nut

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Tâm Lý Học

CÁC HOẠT ĐỘNG TÂM LÝ CẦN THIẾT VÀ QUAN TRỌNG TRONG CÁC MỐI QUAN HỆ XÃ HỘI

?&@
Mai Thị Huyền Trinh- Liên Dòng MTG PhaoLô Nguyễn Văn Bình

       I.            Dẫn Nhập
Thế giới ngày nay đang ở đỉnh cao của thành công với những phát minh khoa học kỹ thuật tiến bộ, những ngành khoa học du lịch vũ trụ, điện tử, truyền thông,.. thế nhưng tình trạng thất nghiệp, sự chênh lệch giàu nghèo, những tệ nạn xã hội,…cứ liên tiếp xảy ra trong đời sống hằng ngày của con người từ đó dẫn đến tình trạng ức chế, lo lắng, dằn vặt trong chính tiềm thức của con người. Nhờ đó mà các ngành tâm lý phát triển để nghiên cứu, khám phá cũng như tìm ra các giải pháp để giúp con người định hướng cuộc sống cũng như tạo nên các mối quan hệ xã hội tốt hơn. Bên cạnh đó các hoạt động tâm lý về nhận thức cảm tính, trạng thái tâm lý tình cảm giữ vai trò quan trọng trong các mối quan hệ xã hội, để biết rõ hơn chúng ta lần lượt tìm hiểu các hoạt động tâm lý cần thiết và quan trọng trong các mối quan hệ xã hội. Để đi sâu vào các hoạt động tâm lý trước hết chúng ta cần sơ lược qua khái niệm tâm lý là gì? Đồng thời cũng tìm hiểu vai trò của ngành tâm lý học đối với các mối quan hệ xã hội.
    II.            Nội Dung
1.      Tâm lý là gì?
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta vẫn nghe nhắc nhiều đến từ tâm lý. Với cách hiểu thông thường và dừng lại ở mức phổ thông. Ta có thể hiểu: tâm lý là một từ chung để nói về những người có sự hiểu về lòng người, về tâm tư tình cảm của người khác. Thế giới tâm lý của con người vô cùng kỳ diệu và phức tạp, nó bao hàm nhiều hiện tượng đa dạng, phong phú từ cảm giác, tư duy cho đến tình cảm, ý chí của con người.
Quá trình nghiên cứu các vấn đề trên đã dần hình thành nên một ngành khoa học mới đó là ngành tâm lý học. Vậy trên cơ sở là một môn khoa học. Ta cần hiểu tâm lý là gì?
Tâm lý là khoa học nghiên cứu về các hiện tượng tâm lý, các quy luật phát triển của các hiện tượng tâm lý trong hoạt động đa dạng diễn ra hằng ngày của mỗi con người, là khoa học vì các kết luận của nó dựa trên những kết quả thu được theo các nguyên tắc của các phương pháp khoa học (Nguyễn Thị Thùy Trâm, Giáo Trình Tâm Lý Đại Cương).
Từ định nghĩa trên ta nhận thấy được tầm quan trọng của tâm lý đối với con người, từ các mối quan hệ sinh hoạt hằng ngày đến các quan hệ xã hội, muốn nhận ra rõ tầm quan trọng ấy chúng ta cần phải hiểu vai trò của tâm lý đối với các quan hệ xã hội, để qua đó đời sống cũng như các mối quan hệ của chúng ta được trở nên tốt hơn.
2.      Vai trò của tâm lý đối với các mối quan hệ xã hội
Muốn tìm hiểu vai trò của tâm lý trong các mối quan hệ xã hội trước hết chúng ta phải hiểu, quan hệ xã hội là gì?
Quan hệ xã hội  là những quan hệ giữa người với người được hình thành trong quá trình hoạt động kinh tế, xã hội, chính trị, pháp luật, tư tưởng, đạo đức, văn hóa,…  Mọi sự vật và hiện tượng trong xã hội đều có những mối liên hệ với nhau.
