nut

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Vai trò và vị trí của người Giáo Dân trong lịch sử

VAI TRÒ VÀ VỊ TRÍ CỦA NGƯỜI GIÁO DÂN TRONG LỊCH SỬ GIÁO HỘI

&
Mai Thị Huyền Trinh – Liên Dòng MTG Phaolô Nguyễn văn Bình

DẪN NHẬP
Trải qua nhiều thập kỷ, hình ảnh người giáo dân thường bị lãng quên.Vị trí và vai trò của người giáo dân không mấy được quan tâm. Nhưng với lăng kính của công đồng Vanticanô II hình ảnh người giáo dân được chú trọng hơn, không chỉ có thế với sứ điệp của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới[1] hợp tại Đại Hàn đã gọi kỷ nguyên của chúng ta đang sống là “kỷ nguyên của giáo dân” cùng với các sắc lệnh[2], các tông huấn để đề cao vai trò người giáo dân. Vậy người giáo dân là ai? mà được nhắc đến nhiều như thế trong Giáo Hội. Họ là thành phần dân chúa, là những chi thể sống động của thân mình Đức Kitô và tìm được “căn tính” mà Chúa Kitô đã dành cho những ai tin theo Ngài và sát nhập với Ngài qua bí tích Thánh Tẩy. Ðối với Giáo hội Công giáo, Công đồng Vatican II xuất hiện như một mùa xuân, sau những mùa đông giá lạnh và kéo dài nhiều thế kỷ. Sự đóng góp của Công Đồng cho Giáo Hội không phải chỉ nằm ở những bản văn, mà là đã khai mở một hướng đi mới và một cái nhìn khác về mối tương quan giữa Giáo Hội với thế giới. Để tìm hiểu rõ hơn về vị trí và vai trò của người giáo dân trong Giáo Hội dưới ánh sáng của công đồng VanticanôII, cũng như trong thế giới hôm nay nhất là về chính ơn gọi và môi trường hoạt động tông đồ của người giáo dân chúng ta lần lượt tìm hiểu:
1.      Ơn gọi và vai trò của Giáo Dân dưới ánh sáng Công Đồng Vanticano II
Nhìn lại lịch sử Giáo Hội, nhất là công đồng Vanticanô I, hình ảnh người giáo dân bị lu mờ đi với cấu trúc là mô hình kim tự tháp. Về nội dung, ta thấy quá nhấn mạnh đến yếu tố pháp lí, đầy giáo sĩ tính, nhưng lại gạt bỏ vai trò của người giáo dân. Nhưng dưới lăng kính Công Đồng Vanticanô II với hiến chế tín lý về Giáo Hội và sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân đã mạnh mẽ nêu lên vấn đề giáo dân, cũng như đề cập đến ơn gọi, địa vị và trách nhiệm của người giáo dân. Như vậy, Công đồng đã tái khẳng định ý nghĩa sự hiệp thông trong niềm tin, không những bằng cách nhắc lại rằng Giáo Hội là Dân Thiên Chúa được kết hợp trong một Giao ước mới và được ký kết bằng chính máu của Ðức Kitô. Ðiều độc đáo hơn nữa, mọi thành viên của cộng đồng Dân Chúa, được thiết lập nhờ cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Ðức Kitô, tất cả đều tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của chính Ðức Kitô[3]. Bởi vì “chỉ có một Chúa, một niềm tin, một Phép Rửa” (Ep 4,5).
Thế nên trong Giáo Hội có nhiều tác vụ khác nhau nhưng đều cùng chung một sứ mệnh. Chúa Kitô đã trao phó cho các Tông Ðồ và những người kế vị các Ngài nhiệm vụ nhân danh và lấy quyền Người mà giảng dạy, thánh hóa và cai quản. Còn phần giáo dân, vì họ tham dự thực sự vào nhiệm vụ Tư Tế, Tiên Tri và Vương Đế của Chúa Kitô, nên họ chu toàn phần việc của mình trong sứ mệnh của toàn dân. Thiên Chúa trong Giáo Hội và ở giữa trần gian. Cụ thể là người giáo dân, thi hành sứ mạng tông đồ của mình bằng những hoạt động nhằm loan báo Tin Mừng, thánh hóa nhân loại đặc biệt bằng chính đời sống Kitô hữu của mình, nhằm làm cho “Tin Mừng lan rộng khắp nơi”. Không chỉ thế, công đồng Vanticanô II khẳng định sự bình đẳng về phẩm giá giữa mọi thành phần dân Chúa “chúng ta tuy nhiều người, nhưng chỉ là một trong Đức Kitô, ai tùy phận nấy mà làm chi thể lẫn cho nhau” (Rm 12, 4-5). Đây cũng là động lực giúp người giáo dân chu toàn sứ vụ của mình. Các chi thể cũng cùng chung một phẩm giá nhờ được tái sinh trong Đức Kitô, cùng được ơn huệ của kẻ làm con Chúa, cùng được chung một ơn kêu gọi trở nên trọn lành, cùng một ơn cứu độ, cùng một niềm hi vọng, cùng một tình thương không có phân chia … xét về phẩm giá và hoạt động mà mọi tín hữu đều phải thực hiện để xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô, thì tất cả mọi Kitô hữu đều ngang hàng nhau[4].
Công đồng đặc biệt đề cao “tính trần thế” và sứ vụ dấn thân vào lãnh vực kinh tế, xã hội, chính trị của người giáo dân. Họ là những người tín hữu đang dấn thân vào những sinh hoạt trần thế với mọi người, như mọi người, trong tương giao nghề nghiệp, văn hóa, xã hội và tình bằng hữu. Mảnh đất nhân bản và sinh hoạt trần thế phải là môi trường riêng biệt, nơi người giáo dân thực hiện sứ mệnh làm người và lý tưởng Kitô hữu của mình. Ðây chính là môi trường Thiên Chúa gọi họ sống lý tưởng Tin Mừng và bằng chính cuộc sống chứng tá của mình để biến đổi cuộc đời từ bên trong, theo lý tưởng men trong bột. Họ phải sống giữa trần gian và dấn thân vào tất cả mọi sinh hoạt trần thế với ý hướng biến đổi và thánh hoá môi trường sống đó từ bên trong. Nói cách khác, “Giáo dân được đặc biệt mời gọi giúp Giáo hội hiện diện và hoạt động trong tất cả những nơi và tất cả hoàn cảnh mà Giáo hội chỉ có thể trở thành muối trần gian nhờ sự trung gian của giáo dân”[5].
Bên cạnh đó, người giáo dân cần phải đốt nóng ngọn lửa tình yêu bằng việc sống, kết hợp với Chúa Kitô qua Thánh Lễ, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể vì “Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu”[6], xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn quan trọng hơn hết là năng đọc Lời Chúa, sống Lời của Ngài và đó là tâm điểm của công cuộc truyền giáo. Ngoài ra người Giáo Dân cũng cần phải lắng nghe các vị Chủ Chăn trong Giáo Hội để các Ngài hướng dẫn, khích lệ động viên giúp cho công cuộc loan báo Tin Mừng được sinh hoa kết quả và nhất là thực hiện sứ mạng mà Đức Kitô đã trao “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Theo Công Đồng Vanticanô II người Giáo Dân cần phải đem hết tâm lực để phục vụ cho Giáo Hội, cho Nước Chúa. Tâm lực của người giáo dân mang nhiều sắc thái đặc biệt, tùy hoàn cảnh của mỗi đời sống: đời sống vợ chồng và đời sống gia đình, đời sống độc thân và đời sống góa bụa, theo tình trạng đau yếu, tùy sinh hoạt nghề nghiệp và sinh hoạt xã hội[7]. Như vậy mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng có chung một hướng tới là chu toàn ơn gọi của mình trong môi trường sống.
Tóm lại dưới lăng kính của Công Đồng Vanticanô II hình ảnh người giáo dân được biết đến nhiều hơn trong vai trò và chiếm một vị trí quan trọng trong việc tái Phúc Âm hóa.
2.      Môi trường hoạt động tông đồ của Giáo Dân

v  Môi trường Gia đình
Ngay từ khi tạo dựng Thiên Chúa đã thiết lập Bí Tích Hôn Phối để những ai sống đời hôn nhân được múc lấy từ nơi Ngài nguồn mạch ân sủng để có thể sống kế hoạch này một cách tốt lành và thánh thiện hơn. Vì là hình ảnh và được thông dự vào giao ước tình yêu của Đức Kitô và của Giáo Hội. Trong chiều hướng ấy chúng ta nhận ra được căn tính của Hôn Nhân Kitô giáo như một sự nối tiếp tình yêu của Đức Kitô trong lịch sử và căn tính của gia đình như là nơi sống hiệp thông phát sinh từ tình yêu, thì cần phải nói đến sứ mạng của vợ chồng.
Hôn nhân dẫn đưa hai người đến sự kết hợp các yếu tố tâm nhân linh để qua đó, hai người yêu nhau trao hiến cho nhau và từ đó tình yêu được lớn lên và trọn vẹn vì Đức Kitô là tâm điểm của tình yêu[8]. Không chỉ thế, hôn nhân còn là sự hiệp thông thường hằng trong cuộc sống và trong công việc đón nhận con cái khởi đầu cho cộng đồng gia đình. Chỉ nơi đó, tình yêu mới thật sự đôm bông và sự sống phát sinh từ tình yêu đôi bạn không ngừng tăng trưởng nhờ tình yêu của mọi người trong gia đình.
Gia đình không những là dấu hiệu sống động của tình yêu Đức Kitô mà còn là dấu chỉ và hình ảnh của sự hiệp thông tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần. Nếu đó là căn tính của gia đình thì sứ mạng của gia đình là gìn giữ, Mặc khải và thông truyền tình yêu ấy qua việc đào tạo một cộng đồng các ngôi vị. Do đó, gia đình được xây dựng và sống động nhờ tình yêu là một cộng đồng các ngôi vị của người chồng người vợ, của cha mẹ và con cái nên bổn phận đầu tiên là phải sống cách trung thành chính thực tại của sự hiệp thông và mỗi người thể hiện khả năng của mình để làm phát triển một cộng đồng đích thực của ngôi vị. Không chỉ dừng lại ở đó gia đình còn bổn phận là thông truyền sự sống, thực hiện trong suốt dòng lịch sử công trình sáng tạo của Thiên Chúa bằng việc truyền sinh. Gia đình là hình ảnh thiên chúa được tiếp tục qua các thế hệ và gìn giữ hình ảnh ấy bằng việc giáo dục nhân bản, giáo dục cho con cái đức tin mà Cha mẹ đã lãnh nhận và gia nhập vào Giáo hội như công đồng Vanticanô II đã dạy: “nền giáo dục Kitô giáo không chỉ nhằm giúp con người trưởng thành… nhưng cốt yếu là nhằm giúp những người đã rửa tội ngày càng ý thức hơn về hồng ân đức tin đã nhận lãnh trong khi họ được hướng dẫn để dần dần hiểu biết mầu nhiệm cứu rỗi”[9]. Thật vậy Cha Mẹ trước tiên rao giảng đức tin cho con cái và giáo dục đức tin của chúng bằng lời nói và gương sáng. “Họ huấn luyện cho chúng biết sống đời sống tông đồ của người tín hữu và đời sống tông đồ. Họ khôn khéo giúp cho chúng biết lựa chọn hướng đi của cuộc đời chúng và nếu biết chúng có ơn thiên triệu họ sẽ tận tình nâng đỡ chúng”[10], nhờ đó các thành viên trong gia đình được tham dự vào cuộc sống, cũng như giúp góp phần phát triển xã hội, giáo hội qua các việc tông đồ của gia đình như nhận làm con những đứa trẻ bị bỏ rơi, ân cần tiếp đón những khách lạ, cộng tác với nhà trường khuyên bảo và giúp đỡ thanh thiếu niên, giúp những người đã đính hôn chuẩn bị cho việc hôn nhân của họ được tốt đẹp, giúp dạy giáo lý, nâng đỡ những đôi vợ chồng cũng như những gia đình khi gặp khó khăn về vật chất cũng như tinh thần, lo cho người già cả, neo đơn cũng như cung cấp cho họ một số đồ dùng cần thiết[11].
Vì vậy, gia đình làm nên cái nôi và phương tiện hữu hiệu nhất để nhân bản hóa và ngôi vị hóa xã hội[12]. Chính nơi mảnh đất gia đình người giáo dân cần phải vun trồng, trao ban, chia sẽ tình yêu của Đức Kitô cho nhau, cũng như làm cho tình yêu ấy lan rộng khắp nơi, nhất là qua đời sống của gia đình sẽ gieo vãi hạt giống Lời Chúa cho hết thảy mọi người.
v  Môi trường xã hội
Môi trường hoạt động tông đồ của người giáo dân trong xã hội là làm sao đem tinh thần chúa Kitô thấm nhuần tâm trạng và phong tục, luật pháp và cơ cấu của cộng đoàn, nơi mỗi người sống (Piô XI). Đó là mỗi người giáo dân hãy làm chứng cho Thiên Chúa, cho Giáo Hội ngay trong môi trường sống và hoạt động nghề nghiệp của mình. Chẳng hạn như: những bác sĩ, y tá, hộ sinh,… là những người Công Giáo họ cần sống đức tin, thể hiện cách sống qua công việc phục vụ bệnh nhân cách ân cần, bảo vệ sự sống các trẻ thơ, phục vụ với hết khả năng của mình như Đức Kitô đã cứu chữa những người đau ốm, què quặt, đui mù,…(x. Mt 15,30) vì “Con Người đến không phải để được phục vụ mà Ngài đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Không chỉ dừng lại ở đó, người giáo dân dù trong hoàn cảnh nào cũng thể hiện đúng vai trò và vị trí của mình trong xã hội như: Giáo Viên là những người thầy, người cô giúp các em hiểu biết về kiến thức và giáo dục các em phát triển về nhân bản, trở thành một con người có ích cho xã hội. Ngày nay, khoa học kỷ thuật tiến bộ các phương tiện truyền thông giúp chúng ta hiểu và biết rất nhiều về các lĩnh vực: văn hóa, y tế, chính trị,… là người công giáo, là người công dân tốt chúng ta hãy rao truyền Đức Kitô để mọi người nhận biết qua các tin tức lành mạnh, thông tin bổ ích,… ngoài ra, người giáo dân cần phải có nhiệm vụ cộng tác vào sự phát triển của nhân loại với tất cả các giá trị của nó. Hiện diện trong các lĩnh vực khoa học, sáng tạo nghệ thuật, suy tư triết học, nghiên cứu lịch sử,… người giáo dân đóng góp các kiến thức cần thiết cho các lĩnh vực để làm phát triển xã hội. Các hoạt động nghệ thuật như phim ảnh, kịch nghệ, các chương trình bổ ích,… người giáo dân cần ý thức trách nhiệm sâu sắc về việc dấn thân trong các lĩnh vực ấy.
Ngoài ra, người giáo dân còn phải ý thức cho việc đấu tranh dành lại công bình bác ái, đem lại sự thịnh vượng và hòa bình thực sự cho thế giới[13]. Người giáo dân được mời gọi dấn thân vào sinh hoạt chính trị tùy theo khả năng của họ cũng như những hoàn cảnh thời gian và không gian, với mục đích đề cao lợi ích chung trong tất cả mọi nhu cầu và nhất là trong việc thực thi công lý để phục vụ công nhân xét như những con người[14], để tái lập nền hòa bình trên thế giời, xây dựng nền giáo dục văn minh sự sống, văn minh tình thương, thực hiện đúng sứ mạng của người giáo dân nơi môi trường xã hội, dưới tác động của đức ái, đức tin, đức cậy, chứng từ của người giáo dân lan tràn nơi môi trường sống và làm việc của mình.
3.      Vai trò và vị trí của người Giáo Dân trong Giáo Hội Việt Nam
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Huấn từ về tông đồ giáo dân dịp Năm thánh 2000, đã phát biểu tại Quảng trường Thánh Phêrô: “Giờ giáo dân đã điểm. Làm một Kitô hữu, chưa bao giờ là một việc dễ dàng, ngày xưa cũng vậy mà ngày nay cũng thế. Muốn theo Chúa Kitô cần phải can đảm chọn lựa dứt khoát, thường thường là phải lội ngược dòng…”[15] Thích ứng nhiều hơn với tinh thần Công đồng Vaticanô II, người giáo dân Việt Nam hôm nay nói chung rất tích cực trong việc tham gia vào các hội đồng, hội đoàn của giáo phận, giáo xứ, thực hiện các hoạt động tông đồ với nhiều sáng kiến trong ý thức vâng phục “các chủ chăn có nhiệm vụ thánh đại diện Chúa Kitô”[16]. Về phương diện hình thức, Giáo hội Công giáo Việt Nam hiện cũng đang có dáng vẻ chuyển mình khá rõ rệt. Sự trợ giúp quảng đại của kiều bào, các giáo hội chị em từ nước ngoài và các tổ chức quốc tế cùng với những đóng góp chắt chiu của dân chúng trong nước, nhiều công trình xây dựng của Giáo hội đã và đang được trùng tu, tôn tạo, hoặc xây dựng mới: nhà xứ, nhà sinh hoạt, trung tâm mục vụ, chủng viện, tòa giám mục….[17] Từ một số thực tế nhận định khái quát về việc thực thi vai trò của giáo dân trong Giáo hội và cách riêng trong xã hội Việt Nam.
Chúng ta nhìn lại một chút về lịch sử Giáo hội Công Giáo Việt Nam với những người giáo dân bị tù đày, bị kỳ thị, … vì hoạt động tôn giáo của mình. Sự gắn bó của những người giáo dân này với niềm tin nơi Đức Kitô và Giáo hội của Người quả rất đáng trân trọng. Họ cũng có thể được sánh ví với những người giáo dân thuở xưa, những người được Giáo hội chính thức nhìn nhận công đức qua việc phong thánh năm 1988 với 117 Thánh Tử đạo. Trong những hoàn cảnh khó khăn khó có thể đòi hỏi gì hơn anh chị em giáo dân ngoài sự gắn bó với Đức Kitô với lòng tin Kitô giáo, với Giáo hội và với cộng đoàn, dù những hình thức giữ đạo và hành đạo có thể họ có lúc bị đánh giá nặng nề về đạo đức tình cảm. Tuy nhiên, vai trò và vị trí của người giáo dân vẫn chưa được chú trọng.
Trong thực tế, Giáo hội Việt Nam ngày hôm nay như thế nào? Khi mà xã hội với những thành tựu khoa học kĩ thuật tiến bộ, đời sống kinh tế cũng khám phát triển, dù ở nhiều nơi vẫn còn nghèo đói. Vậy vai trò và vị trí của người giáo dân trong Giáo Hội ra sao? Trước hết chúng ta phải nhìn nhận rằng, ở tại một số nơi nhiều phần việc thuộc phạm vi quản lý giáo xứ đã được giao phó cách tín nhiệm cho hội đồng giáo xứ gồm chủ yếu là những người giáo dân. Việc đào tạo các linh hoạt viên cho mục vụ giới trẻ, giáo lý viên để hợp tác với linh mục và tu sĩ lo việc dạy giáo lý cho trẻ em… đã phát triển thành phong trào. Cũng vậy ở một số nơi khác người giáo dân còn được đào tạo và giảng dạy trong việc dạy giáo lý[18], dạy các khoa học thánh[19], và trong việc sử dụng các phương tiện truyền thong xã hội[20], hay các lớp linh hoạt viên tổ chức tại các Giáo Xứ, Giáo Phận,… Ngoài ra, người giáo dân còn được tham gia trong các việc mục vụ như: Caritas ve chai, giúp đỡ những người nghèo, các hoạt động từ thiện, chăm sóc bệnh nhân HIV, AIDS,… Bên cạnh đó, người giáo dân còn được tham gia vào các buổi hợp như giáo phận TP. HCM tổ chức các buổi công nghị Giáo Phận để chỉ ra các đường hướng mới giúp phát triển Giáo Phận, người giáo dân cũng được tham dự vào các Lễ nghi như thừa tác viên sách thánh, giúp lễ,… trong các nghi thức Phụng Vụ.
Nhìn chung lại, hình ảnh, vai trò và vị trí của người giáo dân trong giáo hội Việt Nam cũng giữ một vị trí không kém quan trọng. Tuy nhiên, Giáo Hội Việt Nam một cách nào đó cũng chưa quan tâm đầy đủ đến vai trò người giáo dân trong Giáo Hội. Nhiều giáo dân vẫn chưa tự cho mình là cánh tay, một dụng cụ hỗ trợ hàng Giáo Sĩ hơn là những người chia sẽ trách nhiệm trong cùng một sứ mệnh Chúa trao. Quả thật, đây vẫn còn là một thách đố cho Giáo Hội Việt Nam khi trở nên “cộng đoàn của các cộng đoàn”, hay “nguyên lý hiệp thông” của cộng đoàn. Vì thế Giáo hội Việt Nam cần phải nổ lực hơn nữa để giúp người giáo dân ý thức trách nhiệm và nhận ra vai trò, vị trí của mình trong Giáo hội.
KẾT LUẬN
Tóm lại, Công đồng Vanticanô II đã mở ra một bước đột phá mới, là trả lại cho người giáo dân “căn tính” của họ. Qua đó người giáo dân được phục vụ trong môi trường hoạt động của mình như: gia đình, xã hội,… để họ được tôn trọng, bình đẳng và thực thi sứ mệnh, tìm kiếm nước Thiên Chúa và làm cho Nước ấy được lan rộng khắp nơi, nhất là thực hiện lời di chúc của Chúa Giêsu “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).
Bên cạnh đó, Giáo Hội Việt Nam cũng đang từng bước giúp người giáo dân nhận ra và hiểu được vai trò, vị trí của mình trong Giáo hội Hoàn Vũ cũng như Giáo Hội Địa Phương qua các sinh hoạt trần thế, trong tương giao với mọi người để họ trở nên “ánh sáng trần gian” nơi môi trường sống của mình qua các việc phục vụ, bác ái, chia sẽ,...

DANH MỤC THAM KHẢO

a&b

1.     GIOAN PHAOLÔ II, Tông Huấn Familiaris Consortio,
     22 -11 -1981.
2.     VANTICANO II - Apostolicam Actuositatem số 4, số 11.
3.     CF. Y. CONGAR, L’Eglise comme Peuple de Dieu, in Concilium 1965/1;  Lm Thiện Cẩm, Giáo hội, Cộng Đồng Dân Chúa, Tp. HCM, 1994.
4.     Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1324.
5.     GIUSE NGUYỄN MINH SƠN. OP, Giáo trình Vị Trí và Sứ Mạng của Người Giáo Dân dưới lăng kính của Công đồng Vanticanô II
6.     GIOAN PHAOLÔ II, Vai trò người Giáo Dân trong mầu nhiệm Giáo Hội, 2001, Nxb Pauline Books and Media, Boston, 1998, do Ngọc Đính dịch, 2001, tr. 84 – 85.
7.     GIOAN PHAOLÔ II, Huấn từ về tông đồ giáo dân, 26-11-2000.
8.     HOANG H. Ta - A Training Program to Promote Collaborative Leadership in a Parish Pastoral Council of Vietnamese People (Washington, DC: The CatholicUniversityof America, 2005), 95.
9.     PHAO LÔ NGUYỄN THÁI HỢP.OP, Vai trò người Giáo Dân dưới ánh sáng Công Đồng Vanticano II, Truy cập trên trang wel- www.hdgmvietnam.org/vai-tro-cua-nguoi-giao-dan-trong-giao-hoi-v...Bản lưu

[1] Ơn gọi và sứ vụ của người Giáo Dân trong Giáo Hội và trong thế giới 20 năm sau công đồng- năm 1987
[2] Vanticano II - Apostolicam Actuositatem
[3] Cf. Y. Congar, L’Eglise comme Peuple de Dieu, in Concilium 1965/1 ; Lm Thiện Cẩm, Giáo hội, cộng đồng Dân Chúa, Tp. HCM, 1994.

[4] LG số 33
[5] FC số 33.
[6] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1324.
[7] Vanticano II - Apostolicam Actuositatem số 4
[8] x. GS số 49                                                                                                                                                   
[9] Gravissimum educationis, 2
[10] Vanticanô II – Apostolicam Actuositatem số 11
[11] Apostolicam Actuositatem, số 11
[12] Giáo trình Vị Trí và Sứ Mạng của Người Giáo Dân dưới lăng kính của Công đồng Vanticanô II
[13] X. GS  số 72.
[14] GS số 75, Gioan Phaolô II, Vai trò người Giáo Dân trong mầu nhiệm Giáo Hội, 2001, Nxb Pauline Books and Media, Boston, 1998, do Ngọc Đính dịch, 2001, tr. 84 – 85.
[15] Gioan Phaolô II, Huấn từ về tông đồ giáo dân, 26-11-2000.
[16] X. Hoang H. Ta - A Training Program to Promote Collaborative Leadership in a Parish Pastoral Council of Vietnamese People ( Washington, DC: The CatholicUniversityof America, 2005), 95.
[17] Truy cập trên trang wel - www.hdgmvietnam.org/vai-tro-cua-nguoi-giao-dan-trong-giao-hoi-v...Bản lưu
[18] GL 774.
[19] GL 229.
[20] GL 823.

Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

Phỏng vấn linh mục giáo sư George Coyne, Dòng Tên – một nhà thiên văn học



Bài phỏng vấn linh mục giáo sư George Coyne, Dòng Tên – một nhà thiên văn học
Linh mục giáo sư George Coyne, thuộc tỉnh Dòng Tên Maryland, Hoa Kỳ, là cựu Giám đốc Đài thiên văn Vatican từ 1978 đến 2006. Sau đó ngài đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Quỹ Thiên văn Vatican đến cuối năm 2011, hiện Cha đang là Trưởng khoa Triết học tôn giáo tại Đại học Dòng Tên Le Moyne ở Syracuse, New York, Hoa Kỳ. Cha cũng giảng dạy nhiều lớp về thiên văn và chủ trì các buổi tọa đàm về đối thoại khoa học – đức tin.

Với tư cách là một linh mục và là một nhà thiên văn, cha Coyne là người đã bắc nhịp cầu giữa thế giới của đức tin với khoa học. Mới đây Tạp chí Công Giáo Hoa Kỳ đã có cuộc phỏng vấn Cha về đề tài xoay quanh đức tin Công Giáo, khoa học và kinh nghiệm nhân sinh.

Xin giới thiệu bản lược dịch cuộc phỏng vấn cùng độc giả


Xin cha giới thiệu một vài đặc thù của vũ trụ mà nhờ đó có thể làm phong phú sự hiểu biết đức tin Công Giáo.

Nếu tìm hiểu vũ trụ trong bình diện khoa học thì đấy là một thách đố khá ngạc nhiên cho cả khoa học lẫn niềm tin tôn giáo. Các chứng cứ khoa học về vũ trụ đã được xác định khá tốt. Trước hết vũ trụ đã định hình 13,7 tỷ năm. Một tỷ là một số có 9 con số 0 đi sau nó vì thế điều đó quả là thật nhiều năm. Thứ đến, vũ trụ bao gồm 10,000 tỷ ngôi sao. Đó là một con số với 22 con số 0 đằng sau.

Chúng ta biết được tuổi của vũ trụ nhờ vào sự giãn nở của nó: tất cả các dải ngân hà đang di chuyển ra xa chúng ta. Có một mối tương quan chặt chẽ giữa khoảng cách giữa dải ngân hà với chúng ta và tốc độ di chuyển của chúng. Nghĩa là, một vật thể càng xa thì nó càng chuyển động nhanh hơn.

Khi chúng ta tính toán độ tuổi của vũ trụ bằng chính sự giãn nở của nó, chúng ta khám phá ra rằng vũ trụ đã bắt đầu giãn nở cách đây 13,7 tỷ năm cộng hoặc trừ đi 200 triệu năm. Thật là một phép đo lường diệu kỳ.

Làm thế nào chúng ta có thể đếm được tất cả các vì sao?

Khi kính thiên văn Hubble chụp một bức hình của phần xa nhất của vũ trụ, chúng ta có thể thấy nó tạo ra một hình ảnh được gọi là Vùng sâu Hubble. Hình ảnh này có hàng triệu chấm ánh sáng và mỗi một chấm nhỏ ánh sáng đó là một thiên hà. Kính Hubble nhắm vào một phần rất nhỏ của bầu trời, nó chỉ bằng một phần hai mươi của bề dầy một đốt ngón tay trỏ nếu so sánh với cả một cánh tay dài. Nếu đo cả bầu trời thì thế nào? Hãy nhân toàn bộ 100 tỉ thiên hà, mà mỗi một dãy thiên hà trung bình có khoảng 200 tỉ vì sao.

Một ngôi sao, có thể nói, tồn tại nhờ nhiệt hạt nhân ở trung tâm của nó, được hình thành bởi dòng nhiệt năng lên đến hằng tỷ nhiệt độ. Nếu ngôi sao ấy có đầy khối nhiệt trung tâm, nó sẽ tan ra và tạo nhiệt năng lớn hơn biến heli thành carbon, carbon thành nitrogen, v. v…

Khi một thế hệ các ngôi sao chết đi, một thế hệ mới được hình thành từ lượng khí tồn tại, vốn không chỉ có hydro mà còn được làm phong phú thêm với heli, carbon, silicon, nitro và ngay cả sắt. Mặt trời của chúng ta là thế hệ sao thứ ba. Nếu không có nó, chúng ta cũng đã không có ở đây.

Chúng ta cần có 3 thế hệ ngôi sao để có được một ngôi sao có thể cung cấp các yếu tố của sự sống. Điều tôi muốn nói là nhờ sự sản sinh của vũ trụ, nhờ những chuyển biến hóa học trong vũ trụ, chúng ta tạo nên những hóa chất cho đến khi chúng ta có đủ cho cuộc sống.

Hơn 14 tỷ năm với tất cả các ngôi sao này đang sản sinh ra tất cả các hóa chất này, tưởng tượng chuyện gì đang xảy ra.

Vũ trụ có một cấu trúc riêng. Đó chính là quy luật của tự nhiên. Khi 2 nguyên tử hydro gặp nhau, chúng phải tạo nên một phân tử hydro. Nhưng đôi khi chúng không xảy ra như thế bởi vì điều kiện nhiệt độ và áp xuất không phù chuẩn.

Vì thế chúng trôi dạt khắp vũ trụ và gặp nhau hàng nghìn tỷ lần. Có hàng nghìn tỷ nguyên tử hydro thực hiện quá trình này. Chúng ta không nên ngạc nhiên khi ngẫu nhiên 2 nguyên tử gặp nhau vào một thời điểm khi điều kiện nhiệt độ và áp suất thỏa mãn và chúng tạo nên một phân tử hydro.

Đó là “sự ngẫu nhiên” tuy nhiên nó còn hơn cả sự ngẫu nhiên nữa. Hai nguyên tử hydro phải tạo nên một phân tử hydro nếu chúng gặp nhau trong những điều kiện thích hợp. Chúng ta có thể đặt ra một xác suất cho điều đó. Xung quanh một vài ngôi sao điều này có khả năng xảy ra hơn vì điều kiện nhiệt độ khác nhau. Điều này cũng có thể xảy ra trong một số thiên hà. Đó chính là sự kết hợp giữa ngẫu nhiên và tất yếu, nhưng trong một vũ trụ sinh sản có rất nhiều khả thể cho điều này xảy ra.

Với tất cả quá trình hóa học sẵn có này hơn 14 tỷ năm, sự ngẫu nhiên và tất yếu phối hợp với để xây dựng nên những phân tử phức tạp hơn. Bạn có được chất dinh dưỡng, axit amino và đường, DNA, gan, tim và thậm chí bộ não người thông qua sự tiến hóa sinh học.

Vậy Thiên Chúa liên hệ với tiến trình ấy cách phù hợp như thế nào?

Chúng ta biết tiến trình khoa học vốn mang lại cho chúng ta sự hiện hữu. Nhưng một người có niềm tin sau đó sẽ đặt vấn đề rằng “Có phải Thiên Chúa làm điều đó không? Vì dường như có một cuộc tiến hóa được cấu trúc để tạo nên một con người?”

Thiên Chúa đã làm điều đó chăng? Nói theo tư cách là một nhà khoa học, câu trả lời của tôi là: tôi không biết. Chẳng có cách nào có thể giúp tôi biết được liệu có phải Thiên Chúa can dự vào tiến trình khoa học đó hay không. Tôi có thể cảm thấy kinh ngạc rằng tiến trình này luôn trở nên phức hợp hơn, làm cho các sinh vật có thể thích hợp với nhau hơn, kể cả con người. Nhưng đối với tôi là một nhà khoa học con người là một sinh vật sinh học phức tạp. Ở vị trí này, tôi không thể nói về đặc tính thiêng liêng của con người.

Tôi có thể có bằng chứng về điều này. Nhưng tôi không thể nói về nó trong tư cách là một nhà khoa học và tôi không thể nói về Thiên Chúa như là một nhà khoa học. Nếu tôi cố gắng làm điều đó thì tôi không phải nghiên cứu khoa học. Tôi nghĩ rằng điều rất quan trọng trong xã hội hiện đại, dĩ nhiên trong nước Mỹ hiện đại, không được nhầm lẫn giữa những gì chúng ta biết từ khoa học với những gì chúng ta biết từ triết học, thần học, văn chương và âm nhạc.

Văn hóa con người là một địa hạt rất rộng lớn và khoa học là một phần quan trọng của nó. Nhưng nó không phải là tất cả.

Tôi tin rằng Thiên Chúa đã tạo nên vũ trụ và vì tôi tin như vậy nên tôi nghĩ rằng cũng hợp lý thôi khi bản thân tôi, một khoa học gia nói rằng “tôi biết vũ trụ giống như thế nào và Thiên Chúa nào đã làm nên một vũ trụ giống như thế này?”

Cha trả lời cho câu hỏi đó như thế nào?

Đó là một Thiên Chúa tuyệt vời trong tâm trí của tôi. Trong việc tạo thành vũ trụ, Thiên Chúa đã không làm nên một cái máy giặt hay một chiếc xe hơi, nhưng ngài đã làm nên một cái gì đó đầy năng động.

Công cuộc tạo dựng có một đặc tính tiến hóa. Đó là cả một quá trình. Thiên Chúa đã không tạo nên những thứ được thiết lập trước. Chúng ta hoàn toàn không biết nó sẽ đi về đâu kể cả một cách khoa học. Chúng ta không thể dự đoán trước bất cứ điều gì.

Thiên Chúa có toàn năng không? Thiên Chúa có thông suốt mọi sự như những gì tôi đã được dạy về Ngài không? Thiên Chúa có khả năng biết được thuở ban đầu của vụ trụ mà tôi sẽ được sinh ra trong đó không?

Bất cứ khi nào chúng ta nói về Thiên Chúa, thì chúng ta chỉ có thể nói bập bẹ về Ngài mà thôi. Chúng ta đang làm điều tốt nhất từ những gì chúng ta biết. Thiên Chúa không chỉ là một đối tượng để chúng ta luận bàn, suy tư và cầu nguyện. Ngài là nguồn của mọi sự, của mọi sự hiểu biết. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa phải tôn trọng hiểu biết của chúng ta về vũ trụ và về chính chúng ta trong vũ trụ đó. Đó là một thách đố nhưng là một thách đố hạnh phúc.

Tôi tin rằng Thiên Chúa là Đấng toàn tri và toàn năng. Nhưng sau đó tôi phải suy nghĩ về những gì tôi đang nói và đặt câu hỏi “Tôi có ý gì khi nói thế?” Tôi tin chắc rằng Thiên Chúa là toàn năng nhưng Thiên Chúa có thể làm bất cứ mọi điều Ngài muốn không? Xem ra vũ trụ không cho phép tôi nhìn thấy rõ điều đó, nhưng thực ra là Thiên Chúa muốn vũ trụ được hoạt động như thế.

Tại sao một số tín hữu muốn lờ đi hoặc phủ nhận kiến thức khoa học?

Không phải nhiều người phớt lờ quan điểm khoa học hay cật vấn niềm tin tôn giáo là gì. Họ không muốn đối diện với thách đố của việc đặt hai bình diện này với nhau. Vâng, một thách đố chứ không phải là xung đột. Nhưng tôi chưa thấy có bất cứ xung đột nào giữa niềm tin tôn giáo đích thực và khoa học đích thực.

Như vậy tại sao đức tin và khoa học có vẻ như là 2 thái cực đối nghịch?

Vì báo chí đấy thôi! Tôi chỉ nói đùa, tuy nhiên một vài nhà báo dường như muốn khuấy động xung đột này.

Có một vấn đề là các nhà khoa học vẫn tuyên bố họ đang làm khoa học ngay cả khi họ khẳng định hay phủ nhận sự hiện diện của Thiên Chúa. Như thế là họ đang bước ra ngoài lĩnh vực khoa học.

Tôi có thể gặp khó khăn khi tôi nói như vậy, nhưng chủ nghĩa vô thần vẫn thực hành đức tin. Một người vô thần không thể chứng minh cho tôi thấy rằng thật ra không có Thiên Chúa. Bằng chứng mà chúng ta có được xuyên suốt dòng lịch sử của loài người cho thấy con người bén rẽ sâu vào niềm tin nơi Thiên Chúa.

Một vài nhà khoa học sẽ nói rằng tất cả chúng ta đang bị lừa, nhưng điều đó chẳng hợp lý chút nào. Khoa học là một tiến trình lý trí. Nó sử dụng trí khôn của chúng ta để cố gắng hiểu về vũ trụ, cách nào đó như là triết học và thần học. Đó là một nỗ lực để hiểu biết.

Đức tin vượt xa lý trí nhưng nó không mâu thuẫn với lý trí. Tôi hoàn toàn bị thu phục bởi điều đó không chỉ bằng trải nghiệm riêng của tôi nhưng bởi thực tại của niềm tin tôn giáo và những gì mà lí trí con người có thể đạt tới.

Hầu hết những nhà khoa học mà tôi biết đều là những người vô thần nhưng lại rất mực tôn trọng đức tin của con người. Nhà sinh vật học chuyên về thuyết tiến hóa Richard Dawkins, tác giả của cuốn Thượng Đế Ảo tưởng, và nhà vật lý Stephen Hawking, tác giả cuốn Lược sử thời gian, đều là những nhà khoa học nổi tiếng. Nhưng họ không hiểu đức tin tôn giáo là gì. Tôi đã có những lần trò chuyện với họ và tôi đã nói thẳng về điều đó với họ. Họ tôn trọng tôi bởi vì họ nhận thấy rằng tôi nói khách quan, và tôi cũng nghiên cứu khoa học như họ.

Theo Cha thì họ đang thiếu gì?

Quan niệm của Stephen Hawking về Thiên Chúa đó là: Thiên Chúa là cái gì đó chúng ta cần giải thích cho những gì chúng ta không thể hiểu được về vũ trụ. Tôi nói với ông ấy rằng, “Stephen, tôi xin lỗi nhưng Thiên Chúa là Thiên Chúa của tình yêu. Ngài không phải là một hữu thể để lôi vào nhằm giải thích mọi điều trong khi chính chúng ta không thể giải thích về chúng.”

Một lần nọ, tôi đã nói với Richard Dawkins rằng “Richard, tại sao ông cưới người phụ nữ đang làm vợ ông? Vì bà ấy có cặp mắt xanh, trang điểm móng tay màu đỏ, có một mái tóc xoăn dễ thương chăng?” Khi ông đặt tất cả các sự kiện cùng với nhau trong kinh nghiệm chung của con người – không chỉ là kinh nghiệm tôn giáo – ông không thể giải thích tất cả chỉ bằng lý trí. Kinh nghiệm con người có một đặc tính phi lý trí. Điều đó không có nghĩa rằng nó là vô lý. Ông không phải là người điên – ông có thể điên vì tình yêu – nhưng tất cả chỉ có nghĩa rằng vì ông không thể giải thích được mọi sự.

Khi cha cầu nguyện thì suy tư về 10, 000 tỷ ngôi sao của vũ trụ làm nên sự khác biệt nào không?

Chính xác. Khi tôi cầu nguyện với Chúa, Ngài là một Thiên Chúa hoàn toàn khác với Thiên Chúa mà tôi đã cầu nguyện khi còn là một đứa con trẻ. Thiên Chúa mà tôi cầu nguyện bây giờ là Đấng không chỉ tạo dựng nên tôi mà còn đưa tôi vào trong vũ trụ, một vũ trụ của năng động và sáng tạo. Vũ trụ tự nó không phải là một sinh vật, nhưng đó là một vũ trụ đã nảy sinh sự sống con người mà từ đó con người có thể cầu nguyện với Thiên Chúa.

Từ những hiểu biết khoa học của tôi, tôi cầu nguyện với Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên vũ trụ mà nơi đó con người đã được sinh ra và tiếp tục được sinh ra. Vũ trụ vẫn đang tiếp tục mở rộng. Chỉ mới 50 năm trôi qua thôi, nhưng hãy nhìn xem những gì con người đã làm được về mặt kỹ thuật.

Khi tôi còn nhỏ, lúc đó chúng ta chưa có tivi. Bây giờ bạn có một cái trong túi của bạn. Đó là sự phát triển của con người. Kỹ thuật là một sự mở rộng của chính chúng ta.

Trong vũ trụ bao la này còn có điều gì đặc biệt về chúng ta?

Chúng ta rất đặc biệt đối với Thiên Chúa, và chẳng có gì nghi ngờ về điều này. Ý tôi là Thiên Chúa đã gửi người Con duy nhất của Ngài đến với chúng ta. Là một thành phần đặc biệt trong vũ trụ là một chuyện, nhưng là một phần tử đặc biệt có thể hiểu biết về lịch sử tôn giáo và sống đời sống đức tin lại là một điều khác. Nhưng đó vẫn là một thách đố.

Là những đối tượng vật chất trong vũ trụ, thật là khó để tôi, một nhà khoa học biện hộ rằng chúng ta là đặc biệt. Lịch sử của chúng ta là một nền văn minh nhân chủng và điều đó khiến cho chúng ta trở nên đặc biệt. Nhưng nếu có một nền văn minh của lí trí và tinh thần được khám phá thì liệu nó có ảnh hưởng mối tương quan của ta với Thiên Chúa không? Tôi sẽ nhường câu trả lời cho các thần học gia.

Nhưng ví dụ tôi là một trong số 10 đứa con trong gia đình. Nếu mẹ tôi đã quyết định mua cho tôi một chiếc quần mới, điều đó có làm cho anh em khác của tôi trở nên ít đặc biệt đối với mẹ tôi không? Thật khó tin rằng việc khám khá ra một nền văn minh mới về lí trí và tinh thần sẽ làm giảm thiểu tình thương đặc biệt mà Ngài đã dành cho chúng ta.

Hoàn Chỉnh, S.J. lược dịch

nguồn: http://www.jesuit.org/blog/index.php/2012/02/dancing-with-the-stars-an-interview-with-vatican-astronomer-jesuit-father-george-coyne/#more-5307

Phỏng vấn linh mục giáo sư George Coyne, Dòng Tên – một nhà thiên văn họcHoàn Chỉnh, S.J3/29/2012
Pdf Email cho bạn bè In Ra Tăng Cỡ Chữ Giảm Cỡ Chữ Cỡ Chữ Ban Đầu