nut

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

LECTIO DIVINA

LECTIO DIVINA VÀ SỰ THÂN MẬT VỢ CHỒNG

Posted Tue, 05/03/2011 - 21:04 by nthung

Lectio divina và sự thân mật vợ chồng

--------------------------------------------------------------------------------

Vũ Văn An

Tập san America số ngày 9 tháng Ba năm nay có một bài của cặp vợ chồng Patrick J. McDonald and Claudette McDonald (1) viết về tác động của phương thức cầu nguyện bằng thánh kinh mà ta quen gọi là lectio divina đối với cuộc sống thân mật vợ chồng.

Cặp vợ chồng này cho hay họ rất may mắn có được một cuộc sống phu phụ tốt đẹp, đem lại cho họ nhiều phúc lộc. Và dù đã trải qua 34 năm chung sống, cuộc sống phu phụ ấy vẫn tiếp tục chín mùi, tăng trưởng. Nghiệm ra, họ thấy tuy cuộc sống phu phụ ấy có phong thái, tập chú và tầm nhìn hiện đại, nhưng các chiều kích sâu sắc hơn của nó lại được thúc đẩy bởi một thực hành rất xưa, đó là phương thức cầu nguyện bằng thánh kinh lectio divina.

Cặp vợ chồng này cũng là những nhà chuyên nghiệp trị liệu hôn nhân, chuyên giúp đỡ các cặp vợ chồng khác tìm kiếm một cuộc sống hôn nhân lành mạnh hơn. Nên họ không ngần ngại hướng dẫn các cặp vợ chồng này để họ hiểu biết các phúc lộc của phương pháp cầu nguyện hết sức đặc biệt này, được họ coi như một nền linh đạo chắc chắn không những đem lại một tình yêu tươi mới đối với Thiên Chúa mà còn thâm hậu hóa được cuộc sống thân mật của vợ chồng. Đôi khi họ có cảm giác như đang lạc điệu thời gian khi dính cứng vào lối cầu nguyện xưa cũ này. Tuy nhiên, sự chú tâm của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới gần đây về Lời Chúa khiến họ mạnh dạn hơn trong việc cổ vũ áp dụng phương thức cầu nguyện này vào cuộc sống phu phụ.

Lectio divina là cách gặp gỡ Chúa qua việc đọc Thánh Kinh cách to tiếng, cung kính và có suy nghĩ. Một cách đặc trưng, các đoạn Thánh Kinh này thường ngắn thôi; người đọc dừng lại sau khi đã đọc xong đoạn ấy, để người nghe thấm nhập từ từ tinh thần và nội dung Lời Chúa. Bài đọc này có thể được lặp đi lặp lại nhiều lần theo ý nguyện của người nghe, sau đó, các tham dự viên được mời gọi chia sẻ các phản ứng của mình. Có khi từ đó phát sinh ra lời cầu nguyện, có khi không.

Như thế, Lectio diễn tiến như cách suy niệm Lời Chúa và những gì Lời ấy cung hiến cho người nghe. Mọi trao đổi sẽ lên xuống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, trong khi người nghe nhận được những thông tuệ đầy ngạc nhiên cũng như những trực giác mạnh mẽ về địa vị của Chúa trong việc khai triển cuộc sống bản thân của họ.

Khía cạnh nhân bản của hôn nhân

Vốn là sản phẩm của nhu cầu nhân bản muốn được thuộc về, nên mọi cuộc hôn nhân đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi rất nhiều động lực nhân bản, cụ thể là hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố dục, cái thất tình nhân bản chi phối cuộc sống của đôi vợ chồng. Bởi thế, cuộc sống phu phụ đầy rẫy những cơ hội cho mọi dằng kéo rối rắm về xúc cảm cũng như hiểu lầm sâu xa. Cuộc sống nhàm chán hàng ngày, những căng thẳng liên tục mà hai vợ chồng luôn luôn gặp phải, những cố gắng thăng trầm trong việc tìm ra ý nghĩa cho tình nghĩa vợ chồng, tất cả những điều ấy buộc họ phải luôn canh tân, đổi mới.

Nhiều cặp vợ chồng đến thổ lộ với ông bà McDonald rằng họ cảm thấy họ bị khía cạnh nhân bản của hôn nhân trói tay, nên họ muốn đi tìm một cách thế nào đó để vượt lên trên các lầm lỗi và giới hạn của bản thân mình. Phương thức Lectio chính là phương thế giúp họ tìm ra cơ sở sâu xa hơn cho tình yêu, một cơ sở chắc chắn sẽ thăng tiến và hỗ trợ các cố gắng của họ trong việc phát triển cuộc sống thân mật vợ chồng đúng nghĩa của họ. Lời Chúa thúc đẩy họ phá vỡ các trói buộc chật hẹp trong tác phong phu phụ và mở ra một tầm nhìn mới mẻ đối với tương lai của cuộc sống thân mật ấy.

Lectio divina giúp họ ý thức rằng hôn nhân là một thực tại lớn hơn chính hai người phối ngẫu. Thiên Chúa trở thành nền tảng sâu xa của mọi hành động qua lại giữa họ với nhau. Nhờ đọc, lắng nghe, đối thoại và cầu nguyện, sự hiện diện của Thiên Chúa trở nên mỗi lúc mỗi hiện thực hơn. Cũng thế, hai vợ chồng cũng sẽ trở nên chân thực với nhau hơn vì Thiên Chúa mời gọi họ phải đặt mình trên cơ sở các sự thật thánh. Lòng kính trọng nhau cũng sâu sắc thêm, và với thời gian, một tình thân mật tươi mới cũng sẽ bắt đầu lộ diện. Một nền linh đạo chung cũng sẽ được khai triển. Vợ chồng sẽ tìm lại được một cảm thức mới về toàn diện tính của người kia và sẽ bớt không còn chú mục tới những vấn đề liên bản ngã vốn khiến họ mè nheo nhau. Việc thực hành lectio divina lại không đòi nhiều qui luật khó khăn. Ở đây, ông bà McDonald trình bày những điều ông bà cho là hữu dụng đối với ông bà và đề nghị ra một số bước đơn giản cho những ai muốn thực hành phương pháp cầu nguyện này.

Bốn bước

Tìm một chỗ thinh lặng. Vì chỗ thinh lặng là điều chủ yếu đối với bất cứ hình thức suy niệm nghiêm chỉnh nào, nên các cặp vợ chồng nên khởi sự bằng cách tạo ra một chỗ như thế cho riêng mình. Hãy tránh xa nơi có điện thoại. Tìm một lúc các con đang nghỉ ngơi hoặc thinh lặng. Tắt máy truyền hình hay máy truyền thanh đi. Sáng sớm là lúc thuận tiện nhất, trước khi các nhu cầu của cuộc sống hàng ngày khiến mình tất bật. Thường nên thu mình vào một góc trên lầu hay tại phòng gia đình, nơi có ánh sáng ban mai nhắc ta nhớ đây là lúc bắt đầu một ngày mới để ta tự ý thức mình là ai và Chúa đứng ở đâu trong cuộc sống mình.

Thở đều trước mặt Chúa. Một khung cảnh tương xứng về vật lý cần cho việc tạo thanh thản bên trong thế nào, thì ít phút thở chậm cũng tạo ra sự thanh thản ấy như vậy. Tâm trí ta bắt đầu tinh trong khi cơ thể lắng đọng từ từ và hơi thở lúc đó sẽ đưa ta trở vào với cõi thánh thiêng trong nội tâm. Bạn có thể hình dung mình thở đều trước mặt Chúa khi đang tiếp tục lắng đọng và dọn mình để Chúa đến viếng thăm. Khi đã cảm thấy cái bồn chồn lăng xăng của cuộc sống hàng ngày êm hẳn, mỗi người chúng ta sẽ kính mời Thần Trí Thiên Chúa đến ở với chúng ta trong 20 phút sắp tới. Và đấy là lúc để ta lắng nghe Lời Chúa.

Tập chú vào một đoạn Thánh Kinh ngắn. Vợ chồng hãy chọn một đoạn Sách Thánh ngắn và lần lượt đọc cho nhau nghe, một cách chậm rãi và tôn kính. Bước kế tiếp là mở lòng mình đón nhận sức mạnh của Lời Chúa. Ta lắng nghe trong khi Chúa dạy dỗ. Lời Chúa làm thông sáng đầu óc ta và mở rộng tâm hồn ta. Các cảm nghiệm của ta có thể diễn biến từ say sưa qua tỉnh táo, đôi lúc có thể buồn tẻ và ngay cả nhàm chán nữa. Tuy thế, Thần Trí Thiên Chúa không khi nào lại không đánh động ta cách này hay cách khác.

Có thể lấy một đoạn trong phúc âm Gioan làm điển hình. Vợ hoặc chồng có hể đọc to: “Nếu các con yêu Ta, thì các con sẽ giữ lời Ta và Cha Ta sẽ yêu các con và Chúng Ta sẽ đến với các con và cư ngụ trong các con” (Ga 14:23). Khi ta để lòng mình lắng xuống và lắng nghe lời Chúa hứa đến cư ngụ trong ta, sự thinh lặng sẽ làm các ý nghĩ và xúc cảm của ta sống dậy. Các hoài niệm của ta cũng sẽ trở nên sống động, cả hai vợ chồng cùng được nuôi dưỡng bằng những hoài niệm về lòng trung thành bền bỉ của Chúa đối với cuộc đồng hành dài lâu của mình.

Vợ chồng cũng sẽ hiểu ra rằng việc Thiên Chúa cư ngụ trong ta được cảm nghiệm nhiều cách khác nhau, vượt quá cả dự ứng của mình: trong những lúc khó khăn, khi mình không hiểu nhau, hay khi đang đi tìm một cơ sở sâu sắc hơn sau một biến cố đau lòng.

Đôi khi thay đổi nhau để cùng đọc đoạn văn đó. Các dị biệt trong giọng nói và ngắt quãng đôi khi làm sống dậy một ý thức nào đó trong mỗi người chúng ta; rồi ta lại để lòng mình lắng đọng một lần nữa. Ta có thể không hiểu hết các hệ lụy của việc đọc này, nhưng ta biết chắc ta đang được biến đổi cách nào đó trong thẩm sâu linh hồn, ở một bình diện nơi Thần Trí Thiên Chúa đang làm việc. Mà nếu một trong chúng ta đã thay đổi cách này hay cách khác, dù rất nhỏ nhoi, thì cuộc hôn nhân của chúng ta cũng sẽ thay đổi theo. Ta hiểu ra rằng việc Thiên Chúa làm cho ta bao giờ cũng tế vi và êm đềm, và do đó cách ta đối xử với nhau cũng sẽ phản ánh cùng một sự tế vi và êm đềm ấy.

Không sợ chia sẻ. Chia sẻ các tâm tư tình cảm chân thực có thể tạo ra lo âu bất ổn. Nói về các cảm nghiệm ở tầng sâu bao giờ cũng khiến vợ chồng trở nên dễ bị thương tổn hơn, và ai cũng thấy ngại ngùng về điều ấy. Tuy nhiên, trong những giây phút cứu độ này, vợ chồng phải cố gắng làm sao để chia sẻ với nhau một cách càng trung thực bao nhiêu càng tốt. Chúa luôn hiện diện ở đấy để nâng đỡ và hướng dẫn họ. Cầu nguyện từ trong tim có lẽ là điều dễ cho thấy điểm yếu hơn cả cho nên ngần ngại không muốn chia sẻ bình diện ấy là điều dễ hiểu. Cặp vợ chồng mà ông bà McDonald từng giúp đỡ đã cho ông bà hay: sự trung thực trong bình diện này quả đã khơi dậy cả một diễn trình học hỏi và trưởng thành liên tục. Họ nhanh chóng khám phá ra điều được ông bà McDonald mô tả là hình thức tối hậu của tình thân mật phu phụ: hồn với hồn.

Cuối cùng, lectio divina đem lại cho ta chính điều thuật ngữ này bao hàm: một cảm nghiệm học hỏi sâu xa, một bài học. Với thời gian, vợ chồng sẽ học được cách thở, cách sống và cách cư xử qua lại với nhau với ý thức rằng: Thiên Chúa thực sự là cơ sở dấu kín cho tình yêu của họ. Phong thái cư xử với nhau và cách thế họ chăm sóc lẫn nhau sẽ phản ánh mọi yếu tố của một tình yêu vô điều kiện: tha thứ, cơi mở, ân cần, nhậy cảm, kiên trì và mềm dẻo.

Sau buổi cầu nguyện buổi sáng, vợ chồng sẽ trở nên cởi mở để tiếp cận nhau một cách khác hẳn: kính trọng và tốt với nhau hơn nhiều. Họ có quyết tâm sẽ sống với nhau cách kiên nhẫn hơn, vì biết rõ Thiên Chúa luôn kiên nhẫn với họ. Suốt những giây phút còn lại trong ngày, qua nhiều cư xử muôn hình muôn dạng với nhau, vợ chồng luôn được nhắc nhớ tới tính thánh thiêng của hôn nhân. Sự nhắc nhớ ấy hiển nhiên là công việc của Thần Trí Thiên Chúa đang cư ngụ trong ta. Lòng tôn kính sẽ bắt đầu thắng lướt sự chỉ trích; sự an bình sẽ bắt đầu thắng thế bồn chồn bất an. Kiên nhẫn sẽ mỗi ngày một nhất quán hơn.

Nhiều cặp vợ chồng từng được ông bà McDonald chỉ dẫn cho hay lectio divina giúp họ khám phá ra căn bản mới cho tình thân mật của họ. Họ không còn thấy mình hoàn toàn chỉ biết dựa vào tài nguyên của mình nữa; trái lại, nay họ đã biết làm việc với Chúa để cổ vũ một óc sáng tạo mới cho cuộc sống chung của họ. Đôi khi, thực hành lectio này quá đơn giản đối với họ. Tuy nhiên, khi ta chịu để Thiên Chúa làm cơ sở dấu kín cho tình yêu của ta, thì cuộc hôn nhân của ta nhất định sẽ trở nên tỉnh táo đối với mọi thách đố và thành tựu của mối tình kia.

_______________________________________________________________________
(1) Patrick J. McDonald và Claudette McDonald là hai nhà trị liệu hôn nhân và gia đình, tại Des Moines, Iowa, và là hai tác giả cuốn “Marital Spirituality: The Search for the Hidden Ground of Love (Paulist Press) (Linh Đạo Hôn Nhân: Đi Tìm Cơ Sở Dấu Kín Của Tình Yêu).

NGUỒN : VietCatholic


Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

GIÁO LÝ RƯỚC LỄ I

MÔN: LINH ĐẠO MỤC VỤ
  GIÁO ÁN DẠY GIÁO LÝ
  KHỐI: RƯỚC LỄ 1






THIÊN CHÚA SÁNG TẠO TRỜI ĐẤT MUÔN VẬT
I.                  TIẾP ĐÓN
-         Vừa trong Thánh Lễ ra.
-         GLV hướng dẫn các em chuẩn bị lớp học, vừa chuẩn bị GLV vừa nói cho các em biết “ta cần phải biết giữ gìn cho môi trường luôn sạch đẹp.
-         GLV chuẩn bị dụng cụ cho tiết học, chỗ ngồi sạch sẽ.
-         Sau đó, dành chút ít thời gian trước khi xếp hàng vào lớp để GLV cùng các em tham quan nhà xứ, tạo cho các em nói lên cảm xúc của mình khi nhìn ngắm cây cối xanh tươi, trời đất, tinh tú là công trình tay Chúa sáng tạo, để dẫn các em vào tiết học hôm nay.



GHI CHÚ:
Chuẩn bị
ü  Một số cây cảnh.
ü  Tranh về sáng tạo.
ü  Giấy, bút màu.
II.               CẦU NGUYỆN MỞ ĐẦU
-         Lạy Cha, là Đấng tạo thành trời đất muôn loài, chúng con cảm tạ Cha đã dựng nên mỗi ngưòi chúng con, cho chúng con được sống an vui trong vòng tay yêu thương của ông bà cha mẹ, cho chúng con ngày ngày được đến trường. giờ đây cũng chính vì tình yuê Cha đã qui tụ chúng con về nơi đây để học giáo lý, để biết rằng Cha là Đấng giàu long thương xót nhân từ, để chúng con được gặp Cha, được làm người con của Cha.

Chuẩn bị:

v Mỗi em một cành hoa hoặc lá.
v Hai bình sứ để các em cắm cành lá hoặc hoa vào sau khi GLV cầu nguyện xong.

III.           CÁC EM NGHE LỜI CHÚA

DẪN NHẬP

-         Các em thân mến, các em có biết Thánh Phanxicô Assisi không?
-         À, Thánh Phanxicô assisi, là vị sứ giả của hoà bình, sống cách chúng ta bảy thế kỷ, nhưng để lại cho chúng ta một hình ảnh trẻ trung. Chưa có một vị Thánh nào trong Giáo Hội được yêu mến như Thánh nhân, không những Ngài có tình bác ái cao độ đối với con người, Ngài còn trải dài tình thương ấy đến cả muôn vật và cỏ cây.
-         Thánh Nhân cảm thấy thương tâm vô cùng mỗi khi có người ngắt, phá cỏ cây. Ngài nói với ngưòi làm vườn như sau:
-         Anh hãy để lại một góc vườn nguyên vẹn. đừng sờ đến cỏ cây, hãy để chúng sinh sôi nảy nở và lớn lên, ngay cả cỏ dại và hoa dại.
-         Mỗi lần đi qua góc vườn ấy, Ngài bước đi thật nhẹ nhàng và cẩn thận để không sát hại bất cứ một loại sâu bọ, côn trùng nào.
-         Gặp người ta mang chim ra chợ bán, Ngài mua hết để rồi thả chúng đi (phóng sinh). Ngài cũng đối xử như thế với mọi loài khác.
-         Mỗi khi gặp bất cứ ai, Ngài thường cất lên “bài ca vạn vật’ quen thuộc mà bất hủ để ca ngợi Đấng đã dựng nên vũ trụ này.
-         Các em thân mến, các em thấy thế giơi xung quanh của chung ta có đẹp không?... Với biết bao nhiêu loại cây cối, muôn thú, chim trời, cá biển,..
-         Đó chỉ là một số nhỏ mà thôi, còn muôn điều kỳ diệu mà các em chưa biết. Nhưng tất cả những thứ đó bởi đâu mà có?
-         Để có câu trả lời đích đáng, mời các em đứng lên nghe Lời Chúa.

LỜI CHÚA: St 1-2,4a

Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng chưa có hình dạng bóng tối bao trùm vực thẳm, và Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt đất.

Thiên Chúa phán: Phải có ánh sáng, liền có ánh sáng. Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng và bóng tối. Thiên Chúa gọi ánh sáng là “ngày” , bóng tối là “đêm”. Qua một buổi chiều và sáng, đó là ngày thứ nhất.

Thiên Chúa phán: Phải có một vòm ở giữa khối nước, để phân rẽ nước với nước. Liền có như vậy. Thiên Chúa gọi vòm đó là “trời”. Thiên Chúa phán: Nước phía dưới trời phải tụ lại một nơi để chỗ cạn lộ ra. Thiên Chúa gọi chỗ cạn là “đất”. Qua một buổi chiều và một buổi sáng, đó là ngày thứ hai.

Thiên Chúa phán: Đất phải sinh thảo mọc xanh tươi, có mang hạt giống, và cây trên mặt đất phải có trái. Liền có như vậy. Qua một buổi chiều và một buổi sáng, đó là ngày thứ ba.

Thiên Chúa phán: phải có những vòm sáng trên vòm trời, để phân rẽ ngày với đêm, Thiên Chúa đặt cái vòm sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất, để điều khiển ngày và đêm, và để phân rẽ ánh sáng và bóng tối. Qua một buổi chiều và một buổi sáng, đó là ngày thứ tư.

Thiên Chúa phán:Nứơc phải sinh ra đầy dẫy những sing vật lúc nhúc, và loài chim phải bay lượn trên mặt đất, dưới vòm trời. Đất phải sinh ra các sinh vật tuỳ theo loại: gia súc, loài bò sát và dã thú tuỳ theo loại. Liền có như vậy.Qua một buổi chiều và một buổi sáng, đó là ngày thứ năm.
Thiên Chúa phán: Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, để con người làm chủ cá biển, chim trời, gia súc, giã thú, tất cả mặt đất và mọi giống bò sát dưới đất. Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Qua một buổi chiều và một buổi sáng, đó là ngày thứ sáu.
Thế là trời đất cùng với mọi thành phần đã hoàn tất. Ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ ngơi.

 IV.           DIỄN GIẢI

-         Các em có biết tại sao Thiên Chúa không tạo dựng một ngày một, mà phải tạo dựng từng ngày, từng ngày hay không?
v Các em thưa:..
-         Câu hỏi đó chị sẽ trả lời sau khi các em tô xong bức tranh này nhé! có được không nào?
-         Vậy bây giờ chúng ta bắt đầu nhé!
Ø Cho các em tô màu các bức vẽ, sau đó dán vào bìa cứng thành một bức tranh hoàn chỉnh.
Ø Giải thích đề tài của bức tranh theo thứ tự tạo dựng của Thiên Chúa.
Ø Giải thích xong cho các em xem các hình ảnh về cảnh tạo dựng.

V.               ĐẶT VẤN ĐỀ -ĐÀO SÂU CHỦ ĐỀ

1.      Thiên Chúa sáng tạo từ hư không

Ø  Qua đoạn Lời Chúa các em vừa nghe, sách Sáng Thế đã kể lại công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Từ những gì không có, Thiên Chúa đã làm nên tất cả, như Người đã sáng tạo nên mặt trời, mặt trăng, đất, biển, chim, cá,… và những gì Người sáng tạo nên tất cả điều tốt đẹp.
-         Qua công trình sáng tạo này các em thấy có tuyệt vời không?
v Các em thưa: Dạ có
Chị ví dụ:
Ø  Các em biết muốn có một cái áo đẹp, thì người thợ may có các dụng cụ như: vải, kéo, thước, kim, chỉ, máy may,… và từ những dụng cụ này người thợ may sẽ may được một cái áo đẹp.
Ø  Hay là muốn có một nồi cơm ngon, thì chúng ta cần phải có: nồi nước, gạo củi,.. từ những đồ dùng này chúng ta sẽ nấu được một nồi cơm ngon.
-         Vậy chị đố các em Thiên Chúa sáng tạo bằng cách nào?
v Các em thưa : Dùng Lời quyền năng.
Ø  À vậy Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật không cần các dụng cụ, nhưng Ngài chỉ dùng Lời Quyền năng mà phán.
Ø  Thế thì Ngài muốn sáng tạo trời đất thì Ngài phán “hãy có trời và đất’ tức thì trời và đất được dựng nên. Hay muốn dựng nên ánh sáng Thiên Chúa cũng dùng Lời quyền năng mà phán như vậy “hãy có ánh sáng” và rồi ánh sáng được dựng nên và Ngài tách ánh sáng và bóng tối ra Ngài gọi ánh sáng là ngày, còn bóng tối là đêm.
Ø  Như vậy: Thiên Chúa sáng tạo bằng “Lời Ngài phán”.
Ø  Thiên Chúa làm được những điều kỳ diệu như vậy nên chúng ta không nên coi Thiên Chúa chế tạo như các nhà máy chế tạo giấy, hay chế tạo giày dép,.. mà chúng ta phải nói Thiên Chúa sáng tạo từ hư không này bằng lời quyền năng.
-         Có phải để Ngài khoe tài không các em?
v Các em thưa: Dạ không
-         Có phải để Thiên Chúa dùng cho sướng không các em?
v Các em thưa: Dạ không
-         Vậy Thiên Chúa sáng tạo mặt trời để làm gì vậy các em?
v Các em thưa: Dạ để chiếu sáng cho chúng ta thấy đường đi
Ø  À các em nói đúng rồi, Thiên Chúa sáng tạo ra mặt trời để chúng ta có ánh sáng
Và thấy đường để đi.
-         Vậy hằng ngày các em ăn cơm, các trái cây… những thứ đó do đâu mà có
v Các em thưa: Dạ do Chúa dựng nên
-         À, đúng rồi Thiên Chúa sáng tạo những thứ đó để phục vụ cho mỗi người, vậy thì Thiên Chúa có yêu thương chúng ta không?
v Các em thưa: Dạ có
-         Các em nhìn xem trên bàn chị có cái gì nè?
v Các em thưa: Dạ một cái cây.
-         Các em thấy cái cây nay có đẹp không nè?
v Các em thưa: Dạ đẹp
Ø  Đúng rồi đây là công trình của Thiên Chúa tạo dựng nên trời đất muôn vật vì yêu thương loài người chúng ta phải không nè
-         Vậy thì chúng ta phải có thái độ nào với Thiên Chúa nè?
v Các em thưa: Dạ chúng em phải biết ơn Chúa và sống ngoan hiền.
Ø  À, chúng ta phải cảm tạ Thiên Chúa bằng cách sống tốt, không phá hoại, hay hái trái cây, bẻ cành cây nơi khuôn viên Nhà Thờ cũng như nơi các nơi khác, chúng ta phải cảm tạ Chúa mỗi khi nhìn cảnh vật thiên nhiên.

2.      Thiên Chúa sáng tạo thế giới hữu hình

Ø  Như các em đã biết chính Thiên Chúa là Đấng sáng tạo trời đất muôn vật hữu hình và vô hình.
-         Vậy em nào nói cho cả lớp nghe Thiên Chúa đã sáng tạo những vật nào?
v   Các em thưa: Thiên Chúa sáng tạo Mặt trời, Mặt trăng, cây Xoài, cây Mít, hoa Hồng, hoa Hướng Dương,..
-         Tất cả những tạo vật các em vừa kể, các em có nhìn thấy không?
v Dạ thấy
-         Các em có sợ vào được không?
Ø  Những tạo vật như Mặt Trời, Mặt Trăng được gọi là hữu hình.
Ø  Vậy hữu là có. Hình là hình ảnh, hình thể, có kích thước có thể xem, sờ, đựng, ngửi, quan sát, khảo sát được.
Ø  Vậy hữu hình là hình ảnh có thực.
-         Ai có thể cho chị biết những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã dựng nên?
v Mặt trời, Mặt trăng và mọi loài.
Ø  Thiên Chúa sáng tạo vì yêu thương chúng ta.
Ø  Thiên Chúa chăm sóc, hướng dẫn mọi loài.

3.      Thiên Chúa sáng tạo thế giới vô hình

-         Thế giới vô hình là gì?
Ø  Vô là không, hình là hình ảnh, hình thể. Thế giới đó không có vật chất.
-         Thế giới vô hình ta có thể thấy hay sờ được không?
Ø  Ta không thể thấy và sờ được.
Ø  Các em cho Soeur biết các Thiên Thần hữu hình hay vô hình.
-         Vì sao?
Ø  Thiên Thần là vô hình, vì ta không thể thấy các Thiên Thần giúp đỡ phù trợ gọi là Thiên Thần bản mệnh.
-         Khi học bài, các em có muốn ai giúp đỡ các em không?
-         Khi đi học, các em có muốn có người đưa các em đến trường không?
-         Khi làm việc gì khó khăn, các em có muốn ai cộng tác với các em không?
-         Cả khi chơi, các em có muốn có bạn chơi với các em không?
Ø  Chính Thiên Chúa, Cha của chúng ta đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta là cho chúng ta là cho các Thiên Thần giúp đỡ các em. Thiên Thần bản mệnh luôn ở với chúng ta.
Ø  Vậy các em phải tập thói quen cầu nguyện với các Thiên Thần như:
·        Trước khi đi ngủ.
·        Khi thức dậy hay khi làm bất cứ việc gì.
VI.           CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ

GLV cho các em đứng lên, thinh lặng trong ít phút.
LỜI NGUYỆN:
Lạy Chúa thế giới chung quanh các con rất đẹp bao la trừ phú, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con. Chúng con sẽ cố gắng yêu thương chúng như Chúa đã yêu thương ưu ái ban chúng cho con.

VII.        TÓM LƯỢC BÀI – CHỈ ĐỊNH BÀI HỌC THUỘC LÒNG

1. Ai dựng nên trời đất muôn vật?
 - Chính Thiên Chúa đã dựng nên trời đất muôn vật.
2. Thiên Chúa tạo nên trời đất muôn vật bằng cách nào?
 - Thiên Chúa tạo nên trời đất muôn vật bằng cách “ Thiên Chúa phán”.

VIII.    SINH HOẠT – CHƠI- GIẢI TRÍ

- Trò chơi: đặt tên các con vật……….
Ngày xưa Adam, Eva
Thiên Chúa cho làm mẹ cha
 Đặt tên muôn loài muôn thú
Con này là con gì?

IX.           CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

Lạy Chúa, qua một giờ học giáo lý, chúng con đã hiểu được Chúa ban cho chúng con một thế giới tuyệt đẹp.
Đọc kinh sáng danh.

X.               GIẢI TÁN – TIỄN CÁC EM RA VỀ

Chúc các em một tuần lễ vui vẻ khỏe mạnh và làm được thật nhiều việc tốt để xứng đáng làm con Chúa.