Có lẽ hầu hết chúng ta ai cũng nhận thấy rằng trong các mối quan hệ xã hội, với một tâm lý nặng nề sẽ khiến chất lượng của công việc, cũng như tạo các mối tương quan với nhau trở nên khó khăn. Thế nhưng điều đáng lo ngại hơn nữa là xã hội ngày một tiến bộ mà trạng thái tâm lý con người ngày một bị khủng hoảng: họ sợ đứng trước đám đông, sợ thất bại, sợ bị từ chối, sợ thay đổi, sợ luân chuyển, sợ không cân bằng được công việc và cuộc sống, sợ đổi ngành,…(Dantri, Truy cập trang wel:thttp://www.khoinghiep.info/danh-cho-sinh-vien/can-chuan-bi-nhung-gi/5076-nhung-noi-so-q-ngang-duong-q-su-nghiep-cua-ban.html).
Không chỉ thế, mà bất cứ công việc gì, ngay cả các mối quan hệ xã hội thì vấn đề tâm lý đóng vai trò vô cùng quan trọng. Một tâm lý thoải mái, không bị áp lực, không sợ hãi sẽ khiến con người trở nên hoạt bát, biết xử lý trong mọi tình huống, từ đó mang lại hiệu quả tốt trong các mối quan hệ xã hội. Trong công việc một tâm lý tốt, vững vàng và thoải mái sẽ giúp cho công việc thành công hơn, tạo được thiện cảm với mọi người, duy trì các mối quan hệ xã hội. Qua đó, vai trò của tâm lý rất quan trọng và cần thiết trong các mối quan hệ xã hội vì nhờ có tâm lý con người tìm hiểu những yếu tố khách quan, chủ quan giúp con người nhận thức và cải tạo chính mình, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế đặc biệt là làm cho mối tương quan giữa người với người trở nên tốt hơn, với một tâm lý thoải mái tạo nên một thể xác khỏe mạnh cũng làm tăng năng xuất lao động. Bên cạnh đó, tâm lý còn giúp cho con người nhận biết đâu là tốt đâu là xấu qua các hoạt động tâm lý như cảm giác, tri giác, trí nhớ, tình cảm, ý chí, các quá trình cảm xúc,… để giúp cho đời sống cũng như các mối quan hệ xã hội trở nên tốt hơn. Do đó, chúng ta cùng tìm hiểu một số hoạt động tâm lý cần thiết trong các mối quan hệ xã hội.
3.      Các hoạt động tâm lý cần thiết
Trước tiên là nhận thức cảm tính, nhận thức cảm tính là mức độ nhận thức đầu tiên bao gồm cảm giác và tri giác.
3.1  Nhận thức cảm giác
Mỗi sự vật hiện tượng chung quanh ta có hàng loạt thuộc tính bề ngoài liên quan chặt chẽ với nhau như: màu sắc (xanh, đỏ, tím, vàng,…), kích thước (cao, thấp, vuông, tròn,…), trọng lượng (nặng, nhẹ,…) khối lượng (to, nhỏ, nhiều, ít,…), tính chất (nóng, lạnh, đắng, cay,…). Những tính chất đó được bộ não của chúng ta phản ánh nhờ vào cảm giác.
Cảm giác là giai đoạn đầu tiên của nhận thức con người, và là điều kiện quan trọng để đảm bảo trạng thái hoạt động của vỏ não, nhờ đó hoạt động tinh thần của con người được hình thành (giúp con người cơ hội làm giàu tâm hồn, thưởng thức thế giới kỳ diệu chung quanh ta).
Cảm giác là một quá trình nhận thức phản ánh một cách riêng lẽ từng thuộc tính bề ngoài trực tiếp tác động vào các giác quan của con người. Ví dụ: cắn quả ớt ta thấy cay. Ta đụng vào một vật nhọn thấy đau. Cằm nước đá thấy lạnh,…
Trong quan hệ xã hội cảm giác của con người được phát triển mạnh mẽ như trong lĩnh vực sản xuất: người chế tạo ra máy lạnh giúp cho mọi người có cảm giác mát mẻ vào những mùa hè nóng bứt. Hay trong chế biến thức ăn người đầu bếp nấu những món ăn ngon như: rau muống xào tởi, cá lóc kho tộ,… giúp cho người ăn cảm nhận được vị ngon của từng món ăn. Hay một ví dụ tiêu cực về đời sống tu trì chẳng hạn như: chị Mai và chị Thảo đang nói chuyện nhỏ to với nhau (không biết là chuyện gì?) nhưng ánh mắt cứ nhìn chị Hà làm cho chị Hà có cảm giác như hai chị đó đang nói xấu mình, đăm ra nghi vấn, hiểu lầm nhau làm cho đời sống trở nên ngột ngạt. v.v…
Trong nhận thức nói chung và trong các quan hệ xã hội nói riêng cảm giác giữ vai trò quan trọng, vì cảm giác đóng vai trò chỉ dẫn, bảo cho biết cái gì có lợi hay bất lợi cho cơ thể. Cảm giác còn là con đường nhận thức môi trường xung quanh, đặc biệt quan trong với những người bị khuyết tật. Những người mù, câm, điếc đã nhận ra người thân và hàng loạt đồ vật nhờ cảm giác. Vì một giác quan bị khiếm khuyết các cảm giác có nguồn gốc từ các giác quan đó sẽ bị giảm hoặc mất đi, khi đó các cơ quan cảm giác khác sẽ bù trừ bằng cách thay thế hoặc tăng độ nhạy cảm.
Nhìn chung, trong các mối quan hệ xã hội cảm giác giúp con người nhận biết, tiếp xúc các giác quan với môi trường chung quanh, từ đó giúp con người gắn kết với nhau, tạo thiện cảm với nhau trong các công tác xã hội cũng như là trong đời sống hằng ngày. Trong các mối quan hệ không chỉ dừng lại ở mức độ nhận thức cảm giác mà thôi, tiến xa hơn đó là quá trình nhận thức tri giác.
3.2  Nhận thức tri giác
Nhờ có cảm giác mà các thuộc tính riêng lẻ của sự vật (ánh sáng, âm thanh, hình dáng,…) được phản ánh trên vỏ não. Nhưng trong thực tế sự phản ánh ấy không chỉ dừng lại ở từng thuộc tính riêng lẻ, mà gần như những thuộc tính riêng lẻ ấy được vỏ não chúng ta phản ánh, đồng thời đưa lại cho chúng ta một hình ảnh mang tính chất trọn vẹn của sự vật, hiện tượng đó là hình ảnh tri giác.
Tri giác là sự phản ánh cách trọn vẹn các thuộc tính bên ngoài của sự vật, hiện tượng đang trực tiếp tác động vào các giác quan. Chẳng hạn về vấn đề học tập, trong một kỳ thi Giáo viên đọc câu hỏi người học sinh tiếp thu một cách trọn vẹn vào trong giác quan nhờ đó người học sinh hiểu bài và làm bài tốt.
Như vậy, tri giác là thành phần chính trong nhận thức cảm tính của con người, là quá trình tích cực, gắn liền với việc giải quyết các nhiệm vụ cụ thể của con người. Ví dụ: trong hoạt động pháp luật. Hai cảnh sát viên Trung và Nhân đang điều tra một phi vụ giết người, với các dấu vết tìm thấy ở hiện trường vụ án, hai cảnh sát viên tình nghi được thủ phạm. Từ nhận thức được những thuộc tính bên ngoài của hiện trường vụ án họ cùng điều tra và tìm ra chứng cứ đưa hung thủ ra trước pháp luật để trị tội. Qua ví dụ trên cho chúng ta một khẳng định rằng, trong cuộc sống những hình ảnh cũng như một số trực giác của tri giác thực hiện chức năng là vật điều chỉnh các hoạt động. Đồng thời cần nhận thức chính xác mới có thể biết và quyết định chính xác. Đồng thời trong quá trình tri giác, hình ảnh tri giác không chỉ phụ thuộc vào chính đối tượng đang được tri giác mà còn phụ thuộc vào một số yếu tố thuộc về chủ thể của tri giác như: xu hướng của chủ thể, động cơ, hứng thú, kinh nghiệm, điều kiện cơ thể, nhân tố xã hội,… Do đó, trong các quan hệ xã hội tri giác giúp con người định hướng điều chỉnh hành vi và hoạt động của mình trong đời sống cũng như là nhận thức tri giác về hình dáng, độ lớn, vị trí, độ xa và phương hướng của các sự vật đang tồn tại trong không gian, thời gian.
Ngoài ra tri giác còn sử dụng dữ liệu trực quan do cảm giác mang lại đồng thời sử dụng cả các kinh nghiệm đã học được trong quá khứ để có những hình ảnh của sự vật một cách trọn vẹn được gợi lên qua sự vật. Ví dụ: Trong vấn đề giao tiếp: một Giám đốc công ty xây dựng đầu tư cho một công trình lớn, hằng ngày Giám đốc phải tiếp xúc và giao lưu với rất nhiều người, trong một lần tình cờ Giám Đốc gặp lại một người nhưng không nhớ ra đó là ai. Nhờ tính trọn vẹn và tính lựa chọn của tri giác giúp Giám đốc nhớ lại khi quan sát đối tượng ở từng khía cạnh của bối cảnh, từ đó Giám Đốc đưa ra một kết quả cuối cùng là nhận ra Anh Nhân là người đã thầu công trình tòa nhà đô thị khoảng 5 năm về trước. Như vậy, tri giác giúp chúng ta nhận biết đối tượng như một toàn thể có tổ chức, chứ không phải là tập hợp các yếu tố rời rạc. Bên cạnh đó tính lựa chọn còn tùy thuộc vào chủ quan tri giác như: kinh nghiệm, hứng thú.
Như vậy, qua quá trình nhận thức tri giác con người nhận biết cách trọn vẹn các thuộc tính bên ngoài để tổ hợp, diễn giải, gán ý cho các thông tin đó. Trong các mối quan hệ xã hội để phát huy hết khả năng nhận thức con người không chỉ chú trọng đến nhận thức cảm tính mà còn thể hiện rõ tình cảm của mình đối với những người chúng ta tiếp xúc.
3.3  Tình cảm
Trong các mối quan hệ xã hội không chỉ dừng lại ở nhận thức cảm tính mà bên cạnh đó con người phải có thái độ thể hiện sự rung cảm đối với sự vật, hiện tượng có liên quan tới nhu cầu và động cơ của họ đó là trạng thái tâm lý tình cảm. Ví dụ: Thấy một người hành khất quần áo tả tơi, ta thấy hình ảnh như vậy cảm thấy xót xa, thương cảm và động lòng trắc ẩn. Ngày nay đất nước chúng ta đang phát triển nhưng người nghèo chung quanh chúng ta rất nhiều, họ không nhà không cơm ăn, áo mặc,.. khi thấy những hình ảnh như thế ta cảm thấy thương họ, thương cho cảnh đời bơ vơ lầm than. Đồng thời chúng ta cũng tạ ơn vì cuộc sống của ta không đến nổi thiếu thốn, cũng như cho họ một chút gì đó để tỏ lòng thương cảm. Hay trong tình yêu đôi lứa, khi mới gặp nhau lần đầu tiên hai người cảm thấy rung động, xao xuyến, có một chút gì đó nhớ nhớ thương thương, rồi từ đó họ trao dối tình cảm và cùng nhau nếm hưởng mùi vị ngọt ngào của tình yêu.
Như thế, trong các mối quan hệ tình cảm là một gốc của nghệ thuật, là chất liệu của sáng tác nên những bài tình ca trong các lĩnh vực khi giao tiếp và để cảm thụ nghệ thuật cuộc sống này. Ví dụ: Trung là một học sinh giỏi cua trường THCS Chu Văn An, Trung là người hiền lành, học giỏi nhưng lại rất nhát. Vì vậy, Trung rất ít tiếp xúc với người khác, và điều đặc biệt hơn nữa là Trung đem lòng yêu một cô bạn nhỏ hơn mình một tuổi (học cùng trường), vì do cô bạn đó rất xinh gái vì sợ mất người mình yêu nên Trung đã trau chuốc thân hình của mình, ăn mặc bảnh trai hơn, và đặc biệt là Trung trở nên cam đảm không còn nhút nhát để chinh phục trái tim của người mình yêu. Qua ví dụ trên cho chúng ta một nhận định rằng chỉ cần biết rung cảm trước một đối tượng nào đó họ sẽ trở nên khác hơn, có khi trở nên mù quáng do không đạt được tình yêu. Ngày nay, trên phát thanh truyền hình, radio, có chuyên mục tư vấn tâm lý về tình yêu, hôn nhân gia đình như vậy đối với xã hội ngày hôm nay các nghiên cứu về tâm lý giúp cho cuộc sống cũng như giải tỏa những vấn đề tình cảm của con người rất nhiều. Bên cạnh đó, trong các mối quan hệ tình cảm còn là điểm mạnh cũng như điểm yếu nhất của con người khi tương quan với nhau. Nó có thể làm tăng khả năng hoạt động nhưng nó có thể làm cho con người trở nên bạc nhược, chán nản. Có thể lấy rất nhiều ví dụ chứng minh vấn đề này như: Tôi và anh đều có năng lực như nhau về sự phát triển trí tuệ nhưng xu hướng của tôi khác xu hướng của anh, từ đó tôi và anh sẽ có cách lựa chọn nghề nghiệp khác nhau. Từ ví dụ này cho thấy, việc chọn nghề hiện nay của thanh niên chúng ta đôi lúc còn mang tính cảm tính, nhiều em không xem xét năng lực, hứng thú của mình mà chỉ chạy theo “mốt”, theo những công việc mà cảm tính mách bảo là sành điệu, sẽ dễ hái ra tiền hoặc đôi khi chỉ dựa hoàn toàn vào sự định hướng thực dụng của bố mẹ mà không quan tâm thực sự con mình hợp với công việc nào, hứng thú của các em ra sao… một ví dụ khác: xem xong một cuốn phim, tôi có thể cảm động đến rơi nước mắt nhưng anh lại cảm thấy hoàn toàn dửng dưng; anh có thể cảm thấy tức đến nghẹt thở trước những hành động vô văn hoá của kẻ khác nhưng với tôi điều đó là quá bình thường…
Tóm lại, trong các mối quan hệ xã hội tình cảm giữ vai trò của khá quan trong đối với sinh lý, tình cảm bảo đảm sự tồn tại bình thường đối với nhận thức, mà tình cảm tích cực làm tăng hiệu quả của nhận thức, là động lực để con người khắc phục những khó khăn, vượt qua mọi trở ngại trong cuộc sống, sự thành công của con người phụ thuộc nhiều vào đời sống tình cảm của họ.
 III.            Kết luận
Tóm lại, qua các nghiên cứu và khảo sát của ngành tâm lý học để tìm hiểu các bản chất tâm lý con người, về nhận thức cảm giác, nhận thức tri giác, trạng thái tâm lý tình cảm, để  con người làm giàu kiến thức về sự hiểu biết nhờ vào các hoạt động tâm lý được hình thành trong các mối quan hệ xã hội để đáp ứng nhu cầu về sự hiểu biết, dự đoán, tăng thêm phương pháp suy nghĩ sự thành công của cá nhân và xã hội chính là nhờ các hoạt động tâm lý.
Trong thực tế của đời sống, các hoạt động tâm lý giúp con người thể hiện rõ khả năng tư duy, tính lựa chọn, tính trọn vẹn, khả năng đánh giá cũng như phân biệt tốt xấu, trường hợp nào đúng trường hợp nào sai,… trong các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên qua các hoạt động tâm lý cũng còn nhiều mặt hạn chế do con người ngày nay vô cảm trước nỗi đau khổ của đồng loại, nhất là điều đó đang len lỏi vào trong giới trẻ (tình cảm), hay chỉ bằng mặt mà không bằng lòng (nhận thức cảm tính). Vì vậy để áp dụng vào trong cuộc sống con người cần nắm rõ các hoạt động tâm lý cũng như là cách vận hành của nó để áp dụng vào trong cuộc sống.

DANH MỤC THAM KHẢO

?V@

1.      NGUYỄN THỊ THÙY TRÂM, Giáo Trình Tâm Lý Đại Cương.
2.      DANTRI, Truy cập trang wel:thttp://www.khoinghiep.info/danh-cho-sinh-vien/can-chuan-bi-nhung-gi/5076-nhung-noi-so-q-ngang-duong-q-su-nghiep-cua-ban.html).
3.      VŨ GIA HIỀN, Tâm Lý Học và Chuẩn Hành Vi, Nxb Lao Động, 4/2/2005.










                                                                                                               

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét