảnh hưởng của cư dân sinh sống từ trước tạo nên bức tranh không chỉ đa dạng trong văn hoá mà còn cả trong tín ngưỡng.

Những Nữ thần được thờ phụng ở Nam Bộ như Bà Ngũ Hành, Tứ vị Thánh nương, Bà Thuỷ Long, Bà Chúa Động, Bà Tổ Cô,...và những Mẫu thần được thờ phụng như Bà Chúa Xứ, Bà Đen, Bà Chúa Ngọc, Bà Thiên Hậu,…

Từ thập niên 1990, nhất là sau hội thảo quốc gia về Thánh Mẫu Liễu Hạnh do Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam tổ chức tại Văn Miếu (Hà Nội), không khí học thuật liên quan tới tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng và tín ngưỡng dân gian nói chung diễn ra sôi động, hàng loạt tác phẩm, công trình nghiên cứu đã được công bố.

Từ các nghiên cứu tổng hợp, các nhà nghiên cứu đã hệ thống hóa được việc tôn thờ Đạo Mẫu Việt Nam trên cả phương diện đồng đại và lịch đại. Về phương diện lịch đại, Đạo Mẫu Việt Nam được hình thành và phát triển trên cái nền thờ Nữ thần và Mẫu thần bản địa, rồi tiếp thu những ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Hoa để đạt đến đỉnh cao là đạo thờ Mẫu Tam phủ Tứ phủ. Tới thế kỷ 17-18, khi mẫu Tam phủ Tứ phủ đã được hình thành và phát triển thì nó lại Tam phủ, Tứ phủ hóa tục thờ Nữ thần, Mẫu thần.

Về phương diện đồng đại, đạo Mẫu theo chân người Việt di cư vào phương nam trong quá trình nam tiến. đạo Mẫu của người Việt đã giao thoa, tiếp biến với các tục thờ Mẫu của người Chăm, người Khmer từ đó tạo nên các dạng thức địa phương của Đạo Mẫu Việt Nam ở ba miền Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ​.

Mỗi tôn giáo, tín ngưỡng điều có nguồn gốc lịch sử và nghi lễ riêng. Với Đạo Mẫu thì sao? Đối với Đạo Mẫu nghi lễ là một trong những phương thế giúp người theo Đạo Mẫu thể hiện sự tin tưởng, lòng sùng kính,… của mình với các Mẫu mà mình tôn thờ. Để hiểu rõ hơn về nghi lễ chúng ta cùng tìm hiểu:

  1. Nghi lễ thờ cúng

Các vị thần trong đạo Mẫu phản ánh các phẩm chất của một người Mẹ vừa thần thánh lại vừa con người. Đạo Mẫu không chú trọng vào cuộc sống sau khi chết, nó quan tâm đến cuộc sống hiện tại và câu hỏi làm thế nào để người ta có thể đạt được một cuộc sống hạnh phúc và đầy đủ trên trần gian.

Điều đó thể hiện trong cách cầu nguyện và kinh lễ[19]. Các bài kinh lễ là các bài hát về nhiều điều mà người ta mong muốn trong cuộc sống hàng ngày: thời tiết tốt cho mùa màng, sức khỏe cho mọi người, hạnh phúc, tiền tài,.. Nội dung của các bài kinh lễ đơn giản và dễ hiểu, điều này rất khác so với nội dung kinh lễ các tôn giáo khác như: Phật giáo hay Kitô giáo.

Đạo Mẫu có các nghi lễ tổ chức theo Âm lịch với các tín đồ và nhiều người đi lễ tham gia. Các nghi thức hành lễ không được đào tạo chính thức mà chủ yếu được truyền khẩu từ đời này qua đời khác.

 

  1. Một số nghi lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu[20]:
     

    1. Hành hương, đi lễ cầu an tại các đền phủ.
    2. Lập đàn cúng lễ các nghi lễ như Tụng kinh, dâng sao giải hạn, di cung hoán số, trả nợ tào quan, thí thực..
    3. Đội bát nhang (tôn nhang bản mệnh)
    4. Dâng văn thờ
    5. Lên đồng (hầu bóng)
       

Nghi lễ phổ biến nhất là lên đồng[21] (hay còn gọi là hầu bóng). Trong nghi lễ này, người ta tin rằng linh hồn của các vị thần sẽ nhập vào người lên đồng, linh hồn này được vời đến để nghe lời cầu nguyện của người đi lễ. Trong các nghi lễ, phụ nữ thường đóng vai trò chính, người lên đồng cũng thường là phụ nữ (bà cốt), đôi khi mới do nam giới đảm nhận (ông đồng).

Các giá đồng (các điệu múa linh thiêng) là một phần quan trọng của nghi lễ. Có 72 giá đồng, bao gồm giá các quan lớn, giá các cậu, giá chầu bà, giá các cô,... Trong buổi lễ, các giá đồng được biểu diễn cùng với hát văn (hay chầu văn). Hát văn là một thể loại hát nói (vừa hát vừa nói). Hát văn do người đồng biểu diễn cùng với dàn nhạc cung văn. Người ta nói rằng, chầu văn tạo nên một khung cảnh và âm nhạc tâm linh để giúp cho người đồng nhập vào vai mới và gắn kết với những con người và nơi chốn ở bên ngoài thế giới địa phương của họ.

Một ông Đồng hay bà Đồng thôi nhưng trong một buổi lễ, tuỳ theo tính chất của buổi lễ trong năm hay tính cách đồng (căn đồng), theo nhu cầu của từng ông Đồng và bà Đồng mà họ làm giá (ghế) để cho các vị Thánh nào nhập. Đánh dấu mỗi lần vị thánh nào nhập và thăng là căn cứ vào nghi thức trùm khăn phủ diện lên đầu và ông Đồng, bà Đổng thay lễ phục cho phù hợp với danh tính của mỗi vị thần. Trong điện thần đạo Tứ phủ, có một số vị Thánh thường hay nhập hồn vào ông Đồng, bà Đồng, còn có loại ít thấy nhập hơn, thậm chí có vị Thánh người ta không rõ lai lịch và hầu như không bao giờ nhập đồng cả.

     Trong nghi thức Hầu đồng, các vị thánh nhập hồn bao giờ cũng là các vị Thánh làm những điều tốt lành, phù hộ cho ông Đồng, bà Đồng và các con nhang đệ tử làm ăn may mắn, chữa khỏi các bệnh tật trừ đuổi rủi ro, ma quỷ quấy ám... Hơn thế nữa, các vị Thánh đó lúc sinh thời đều là những con người tài giỏi, có đức độ, có vị trí cao trong xã hội và đã từng mang lại danh tiếng, công ơn đối với dân, với nước. Điều này phân biệt với các hình thức nhập hồn khác, như nhập hồn không tự nguyện của người bị nhập hồn, nhập hồn của những ma quỷ dữ, mang lại tai hoạ cho người bị nhập và những người khác. Bởi vậy, trong nghi lễ hầu đồng, bao giờ cũng có nghi thức xin thánh nhập vào bản thân mình và như chúng ta thấy, không phải bao giờ những lời cầu xin ấy cũng được các Thánh chấp nhận, khác với nghi thức đuổi ma trừ tà, do các ma quỷ dữ ám vào người nào đó để gây bệnh tật và những rủi ro...

Trong nghi thức hầu đồng, để cho Thánh nhập, người hầu phải "thoát khỏi'' trạng thái tâm sinh lý bình thường, họ không còn là họ nữa, mà chỉ là cái xác để Thánh nhập vào. Do vậy, tuỳ theo từng vị thánh mà con đồng có những hành động, tư thế, nét mặt khác nhau sao cho phù hợp với các vị Thánh đó. Để tạo nên trạng thái tâm lý như vậy, ông Đồng và bà Đồng phải tự thôi miên bản thân tạo ra trạng thái ngây ngất. Hỗ trợ cho trạng thái ngây ngất này, ngoài bàn thờ với hương khói các màu sắc ''mạnh'' của đồ thờ, quần áo; còn có vai trò của các chất kích thích như rượu, trà, thuốc lá, trầu; rồi tiếng trống, âm nhạc và và lời hát... bởi thế, hầu đồng, đứng về phương diện tâm sinh lý, là việc tự đưa cơ thể vào trạng thái ngây ngất.

Một chức năng cơ bản của nghi thức nhập hồn của các Thánh vào các ông Đồng và bà Đồng là để chữa bệnh, đoán số và ban phúc lộc Có không ít trường hợp những người phải chịu đội bát nhang với tư cách là con nhang của các Thánh hay mức cao hơn phải làm lễ trình đồng là do họ bị bệnh tật lâu ngày mà chạy chữa không khỏi. Những người này tin rằng, với việc các Thánh có chức năng chữa bệnh cứu người, nhập hồn vào người hầu đồng thì bệnh tật người đó ắt là mau khỏi Trên thực tế do chúng tôi quan sát hoặc những lời truyền tụng thì hiện tượng khỏi bệnh đã từng biết tới ở một số người. Điều này cũng không có gì là một khi chúng ta quan niệm rằng yếu tố tâm lý và tâm thần có tác dụng không nhỏ trong chữa lành bệnh cho con người. Do vậy, việc trở thành Ông đồng, Bà đồng không phải là hành động mang tính tự nguyện, mà là bắt buộc, nếu không sẽ bị Thánh hành, tức bị cơ đày.

Trong Hầu đồng, khi thánh nhập, tuỳ theo từng vị Thánh và căn đồng của từng ông Đồng hay bà Đồng, mà Thánh có thể truyền phán về tương lai của những người thỉnh ngài. Cũng có những người hầu đồng nhưng không hề hé răng truyền phán gì cả, gọi là hầu cấm khẩu .Việc hầu đồng để mưu cầu tài lộc cho bản thân mình, nhất là trước lúc làm ăn có tính chất được thua. Chẳng thế mà những người buôn bán hàng năm bỏ ra hàng cây vàng chi cho các buổi hầu thánh như thế. Ngày nay, việc lên đồng để mưu cầu tài lộc thường là mục tiêu hàng đầu.

  1. Lễ hội[22]

Đạo Mẫu có hai dịp lễ hội quan trọng: "Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ", kỷ niệm ngày mất của Đức thánh Trần[23] (Cha) và Liễu Hạnh Công chúa (Mẹ). Ngoài ra, người đi lễ có thể đến các phủ đền vào các ngày mùng Một hoặc ngày Rằm (âm lịch) hàng tháng, dâng đồ cúng lễ để tạ ơn và cầu khấn.

  • Tháng Tám giỗ Cha

Tháng tám là tháng giỗ Cha, nhưng thời gian lại tập trung vào các ngày từ 20 đến 28 tháng tám, thời điểm ''âm thịnh dương sung''. Về lai lịch tương truyền ngày 20 tháng 8 là ngày mất của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và ngày 28 là ngày hóa của Bát Hải Đại Vương.

Lịch sử cho chúng ta biết: Khi đất nước có giặc, vua Hùng ra chiếu kêu gọi người tài ra giúp nước, con rắn lớn nhất hóa thành người, đem đoàn quan gồm cả thuồng luồng, rồng, rắn, cá sấu... đi đánh giặc. Sau chiến thắng trở về, ông được nhà vua phong là Trấn Tây A Nam Vĩnh Cống Bát Hải Đại Vương và dân Đào Động lập đền thờ, tôn là vị Thành Hoàng làng. Nơi đây, vào thế kỷ XIII, là mảnh đất quê hương của dòng họ nhà Trần, là địa bàn hoạt động quân sự của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chống quân Nguyên, nay còn để lại nhiều di tích, Tương truyền, Trần Hưng Đạo cùng tướng lĩnh của mình như Phạm Ngũ Lão đã từng đến ngôi đền thờ vị thuỷ thần này để cầu xin phù trợ diệt giặc. Sau khi Trần Hưng Đạo mất, ngôi đền này cùng thờ Đức Thánh Trần và hàng năm mở hội giỗ Cha vào ngày 20 tháng 8 âm lịch.

Để tái hiện lại chiến công xưa của Bát Hải Đại Vương giúp vua Hùng diệt giặc và sau này Trần Hưng Đạo chống quân xâm lược Nguyên - Mông, trong ngày hội người ta tổ chức lễ rước các ở sông và hội đua thuyền. Các đoàn rước từ các địa phương, các đền miếu xuôi theo các dòng sông đều đổ dồn về bến sông Đồng Bằng trước đền Đồng Bằng hay sông Lục Đầu trước đền Kiếp Bạc. Đoàn rước gồm hàng trăm thuyền, trên đặt ngai, kiệu của Vua Cha Bát Hải và Đức Thánh Trần diễu hành trên sông. Trước khi đoàn rước trở về đền, người ta tổ chức đua thuyền giữa các làng, làng nào đoạt giải thì coi như sẽ gặp mọi sự may mắn, dân làng khoẻ mạnh, làm ăn tiến tới trong cả năm. Do vậy, đây không chỉ là trò vui thuần tuý, mà còn mang tính nghi lễ và phong tục.

  • Tháng Ba giỗ Mẹ

Giỗ Mẹ tháng ba diễn ra ở tất cả mọi ngôi đền thờ Mẫu, nhưng trung tâm vẫn là Phủ Giầy, nơi giáng sinh và cũng là nơi hóa của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, vào chính ngày mồng ba tháng ba.

Nếu lễ hội giỗ Cha tháng tám tiến hành nghi thức rước trên sông, gắn liền với các vị thuỷ thần, thì tháng ba giỗ Mẹ là đám rước trên bộ, rước từ đền Mẫu đến chùa, gắn với sự tích Thánh Mẫu quy y, nhận sự bảo trì của Phật Bà Quan Âm. Tương truyền trong cuộc Sòng Sơn Đại chiến giữa công chúa Liễu Hạnh và đạo sĩ của phái Đạo Nội được Triều đình phái tới, công chúa Liễu Hạnh đã bị mắc mưu của bọn đạo sĩ, các phép màu bị mất hiệu nghiệm, tình thế nguy kịch, nhưng đã được Phật Bà Quan ÂM ra tay giải cứu. Từ đó Mẫu Liễu Hạnh chịu nghe kinh, tuân pháp, nhận áo cà sa, mũ hoa sen, chuyển hoá từ bi, chuyên làm việc thiện. Truyền thuyết này đã phản ánh sự thâm nhập giữa tín ngưỡng thờ Mẫu và đạo Phật dân giã, mở đường cho sự thâm nhập các điện Mẫu vào các chùa và nghi thức rước Mẫu về chùa trong ngày ''giỗ Mẹ" trở thành nghi thức quan trọng nhất. Ngày 5 và 6 tháng ba ở Phủ Giầy đã diễn ra lễ rước từ phủ Tiên Hương và Vân Cát lên chùa Gôi và chùa Dần.

Hầu bóng là nghi lễ không thể thiếu trong ngày hội giỗ Mẹ tháng Ba. Hình thức hầu bóng này chúng tôi đã có dịp trình bày ở phần trên . Ở đây chỉ xin nhắc lại rằng, nghi thức hầu đồng thuộc dòng Đồng cốt này khác biệt nhiều với hình thức lên đồng của dòng Thanh đồng mang tính ma thuật trừ tà ma, thường diễn ra trong dịp giỗ Cha, đặc biệt là Kiếp Bạc.

Tóm lại: Tục lệ ''Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ'' như là điểm qui tụ nét đắc sắc nhất của nghi lễ hội hè của đạo Mẫu người Việt. Ở đây nó thể hiện sự kết hợp hài hoà giữa quan niệm vũ trụ luận nguyên sơ - âm dương tương khắc tương đồng, nguồn gốc tạo ra mọi hiện tượng vũ trụ, với hệ qui chiếu gia tộc trong ứng xử xã hội: Gia đình, cha mẹ và con cái - ''có âm dương, có vợ chồng, dẫu là thiên địa cũng vòng phu thê'' (Nguyễn Gia Thiều) được phóng đại và trở thành khung ứng xử xã hội, để từ giỗ cha mẹ, tổ tiên gia tộc trở thành giỗ tổ Hùng Vương, giỗ Cha - Mẹ của Đạo Mẫu.

  1. Những giá trị cơ bản của Đạo Mẫu Việt Nam
    1.   Giá trị nhận thức thế giới[24]

Với đạo Mẫu, người Việt Nam không chỉ nhân hóa tự nhiên mà còn nữ tính hóa tự nhiên, làm cho việc sùng bái tự nhiên thành sùng bái con người mang nữ tính. Nói cách khác, với đạo Mẫu, việc tôn thờ Mẫu không chỉ với tư cách là hiện thân của bản thể tự nhiên (Mẹ Mưa, Mẹ Mây, Mẹ Sấm, Mẹ Chớp - Mẹ Tứ Pháp hay Mẹ Kim, Mẹ Mộc, Mẹ Thủy, Mẹ Hỏa, Mẹ Thổ - Mẹ Ngũ Hành), mà còn là lực lượng cai quản tự nhiên (Mẫu Thiên cai quản vùng trời, Mẫu Địa cai quản vùng đất, Mẫu Thoải cai quản vùng nước sông biển, Mẫu Thượng Ngàn cai quản vùng núi rừng), cũng chính vì vậy mà Mẫu, hiện thân của người Mẹ Tự Nhiên ấy có thể che chở, mang lại những điều tốt lành cho con người.

Cách nhận thức thế giới theo kiểu “nhất thể hóa” này có mặt tích cực, giúp cho con người hòa đồng với tự nhiên, cảm nhận tự nhiên, lắng nghe tự nhiên, mà cuối cùng bảo vệ tự nhiên một cách hữu hiệu hơn. Điều này càng trở nên quan trọng khi mà hành tinh chúng ta đang đứng trước thực tế bị tàn phá, dẫn đến sự biến đổi khí hậu, đe dọa chính bản thân con người và nền văn minh nhân loại.

Qua Đạo Mẫu, chúng ta hiểu cách con người xưa thiêng hóa tự nhiên, sùng bái tự nhiên chính là để bảo vệ tự nhiên. Và đến một lúc nào đó sự sùng bái ấy đã được chuyển sang sùng bái Nữ Thần, mà suy cho cùng thì đó cũng là cái cách nhân thần hóa tự nhiên mà thôi. Bởi vì, giữa tự nhiên và tính nữ đều có chung những đặc tính, đó là sự sản sinh, bảo trữ và che chở.

    1.   Giá trị nhân sinh[25] : Đạo Mẫu hướng niềm tin của con người vào đời sống trần thế

Khác với nhiều tôn giáo tín ngưỡng, dù đó là Phật giáo, Kitô giáo… Đạo Mẫu không hướng con người và niềm tin của con người về thế giới sau khi chết, mà là thế giới hiện tại, thế giới mà con người cần phải có sức khỏe, có tiền tài và quan lộc. Đó là một nhân sinh quan mang tính tích cực, phù hợp với quan niệm “hiện sinh” của con người trong thế giới hiện đại. Lúc này niềm tin vào cái siêu nhiên mà Thánh Mẫu là đại diện, mang tính phương tiện, còn mục đích sống của con người mới là quan trọng. Đây cũng là cách tư duy thể hiện tính “thực tế”, “thực dụng” của con người Việt Nam.

Chúng ta cũng khó đo đếm được có bao nhiêu con người Việt Nam tin vào sức mạnh và sự kỳ diệu của Thánh Mẫu. Chỉ biết rằng, không chỉ hàng ngày người ta đến cầu xin Thánh Mẫu, mà còn vào những dịp hội hè, lễ tiết theo chu kỳ “Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ” số lượt người trẩy hội đến các đến phủ tăng gấp bội để cầu mong Mẫu ban cho mình sức khỏe và tài lộc. Bởi vì đó là nhu cầu của bản thân con người.

Trong nghiên cứu hiện nay, các nhà khoa học đã bắt đầu lý giải được việc những người có căn sè, tức là những người có những đặc tính tâm sinh lý đặc biệt, lại phải chịu những dồn nén xã hội nên dễ dẫn đến tình trạng rối loạn về tâm lý và hành vi, thì thường sau khi ra trình đồng (nghi lễ lên đồng) đều khỏi bệnh, trở về trạng thái tâm sinh lý bình thường[26]. Thậm chí, ngay cả với những người dù không có “căn đồng” mà chỉ để giải tỏa, giải trí trước những sức ép của nhịp sống xã hội đô thị hiện đại (dân gian gọi là đồng đua, đồng đú), thì khi lên đồng cũng giúp họ giải tỏa được những tress.

Ngoài chữa bệnh, những tín đồ của đạo Mẫu, nhất là những người làm nghề kinh doanh buôn bán có một niềm tin mãnh liệt vào Thánh Mẫu, người có thể phù hộ cho họ buôn bán phát đạt. Ở đây, chúng ta khó có thể khẳng định được thực sự có hay không một lực lượng siêu nhiên nào đã hỗ trợ cho họ trong việc kinh doanh buôn bán, có lẽ lúc này, niềm tin của con người giữ vai trò quyết định, nó có thể tạo nên sức mạnh vật chất thực sự.

Trong cộng đồng của đạo hữu, Đạo Mẫu có những thanh đồng sau khi ra đồng đã thể hiện khả năng “ngoại cảm” có thể thông quan với thế giới siêu nhiên, đã tích cực tham gia vào việc tìm mộ liệt sỹ, chữa bệnh…đáp ứng nhu cầu đời sống hiện nay của người dân Việt Nam sau chiến tranh.

    1.   Đạo Mẫu gắn bó với dân tộc Việt Nam đã được tâm linh hóa[27]

Đạo Mẫu, thông qua các ký ức, các truyền thuyết và huyền thoại, qua các nghi lễ và lễ hội đã thể hiện rõ ý thức lịch sử và ý thức xã hội của mình. Trong điện thần của đạo Mẫu, hầu hết các vị Thánh đã được lịch sử hóa, tức là đều hóa thân thành những con người có danh tiếng, có công trạng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tất nhiên, trên thực tế có không ít những vị Thánh thần vốn thoát thai từ các nhân vật có thật trong lịch sử, sau này được người đời tô vẽ, thần tượng lên thành các vị thần thánh, tức là các vị thần thánh có “nguyên mẫu” trong lịch sử (Trần Hưng Đạo – Đức Thánh Trần, Mẹ Âu Cơ – Mẫu Thượng Ngàn, Lê Khôi hay Nguyễn Xí – Ông Hoàng Mười, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan- Ông Hoàng Bơ, Bà Lê Chân – Thánh Mẫu Bát Nàn…).Ngoài ra còn có nhiều vị thần linh, vốn là các thiên thần hay nhiên thần, nhưng lại được người đời “nhân thần hóa” hay “lịch sử hóa”, gán cho họ có sự nghiệp, có công trạng với đất nước hay từng địa phương. Bằng cách đó, Đạo Mẫu gắn bó với cội nguồn và lịch sử dân tộc, đã trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, một thứ chủ nghĩa yêu nước đã được tín ngưỡng hóa, tâm linh hóa, mà trong đó người Mẹ - Mẫu là nhân vật trung tâm.

Trong đời sống thường nhật của con người, Đạo Mẫu, thông qua các bài giảng bút (được coi là các bài kinh – Kinh Đạo Nam), Thánh Mẫu khuyên bảo mọi người đứng lên chống Pháp, hưởng ứng phong trào Cần Vương, chấn hưng sỹ nông công thương, dạy người phụ nữ những điều công, dung, ngôn, hạnh rất cụ thể về ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội[28].

  1. Ảnh hưởng của Đạo Mẫu trên đất nước Việt Nam
    1. Ảnh hưởng trên văn hóa

Ngoài ra, Đạo Mẫu ẩn chứa những giá trị văn hóa rất phong phú. Đó là kho tàng truyền thuyết và huyền thoại, đó là các hình thức diễn xướng với âm nhạc, nhảy múa, ca hát, các hình thức trang trí, kiến trúc đền phủ... Đó là diễn xướng đạo Mẫu, một hình thức sân khấu tâm linh, hay cao hơn là cả một văn hóa đạo Mẫu. Chỉ nói riêng nghi lễ lên đồng của đạo Mẫu đã sản sinh ra loại hình âm nhạc-hát văn độc đáo, đó là một trong hai loại âm nhạc-dân ca tiêu biểu của người Việt.

Đạo Mẫu không chỉ là một tín ngưỡng, mà đạo Mẫu còn là văn hóa, mà thông qua nghi lễ lên đồng, qua lễ hội, phong tục, nó thực sự là một bảo tàng sống của văn hóa Việt Nam. Ở đó, chúng ta nhận thấy một lối sống, quan niệm, cung cách sinh hoạt, những ước vọng của không chỉ con người trong xã hội cổ truyền, mà còn cả của con người hiện đại nữa. Những giá trị lịch sử, đạo đức, giá trị văn hóa đã đặt đạo Mẫu vào vị trí những tôn giáo tín ngưỡng bản địa hàng đầu của dân tộc Việt[29].

Ngoài ra còn ảnh hưởng lớn đến các nhà văn Việt Nam qua các bài thơ, bài văn[30]:

  • Nguyễn Huy Hiệp: hình ảnh người phụ nữ đầy tình thương và bản năng người làm mẹ.
  • Nguyễn Duy: bài thơ Đò Lèn
  • Nguyễn Xuân Khánh: Mẫu Thượng Ngàn

    1. Ảnh hưởng trên con người

  • Đạo Mẫu không hướng con người và niềm tin của con người về thế giới sau khi chết, mà là thế giới hiện tại, thế giới mà con người cần phải có sức khỏe, có tiền tài và quan lộc. Đó là một nhân sinh quan mang tính tích cực, phù hợp với quan niệm “hiện sinh” của con người trong thế giới hiện đại.
  • Con người có thể tìm đến thần linh để xin ơn tại các đề, đài, phủ.
  • Qua việc thờ mẫu còn thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người dân Việt, khi nhớ đến các vị anh hùng đã có công với Đất Nước.
  • Ngoài ra, còn ảnh hưởng trên người phụ nữ một vị trí chủ yếu trong gia đình, bởi thiên chức làm vợ, làm mẹ, với sự phân công tự nhiên, người mẹ vẫn mặc nhiên đảm nhiệm hầu hết các vai trò, về duy trì nòi giống, nuôi dưỡng các thế hệ kế tục, trao gửi những tâm tư, tình cảm một cách gần gũi, thường xuyên, liên tục, giáo dưỡng để có được những thế hệ mới cho gia đình, cho quê hương, cho đất nước.

  1. So sánh Đạo Mẫu với Đức Maria Đạo Công Giáo
    1. Lòng sùng kính

Đối với Kitô giáo trong những thế kỷ gần đây, nhiều nhà nhân chủng học đã tố cáo rằng việc sùng kính Đức Maria là một vết tích của Đạo Thờ Nữ Thần nằm trong tâm thức nhiều dân tộc. Cuộc tranh luận đã khiến các sử gia Công Giáo đào sâu thêm khung cảnh tín ngưỡng ở Miền Địa Trung Hải vào thế kỷ đầu Công Nguyên khi khai sinh Kitô giáo. Không thể phủ nhận ảnh hưởng thờ “Nữ Thần” của các dân tộc Miền Địa Trung Hải. Tâm thức có lẽ phản ứng lại hình ảnh của các “Nam Thần” với dung mạo uy nghi nghiêm khắc, đang khi con người khát mong tiếp xúc với Đức dịu dàng, thương xót, bao dung[31].

Vì vậy, với Thiên Chúa giáo thì đạo Mẫu cũng không tạo ra bức tường ngăn cách. Hơn thế nữa truyền thống tôn thờ Mẫu của người Việt Nam cũng có cái gì đó gần gũi với biểu tượng Đức Mẹ Maria của đạo Thiên Chúa. Do vậy, khi du nhập vào nước ta, những người truyền đạo không phải không nhận ra nét tương đồng giữa đạo Mẫu bản địa và Thiên Chúa giáo, lợi dụng nó trong việc truyền đạo.

Tuy nhiên, khi so sánh Đạo Mẫu với lòng sùng kính Đức Maria Đạo Công Giáo thì ta thấy được những nét tương đồng và khác biệt như:

  1. Nét tương đồng

 

ĐẠO MẪU
ĐỨC MARIA
·        Tín ngưỡng thờ Mẫu chính là sự biểu hiện nét nữ tính của người dân Việt như: chịu thương chịu khó, hy sinh vì chồng con,…
 
 
 
 
 
 
·        Theo nguồn gốc và lịch sử thì các Thánh Mẫu là những con người gắn bó với dân tộc, với quê hương đất nước Việt Nam, được người dân tôn lên làm Thánh Mẫu.
 
 
 
·        Việc sùng kính các Mẫu được người dân Việt thể hiện qua việc thờ cúng ở các đền, miếu, và qua việc tổ chức các lễ hội như: tháng ba giỗ Mẹ và có nghi thức rước Mẹ lên Đền,…
 
 
 
 
 
·        Tuy nhiên, nhiều kẻ buôn thần bán thánh biến tín ngưỡng thờ phụng thần linh thành những hủ tục mê tín dị đoan như xem bói, cúng kiến cầu may, xóc thẻ, lên đồng chữa bệnh bằng nước thánh.
-         Lợi dụng những đền thờ anh hùng dân tộc để thành những nơi bán bùa phép, cầu may mắn, cầu trót lọt cho những việc làm sai trái.
-          Nhiều lễ hội được tổ chức với mục đích buôn bán nhiều hơn là thờ cúng, dẫn đến phát sinh những tiêu cực như chen nhau mua ấn đền Trần, mua và đốt vàng mã một cách hoang phí và hủy hoại môi trường[32].
 
·        Đức Maria có thể được xem là người phụ nữ kiểu mẫu điển hình cho người phụ nữ Việt Nam với tất cả những đức tính được tìm thấy trong gia đình Nazaret, tâm tình của một  người Mẹ yêu mến Chúa Giê su con Mẹ, mang tấm lòng và trái tim của người mẹ để yêu Chúa, nuôi dưỡng, cưu mang Chúa trong tâm hồn.
 
·        Nhờ ơn Thiên Chúa, Mẹ Maria được tôn vinh lên trên hết các thiên thần và loài người sau Con Mẹ, vì Mẹ là Mẹ rất thánh của Chúa, đã tham dự vào Mầu Nhiệm của Chúa Kitô, do đó Ngài đáng được Giáo Hội tôn vinh và đặc biệt sùng kính. (Lumen gentium số 66).
 
·        Lòng yêu mến và sùng kính Mẹ Maria qua hai cách thức[33]: thứ nhất là tôn sùng có tính chất phụng vụ; thứ hai là quý trọng qua các việc thực hành đạo đức như: việc tổ chức các buổi hành hương kính mẹ, những buổi dâng hoa, kiệu, canh thức cầu nguyện v.v..nhiều Hội đoàn và nhiều người Kitô hữu mang Danh Mẹ và chọn Mẹ làm quan thầy.
 
·        Đối với lòng đạo đức bình dân (tôn sùng Đức Ma-ri-a), để có một đường hướng tích cực trước hết đòi hỏi “biết cách nhận ra những chiều kích nội tại và giá trị không thể chối cãi và sẵn sàng giúp nó vượt qua những nguy cơ sai lạc. Một khi đã được định hướng, lòng đạo đức bình dân có thể thực sự trở nên một điểm gặp gỡ với Thiên Chúa trong Chúa Giê-su Ki-tô cho ngày càng đông đảo anh chị em chúng ta hơn”[34](EN 48).
 

 

  1. Nét khác biệt
     

ĐẠO MẪU
ĐỨC MARIA
·        Chỉ đến với một Thánh Mẫu mà các tín đồ Đạo Mẫu yêu thích.
·        Tín đồ Đạo Mẫu kính tôn rất nhiều Thánh Mẫu như: Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Chúa Xứ Thánh Mẫu, Linh Sơn Thánh Mẫu, Thượng Ngàn Thánh Mẫu, Thượng Thiên Thánh Mẫu,…
·        Mục đích của lòng sùng kính là giúp tín đồ Đạo Mẫu có nhiều sức khỏe, tiền tài và quan lộc.
·        Qua lòng sùng kính Đức Maria các Kitô hữu hướng lên tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi.
·        Giáo hội kính tôn một mình Đức Trinh Nữ Maria với các tước hiệu như: Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Hội Thánh, Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội,…
·        Mục đích của lòng sùng kính là giúp ta gắn bó mật thiết với Chúa, với Mẹ Maria; tạ ơn; xin ơn;….

 

    1. Phẩm giá của người Nữ

 

  • Giống nhau

  • Nói đến phẩm giá của người nữ là ta nói đến vai trò: làm Mẹ và đồng trinh. Với vai trò làm mẹ chúng ta hiểu: yêu thương, chăm sóc con cái. Còn chữ đồng trinh không chỉ nói đến sự khiết tịnh mà còn đề cao tình yêu phu phụ, một tinh thần yêu nước – trung thành với lý tưởng của mình.
  • Phẩm giá người nữ công – dung – ngôn – hạnh và tam tòng tứ đức vẫn còn được duy trì trong tâm khảm người nữ qua mọi thời đại.
  • Phẩm giá cao đẹp của người nữ như: chân thành, nhiệt thành, trung thành.
  • Ngày nay, phụ nữ đã được hòa nhập vào trong xã hội tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, tôn giáo,…

  • Khác nhau

 
ĐẠO MẪU
 
KITÔ GIÁO
ü Theo dân tộc Việt Nam, chúng ta là anh em với nhau, vì được sinh ra bởi một người Mẹ là Âu Cơ trong bọc trứng – 100 con; cả nam lẫn nữ. Vì vậy, chúng ta bình đẳng với nhau trong mọi phương diện.
 
 
 
ü Người phụ nữ trong chế độ phụ hệ thì phụ tùng chồng – không có quyền lợi, bị kiềm hãm, bị trói buộc gắt gao. Tuy nhiên vẫn thể hiện tròn vẹn tam tòng tứ đức của mình.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
ü Tôn trọng thiên nhiên và sự sống, người Việt rất quý trọng phụ nữ. Có gì gần với Sự Sống và Thiên Nhiên cho bằng Phụ Nữ và đúng hơn là người Mẹ.
 
 
ü Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển Đạo Mẫu thì người phụ nữ luôn giữ một vị trí quan trọng trong gia đình, đất nước điều này ta thấy được qua các Thánh Mẫu như: Hai Bà Trưng, Thánh Mẫu Liễu Hạnh,…
 
 
 
 
 
ü Còn đối với các tín đồ theo Đạo Mẫu thì qua nghi lễ Lên Đồng, người phụ nữ được bước vào thế giới của các vị thánh, một không gian tâm linh khác với thế giới mà họ đang sống. Do vậy, người phụ nữ trong Đạo Mẫu vẫn được đề cao hơn là nam giới.
 
 
ü Thiên Chúa đã sáng tạo nên con người theo hình ảnh của Ngài, và Ngài đã tạo dựng con người có nam có nữ. Cả nam và nữ đều được Thiên Chúa tạo dựng ở mức độ bình đẳng với nhau. Ngay từ thuở ban, đầu, cả hai đã là con người đều có nhân vị (Dưới cái nhìn của Nhân Chủng Thần Học về Con Người).
 
ü Đức Giê su là người đại diện cho chế độ phụ hệ, nhìn lại lịch sử ta nhận thấy Ngài rất tôn trọng phụ nữ, Trong tất cả giáo huấn cũng như cách cư xử của Ngài, chúng ta không thể tìm thấy chút gì kỳ thị hay phân biệt trọng nam khinh nữ vốn thường phổ biến thời ấy. Trong Tin Mừng: nhiều phụ nữ đã nhận ra ân huệ của Chúa, Phụ nữ xuất hiện nhiều trong các dụ ngôn,.. và quan trọng hơn nữa thời Cựu Ước lẫn Tân Ước người phụ nữ luôn xuất hiện trong chương trình của Thiên Chúa.
 
ü Đức Maria được coi là khuôn mẫu của phẩm giá Phụ Nữ; vì là Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria đã cưu mang chính Thiên Chúa trong cung lòng mình.
 
ü Đức Maria là Eva mới trong chương trình lịch sử Cứu độ, mẹ là “khởi nguyên mới” của phẩm giá và ơn gọi của phụ nữ, của từng phụ nữ và của mọi phụ nữ. Qua Đức Maria, chúng ta khám phá lại phẩm giá đích thực của phụ nữ và bản chất đích thực của nữ tính. “Chúa đã làm cho tôi bao nhiêu điều trọng đại kỳ diệu”.
 
ü Phụ nữ trong Kitô giáo có một chổ đứng tương đối thuận lợi, những nền thần học hướng về quyền phụ nữ đã được khởi xướng từ hậu bán thế kỷ 20, cùng với những sự thăng tiến về vai trò phụ nữ trong xã hội. Những tiếng nói đòi hỏi quyền bình đẳng phụ nữ khởi đầu với hai biến cố, đó là sự ra đời của phong trào giải phóng phụ nữ và Thần Học Giải Phóng.
 
 











  1. Kết Luận

Tóm lại, tín ngưỡng thờ Mẫu với sự hình thành và phát triển ta thấy được sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên, đất nước cũng như qua nghi lễ Lên Đồng con người có thể kết hợp với các vị thánh và Đạo mẫu có sức ảnh hưởng rất lớn đến con người Việt Nam với những giá trị: tâm linh, nhân sinh.

Nhìn lại lịch sử, người Việt sống tín ngưỡng và ít có nhu cầu cứu độ, giải thoát hoặc giác ngộ. Họ đã có “thần bí dân dã” làm nền, dù đó là nền vô thức. Ngày nay, khi chất thần bí dân dã dần dần mất đi, thì tín ngưỡng dân gian khi đang được phụ hồi, các thần thánh đặc biệt là các Thánh mẫu vẫn được sùng bái và hầu như chỉ vì cầu tài lộc, cầu ơn phước chữa bệnh,…

Người tín hữu của các tôn giáo thường quen thể hiện tín ngưỡng theo kiểu tâm thức dân gian, nên hầu như rất ít người nào thực sự thấu hiểu đạo lý, dù đó là Kitô giáo, Phật giáo. Đây cũng là một thách đố trong công cuộc rao giảng Tin Mừng nơi một xã hội có nhiều tôn giáo, tín ngưỡng.

 



[3] GS – TS Ngô Đức Thịnh, Trung Tâm Nghiên Cứu và Bảo Tồn Tín Ngưỡng Việt Nam. Nguồn: daomauvietnam.com.
[4] Tam phủ là danh từ để chỉ ba vị thần thánh trong hệ thống tín ngưỡng Việt Nam gồm: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng NgànMẫu Thoải, cai quản những lĩnh vực quan trọng nhất của một xã hội nông nghiệp.
[5] www.youtube.com/watch?v=LT3ivqgfhpw‎.
 
[6] Về cơ bản lớp thờ Nữ Thần và Mẫu Thần mang tính bản địa, nội sinh. Lớp Mẫu tam phủ, tứ phủ hình thành trên cơ sở lớp tín ngưỡng thờ Nữ thần, Mẫu thần và tiếp thu những ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi đã hình thành và định hình thì đạo Tam phủ, Tứ phủ đang ảnh hưởng theo hướng Tam phủ, Tứ phủ hóa tín ngưỡng thờ Nữ thần và Mẫu thần. Truy cập trang Web:  http://119.15.167.94/qdndsubsite/vi-vn/61/68/262/262/262/222769/Default.aspx - GS, TS Ngô Đức Thịnh.
[7] Thánh Mẫu Liễu Hạnh được cho là công chúa của Ngọc Hoàng Thượng đế, do lỡ tay làm vỡ chén ngọc mà bị đày xuống trần làm con gái nhà họ Lê (ở nơi ngày nay thuộc tỉnh Nam Định) vào năm 1557. Dưới trần, bà có cuộc sống ngắn ngủi, lấy chồng và sinh con năm 18 tuổi và chết năm 21 tuổi. Do bà yêu cuộc sống trần tục nên Ngọc Hoàng cho bà tái sinh lần nữa. Trong kiếp mới, bà du ngoạn khắp đất nước, thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên, gặp gỡ nhiều người. Bà thực hiện nhiều phép mầu, giúp dân chống quân xâm lược. Bà trở thành một lãnh tụ của nhân dân và thậm chí bà còn tranh đấu với vua chúa. Do đức hạnh của bà, nhân dân đã lập đền thờ bà (Đền Sòng tỉnh Thanh Hóa). Truy cập trang web: http://daomau.com/Home/gioithieu/daomauvietnam/2009/08/216.aspx.
[9] Cao nhất là tầng trời (Thiên); sau đó đến vùng cao nguyên rừng núi ( Nhạc); sau đến vùng đại dương sông nước (Thuỷ hay còn đọc chệch là thoải),rồi mới đến vùng địa phủ.
[11] Bà xuất hiện khá muộn trong lịch sử đạo Mẫu nhưng có ảnh hưởng khá lớn đến sự phát triển của đạo. Được cho rằng là hiện thân của Mẫu Thượng Thiên, bà Liễu Hạnh đã “trần thế hóa” đạo Mẫu, giúp nó đi vào đời sống dân gian, bắt rễ sâu vào xã hội và cội nguồn tâm linh của người Việt. Bà là một trong bốn vị thánh Tứ Bất Tử cùng với Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương và Chử Đồng Tử. Tương truyền bà là một người phụ nữ thông minh, đức độ, đã chu du khắp nơi làm việc thiện và giúp đỡ nhiều người dân, tu sửa lại chùa chiền, khai khẩn đất đai. Bà qua đời năm 40 tuổi nhưng sau đó, bà còn giáng thế thêm hai lần nữa vì thương nhớ quê hương, gia đình và trần thế.
[12] Còn gọi là Lâm Cung Thánh Mẫu Theo truyền thuyết, bà là công chúa La Bình, con gái của Tản Viên Sơn Tinh và công chúa Mỵ Nương. Học hỏi từ cha nên bà rất thông thạo các kiến thức về mùa màng, trồng trọt. Sau khi cha mẹ về trời, bà thay họ đảm nhận công việc dưới trần, trông coi tất cả các cửa rừng, dạy dân cách làm thuyền, cách gieo hạt trồng lúa, cách nấu ăn. Mẫu Thượng Ngàn được coi như một bà mẹ vĩ đại của dân tộc đã bảo ban và chỉ dạy cho nhân dân, giúp dân có một cuộc sống ấm no. Mẫu Thượng Ngàn còn được cho là người đã phù hộ cho các chiến công chống giặc ngoại xâm của dân tộc, đặc biệt là khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi.
[13] Theo truyền thuyết, bà là con gái của Thủy Cung Long Vương, chịu trách nhiệm quản lý các vùng sông nước. Bà còn được nhắc đến với tên Cô Ba Thoại. Mẫu Thoải giúp đỡ mọi người khi đi qua miền sông nước; bà phù hộ cho người dân khi phải qua sông, qua đò. Khi có hạn, bà làm mưa và khi lũ lụt bà hóa phép để gió tan mưa tạnh. Trong các tượng thờ bà thường mang trang phục màu trắng tượng trưng cho nỗi buồn vì bị hàm oan là thất tiết với người chồng đầu tiên.  Trong điện thờ, tượng ba Thánh Mẫu được đặt cạnh bên nhau. Ở giữa là Mẫu Liễu Hạnh, bên phải là Mẫu Thượng Ngàn, bên trái là Mẫu Thoải.
[15] Giải thích về sự có mặt của cả nam thần lẫn nữ thần trong các vị thần của Đạo Mẫu, các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng: Do xã hội Việt Nam cổ xưa theo chế độ mẫu hệ, nên phụ nữ có vị thế quan trọng trong xã hội. Tuy nhiên, người phụ nữ chỉ có được quyền lực khi họ đã kết hôn. Do đó, nam giới cũng được xem là có vai trò quan trọng trong cuộc sống, và họ cũng được thờ cúng. Truy cập trang Web: http://mantico.hatvan.vn/fdgfdgfd11/vai-tu-lieu-ve-tuc-tho-thanh-mau.html
[17] Những Ghi Chép Thêm Về TÔN GIÁO TÍN NGƯỠNG VIỆT NAM 2006 Tr 30.
[19] hát về những điều mà người ta mong muốn trong cuộc sống hàng ngày như thời tiết tốt cho mùa màng, sức khỏe cho mọi người, hạnh phúc, tiền tài. Nội dung các bài kinh lễ cũng rất đơn giản và dễ hiểu không phức tạp như các tôn giáo khác.
[23] Trần Hưng Đạo
[26] Ngô Đức Thịnh. Lên đồng, hành trình của thần linh và thân phận. Ncb. Trẻ, 2008
[28] Đào Duy Anh. Kinh Đạo Nam, Nxb. Lao Động, H., 2007.
[31] Giuse Phan Tấn Thành, OP. Magnificat, Học Viện Đa Minh 2010.
[33] Lumen gentium số 67.
[34] Đức Phao-lô VI về lòng đạo đức bình dân trong tông huấn Phúc Âm Hóa Thế Giới (Evangelii Nuntiandi,48)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét